Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

vsdffger

Năm 19...

Hồi đó vào tháng Mười âm lịch. Tiết trời khô ráo. Gió thổi rét căm căm.

Cách Phú Bình, một tỉnh nhỏ địa dầu miền thượng du hơn sáu cây số là đồn điền Phú Hộ, trồng toàn cà phê, trà. Cà phê và trà Phú Hộ thơm ngon đã nổi tiếng khắp miền.

Trên một trái đồi rộng, dốc thoai thoải, giữa vườn cây trái xanh um, là dinh cơ đồ sộ của cụ Án Bùi Đình Quang. Khu gia cư gồm một tòa kiến trúc lớn xây theo hình móng ngựa, hai tầng lầu, có hơn một chục buồng, không kể phòng khách, phòng ăn, các nhà phụ thuộc dùng làm kho, nhà để xe...tòan thể trông như một tòa cổ thành. Nhất là cái chòi canh xây phía trên hai cánh cửa chính diện vượt cao khỏi dẫy tường bao quanh, nổi lên sừng sững, với những lỗ châu mai, mái ngói phủ rêu, bốn góc uốn cong cong, trông phảng phất giống hình phú ông đứng ngạo nghễ, tay chống nạnh, giương mắt ngắm nhìn mặt nước sông xuôi chảy lững lờ.

Quanh sườn đồi, toàn một giống cà xanh tốt thấp lè tè, mọc xoe tròn như cái nấm khổng lồ.

Dưới chân đồi, ruộng chỉ toàn trơ gốc rạ, phẳng lì nằm nối tiếp nhau trông như những ô vuông trên mặt bàn cờ tướng.

Phong cảnh nói chung, đẹp nên thơ, nhưng yên tỉnh quá nên đượm vẻ buồn bã quạnh hiu.

Từ ngoài đi vào, phía bên tay trái là cánh rừng già. Bóng rợp âm u của nó chứa chất nhiều kỷ niệm ghê rợn. Người địa phương kể lại rằng: ngày xưa, một tay cường đạo lẩn trốn trong đó. Y đã một mình chống cự ròng rã hai ngày, hai đêm liền. Rốt cuộc, gã sơn lâm đại đạo phải ra quy hàng. Đôi mắt gã bị trúng đạn nát ngướu. Hỏi, thì hắn cười khanh khách, chỉ tay vào bụng: "Đói quá mới chịu thua đó!". Trong nhiều tiếng đồng hồ liên tiếp, gã đã bình tĩnh chống trả toán nhân viên công lực, mặc dầu đã bị mù tịt. Thì ra, tay tướng cướp đã thuộc lòng địa hình, địa vật trong cánh rừng.

Phía tay mặt là một vũng ao lớn: ao xanh. Ao xanh? Chắc vì nước lúc nào cũng xanh ngắt như màu lá cây nên người ta gọi nó là ao Xanh? Không hẳn thế! Thực ra, cái ao này có chủ và ông chủ của nó tên là Xanh, ông ba Xanh. Cách đây hơn ba năm, một em bé mười hai tuổi đã chết đuối trong ao Xanh, gần bờ, ngay bên cạnh cái cầu con. Mặt chiếc cầu con lúc nào cũng ẩm ướt, rợp mát dưới bong râm một cây si cổ thụ, rễ trùm rễ phụ xõa buông rũ rượi. Người trong vùng đồn rằng từ đó ao Xanh có "huông".

Cách ao Xanh khoảng hai trăm thước là một nông trại nhỏ, có cái tên gọi thật chất phác: trại Con. Trại Con cũng nằm trong địa ranh, thuộc quyền sở hữu của cụ Án Bùi. Chung quanh trại Con, cây lớn, bụi nhỏ mọc um tùm xanh tốt, che khuất gần hết nông trại. Từ con đường cái lớn trải nhựa ngược thẳng Tuyên Quang, cách đó chỉ chừng năm chục thước, nhìn vào cũng không thấy được trại Con.

Nói chung, khu vực phía Đông Nam xã Phú Hộ, nơi tọa lạc đồn điền cụ Án Bùi, quang cảnh êm dịu, nên thơ thật đấy, nhưng bàng bạc một vẻ buồn man mác.

Buổi sáng hôm ấy, tại phòng ăn lớn, ba người yên lặng ngồi ăn điểm tâm. Bà Án Bùi, khoảng ngoài năm mươi tuổi. Sắc diện, thái độ, cử chỉ cao sang đài các, nhất là mái tóc tuy đã điểm sương nhưng vấn bới vẫn còn đẹp. Bà đưa mắt hết nhìn cô con gái tên Tường Vân lại đến Bạch Xuyến, cô giáo của Tường Vân.

Tường Vân tuổi mới gần mười bảy đã phát triển như một thiếu nữ 18, 19. Da trắng mịn, hồng hào khỏe mạnh, đôi mắt to đen lay láy, khuôn mặt nàng đẹp tự nhiên không điểm phấn tô son.

Cô giáo thì lại là cả một thái cực trái ngược hẳn với học trò: nước da trắng xanh trát đầy phấn, đôi môi ít khi không thoa son vẫn không che giấu được số tuổi đã ngoài ba chục.

Điểm khác biệt nhất giữa hai thầy trò là hai làn nhãn quang. Đôi mắt tròng nâu của cô giáo, tia nhìn lúc nào cũng sâu thẳm xa vời vợi khác hẳn với ánh mắt hồn nhiên, dịu dàng của học trò. Phải công nhận cách nhìn xa xăm của Bạch Xuyến khiến sắc diện cô gái hơi luống tuổi có một vẻ đẹp khá kiêu kỳ, mặc dầu làn môi mỏng dính, đôi khi nhếch lên tạo thành một nét nhăn trông rất đáng ngại trên khuôn mặt hầu như lúc nào cũng khắc khổ đăm chiêu.

Không khí trong phòng, bao quanh bàn ăn, im lặng ngột ngạt. Mãi sau, nữ chủ nhân mới buông sõng mấy câu. Giọng nói của bà tràn đầy phẫn nộ:

_ Hơn nửa tiếng đồng hồ rồi đấy! Cái thằng Sinh này thật là quá lắm. Nó muốn người ta phải bưng hầu lên tận phòng ngủ chắc! Con trai con đứa gì mà...! Sáng bạch nhật ra, hơn chín giờ rồi, còn chưa muốn dậy nữa.

Tường Vân rụt rè nhìn mẹ:

_ Thưa mẹ, đây là lần đầu tiên anh Sinh dậy trễ!

Bà Án Bùi quắc mắt nhìn con gái:

_ Đúng đó Tường Vân! Đúng, đây là lần đầu tiên anh con bắt đầu mất đi đức tính tôn trọng giờ giấc, đồng thời, tất cả các thói quen tốt nữa. Nhiều...rồi sẽ còn nhiều nữa...hừ!

Tiếp theo câu nói là một tiếng thở dài.

Cậu Sinh, người con trai duy nhất của bà, năm nay đã hai mươi tuổi. Cao lớn, khỏe mạnh, chàng đúng là hình ảnh của cụ Án ông, người chồng yêu quý của bà đã bị ngộ nạn tử thương trong một cuộc đi săn hồi mười năm về trước.

Ngòai hai cô gái, một cô chị, một cô em, cậu Sinh, con trai duy nhất thừa hưởng máu huyết của cha, vóc người khôi ngô, cường tráng. Sắc diện thanh tú, chàng có vẻ đẹp hào hoa. Nhưng Sinh giống cha nhất ở điểm tính tình bay bướm. Do đó, dân trong vùng Phú Hộ, nhất là các cô gái sinh đẹp con nhà giàu, hầu hết không nhiều thì ít, đều thầm mong được lọt vào mắt của cậu công tử con quan, nhà giàu, đẹp trai, học giỏi.

Lại tiếng nói của bà Án:

_ Tường Vân! Chị con đi vắng, bữa nay con giúp mẹ sửa sọan mấy khóm hồng nhung ngoài vườn cho xong đi, nghe!...Ồ, quái thật! Thằng Sinh làm cái gì mà giờ này cũng chưa thấy xuống?

Bấy giờ mới nghe cô giáo Bạch Xuyến lên tiếng:

_ Thưa cụ, hay cậu Sinh bị đau chăng?

Một tia nhìn hoài nghi loáng nhanh trong đôi mắt nữ chủ nhân. Nhưng sau vài giây ngập ngừng do dự, bà Án Bùi cũng bấm chuông gọi gia nhân. Chị người làm tên Duyên xuất hiện. Đúng là: Thầy nào tớ ấy! Quân của một dũng tướng ắt không phải nhược binh. Chị Duyên cũng có một nhan sắc rất khả ái. Nước da bánh mật, vóc người đẫy đà nhưng chắc lẳn như mình cá tram. Khuôn mặt trái soan càng duyên dáng với đôi mắt đen sáng long lanh.

Bà chủ ra lệnh:

_ Lên mời cậu Sinh xuống ăn điểm tâm. Nói với cậu lẹ lên một chút kẻo thức ăn nguội hết.

_ Thưa vâng!

Chưa đầy ba phút sau, chị người làm đã quay xuống. Sắc diện lộ vẻ ngạc nhiên cùng cực, đôi mắt mở lớn, chị Duyên nhìn bà chủ:

_ Dạ...thưa...cậu Sinh không có ở trên lầu!

_ Ồ lạ! Thế nó đi đâu? Sáng nay nó dậy sớm lắm mà? _ nhận thấy chị gia nhân chưa có ý định rút lui, bà hơi cau cặp chân mày hỏi tiếp:

_ Gì thế nữa, Duyên?

_ Dạ...dạ...thưa bà...cậu Sinh không...a...a...Con vào phòng thì thấy gối nệm vẫn phẳng nếp y nguyên.

Bà Án thoáng giật mình. Niềm lo ngại đột ngột nhen nhúm trong long khiến nét mặt bà hơi cau lại. Hai bàn tay ngón nuột nà của bà xoay xoay chiếc bát sứ Giang Tây đựng thức ăn. Đồng thời khuôn mặt xinh đẹp của Tường Vân, cô gái cưng, từ sắc trắng mịn cũng trở thành hồng ửng.

Tuổi mười sáu, mười bảy là cái tuổi dễ nổi cơn bất bình. Tính nết lả lơi, bay bướm của người anh trai yêu quý là nguyên nhân bốc nóng nơi nội tâm thiếu nữ. Tường Vân dư biết: về khía cạnh này, bà Án Bùi mẹ nàng, vẫn tỏ ra rất nghiêm khắc khi các con có hành vi muốn vượt qua vòng lễ giáo. Vậy giờ đây, sự vắng mặt của anh Sinh biết giải thích ra sao nếu không phải lý do một cuộc hẹn hò vụng trộm, rồi mãi vui, đã kéo dài hơn thường lệ.

Cô giáo Bạch Xuyến ngồi cắn môi im lặng. Thần thái nhà nữ mô phạm lộ ra vẻ mệt mỏi, cằn cỗi già nua hơn số tuổi thực ngoài ba mươi nhiều lắm.

Mãi sau, bà Án mới thốt:

_ Thôi được! Duyên! Con xuống nhà đi!

Chợt bắt gặp khuôn mặt nhợt nhạt của cô giáo, nữ chủ nhân hỏi ngay:

_ A, cô Bạch Xuyến sao thế? Cô thấy khó chịu trong người hả?

_ Dạ, tôi hơi choáng váng hoa mắt. Xin phép cụ lớn cho được về phòng riêng nằm nghỉ.

Tường Vân sốt sắng:

_ Cô, để em đưa cô lên nhé!

_ Cám on em! Cô lên một mình cũng được.

Bạch Xuyến khuất dạng, bà Án không cần giữ gìn ý tứ nữa, hỏi con gái:

_ Tường Vân! Tối qua con có thấy anh con đi đâu không?

_ Thưa mẹ, không! Rõ ràng anh Sinh ăn cơm tối xong lên lầu ngay mà, mẹ.

Tiếp theo câu nói là một nụ cười tươi như để trấn an người mẹ yêu quý.

Bà Án Bùi khẽ gật đầu, ánh mắt vẫn lộ vẻ băn khoăn:

_ Để coi, chờ một chút xem!

Nói thì thế, nhưng nữ chủ nhân chẳng chờ đợi chút nào. Bà đứng phắt lên, đi tới bàn, quay điện thoại gọi bà chị họ. Ông chồng bà chị họ, chủ nhân biệt thự Dưỡng Tâm Trang ở cách đây chừng hai cây số, có người con trai vốn là bạn thân của Sinh.

Không một ai trông thấy con trai yêu quý của bà đâu hết.

***

Cho tới bốn giờ chiều, niềm bồn chồn khắc khoải mỗi phút lại gia tăng trong dinh cơ cụ Án. Nhất là từ lúc "chị" Cầm tới. "Chị" Cầm là tá điền , được cụ Án tin yêu giao cho trông coi trại Con.

"Chị" Cầm vóc người nhỏ nhắn, tóc đã bạc trắng, vấn bới rất khéo, quấn chặt trong vành khăn nhiễu Tam Giang. Mặc dầu đã trên sáu chục tuổi, đôi mắt "chị" vẫn tinh tường, long lanh sáng trên khuôn mặt phúc hậu da dẻ hồng hào, đôi má đầy đặn, nếp nhăn rất ít. Chiếc áo cánh trắng, chiếc quần nái đen, không là ủi nhưng lúc nào cũng thẳng nếp, sạch sẽ trong trắng như tâm hồn trong trắng thật thà của "chị". Danh từ thân mật "chị" do bà Án dung để gọi bà Cầm bắt nguồn ở chỗ: từ đời cụ, cho đến đời ông, rồi đến đời cha mẹ, gia đình bà Cầm nối tiếp nhau làm việc cho "trên cụ Án", trông giữ trại Con. Đến đời bà, ngay từ thưở ấu thơ, bà cũng được cha mẹ cụ Án ông cho phép vào "trên nhà bất cứ lúc nào. Và giờ đây bóng dáng bà Cầm đứng giữa khoảng sân gạch rộng trông cũng quen thuộc, thân yêu như bóng dáng của chị Duyên, của anh Giang tài xế. bà Cầm đã được coi như người nhà.

Nhưng hôm nay, vẻ mặt bà có nhiều nét lạ khiến chị bếp hoảng hốt níu lại hỏi han. Đứng bên ô cửa sổ trên lầu, bà Án Bùi bắt gặp, nghe "chị" Cầm nhắc đến tên Sinh, liền vội vàng chạy xuống.

_ Sao? Cái gì thế, chị Cầm?

_ Dạ! Thưa bà Án! Tôi lên xem cậu Sinh có đưa thằng cháu Ngây đi đâu không. Suốt từ sáng sớm không thấy cháu đâu, mà cho tới giờ này cũng vẫn chưa về. Thường đêm nào nó cũng ngủ trong nhà kho, nên tối qua tôi đâu có đợi chờ, cứ yên trí vào giường đi ngủ. Sáng nay không thấy cháu đâu, tôi ngỡ cháu lên ngủ trên này.

Bà Án Bùi giật mình:

_ Sao? Chị Cầm nói sao?

Không kịp đợi trả lời, người mẹ đã bị sự xúc động khiến cho ngây người đứng lặng.

Thằng Ngây, cháu ruột của bà Cầm, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mười bốn tuổi nhưng nó cọc người, trông chỉ bằng thằng bé lên mười. Trí thông minh không phát triển được cho nên nó chỉ hành động theo bản năng. Tên thật của nó chính là Đông, Lê Văn Đông. Nhưng vì cứ ngây ngây ngốc ngốc nên ai cũng đùa giỡn gọi nó là thằng Ngây, lâu ngày quen miệng thành danh, một biệt danh khá ngộ nghĩnh. Nó sống với bà nội, được bà nội cưng yêu lắm. Đối lại, nó cũng kính yêu bà vô cùng, quấn quít bên bà như một con chó con. Thằng Ngây cũng yêu quý cả cậu Sinh con trai cụ Án nữa. Cậu Sinh đối với nó bao giờ cũng tử tế, kiên nhẫn dạy bảo nó đủ thứ, từng li từng tí. Không như bao nhiêu người khác thấy mặt nó là trêu chọc hoặc trẻ con thì đấm đá làm khổ nó, cậu Sinh thường dắt nó vào rừng chơi, đến nhà các bạn điền thăm viếng. Lần nào đi săn hoặc đi câu, cậu cũng cho thằng Ngây đi theo. Anh em tá điền cấy ruộng, làm trà cho cụ Án, ai ai cũng đều vui vẻ yêu quí cậu Sinh. Lý do: con quan mà không làm bộ làm tịch, biết thương yêu thằng bé mồ côi khờ dại. Như thế theo trí óc chất phác của đồng bào xã Phú Hộ, là những điềm tốt lành, đem lợi ích chung cho toàn xã.

Thế rồi ngày hôm nay, mối dây mật thiết giữa chàng thanh niên và thằng nhỏ ấy lại khiến bà Án thêm kinh hãi vô cùng: sự vắng mặt, bà nghi rằng có thể là mất tích của Sinh, con trai bà với việc thằng Ngây biệt tăm cùng một ngày giờ. Bấu víu, căn cứ vào đâu mà có thể cho rằng đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Bà Án ngẩng đầu, lên tiếng gọi con gái ở tầng lầu hai. Đúng lúc đó, bà chợt thấy khuôn mặt cô giáo Bạch Yến ở tầng lầu một thụt nhanh vào. Ý chừng cô không muốn để bà chủ biết là cô có tính xấu hay nghe lỏm chuyện của người khác.

Bà Án nghĩ thầm:

_ Hừ! Nghe lỏm thì nghe! Đâu có ăn thua gì cái nhà cô giáo Xuyến này! Nhưng quả thật cái việc thằng Sinh khiến mình lo lắng quá đi. Lo phát điên lên được, không ít đâu!... Bà cất tiếng gọi to: Tường Vân à, Tường Vân! Xuống mẹ bảo đây!

Rồi quay lại bà Cầm lúc đó đang đờ người ngó bà với đôi mắt sầu thảm như có ý chờ đợi một lời khuyên nhủ trấn an:

_ Ráng bình tĩnh nha chị Cầm! Cuống quít lên là hỏng hết cả đấy! Cậu cháu nó chắc lại vui chân đi chơi đâu xa đấy, ra ngoài Phú Bình không chừng! Sớm muộn gì rồi cũng phải về chứ! Có gì mà ngại!

Miệng bà nói "có gì mà ngại". Nhưng trong lòng bà cảm thấy lo ngại không để đâu cho hết.

Tường Vân từ trên lầu hai chạy xuống. Sắc mặt cô gái lộ rõ nét băn khoăn:

_ Mẹ ơi! Con đã vào phòng anh Sinh xem anh có viết giấy để lại dặn dò gì không thì không thấy gì cả! Có điều này hơi lạ: áo "ba đờ suy" và mũ dạ của anh vẫn còn ở trên đó mẹ à.

Bà Cầm đã bước đi lại quay trở lại. Giọng nói của bà run rẩy nhiều hơn:

_ Ồ, lạ! Thế là sao nhỉ? Thằng cháu Ngây lại đi cả giày tây đội mũ vải. Không biết cậu cháu nó có cùng đi với nhau không chứ?

Bà Án cảm thấy hai thái dương nhức buốt như búa bổ. Trong từng thớ thịt, từng lóng xương, tựa hồ có muôn vạn con gì gặm nhấm như mọt gặm gỗ. Hai đầu gối bà như lỏng ra, hai cẳng chân không còn sức đỡ nổi thân mình. Bà chỉ muốn được nằm lăn, chết lịm ngay ra đấy chắc là dễ chịu lắm. Ai đời tiết tháng mười giá lạnh như thế này, con trai quý của bà bỏ đi chơi xa mà chỉ lại phong phanh có bộ đồ "vét". Không mặt áo ba đờ suy, đầu không đội mũ...hừ!

À, nếu vậy thì có thể Sinh chỉ quanh quẩn gần đây, không đi đâu xa khỏi vùng Phú Hộ. Người mẹ lại thấy lóe lên một chấm sáng hy vọng:

_ Này, chị Cầm! Thử chờ hết chiều nay xem sao. Để coi! À, đến bữa cơm tối! Nếu bấy giờ cậu cháu nó vẫn chưa về, mình sẽ đi trình lý trưởng.

_ Vâng, phải đấy ạ! Nếu bảy giờ tối mà cháu Ngây vẫn chưa về, tôi sẽ chạy lên cụ.

Hai mẹ con bà Án ân cần nắm tay bà Cầm đưa ra tận cổng cái.

Quay vào, gặp cô giáo Bách Xuyến đi ra, Tường Vân nhanh nhẩu:

_ Thưa cô, cô thấy trong mình khá chưa?

_ Cám ơn em, đỡ lắm rồi! Cô ra nhà thờ một lát. Tường Vân đi chơi luôn thể đi?

Bà Án gật đầu, bảo con gái:

_ Phải đấy, con đi với cô giáo cho vui! Nhớ cầu xin chúa che chở cho mọi điều má con mình lo sợ không thể trở thành sự thật được nghe!

Ngoảnh đi ngoảnh lại, đồng hồ đã điểm bảy giờ tối từ lúc nào. Khi bà Cầm bước vào biệt dinh cụ Án Bùi, hai mẹ con nữ chủ nhân, cô giáo Bạch Xuyến đang ngồi chờ sẵn tại phòng khách. Giáp mặt bà Cầm, ba người không ai bảo ai, mà cùng rú lên thảng thốt. Quả thực, bà già khốn khổ trông lạ hẳn đi. Da mặt xanh nhợt như tàu lá chuối, đôi mắt sưng húp híp vì đã khóc nhiều. Bà Án nói không ra hơi:

_ Thế nào nói mau! Chị Cầm, gì thế? Hả?

_ Trời cao đất dày ơi! Bà ơi! Tôi không còn hy vọng gì được thấy được mặt cháu tôi nữa đâu, trời ơi!

Tường Vân đứng phắt dậy. Mặc dầu cô giáo Bạch Xuyến hồi hộp đã nắm chắc tay học trò, bóp thật mạnh, cô gái vẫn cất được tiếng hỏi rõ ràng:

_ Mà cái gì chứ, bà Cầm?

Bà Cầm run giọng hỏi khẽ:

_ Tôi vừa ở nhà mụ Phé về thẳng ngay đây.

Có tiếng thở mạnh và dài như tiếng thở của người trút được gánh nặng. Bà Ấn Bùi mỉm cười tươi tắn nhìn người lão bộc:

_ Thì hãy ngồi xuống ghế đá nào, chị Cầm ! Ngỡ gì ! Thế mà làm mọi người hết hồn. Tưởng có tin tức gì ghê gớm lắm chứ !

Bà Cầm nhíu đôi lông mày nhìn thẳng mặt chủ nhân như có ý nhẹ nhàng trách móc:

_ Trời ơi ! Ghê gớm lắm, bà ơi !

Ghê gớm lắm bà ơi ! Nhưng bà Án Bùi cảm thấy chẳng có gì đáng lo sợ nữa một khi chỉ là chuyện...Mụ Phé.

Mụ Phé, theo lời truyền tụng, là một mụ phù thủy, sống lủi thủi một mình trong túp lều tranh xiêu vẹo ở ngay cửa rừng già. Không rõ mụ bao nhiêu tuổi rồi mà chỉ thấy da mặt đã nhăn nheo như quả thị héo. Mái tóc chưa trắng nhưng đã xám ngoét, chẳng bao giờ gỡ chải, cứ xù lên như tổ quạ. Mụ không vấn khăn mà chỉ quấn quanh đầu một mảnh vải dài, có lẽ trước kia là màu đỏ. Tới nay, lâu ngày dầy tháng, mảnh khăn quý, ý chừng chẳng được biết mùi xà phòng một lần nào, cáu đầy ghét bẩn nên ngả thành một màu sắc không tên. Đôi chân mày mụ Phé mới thật là kỳ quái. Không đồng màu với mớ tóc bù xù mà lại đen kịt, rậm rì, có những sợi dài buông che kín mắt. Bởi thế, mỗi khi muốn nhìn cho rõ vật gì, mụ cứ đưa tay lên vén vén đôi chân mày chổi xể cho khỏi che kín hai con mắt, một to một bé, tròng mắt sáng long lanh. Gò mũi mụ Phé lúc thường thì nhỏ, đầu mũi nhọn hoắt như mỏ chim. Nhưng khi mụ cần ngửi một cái gì đó thật kỹ càng, lập tức hai cánh mũi nở lớn, bè ra như mũi...sư tử. Không lạ gì khi nghe các trẻ em tinh nghịch trong vùng, hễ gặp mụ là y như thế nào cũng gào to lên trêu chọc:

" Ê hê! Mụ Phé!

Mắt bé mắt to!

Mũi có lò xo!

Mắt to mắt bé!

Ê hê! Mụ Phé!

Ê hê! Mụ Phé! Mắt bé..."

Đại khái, hình dung ghê rợn của mụ Phé là thế đó. Ấy là chưa kể cái miệng không răng hiếm khi không nhai trầu phóm phém, nước cốt trầu nhểu dài hai bên mép đỏ bẻm. Quần áo và trăm mảnh đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Đôi chân cáu bẩn của mụ không mấy khi rời khỏi đôi guốc tự tay mụ đẽo lấy, mũi guốc cong lớn như mui thuyền.

Nguồn sống hằng ngày của mụ Phé là sữa dê. Mụ nuôi con dê mập lắm, mầm sữa rất căng. Nhưng thật ra, thức ăn chính cốt của mụ vẫn là cơm gạo. Canh dư cơm thừa mụ vẫn trông nhờ vào đồng bào trong vùng, một phần lớn từ " trên dinh cụ Án ". Và đáng kể hơn nữa là gia đình thầy đội kiểm lâm tên Phạm văn Danh, vợ tên tục vẫn gọi là cô Gấm. Dân trong xã Phú Hộ đối với mụ Phé, đều tỏ vẻ thương hại, sẵn sàng cưu mang, vì lẻ mụ chỉ có một thân trơ trọi, không bà con thân thích họ hàng. Mặc dầu mụ bẩn thỉu, mặc cho mụ đôi khi đánh mắng những đứa trẻ nghịch ngợm gọi trêu mụ là "mũi có lò xo, mắt to mắt bé", ngoài ra mụ Phé không hề làm gì hại ai bao giờ.

Trái hẳn thế, mụ lại có tài biết dược tính của vài loại lá rừng, chữa được bệnh phỏng nặng, cạo gió, biết điều chế một vài thứ thuốc cao dán mụt nhọt. Mụ lại biết cả bói bài. Mụ Phé, nói cho đúng, không hề hại ai. Nhưng hãy coi chừng, kẻ nào cố ý trêu chọc mụ. Mụ ghét nhất là bị chế riễu. Khi bị người chọc giận, mụ Phé có một cách làm cho hành động không tốt ấy phải chấm dứt ngay lập tức. Mụ đứng lại, lưng cúi lom khom, dựa thân hình còm cõi lên bàn tay chống trên khúc gậy tre đen bóng. Rồi đôi mắt , một to một bé, nhắm lại, chỉ mở hấp him, cái đầu nghiêng nghiêng ngả ngả, nhìn ngay mặt "kẻ địch" cho tới khi y quay mặt đi mới thôi. Nhưng, nếu tay rắn mắt kia, sau khi buông lời chế riễu không chịu dừng chân mà bỏ đi ngay, thì mụ Phé vẫn đứng nguyên tại chỗ, dáng hình quái dị dựa trên khúc gậy, nghiêng đầu ngó theo, miệng lẩm bẩm một câu nguyền rủa hay đọc mộy lời thần chú gì đó.

Người ta kể lại nhiều câu chuyện khá rùng rợn về mụ.

Một buổi chiều kia, anh chàng Man, con ông cai Sĩ trông coi cà phê trong đồn điền Phú Hộ, khi gặp mụ hét toán lên: "Ê hê, mụ Phé, mắt bé mắt to..." rồi hộc lên cười ha hả. Mụ Phé dừng bước, nhìn ngay mặt tên Man, miệng lẩm bẩm:

_ Này thằng kia! Đừng vội cười hộc lên như chó ngộ chó dại thế! Mụ cho lại sẽ chẳng khóc chán ra đấy! Hừ!

Hai tiếng đồng hồ sau, gia đình ông Cai Sĩ nhận được điện tín gởi tin về người con trai lớn của ông, ốm nặng từ lâu đã từ trần.

Một lần khác, cô Huyền con ông Ngọc, giám thị sở trà, đã đanh đá gọi mụ là "con mẹ phù thủy". Mụ mắng lại ngay:

_ Coi chừng nhé! Coi chừng cái bộ mặt nõn nường đó! Có ngày lại không thua xa "con mẹ phù thủy" này ấy chứ!

Chiều hôm ấy, khi bắc nồi cám từ trên bếp xuống, cô Huyền lỡ tay để cám nóng sôi bắn vào mặt bị bỏng một miếng lớn trên má.

Có thể đấy chỉ là những sự ngẫu nhiên đầy tính chất rùng rợn mà chưa ai giải thích nổi. Ngẫu nhiên mụ Phé nguyền rủa những kẻ trêu chọc mụ, rồi cũng ngẫu nhiên những kẻ ấy gặp rủi ro. Nhưng có nhiều điều mụ Phé, khi bói bài rồi "đọc" ra thành bài thơ hoặc những câu vè nói về sự việc đã qua, chuyện gì sắp xảy đến thì là chuyện khác. "Vấn đề khác" ấy, không những khiến những người hồn nhiên chất phác vội vã tin liền mà ngay cả đến toàn dân vùng Phú Hộ cũng phải băn khoăn suy nghĩ, bán tín bán nghi.

Vậy, việc bà Cầm, trong lúc tinh thần hoang mang rối loạn, chạy đến tìm mụ Phé kể cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Và các điều mụ "phù thủy" đọc theo những lá bài mụ Phé lật ngửa đã khiến cho bà già chất phác lo buồn đến cực điểm.

Bà Án Bùi ân cần khuyến khích:

_ Ờ, ờ! Có gì cứ nói đi, chị Cầm! Nói ra được là đỡ buồn lắm đấy. Nói đi!

_ Vâng, vâng! Trong lúc cuống quít chẳng biết tính sao, tôi chỉ còn một cách là tìm đến mụ Phé.

Có tiếng cô giáo:

_ Thế rồi chắc hẳn mụ Phé đã hỏi bà tại sao mà đến kiếm mụ chứ gì?

Bà Cầm liếc mắt ngó Bạch Xuyến. Tia nhìn của bà không một chút thiện cảm:

_ Thưa, không phải thế! Chính tôi đã hỏi thẳng mụ: "Này mụ Phé! Tôi có một chuyện buồn lo quá. Mụ giúp đỡ một phen nghe! -"Ờ, ờ, ngồi xuống đi đã". Mụ Phé bảo tôi như vậy. Tôi liền ngồi xuống ghế kê sát bàn của mụ. Mụ Phé lôi cổ bài ra, xóc xóc, rồi lật ngửa hơn một chục cây bài lên, chăm chú nhìn một lúc lâu. Đoạn cứ chép luôn miệng, lẩm bẩm nói cái gì mà tôi chỉ nghe được tiếng ô...ô... rất nhỏ, Chợt , mụ nói to: "Ô, trời ơi! Ô trời...trời! Tội nghiệp! Tội nghiệp! Tội nghiệp quá chừng! Trời ôi!"

Kể đến đây, không kềm chế nổi xúc động trong lòng, bà Cầm nước mắt ràn rụa. Tường Vân vội vàng nắm hai tay người lão bộc, dịu dàng an ủi:

_ Có gì đâu hở bà Cầm! Tất cả cái trò đó chắc mụ Phé chỉ bày đặt ra cốt ý để làm cho hoảng sợ đó thôi! Mụ Phé làm sao mà biết được lý do gì người nhà chúng ta lại biệt tăm một cách kỳ quái như thế chứ. Có khi lý do ấy lại rất thường, mà chỉ vì lo âu hoảng hốt quá nên chưa ai nghĩ ra đó thôi.

Nước mắt bà Cầm lại ứa nhiều hơn, lăn dài xuống má. Bà nói trong tiếng khóc nức nở:

_ Khi đã xem kỹ lại mấy lần nữa, mụ Phé liền bảo tôi: " Thôi, thôi! Tôi có thể nói cho chị biết thế mà thôi! À, à, nhưng viết ra giấy thì được. Đây, giấy bút đây rồi! Để tôi viết ra cho chị nghe!". Đoạn, mụ Phé vừa lẩm bẩm đọc trong miệng vừa viết những cái gì vào tờ giấy này đây.

Vừa nói, bà Cầm vừa lôi từ trong túi ra một mảnh giấy nhàu nát, mảnh giấy vàng khè rung tít lên trong mấy ngón tay lẩy bẩy của bà già khốn khổ.

Vừa khóc sướt mướt bà Cầm vừa đưa cho bà Án tờ giấy có chữ viết của mụ Phé. Nữ chủ nhân tiếp lấy, bình tỉnh đưa mắt đọc. Chưa đầy phút sau, bà Án đã la lớn, giọng đầy phẫn nộ, nhưng nghe kỹ có vẻ kém sút hẳn tinh thần đanh thép thường lệ.

_ Mụ Phé này viết lảm nhảm những gì thế này? Đúng là đồ điên khùng.

Bà Cầm nói như van:

_ Trời ơi! Xin bà đừng nói thế! Lỡ một cái...

Bà già run sợ là phải. Nữ chủ nhân của bà dám cả gan nguyền rủa bà thầy phù thủy. Nguy lắm! Nguy thật! Nhưng đồng thời bà Cầm lại cảm thấy hơi hy vọng khi nữ chủ nhân của bà không một chút nào tin tưởng vào tờ giấy của mụ Phé. Tờ giấy ghê gớm đó đã khiến bà kinh sợ hãi hùng.

Bà Án không tin tưởng những gì ghi trong tờ giấy của mụ Phé, nhưng sự hiện diện của tờ giấy nhàu nát không lớn hơn bàn tay ấy đã khiến bà đi đến quyết định mau lẹ: báo cho ông xã trưởng biết được sự thất lạc của cậu Sinh, con trai duy nhất cưng yêu của bà và thằng Đông, Lê văn Đông, tức thằng Ngây cháu nội của bà Cầm.

Trong lúc bà Án hối hả bước ra ngoài ban lệnh cho gia nhân, Tường Vân lượm tờ giấy. Cô giáo và học trò cùng liếc mắt nhìn chăm chú. Tường Vân cất tiếng run run đọc. Càng đọc, càng nghe, hai thầy trò lại càng run sợ trong bài thơ kinh dị như sau:

Thằng ngớ ngẩn chui vào củi chó

Lúc chui ra máu đỏ bết bê

Chăn chiên hóa sói đổi nghề

Cậu chàng quý tử đam mê chốn nào

Không chừng cậu ngự trên cao

Chẳng hiểu bài thơ có ý gì. Nhưng tính chất ghê rợn của từ ngữ, những chữ kỳ quái được sử dụng như "máu đỏ bết bê", rồi "hóa sói", nhất là bốn chữ "cậu chàng quý tử", đối với Tường Vân quả thực đã rõ lắm rồi. Không kiềm chế được nổi niềm xúc cảm tràn ngập trong lòng, cô gái gục đầu vào vai cô giáo khóc nấc lên. Bạch Xuyến hai mắt mở trừng trừng nhìn chăm chú một điểm nào đó trong không trung, miệng lẩm bẩm từng câu từng chữ trong bài thơ quái đản.

Ông xã trưởng Văn Điền giơ tay chộp vội chiếc phong bì. Ông trịnh trọng bóc, trịnh trọng giở tờ giấy trắng tinh, trịnh trọng đọc từng chữ. Chốc chốc đôi chân mày rậm đem của ông cau lại. Chừng ba phút sau, mấy người bạn, tia mắt hiếu kỳ vẫn chiếu thẳng trên nét mặt ông. Chợt thấy ông mỉm một nụ cười khoái trá. Tuy không nói ra, nhưng họ cùng chung ý nghĩ: "chẳng hiểu trên giấy cụ Án viết cho ông xã trưởng Văn Điền chuyện gì mà y có vẻ thú vị thế!".

Nhưng đột nhiên, sắc mặt người đọc thơ tối sầm lại. Thì ra: nếu sự biệt tung của cậu Sinh khiến cho ông xã trưởng vui vẻ nghĩ ngay đến một cuộc hẹn hò du dương nào đó thì chuyện thằng Ngây mất tích lại là một vấn đề khác hẳn. Văn Điền đứng phắt lên :

_ À, chuyện này không phải chuyện đùa đâu nhé! Phải bắt tay vào việc ngay mới được!

Ông ngẩng nhìn chị Duyên, gia nhân trên cụ Án, người đã trao cho ông lá thơ:

_ Thôi được ! Chị cứ về trên ấy đi ! Một tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi sẽ tới. Nhớ trình cụ Án như thế nhé !

Chín giờ đúng, ông xã trưởng Văn Điền cùng hai nhân viên lên tới biệt dinh cụ Án Bùi.

Bước vào phòng khách, đã thấy mẹ con nữ chủ nhân cùng cô giáo, lại cả bà Cầm nữa. Đêm qua cụ Án giữ bà già ngủ lại. Khi ba người bước vào, chị Duyên và chị bếp đang lúi húi thu dọn bữa ăn sáng bên phòng ăn cũng chạy sang. Hai người đứng ngây ra nhìn ông đại diện chính quyền, trong lòng hồi hộp. từ sáng sớm tới giờ, tấn thảm kịch như một bức màn đen u tối, cứ chập chờn quanh quẩn đâu đó gần tòa biệt thự, chưa biết sẽ buông chụp xuống lúc nào.

Ông Xã trưởng, hai nhân viên kính cẩn chào bà Án và bà Cầm.

Sau khi nghe nữ chủ nhân và bà Cầm kể lại đầu đuôi tự sự, ba người trịnh trọng hứa sẽ bắt đầu cuộc tìm kiếm ngay lập tức. Các ông sẽ cho lục soát cánh rừng già, hướng Bắc tiến sát đến Phủ Đoan, về phía Nam, xuống tới giáp ranh tỉnh Phú Thọ. Vũng lầy bao quanh ao Xanh và ngay cả ao Xanh nữa cũng sẽ được sục sạo không sót một thước một tấc nào.

Tường Vân, ánh mắt nhìn mệt mỏi, thỉnh thoảng lại buông tiếng thở dài, thất vọng. Mẹ nàng, rất bình tĩnh, vẫn giữ thái độ của một người " còn nước còn tát ".

Sau khi ông Xã trưởng và hai nhân viên về rồi, bà Án Bùi lên tiếng:

_ Chắc chắn thằng Sinh sẽ về. Cả thằng cháu Ngây nữa. Chị Cầm ! Tối nay, hãy ngủ lại đây đi. Về nhà thui thủi một mình, ngày giờ vắng lặng sẽ cứ kéo dài ra, buồn lắm.

Đúng như lời nữ chủ nhân: giờ giấc cứ kéo dài, thật là dài, nhất là đối với những người nóng lòng mong đợi.

Cả đêm hôm đó, trên biệt dinh cụ Án Bùi, không một người nào nhắm mắt ngủ được, dù chỉ trong một phút.

Sáng hôm sau, được biết cuộc truy lùng không đem lại một kết quả nào khả quan, bà Án không còn sức chịu đựng nổi nữa, liền quyết định xúc tiến công việc cho hoàn tất mau hơn. Suốt đêm trằn trọc, bà chợt nhớ đến ông em họ xa, ông Mạch, có người con trai là Phó Biện Lý Tòa Sơ Thẩm dưới tỉnh.

Đành rằng ông Xã trưởng Phú Hộ cũng như các nhân viên đều là những người rất tốt. Hơn một lần, họ đã trịnh trọng hứa với bà sẽ hết sức tận tâm hoạt động cho xứng đáng với tinh thần chức nghiệp. Nhưng lòng mẹ thương con nơi bà Án Bùi, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng này cảm thấy ngay rằng cứ mỗi phút qua đi là hy vọng lại lui dần, lui dần, nhường bước cho tuyệt vọng. Bà nghĩ ngay đến việc nhờ pháp đình can thiệp, cứu giúp cho một phen.

Chuông điện thoại chợt reo vang trong tòa nhà vắng lặng. Đúng tiếng ông Mạch gọi lên hỏi thăm xem Sinh đã về chưa. Bà Án cho biết là tình hình vẫn không thay đổi, chưa thấy sáng sủa được chút nào. Và bà nói thêm:

_ Tôi cũng định gọi cho cậu đây. Để nhờ cháu Lâm phúc trình sự việc cho Tòa biết để Tòa xét xem có thể phái một người nào đó lên giúp tôi một tay không?

_ À nếu vậy càng hay! Chị cứ viết một lá đơn đệ trình ông Biện Lý. Theo nguyên tắc thì các vị thẩm phán chỉ di chuyển khi tội phạm xảy ra thực sự kìa. Nhưng cháu Lâm cho biết là trường hợp khẩn cấp, cháu sẽ trình bày giùm chị với các ngài Tòa, may ra có thể gởi lên trên ấy cho chị một nhân viên đặc biệt. Tôi cũng nghe nói một viên thám tử giỏi lắm, xuất sắc trong nghề nghiệp chuyên môn, trình độ văn hóa cũng như đạo đức đáng tin cẩn lắm. Cháu Lâm biết rõ. Tên là Phạm Trọng Viễn thì phải. Việc của chị ít nhất cũng phải có một người nào cỡ ấy mới có thể đảm đương nổi. Vậy chị viết đơn ngay đi nhé. Phần tôi, tôi cũng sẽ nhắc nhở cháu Lâm xúc tiến công việc gấp rút.

_ Được như vậy, tôi cám ơn cậu lắm. Trời ơi! Không có cậu chắc tôi và các cháu gái không còn biết xoay sở ra sao nữa đây.

_ Chị cứ yên tâm. Chị em chỉ nhờ nhau, trong những lúc này mà thôi. Điều cần là nếu có những tin tức nào mới lạ, chị cho tôi và cháu Lâm biết ngay để nói lại với viên thám tử kia biết trước. Như vậy cuộc điều tra mới có hy vọng tiến hành mau chóng được. Chị nhớ nhé!

Yên trí, bà Án quay ra lấy giấy bút viết lá đơn trình Tòa Án. Xong, bà gọi anh Giang tài xế, bảo lái xe xuống ngay Phú Bình.

Thời gian nặng nề trôi ...

Buổi chiều ngày kế tiếp, khi mọi người trong gia đình vừa ngồi vào bàn sửa soạn dùng cơm tối, điện thoại chợt reo vang. Ông Mạch từ Phú Bình gọi lên cho biết là mọi việc tiến hành nhanh chóng thuận lợi, hơn cả dự đoán của ông, và báo tin: sáng hôm sau Phạm Trọng Viễn sẽ tới Phú Hộ.

Phạm Trọng Viễn đáp chuyến xe sớm nhất, đặt chân xuống đồn điền Phú Hộ hồi tám giờ sáng. Chàng dắt theo một con chó lài lớn, loại chó Đức, rất khôn, con nghĩa khuyển có cái tên gọi rất đặc biệt: Bão Tố!... Bão Tố, nếu cất tiếng gọi hơi nhanh một chút, nghe lại hóa ra là Ba Tô, Ba Tô!

Trọng Viễn năm nay đúng ba mươi hai tuổi. Thân hình cao lớn, mảnh mai, nhưng là một thứ mảnh mai dẻo dai khỏe mạnh. Cử chỉ nhanh nhẹn nên trông chàng, người tinh mắt lắm cũng phải đoán lầm tuổi của chàng chỉ chừng hai mươi chín, ba chục tuổi là cùng. Trên khuôn mặt thông minh, sáng sủa, linh động nhất là đôi mắt màu nâu trong vắt như mắt thỏ. Khi thẩm vấn kẻ gian, đôi mắt ấy quắt lên nom thật dữ dội. Nhưng cũng đôi mắt ấy, khi chứng kiến một cảnh thương tâm xúc động lòng người, màu nâu tròng mắt lại hình như sẫm xuống nhiều hơn. Hai ánh mắt rất khác biệt nhau ấy biểu lộ rõ rệt những đức tính nổi bật nơi cùng một con người: tâm lý sâu sắc, trí cương quyết, nghị lực sắt thép cùng với lòng nhân ái vô biên. Đặc tính thương người nơi Trọng Viễn lạ lùng đến nỗi các bạn nửa đùa nửa thật tặng cho chàng biệt danh là "thanh tra tài tử".

Bão Tố, đối với trọng Viễn không còn là con vật bốn chân nữa mà là người bạn, một người bạn tuyệt đối trung thành, Hơn sáu năm rồi, hai kẻ tớ thầy bên nhau, cùng vui hưởng nhiều chiến thắng vinh quang cũng như cùng nhau trải qua những giây phút vô cùng nghẹt thở. Một số đồng nghiệp, ganh tị với Trọng Viễn, thường gán cho Bão Tố cái danh xưng đầy mỉa mai châm biếm: "em trai của thằng Viễn".

Bão Tố và Trọng Viễn dừng chân trước hai cánh cổng lớn nơi tường thành bao quanh biệt dinh cụ Án Bùi.

Chàng thanh tra nhấn nút chuông điện, đồng thời đưa mắt quan sát toàn khu biệt thự rộng lớn, dáng dấp cổ kính trông như tòa thành quách hay một đồn binh trấn giữ ải địa đầu. Mùi hương ngan ngát của hồng nhung, hoa mộc, sói, thiên lý, tản mạn trong không trung khiến tâm hồn chàng trai thành thị sảng khoái lâng lâng. Trọng Viễn có cảm giác đang sống trong cõi mộng xa xưa thời trung cổ.

Chị gia nhân tên Duyên chạy ra mở cổng kéo chàng quay trở về thực tại.

Sau khi băng qua một cái sân rộng, bước lên mấy bực thềm cao xây bằng đá xám. Trọng Viễn có Bão Tố theo sát gót bước vào một gian phòng khách rộng mênh mông. Tia mắt chàng chạm ngay một bộ bát bửu to như thật, bằng đồng sáng bóng, cán gỗ mun lên nước đen bóng như sơn, gồm đủ tám món binh khí cổ xưa: Thanh long đao, Thiết tinh trùy, Phật thủ ấn, Trường thương, Thiên phương kích, Bát xà mâu, Phán quan bút và Lang nha bổng. Bên cái tủ đựng bát dĩa khảm xà cừ to như mặt của tam quan, treo trên tường nước vôi màu hồng lạt, hai cái đầu hươu chầu hai bên một cái thủ cấp lợn lòi, miệng há hốc đỏ lòm nổi bật nanh dài nhọn hoắt...

Nơi cuối phòng khách, cầu thang xây cuốn rộng thênh thang, đẹp mắt với những chấn song con tiện, êm chân khi đặt bước chân trên tấm thảm nhung màu huyết dụ điểm hoa sen.

Bộ ghế salon, chỗ ngồi, chỗ dựa lưng bằng cẩm thạch. Màu đá trắng nổi bật giữa vành ghế gỗ mun đen trạm trỗ công phu. Ngồi vào ghế, khách được hưởng cái cảm giác vô cùng thoải mái đồng thời được thong thả nghỉ ngơi khi chiêm ngưỡng mấy tấm thổ cẩm treo trên tường thêu hình "anh hùng tương ngộ". "Tô Vũ mục dương"...

Có tiếng dép nhẹ đặt trên bậc cầu thang.

Trọng Viễn đứng lên.

Bà Án đi trước, theo sau là bà Cầm. Hai người bước xuống, tiến đến trước chàng thanh tra.

Sau khi lịch sự cúi chào, Trọng Viễn tự giới thiệu mình.

Bà Án sắc diện vui mừng rạng rỡ, đích thân rót nước trà mời khách.

Trọng Viễn yêu cầu nữ chủ nhân cho biết tường tận trường hợp biệt tích của cậu Sinh.

Bà Án điềm đạm thuật lại sự việc từ lúc bắt đầu cho tới giây phút hiện tại.

Trọng Viễn thoáng cảm thấy thương hại.

Trước khi đứng dậy, chàng hỏi thêm một câu:

_ Trước hết, bà có thể cho biết sơ qua về tính tình của cậu Sinh ... và ... để nói chuyện được tự nhiên hơn, có cần phải để bà Cầm cảm phiền ra ngoài một lúc được không?

Nữ chủ nhân mỉm cười thật buồn:

_ Chị Cầm đây đã chứng kiến lúc cháu Sinh ra đời. Chị hiểu biết cháu chẳng thua gì tôi đâu ông ạ. Không ngại gì hết. Xin ông cứ hỏi!

Rồi bà đứng lên, giơ tay về phía lò sưởi chỉ bức hình một thanh niên đẹp trai, một vẻ đẹp hơi ủy mị như con gái, nhưng nét mặt chân thật dễ thương.

Sắc mặt người mẹ thoáng vui. Một niềm vui kiêu hãnh:

_ Đây thưa ông! Cháu Sinh, con trai duy nhất của tôi!

Trọng Viễn lịch sự khẽ ngả đầu. Chàng tiến lại cầm bức hình trên tay. Bức hình ngay từ khi mới bước vào, chàng đã thoáng nhìn thấy, để đúng tầm mắt, im lặng quan sát:

_ Cậu Sinh sống ở đây vẫn vui vẻ bình thường chứ, thưa bà?

Sau mấy giây ngập ngừng, nữ chủ nhân nhìn chàng thanh tra:

_ ... Thưa vâng!... Cho đến năm nay, cháu Sinh vẫn ngoan ngoãn dễ bảo lắm. Nhưng mới chỉ từ năm, sáu tháng nay... nó hay phí thì giờ đi chơi lang bang chỗ nọ chỗ kia. Gặp ai cũng bắt chuyện. Trong xóm ngoài làng, thấy cô gái nào là cũng cười cười nói nói gợi chuyện làm quen.

_ Và rồi vì những cuộc tình ái lăng nhăng ấy, cậu Sinh đã mua thù chuốc oán?

Cậu trả lời của người mẹ thật rành rọt:

_ Không đâu thưa ông! Chỉ có tôi là rầy la dữ dội mà thôi. Ông tính nuôi nấng mất bao công lao khó nhọc, dạy bảo từng tí từng li, tôi không thể chịu nổi khi thấy nó lông bông hư hỏng như thế. Tôi muốn tốt cho con trai tôi, nhất lại là con một, phải nêu được gương tốt cho người khác trong làng ngoài xã. Nhưng cứ như là nước đổ lá môn! Nghe mắng chán, nó chỉ cười xòa bỏ đi. Ông cho là cháu có kẻ thù oán? Không đâu! Tính tình nó lãng mạn, hay no người chán nết. Nay cô này, mai cô khác. Nếu có gây thù chuốc oán thì cũng chỉ là do từ nơi mấy cô nàng bị nó bỏ rơi mà thôi...

_ Biết đâu cậu ấy lại chẳng đã chọc giận mấy ông chồng đa nghi, hay ghen, mà lại có vợ đẹp?

Bà Án lắc đầu cương quyết:

_ Dạ không! Cháu nó tiếng thế cũng không quá tệ như vậy đâu. Con nhà gia giáo, vui chơi vô hại thì có, nhưng vượt quá phạm vi bổn phận đạo đức, bờm xờm lơi lả với cả những gái có chồng thì tuyệt nhiên không có đâu, thưa ông thanh tra! Lang bang rắc rối với các cô gái thanh xuân cũng đã là quá quắt rồi.

_ Có thể vô tình, một vị hôn phu nào đó đã uất ức vì sự thành công của cậu Sinh đối với nàng vị hôn thê của anh ta?

_ Theo tôi biết, chuyện đó không bao giờ có đâu, thưa ông thanh tra!

_ Vậy thì, bà tha lỗi cho việc nhấn mạnh điểm này... Theo ý bà, cậu Sinh tuyệt nhiên không hề có ai để tâm thù oán?

Bà Án ngập ngừng do dự. Bà lắc cái đầu như cố ý xua đuổi một ý nghĩ khó chịu nào đó. Trọng Viễn lại tiếp luôn:

_ Điểm này quan trọng vô cùng! Bà cố nhớ kỹ lại thử xem!

Sau mấy phút yên lặng, nữ chủ nhân lẩm bẩm chỉ đủ cho một mình nghe:

_ Cứ để bị các câu hỏi dồn dập làm mất bình tĩnh, lỡ buột miệng là phiền lắm! - rồi bà cất cao giọng: - Duy nhất có một người đã nổi cơn phẫn nộ với cháu Sinh. Nhưng xét cho cùng, lỗi cũng tại nó. Ông già Xê trông coi đàn cừu của tôi có đứa cháu nội học ở Phú Bình về nghỉ hè sau mấy ngày bãi trường. Con cháu Liên, mười sáu tuổi xinh lắm. Một buổi tối kia, bắt gặp thằng con tôi đang chuyện trò tán tỉnh gì đó với cô bé, già Xê đã nổi giận lôi đình.

_ Chắc cụ già đã hăm dọa cậu Sinh?

_ Không! Hăm dọa thì không! Ông lão chỉ nói rằng: "Không được, cậu Sinh ơi! Cậu nỡ nào lại đi làm nhục chúng tôi như vậy hả cậu Sinh? Tội nghiệp. Chúng tôi là con nhà nghèo hai sương một nắng mà!"

Mấy ngày sau lại bắt quả tang hai đứa thủ thỉ chuyện trò, già Xê đã giơ hai nắm tay, hét rầm lên: "Hừ! thật quá lắm rồi! Nhục nhã quá! Chỉ rước khổ vào thân mà thôi! Liên ơi!"

Trọng Viễn khẽ cau cặp mày buột miệng:

_ A, nếu vậy thì...

Bà Án không kịp để chàng nói hết câu:

_ Ngay hôm sau, ông già Xê bắt con bé về với cha mẹ tại Phú Bình ngay.

_ Thế là xong rồi phải không ạ?

_ Vâng, xong hết. Có điều tôi muốn nói thêm rằng: theo tôi nghĩ thì già Xê không thể cũng không muốn làm hại ai bao giờ cả. Nhất là việc rắc rối ấy lại chỉ tới đó là chấm dứt.

_ À ra thế! Nhưng có hai điểm xin bà giải thích cho!

_ Vâng, xin ông cho biết!

_ Hồi nãy bà có nói "Cứ để bị các câu hỏi dồn dập làm mất bình tĩnh, lỡ buột miệng là phiền lắm..." Bà làm ơn cho biết: khi nói thế, bà có ý đề cập đến việc gì vậy?

Mặt chủ nhân chợt ửng đỏ.

_ Ông để ý làm gì những câu nói vô tình buột miệng ấy cho mất thì giờ.

Sắc mặt thanh tra nghiêm hẳn lại:

_ Mục đích tôi đến đây là truy tầm cậu Sinh con bà và chú nhỏ tên Ngây, cháu nội bà Cầm. Bà đừng ngại gì về việc tôi mất hay không mất thì giờ.

_ Vậy thì được! Nếu ông muốn hiểu rõ, tôi xin thưa: không khi nào tôi lại có ý nghi ngờ già Xê hết. Chỉ vì bà Cầm...

Bà Cầm từ hồi nào vẫn ngồi im lặng, chợt giật thót mình, ngẩng lên:

_ Tôi? Vì tôi... mà tại sao?...

Bà Án giơ tay nhẹ nhàng trấn an:

_ Không, không có gì đâu, chị Cầm. Cứ yên chí! Không có gì đâu mà ngại! - Quay nhìn Trọng Viễn - Chị Cầm đây có đem về một tờ giấy trong đó mụ Phé có ghi một bài vè hay thơ gì đó. Toàn là những câu thơ phù thủy bói toán lảm nhảm quàng xiên. Dĩ nhiên, tôi không một chút nào tin là thật hết. Nhưng trong ấy có một câu: "chăn chiên hóa sói đổi nghề", "chăn chiên", hai chữ ấy khiến tôi sực nhớ đến vụ gay go giữa cháu Sinh nhà tôi và già Xê về chuyện con nhỏ Liên. Đó, tất cả chỉ có thế! Có quan hệ gì đâu!

_ Những câu bói toán của phù thủy! À, thưa bà, những người phù thủy mà chúng ta thường chế riễu, thực ra không phải bao giờ họ cũng nói sai cả đâu. Lắm khi họ biết nhiều chuyện mà chính chúng ta cũng không biết được nó, thưa bà. Bà làm ơn kể cho rõ câu chuyện này, tôi nghe thử!

Bà Án liền bảo bà Cầm kể lại việc tìm đến căn lều của mụ Phé. Nghe dừt lời, thanh tra Trọng Viễn yêu cầu được xem tờ giấy có ghi bài thơ kinh dị. Chàng muốn đích mắt thấy những danh từ, những câu quái dị mụ phù thủy viết trong đó. Mọi người tìm mãi không thấy tờ giấy ấy đâu. Tường Vân được gọi xuống, cho biết là đã được đọc bài thơ ấy cùng với cô giáo Bạch Xuyến. Bà Án cho mời cô giáo của Tường Vân. Bạch Xuyến vội vàng cho biết sau khi cùng Tường Vân đọc xong đã tiện tay đem lên để trên phòng, nếu cần nàng sẽ chạy đi lấy.

Trọng Viễn nhìn thẳng mắt cô giáo cất tiếng. Lòi nói của chàng rất lịch sự nhưng âm thanh giọng nói đanh lại:

_ Hay lắm! Cô làm ơn lấy xuống dùm cho!

Sau khi một cử chỉ tỏ ý: "có gì mà phải quan trọng hóa dữ vậy!" Bạch Xuyến quay lên gác. Hai phút sau nàng đã xuống tới nơi mang theo tờ giấy ghi bài thơ kinh dị.

Trọng Viễn chăm chú đọc, chưa đầy phút sau chàng khẽ nhún vai, lẩm bẩm:

_ Dông dài, chẳng nghĩa lý gì cả!

Nhưng theo thói quen, chàng vẫn cất tờ giấy nhàu nát vào ví da, đồng thời ngấm ngầm quyết định:

_ Phải hỏi han mụ Phé ít câu mới được!

Đoạn, Trọng Viễn ngẫng lên nhìn bà Án:

_ Bà cho phép hỏi một câu nữa. Chính cậu Sinh đã nói lại cho bà biết việc ông già Xê nổi trận lôi đình?

_ Dạ không! Cháu Sinh không bao giờ nói với tôi những chuyện riêng tư của nó cả. Sở dĩ tôi biết được là do lá thư nặc danh.

_ Một lá thư nặc danh? Vậy mà bà không cho biết từ hồi nãy!

_ Cũng chẳng có gì đáng gọi là quan trọng. Vả lại tuy có đọc nhưng tôi chẳng có một chút nào tin là thật những điều viết ở trong. Tôi đã lấy lá thư nặc danh làm bằng cớ chủ ý khiến cho cháu Sinh phải hổ thẹn mà chừa đi. "Này tính nết lông bông của con khiến thiên hạ đàm tiếu đến mức này đây. Đọc đi! Đọc thử coi!" Tôi đã la rầy cháu như vậy, thưa ông thanh tra, và chính nó cũng đã công nhận những điều viết trong lá thư ấy là sự thật.

_ Bà nhớ xem là cậu Sinh có vẻ lo lắng gì về lá thơ đó không?

_ Nó chẳng lo lắng gì hết. Lại còn cười xòa mà nói với tôi rằng: "Trời ơi! Ông già Xê nổi giận, rồi lại lá thư nặc danh! Có gì mà mẹ cuống quít lên kia chứ. Con và Liên yêu nhau thì có gì là không phải? Tuổi trẻ ai mà chẳng thế. Tội lỗi gì đâu hả mẹ?". Thế là thôi. Tôi chẳng biết nói thế nào nữa. Nó cứ nói thế thôi. Lông bông như cánh bướm nhởn nhơ chẳng lo lắng gì hết. Tôi gầm thét, rầy la đến rát cổ bỏng họng, nhưng chỉ vài tuần sau đó nó lại gặp đâu đóng đấy, quên ngay con Liên để cặp kè với đứa con gái khác.

_ Bà còn giữ bức thư nặc danh đó chứ ạ?

_ Vâng! Tôi còn giữ. Để tôi đi lấy đưa ông coi.

Và nữ chủ nhân, sau khi khẽ gật đầu mỉm cười xin lỗi Trọng Viễn, quay mình bước lên cầu thang.

Trong khi đó, Trọng Viễn hỏi chuyện bà Cầm:

_ Thằng nhỏ cháu bà có hay đi chơi một mình không?

_ Nó đi luôn ấy, thưa ông thanh tra. Có điều, không ai nỡ mắng mỏ hay đánh đập nó bao giờ. Trái hẳn thế, có cái gì ăn uống là các ông các bà trong thôn xóm lại gọi nó đến cho. Nó hiền và ngoan lắm ông ạ! Đối với ai thằng bé cũng dịu dàng như con cừu non. Nó tốt với người, lại tốt với cả loài vật nữa.

_ Nó có hay đi chơi về ban đêm không?

_ Dạ có! Ngay từ còn nhỏ tí, cháu Ngây cũng đã hay đi chơi ban đêm rồi. Tôi già nên hay ngủ sớm. Thấy tôi ngủ yên rồi là cháu bỏ đi chơi. Có nhiều lần tôi trở dậy rình xem coi nó đi đâu, làm những gì. Thì ra, nó lần mò vào trong rừng "nói chuyện" với mấy con chim cú, hoặc "hót thi" với mấy con họa mi, nhất là khướu. Úi chà! Cháu nó bắt chước giọng khướu hót giống y hệt. Đôi khi chạy nhảy chán, mệt nhoài, nó nằm lăn trên đám cỏ êm ngủ thẳng một giấc. Nhưng sáng nào cũng mò về sớm để uống tô sữa tôi để phần cho.

_ Cháu Ngây có nói được sõi không bà?

_ Dạ không! Nó chỉ ú a ú ớ, ngọng líu, ngọng lo. Nhưng tôi vẫn hiểu được cháu nó nói cái gì. Cả cậu Sinh cũng nghe hiểu và quý cháu lắm.

Bà Án xuống tới nơi. Bà đưa cho Trọng Viễn lá thư nặc danh. Chàng thanh tra liếc mắt đọc thật lẹ.

_ Cám ơn bà. Để sau tôi coi lại. Giờ đây xin được đi xem qua khu nhà ở và sở trại.

Bà Án Bùi cho gọi Tường Vân và cô giáo Bạch Xuyến để làm hướng đạo cho chàng thanh tra. Trọng Viễn nói với hai cô gái:

_ Hai cô làm ơn dẫn tôi ra sân và chỉ dùm cho biết phòng ngủ của từng người.

Đứng giữa sân, Tường Vân giải thích cho Trọng Viễn:

_ Biệt thự của cha mẹ tôi kiến trúc theo hình móng ngựa gồm hai cánh như ông thấy đó. Cánh trái, tầng dưới gồm nhà bếp, phòng ăn và phòng khách mà chúng ta vừa ra đó; trên từng lầu một là phòng ngủ của mẹ tôi, kế bên là phòng của Tường Lan, tiếp đến là phòng của tôi rồi đến ba phòng dành cho khách.

_ Tường Lan! Tường Lan là ai, thế cô?

_ Chị lớn của chúng tôi, Tường Lan đi vắng từ sáng sớm hôm thứ tư, vào Thanh Hóa chơi với mấy người bạn thân trong ấy.

_ Sáng sớm hôm thứ tư? Đúng vào hôm xảy ra cậu Sinh mất tích!

Tường Vân khẽ gật đầu:

_ Vâng, Đúng thế! Và chúng tôi cũng không kịp báo cho chị ấy biết nữa. Chị Tường Lan của tôi cứ hay di chuyển luôn luôn. Chúng tôi đành chờ đợi đến khi chị trở về, có lẽ khoảng cuối tuần này đó ông.

_ Thôi được! Bây giờ nhờ cô cho biết ai ở tầng lầu hai?

_ Lầu hai? À vâng! Có cô giáo Bạch Xuyến, chị Duyên, chị bếp và có hai phòng treo quần áo, chứa các đồ lặt vặt không dùng tới đó, thưa ông thanh tra. Từ khi ba tôi mất đi, toàn thể cánh bên trái là đều dành cho phái nữ vì khu ấy còn chắc chắn, đầy đủ tiện nghi. Cánh giữa, bên dưới là gian phòng rộng bên trong kê một bàn "ping-pong", một bàn "bida". Tầng lầu một có phòng anh Sinh và hai phòng cho khách ngủ lại. Tầng hai có phòng của bác tài xế. Bên cánh phải kia, vì lâu đời đổ nát, chỉ còn tầng dưới dùng được để làm nhà để xe, một gian nữa anh Sinh làm xưởng mộc. Anh tôi thích cưa bào đẽo đục chế tạo các đồ mộc và rất ưa điêu khắc, đục chạm các món đồ mỹ thuật bằng gỗ. Tầng trên tường nứt nhiều, mái có chỗ đã sụt nên bỏ trống không ai ở cả.

_ Cám ơn cô nhiều lắm. Nhờ cô, giờ đây tôi đã có thể đi một mình được rồi.

Bạch Xuyến, từ lúc nào vẫn yên lặng, bây giờ mới lên tiếng:

_ Theo ý ông thanh tra, liệu có gì đáng lo không hả ông ?

Trọng Viễn khẽ gật đầu:

_ Trường hợp mất tích thì cái gì cũng đáng lo cả.

Chợt bắt gặp khuôn mặt xinh đẹp của Tường Vân thoáng tái đi, chàng trai nói tiếp luôn thật nhanh:

_ ... Nhưng cái gì cũng có thể cho phép chúng ta hy vọng được.

Câu trả lời có vẻ hơi sáo khiến Trọng Viễn cảm thấy hổ thẹn trong lòng. Chàng nghĩ lại giận cô giáo. Mới chân ướt chân ráo đến Phú Hộ chưa đầy một tiếng đồng hồ, làm sao mà đã có thể nói gì cho chắc chắn được. Người còn chưa tìm hiểu được cặn kẽ, đường đi nước bước trong tòa biệt thự rộng lớn, rồi đồn điền sở trại rộng mênh mông, cũng chưa đi được đến đâu.

Trọng Viễn cười lịch sự nhìn Tường Vân:

_ Cô làm ơn dẫn tôi đến phòng ngủ của cậu Sinh!

Hai cô gái đặt bước tiến lên cỗng lớn ở giữa chính diện tòa biệt thự.

Hai thầy trò có cảm giác nhột nhạt: hình như chàng thanh tra không đi theo mình thì phải. Lấy làm lạ, quay nhanh mặt nhìn lại. Quả nhiên hai người bắt gặp chàng thanh niên ngắm nghía vật gì trong lòng bàn tay. Tường Vân và Bạch Xuyến xáp tới vừa đúng lúc Trọng Viễn đóng ập bàn tay lại. Trước hai khuôn mặt ngây ra vì ngạc nhiên, chàng ta nói ngay:

_ Có gì đâu! Tôi lại cứ tưởng... nhưng không phải! Nào ta đi, đi!

Hai người không tiện hỏi gì nữa và cuộc đi dạo để xem xét bắt đầu. Cô giáo Bạch Xuyến đưa tay đẩy cửa. Hai cánh cửa lớn rít lên kèn kẹt. Trọng Viễn nghĩ thầm: "Khó lòng đột nhập theo lối này một cách êm ả được".

Theo hai cô, chàng bước lên cầu thang, lan can có những chấn song con tiện bằng gỗ mun lâu ngày lên nước đen bóng. Một lần nữa con gái nữ chủ nhân quay mặt lại đằng sau. Lý do: thanh tra Trọng Viễn lại vừa mới cúi xuống lượm thật nhanh một cái gì đó, đút lẹ vào trong túi áo. Ngẩng lên, tia nhìn của chàng trai lại đụng ngay ánh mắt tò mò nhưng thật dịu dàng của Tường Vân. Ánh mắt ấy như ngầm nói: "Ông cứ tự nhiên, đừng ngại, tôi sẽ không tọc mạch với ai đâu".

Hai cô đưa Trọng Viễn vào phòng của Sinh. Chàng thanh tra cám ơn hai người và đề nghị các cô để anh ở lại một mình.

Nhìn vào thấy nào là tủ đứng, giường nệm trắng tinh, bàn ghế và các thứ lặt vặt hiện có trong phòng, tất cả đều có tác dụng gây cho chàng thanh tra một suy nghĩ: "Sang trọng quá! Con quan có khác!" Áp dụng theo phương pháp "theo chiều hướng quay của kim đồng hồ", Trọng Viễn đưa mắt tuần tự quan sát mọi thứ rất kỹ và cũng rất nhanh. Tia nhìn của chàng ngưng lại trên mặt của lò sưởi, ở đó có một bức hình khổ 18x24 chụp nửa người cậu Sinh. Khuất sau tấm hình nằm lăn lóc một cái bao không bằng da của súng lục kiểu Browning. Một cái bình để cắm hoa bằng sứ Giang Tây rất đẹp. Trong bình có một số bông "Pensée" màu trắng tươi. Trọng Viễn lẩm bẩm nhẩm đến: 12 cái cọng nhưng lại chỉ có 11 bông.

Một nụ cười thoáng hiện trên làn môi tươi của Trọng Viễn. Trong lòng chàng hiện lên một ý nghĩ vui vui: "Lại trang điểm để đi gặp người đẹp nào rồi!".

Năm phút sau, chàng trai ra ngoài hàng ba, thong thả bước tới trước cửa phòng của anh tài xế Giang. Bàn tay trái của Trọng Viễn thọc sâu trong túi áo "vét". Mấy mảnh ngói chàng đã lượm khi theo chân hai cô gái còn nằm im trong túi. Mấy mảnh ngói mang dấu vết khả nghi.

Sau mấy tiếng gõ cửa, anh tài xế Giang, vóc dáng mập mạp, sắc diện vui tươi trông thật dễ mến, xuất hiện trước mặt Trọng Viễn. Anh tài xế trạc 35, 36 tuổi, tiếng nói rổn rảng, ồn ào khiến cho người nào đối thoại với anh cũng luôn có cảm tưởng vui vẻ.

Trọng Viễn đưa mấy mảnh ngói ra trước mặt anh tài xế. Anh Giang nói ngay:

_ A! Mấy mảnh của viên ngói vỡ.

_ Viên ngói vỡ! Viên ngói vỡ ấy ở đâu vậy? Tại sao nó vỡ và vỡ khi nào thế, anh Giang?

_ Trên mái phòng cô Tường Lan. Gió thổi mạnh quá trời, nó sút ra và rớt xuống sân đúng cái đêm cậu Sinh đi rồi không về đó.

_Thế viên ngói ấy, khi rớt xuống, có trúng ai bị thương không?

_ Không cậu à! Nó rớt xuống lúc nào tôi chẳng hay, chắc hẳn về ban đêm. Nhà ở trên đồi, mỗi khi có gió to, mái cứ chuyển kêu răng rắc. Vả lại, đã lâu không dọi lại, ngói sút ra rớt xuống là thường lắm. Có điều, từ trước đến nay không hề có ai bị nó rớt trúng cả.

_ Viên ngói rớt vừa nói chuyện đó anh để đâu?

_ Viên ngói ấy...! À, phải nói là những mảnh ngói mới đúng. Rớt xuống là vỡ tan ngay. Tôi liệng bỏ vào trong hố rác đằng kia. Cậu có cần, tôi chỉ chỗ nhé! Nơi cuối vườn đó.

Hai người cùng bước tới. Lẫn lộn với đủ thứ rác rưởi. Chàng thanh tre kiên nhẫn lượm lên ba bốn mảnh ngói to hơn mảnh ngói chàng đã lượm được trong sân, dưới chân cửa sổ phòng Tường Lan. Cả bốn mảnh ngói đều có những vết nâu sậm nổi bật trên màu ngói đỏ. Trọng Viễn nhận ra được ngay: đúng là những vết máu khô.

Anh tài xế Giang ngạc nhiên:

_ Cậu lượm làm gì mấy cái đó?

_ Có chuyện cần đến một chút thôi mà anh Giang.

Chàng trai thản nhiên đút mấy mảnh ngói vào trong túi áo.

_ Anh còn thấy có gì khác lạ ở ngoài sân ngay buổi sáng thứ tư ấy hoặc mấy ngày kế tiếp không?

Anh tài xế đưa tay lên gãi trán. Mở miệng nói nhưng anh lại do dự ngập ngừng:

_ Không biết ... à ... à ... có đấy, nhưng tôi cho là nhỏ mọn quá chẳng có gì đáng kể cả!

_ Nhưng cái gì mới được chứ?

_ Nếu cậu cần biết thì tôi cũng xin nói cho cậu hay. Một mẫu thuốc lá hơi lạ.

_ Mẫu thuốc lá lạ? Tại sao lại lạ? Anh nói rõ tôi nghe.

_ Mẫu thuốc lá loại đắt tiền. Đầu điếu thuốc màu nâu, sợi thuốc vàng tươi, loại thuốc thơm.

_ Anh làm ơn cho tôi biết tại sao anh lại cho mẫu thuốc ấy là lạ.

_ Lạ ở điểm này: người nào hút rồi liệng ra đó? Thuốc lại là thuốc đàn bà thường hút. Mà ở đây, các bà các cô không ai hút thuốc cả.

_ Các bà các cô ở đây không hút thuốc. Nhưng chị Duyên, chị bếp, biết đâu...

_ Không, không có đâu cậu ạ. Nhà này nghiêm lắm. Không có lối đàn bà mà lại phì phèo hút thuốc đâu. Chỉ có cậu Sinh, từ một năm nay theo mốt mới, hút ống vố. Đã lâu lắm, không thấy cậu ấy có điếu thuốc trên môi.Phần tôi, tôi hút toàn thuốc lá Bastos, loại Bastos xanh. Khách tới chơi ở đây không có ai hết ngoài vị cha Xứ nhà thờ họ. Nhưng ông ấy không hút thuốc bao giờ.

_ Anh cố gắng tìm cho ra mẫu thuốc ấy dùm tôi nha, anh Giang. Tôi biết là khó lắm đấy nhưng anh ráng giúp tôi nhé.

Dứt lời, Trọng Viễn quay gót về phía phòng ăn. Bà Án, bà Cầm ngồi chờ đợi chàng trong đó. Chàng thanh niên nói với bà Cầm:

_ Bà làm ơn dẫn tôi về bên nhà!

Và huýt gió gọi Bão Tố.

Khu nhà ở của bà Cầm rất dễ xem xét. Chỉ có hai gian, thêm gian kho, bên trong quây một cót thóc kế bên một đống rơm lớn. Một chiếc áo vải dầy nằm lăn lóc trên đống rơm khô. Trọng Viễn vẫy Bão Tố đến gần. Chàng đưa cái áo tới trước mõm con chó. Bão Tố khịt mũi đánh hơi xong quay ra chạy lòng vòng. Vừa chạy, nó vừa rít lên khe khẽ. Chạy quanh sân hết một vòng, con chó khôn lại quay về đúng chỗ khởi hành. Rồi đột nhiên, nhanh như chớp, khiến một người đã nhiều phen dự kiến đủ thứ thảm kịch như Trọng Viễn cũng phải giật mình thảng thốt. Bão Tố băng qua sân, lao như tên bắn về phía ụ phân bò trên có đậy rơm. Nhảy hai cái, nó đã vượt qua đống phân lớn ủ rơm to lù lù như một cái gò đất, chạy vút đến chỗ để mấy cái thùng gỗ cũ kỹ, có cái đã tuột cả đinh, sút đai, nằm ngổn ngang bừa bãi. Lẫn vào mớ thùng bỏ đi ấy có một cái cũi chó, đóng bằng ván cây ghép kín, cửa cũi kê áp sát tường. Trọng Viễn chạy theo Bão Tố. Con chó khịt mũi, đánh hơi dữ dội, hai chân trước cào sồn sột vào thành cũi. Trọng Viễn đưa tay xoay mạnh. Chiếc cũi khá nặng. Chàng phải ngồi chồm hổm vận sức lên hai cánh tay nhích mãi mới chuyển được chừng hơn gang tay. Chàng thanh tra cúi xuống nhìn qua. Tuy là một người vốn rất can đảm, bình tĩnh. Trọng Viễn vẫn phải buột miệng rú lên một tiếng kinh hoàng.

_ Úi chà! Tên dã man nào mà ...

Hất mạnh tay, chàng thanh tra đẩy cái cũi chó về chỗ cũ, cho cửa lại quay áp sát vào tường. Thật may! Vừa lui bước đi ra. Trọng Viễn chạm ngay bà Cầm đang run rẩy bước tới. Bà già lắp bắp:

_ Cái gì thế ông thanh tra?

Da mặt xanh mét, chàng trai trả lời thật nhanh:

_ Không, chẳng có gì đâu bà Cầm ạ!

Rồi giọng chàng trai dịu hẳn đi:

_ Theo tôi nhận xét thằng cháu Ngây của bà e rằng đã bị tai nạn gì ghê gớm lắm không chừng. Bà theo tôi lại đằng này một lát đi.

Bà già khổ sở khóc òa lên:

_ Đi với ông thanh tra, không ai ở nhà, lỡ người ta đem cháu nó về đây thì biết làm sao?

Trọng Viễn làm việc đã lâu. Chàng cũng đã quen dự kiến dự kiến nhiều hoàn cảnh rất thương tâm. Nhưng trường hợp này, anh cảm thấy trong lòng buồn bã vô cùng. Buồn bã vì không biết quyết định như thế nào. Một đằng bà không muốn che giấu mãi bà cụ khốn khổ này, đằng khác, biết nói sao, biết báo tin cho bà bằng cách nào việc thằng cháu nội yêu quý của bà đã...

Mãi sau, Trọng Viễn mới gắng gượng nói xuôi theo một câu:

_ Tôi cho rằng họ sẽ không đem được thằng nhỏ về đây đâu.

Trong câu trả lời, chàng "thanh tra tài tử" đã cố gắng hết sức dè dặt. Vậy mà khi thấy bà Cầm run bắn lên, Trọng Viễn lại hối tiếc là đã lỡ lời. Bà già la khóc ầm ĩ:

_ Không đem được về đây! Không đem được về đây. Mà tại sao chớ, hả trời?

Chàng trai phải xốc nách bà cụ, hầu như bồng hẳn bà, lên đường đi tới biệt thự bà Án Bùi.

Chợt thấy cung cách hai người, bà Cầm lả người trong tay chàng thanh tra, nữ chủ nhân giật thót mình linh cảm ngay rằng chắc đã xảy ra điều gì ghê gớm lắm.

Trọng Viễn nhanh mắt vội vã giơ tay cho bà Án ra dấu xin đừng hỏi han gì vội, đồng thời nhẹ nhàng dìu bà Cầm cho ngồi vào một chiếc ghế bành. Bà già gục xuống, úp mặt vào hai bàn tay, nức nở. Chàng thanh niên khẽ đưa mắt ra ý mời bà Án theo mình ra ngoài.

Sắc diện của nữ chủ nhân nhợt ra như màu sáp ong. Bà nói không ra hơi:

_ Có tin gì ghê gớm lắm phải không anh thanh tra?

_ Tin ghê gớm cho bà Cầm, vâng, có! Còn cho bà thì chưa! Bà cứ yên trí!

_ Tin ghê gớm cho bà Cầm? Gì thế? Trời ơi, tại sao ông không nói rõ ra cho tôi nghe đi.

_ Rùng rợn quá! Thưa bà! Tôi đã phát giác ra thi thể của thằng Ngây!

_ Ở đâu?

Trọng Viễn ghé sát tai bà Án, hạ thấp giọng:

_ Trong một cái cũi chó cũ bỏ tại góc sân bên trại Con.

Đôi mắt bà chủ trợn to tưởng chừng muốn rách khóe. Miệng bà lắp bắp nhắc lại như đọc thuộc lòng.

_ Trong một cái cũi chó.

Vậy thì ra, câu vè của mụ Phé...

Hai hàm răng va vào nhau lộp cộp, bà Án lẩm bẩm như người ngủ mơ:

_ "Thằng ngớ ngẩn chui vào cũi chó..."

Chàng trai trầm giọng:

_ Thưa bà, bà hãy bình tĩnh lại một chút. Và vào trong nhà trấn an bà Cầm. Sau đó, sẽ làm cách nào khéo léo nói cho bà ấy biết. Xin bà giúp cho việc ấy. Tôi phải quay lại khám xét thi thể bé Ngây ngay lập tức. Rồi sẽ trở lại đây liền.

Dứt lời, Trọng Viễn bỏ đi, nện mạnh gót giày về hướng đã phát giác ra cái tang vật khủng khiếp. Chàng ì ạch, hết đẩy, lại lôi kéo cái cũi chó nặng. Mãi mới đem ra được gian nhà để nông cụ, sàn nhà khá rộng rãi, chung quanh vắng vẻ yên tịnh, thuận tiện cho việc điều tra. Trọng Viễn nhẹ tay nâng từng chút cái xác thằng Ngây co quắp như con tôm khô.

Chàng trai cố kéo cho thân hình thằng bé thẳng ra, nhưng không được. Đành phải cúi nhìn xem xét kỹ từng bộ phận trên thân thể. Nạn nhân bị hai phát đạn bắn thủng bụng, một viên nữa trúng ngay tim.

Áo quần bê bết máu đã đông đặc thành từng mảng dính cứng vào vải. Sàn cũi chó cũng dính đầy máu đỏ lòe.

Chàng thanh niên bất giác buột miệng: "Lúc chui ra máu đỏ bết bê" và chợt giật mình thức tỉnh.

_ "Hừ! Mình cũng đã bị mê hoặc rồi chắc? Chưa... chưa đâu. À, nhưng xét cho cùng thì chắc hẳn mụ Phé phù thủy này ắt phải biết vài điều gì đó chớ không, không được. Hừ!"

Trọng Viễn nhìn kỹ: khuôn mặt thằng nhỏ hằn lên những nét kinh hoàng đến cực điểm. Hai bàn tay thu vào giữa bụng về phía bao tử. Bàn tay trái thằng Ngây nắm chặt. Có lẽ trong lòng bàn tay nó có cái gì đó. Trọng Viễn lẩm bẩm:

_ Thằng nhỏ cầm cái gì đây?

Vừa nói vừa khẽ nạy ngón tay cái.

_ Hừ! Một cái khuy áo vét!

Trọng Viễn lấy cái khuy áo từ bàn tay cứng lạnh. Đưa mắt ngắm nhìn, bỗng chàng khẽ la:

_ Trời! Có thể thế chăng! Kẻ sát nhân để lại dấu vết!

Dưới tia mắt sáng như sao, mặt trái chiếc khuy lộ rõ giòng chữ in nổi: "Made in England"

Chàng thanh tra ngẫm nghĩ:

_ Tại một nơi hẻo lánh đường rừng như xã Phú Hộ làm gì có tới ai mặc bộ đồ "kẻng" đến cỡ này. Nét mặt chàng vui hẳn lên:

_ Có thể...có thể....Hà!

Hai cánh mũi Trọng Viễn phập phồng như con Bão Tố từ lúc nào vẫn ngoan ngoãn ngồi bên cạnh chủ.

Trọng Viễn bước vào gian nhà bếp, bà Cầm trong cơn hoảng hốt, hoang mang không kịp đóng cửa. Từ đó, chàng lên nhà trên quơ vội một chiếc mền dạ xám. Rồi nhẹ nhàng nâng xác thằng Ngây đặt vào, đậy kín lại. Xong đâu đó, chàng trai đặt bước tiến ra phía cổng. Ra tới bên ngoài, Trọng Viễn quài tay khép hai cánh cổng và đóng sập luôn cả ổ khóa.

Tới biệt dinh cụ Án Bùi, chàng gọi điện thoại ngay cho Phú Thọ trình bày sơ khởi nội vụ, đoạn đi sang phòng khách. Mọi người có mặt đông đủ đang xúm xít ngồi quanh bà Cầm nói chuyện, an ủi người đàn bà khốn khổ. Chàng thanh tra biết ngay bà Cầm đã được báo cho hay tin tức ghê rợn về thằng Ngây, đứa cháu nội yêu quý của bà.

Tiếng bà Án dịu dàng:

_ Thôi, thế là yên phận nó ! Kiếp sau nó sẽ không ngớ ngẩn, không nói ngọng líu, ngọng lô nữa đâu nghe chị Cầm ! Bây giờ là nó sung sướng lắm rồi và đang chờ đợi bà nội yêu quý của nó đấy.

_ Vâng, cháu đang đợi tôi. Chắc cháu chẳng phải đợi lâu đâu bà ạ ! Lạy trời cho tôi sớm được đi theo cháu nội của tôi ! Lạy trời !

Trọng Viễn bước vào. Bà già đau khổ im bặt ngay đồng thời quắc mắt lên nhìn hầu như căm hận con người đã phát giác ra điều bất hạnh gớm ghê của cháu bà.

Tường Vân buộc miệng hỏi ngay:

_ Thế còn anh Sinh?

Chàng trai khẽ lắc đầu:

_ Chưa có tin tức nào mới lạ, ngoài cái này!

Và Trọng Viễn mở bàn tay đưa lại trước mắt mọi người. Trong lòng bàn tay, lồ lộ chiếc khuy áo vét. Ba người, bà Án, Tường Vân và cô giáo đồng thanh rú lên:

_ Khuy áo của Sinh, đúng rồi !

Người mẹ run lẩy bẩy:

_ Ông kiếm được cái này ở đâu?

Trọng Viễn đưa mắt nhìn ba người đàn bà có tới chừng nửa phút trước khi từ từ thốt:

_ Trong bàn tay giá lạnh của thằng Ngây!

Nỗi kinh hoàng do câu nói của chàng trai gây ra lên tới mức khiến bà Án, Tường Vân, cô giáo Bạch Xuyến ngây người như kẻ mất hồn. Ngay đến bà Cầm cũng bàng hoàng sửng sốt, quên bẵng đi được trong giây phút niềm đau khổ đang ray rứt trong lòng.

Bà đứng phắt dậy, hét lớn:

_ Sai! Ông nói sai!

Trọng Viễn chiếu tia mắt ngó bà đăm đăm:

_ Cái gì sai? Bà bảo tôi nói sai? Cái gì sai mới được chứ?

_ Ông nói sai! Đời nào cậu Sinh lại nỡ giết chết cháu tôi!

Chàng thanh niên vẫn điềm đạm buông từng tiếng một:

Tôi có nói thế đâu. Tôi chỉ nói rằng chiếc khuy này ở trong tay của thằng Ngây. Và chiếc khuy bị dứt đứt khỏi áo vét trong một cuộc dằng co vật lộn. Tôi dám nói chắc như vậy. Lỗ khuy còn dính còn dính cả mấy sợi chỉ rõ ràng mà.

Ánh mắt bà Án mờ đi. Nhưng chỉ một thoáng ánh mắt bà quắc lên. Cằm hất cao, bà cất tiếng đanh thép:

_ Không! Nhất định không nghi cho thằng Sinh làm bậy như thế được. Bây giờ lại cần hơn hết cả bao giờ, phải tìm cho bằng thấy con tôi dù nó còn sống hay là đã chết. Nếu thằng Sinh còn sống, nó phải tự chứng minh là vô tội. Trường hợp trái lại - Giọng bà Án chợt đổi khác, khàn hẳn đi, nghẹn ngào, ướt sũng, - thì...thì... thi thể của nó sẽ cho chúng ta biết được sự thật. Tôi tin chắc như thế.

Bà Án nói là bà tin chắc như thế. Nhưng Trọng Viễn, chàng lại không tin chắc gì cả. Tuy nhiên, nể lòng bà Án, chiều ý Tường Vân, chàng đành phải hứa cho xuôi:

_ Thôi được! Chúng tôi phải tìm cho ra, phải tìm cho bằng được. Con Bão Tố của tôi đây sẽ giúp cho một cách đắc lực. Bà làm ơn cho tôi mượn một món đồ gì của cậu Sinh vẫn dùng thường ngày. Một cái quần hay cái áo gì đó.

Bà Án vẻ mặt phờ phạt, uể oải đứng lên.

Tường Vân lanh lẹ hơn, đã từ phòng Sinh chạy xuống, tay cầm chiếc mũ nồi anh nàng vẫn đội những khi đi săn.

Trọng Viễn đỡ cái mũ từ tay cô gái.

_ Cám ơn cô.

_ Ông có thể cho tôi đi theo phụ giúp ông một tay?

Chàng thanh tra thoáng rùng mình khi chợt nhớ lại hình ảnh ghê rợn: cái cũi chó, thi thể thằng Ngây. Rồi ngày hôm nay sẽ còn những gì ghê gớm nữa đây

Chàng từ chối phắt:

_ Không được đâu, cô Tường Vân. Tôi biết cô đang nóng lòng sốt ruột lắm. Có điều con Bão Tố này chỉ chịu làm việc khi có mình tôi với nó mà thôi. Vả lại, - Trọng Viễn vội vã nói thêm khi cô gái có vẻ ủ rủ, buồn phiền ra mặt - vả lại sự hiện diện của cô ở nhà cần thiết hơn.

Chàng ra dấu cho Tường Vân bằng cách đưa mắt nhìn quanh một vòng trong phòng. Bà Án, bà Cầm thẫn thờ ngồi tại ghế bành, sắc diện nặng trĩu ưu tư nom thật tội nghiệp.

Trọng Viễn không nói ra miệng nhưng Tường Vân cũng đã ý thức được rõ rệt là sự trẻ trung hồn nhiên sống động của nàng tại nơi này là một điều cần thiết để gây lại sinh khí cho mọi người.

Con Bão Tố lôi căng sợi dây da buộc cổ kéo Trọng Viễn băng nhanh qua đám ruộng dưới chân đồi, nhắm thẳng cánh rừng âm u tiến tới.

Tán lá rừng che khuất ánh sáng mặt trời làm tăng khí lạnh của thời tiết buổi cuối đông. Cái đuôi suôn đuột buông thõng như một lưỡi kiếm dài, cái đầu Bão Tố cũng đã được cởi bỏ dây da, rà sát mặt đất, mũi hít ngữi không ngừng. Bốn cẳng chân thoăn thoắt đưa tấm thân to lớn uốn lượn nhịp nhàng, Bão Tố lao mình về phía trước, nhanh như đầu một chiếc xe có động cơ xả hết tốc lực. Bỗng nhiên: "đoành!" một tiếng nổ chát chúa âm vang khắp cánh rừng âm u.

Trọng Viễn phản ứng theo thói quen, nằm rạp xuong thật nhanh chưa hết bàng hoàng vì tiếng "chíu" của một viên đạn súng trường xẹt sát vành tai. Rõ ràng phát súng phía lưng chàng bắn tới. Và, hỡi ôi! Viên đạn oan nghiệt đã đập trúng đầu con Bão Tố khôn ngoan.

Trọng Viễn không còn đủ bình tĩnh gìn giữ cho khỏi lộ mục tiêu nữa mà lại bò lổm ngổm, chàng lao tới chỗ con chó bị trúng đạn. Hai hàm răng nghiến chặt, chàng thanh tra rít lên: "tha hồ cho... hắn trông thấy rõ hết". Nhưng bốn phía vẫn im lìm... Trọng Viễn liền ngồi phắt dậy, bồng Bão Tố đặt lên vai, quay bước trở ra bìa rừng. Chàng thanh tra chép miệng một lần nữa, nghiến răng nghiền ngẫm ý nghĩ gai góc: "Gã sát nhân vẫn nhìn chàng theo dõi. Thân hình chàng và Bão Tố vẫn hiện rõ trước mắt hắn ... qua lỗ chiếu môn".

Trí óc chàng trai lại bắt đầu làm việc:

_ Tên sát nhân muốn cản Bão Tố lại, không cho tiến bước tới chỗ nào, tới cái gì mới được chứ? Phát súng từ phía sau lưng mình bắn tới. Như vậy có nghĩa là "hắn" đứng nấp ở bìa rừng, lối đi vào. Và ở phía đối diện hắn chắc phải có một tên đồng lõa? Cần lục soát trong rừng một phen nữa mới được.

Trọng Viễn dấn bước về phía biệt dinh cụ Án. Kịp nghĩ lại, chàng rẽ vào nhà bà Cầm đặt xác Bão Tố kế bên thi thể thằng Ngây. Rồi đứng lặng, Trọng Viễn đưa mắt nhìn xác người, xác vật, trong lòng rưng rưng... Đã chứng kiến rất nhiều cảnh thương tâm não ruột quen lắm rồi. Nhưng trước cảnh tượng giây phút này đây, người và vật nằm sóng sượt bất động, một được che đậy, một lộ liễu, hai nạn nhân ngây thơ vô tội, một thằng bé chưa đủ sức tự vệ và còn một con chó khôn ngoan, chàng thanh tra cảm thấy đau thương tràn ngập trong lòng.

Trông Viễn băn khoăn tự hỏi:

_ Không lẽ tên Sinh này đột nhiên lại biến thành quỹ dữ?

Và chàng quyêt định sẽ giữ toàn bí mật. Quấy rộn chi mấy người đàn bà yếu đuối chỉ mong sao cho được yên thân. Rồi lỡ tai vách mạch rừng...! Biết đâu? Phải dè dặt đề phòng mới được.

Về gần tới hàng rào sắt mắt cáo, Trọng Viễn thấy ngay bác tài xế tên Giang đứng đó có ý đợi chờ, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Anh Giang, khi trông thấy Trọng Viễn, mỉm một nụ cười thân thiện. Nhưng chàng trai cơn xúc động chưa hết, lại cảm thấy khó chịu ở trong lòng, thắc mắc không hiểu bên trong cái niềm nở này liệu có những ẩn ý gì không? Bác tài giơ tay khoe mẫu thuốc lá lạ Trọng Viễn nhờ kiếm giùm, bác đã khổ công bới tìm đống rác ở cuối vườn.

Chàng thanh tra mân mê nhìn chăm chú mẫu thuốc lá lạ đoạn nói ngay:

_ Craven A, thuốc con Mèo!

Sau mấy phút suy nghĩ. Trọng Viễn hạ thấp giọng, hỏi bác Giang:

_ Cái cô Duyên má lúm đồng tiền đó có người yêu chưa thế, bác Giang?

Tài xế Giang nheo nheo đôi mắt, mỉm cười hóm hỉnh:

_ Cậu cứ hỏi thế! Tôi có theo chân cô ấy đâu mà biết được! Chẳng thấy gì lạ cả, nhưng ... các cô gái xuân xanh hơ hớ thế, có trời mà biết được!

Chàng trai ngầm nghĩ: "Biết đâu người yêu của nàng Duyên lại chẳng là anh chàng phì lũ đang đứng trước mặt mình đây? Phải hỏi cho ra mới được!"

Rảo bước lên phòng riêng, Trọng Viễn gặp ngay chị Duyên trong hàng ba liền dừng chân giữ lại và nói luôn một câu chuyện dựng đứng:

_ Tôi vừa nói chuyện với anh chàng Giang của chị đồng thời hay rằng chị biết nhiều chuyện lắm mà chẳng chịu nói gì ra cả.

Nàng Duyên ngây người ra mấy giây nhưng lấy lại bình tĩnh rất nhanh:

_ Thưa cậu, trước hết xin cậu biết cho rằng Giang không phải "chàng" của tôi. Và nếu một ngày nào đó cần tuyển lựa một chàng cho tôi thì người ấy ắt không thể là một người "bồ sứt cạp" như chàng Giang đâu.

Mấy tiếng "bồ sứt cạp", "chàng Giang", khóe miệng xinh xinh của chị Duyên nói ra kèm theo ánh mắt nhung quắc lên như có ý bực mình với chàng thanh tra.

Trọng Viễn mỉm cười vui vẻ, lợi dụng ngay nhược điểm tâm lý của người đang đối thoại với mình:

_ Tôi chắc rằng chị Duyên thông minh tháo vát có thể giúp được tôi nhiều lắm. Thế cái đêm thứ ba 12 rạng sáng thứ tư 13 dương lịch ấy, chị thấy ở đây có gì khác lạ không, chị Duyên?

_ Lợi khen ngợi đã khiến chị Duyên thích thú. Sau gần một phút ngập ngừng, chị đảo mắt nhìn quanh e ngại. Nhận ra đứng trong hàng ba nói chuyện là điều bất lợi, Trọng Viễn liền đưa chị vào phòng khách đoạn lẹ tay khép cánh cửa lại.

_ Sao? Tôi hỏi chị ...

_ À có điều này! Trong đêm trước buổi cậu Sinh mất tích, khoảng 12 giờ, 12 giờ rưỡi gì đó, tôi thấy cô Tường Lan lên phòng cậu Sinh. Rồi hai chị em cãi cọ chuyện gì đó to tiếng lắm. Hét cứ rầm lên ấy.

_ Chị có nghe rõ vì sao họ cãi nhau không?

_ Không cậu ạ! Chỉ nghe cậu Sinh quát lên: "Đồ con gái hư thân! Con gái hư thân!". Thật là một sự rất lạ. Thường ngày, đối với chị em gái, cậu ấy vẫn hiền từ lễ phép lắm

_ Nhưng chị nghe được những tiếng ấy bằng cách nào?

Sắc mặt chị gia nhân ửng hồng:

_ Tôi đừng sau cánh cửa. Nghe rõ ràng cả tiếng bước chân cô Tường Lan lúc đi ra mà.

_ Thế chị không ngủ sao?

_ Tôi mãi xem tiểu thuyết. Nghe tiếng cãi cọ ầm ĩ liền đứng dậy, mò ra coi, rồi tôi đi theo hút cô Tường Lan.

_ Để làm gì vậy?

Chị Duyên hạ thấp giọng:

_ Để xem cô ta có hẹn hò lén lút với ai không? Té ra có thật cậu ạ. Bà mà biết thì chết. Sao cô ấy lại liều thế không biết. Bà thường hay đe nẹt tôi: "Này Duyên! Không được đi xem hát tuồng chèo đêm hôm tối tăm nghe chưa!... Bà thấy thằng con trai ông cai San cứ nhấp nháy với mày đó! Coi chừng, nghe!"... và... và... ui chao. Ghê lắm cậu ơi! Bà cứ hay mắng tôi là "vô duyên chưa nói đã cười". Lắm lúc xấu hổ đến chết được. Thành thử tôi phải cố làm sao bắt gặp được cô Tường Lan hò hẹn với người yêu để có thể nói thẳng cho bà biết rằng con gái quý của bà cũng chưa chắc hay ho gì hơn tôi đâu, đừng có làm phách.

Trọng Viễn ngó chị gia nhân bằng một cái liếc xéo:

_ Vừa rồi, chị nói là nấp sau cánh cửa nghe lỏm chuyện. Vậy chắc chị đã biết vì lý do gì cậu Sinh nổi giận lôi đình cãi nhau với chị cậu ấy chứ?

Chị Duyên nghe chàng thanh niên nói như vậy thì lộ vẻ không bằng lòng , trả lời cấm ca cấm cảu:

_ Nghe lỏm chuyện! Việc gì mà tôi phải nghe lỏm chuyện. Trong nhà này mỗi khi có điều gì thì chẳng ai cần phải nấp núp nghe lỏm gì cũng biết được ngay rằng chỉ là chuyện người yêu của cô Tường Lan mà thôi.

_ Cô Tường Lan năm nay bao nhiêu tuổi, chị Duyên?

_ Hai mươi hai. Cô ấy chỉ thích được kết hôn với một phi công gần đây này. Cách chừng hai ba trăm thước thôi cậu ạ.

_ Ai ngăn cấm không cho cô Tường Lan kết hôn với ông phi công ấy?

_ Bà, rồi đến cậu Sinh. Cậu Sinh, không phải là khắc nghiệt rắc rối gì. Có điều, cậu ấy rất không ưa cái lối tán tỉnh chị hoặc em gái một cách không đứng đắn, nhất là người tán tỉnh ấy lại không phải là con ông cháu cha hoặc con nhà giàu gì. Trời! Nếu cậu ấy được chứng kiến bữa ông phi công tên Dưỡng đích thân đến đây nói chuyện với bà về chuyện xin hỏi cưới cô Tường Lan.

Chị Duyên say sưa nói chuyện. Trọng Viễn lợi dụng ngay ngay giây phút xuất thần của chị gia nhân trong gia đình cụ Án. Chàng giả bộ ngạc nhiên:

_ Một ông phi công! Kể cũng đã oai lắm rồi đấy chứ!

_ Phải oai lắm! Nhưng xét về gia thế kìa! Hình như anh chàng ấy không cha không mẹ, trước kia ở viện mồ côi ra thì phải.

Trọng Viễn cố bình tĩnh đứng nghe, âm thầm suy nghĩ: "Tình hình mỗi lúc lại càng thêm phức tạp. Vậy thì có thể, thay vì là hung thủ phạm tội ác, Sinh lại chính là nạn nhân?... Nhưng thi thể của thằng Ngây còn nằm chình ình ở trại Con kia chẳng là chứng cớ rành rành buộc tội chàng con trai cưng của cụ Án một cách... hết sức hùng hồn đó sao?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #vbnfgb