Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 5. Biết cách sử dụng cơn giận

BIẾT CÁCH SỬ DỤNG CƠN GIẬN

(CON ĐƯỜNG TIẾN TỚI MỘT BẢN NGÃ TRONG SÁNG HƠN)

Có một cách thức diễn đạt cơn giận mà theo đó, chúng ta có thể bày tỏ cho người khác và cũng là tự trang bị cho mình – một thái độ tự đảm nhận trách nhiệm về cơn giận của chúng ta. Đó là cách thức được Thomas Gordon giới thiệu trong cuốn sách bán chạy nhất cách đây vài năm, cuốn "Hướng dẫn Nghệ Thuật Làm Cha Mẹ" . Với thái độ tự nhận trách nhiệm như thế, chúng ta biểu lộ cơn giận như là biểu lộ chính cái "tôi", biểu lộ những gì tôi cảm, nghĩ, muốn, đòi hỏi...chứ không phải là nói lên những lời phê bình, chỉ trích người khác. Cụ thể hơn, đó là biết đặt chữ "Tôi" làm chủ từ trong những lời phát biểu lúc giận dữ và tránh đặt đối phương vào chỗ đó. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên thực hành cách thức mà cuốn sách đề nghị. Hôm đó, tôi đứng rửa bát đĩa trong bếp và đang nổi giận với đứa con trai ba tuổi của tôi. Thằng bé lúc đó đang ngồi trên bàn bếp và hí hoáy cắt trái táo bằng con dao sắc, nhọn.

Matthew! (tên cháu) Bỏ con dao xuống ngay cho mẹ! Con làm đứt tay bây giờ!

– Không! – cháu đáp.

– Bỏ con dao xuống! – tôi nổi giận gắt lên.

– Không mà! – cháu cũng nổi giận.

– Mẹ nói bỏ ngay con dao xuống! – tôi quát.

– Không! – thằng bé như rống lên.

Đúng vào lúc hai bên cùng sắp "nổi khùng" thì tôi chợt nhớ bài học trong sách. Tôi bèn đổi thái độ: – "Matthew", lần này tôi nói mà không chút giận dữ. "Mẹ thấy sợ, con à. Con dao đó sắc lắm, mẹ sợ con bị đứt tay!".

Con tôi ngưng ngay thái độ đương đầu khi nghe nói thế. Cháu trố mắt nhìn tôi rồi đáp bằng một giọng cũng dịu đi: – "Đó là tại mẹ lo!".

– "Đúng rồi, đó là tại mẹ lo!", tôi gật đầu, vừa đáp vừa bước lại gần cháu. "Tại mẹ sợ, cho nên mẹ mới muốn con cất con dao đi". Và tôi đưa tay lấy con dao.

Thật thú vị cho tôi, con tôi dễ dàng để tôi lấy dao trong tay nó, không giận dữ, không vùng vằng, không tỏ vẻ bất mãn. Tôi buộc cháu cất con dao đi vì tôi lo cho cháu, và tôi có quyền – quyền làm mẹ – để làm như thế. Nhưng tôi đã biết làm điều đó với thái độ tự lãnh trách nhiệm về cảm nghĩ và hành vi của mình. Đến sau tôi mới biết là cháu đã từng cắt táo bằng con dao sắc một cách thành thục ở nhà trẻ cả tháng nay. Nhưng cho dù tôi đã lo hão, thì đó vẫn chỉ là chuyện bên lề. Điều quan trọng là tôi đã biết chuyển từ cách nhận định một chiều: "Con sẽ làm đứt tay!" sang cách tự nhận trách nhiệm: "Đúng, đó là tại mẹ lo!".

Dĩ nhiên, chúng ta rất khó giữ được thái độ lãnh trách nhiệm như vậy vào mọi lúc. Khi chồng tôi đánh vỡ chiếc chén sứ vốn là một vật kỷ niệm rất quý của tôi, tôi đã không thể nói với anh một cách bình tĩnh rằng: "Em tiếc muốn đứt ruột và vì vậy mà thấy giận anh kinh khủng. Em quí nó chùng nào thì anh cũng biết rồi mà. Lần sau anh làm ơn cẩn thận một chút cho em nhờ!". Thay vì thế, tôi đã giận dữ, cáu gắt đến nỗi khiến anh cũng phát bực, và rồi chúng tôi đã gây gỗ nhau một trận nhỏ. Sau đó, anh xin lỗi tôi, và chỉ vài phút sau là chúng tôi hoàn toàn hòa thuận trở lại.

Lối diễn đạt nói trên tự nó không phải là một chỉ thị đạo đức. Nếu mục đích chỉ đơn giản là làm cho người kia biết mình đang nổi giận, thì chúng ta có thể nổi giận theo cung cách vốn có của mình. Điều đó có thể giúp chúng ta đạt được mục đích, hay ít ra cũng làm chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn.

Nhưng nếu mục đích của chúng ta là phá vỡ lề lối cư xử cũ và/hoặc tăng cường ý thức về bản ngã của chúng ta trong mọi mối liên hệ, thì điều cốt thiết là hãy biết chuyển cơn giận thành những lời phát biểu rõ ràng về chính mình.

Có một số sách hướng dẫn, một số lớp huấn luyện cho cả nam lẫn nữ, giúp chúng ta biết thay đổi cách nói "Anh là..." thành " Tôi cảm thấy rằng...". Tất nhiên, nói: "Em tiếc đứt ruột khi thấy anh làm bể cái chén sứ của em!" thì có hiệu quả tốt hơn nhiều so với: "Anh rờ vô cái gì là hư cái đó!". Câu chuyện Maggie cải thiện được mối liên hệ với mẹ như thế nào,là một chứng minh sống động cho điều này.

Việc tập cho mình khả năng truyền đạt hữu hiệu cái "tôi" trong những lúc nổi giận là một điều cần thiết, tuy nhiên đó mới chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ vấn đề. Vấn đề thực ra còn lớn hơn, đó là nhiều phụ nữ trong số chúng ta không tự cho phép mình có được một cái "tôi" minh bạch hơn để mà truyền đạt. Đã vậy, khi muốn tiến tới việc xác định bản ngã, chúng ta lại không được chuẩn bị đủ để có thể đối phó với những phản ứng phủ nhận mạnh mẽ – từ nơi người kia và cả từ chính trong ta – nhằm ngăn cản chúng ta.

Như chúng ta đã thấy, nữ giới thường sợ việc có được cái "tôi" rõ nét hơn sẽ đe dọa mối tương giao thân thiết. Chính vì vậy mà, thay vì biết để cơn giận thúc đẩy mình hiểu biết và diễn đạt cái "tôi" của mình rõ hơn, chúng ta lại có thể tự xóa mờ đi sự trong sáng bản ngã hiện có của chúng ta. Hơn nữa, có khi chúng ta không chỉ "tự từ bỏ bản ngã" như vậy trong các mối liên hệ mật thiết nhất mà còn trong mọi mối liên hệ khác. Câu chuyện của Karen sau đây cảnh giác những ai trong chúng ta từng để mình trở nên "dễ thương" cả trong những mối quan hệ làm ăn, công tác thường ngày.

TỪ GIẬN DỮ ĐẾN NƯỚC MẮT:

Karen làm việc trong một hãng bảo hiểm nhân thọ đã được một năm. Nhân viên trong hãng toàn là nam giới, chỉ trừ nàng và một phụ nữ khác. Cuối năm, nàng là người bán được cho khách hàng nhiều hợp đồng nhất, lẽ ra phải được ông chủ xếp hạng "xuất sắc" trong lễ tổng kết. Điều này rất có ý nghĩa với nàng, vì chỉ như thế nàng mới được trích thưởng, chưa kể những dịp được cử đi tu nghiệp để sau đó được tăng lương và thăng cấp. Nàng sống rất chật vật để nuôi con sau vụ ly dị chồng, nên đã cố gắng hết sức để có được thành quả này. Vậy mà ông chủ chỉ tuyên bố xếp nàng vào hạng "khá"! Bao nhiêu hy vọng thế là tan biến hết!

Karen kể lại chuyện này trong một buổi trị liệu nhóm. Nàng ứa nước mắt: "Tôi cảm thấy bị xúc phạm! Thực là bất công!". Nhưng khi được hỏi nàng dự định hành động ra sao, Karen lạnh nhạt đáp: "Chẳng làm gì cả! Không đáng gì để cãi vã!"

" Thế cô có giận không?" – một người trong nhóm hỏi. "Việc gì tôi phải giận?" – nàng đáp. "Giận dữ rồi có ích gì? Chỉ tổ làm mọi chuyện xấu hơn!". Karen đã nói thế để tránh làm quan trọng hóa cơn giận của mình.

Với sự giúp đỡ của các thành viên trong nhóm, Karen sau cùng cũng thừa nhận cơn giận của mình và đi đến quyết định phải trực tiếp gặp ông chủ để khiếu nại. Nàng bắt đầu cuộc trao đổi bằng cách đưa ra những lập luận chính đáng, và nói rằng nàng tin tưởng mình đáng được đánh giá cao hơn. Ban đầu ông chủ có vẻ lắng nghe những điều nàng nói, nhưng khi nàng dứt lời thì ông lại cứng rắn đưa ra những lý lẽ khác để bác bỏ. Ông nêu ra một số khuyết điểm của nàng, nhưng những điều này thực sự không đáng kể, nhất là chẳng liên hệ gì đến việc xuống hạng từ "xuất sắc" đến "khá". Sau đó, ông còn nói thêm: – "Có một số người trong hãng cho là cô "hơi lặng xăng!". – "Ý ông muốn nói gì?", Karen bất bình. – "Ừm...Thì có lẽ là vấn đề nhân cách...Nhìn cung cách làm việc của cô, một số người nghĩ là cô không gắn bó với công việc".

Tới đây thì đôi mắt Karen tràn lệ. Nàng nghẹn ngào thốt lên, cố kềm để không bật khóc: "Tôi thật không hiểu nổi!"...Rồi nàng nói với ông chủ là người ta đã lầm, đã đánh giá nàng thấp biết chừng nào. Người ta không biết là nàng đã phấn đấu ra sao mới có thể thu xếp đi làm cả hai buổi một ngày, không biết nàng đã cực kỳ vất vả để một mình nuôi hai đứa con...Vết thương cũ càng làm nước mắt nàng tuôn nhiều hơn...Thế là ông chủ chuyển từ thế chống đỡ sang thế cha chú khuyên răn. Ông nói rằng ông rất thông cảm, rằng ngay cả những người chưa có con cũng không dễ phấn đấu được như nàng. Ông còn đoan chắc với Karen rằng nàng quả thực tỏ ra rất có triển vọng trong công tác...Cuộc gặp gỡ kết thúc bằng đôi lời tâm sự của Karen về cuộc sống gay go kể từ sau vụ ly dị chồng. Ông chủ lắng nghe với nhiều thiện cảm. Cả Karen lẫn ông chủ đều không nói gì thêm về mục đích chính của cuộc gặp gỡ này, tức là vụ xếp hạng cuối năm. Karen rời khỏi sở, lòng nhẹ nhàng vì đã không mất lòng ông chủ vì buổi nói chuyện kết thúc vào thời điểm mà tình cảm còn nồng nàn...

Khi kể lại câu chuyện với chúng tôi trong buổi trị liệu nhóm kế tiếp, Karen kết luận: – "Quí vị thấy đấy. Chạm trán với ông ta chẳng đem lại ích lợi gì. Ổng đâu có nghe. Vả lại chuyện xếp hạng đối với tôi cũng không có gì quan trọng. Thực ra nó chẳng có nghĩa lý gì với tôi cả!".

Nhưng những thành viên trong nhóm không dễ dàng bỏ rơi vấn đề. Họ đặt ra những câu hỏi để ép Karen phải đối diện với sự thắc mắc của nàng: "Một vài người trong sở đó là ai? Ai đã nhận xét rằng cô "hơi lăng xăng" và không gắn bó với công việc?". Karen trả lời không biết. Một người hỏi tiếp: "Hơi lăng xăng một chút, nói vậy có ngụ ý gì?". Karen cũng không trả lời chắc chắn được câu hỏi này. "Tôi không biết nữa. Có lẽ cá tính tôi làm sao đó nên họ nghĩ như vậy...".

Karen không những đã không nói rõ hơn được lập trường của mình ngay từ đầu, mà cũng không biết làm sáng tỏ vấn đề hơn nữa khi ông chủ đưa ra những lập luận phản bác. Nàng đã không đặt những câu hỏi như: "Ai ở trong sở đã phê bình đó liên quan thế nào với việc xếp hạng tôi?"...Xúc cảm của Karen trước những lời phê bình của ông chủ làm nàng mất hết sáng suốt, đến nỗi không còn biết mình muốn nói gì.

Cảm thấy đầu óc mù mờ, nói không ra lời, mất hết thông minh...đó là những phản ứng thường tình của nữ giới khi phải đấu tranh để bảo vệ lập trường cũng như quyền lợi của mình. Nhưng, đó không phải là do quá giận hay là một "chiến thuật" để tranh đấu. Chúng ta cư xử như thế là vì chúng ta sợ. Chúng ta không dám nêu ra những câu hỏi rõ ràng và phát biểu minh bạch lập trường của mình, bởi trong vô thức, chúng ta e rằng nếu dám đưa ra những suy nghĩ khác biệt thì người kia có thể sẽ khó chịu và rời bỏ chúng ta, để chúng ta đứng cô đơn một mình.

Karen giải thích trước nhóm: "Nhưng ông chủ đã làm tôi sợ!". Đây thực ra chỉ là câu nói ngụy trang, che giấu nỗi lo mối liên hệ trở thành xa cách nếu mình cương quyết giữ vững lập trường và nỗ lực làm sáng tỏ nó. Những giọt nước mắt cũng như sự ngoan ngoãn chấp nhận để cho ông chủ đóng vai cố vấn che chở, trong trường hợp này là một "lối hành động vô thức" của nàng, nhằm trở lại vị thế cũ và xin lỗi vì đã "lỡ" nói lên lập trường khác biệt của mình. Sự khóc lóc của Karen cũng có thể có một dụng ý vô thức khác nữa, đó là làm cho ông chủ tự thấy có lỗi ("Ông thấy không, ông đã làm mếch lòng biết chừng nào!") – một cách hành động quen thuộc nữa của phái nữ, để tự ngăn mình nói thẳng lập trường của mình.

– "Nhưng tôi không còn giận nhiều về chuyện đó. Việc đó chẳng còn đáng kể đối với tôi!", Karen cãi lại như vậy. Tất nhiên là nàng còn giận, nàng chỉ phủ nhận cơn giận của mình đó thôi. Nổi giận là điều không thể tránh được khi chúng ta phải đầu hàng trước một bất công hiển nhiên và phải bênh vực kẻ đã làm chúng ta chịu thiệt thòi.

Karen đã phải trả giá cho việc chối bỏ cơn giận và không giữ vững lập trường này. Nàng cảm thấy mỏi mệt, không còn hứng thú làm việc. Hai tuần sau buổi nói chuyện với ông chủ, nàng đã xếp lẫn lộn một tập đơn từ quan trọng và bị khiển trách nặng nề. Hành vi tự phá hoại này có thể là do một thúc đẩy vô thức tự làm mình trở thành kẻ bất tài, không xứng được xếp hạng "xuất sắc", để tự chứng minh lập trường của mình là không đúng và do vậy không cần cương quyết giữ vững nó.

PHỦ NHẬN CƠN GIẬN, MỘT HÀNH ĐỘNG VÔ THỨC:

Đã có khi nào trong quan hệ công việc, bạn khởi xướng một cuộc tranh cãi để rồi lại chuyển từ cơn giận dữ sang khóc lóc, bối rối, xin lỗi hay tự chỉ trích ? Cách cư xử của Karen có lẽ là một cung cách quen thuộc – nếu không nói là phổ biến – của phái nữ chúng ta khi phải đấu tranh. Chúng ta có thể giải thích làm sao về sự kiện này? Những lý do sâu xa, vô thức nào đã thúc đẩy chúng ta phải chối bỏ cơn giận và dâng hiến một trong những gì quí giá nhất mà chúng ta có thể có: sự minh bạch của cái "tôi"?

Sợ "tiềm năng phá hoại" nơi mình:

Sự thất bại của Karen trong việc tự bảo vệ lập trường một cách rõ ràng và kiên quyết trước ông chủ, cũng là một "mô hình cư xử" mà nàng áp dụng trong nhiều mối liên hệ khác của nàng. Những lời giải thích mà nàng tự đưa ra cho mình thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng: "Tôi bị de dọa!", "Thực tình là khi phải đối đầu với một người có uy quyền, tôi không thể tỏ ra cương trực được như người khác!", "Có lẽ tôi không được tự tin lắm!"...Đúng là Karen thiếu tự tin thật, khi nàng nêu ý kiến ra mà không thấy có dấu hiệu được người khác đồng tình. Nhưng sự thiếu tự tin này còn che đậy một vấn đề nghiêm trọng hơn: Karen sợ làm sáng tỏ lập trường đúng đắn của mình, vì điều đó sẽ làm nàng phải tiếp tục bảo vệ cho nó. Làm như vậy, nàng có thể trở thành một đối tượng cho ông chủ nổi giận, bất đồng ý, cũng như cuộc đấu tranh thực sự sẽ có thể xảy ra sau đó.

Những lý do thực tế cũng góp phần làm Karen phải sợ, chẳng hạn công việc của nàng có thể sẽ gặp khó khăn và bất trắc, hay thậm chí nàng có thể bị sa thải. Dĩ nhiên, nếu nàng đấu tranh thì mối quan hệ giữa nàng với ông chủ có thể sẽ căng thẳng, hay có thể nàng bị đánh giá là không đáng tín nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Karen còn có một nỗi lo vô thức sâu xa: đấu tranh sẽ làm nàng không kềm giữ được tiềm năng phá hoại của mình khi nổi giận, mặc dầu tiềm năng này chỉ có trong tưởng tượng, chưa hề một lần thấy ánh sáng mặt trời. Có phải nàng sẽ phá đổ tất cả nếu không kiểm soát được cơn giận không? Cứ như thể Karen sợ nếu cho nổ ra cơn phẫn uất, thì cả tòa nhà của công ty này sẽ cháy rụi! Karen, giống như hầu hết phụ nữ chúng ta, ít được hướng dẫn để tập biểu lộ cơn giận của mình một cách có kiểm soát, trực tiếp và hữu hiệu.

Thực ra không có gì đáng ngạc nhiên khi Karen lo ngại sâu xa về tiềm năng phá hoại lớn lao nơi nàng, và về tính chất dễ bị tổn thương nơi nam giới. Rất nhiều định nghĩa của ta về "nam tính" và "nữ tính" đã dựa trên nhận định rằng: nữ giới phải có chức năng như một người đồng hành vô hại và xây dựng bản ngã cho nam giới, để tránh cho nam giới khỏi cảm thấy bất lực và yếu kém. Vấn đề với Karen là: nỗi sợ hãi phi lý đó đã khiến nàng phải trả giá quá đắt. Không những nó khiến nàng đầu hàng không dám tranh đấu, mà còn khiến nàng còn tránh cả xác định quan điểm của mình, xin người khác giải thích giùm mình, và tránh nói lên những gì mình muốn. Tất cả những điều phải tránh này đều bị nàng xếp vào loại hành động có tiềm năng phá hoại, có thể gây xúc phạm và làm tổn thương người khác.

Sợ xa cách:

Karen còn một nỗi sợ lớn hơn nỗi sợ trên nữa, và nỗi sợ này cũng khuất sâu trong tiềm thức. Nàng thà phủ nhận cơn giận còn hơn là phải diễn đạt rõ ràng suy nghĩ, tình cảm khác biệt của mình, và khuyến khích người kia cũng làm như vậy, bởi điều đó chắc chắn khiến nàng phải kinh nghiệm một nỗi lo "xa cách" hay "cô đơn". Trong các chương trước, chúng ta cũng đã thấy Maggie kinh nghiệm nỗi lo đó khi nói chuyện một cách trực tiếp và trưởng thành với mẹ; Sandra cũng vậy, khi thẳng thắn xin lỗi chồng (vì nàng đã quá đòi hỏi đeo bám anh), cũng như khi hành động theo cung cách tự lãnh trách nhiệm nhiều hơn về chính hạnh phúc của nàng; Barbara lẽ ra cũng đã kinh nghiệm nỗi lo đó nếu biết chấm dứt cãi vã và bình tĩnh nói với chồng về quyết định tới phòng trị liệu của mình.

Ngay cả khi chúng ta đã đạt được mức độ độc lập và tách biệt nhiều hơn, và đã biết khước từ lề lối cãi vã, trách móc trong tương giao với người khác, thì "nỗi lo xa cách" vẫn cứ còn xuất hiện đâu đó trong ta như thường. Thậm chí chỉ mới nghĩ tới khả năng có thể tiến tới độc lập và tách biệt, là ta đã cảm thấy nỗi lo đó rồi. Đôi khi " nỗi lo xa cách" này căn cứ trên những lý do thực sự đáng sợ, chẳng hạn trong những hoàn cảnh mà chúng ta lâm vào thế bí (ví dụ: "Tôi rất tiếc, tôi muốn lắm, nhưng không thể làm điều anh nhờ!"), thế cùng đường (ví dụ: "Tôi có thể bị mất việc!"; hay nặng hơn: "Mối tương giao quá quan trọng này của tôi có thể bị đổ vỡ!". Tuy nhiên, trầm trọng và quyết liệt hơn, là "nỗi lo xa cách" của chúng ta có nguồn gốc rất sâu và rất xưa, xưa vì ngay từ thuở còn sống với cha mẹ trong gia đình gốc, và sâu vì đã in đậm vào những kinh nghiệm ấu thời của chúng ta. Các mối liên hệ gia đình của chúng ta – do tập tục văn hóa – thường có một quy luật bất thành văn là: không cho phép các thành viên được tô đậm sự độc lập cá tính và sự tách biệt. Con gái trong gia đình càng nhạy cảm nhiều hơn với đòi hỏi đó, và dễ bị áp lực phải học cách khéo léo bảo vệ mối liên hệ "chúng ta", hơn là khẳng định sự tự trị của cái "tôi".

Karen không nhận thức được nỗi lo xa cách nơi mình, nhưng chính nó đã khiến nàng phải chuyển từ lập trường minh bạch và vững chãi lúc đầu thành nước mắt và sầu khổ. Thái độ đau khổ này đã đẩy ông chủ vào vai kẻ an ủi nâng đỡ, và nhờ thế tạo lại cho nàng cảm giác mối liên hệ giữa hai bên vẫn tốt đẹp – điều đó giúp nàng được an tâm trở lại, mặc dầu ở đây có sự phản bội bản ngã. Karen đã sa lầy quá lâu trong mô hình cư xử này, nàng mong phục hồi hòa khí và tình thân trong các mối liên hệ bằng cách khóc lóc, làm lành sớm, tự trách mình và biến mình thành một kẻ vụng về, lầm lẫn. Trọng tâm của vấn đề là, (giống như Maggie ở chương 4), Karen cần trở lại gia đình gốc của nàng, để nỗ lực làm cho sự độc lập và tách biệt trở nên rõ ràng và vững chắc hơn nữa ngay trong những mối liên hệ ruột thịt. Nếu Karen có thể đạt được tiến bộ trong việc này, nàng sẽ nhận ra là mình có thể sử dụng cơn giận hiệu quả hơn trong các mối liên hệ ngoài xã hội, sẽ thấy mình bớt sợ sự xa cách và cô đơn, và thấy mình vẫn đứng vững trên đôi chân của chính mình.

Hành động theo cách khác:

Nếu Karen có thể làm lại tất cả từ đầu, nàng sẽ làm cách nào để chuyển cơn giận của mình thành hành động có hiệu quả? Trước hết, nàng có thể chuẩn bị kỹ hơn để đương đầu với biện pháp đối phó của ông chủ – ở đây là việc ông mượn lời người khác để gián tiếp phê bình nàng và đánh lạc hướng vấn đề nàng nêu lên. Nàng không nên tìm cách kiểm soát hay thay đổi những phản ứng của ông ta (mà dù có muốn, nàng cũng không thể làm được), đồng thời cũng đừng để những phản ứng đó điều khiển được mình. Nàng có thể bình tĩnh nghe hết những gì ông ta nói, rồi cứ khẳng định lại lập trường. Cũng chẳng phải là điều gì trầm trọng lắm, nếu đôi khi nàng có hơi bị lúng túng hay vụng về.

Nàng sẽ làm gì nếu những tác động qua lại giữa hai bên có lúc gây cho nàng xúc động quá mạnh, chẳng hạn những lời "tàn nhẫn" của ông chủ khiến nàng muốn bật khóc? Trong trường hợp này, nàng có thể tìm kế hoãn binh để phục hồi phong độ. Nàng có thể nói: " Tôi cần chút thời gian để sắp xếp lại tư tưởng. Xin ông vui lòng để khi khác rồi chúng ta sẽ trở lại chuyện này!".

Giả như ông chủ vẫn nhất mực từ chối việc sửa đổi lại bảng xếp hạng, Karen có thể có nhiều cách để ứng xử tiếp theo. Chẳng hạn nàng có thể đề nghị với ông chủ tham khảo ý kiến của một thành viên thứ ba nào đó có đủ thẩm quyền. Hay nàng có thể kết luận đơn giản: "Thôi được, nếu ông vẫn quyết định như vậy thì tôi cũng chịu thôi. Điều quan trọng là tôi nói lên được thắc mắc của tôi chứ không để bụng ấm ức. Tôi vẫn có thể làm việc vui vẻ như bình thường". Hoặc nàng có thể nói: "Thôi được, ông có lý của ông. Nhân tiện xin ông cho biết tôi phải làm gì để có thể được xếp hạng "xuât sắc" ? Tôi đã quyết định phấn đấu để đạt điều đó"...Dù Karen có biết sử dụng cơn giận của mình khéo léo đến đâu chăng nữa, nàng cũng không thể chắc chắn là sẽ khiến được ông chủ thay đổi ý kiến hay "lẽ công bằng phải toàn thắng". Điều nàng có thể, là nói lên lập trường, xác định những chọn lựa, và chịu trách nhiệm về chúng. Karen càng bình tĩnh, sáng suốt, thì ông chủ càng có thể phán đoán chính xác hơn về nàng. Và phần còn lại là của ông, tự ông biết ông muốn làm gì hay không muốn làm gì. Phải chăng ước muốn vô thức của Karen là mong có một ông chủ "tốt bụng" hơn là một ông chủ sáng suốt?

Câu chuyện Karen chứng minh rằng chúng ta có thể bị cản trở không sử dụng cơn giận hữu hiệu được vì hai nỗi lo vô thức: sợ tiềm năng phá hoại của cơn giận nơi mình và sợ mối liên hệ trở nên xa cách. Trong một số trường hợp khác, có thể vấn đề không phải vì chúng ta sợ sáng suốt, mà vì thiếu sáng suốt. Giận đến nỗi mất khôn thì cũng là lẽ thường. Nhưng cả những cơn giận thiếu sáng suốt cũng giúp chúng ta có thể hồi tâm quan sát chính mình, hiểu rõ thêm về cái "tôi" của mình, khi chúng ta tìm cách trả lời câu hỏi: "Cái gì nơi người kia đã làm co tôi giận vậy?". Dưới đây là một thí dụ riêng tư mà tôi xin chia sẻ với bạn đọc.

CÂU CHUYỆN CHIẾC CHẢO CHIÊN:

Cách đây mấy năm, tôi đưa chị tôi đến một cửa hàng lớn và định mua tặng chị một cái chảo chiên đồ ăn không bị dính. Không đắn đo suy tính nhiều, tôi nhấc đại một chiếc trông cũng tốt mã, và tiến về phía quầy trả tiền. Chưa kịp bước được hai bước, bà chị đã cho hay là tôi chọn lầm chiếc chảo không tốt rồi! Không những giọng nói của chị tôi phản ánh một niềm tự tin chắc nịch, mà chị còn nêu ra thêm một lô những nhận xét kỹ thuật rất chi tiết về các loại nồi chảo, chỉ để cho thấy tôi đã chọn lựa sai- những chuyện này thì tôi vừa rất kém lại vừa ít quan tâm. Phản ứng đầu tiên của tôi, là một lần nữa phải ngạc nhiên về bộ não bách khoa của chị. Nhưng trong lúc chị tiếp tục giảng giải thì tôi chợt nổi sùng. Ai hỏi ý kiến chị? Sao chị lại có thái độ như thể chuyện gì cũng rành rẽ như thế ? Thốt nhiên, tôi muốn gõ chiếc chảo đang cầm tay lên đầu chị một cú, nhưng tôi lại ngưng được. Rồi tôi hầm hầm quầy và quạu quọ trả tiền. Quả nhiên, cái chảo tôi mang về đó vừa kém chất lượng vừa mau hư, đúng hệt như chị tôi báo trước.

Khi thuật lại chuyện này với chị bạn Marianne Ault – Riché, người cùng điều khiển văn phòng nghiên cứu cơn giận với tôi, tôi vẫn còn mê muội chủ quan. Vì sao tôi nổi giận? Câu trả lời tưởng như đơn giản: Tại chị tôi quá khó tính! Tại cung cách của chị khác nào đã chê bai tôi, và tự cao tự đại rằng mình sành sõi về mọi thứ! Tôi cứ kết án chị tôi như thế mà không có một lời nào xét tới bản thân mình.

Marianne lắng nghe rồi trả lời nhẹ nhàng: "Tôi khoái được đi mua hàng với bà chị bạn! Tôi sẽ có dịp ngạc nhiên đến ngẩn người ra, bởi sao mà có lắm loại dụng cụ nấu ăn không dính đến thế! Chị của bạn quả là một tay sành sõi và biết nhiều!".

Marianne đã nói đúng. Nếu hôm đó Marianne là tôi, chắc chị có thái độ tích cực đồng tình khác hẳn tôi. Thực vậy, cũng những điều tôi chỉ trích chị tôi, lại là những điều làm chị tôi được nhiều người mến phục, trong đó có cả ba má tôi. Đến lúc đó tôi mới nhận ra là có thể hiểu được mình hơn qua cơn giận của mình đối với người khác như thế nào – chính sự chỉ trích, trách móc người khác đã ngăn cản tôi hiểu được phản ứng nóng nảy của mình.

Tại sao sự góp ý và sự thông thạo của chị tôi lại làm tôi khó chịu? Vấn đề đối với tôi là gì? Liên hệ giữa chúng tôi đang kẹt trong mô hình cư xử nào? Và tôi giữ vai trò gì trong mô hình ấy? Chỉ sau khi đã ngẫm nghĩ những câu hỏi đó, tôi mới có khả năng nói với chị tôi những gì đã làm tôi bực mình, mà không phê bình cá tính và lối cư xử của chị.

Trước hết, tôi sử dụng cơn giận như một dụng cụ để hiểu mình muốn gì, và sau đó, xác định ranh giới nào tôi cần giữ để trở nên độc lập đối với chị tôi. Giống như Maggie đã nói với mẹ nàng, tôi yêu cầu chị tôi là từ nay chỉ khi tôi hỏi thì mới hãy cho ý kiến. Phản ứng của chị tôi cũng dễ hiểu: chị khó thông cảm vì sao tôi lại muốn khước từ những lời khuyên có lợi và lành mạnh, chính chị cũng hoan nghênh nếu có ai đó cho chị lời khuyên tốt dù chị không yêu cầu. Để giải thích với chị, tôi kể lại những kinh nghiệm làm phận em gái của mình:

– "Chị biết đấy, suốt đời em coi chị như một ngôi sao sáng. Em luôn luôn ngước nhìn chị như một người có thể trả lời mọi câu hỏi. Em cứ nghĩ chị là người biết hết mọi điều và làm được mọi chuyện. Và em cảm thấy em thực thấp so với chị, vì chẳng có thể giúp gì ngược lại cho chị. Thực ra, càng thấy khớp trước sự sáng chói của chị, em càng phản ứng lại bằng cách cố tình non kém đi...Chị vẫn là người rất quan trọng đối với em. Điều em muốn làm, chỉ là gắng điều chỉnh lại thế quân bình trong mối tương quan giữa hai chị em mình, và em làm điều ấy cho chính em. Em nghĩ điều có thể giúp em là: được tạm tránh những lời khuyên và giúp đỡ của chị một thời gian. Điều đó có vẻ kỳ quặc và vô ơn, vì chị bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng dù sao, đó vẫn là cách tốt nhất cho em vào lúc này".

Tôi đã nói những lời trên bằng một cung cách hoàn toàn lãnh trách nhiệm phần mình, và ngỏ ý xin chị tôi hãy tự thay đổi một chút – ngưng cho lời khuyên – để giúp tôi.

Khi chia sẻ tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của mình với chị (kể cả sự ghen tị của tôi khi cả gia đình xem chị như một vì sao sáng), tôi đã làm được một bước tiến quan trọng để phá vỡ một trong những mô hình cư xử cũ của chúng tôi – trong đó chị tôi là người giúp đỡ và tôi là kẻ chịu ơn, chị tôi đóng vai "quá đáng" còn tôi đóng vai "bất cập". Trong quá khứ, chị tôi càng tỏ vẻ khôn ngoan hiểu biết, tôi càng phản ứng lại bằng cách tự từ bỏ bản ngã trong một trạng thái đầu óc mù mờ. Nay, khi tôi bày tỏ nguyện vọng muốn đóng góp gì đó với chị, chị đã đáp ứng bằng cách chia sẻ một vài vấn đề riêng của chị với tôi. Sự thay đổi này đem lại kết quả rất hiển nhiên, đến nỗi chị tôi công nhận cách nhìn nhận vấn đề của tôi là có giá trị. Sau cùng, mối liên hệ giữa hai chị em chúng tôi đạt được thế quân bình, tôi không còn mặc cảm vì thấy mình cứ ở vị trí thấp kém trong trò chơi cò cưa đã kéo dài rất lâu này nữa. Hôm nay, tôi thật tình coi trọng lời khuyên của chị – dù có được xin hay không – về bất kỳ đề tài nào, kể cả đề tài cái chảo chiên không dính.

Việc sử dụng cơn giận như một khởi điểm để hiểu rõ chính mình hơn, thực ra không đòi hỏi chúng ta phải tự phân tích tâm lý hay phải chuẩn bị đầy đủ những lời giải thích dài dòng như tôi đã làm với chị tôi. Nếu không nhận ra nếp cư xử lâu đời trong mối liên hệ giữa chị em tôi, tôi có thể đơn giản xin chị tôi đừng mau mắn cho lời khuyên nữa, chỉ vì tôi cảm thấy không thích như vậy, dù chẳng hiểu tại sao. Điều cốt yếu là chúng ta biết "lắng nghe" cơn giận của mình, để rồi có thể nói lên với người kia lời yêu cầu của mình một cách rõ ràng minh bạch nhất, nhân danh những gì thực sự bản ngã mình muốn hay không muốn, chớ không phải dùng cơn giận như một quyền uy phán xét những hành vi và thái độ của người kia, hay đòi buộc người kia phải sửa đổi.

Cơn giận của chúng ta là một dụng cụ hữu hiệu để cải thiện mối liên hệ, nếu chúng ta tin chắc và nhớ luôn rằng nó giúp chúng ta hiểu biết thêm về chính mình chớ không phải về người khác.

GIỮ VỮNG LẬP TRƯỜNG:

Biết cách sử dụng hữu hiệu cơn giận dữ là biết từ khước một vài điều: từ khước sự trách móc phê bình người mà ta cho là đã làm ta phải nổi giận; từ khước ý định sửa đổi người đó, cho là mình có bổn phận phải làm thế; từ khước suy nghĩ cho rằng mình có quyền chỉ bảo người đó biết phải cảm, nghĩ, cư xử ra sao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta thụ động chấp nhận hoặc chịu đựng bất cứ cách cư xử nào. Trên thực tế, chúng ta có thể rơi vào con đường tự từ bỏ bản ngã nếu chúng ta không làm sáng tỏ những gì chúng ta muố và chấp nhận, những gì chúng ta không muốn và không chấp nhận. Chúng ta cần phải làm sáng tỏ lập trường của mình! Vấn đề chính, là chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào.

Gần đây tôi làm việc với một bà tên là Ruth. Bà giận chồng vì ông chồng quá chểnh mảng việc săn sóc sức khỏe của ông. Chân ông đau nặng, ông chỉ sử dụng một ít thuốc men sơ sài nên tình trạng ngày càng thêm xấu. Thế mà ông chẳng có ý định sẽ chạy chữa thêm. Bà Ruth biểu lộ nỗi bực bội của mình bằng cách lên lớp ông phải làm thế nào cho bản thân ông, và bà cứ thay ông mà diễn tả tình cảm cùng tâm trạng của chính ông. ("Ông tự hủy hoại thân ông!", "Ông không biết gìn giữ sức khỏe, y hệt cụ thân sinh của ông ngày trước vậy!", "Ông có lo sợ đấy, nhưng không dám thừa nhận!" v.v...). Đáp lại lời chỉ trích của bà, ông càng tỏ ra phớt tỉnh (điều này cũng dễ hiểu, vì bà đã nói đủ cho cả hai), và càng cương quyết không chịu tìm thầy chạy thuốc khác. Hai ông bài càng ngày càng sa lầy trong điệu múa. Bà càng tỏ ra "biết những gì tốt nhất cho ông" thì càng làm ông thêm cương quyết giữ vững thái độ độc lập của mình; rồi vì thế mà bà lại càng lên lớp nhiều hơn, thao thao bất tuyệt hơn về những gì ông nên làm, những gì ông đang cảm thấy...Giống như phần lớn các bà, bà Ruth cứ cảm xúc thay cho chồng, trong khi ông cứ việc làm bộ giả ngây giả điếc.

Bà Ruth tiến một bước lớn khi đã thừa nhận rằng cần phải để tự ông xác định ông đang cảm thấy và suy nghĩ gì. Phải để tự ông chọn lựa những gì cần làm, tự ông gánh vác trách nhiệm chính về sức khỏe của ông. Đó là công việc của ông chứ không phải của bà. Tuy nhiên, sự nổi giận nghiêm túc của bà Ruth cũng là điều quan trọng. Nó giúp bà có thể làm sáng tỏ ra – trước là cho chính bà, sau là cho chồng – việc bà không thể chấp nhận tình trạng đó, không thể chấp nhận mọi chuyện cứ tiếp diễn như cũ.

Bà bắt đầu thực hiện được một cuộc thay đổi quan trọng khi nói với chồng về những cảm nghĩ của chính bà, thay vì cứ chỉ trách và đòi chỉ dẫn cho ông. Cụ thân sinh bà Ruth chết vì một căn bệnh thoái hóa khi bà mới mười hai tuổi, và bây giờ bà sợ cũng sẽ mất chồng như vậy. Thay vì chỉ biết trách móc thái độ "tự hủy hoại" hay "chểnh mảng" của chồng, bà đã biết yêu cầu chồng hãy đi tìm thầy chạy thuốc vì bà. Bà giải thích là đã lo sợ tới mức không thể yên tâm làm công việc hằng ngày được nữa. Bà ngưng những lời trách móc và chỉ vẽ, cũng thôi không nói bà biết những gì ông cần. Trái lại, bây giờ thì bà đem chia sẻ vấn đề của bà với hoàn cảnh, và xin ông tỏ ra biết tôn trọng sự lo lắng của bà. Quả thực ông đã đi khám bác sĩ, mặc dầu ông cũng tự biết rằng ông đi như vậy là vì bà chứ chẳng phải vì ông.

Khi chúng ta sử dụng cơn giận để bày tỏ lập trường bản thân, chúng ta đã nắm được thế mạnh, vì không ai có thể tranh cãi với ta về những cảm nghĩ của chính ta. Người khác có thể cố thử làm điều đó, nhưng để đáp lại, chúng ta không cần trưng ra những lý lẽ hợp lý để tự bào chữa, mà chỉ cần đơn giản nói: "Có thể điều đó là khùng điên hay phi lý đối với bạn, nhưng với tôi thì thế đấy!". Dĩ nhiên, không bao giờ có sự bảo đảm rằng người khác sẽ thay đổi thái độ của họ theo đường hướng ta muốn. Câu chuyện của Joan sau đây sẽ soi sáng cho điều này.

Mức chịu đựng cuối cùng:

Joan nhận ra chồng mình có mối liên lạc bất thường với một cô gái khác. Trong khoảng thời gian gần một năm, nàng tranh cãi với chồng không biết bao nhiêu lần về chuyện này. Tuy nhiên nàng dần dần nhận ra là mình cứ chỉ tranh cãi toàn trên những vấn đề tùy phụ: "Có chính đáng không, khi anh chở cô ta đi đây đi đó và ngồi hàng giờ nói chuyện với nhau trong quán nước?", "Coi đó được không khi tối tối cô ta cứ gọi điện lại nhà hoài?", "Mấy người quen xì xào bàn tán về chuyện cô ta săn sóc và gởi quà sinh nhật cho anh?", "Tình cảm giữa anh với cô ta liệu có thể nào trong sáng?"...Trong khi đó thì anh cãi lại là nàng ghen tuông bậy bạ, là giữ khư khư chồng không cho quan hệ với ai, là tự hành khổ vì những tưởng tượng, là cứ làm mất hòa khí vì cái tật ưa cằn nhằn...Càng ngày nàng càng thêm cảm thấy bực bội và không an tâm, nhưng nàng cũng do dự không biết nên trách chồng hay tự trách mình.

Cuối cùng, Joan cũng đi tới một bước ngoặc quyết định là thôi không trách móc chồng và chỉ trích cô gái kia nữa. Nàng tuyên bố thẳng với anh là điều đó nàng không thể chấp nhận: "Em không muốn tranh luận nữa về chuyện anh làm là đúng hay sai. Em cũng công nhận rằng một người vợ khác trong hoàn cảnh giống em có thể không ghen tuông như em. Em buộc phải yêu cầu anh chấm dứt ngay, chỉ đơn giản là vì em không chịu đựng được nữa! Có thể tới chín mươi chín phần trăm đó là vấn đề của em. Em không thể sống với nó mà vẫn cảm thấy thoải mái giữa chúng ta được. Em thấy điều đó thật khó quá đi!". Joan đã giữ vững lập trường này với trọn vẹn danh dự và quyết tâm.

Thái độ bất bình sáng suốt của Joan đã khiến chồng nàng phải bày tỏ thái độ minh bạch về sự chọn lựa ưu tiên của anh – và ưu tiên trước nhất của anh lại không phải là Joan. Anh đã từ chối chấm dứt liên hệ với cô gái kia. Cuối cùng, với biết bao xáo trộn tâm tư, nàng buộc lòng đòi chồng phải có ngay chọn lựa dứt khoát: "Em không thể tiếp tục sống với anh nếu anh còn giữ mối liên hệ đó!". Nàng nói thế không phải để đe dọa hay bắt bí chồng, mà là để chia sẻ cảm nghĩ của nàng và công bố mức chịu đựng cuối cùng của nàng. Chồng nàng vẫn không đáp ứng, vẫn tiếp tục như cũ, và nàng đòi anh hãy đi khỏi nhà. Chẳng bao lâu sau, anh chia tay Joan để sống với cô gái kia.

Joan đau khổ lắm, nhưng nàng vẫn thấy thái độ của mình như vậy là đúng. Nàng mất chồng, nhưng vẫn giữ được lòng tự trọng và danh dự. Joan có hành động đúng không? Nàng đã làm đúng đối với chính nàng, nhưng một số người trong chúng ta khi ở vào hoàn cảnh nàng có thể hành động khác – hoặc hoàn toàn không biết phải hành động ra sao.

Khi sử dụng cơn giận như một hướng dẫn để giúp ta tự xác định những nhu cầu, giá trị và quyền ưu tiên sâu kín, chúng ta không nên thất vọng nếu khám phá ra rằng mình đã kém sáng suốt biết chừng nào. Nếu chúng ta cảm thấy giận dữ hay chua chát kinh niên trong một mối liên hệ quan trọng, thì đó là dấu hiệu báo cho biết bản ngã chúng ta đã bị thỏa hiệp quá nhiều, và không còn biết đâu là lập trường mới thích hợp nhất để mà chọn lựa. Nhận ra sự thiếu sáng suốt đó nơi mình, đó không phải là một nhược điểm, mà là một cơ hội, một thử thách và một sức mạnh.

Không cần biện mình rằng tại sao nữ giới cần sáng suốt về cái "tôi": "Tôi là ai?". "Tôi muốn gì?","Tôi đáng hưởng điều gì?". Đây là những câu hỏi mà chúng ta đương nhiên đang vật lộn hàng ngày. Đã quá lâu chúng ta được khuyến khích đừng đặt câu hỏi, mà hãy chấp nhận những khái niệm định sẵn về "bản chất thực" , "vị trí thích hợp", "trách nhiệm làm mẹ", "vai trò phái nữ" v.v...của chúng ta. Hoặc chúng ta được dạy cho biết cách đặt câu hỏi theo lối khác: "Làm thế nào để vui lòng kẻ khác?", "Làm thế nào để chiếm được tình yêu và sự tán thành?", "Làm thế nào để giữ được bình yên?"...Chúng ta phải chịu đựng nhiều đau khổ, một khi chúng ta làm ngơ trước câu hỏi "Tôi là ai?", và phủ nhận các cơn giận – vốn là cái cứ nhắc nhở chúng ta phải đối diện trở lại với câu hỏi đó.

Dám nhận thức rằng mình thực sự còn đang ngờ vực và phải cần thêm thời gian để xác định được lập trường, đó là một thái độ can đảm. Thông thường, cơn giận thúc đẩy chúng ta cứ chọn đại một lập trường mà chúng ta chưa suy nghĩ chín chắn hoặc chưa sẵn sàng chấp nhận. Đó là chưa kể những người chung quanh thường sốt sắng cho lời khuyên hay thúc giục chúng ta hành động, tỉ như: "Hãy ly dị quách anh chàng đó đi!", hay: "Hãy nói thẳng với ông chủ là giao công tác đó cho người khác đi!", hoặc: "Anh cứ nói thẳng là sẽ không nhìn mặt cô ấy nữa nếu cô ta còn làm như vậy!", hay: "Cứ việc trả lời thẳng với anh ta là: Không!".

Xin hãy từ từ! Cơn giận của chúng ta chỉ có thể là khí cụ tốt giúp chúng ta đổi thay và tăng trưởng, với điều kiện nó không làm gì khác hơn là giúp chúng ta nhận ra rằng: "Có điều gì đó trong tôi mà tôi chưa được rõ!". Và công việc của chúng ta là tiếp tục đấu tranh để làm sáng tỏ nó.

Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ theo dõi hành trình của một phụ nữ biết chuyển từ lập trường giận dữ và trách móc sang một lập trường mới, và nhờ đó mà đối phó hữu hiệu với hoàn cảnh rối ren của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro