Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1 Sự trách thức của cơn giận


SỰ THÁCH THỨC CỦA CƠN GIẬN

Cơn giận của chúng ta là một tín hiệu, và là một tín hiệu đáng được lắng nghe. Nó có thể là một thông điệp báo cho hay rằng chúng ta đang bị xúc phạm, quyền lợi đang bị lấn áp, nhu cầu và ước muốn không được đáp ứng đầy đủ, hoặc chỉ đơn giản: việc đang xảy ra là không đúng. Nó có thể là một dấu hiệu báo cho biết chúng ta đã không chú tâm tới một vấn đề tình cảm quan trọng nào đó, hoặc là quá nhiều cái trong bản ngã chúng ta – như niềm tin, giá trị, ước muốn, tham vọng – đang bị liên lụy trong một mối tương quan. Nó có thể là dấu hiệu báo cho hay chúng ta đã làm nhiều, cho nhiều hơn là chúng ta có thể làm hay cho một cách thoải mái, hoặc kẻ khác đã làm quá nhiều cho chúng ta, gây nguy hại cho chính sự thông thạo và trưởng thành của chúng ta.

Song, đã từ lâu nữ giới chúng ta không được khuyến khích ý thức và biểu lộ thẳng thắn cơn giận dữ. Chúng ta là những kẻ nuôi dưỡng, xoa dịu, hòa giải..., những kẻ giữ vững con tàu đang bị lắc lư. Nhiệm vụ chúng ta là phải chở che, làm hài lòng và hòa dịu thế giới. Chúng ta phải duy trì những mối liên lạc như thể chính đời sống chúng ta tùy thuộc vào đó.

Dù xã hội có đồng tình với mục tiêu nam nữ bình quyền nhưng những phụ nữ tỏ ra giận dữ lộ liễu với đàn ông vẫn đều bị coi là không đáng tin cậy, vẫn đều dễ bị mọi người xa lánh! Khác với nam giới được ca tụng khi chiến đấu và chết cho điều mình tin tưởng, phụ nữ chúng ta có thể bị lên án chỉ vì đã tiến hành những cuộc cách mạng không đổ máu và đầy nhân tính ấy cho quyền lợi của chúng ta! Cơn giận dữ thẳng thừng, đặc biệt khi hướng về nam giới, dễ khiến chúng ta bị đánh giá là thiếu "nữ tính", thiếu "vẻ nết na, thùy mị, dịu hiền..." và vì vậy mà cũng "hết còn hấp dẫn"! Thậm chí những "phụ nữ nổi giận" còn có thể bị lên án là "đanh đá", "bà chằng", "mụ phù thủy ác độc", "quỉ cái"...Họ bị coi là "không biết yêu" và do vậy "chẳng đáng được yêu"! Cũng là điều lý thú khi nhận ra rằng: cả trong ngôn ngữ thường ngày, xã hội cũng bênh vực và khuyến khích nam giới hơn trong cái quyền được nổi giận.

Bởi vì có những cấm kỵ quá mạnh mẽ như vậy đối với việc phụ nữ cảm nhận và bày tỏ sự giận dữ, nên thật không đơn giản để chúng ta biết được lúc nào mình nổi giận. Khi một người đàn bà nổi giận, người đó bị coi là thiếu lý trí, xấu xa, tồi tệ...Gần đây tôi có dự một hội nghị chuyên nghiệp, một nữ bác sĩ trẻ thuyết trình về những phụ nữ bị đánh đập. Cô nêu ra nhiều ý kiến mới lạ, hấp dẫn, truyền đạt được sự dấn thân sâu sắc của cô trong vấn đề đó. Giữa buổi thuyết trình, một bác sĩ tâm thần nổi tiếng ngồi phía sau tôi đứng dậy bỏ đi. Khi đứng lên, ông quay về người ngồi cạnh và thốt lời phán đoán: "Đúng là một người đàn bà vô cùng phẫn nộ!". Như vậy đó! Việc ông ta khám phá – hay tưởng mình khám phá – ra sự giận dữ trong giọng nói của diễn giả không những đã làm ông hiểu lầm những điều cô nói mà còn hiểu lầm chính cô nữa. Khi giận dữ, chúng ta thường luôn gặp phải sự từ bỏ và chê trách của kẻ khác như vậy, cho nên việc chúng ta khó chấp nhận là mình đang nổi giận chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Tại sao những phụ nữ nổi giận lại làm người khác kinh sợ đến thế? Nếu chúng ta cảm thấy mình có lỗi, cảm thấy chán nản hay ngờ vực, chúng ta thường đứng nguyên tại chỗ, không hành động, trừ phi hành động chống lại bản thân. Hậu quả là chúng ta không thể trở thành những tác nhân góp phần vào việc cải tạo con người và xã hội. Ngược lại, như những gì chúng ta đã chứng kiến về phong trào đòi nam nữ bình quyền trong suốt thập kỷ qua, chính những "phụ nữ nổi giận" đã có thể thách thức và làm đổi thay tất cả. Chúng ta còn thấy rằng sự đổi thay nói trên đã làm nẩy sinh nhiều âu lo và khó khăn cho tất cả mọi người, kể cả những người hăng hái nhập cuộc nhất trong chúng ta. Như vậy, ngoài việc sợ bị người khác chê bai, một lý do nữa khiến chúng ta phải e ngại những cơn giận của chính mình là: chúng báo hiệu cần có đổi thay.

Do những e ngại đó mà chúng ta có thể tự đặt những câu hỏi để ngăn cản hoặc vô hiệu hóa những kinh nghiệm nổi giận của chúng ta: "Liệu sự nổi giận của tôi có thể biện minh được không?", "Liệu tôi có được quyền nổi giận không?", "Nổi giận như vậy mang lại lợi ích gì?", Nổi giận như vậy tốt lành gì?"...Những câu tự hỏi này có thể là cách tốt nhất giúp ta nguôi ngoai, ngăn chặn hẳn cơn giận dữ.

Hãy xét lại những câu tự hỏi đó. Sự nổi giận chẳng hợp pháp mà cũng chẳng bất hợp pháp, chẳng có ý nghĩa mà cũng chẳng vô ý nghĩa. Sự nổi giận chỉ đơn giản là thế đó. Tự hỏi: "Sự nổi giận của tôi có biện minh được không?" cũng giống như tự hỏi: "Liệu tôi có quyền được khát nước không?". Cho dù tôi mới cạn một ly trước đây mười lăm phút, chắc chắn là sự khát của tôi cũng không thể biện minh được. Vả lại, tự hỏi thế mà làm gì trong khi vấn đề là hiện giờ tôi chưa tìm ra nước uống?

Sự tức giận là một cái gì chúng ta cảm thấy. Nó hiện hữu có lý do và đáng để chúng ta phải chú ý, tôn trọng. Chúng ta đều có quyền có những trạng thái mà mình cảm thấy – và chắc chắn sự nổi giận của chúng ta không thể là một ngoại lệ.

Tuy nhiên, vẫn có những câu tự hỏi hữu ích khi chúng ta giận dữ: "Tôi đang thực sự bực bội về cái gì đây?", "Bực bội về vấn đề nào ?", "Làm sao để tôi có thể phân biệt ra ai chịu trách nhiệm về việc nào?", "Làm sao để tôi biết cách nổi giận mà không để cho mình cảm thấy bị bỏ rơi và bất lực?", "Làm cách nào để nói lên rõ rệt vị trí của mình mà không rơi vào thế phải tự vệ hay phải tấn công?", "Tôi phải đối diện với những rủi ro nào, những mất mát nào nếu muốn tỏ ra minh bạch hơn hay quả quyết hơn?", "Nếu nổi giận không giúp ích được chi thì tôi phải làm gì khác?"...Những câu hỏi này chúng ta sẽ nêu lên ở những chương kế tiếp, với mục đích không phải để gạt bỏ cơn giận hay nghi ngờ hiệu lực của nó, mà để có được một hiểu biết nhiều hơn về nguồn gốc cơn giận hầu tìm ra cách hành động mới mẻ hơn trong nếp cư xử của chính mình.

Nhưng đồng tiền còn có mặt trái của nó: nếu cảm thấy bực bội là dấu hiệu có vấn đề thì việc làm hả giận vẫn chưa giải quyết được vấn đề đó. Làm hả giận có thể chỉ duy trì và làm cứng rắn thêm những nếp cũ, qui tắc cũ trong một mối tương giao, do đó càng chắc chắn rằng sẽ không hề có thay đổi. Khi cường độ cảm xúc dâng cao, phần lớn chúng ta cố gắng thay đổi người kia – một cách vô hiệu quả – trong khi chúng ta quên không dồn năng lực vào việc soi sáng và thay đổi chính bản thân chúng ta. Còn lý thuyết xưa bảo chúng ta nuốt giận và cứ để mọi việc lửng lơ cốt che chở chúng ta khỏi những bộc lộ bất ngờ, lý thuyết ấy không còn đúng nữa.

Chúng ta sẽ không sao tránh khỏi phiền muộn, tự hạ giá, tự phản bội, kể cả tự căm thù mình nếu chúng ta chiến đấu mà đồng thời vẫn cam chịu những hoàn cảnh bất công; nếu chúng ta than phiền nhưng lại cam sống theo kiểu phản bội những kỳ vọng, giá trị, tiềm năng của mình; hoặc nếu chúng ta nhận ra mình đang trở thành một kẻ đanh ác, chua ngoa, phá hoại trong xã hội.

GIẬN DỮ SAI TRÁI

Khi không biết xử lý cơn giận một cách hiệu quả, chúng ta có thể rơi vào một hay cả hai hạng người sau đây: hạng "đàn bà dễ thương", chúng ta cố tránh nổi giận, tránh cãi cọ bằng mọi giá; hạng "đàn bà đanh đá", chúng ta dễ dàng nổi giận nhưng lại tham gia một cuộc chiến đấu than thở, trách móc. Cả hai cung cách trên thường chẳng đem lại một kết quả xây dựng nào.

Hai cách nổi giận này khác nhau như ngày với đêm vậy. Nhưng thực ra cả hai đều được sử dụng để bảo vệ đối phương, để làm lu mờ sự trong sáng của bản thân và để bảo đảm sẽ không có gì đổi thay. Chúng ta hãy xem việc đó xảy ra như thế nào.

Mẫu phụ nữ "dễ thương":

Nếu là "người đàn bà dễ thương" chúng ta sẽ hành động ra sao? Vào trường hợp thực sự đáng nổi giận, đáng phản bội, thì chúng ta im lặng, hoặc khóc ròng, tự trách mình và chịu đau khổ. Nếu quả thực thấy nổi nóng, chúng ta có giữ kín trong thâm tâm để tránh gây thành cuộc xung đột bên ngoài. Không những giữ kín nổi bực tức. chúng ta còn tìm cách tránh nói rõ những gì mình cảm nghĩ nếu thấy nói rõ sẽ làm người kia mất thoải mái. Khi cư xử như vậy, chúng ta đã dồn năng lực của mình vào việc che chở cho người khác và bảo vệ hòa khí trong mối liên hệ, thay vì nhìn rõ vào bản thân mình. Với thời gian, chúng ta mất dần sự sáng suốt vì đã dành quá nhiều cố gắng cho việc thăm dò phản ứng người khác. Có thể càng ngày chúng ta càng giảm bén nhạy về những cảm nghĩ và ước vọng của mình.

Càng "dễ thương" theo kiểu này, chúng ta càng chồng chất thêm những giận hờn trong tiềm thức. Khó mà tránh khỏi uất hận khi cuộc đời chúng ta chỉ toàn những nhượng bộ và chịu đựng. Khi gánh trách nhiệm về những tình cảm và phản ứng của kẻ khác và khi từ bỏ trách nhiệm bảo đảm chất lượng đời sống của chính mình, chúng ta đã xử sự như thể coi mối tương giao quan trọng hơn nhân cách của mình. Dĩ nhiên chúng ta không trực tiếp kinh qua cơn phẫn uất, vì "những người đàn bà dễ thương" – theo định nghĩa – không phải là "những người đàn bà nổi giận".

Vậy là bắt đầu chu kỳ tự làm mình thất bại. Càng nhượng bộ, chịu đựng, chúng ta càng xây dựng thêm giận hờn. Càng cố gắng trấn áp hơn nữa giận hờn đó, thì tiềm thức chúng ta lại càng e ngại cơn giận bùng nổ ra. Càng e ngại một sự bùng nổ, chúng ta mới thấy là chính cái điều mình lo sợ đã xảy ra: cơn giận dữ của ta trở nên thực tình "phi lý" và "phá hoại". Hậu quả là người chung quanh có thể ghi nhận rằng chúng ta "khùng", trong khi những vấn đề thực thì vẫn chưa được giải quyết...Và chu kỳ lại bắt đầu.

Những người "đàn bà dễ thương" mặc dù không nhạy cảm lắm về cơn giận, nhưng có thể họ rất nhạy cảm về ý thức tội lỗi. Với phiền muộn, với tình cảm bị thương tổn, chúng ta nuôi dưỡng mặc cảm phạm lỗi để tránh phải ý thức cơn giận của mình. Giận dữ và mặc cảm phạm tội không thể đi đôi với nhau. Nếu chúng ta cảm thấy mình phạm tộ vì đã không làm đủ hay cho đủ cho người khác thì có lẽ chúng ta sẽ không nổi giận vì đã không hưởng đủ. Nếu cảm thấy mình có lỗi vì đã không làm đầy đủ bổn phận thì chúng ta cũng sẽ không đủ năng lực và sáng suốt để đặt nghi vấn về chính bổn phận đó. Không có gì, thực sự không có gì ngăn chặn cách hữu hiệu ý thức cơn giận cho bằng mặc cảm phạm lỗi và nghi ngờ chính mình. Xã hội đã nuôi dưỡng những mặc cảm phạm tội nơi phụ nữ, tới mức nhiều người trong chúng ta còn cảm thấy có lỗi nếu đã không cung cấp đủ tình cảm ngọt ngào cho kẻ khác.

Chúng ta cũng chẳng dễ dàng gì có được can đảm để ngưng cảm thấy mình phạm tội và bắt đầu sử dụng cơn giận để xác định cái gì là đúng, là hợp với cuộc sống của mình. Chính khi chúng ta bắt đầu thay đổi, người khác có thể tăng gấp đôi sách lược gây cảm thức tội lỗi nơi chúng ta. Sách lược này có thể là những lời lên án: "ích kỷ", "ấu trĩ", "thiếu nữ tính", "mắc bệnh tâm thần", "vô trách nhiệm", "lạnh lùng"...Những dèm pha đó – nhắm vào chính tính khí và nữ tính của chúng ta – có thể vượt quá những gì chúng ta có thể chịu đựng. Khi đã được dạy cho biết rằng giá trị và "thiên chức" của chúng ta là ở chỗ "yêu và được yêu", thì quả chúng ta khó mà chịu nổi những lời phẩm bình về chính nét đáng yêu, nét "nữ tính" của chúng ta. Quyến rũ làm sao, cái việc lê gót trở về "vị trí đúng" của mình hầu chiếm lại sự tán thành của kẻ khác!

Khác với những "bà chằn" luôn luôn thua trong việc lấy lòng dư luận, những "phụ nữ dễ thương" bao giờ cũng được xã hội đãi ngộ. Tuy nhiên cái giá mà họ phải trả rất cao và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống tình cảm cũng như tinh thần. "Không nhìn cái gì xấu, không nghe cái gì xấu, không nói cái gì xấu" trở thành quy luật vô thức cho những ai trong chúng ta vốn phải phủ nhận ý thức về cơn giận và việc biểu lộ nó. Cái "xấu" nói đây là bất kỳ tư tưởng, tình cảm, hành động nào có thể gây mâu thuẫn công khai với những người đối với chúng ta là quan trọng, hoặc cả sự không đồng ý của họ nữa. Để tuân theo quy tắc này, chúng ta trở thành những kẻ mộng du, không còn được nhìn một cách sáng suốt, nghĩ một cách chính xác, hoặc tự do hoài niệm theo ý thích. Không sao ước lượng hết số năng lực sáng tạo, trí tuệ và dục tính bị mắc kẹt trong nhu cầu ức chế những cơn giận này, chưa cần lưu ý đến nguồn gốc của chúng.

Mẫu phụ nữ "đanh đá"

Trong chúng ta, "những người đàn bà đanh đá" là những kẻ không cảm thấy xấu hổ khi nổi giận hay nói lên sự bất đồng của mình. Tuy nhiên trong một xã hội đặc biệt không ưa phụ nữ nổi giận, chúng ta có nguy cơ bị dán nhãn hiệu này hay nhãn hiệu nọ để cảnh cáo chúng ta hãy giữ mồm giữ miệng khi đe dọa kẻ khác, nhất là đàn ông. Những nhãn hiệu đó – như "thiếu nữ tính" hoặc nặng hơn nữa – có sức mạnh làm cho chúng ta phải sững sờ đến lặng thinh hoặc làm bừng cơn giận, vì càng làm chúng ta tăng thêm cảm giác mình bất lực và bị đối xử bất công.

Nhưng đó mới chỉ là một phần câu chuyện. Những nhãn hiệu này không chỉ đơn thuần là những sáo ngữ ác khẩu – có khi đượm màu dục tính – mà còn tệ hơn thế. "Lắm lời", "đanh đá", "ưa cằn nhằn", "gái độc không con"...những nhãn hiệu đó còn hàm ý là hoàn cảnh sẽ không có một chút khả năng đổi thay nào. Đó là những từ ngữ phản ánh vị trí sa lầy đặc biệt của chúng ta: bao nhiêu cảm xúc giận dữ cứ bao vây chúng ta trong khi hiện tình thì vẫn chẳng có gì đổi thay thật sự.

Khi thất bại trong việc xả ra cho hả giận, chúng ta dễ dàng bị kẹt trong chu kỳ cư xử xuống dốc và lập đi lập lại. Chúng ta quả thật có điều bực bội, nhưng sự phiền muộn của chúng ta không được diễn tả rõ ràng nên chỉ gây ra sự phản đối nơi người khác, thay vì sự cảm thông nơi họ. Điều này càng làm chúng ta tăng thêm cảm giác cay đắng và bất công. Đàng khác, vấn đề thật – cái đã làm chúng ta nổi giận – chưa được nhận định. Sau cùng và hơn hết, chúng ta có thể trở thành cái đích tấn công đầu tiên cho những người đàn ông vốn kinh sợ đàn bà thịnh nộ và cả cho những người nữ sợ lâm vào hoàn cảnh đó.

Dĩ nhiên việc biết khi nào mình nổi giận và việc biểu lộ cơn giận với người kia đòi hỏi sự dũng cảm nơi ta. Vấn đề là: khi chúng ta sa lầy trong một cuộc đấu tranh vô hiệu quả, thì cũng là lúc chúng ta đang chịu thiệt thòi để che chở người kia. Mặt khác, khi chúng ta biểu lộ sự tức giận vô hiệu quả như vậy – không rõ ràng, không đường hướng, không kiểm soát – thì thay vì đe dọa người khác, chúng ta có thể rốt cuộc lại làm cho người khác yên tâm.

Những ai trong chúng ta chiến đấu vô hiệu quả thường thấy mình rơi vào cảnh bất lực trong việc gắng công thay đổi kẻ không muốn đổi thay. Khi chúng ta muốn thay đổi niềm tin, tình cảm, phản ứng hay hành vi của kẻ khác mà thấy không hiệu quả, có thể sau đó chúng ta lại vẫn tiếp tục làm như vậy nhiều hơn nữa. Nghĩa là chúng ta cứ phản ứng theo đường lối đã được định trước, đã thành khuôn mẫu, và do đó chỉ làm trầm trọng thêm những gì đã khiến chúng ta phải than phiền. Chúng ta có thể do xúc cảm mà bị lôi cuốn phải làm như vậy, đến nỗi không hề nghĩ ngợi gì về việc liệu có thể cư xử khác hơn không hoặc tin rằng có thể có những chọn lựa mới được không. Như vậy, sự đấu tranh của chúng ta cũng là một cách bảo vệ những nếp cũ trong mối tương giao y hệt như sự nín chịu của "người đàn bà dễ thương" vậy.

Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về hai hành vi trên: tự hại mình và tự kéo dài hoàn cảnh bế tắc của mình. Thực vậy, "những người đàn bà dễ thương" và "những người đàn bà đanh đá" đơn giản chì có hai mặt của đồng tiền, dù sự thể hiện hoàn toàn khác nhau.

Sau khi tất cả đã được nói và được làm – hay đã không được nói và không được làm – kết quả vẫn thế: chúng ta cảm thấy bơ vơ và bất lực. Chúng ta không cảm thấy mình kiểm soát được chất lượng và đường hướng đời mình. Ý thức về nhân phẩm và lòng tự trọng bị thương tổn, bởi chúng ta đã không làm sáng tỏ được vấn đề. Và vì chúng ta đã không làm sáng tỏ được vấn đề, nên đã chẳng có gì được thay đổi.

Phần lớn chúng ta ít được giúp đỡ để biết sử dụng cơn giận sao cho chính chúng ta được tăng sức mạnh và những vấn đề của mối liên hệ được sáng tỏ. Thay vì vậy, những bài học ở đời lại khích lệ chúng ta kinh sợ cơn giận dữ, phủ nhận nó hoàn toàn, chuyển nó vào những mục tiêu không đúng, hay quay trở lại tự hại mình. Chúng ta đã học cách phủ nhận mọi lý do để giận, cách nhắm mắt trước nguồn gốc của chúng hoặc cách bộc lộ chúng một cách vô hiệu quả,và do đó rốt cuộc lại giữ vững thay vì thách thức tình trạng cũ. Chúng ta hãy từ bỏ những cách làm đó đi, để có thể sử dụng "năng lực giận dữ" vào việc phục vụ phẩm giá và sự tăng trưởng của mình.

CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC:

Sách này cốt giúp phụ nữ biết cách xử lý giận dữ bất lợi cho mình về lâu về dài như im lặng cam chịu, chiến đấu trách móc vô hiệu quả giận dỗi bỏ đi. Nhiệm vụ của tôi là giúp bạn đọc có được sự sáng suốt và tài khéo thực tế để ngưng hẳn cách cư xử theo lề lối cũ có thể tiên đoán được và bắt đầu sử dụng giận dữ để làm sáng tỏ một vị trí mới trong những mối quan hệ thân thiết của chúng ta.

Vì vấn đề giận dữ đụng chạm tới mọi khía cạnh của đời sống nên tôi đã phải có một vài chọn lựa. Để tránh cuốn sách này có bề dày quá lớn khó sử dụng, tôi đã quyết định tập trung – tuy không phải là duy nhất – vào những mối liên hệ gia đình. Chúng ta cảm nhận những cơn giận dữ nhất cũng như tình yêu sâu xa nhất của chúng ta chính trong vai trò làm con cái, làm chị em, làm người tình, làm vợ, làm mẹ. Liên hệ gia đình ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống chúng ta và cũng là mối liên hệ khó khăn nhất đối với chúng ta. Chính vì rất gần gũi mà thường dẫn đến "sa lầy" và do vậy mà những nỗ lực của chúng ta cốt để cải thiện mối liên hệ, rốt cuộc lại làm cho tình trạng giữ nguyên như cũ. Khi chúng ta đã biết cách sử dụng năng lực giận dữ để thoát khỏi sự sa lầy trong những quan hệ gần gũi nhất, gắn bó nhất, chúng ta cũng sẽ bắt đầu biết vận dụng nó một cách sáng suốt, có kiểm soát và bình tĩnh hơn, trong mọi quan hệ với bạn bè, với người cộng tác hay với người bán tạp hóa ở góc phố. Ngược lại, khi những vấn đề về cảm xúc của chúng ta bị bỏ lơ trong chính những mối liên hệ thân thiết nhất, chúng sẽ như bị tưới thêm lửa trong những mối liên hệ khác của chúng ta.

Tôi viết cuốn sách này chỉ với mục đích giúp ích. Tôi đã hy sinh phần lý thuyết, dù bổ ích đến mấy, nếu không thấy nó hữu dụng thiết thực trong đời sống của phụ nữ. Cũng vì vậy mà đôi chỗ trong cuốn sách tôi còn nới rộng thêm những gì liên quan đến đề tài giận dữ nữa. Độc giả nên được cảnh giác trước là cuốn sách này không nêu lên những quy tắc "phải làm như thế nào", theo những cấp bậc từ dễ dàng đến khó hơn. Sở dĩ như vậy, là vì khả năng xử lý cơn giận – như một công cụ đem lại đổi thay – đòi hỏi chúng ta phải có một hiểu biết sâu sắc hơn về những đường lối tác động qua lại trong các mối liên hệ.

Do đó, chúng ta sẽ xét tới đường lối tự phản bội, hy sinh bản ngã để giữ gìn hòa khí với người khác; chúng ta sẽ đi vào lãnh vực của sự quân bình tế nhị giữa cá nhân (cái "tôi") và tập thể (cái "chúng ta") trong những mối liên hệ; chúng ta sẽ xét tới những mẫu mực, quy tắc hành xử vốn quyết định các mối liên hệ của chúng ta hầu soi sáng những giận dữ sâu sắc nhất mà chúng ta đã không cho phép mình biểu lộ; chúng ta sẽ phân tích vì sao những mối liên hệ sa lầy, vì sao thoát khỏi; chúng ta sẽ hiểu vì sao những mối liên hệ gần gũi thật giống như những điệu múa, trong đó mỗi bên vừa kích động vừa duy trì bước nhảy của bên kia. Tóm lại, chúng ta học cách sử dụng cơn giận như một khởi điểm để đổi thay cung cách liên hệ cũ, hơn là để trách móc thiên hạ.

Ta phải sử dụng sách này ra sao? Rất từ từ. Dù vốn đang là kẻ hung hăng hay thủ bại đến đâu, thì trong cung cách thường ngày của chúng ta vẫn còn có sự hiện diện của lý trí – với nhiệm vụ tích cực bảo vệ chính chúng ta và những người xung quanh. Nếu chúng ta muốn có đổi thay, điều quan trọng là hãy hành động từ từ để có cơ hội quan sát và thí nghiệm một bước chuyển mới – tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa – trong mối liên hệ. Nếu tham lam muốn thay đổi quá nhiều, quá nhanh, chúng ta có thể chẳng thay đổi được gì cả, trái lại còn lầm vẩn lên quá nhiều âu lo và xúc động cả nơi ta lẫn nơi người khác, đến nỗi có thể làm phục hồi những cung cách cư xử cũ, hoặc có thể làm đổ vỡ một dây liên hệ quan trọng – một điều không phải nhất thiết có lợi.

Cuốn sách này sẽ hữu ích hơn cả nếu bạn đọc hết. Đừng bỏ quãng những đoạn bàn cãi về trẻ thơ chỉ vì bạn chư có con, cũng đừng bỏ không đọc các chương nói về các đức ông chồng chì vì bạn còn độc thân hay đã ly dị. Điều quan trọng, chính là những mô hình cư xử trong các mối liên hệ mà tôi sắp miêu tả. Tôi ít chú trọng đến những người khiêu vũ, mà chú trọng đến chính điệu nhảy và cái cách điệu nhảy được tiến hành. Xin nhớ, mỗi chương đều chứa đựng những kiến thức cần yếu cho cho bất kỳ mối liên hệ nào của bạn. Khi đọc, bạn có thể liên tưởng và tổng quát hóa tới những mối liên hệ khác, những môi trường tương quan khác, và cách làm như vậy thật có ích.

Để có thể sử dụng cơn giận như một lợi khí giúp đạt được đổi thay trong quan hệ, hãy học cách phát triển và mài sắc tài năng của chúng ta trong bốn lãnh vực sau:

1. Chúng ta có thể học nhận định một cách tương xứng nguồn gốc của cơn giận, và biết rõ mình đang đứng ở đâu: "Hoàn cảnh nào đã làm tôi bực mình vậy?", "Vấn đề chính ở đây là gì", "Tôi nghĩ gì, cảm thấy g?", "Tôi muốn thực hiện điều gì?", "Người nào chịu trách nhiệm về điều nào?", "Tôi đặc biệt muốn thay đổi cái gì?", "Những gì tôi muốn và không muốn làm?"...Những câu hỏi dường như quá đơn giản, nhưng rồi chúng ta sẽ thấy chúng phức tạp đến mức nào. Điều đáng kinh ngạc là nhiều khi chúng ta rời bỏ cuộc chiến đấu mà vẫn không hay mình chiến đấu cho cái gì. Có thể chúng ta đã dồn năng lực giận dữ vào việc muốn thay đổi, kiểm soát một người trong khi người đó lại không ưng đổi thay hay bị kiểm soát. Lẽ ra chúng ta phải dồn năng lực đó vào việc tìm hiểu rõ vị trí và những chọn lựa của chính chúng ta. Điều này thật đúng trong những mối quan hệ mật thiết, trong đó, nếu không biết sử dụng cơn giận để soi sáng những tư tưởng, cảm tình, ưu tiên và chọn lựa của mình, chúng ta dễ rơi vào vòng lẩn quẩn bất tận của đấu tranh, trách móc chẳng đi đến đâu. Việc biết điều khiển hữu hiệu cơn giận đương nhiên giúp ta phát triển được cái "ta" ngày càng thêm rõ ràng minh bạch và trở thành một chuyên viên khả kính về chính bản ngã của mình.

2. Chúng ta có thể học được cách truyền đạt suy nghĩ của mình: Điều này giúp ta có nhiều triển vọng được người khác nghe và hiểu ta, do đó những mâu thuẫn, khác biệt có cơ hội được bàn cãi, điều đình. Có thể chẳng có gì đáng trách khi chúng ta hồn nhiên bộc phát cơn giận, không tư duy, không đắn đo suy xét: trong nhiều trường hợp, điều này có thể giúp ích, nhất là những trường hợp đương nhiên phải vậy, miễn là chúng ta không cố tình lạm dụng. Tuy nhiên nhiều khi đấu tranh hay cho nổ tung cơn tam bành giúp ta thấy nguôi ngoai, nhưng khi bão tố qua đi, mọi sự vẫn y nguyên chẳng có gì đổi thay cả. Trong khi đó, có những mối liên hệ chúng ta cần phải duy trì thái độ bình tĩnh, không trách móc để rồi sau đó mới đạt được những đổi thay lâu dài.

3. Chúng ta có thể học cách quan sát và ngăn chặn những tác động qua lại vô bổ: Truyền đạt suy nghĩ của mình một cách minh bạch và hữu hiệu bao giờ cũng là điều khó dù trong hoàn cảnh thuận tiện nhất. Thực khó mà tự quan sát hay có được thái độ mềm dẻo giữa cơn bão tố. Khi xúc cảm lên cao, chúng ta có thể học cách làm cho dịu xuống và lùi lại chút ít để có thể nhận rõ vai trò của ta trong những tác động qua lại mà chúng ta trách cứ.

Biết quan sát những mẫu mực cư xử trong mối liên hệ và biết sửa đổi phần đóng góp của mình vào những mẫu mực đó bao giờ cũng giúp ta thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong mọi mối tương giao mà ta dự phần. Nói "trách nhiệm", tôi không có ý muốn nói đến thái độ tự trách mình hay tự cho mình là "nguyên nhân" của vấn đề. Từ ngữ đó ở đây chỉ có nghĩa là khả năng phản ứng, khả năng tự quan sát và quan sát người khác trong những tác động qua lại, khả năng phản ứng trước một hoàn cảnh quen thuộc bằng đường lối mới. Chúng ta không thể bắt kẻ khác thay đổi bước nhảy của họ trong một điệu múa, nhưng nếu chúng ta đổi thay chính bước nhảy của chúng ta thì điệu múa đó không còn có thể tiếp tục như cũ được nữa.

4. Chúng ta có thể học để biết cách tiên liệu và đối phó với những "biện pháp đối phó" hay những "phản ứng nghịch chiều" từ phía người khác: Mỗi chúng ta đều thuộc về một nhóm hay một hệ thống liên hệ mà trong đó luôn có một áp lực đòi buộc các bên phải giữ nguyên hay trở về chỗ đứng cũ. Nếu chúng ta bắt đầu thay đổi cung cách im lặng, mơ hồ hay chiến đấu và trách móc vô hiệu quả, chúng ta sẽ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ. "Lực kéo nghịch chiều" này vừa có trong bản ngã nội tại của mỗi chúng ta vừa có nơi những người khác trong cùng hệ thống liên hệ với ta. Chúng ta sẽ thấy những người thân thiết này thường tạo áp lực để được hưởng lợi từ việc chúng ta giữ nguyên chỗ đứng cũ như thế nào, mặc dầu bề ngoài vẫn công khai chỉ trích và than phiền chúng ta. Cả chúng ta cũng cưỡng lại chính những đổi thay mà chúng ta tìm kiếm. "Chống đổi thay" cũng như "muốn đổi thay" là hai nét tự nhiên, phổ biến trong mọi liên hệ giữa con người.

Trong những chương kế tiếp, chúng ta sẽ quan sát kỹ lưỡng hơn nỗi lo âu lớn lao mà chắc chắn sẽ vây bủa khi chúng ta bắt đầu sử dụng cơn giận để xác định bản ngã cùng những nhu cầu của nó một cách rõ ràng hơn. Một số chúng ta có thể khởi sự minh bạch hẳn trong sự truyền đạt, kiên quyết hẳn trong quyết định đổi thay chỉ để thẳng thắn phản ứng lại những kẻ muốn chống đối chúng ta hoặc có ý coi thường những điều chúng ta nói. Nếu quả thực chúng ta nghiêm túc về việc đổi thay, chúng ta phải học cách tiên đoán và điều khiển nỗi âu lo và mặc cảm phạm lỗi xuất hiện trong chúng ta, khi chúng ta phải đối mặt với những phản ứng nghịch chiều của người khác, nhất là khi phải đối mặt với một phần rất thực trong bản ngã sâu thẳm của chúng ta muốn chống lại sự đổi thay.

Bây giờ xin cho tôi được nói: không dễ gì chúng ta có thể quay mặt làm ngơ thái độ phục tùng thầm lặng hay sự chiến đấu vô hiệu quả của chúng ta cho việc xác quyết ta là ai, nơi nào ta đứng, điều gì ta muốn, cái gì ta chấp nhận, cái gì ta không thể chấp nhận. Nỗi lo âu do ước muốn làm sáng tỏ những gì ta nghĩ và nghĩ ra sao có thể là nỗi lo lớn nhất trong những mối liên hệ quan trọng nhất của chúng ta. Khi chúng ta đã thực tình trở nên minh bạch và dứt khoát, người khác cũng có thể do đó mà trở nên minh bạch và dứt khoát về ý nghĩ và tình cảm của họ hay về sự kiện họ không chịu đổi thay. Một khi thừa nhận những sự thực này, chúng ta có thể gặp phải nhiều chọn lựa khó khăn cực nhọc. Liệu chúng ta chấp nhận giữ nguyên phần mình trong một mối quan hệ, một hoàn cảnh ? Hay chúng ta muốn rời bỏ nó? Liệu chúng ta chấp nhận "ở lại" và thử tìm một biện pháp khác? Và như vậy, phải làm gì?...Những câu hỏi này không dễ gì trả lời, kể cả suy nghĩ về chúng cũng vậy.

Trước mắt thì đôi khi ta cứ đơn giản theo đường lối quen thuộc cũ, mặc dầu kinh nghiệm bản thân đã từng cho biết chúng kém hiệu quả. Tuy nhiên về lâu về dài xin hãy thực hành những bài học trong sách này, chắc chắn quý vị sẽ được nhiều lợi ích. Không những chúng ta có được phương pháp mới để điều khiển những cơn giận dữ cũ, mà chúng ta còn đạt được "cái tôi" trong sáng và mạnh mẽ hơn, do đó có khả năng đạt được "cái chúng ta" thân mật và thỏa mãn hơn. Nhiều vấn đề về giận dữ có thể xuất hiện khi chúng ta phải chọn lựa giữa hai thái độ: hoặc có được một quan hệ, hoặc có được một bản ngã. Cuốn sách này có tham vọng muốn giúp chúng ta đạt được cả hai.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro