Đồng Mả Ngựa
Có lần một người đàn bà trong xã bị nhập, gọi là bà chứ cô ta cũng chỉ khoảng hàng băm. Đang ngồi gói bánh tét, cô ta bỗng đứng lên vò đầu bứt tóc, nhảy cà tưng, nói lảm nhảm. Cũng đã quen với việc này, những người khác vội chạy đi gọi ông Sáu, khi ông tới thì Vong trở nên rất ngoan ngoãn. Cũng như mọi lần, vong tự nhận là người bị chết oan đã mấy chục năm nay, "sống vất vưởng không đầu thai được, nơi Thành Uổng Tử bây giờ đông đúc lắm..." - Ông Sáu không phải là thầy bùa hay thầy pháp, ông chỉ là một Phật tử tu tại gia, nên ông vỗ về " Nếu không có nơi nương tựa thì hãy theo ta về chùa, nương náu một thời gian, bao giờ trả hết căn quả thì mới đi đầu thai được" – "Thế vong hồn ông ta có nói mình tên là gì không?" – "Vong nói lí nhí rất khó nghe, lúc thì xưng tên là Tám Ngời, lúc thì là Hai Liên..., nói chung những linh hồn chết oan rất hoảng loạn, họ không thể nói rõ ràng được gì".
Có điều xác thực là từ khi rước oan hồn về chùa thì nó ít còn nhập xác và quậy nữa.
Nơi đây còn có một địa danh gọi là "Đồng Mả Ngựa".
Thời kháng chiến chống Pháp, từng có một người võ quan của nghĩa quân đánh nhau bị chết, khi chạy về đến xã ĐHP này mới chịu ngã ngựa... điều kỳ lạ là lúc đó người nghĩa quân này đã bị chém mất đầu. Vĩnh viễn không ai có thể biết được cái đầu của ông ta đã lưu lạc ở đâu, dân trong xã kính cẩn gọi người chết không đầu là "Ông Quan", gom xác ông ta và xác con ngựa chôn chung một chỗ, mộ được lấp bằng những tảng đá ong. Ngôi mộ này linh thiêng đến mức hằng đêm mọi người đều nghe tiếng vó ngựa chạy rầm rập, tiếng ngựa hí vang... có người còn kể là đã thấy vị quan không đầu cưỡi ngựa chạy ngờ ngờ.
Hằng đêm "Ông Quan" đều hiện về, không đầu cưỡi ngựa để chiến đấu tiếp... làm dân làng trở nên hoảng sợ, cuối cùng họ phải tìm mướn thầy pháp về trấn yểm.
Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có người còn nghe tiếng ngựa hý.
Nơi chôn Võ Quan và con ngựa được gọi là "Mả Ngựa", cánh đồng có ngôi mả gọi là "Đồng Mả Ngựa", hồi xưa nó là một cánh đồng mênh mông, bây giờ thì khá nhiều người du cư đã đến cất nhà ở san sát, gần "Mả Ngựa" mọc lên mấy bụi tre um tùm, con nít hay tụ tập chơi ở đó, sự tích ly kỳ về "Mả Ngựa" vẫn còn được truyền khẩu bao thế hệ.
Thời xưa, khi Mỹ Tho còn là trung tâm kinh tế sầm uất bậc nhất Nam bộ, hàng ngày ghe thuyền từ khắp nơi tụ về đậu kín, trên bờ thì ngựa xe , người đi san sát, khung cảnh phồn vinh không gì tả nổi. Nơi đây người Tiều làm ăn rất phát đạt, trở thành những người giàu bậc nhất thị xã. Họ cho xây một ngôi chùa để thờ "Đức Thánh Quan", còn gọi là "Chùa Ông". Trong những năm chiến tranh biên giới phía bắc, ngôi chùa cổ bị đập bỏ, kể từ đó những người Tiều ở khu vực này làm ăn trở nên lụn bại, một số phải bỏ xứ ra đi, những ngôi nhà cổ cũng xuống cấp, sập xệ và u ám.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro