Chương 3: Mỹ Nhân Đài
Nước Kỳ, nơi giàu có hoa lệ nhất trong ngũ quốc. Thường nói "phú quý sinh lễ nghĩa", chính là để miêu tả nơi này. Gạch hoa dùng vàng, ngói dùng ngọc bích, quặng vàng, ngọc thô thứ phẩm im lìm nằm cùng sỏi đá ngoài bãi sông. Tiền tài quá tầm thường, không đủ làm thước đo xem một người đáng giá bao nhiêu tôn trọng. "Lễ" trở thành yếu trọng. Những người phát minh ra lễ cho rằng: không bị tiền tài dư thừa làm sa đọa trượt khỏi lễ nghĩa đạo đức, mới xứng đáng hơn người.
Nước Kỳ có Mỹ Nhân Đài, trong đài có ngũ đại giai nhân. Mỹ Nhân Đài là thắng cảnh đệ nhất nước Kỳ, ngũ đại giai nhân là vẻ đẹp lộng lẫy nhất. Họ được toàn dân ngưỡng mộ, tự hào với tứ quốc xung quanh là không có ai lễ nghĩa hoàn hảo hơn tam công tử và nhị tiểu thư của họ. Mỹ Nhân Đài chia năm tầng. Tầng một ứng với lễ tiếp đón khách – "tân lễ", do tiểu thư Tân Hoan làm chủ. Tầng hai ứng với lễ cưới hỏi, gọi là "gia lễ", do tiểu thư Thục Gia làm chủ. Tầng ba ứng với các lễ nghi trong quân đội, gọi là "quân lễ", do công tử Huệ Quân làm chủ. Tầng năm ứng với các lễ tang nghi, gọi là "hung lễ", do công tử Tấn Hung làm chủ. Tầng cao nhất là các lễ nghi tế trời đất - "cát lễ", do công tử Cát Sinh chủ sự. Công tử Cát Sinh được ngầm hiểu là người đứng đầu Mỹ Nhân Đài, bốn người còn lại hành động đều theo chỉ thị của người ấy.
Văn Nhân Trác cũng từng có thời gian ở tại Mỹ Nhân Đài, nhưng không phải nơi nào trong năm tầng lầu kia. Mỹ Nhân Đài xây dựng tại nơi phồn hoa nhất đế kinh nước Kỳ, năm tầng lầu sa hoa soi bóng bên sông Thiên Duệ. Mặt nước ở nơi này trong suốt hiếm có, người dân nước Kỳ từng kiêu ngạo nước sông Thiên Duệ có thể sánh ngang với sông Hoàng Long ở nước Chân. Trong mắt Văn Nhân Trác, sông Thiên Duệ chảy quanh đế đô, giống như một tấm kính, ánh nến trong những chiếc đèn lồng vàng phản chiếu trên mặt sông, sáng đến lóa mắt người nhìn, không cho ai nhìn lâu hơn, sâu hơn, che dấu hết thảy bại hoại dưới đáy sông. Mỹ Nhân Đài không chỉ có năm tầng lầu, bên dưới, sâu trong lòng đất, còn có chín tầng Lạc Viên. Ở trong căn hầm ẩm thấp, đôi khi sẽ có nước sông và bùn lầy hôi thối thấm qua tường gỗ lâu năm, Văn Nhân Trác nhờ đó biết mình ở dưới đáy sông.
Nước Kỳ tôn vinh lễ nghĩa, nhưng người dân bẩm sinh có máu kinh thương, Mỹ Nhân Đài quanh năm chỉ tổ chức hết lễ này đến lễ khác, không có nổi một khoản thu, chủ nhân dù ngoài mặt tươi cười, trong tâm ắt vẫn không cam. Nước Kỳ đâu đâu cũng là phú hộ, đâu đâu cũng tự nhận mình yêu lễ, trọng lễ, nhưng nếu hỏi có ai cam nguyện chi tiền co Mỹ Nhân Đài để quanh năm tôn vinh lễ hay không, thì hẳn là không có. Ai có thể ném tiền nuôi một con thuồng luồng lòe loẹt? Tiền xây Mỹ Nhân Đài đã nuốt hết một nửa gia sản của ngũ đại thế gia. Để duy trì nó, qua nổi một năm đã là kỳ tích. Vậy là Mỹ Nhân Đài soi bóng bên sông Thiên Duệ đã hai mươi năm, ngũ đại thế gia cũng càng ngày càng giàu có uy vọng.
Đều nhờ vào Lạc Viên.
Để cho bông hoa Mỹ Nhân yêu kiều khoe sắc sinh hương, rễ cây phải cắm sâu vào trong bùn đất đáy sông, vùi vào tăm tối nhơ nhớp, không ai thấy.
Lạc Viên chính là nguồn sống của Mỹ Nhân Đài. Bị bắt tới Lạc Viên không quá ba tháng, thần chí Văn Nhân Trác chỉ còn lại một sợi tơ cuối cùng duy trì, lúc nào cũng trực vụn vỡ, đứt đoạn. Văn Nhân Trác ngoại hình xuất chúng, mái tóc màu bạc trắng mềm mại như làn mây vắt ngang bóng nguyệt, đôi mắt màu xám bạc mông lung vô định do bị lòa, mũi cao cương nghị, khóe miệng hàm tiếu, giống như trích tiên lưu lạc hồng trần. Mắt của Văn Nhân Trác bị lòa do tai nạn, chỉ cần đưa về nơi y học cực thịnh là nước Lương thì sẽ dễ dàng chữa khỏi. Nhưng chủ sự Lạc Viên – Cát Sinh công tử cảm thấy vẻ mông lung này rất hút mắt, nếu được "đào tạo" thêm, số vàng thu về ắt hẳn có thể phủ kín mặt sông Thiên Duệ. Văn Nhân Trác trở thành kẻ mù từ đó, bị xích trói, bị cho dùng thuốc, bị các cô Tân Hoan và Thục Gia không đợi nổi huấn luyện hoàn tất mà muốn gọi tới phòng riêng. Sau đó nhuộm máu khuê phòng của bọn họ. Sau đó nữa, Lam Nô được phái tới trông chừng anh. Ban đầu Cát Sinh cảm thấy trò chơi "thuần hóa mỹ nhân hoang dã" hẳn rất thú vị, phải có khiêu khích một chút mới làm người ta càng kích động, càng ngu ngốc ném tiền vào Lạc Viên. Nhưng ai ngờ mỹ nhân này không thuần được. Cát Sinh nói đầu tiên phế đi hai chân, thử xem bẻ bao nhiêu cái xương thì đánh gãy được ý chí của mỹ nhân này. Mạng thì vẫn phải giữ, nợ máu của hai vị tiểu thư vẫn phải đòi.
Lam Nô chính là kẻ quản thúc anh. Hình như còn rất trẻ tuổi, gọi là Lam Nô vì trên mặt có một vết chàm xanh choán hết dung mạo, chỉ chừa một hốc mắt, hốc mắt ấy cũng có màu xanh lam. Không biết Văn Nhân Trác đã nghe ái nói, người mang con mắt xanh lam được trời cao ưu ái, là bậc đại trí. Văn Nhân Trác cười như kẻ mất trí, bắt đầu lảm nhảm nói chuyện với Lam Nô. Buổi sáng bị lôi đi hành hạ, buổi đêm không ngủ giảng bài cho Lam Nô. Giảng hết cả một kho sách sơ học, trung học. Chẳng biết Lam Nô có nghe hay không, nhưng Văn Nhân Trác cứ nói mãi không ngừng. Đến một ngày đang giảng giữa trừng, anh nghe tiếng cửa mở, hình như Lam Nô đi ra ngoài. Anh cười cười, không biết là thất vọng hay là buồn bã nhiều hơn, im lặng ngồi trong bóng tối nhẩm tính xem còn bao nhiêu ngày nữa thì mình sẽ phát điên. Tính mãi tính mãi, Lam Nô trở lại, mang theo trà và thức ăn. Dựa vào mùi vị, Văn Nhân Trác biết những thứ này là cực phẩm, e rằng chỉ có ngũ đại nhân vật kia mới có thể dùng, trong trà cũng bỏ thêm dược liệu quý giá. Ngón tay Lam Nô còn có mùi máu rất nhạt. Chưa kịp cất tiếng hỏi, anh đã nghe Lam Nô mở miệng lần đầu tiên trong đời:
"Sắp sửa giảng tới bác học, đại luận phải không?"
Văn Nhân Trác ngạc nhiên, giọng nói thiếu niên này trong trẻo hơn cả nước đầu nguồn, tựa như một khúc nhạc an thần, du dương như tiếng vọng của đại dương. Anh ngơ ngác gật đầu. Thiếu niên – anh không muốn gọi cậu là Lam Nô nữa, đó là cách gọi để sỉ nhục – lại nói:
"Hiện giờ ngươi quá yếu, nuôi ngươi một tháng rồi chúng ta sẽ đi."
"Cậu tên là gì?" – Văn Nhân Trác hỏi, tựa như điều này còn bức thiết và khiến anh kích động hơn cả hi vọng có thể thoát khỏi nơi này. Thiếu niên dửng dưng hỏi lại:
"Ngươi muốn gọi là gì?"
"Thủy Tinh?"
Hình như Văn Nhân Trác vừa nghe được tiếng thiếu niên khịt mũi coi thường. Ý anh là "tinh linh nước", nhưng nếu thiếu niên không thích, vậy nên đổi là gì đây?
"Gọi là Vũ đi." – dứt lời liền nhét đầy họng Văn Nhân Trác, tỏ ý bảo anh im miệng. Mọi ngày anh vẫn nói không ngừng, hôm nay lại bị chê ồn ào, điều này có hơi mới lạ, anh chưa thể quen ngay được. Ăn xong, Vũ lại dục anh đi ngủ, anh nói mình không ngủ được, cậu liền thẳng tay đánh anh ngất xỉu. Văn Nhân Trác ngủ một mạch tới lúc bị Vũ lay dậy. Cậu nói sẽ không cho anh ăn bữa sáng, đằng nào thì chốc nữa anh cũng sẽ bị bọn người trong Lạc Viên làm cho buồn nôn đến độ mật xanh mật vàng cũng không giữ nổi trong bụng. Chính vì phản xạ nôn này mà đến giờ anh vẫn là một trong những kẻ hiếm hoi ở trong Lạc Viên mà vẫn còn "trong sạch". Nhưng thủ đoạn tra tấn cưỡng ép thì vẫn phải chịu mỗi ngày. Biết được Vũ đã thấy những cảnh khó coi của mình, anh chợt cảm thấy xấu hổi quá đỗi. Trước khi cậu lên tiếng nói chuyện, anh cũng biết cậu luôn theo sát bên mình để ngăn cản mình tìm chết, những lúc ấy cảm thấy không sao cả, vì không chỉ có mỗi cậu nhìn thấy, còn rất nhiều người đều nhìn, thậm chí là chạm vào anh rồi. Nhưng sau một đêm, anh cảm thấy xấu hổ, không dám đối mặt với cậu. Tiếc là anh không biết cậu đang ở chỗ nào nên cũng không biết phải giấu mặt vào đâu.
Vũ không nuôi nổi Văn Nhân Trác tròn một tháng. Có lẽ Vũ nuôi quá mát tay, khí sắc của anh tốt lên rất nhiều.
Bị Cát Sinh nhìn thấy.
Hắn lệnh mang anh đi. Lúc đó, Vũ không ở cùng anh.
Cát Sinh sẽ không ở tại Lạc Viên để thừa hoan. Mỗi lần hành sự, hắn đều đem người lên tầng cao nhất của Mỹ Nhân Đài, bên trên tế đàn. Cát Sinh ném Văn Nhân Trác lên tế đàn, áp tới từ đằng sau, nắm lấy mái tóc đẹp như mây của anh, thì thầm miêu tả cho anh những gì hắn đang nhìn thấy.
Toàn lời của kẻ tự phụ mất trí.
Văn Nhân Trác muốn xin lỗi Vũ, nuôi anh lâu như vậy mà chẳng được ích lợi gì. Anh lẩm bẩm:
"Nếu được tái sinh, kiếp sau tôi sẽ lấy thân báo đáp cho cậu, Vũ à."
Cát Sinh không nghe rõ toàn bộ Văn Nhân Trác nói gì, nhưng hắn nghe rõ "lấy thân báo đáp" và "Vũ". Hắn lật người anh lại đối diện mình, muốn thử móc mắt của anh xuống xem liệu có thể làm anh biết rõ hắn là ai hay không. Văn Nhân Trác đặt tay lên ngực hắn, không phải để đẩy ra, mà để cắm vào. Căn nguyên của anh đã hao hụt gần hết, nhưng bùng nổ trong chớp nhoáng để nối lại gân tay bị đứt và móc tim tên khốn kiếp này ra bóp vỡ thì không có vấn đề. Chỉ là sau đó thì anh sẽ chết thôi. Nhưng đó cũng không phải vấn đề lớn lắm. Văn Nhân Trác Nghĩ vậy.
Một tia chớp lóe lên trong thế giới đen đặc của Văn Nhân Trác. Anh thấy lồng ngực của kẻ trước mặt đột nhiên căng cứng rồi mềm rũ xuống. Một lưỡi kiếm sáng lòa đâm xuyên qua cổ họng của công tử Cát Sinh. Trông hắn méo mó, hung tung tợn và thảm hại, chẳng giống như trong những lời nịnh nọt không ngớt của bọn nô dịch bên dưới Lạc Viên. Sự chú ý của anh đổ dồn vào đôi mắt của người phía sau. Đúng là một bên mắt có màu xanh lam, nổi bật trên làn da trắng. Bên còn lại đen thẳm, chìm xuống giữa vệt chàm xanh. Dường như ánh sáng trong đôi mắt kia còn rực rỡ hơn tất cả đèn đuốc của nước Kỳ đang cháy hừng hực phía sau, và cả ngọn lửa đang bùng lên mạnh mẽ giữa mỗi tầng lầu nữa. Vũ rút kiếm khỏi cổ họng của Cát Sinh, chặt một nhát bén ngọt cắt đứt cùm tay cho Văn Nhân Trác. Cậu đạp hắn qua một bên, sức lực thật khó tin so với một cơ thể nhỏ bé như thế. Vũ bước đến, vòng tay ra sau anh, ôm chặt lấy, nói với giọng đều đều:
"Tôi đốt chỗ này rồi, bây giờ chúng ta sẽ nhảy từ đây xuống sông."
Mỹ Nhân Đài cao ba mươi trượng, có nhiều kiến trúc mái hiên chìa ra ngoài, từ trên đỉnh đài nhảy xuống không giống như một kế hoạch bỏ trốn thông minh. Nhưng Văn Nhân Trác vừa bước một chân vào chỗ chết rồi. Nếu Vũ không đến thì một chân còn lại của anh cũng theo sau bạn tốt của nó luôn. Vậy nên anh thản nhiên gật đầu. Chân của Văn Nhân Trác hoàn toàn không dùng được, phải dựa tất cả vào Vũ. Cậu im lặng ôm anh mang đi, hình như cậu không cầm thanh kiếm ban nãy nữa, nhưng anh cũng không nghe thấy tiếng nó bị ném xuống đất. Có nên bảo cậu ấy mang theo vũ khí không? Nhưng nhảy từ đây xuống sông, tay và chân của anh hoàn toàn không dùng được, là một gánh nặng đúng nghĩa, có lẽ không nên bảo cậu cầm thêm cái gì. Trong khi Văn Nhân Trác còn đang mải tự hỏi, Vũ đã mang anh ra tận ngoài rìa mái ngói, đứng ở đây cũng có thể cảm nhận được hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Không hề báo trước, Văn Nhân Trác chỉ thấy vòng tay ôm mình chặt hơn rồi toàn thân rơi tự do. Không có cảm giác chới với đáng sợ, Vũ ôm anh rất chặt. Văn Nhân Trác đã ngất đi trước khi chạm tới mặt nước. Căn nguyên của anh dù không bùng nổ, nhưng hình như cũng đã tới giới hạn rồi. Trước lúc lịm đi, anh khẽ nở một nụ cười, ít nhất cũng đã biết mặt ân nhân, kiếp sau có thể tìm cậu báo ơn. Nhưng rồi anh lại hơi tiếc nuối thay cho Vũ. Nếu lúc lôi anh lên bờ, thấy anh đã lạnh, chắc cậu sẽ thất vọng lắm. Kiếp này thật có lỗi.
---
Văn Nhân Trác đã đợi trong Lạc Viên mười lăm ngày rồi. Anh ngược về quá khứ mười lăm ngày rồi.
Không thấy Vũ.
Lúc này mắt của anh chưa mù hẳn, vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh mờ mờ. Anh cố gắng căng mắt nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy cậu. Sau khi bóp cổ gần chết một vị tiểu thư và đâm một vị còn lại trọng thương, Vũ mới đến chỗ anh giám sát. Vậy là anh phải đợi ba tháng nữa mới có thể gặp cậu sao? Anh không ngại xử lý hai ả kia lần nữa, nhưng anh rất nôn nóng muốn gặp Vũ. Cậu vẫn là thiếu niên năm đó, anh phải làm quen lại từ đầu, hay cậu cũng giống như anh, trở về thời điểm lần đầu tiên gặp mặt? Có lẽ anh sẽ phải làm quen lại, bởi vì khi xưa cậu hiến tế căn nguyên, hồn phách cũng tuyệt tích. Một ngàn năm sau gặp lại, anh luôn cảm thấy linh hồn của cậu không đầy đủ. Văn Nhân Trác luôn cố nghĩ lạc quan, nhưng vô số ý nghĩ cho rằng cậu đã không còn nữa vẫn không ngừng nảy nở. Hồn phách của Vũ đã bị xói mòn rồi tan biến trong vòng tay anh ở thời điểm một ngàn năm sau. Còn có khả năng tái sinh hay không?
Mùi máu xông tới. Tiếng cơ thể đổ xuống và tiếng máu thịt lép nhép khi tiếp xúc với mặt sàn mạnh mẽ vọng vào tai anh. Người kia hẳn bị thương rất nặng, máu đổ lênh láng. Tiếp theo là giọng nói của Cát Sinh:
"Dạy dỗ lâu như vậy mà vẫn thất lễ với quan khách, là vật vô năng, vô dụng, vô tri rồi, đừng để thứ này lại làm lây nhiễm tác phong không tốt lên những đứa xung quanh."
Cát Sinh nói rồi đi về phía này, tên giáo quan đang dẫn anh đi "học tập" vội vã kéo giật cánh tay anh lại. Hắn cao khoảng bốn thước, bề ngang gần đuổi kịp bề dọc. ( dùng đơn vị đo cổ của Việt Nam 1 thước = 40cm) Văn Nhân Trác tuy cao lớn nhưng đã mang thương tích từ trước, thân trước của anh còn một vết chém xuýt nữa có thể chia anh ra làm hai vẫn chưa lành, yếu ớt như một dải lụa mảnh mặc người dành giật. Tên giáo quan kéo rất mạnh, vết thương lại nứt ra. Nhưng cảm nhận được máu của bản thân và sự hiện diện của Cát Sinh làm anh nảy ra một ý. Anh bắt đầu lẩm bẩm, Cát Sinh vừa lúc đi qua đã chú ý đến anh, tên giáo quan thì nóng ruột, vừa cố sức xô đẩy vừa quay sang giả lả xin lỗi đã ngáng đường, sau đây sẽ trừng trị tên vô lễ này. Cát Sinh khẽ nhíu mày, cảm giác bất an trào dâng khi đến gần và nghe rõ tiếng của Văn Nhân Trác. Hắn không hiểu anh đang lẩm bẩm cái gì, tên giáo quan cũng không biết, nhưng nếu có một người nước Chân bất kì nào ở đây nghe được, chắc chắn sẽ tuyệt vọng tự sát tại chỗ. Ngày nay nhắc đến nước Chân, bốn nước láng giềng đều tự động hình dung đến đất nước có thể chế như một giáo phái, thống trị bởi một vị Thủy sư cấp cao, dân chúng tôn gọi là đức Đại Trí. Thực tế, nước Chân có hai tộc lớn là Trì Vũ và Tích Thủy, chia nhau cai quản hai vùng biển Sinh – Tử. Bộ tộc Trì Vũ cai quản biển Khởi Sinh chính là "nước Chân" mà các nước láng giềng đều biết. Bài hát mà Văn Nhân Trác đang ngân nga xuất xứ từ vùng đất không được tứ quốc biết tới – Tử Hải - nơi tộc Tích Thủy cư ngụ. Theo phong tục của tộc Tích Thủy, khi có người chết, thi thể sẽ được ném xuống biển, sau đó nếu thân xác trôi ngược tới sông Trường Ca, vậy chứng tỏ họ ra đi thanh thản không có nuối tiếc. Nhưng nếu thi thể trôi tới sông Uổng Mệnh, vậy bài ca tai ương sẽ được Vũ sư cất lên, là lời hứa báo thù với vong hồn. Sở dĩ người nước Chân – hay chính xác là tộc Trì Vũ, sợ hãi bài ca tai ương như vậy, bởi vì tộc Tích Thủy sẽ không ngừng trả thù cho tới khi máu của kẻ thù đổ xuống đủ để tạo thành làn sóng trên mặt Tử Hải tĩnh lặng, xô thi thể người chết về đúng cửa sông . Bài ca tai ương luôn vang lên trong mỗi cuộc chinh phạt báo thù, như tiếng trống trận, như tiếng gọi của tử thần. Trước hành động tắm máu rửa thù của người tộc Tích Thủy, người tộc Trì Vũ chỉ có thể phản kháng bằng cách tự sát, thà tự vẫn biến thành nước biển chứ cũng không chịu góp máu làm đầy Tử Hải. Hai vùng biển một sinh động một chết chóc, một sóng gió một im lìm, nhưng đều cuộn trào những cơn sóng ngầm thù hận nơi đáy sâu.
Tai ương ca đã cất lên, máu của thi thể nằm trên sàn nhà vốn đang lạnh dần bỗng sôi sục, đáp lại lời kêu gọi của Vũ sư. Vũng máu nổ tung, vô số tia máu bắn ra, làm cho nơi họ đứng bỗng dưng trở thành một cái kén tằm đỏ rực. Cát Sinh nhanh chân lùi lại, bung quạt chặn lại những tia máu đang bắn về phía mình. Nhưng những tia máu tưởng trừng yếu ớt lại rắn chắc hơn cả sắt thép, đâm xuyên qua cây quạt. Cát Sinh đành gập nó lại, xoay cổ tay gom hét những sợi tơ đỏ chết chóc lại. Nhưng hắn chưa kịp thi pháp thì chiếc quạt đã bị giật tuột khỏi tay, rơi vào tay của tên giáo quan. Cát Sinh không khỏi kinh sợ. Trên người tên giáo quan bị vô số sợi tơ máu đâm xuyên qua, mạch máu bị phá vỡ, máu bị rút ra. Xuất huyết dưới da làm cơ thể hắn từng mảng xanh đỏ đan xen. Lượng mỡ quá nhiều, làm cho dù bị hút khô nhưng khối tròn trước bụng vẫn treo ở đó, trông chẳng khác nào một con rối hài hước. Không chỉ tên giáo quan, những tên tùy tùng của Cát Sinh ban đầu xiêu vẹo nghiêng ngả cũng nhanh chóng cử động linh hoạt lại, nhưng tình trạng xuất huyết thê thảm, cơ thể khô quắt hoàn toàn chứng minh bọn chúng đã chết. Cát Sinh từng dùng nhiều kiểu nhục hình, nhưng cả đời cư trú ở nơi phồn hoa trụy lạc, chưa từng lên chiến trường, hiển nhiên không biết đến những cảnh tượng ghê người thế này. Từ trong đám mây máu mịt mù, bóng người cao gầy thong thả bước ra. Văn Nhân Trác vừa đi vừa lắc lắc cổ tay, vết máu chằng chịt bò trên cùm tay to nặng rồi đột ngột cắt vụn nó thành những mảnh vỡ sắt bén. Xích chân cũng bị nghiền nát. Anh đạp trên những mảnh vụn bước đến, cởi bỏ bộ quần áo rách nát. Đám mây đỏ mịt mù phía sau cũng theo sát, tụ lại trên vai, trườn xuống dọc theo từng thớ cơ, bao lấy cơ thể anh, tạo thành một chiếc áo vạt chéo vừa rực rỡ vừa nguy hiểm.
Cát Sinh quay đầu bỏ chạy, một sợi tơ lập tức bắn ra, cuốn lấy chân hắn, lôi hắn ngược trở về. Văn Nhân Trác dùng một chân đá hắn nằm lật lại, đạp lên ngực hắn. Cát Sinh không hiểu, lúc bắt anh về, hắn đã kiểm tra một lượt, tuy Văn Nhân Trác có nền tảng pháp lực, nhưng căn nguyên đã hao tổn gần hết, chỉ đủ giữ lại một hơi tàn lay lắt. Hắn suy đoán có lẽ anh đã chó cùng dứt giậu, không thể chịu nổi tra tấn làm nhục nữa nên định hôm nay tại đây ngọc đá cùng tan. Nghĩ vậy, hắn liếm môi, định mở miệng hứa hẹn điều kiện. Nhưng Văn Nhân Trác đã đưa tay lên môi suỵt nhẹ, anh nói:
"Căn nguyên mà người khám phá ra chỉ là thứ đồ giả của nước Lương bỏ vào, để lừa dối về xuất thân của ta..."
Nhắc đến nước Lương, Cát Sinh đột nhiên kích động, hắn vội vàng nói:
"Tôi, tôi không định đắc tội với ngài. Là giao dịch của Nước Lương, bọn chúng muốn để ngài lại đây, chỉ thị tôi hạ nhục ngài, đổi lấy . . . đổi lấy . . ."
Văn Nhân Trác thoáng ngạc nhiên. Kiếp trước Cát Sinh bị một kiếm của Vũ đoạt mạng, ôm theo bí mất này cùng đi, anh vẫn tưởng nguyên nhân mình lưu lạc đến đây là do trận hồng thủy ở nước Chân. Hóa ra bị giam cầm ở nơi này không phải là sự trừng phạt của thánh thủy mà là một tầng xích trói của nước Lương để nắm anh chặt hơn. Chẳng trách kiếp trước vừa thoát khỏi nơi này thì người nước Lương đã lập tức đón được anh. Hay cho một quốc chủ lấy "nhân" định quốc!
Cát Sinh còn giãy giụa dưới chân Văn Nhân Trác, muốn dùng thông tin về nước Lương để làm giao dịch. Nhưng Văn Nhân Trác không hứng thú lắm. Anh đặt tay lên mặt hắn, vuốt ve một bên mắt, giảng giải cho hắn:
"Tai ương ca một khi đã cất lên thì sẽ không ngừng cho đến khi kẻ gieo nhân gặt được quả hắn đáng phải nhận. Tất nhiên, gieo rắc tai ương cho người vô tội rất thất đức, vì vậy tộc trưởng Xích Vũ Hoàng của tộc Tích Thủy có một con mắt hồng ngọc trên trán, con mắt ấy có thể soi chiếu mọi ngóc ngách của linh hồn người chết, tìm ra chân tướng. Ngươi có muốn thử không?"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro