VÒNG TAY YÊU THƯƠNG
VÒNG TAY YÊU THƯƠNG
****************************************************************
Câu chuyện thứ nhất: Chiếc bánh rán
…………………………………………..
Một cái máy phóng lớn đã là chuyện từ xưa rồi! Còn một vật sẽ lớn như thế nào trong kí ức và trong trí tưởng tượng của con người, khi tình yêu, sự tôn kính và tất cả những gì ngự trị trong trái tim họ luôn ở đó để ấp ủ nó. ( Thomas Carlyle)
………………………………………………
Mẹ tôi mất khi tôi lên sáu, và bố tôi trở thành người bố cũng như người mẹ của chị em chúng tôi.
Mỗi buổi sáng trước khi đi làm bố hay ghé qua tiệm bánh “ruột” của mình, ông luôn rời khỏi đó với một cái bánh sừng trâu và một ly cà phê. Thỉnh thoảng, bố dẫn tôi đi câu cá vào cuối tuần hay tới chỗ làm việc của ông vào dịp hè, và thể nào hai bố con cũng dừng lại tiệm bánh quan thuộc mà bố vẫn thường lui tới vào buổi sáng, ở đó bố sẽ trò chuyện và đùa vui dăm ba câu với nhân viên và khách hàng.
Hai bố con luôn rời khỏi tiệm cùng với một chiếc hộp nhỏ đựng bánh sừng trâu cho bố và bánh rán phủ sôcôla cho tôi. Bố đỡ tôi leo vào chiếc xe tải của ông. Tôi ngồ sát bên bố, trong sự che chở của ông, cảm thấy vinh dự, an toàn và thoải mái.
Công việc của tôi trong suốt hành trình là giữ ly cà phê của bố giữa hai đầu gối sao cho không bị sánh ra ngoài. Mặc dù trên miệng ly có nắp đậy nhưng tôi đã làm công việc của mình rất tốt: Cà phê chưa bao giờ bị sánh ra cả.
Sau việc tôi câu được con cá hồi bảy sắc đầu tiên, bố tôi rất tự hào, chúng tôi dừng lại tiệm bánh trên đường trở về nhà để khoe chiến tích đó. Sự tán thưởng của mọi người khiến tôi rất khoái chí, nhưng được nhìn thấy vẻ tự hào của bố mới là món quà thật sự đối với tôi.
Thời gian trôi qua và tôi dần lớn lên, tiệm bánh trở thành nơi đặc biệt để chúc mừng những chiến thắng của tôi từ những cuộc thi bơi lội hay trượt tuyết. Ngay cả khi tôi không thắng cuộc hay đoạt giải, bố cũng sẽ dẫn tôi đến nơi thân thuộc đó để chia sẻ. Chúng tôi luôn rời khỏi tiệm với một chiếc hộp nhỏ đựng một chiêc bánh sừng trâu và một chiếc bánh rán phủ sôcôla.
Cuối cùng, tôi đã trưởng thành và để bố lại ở nhà. Trong ngày cưới của tôi, trước khi dẫn tôi đi xuống sảnh nhà thờ, bố trao cho tôi một hộp quà nhỏ. Khi mở nó ra, tôi tìm thấy một chiêc bánh rán nhỏ phủ sôcôla. Tim tôi tan ra còn nhanh hơn cả sôcôla đang tan chảy trong lò nướng. Chúng tôi ôm nhau khóc. Bố bảo tôi, ông tự hào về tôi biết bao và rằng tôi sẽ luôn là con gái bé bỏng của ông.
Bố vẫn tiếp tục đi đến tiệm bánh ruột của mình một thời gian dài sau khi tôi đi lấy chồng. Tôi chỉ trở lại nơi ấy một lần với đứa con gái đầu lòng. Bố rạng rỡ tự hào, ôm lấy đứa cháu gái như thể là chiến tích tuyệt nhất ra khoe với bạn bè của ông.
Tháng Mười năm 1989, bố phát hiện ra mình bị ung thư không mổ được. Chúng tôi sống cách biệt một đại dương, và những cuộc viếng thăm của chúng tôi rất ít ỏi.
Một năm sau, tôi bị một tai nạn và được đưa vào bệnh viện, trải qua ba cuộc phẫu thuật cho xương sống vụn nát. Trong khi đó, bệnh ung thư của bố đã phát tán đến mức nhanh đến nỗi ông chỉ cất mình lên thôi cũng khó khăn lắm rồi. Cưỡng lại lệnh của bác sĩ, ông đã bay đến bệnh viện để an ủi tôi. Khi ông đến thì tôi đang trong giai đoạn điều trị bằng phương pháp kéo giãn chân tay và hầu như không thể cử động được. Với cánh tay gầy trơ xương của mình, ông ôm tôi vào lòng, nói rằng nếu có thể cho tôi một món quà bất kì trong thế giới này, ông sẽ đổi chỗ với tôi ngay lúc này đây.
Khi bác sĩ chuẩn bị cho tôi làm phẫu thuật, nước mắt bố tuôn trào nhiều đến mức có thể làm đầy một bể nước. Ông yêu cầu bác sĩ gây mê chăm sóc cẩn thận đứa con gái bé nhỏ của ông. Họ chuyển tôi ra khỏi phòng bệnh và đưa tới phòng phẫu thuật. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong phòng bệnh. Không có ai xung quanh. Tôi cố với lấy điện thoại để gọi bố và nhìn thấy…một chiếc đĩa giấy đựng chiêc bánh rán phủ sôcôla.
Tôi không bao giờ nhìn thấy bố tôi lần nữa. Ông đã quá yếu, ông phải trở về nhà. Bệnh ung thư đã mang ông đi chỉ vài ngày sau khi ông rời khỏi giường bênh của tôi.
Giờ đây, mỗi khi lái xe ngang qua các tiệm bánh, tôi không thể ngăn mình mỉm cười, và ứa nước mắt, hồi tưởng lại những kỉ niệm đó, chiến tích tuyệt vời nhất của tôi.
*
*
*
Câu chuyện thứ hai: Tha thứ và yêu thương
………………………………………………..
Điều duy nhất có giá trị trong cuộc đời chính là những dấu ấn của tình yêu mà chúng ta đã để lại phía sau khi ta ra đi. (Albert Schweitzer).
………………………………………………..
Một lần khi chúng tôi còn bé, chị tôi nói, “Bố sẽ ở nhà hôm nay đấy”.
“Ai cơ?”, tôi hỏi lại.
“Bố mình đấy, ngốc ạ. Người đàn ông chưa bao giờ ở đây, nhớ chưa?”
“Thế thì sao! Dù sao còn lâu em mới gặp bố. Lần này bố sẽ ở đây trong bao lâu vậy?”, tôi hỏi một cách mỉa mai.
“Ai mà biết được? Em biết bố mà”, Bette trả lời.
Và tôi thầm nghĩ, không, mình đâu có biết.
Những sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc sóng của chúng tôi không phải là những sự kiện bình thường như là sinh nhật và ngày kỉ niệm. Sự đau buồn đã in hằn lên chúng tôi hơn là niềm vui. Trong cuộc sống của mình, chúng tôi đã vấp phải những thời khắc cam go, và những thời khắc đó dạy chúng tôi làm thế nào để tha thứ.
Mối quan hệ của tôi với bố là một khoảng của cuộc đời mà ở đó tôi đã cố gắng để nhớ lại nhiều hơn là chỉ vài thời khắc hạnh phúc bên bố. Chị tôi, Bette, thì nhớ những khoảng thời gian tốt đẹp với bố. Chị lớn hơn tôi và tôi nghĩ rằng bố biết làm thế nào để hiểu và thông cảm với một đứa trẻ lớn hơn.
Bố dạy chị chơi gôn và lái xe. Thời gian bố và chị bên nhau hầu như chẳng bao giờ có tôi, đứa con gái khác của bố. Nhưng đâu thể thay đổi được quá khứ, vì vậy tha thứ là tốt hơn cả.
Khi tôi thực sự cần một bàn tay hướng dẫn của người bố vào tuổi niên thiếu thì mẹ và bố ly hôn, rồi bố ra đi để tìm điều tốt đẹp cho bố. Cuối cùng, ông tái hôn, và một người vĩ đại được cộng vào cuộc đời của chúng tôi: vợ kế của bố, dì Elizabeth.
Khi bố được chuẩn đoán là bị ung thư, tôi phải đối mặt với điều đó, biết rằng thời gian còn lại rất quý giá. Tận sâu bên trong, tôi mong được chia sẻ những phút giây gần gũi, riêng tư với bố trước khi quá muộn. Tôi yêu bố và biết rằng bố cũng yêu tôi bằng cách của ông. Nhưng với hai bố con, đó là một tình cảm không được công bố.
Chị Bette và tôi yêu cầu dì Liz cho biết thời gian tốt nhất để chúng tôi bay đến California thăm bố và dì. Nhất định đến thăm bố trước khi mọi thứ trở thành một cảnh tang thương. Thật không may, điều đó lại xảy ra nhanh hơn tôi tưởng.
Khi bước vào phòng khách của bố và nhìn thấy ông ngồi trong chiếc ghế bành, mong manh, run rẩy và xanh xám vì đau yếu, tim tôi như ngừng đập. Người chơi gôn, một doanh nhân đóng góp cho chính phủ trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, một trùm doanh nghiệp đầy thành công, đã biến đổi hình dạng vì bệnh tật. Sức khoẻ của ông đã bị rút mòn rất nhanh và dì Liz phải giúp ông quay trở lại giường hầu như ngay lúc chúng tôi tới thăm.
Chúng tôi vào bên giường bệnh của bố trong suốt những ngày cuối tuần, lòng chán nản. Những kế hoạch về một cuộc trò chuyện tay đôi với bố đang nhanh chóng nhạt nhoà khiến tôi vô cùng thất vọng.
Buổi tối cuối cùng chúng tôi ở đó, dì Liz trở lại từ phòng bố và nói với chúng tôi rằng bố đã ngồi đây, đang mặc quần áo và muốn nói chuyện với chúng tôi. Tôi không hề được chuẩn bị tinh thần để nhìn thấy một người đàn ông, với sắc mặt hồng hào và sức khoẻ tuyệt vời, bước không cần ai giúp xuống đại sảnh về phía chúng tôi. Sải chân của ông chắc chắn và thẳng thắn như thể có một sức mạnh vô hình nào đó đẩy ông đi. Khó có thể tin được đó chính là người đàn ông nằm liệt giường mà tôi đã nhìn thấy chỉ vài giờ trước đây.
Bố hít một hơi sâu, và khi bố nói, giọng ông rõ và đều. Mắt bố không còn quầng nữa mà trong trẻo và chăm chú hướng thẳng vào chị Bette và tôi.
Dừng lại một cách thận trọng giữa mỗi câu, bố nói, “Bố đã nghe đâu đó là con người ta không thể thay đổi được những gì mình không nhận thức được. Vậy thì đây. Bố biết bố đã không phải là một người cha tốt của các con. Cuộc sóng và những ham muốn riêng đã chiếm hết lối đi của bố. Bố nợ các con một lời xin lỗi. Vì thế, trước khi bố mất, bố cần phải nói: bố thành thật xin lỗi các con. Có quá nhiều thứ lẽ ra bố có thể làm nhưng bố đã không làm. Bố muốn đẩy trách nhiệm ấy lên người khác – nhưng không có bất cứ ai. Bố không trốn tránh trách nhiệm nữa. Bố chỉ có thể hi vọng các con đủ tình yêu thương để làm bố vui và tha thứ cho ông già này cho tất cả những lần lỡ hẹn với các con. Bố biết bố không xứng đáng, nhưng bố cần sự tha thứ của các con”.
Bố ngừng lại, trong một phút, nước mắt làm nghẹn giọng bố. “Bố luôn yêu các con. Đó là một tình yêu các con có thể cất giữ.” Rồi bố thì thầm: “Chỉ có vậy thôi.”
Chúng tôi không nói thêm gì nữa. Nghẹn ngào trong nước mắt, chúng tôi ôm và vỗ về bố. Nói thầm tình yêu của chúng tôi. Một phút sau, như bật công tắc, bố trở lại hình dạng của một bệnh nhân yếu ớt trong giai đoạn cuối. Bố đã dồn hết sức. Tôi bắt đầu giúp ông quay về giường, gần như đỡ ông ra khỏi đại sảnh, và không biết lý do gì mà chị Bette và dì Liz để tôi làm điều đó một mình.
Khi hai bố con lên phòng bố, bố ngồi ở thành giường còn tôi quỳ trên sàn bên cạnh ông. Với giọng nói như ru, bố thì thầm: “Ruthie, điều đó giúp ích chứ? Con có hiểu bố yêu con như thế nào không?”
“Ôi bố, dĩ nhiên là con hiểu chứ. Con chưa bao giờ yêu bố hơn lúc này.” Và trong một khoảnh khắc, chúng tôi ngồi trong yên lặng. Cuối cùng, đứa trẻ trong tôi đã được nắm thật chặt bàn tay của bố nó – một khoảnh khắc không thể nào quên.
Mệt lả, bố ngủ thiếp đi, và tôi thì nấn ná bên giường ông, không muốn làm đứt sợi dây liên kết mới mẻ mà chúng tôi vừa tìm thấy. Những chuyện vừa xảy ra không giải đáp được hoàn toàn những câu hỏi thời thơ ấu của tôi về việc tại sao bố lại thấy cương vị làm cha quá khó, nhưng là một đứa con gái đã trưởng thành, một người mẹ và một người vợ, tôi bắt đầu có thể hiểu những gì mà trẻ con không thể hiểu. Những lời nói của bố như một liều thuốc cho tôi. Tôi cảm thấy vết thương được chữa lành.
Tôi đã có một khoảng thời gian đặc biệt đủ dài bên bố. Tôi sẽ không đòi hỏi gì thêm nữa. Có sự tha thứ, và có tình yêu thương. Thế là đủ rồi.
*
*
*
Câu chuện thứ ba: Tin vào con người
………………………………………………………………………………….
Tôi nghĩ có lẽ chúng ta khá dè dặt khi tin tưởng hơn là chúng ta thực sự tin tưởng. (Henry David Thoreau)
………………………………………………………………………………….
Bố đã vượt bao nhiêu dặm đường từ thị trấn Braintree bé nhỏ ở Essex nước Anh, nơi mà tôi được sinh ra và lớn lên để đến St.Louis thăm tôi. Braintree là một phố chợ đầy nước đọng, ở đó, cả vụ ăn cắp trứng ở siêu thị cũng được đăng trên tờ báo địa phương.
Mẹ tôi mới qua đời, nên bố lưu lại chỗ tôi khoảng một tháng. Tôi lại bận bịu công việc trong đôi ba tuần lễ của tháng đó, vậy là bố thích thú với việc dẫn Dustin, chú chó to lớn quý báu của tôi đi dạo mỗ ngày. Bố có lộ trình hằng ngày của mình và tôi luôn nhắc nhở bố nhớ khoá mọi cửa nẻo trước khi đi đâu. Đã sang tháng 10 mà thời tiết vẫn oi bức kì lạ. Bố lấy làm ngạc nhiên trước nhiệt độ cao ngất này, và ông rất thích đi dạo ở công viên gần nhà tôi.
Tôi cố ý không nói cho bố biết hai gã thanh niên bên cạnh là những kẻ hay gây rối. Bọn chúng đã từng nổi tiếng vì đã tống mẹ mình ra khỏi nhà, ăn cắp đồ tạp phẩm của bà và sau khi bà mẹ tha thứ cho chúng, chúng lại quay về mượn tiền để nướng vào ma tuý. Chắc chắn câu chuyện như thế sẽ làm người bố dịu dàng của tôi phát khiếp. Với lại mọi chuyện dạo gần đây cũng lắng xuống rồi. Nếu hai tên đó lại gây chuyện thì lúc đó tôi sẽ giải thích cho bố hiểu. Bố không quen với nhịp sống hối hả ở thành thị.
Thường khi tôi đang trên đường về nhà từ thư viện chỗ tôi làm thì bố tôi đã làm sẵn một bữa ăn khuya nhẹ và pha trà cho hai bố con.
Đó là một ngày thứ Ba nóng bức, tôi trở về nhà, lo lắng có lẽ bố bị nóng chảy mỡ khi đi dạo. Nhưng không, bố còn vui vẻ hồ hởi hơn mọi khi. Gương mặt 80 tuổi ngời lên một niềm phấn khởi.
“Con không thể biết được chuyện gì xảy ra với bố hôm nay đâu”, bố nói. “Đó quả là một chuyện rủi ro nhưng lại được giải quyết thật ổn thoả”. Tôi hớp một ngụm trà, cởi giày và chờ đợi.
“Bố đã tự nhốt bố ở ngoài cửa”, bố bắt đầu kể. “Khi bố đeo xích cho con Dustin, bố đã để chìa khoá của sau ở trên bàn và để quên ở đó”.
“Ồ, sao bố không gọi điện đến thư viện cho con”, tôi nói.
“ Bố đâu có mang xu nào trong túi”, bố tiếp tục kể. “Bố rất lo vì lúc bố với con Dustin quay về đến nhà thì Dustin khát nước lắm rồi và bố cũng cảm thấy nóng bức quá”.
“Thế bố đã cạy khoá ạ?”, tôi vừa hỏi vừa cố giữ bình tĩnh. Tôi sẽ thật sự ngạc nhiên nếu như bố có thể cạy được khoá vì đó là loại ổ khoá khá phức tạp.
“Không”, bố kể, “những chàng trai trẻ tuổi cạnh nhà mình đã giúp bố vào được nhà đấy”.
Gương mặt tôi hiện rõ sự sửng sốt. Tôi gần như bật đứng khỏi ghế chạy đi kiểm tra tiền bạc và hộp trang sức. Bố lúc nào cũng để một chồng tiền cắc trên bàn trang điểm trong phòng ngủ và cánh cửa phòng ngủ lại đang mở toang. Tôi nhận ra tiền vẫn còn nằm ở đó.
“Sau khi bố vào được nhà, bố cho con chó uống nước, rồi pha một ấm trà. Hai chàng trai đó và bố đã ngồi nói chuyện một lúc trong nhà bếp”.
Những “vị khách” của bố chưa từng nói chuyện với tôi bao giờ.
“Hai anh chàng đó cũng có nhiều rắc rối lắm đấy”, bố lắc đầu và buồn bã thở dài. “Vậy mà họ đã thực sự giúp bố mở cái ổ khoá đó”.
Tôi nuốt vội tách trà và sau đó thấy trong nhà không mất thứ gì cả. Bố cũng hài lòng vì mình đã giải quyết được khó khăn.
Thời gian còn lại trong kì nghỉ của bố nhanh chóng trôi qua. Rất nhiều lần tôi đi ra vườn nhìn bố tôi trò chuyện với những người bạn mới của ông. Bản tính tin tưởng vào người khác của bố đã được đền đáp. Có thể những thằng nhóc đó đã thay đổi.
Và cái ngày hôm đó, cánh cửa bị khoá không phải là thứ duy nhất được mở ra.
*
*
*
Câu chuyện thứ tư: Ổn thôi mà, Bố!
………………………………………………………….
Những lời lẽ tốt đẹp sản sinh những hình ảnh riêng của chúng trong tâm hồn con người, và đó là những hình ảnh tuyệt đẹp. (Blaise Pascal)
……………………………………………………………..
Một buổi trưa, tôi ngồi ngắm nhìn bố trong khi mẹ đi chợ. Ông không thể đi lại được từ khi bị đột quỵ và hoàn toàn dựa vào người khác cho toàn bộ sinh hoạt hằng ngày của mình. Ngồi sụp trên xe lăn, đầu cúi xuống, trông ông dường như thuộc về một cõi khác, buông xuôi và thất bại. Hôm nay, ông không cười, tôi tự hỏi ông đang suy nghĩ điều gì?
Đôi khi ông quá thất vọng với chính mình và với tôi bởi tất cả những gì ông thấy chỉ là bệnh tật của bản thân mình, còn tất cả những gì tôi vẫn nhìn thấy là sức mạnh của ông. Tôi buộc phải gợi nhắc ông về tất cả những gì ông đã làm, tôi cố gắng động viên ông làm tất cả những gì ông vẫn có thể làm được. Đó là một trận chiến của ý chí. Ông giận dữ khi tôi dỗ ngọt ông luyện tập cho đôi chân, nhưng đó chỉ là một cái giá rẻ phải trả nếu tôi có thể động viên được ông.
Trong một nỗ lực mới, tôi lặng lẽ nói với ông: “Bố ơi, bố có nhó ngày bố dạy con băng qua con đường lớn bằng xe đạp không?”. Sự tập trung của ông bị phá vỡ, ông nở một nụ cười nồng ấm.
Câu từ của ông líu nhíu. “Nhớ chứ”, ông tuyên bố và ngẩng đầu lên, “con đi đến giữa đường lộ và chết trân tại đó”. Mặt ông rạng lên, mắt và miệng mỉm cười.
A, đó chính là bố tôi, tôi nghĩ. “Con nhớ con đã quá sợ và thoái chí đến mức không thể nhúc nhích được. Bố đã đi với con từ bên này đường sang bên kia đường, hết lần này đến lần khác, cánh tay to khoẻ của bố giữ lấy con, hướng dẫn con. Bằng một giọng nói từ tốn và một nụ cười điềm tĩnh, bố nói, “Ổn thôi mà, con đang làm rất tốt”. Ông gật gù và cười tươi. Tôi nói tiếp: “Con đã làm được; con đã sang được bên kia đường. Bố đã mở thế giới của con ra, bố đã giúp con làm tất cả những gì con có thể làm”.
Khi chúng tôi hồi tưởng về những ngày đó, đầu bố ngẩng cao hơn, và chẳng bao lâu ông đã sẵn sàng để tập luyện cho đôi chân. Với một giọng nói dịu dàng và nụ cười điềm tĩnh, tôi nói: “Ổn thôi mà, bố, bố đang làm rất tốt”.
*
*
*
Câu chuyện thứ năm: Cuốn phim
………………………………………………………………………………
Những niềm vui được nhớ lại không bao giờ là dĩ vãng; chúng đã, đang và sẽ thình lình chảy ra như dòng song, con suối và biển cả. (James Montgomery)
……………………………………………………………………………..
“Chúng ta sẽ phải xem lại cái đó lần nữa phải không ạ?”. Tôi van nài khi mọi người trong phòng cười vang. Đó là khi tôi được 9 tuổi, nhảy múa trước máy quay phim, với cả hai tay hai chân, mái tóc cắt ngang trán và một nụ cười toét đến mang tai để lộ một khoảng trống thật xấu hổ trước miệng tôi.
“Nhìn con kìa, B.J.! Hai cái răng cửa của con đâu mất tiêu rồi?”
“Đó, đó, đó”, tôi nói với mọi thành viên gia đình đang ngồi kín cả căn phòng. “Lúc nào mọi người cũng chọc con”.
Xem lại những cuộn phim gia đình cũ cũng như xem lại bộ phim Phù thuỷ xứ Oz trước khi chúng có màu. Và cũng chẳng có tiếng. Bố cầm một cái máy quay phim trên tay vào mỗi dịp Giáng sinh, sinh nhật, cắm trại và các sự kiện trong gia đình. Khi máy quay phim được bật lên, mọi người dường như bị nó ám vậy. Cả nhà giật đùng đùng xung quanh như những con rồi lên dây, lấy tay kéo miệng thật rộng và cười nhăn nhở dí vào máy quay phim, hoặc làm ngón tay thành hình chữ V đằng sau đầu các anh chị chỉ để mẹ la bảo thôi ngay. Không điều gì bị bỏ sót dưới con mắt của máy quay phim, thậm chí không chừa cả cảnh chú Frank bước ra khỏi phòng tắm với một vệt dài giấy vệ sinh dính vào đế giày.
Sau này, khi phim màu ra đời, chúng tôi hét lên cười toáng khi ngắm nhìn bố trong chiếc áo len, quần vải poliexte với chiếc kính gọng đen dày cui. Mẹ cũng chẳng giỏi giang gì trong lĩnh vực thời trang. Bố đã chộp được hình ảnh hoàn hảo của mẹ trong thập niên 60, với kiểu tóc vút ngược lên trông tức cười và kiểu quần soọc len kẻ sọc phối với áo cánh.
Bố đã mất một ít thời gian để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho đại sự kiện chiếu phim vào buổi tối của chúng tôi. Ông lôi ra một cái máy chiếu nặng và đặt nó lên cái bàn nhỏ, rồi chèn thêm những cuốn sách dưới chân để dựng nó đứng thẳng. Chúng tôi đi quanh phòng giật mành cửa xuống và kéo rèm lại. Bố thử ánh sáng vuông khi nó rọi lên tường nơi chỉ vài phút trước đó đã treo bức tranh Grand Canyon. Chúng tôi nhìn chằm chằm trong sự ngạc nhiên khi bố dịch chuyển cái bàn tới lui, để có được hình ảnh đúng kích cỡ và rõ nhất.
Những buổi tối ấy cũng đặc biệt như những bộ phim mà chúng tôi xem. Cánh phụ nữ đem đến thức ăn lạnh như là salad khoai tây, dưa chua, quả ôliu, rau cắt, bánh sôcôla hạnh nhân cho món tráng miệng. Trong khi bố khởi động lại máy chiếu, chúng tôi có thể lên bếp để chất thêm thức ăn vào đĩa. “Nào!” ai đó sẽ hét lên trong phòng khách. “Bắt đầu rồi!” Những đứa trẻ ghiền thức ăn lạnh sẽ nhảy bổ vào cửa như các nhân vật bước từ màn ảnh vào cuộc sống…
Chúng tôi chia sẻ tiếng cười và những giọt nước mắt trong khi xem hết cuộn phim này đến cuộn phim khác chiếu những con vật nuôi xưa, những ngôi nhà cũ và bạn bè cũ. Sợi chỉ cuộc sống của chúng tôi được cất giữ trong mỗi chiêc hộp kim loại với một nhãn trắng trên nắp. Đó là “Sinh nhật đầu tiên của Connie”, “Lễ rửa tội của Joey”, “Kỳ nghỉ của gia đình ở Disneyland”. Những cuốn phim mà tất cả chúng tôi đều náo loạn và ầm ĩ khi xem là “Phá huỷ môi trường”. Đó là cảnh san bằng toà nhà cũ trên lô đất nằm ở góc đường của bố để lấy chỗ xây một toà nhà mới. Ông đứng bên kia đường và quay phim lại.
Lần đầu tiên nhìn thấy toà nhà đổ sập xuống khi nó được chiếu lại trên tường, chúng tôi đã buông ra những tiếng ồ và á. Và rồi ai đó đưa ra ý kiến cho phim chạy giật lùi. Quay máy chiếu ngược lại, tất cả chúng tôi xem toà nhà mọc lên từ đống gạch vụn để trở lại thành toà nhà hoàn chỉnh. Thật là tuyệt, tất cả chúng tôi la hò, cổ vũ, vỗ tay “Bật lại lần nữa đi bố!”.
Và ông đã bật lại một lần nữa cho chúng tôi xem, đầu tiên với ồ và á, rồi quay ngược lại với những tiếng cổ vũ và vỗ tay. Bố đã thể hiện sự kiên nhẫn không thể tin nổi, nhưng cuối cùng sau khi xem đến 6 lần, hình ảnh cuối cùng vẫn là cảnh toà nhà sụp đổ và nó đã lưu lại như thế trong chúng tôi.
Đoạn buồn nhất của chương trình chiếu phim buổi tối là nghe đoạn cuối cuốn phim kết thúc với tiếng tạch, tạch, tạch khi nó quay tròn cho đến khi máy chiếu được tắt. “Thế là hết, thưa quý vị”, bố nói khi ông tắt máy và chấm dứt một buổi tối.
Mỗi chiếc hộp kim loại có thể giữ những thước phim kỉ niệm quý giá như những kỉ vật gia đình. Bỏ chúng vào chiếc hộp cạc tông cất kín vào một góc tầng hầm kế bên máy chiếu phim, chúng tôi luôn biết đó chính là nơi sẽ diễn ra những buổi chiếu phim kế tiếp.
Thế rồi một ngày kia, ống nước bị vỡ tung ra, nước ngậm vào tầng hầm. “Ôi, bố, phim của mình bị hư hết cả rồi. Mình sẽ không bao giờ được xem “sự phá huỷ” một lần nữa!”. Tôi oà khóc.
“Đừng lo con yêu, chúng ta có thể chiếu phim đó cho nó chạy tới hay chạy lui ngay trên đây này”, ông nói, gõ gõ vào đầu mình, “ngay trên đây”.
Thời gian đã trôi qua bao nhiêu năm kể từ cái ngày chúng tôi mất tất cả những cuộn phim cũ, và nhiều năm nữa sau khi bố tôi mất. Mặc dù đã mất thứ mà mình trân trọng, yêu quý, ngay cả khi không thể chạm vào nó hay cảm nhận nó trong bàn tay mình, thì nó vẫn ở đây – trong đầu chúng tôi, trong tim chúng tôi. Giờ đây, đó mới là sự kiện sống động nhất.
*
*
*
Câu chuyện thứ sáu: Kết nối bởi tình yêu
……………………………………………………………………….
Có cái gì đó như một sợi chỉ vàng xâu qua từng lời nói của người cha khi ông nói chuyện với con gái, và dần dà theo năm tháng, sợi chỉ ấy đủ dài để cho ta nhặt lên tay và dệt thành một chiêc áo yêu thương. (John Gregory Brown)
………………………………………………………………………..
“Bố ơi, không có cái gì tuyệt hơn phải không bố?”. Tôi dựa trên vai bố khi ông đu đưa đứa cháu gái Elizabeth 3 tháng tuổi của tôi, tức chắt ngoại của ông.
“Chắc chắn rồi, Sis ạ”.
Đó là ngày Elizabeth tròn ba tháng, nhà tôi đầy người thân và bạn bè, tất cả đến để đón mừng thành viên mới trong gia đình. Khi chúng tôi đang ngắm nhìn Elizabeth, chồng tôi - Neal, và con gái tôi – Amanda, bước vào với một người bạn của gia đình.
“Được rồi, bố Charles ơi”, Neal nói với miệng cười tươi, “đến lượt con”. Bố trao Elizabeth cho Neal để bạn bè có thể nhìn con bé rõ hơn. Anh bạn kia vuốt má Elizabeth và nói, “Con bé chắc giống anh, Neal ạ. Nó có cặp mắt của anh đấy”. Rồi anh ta gật đầu với bố tôi. “Ông cố xem này, ông cũng không thể phủ nhận con bé đâu nhé. Nó có cái miệng và cái cằm của ông này”.
Chúng tôi cười, trao đổi cho nhau một cái nhìn ngầm hiểu. Không ai trong cả hai người đàn ông này có quan hệ máu mủ với con gái tôi và tôi. Mẹ tôi kết hôn với bố tôi khi tôi lên ba. Tôi lấy Neal khi Amanda được hai tuổi. Nhưng mà phải công nhận với bạn bè là Elizabeth giống cả bố tôi lẫn chồng tôi.
Tối đó, mẹ và Neal trong nhà bếp, còn bố và tôi uống cà phê ngoài cổng vòm. Chúng tôi ngồi trên xích đu thưởng thức ánh sáng lờ mờ với làn gió nhẹ vuốt ve trên mặt. Một hồi sau, bố phá vỡ sự im lặng.
“Con biết không, Sis, hôm nay đã nhắc bố nhớ lại khi gia đình chúng ta sống ở trang trại”.
Tôi gật đầu. “Vâng, đúng rồi”.
Tiếng ve sầu bắt đầu rền vang, đưa tôi trở về ngôi nhà cũ của bố. Trong khi đu đưa, chìm trong những kí ức của ngày ấu thơ, tôi nhớ lại cuộc nói chuyện của mẹ với bà nội – thân mẫu của bố - trong bếp hồi đó. Tôi hớp một ngụm cà phê và đu đưa nhè nhẹ. “Bố, không buồn cười sao, khi mọi người luôn nghĩ là con giống bố nhỉ?”
“Gì thế, con yêu?”
“Con nhớ mẹ đã nói với bà nội là mẹ đã ngạc nhiên như thế nào khi con quá cao trong khi mẹ chỉ cao có một mét rưỡi. Bà nội nói mà không hề ngước lên từ bát bích quy của bà là, “Thì con bé có chiều cao của Charles chứ sao”.
Bố cười khùng khục. “Mẹ con không bao giờ nghĩ rằng con là ai khác ngoài đứa con sinh học của bố. Vấn đề là ngay cả bố cũng nghĩ như vậy”. Nước mắt tôi lưng tròng.
Rồi bố hỏi: “Con có nhớ trong đám tang của bà nội khi bố giới thiệu con, Neal và con bé Amanda là hình ảnh của bố và Neal đó?”
“Con không nhớ”. Tôi vỗ nhẹ vào đầu gối ông. “À, bố này, chắc bố và Neal có những gen mạnh vượt qua rào cản di truyền học với một ranh giới duy nhất”. Lúc bấy giờ đom đóm đã thắp sáng màn đêm trong khi các chú dế và ếch làm nên một bản hợp xướng trọn vẹn. “Cà phê nữa không bố?”, tôi hỏi.
“Nghe hay đấy, Sis”.
Tôi cầm lấy tách và đi vào bên tring để chế thêm cà phê. Khi quay trở ra ngoài, tôi nhìn thấy bố qua cửa sổ. Nước mắt từ đâu tuôn trào trên hai má tôi, tôi ngắm nhìn ông khi ông đu đưa, nghĩ rằng mình may mắn biết bao khi có được một người như ông làm bố. Rồi một cú huých trong đời đã diễn ra. Khi định mệnh giáng sấm sét lên tôi cũng như nó đã giáng lên mẹ nhiều năm trước, và tôi bị bỏ lại như một người mẹ goá bụa, ở đó chờ một đôi cánh che chở, chính là Neal – một người đàn ông có thể yêu thương con gái tôi nhiều như bố đã yêu tôi. Sức mạnh của tình yêu đã đan kết ba thế hệ lại với nhau chặt đến độ trông chúng tôi thật giống nhau. Dù cuộc sống không nối kết chúng tôi bằng di truyền học, tình yêu đã làm việc ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro