volamnguba hoi 3
VÕ LÂM NGŨ BÁ
Hồi 4 Bể thạch động khổ luyện "Nhất Dương chỉ"
Vương Trùng Dương thấy Chu Bá Thông vừa đi vừa khóc thì trong lòng xiết bao kinh sợ. Chàng lo lắng hồi hộp, e có chuyện chẳng lành cho sư phụ, nên vội gọi Bá Thông giật giọng hỏi dồn :
- Sao vậy sư đệ! Có chuyện chẳng lành xảy ra mà em khóc lóc như thế?
Chu Bá Thông thấy Trùng Dương đón hỏi thì lại òa lên khóc rấm rứt, tức tửi rồi nói :
- Sư huynh ơi sư phụ đã đuổi tiểu đệ đi rồi!
Trùng Dương nghe xong thở dài một tiếng cực to như trút bỏ gánh nặng.
Chàng cả cười :
- Tại sao em lại bị sư phụ đuổi đi, chắc có làm điều gì phạm đến quy luật, nên thầy mới nóng giận. Thôi để ngu huynh vào xin thầy cho, hiền đệ hãy ở đây, đợi một lát xem sao.
Nói dứt lời Trùng Dương vào thẳng hang Bách Cầm vấn an sư phụ. Chàng thấy Thanh Hư chân nhân ngồi dưới gốc cây mặt đầy sắc giận, vội vàng sụp lạy.
Gặp mặt chàng Thanh Hư chân nhân đổi giận làm vui cho phép đứng dậy và hỏi :
- Trùng Dương con đã trở về đấy ư, may lắm...
Trùng Dương kính cẩn đứng dậy chắp tay thưa qua tự sự về ba năm trời du ngoạn các tỉnh phía nam, sau hết, mới tới gặp Chu Bá Thông vừa đi vừa khóc ở cửa hang...
Thanh Hư chân nhân nghe xong liền nói :
- Thằng súc sinh đó tính nết ngang ngược không thể dung dưỡng cho nó được. Nó sẽ làm hư danh môn phái của Toàn Chân mà thôi.
Trùng Dương cả sợ vội thưa :
- Chẳng hay Chu đệ của con làm điều chi mà để đến nỗi sư phụ tức giận đến như thế?
Thanh Hư chân nhân nghe hỏi nổi nóng :
- Thực là quá lắm! Thực là quá lắm! Càng nói ra càng thêm tức giận!...
Nguyên do... Chu Bá Thông nay đã hơn hai mươi tuổi mà tính nết vẫn nghịch ngợm.
Từ ngày theo Thanh Hư chân nhân ở trong hang động Bách Cầm rèn luyện võ công, và được nghe chuyện Trùng Dương hạ ba cao thủ Thiếu Lâm tự thì thích chí lắm. Bá Thông có ý muốn sang tỷ thí võ nghệ cho biết tài cao thấp với môn đồ Thiếu Lâm. Thanh Hư chân nhân biết ý hết lời khuyên dạy, Chu Bá Thông sợ thầy chẳng dám làm điều gì. Gần ba năm trôi qua không dè Chu Bá Thông đã gây sự chẳng lành cho hai môn phái.
Căm giận các môn đồ của phái Thiếu Lâm từ lâu, là những ngày gánh nước tại chùa, Bá Thông vẫn hậm hực trong lòng, gặp dịp may là Thanh Hư chân nhân xuống núi mua lương thực, dặn Bá Thông ở trong hang dọn dẹp. Chu Bá Thông đợi thầy đi khỏi mới tự nghĩ, nhân dịp này ta sang Thiếu Lâm tự quấy phá một phen và không xưng danh tánh thì ai biết đó vào đâu.
Nghĩ đoạn, Bá Thông lấy phân và nước tiểu tìm lá to gói vào một gói, đi thẳng tới trước cửa Thiếu Lâm tự. Đến chỗ thạch bia có đề mấy chữ "Từ Quan Phổ Chiếu", họ Chu mới tung mình nhảy lên một cành cây, cột gói nước tiểu và phân ở trên cao rồi vòng sợi dây xuống gốc cây, ngồi ở đó đợi.
Một lúc sau, có hai vị hòa thượng trong Thiếu Lâm tự gánh hai thùng rau cải qua, Bá Thông cầm hai hòn đá nhỏ nhắm đầu hai vị hòa thượng ném tới, những môn đồ của phái Thiếu Lâm người nào võ nghệ cũng cao cường, nên vừa thoáng nghe tiếng gió thổi biết là có ám khí cúi đầu xuống tránh. Lúc ngửng đầu lên thấy Bá Thông ngồi dưới gốc cây cười sằng sặc thì cả giận rút đòn gánh quát lớn :
- Súc sinh, thật là to gan, lớn mật, dám tới đây mà vuốt râu hùm.
Nói xong, hai hòa thượng đều múa đòn gánh chạy lại toan đánh.
Bá Thông lại ném tiếp luôn hai hòn đá nữa, hai người vội vàng cúi đầu xuống tránh, vừa đứng đúng ở gốc cây ngay dưới nước tiểu và phân.
Chỉ chờ có thế, chàng thiếu niên họ Chu giật mạnh cái dây, gói phân và nước tiểu vỡ tung tóe vào đầu và mình hai hòa thượng, không bao giờ có thể ngờ được, hai hòa thượng thét to lên một tiếng, vung đòn gánh nhằm Bá Thông đánh tới tấp.
Nghe đến đây, Trùng Dương không ngờ sư đệ của mình lại tinh nghịch đến thế, nhịn không được thốt nhiên bật tiếng cười, Thanh Hư chân nhân cả giận nói :
- Con lại còn cười à, thằng súc sinh làm ác như thế, nhục mạ hai vị hòa thượng. Họ đâu có chịu để yên.
Nói rồi, Thanh Hư chân nhân lại kể tiếp :
- Hai hòa thượng khi không bị một thằng tiểu tử nghịch quái ác, khắp người toàn phân và nước tiểu thối chịu không được, lồng lộn như con thú dữ, la hét om sòm nhằm người Bá Thông vụt ngang vụt dọc như mưa, không một chút nương tay.
Bá Thông bản tâm không định giao đấu với họ nên hết sức né tránh, vừa tránh vừa chạy miệng lại còn cười khúc khích. Khi nào chịu bỏ, hai hòa thượng quyết đuổi bắt cho kỳ được và trị một trận nên thân mới nghe. Bá Thông dùng thuật phi hành chạy từ núi này qua núi nọ, từ Thiếu Thất sơn.
Lúc này ở dưới chân núi có bốn hòa thượng, cũng ở trong Thiếu Lâm tự đang đốn củi, thấy tình hình như vậy, bất cần phải trái đồng ùa nhau chận đánh.
Bá Thông vẫn nhởn nhơ như không, liệng mình nhanh nhẹn như con én, thoăn thoắt khắp cành cây này sang cây khác, đu mình như con vượn, vun vút chạy đi, mồm cười ha hả. Sáu vị hòa thượng càng rượt càng tức, vừa đuổi vừa la vang rầm cả một khu rừng.
Vừa lúc đó Thanh Hư chân nhân về tới nơi, trông thấy tình hình như vậy thì biết ngay là do Bá Thông gây sự nên quát to lên.
Bá Thông tự nhiên thấy thầy mình xuất hiện, thì không còn hồn vía lính quýnh lăn mình từ trên cao xuống dưới đèo...
Trùng Dương nghe nói tới đó, thì vội lên tiếng :
- Thưa sư phụ, chẳng hay Chu đệ lăn xuống có bị thương không?
- Ta chẳng cần biết rằng nó bị thương hay không nhưng sáu vị hòa thượng thấy ta đều ngừng lại, mang đầu đuôi câu chuyện kể lại cho ta nghe và hỏi xem có phải Bá Thông là đồ đệ của chúng ta hay không? Ta đành phải nói: "Nó không phải là đồ đệ mà chỉ là một tên gia nô mà thôi", đồng thời ta cũng phải xin lỗi họ và hứa sẽ trừng trị tên súc sinh ấy một cách xứng đáng, họ mới bớt giận trở về nhưng dầu sao cũng không thể nào tránh được sự xích mích sau này.
Sau đó, Thanh Hư chân nhân trở về tới hang Bách Cầm cát tiếng gọi Bá Thông. Nhưng không thấy họ Chu đâu cả vì nó cũng biết rằng lúc đó đương lúc Thanh Hư chân nhân nóng giận thể nào cũng bị quở phạt.
Bá Thông ẩn trốn một chỗ. Sáng sớm hôm sau, Bá Thông hai tay cầm những trái khế chỉ rón rén đi vào dâng lên sư phụ để tạ tội. Thanh Hư tức giận đánh luôn hai cái tát. Bá Thông không dám tránh né, hai bên má sưng vù lên, đoạn Thanh Hư chân nhân đuổi Bá Thông ra khỏi hang Bách Cầm không cho ở lại nữa.
Trùng Dương cúi đầu nhìn xuống đất quả nhiên có mấy trái khế bị vỡ nát tung tóe dưới đất, còn mấy trái nữa cắm sâu vào thân cây, thì chàng biết sư phụ tức giận đến thế nào.
Chàng vội quỳ xuống thưa :
- Xin sư phụ bớt nóng giận, Bá Thông vì tính nết hãy còn trẻ con ưa tinh nghịch, chứ không có tâm địa xấu. xin tha cho một lần, bắt ở trong hang một năm không cho rời khỏi ra ngoài, coi tính nết co thay đổi không rồi sẽ quyết định.
Thanh Hư chân nhân lúc đó cũng bớt giận nên gật đầu.
Trùng Dương đứng lên ra ngoài cửa hang thấy Bá Thông hãy còn khóc thút thít, chàng bước gần tới nơi vỗ vai nói :
- Thôi thôi! Nín đi, sư phụ đã tha tội cho sư đệ, mau mau vào tạ tội thầy, nhớ lần sau không tinh nghịch như thế nữa.
Bá Thông nghe thấy sư huynh nói: Sư phụ đã tha tội cho mình, thì vui mừng hết sức lau khô hai hàng nước mắt nhoẻn ngay một nụ cười hấp tấp, toan chạy vào thì Vương Trùng Dương giữ lại nói :
- Tuy vậy, sư phụ mới chỉ biết tha tội cho sư đệ thôi. Còn sự trục xuất ra khỏi môn phái, sư phụ chưa thu hồi mệnh lệnh, và phạt giam em một năm trong hang Bách Cầm để xét tính nết và hành vi sư đệ có chịu biến cải hay không, rồi sau mới quyết định. Sư đệ phải liệu, nếu không sư phụ nổi nóng lên, thì ngu huynh cũng đành chịu.
Nghe xong Bá Thông cả sợ lại òa lên khóc, nước mắt như mưa. Trùng Dương thấy tình hình như vậy cũng thương hại nói :
- Thôi hãy nín đi vào xem sư phụ dạy bảo ra sao đã.
Bá Thông đành lau nước mắt riu ríu theo Trùng Dương vào hang cúi lạy sư phụ xin tha tội. Thanh Hư chân nhân trách móc mấy câu, rồi quay lại nói với Trùng Dương :
- Lần này, thầy sẽ truyền cho con môn "Nhất Dương chỉ công". Một môn tuyệt kỹ của Toàn Chân phái, mà con có biết Nhất Dương chỉ công là gì không?
Trùng Dương vội thưa rằng :
- Đệ tử ngu dốt, nhưng không biết môn võ công này có giống như môn Nhất Chỉ thiền công hay là "Kim Cương chỉ công" của các môn phái khác không?
Thanh Hư chân nhân lắc đầu nói :
- Không phải, không phải, môn "Nhất Dương chỉ công" của Toàn Chân phái chúng ta khác hẳn với môn "Nhất Chỉ thiền công" và "Kim Cương chỉ công" nhiều lắm. Hai môn võ công kể trên, chỉ chú trọng về ngoại công thôi, môn Nhất Chỉ thiền công huấn luyện tới cao siêu đặt bảy quả trứng gà dưới đất, xếp liên tiếp nhau, chỉ dùng một ngón tay điểm vào quả thứ nhất thì sáu quả trứng kia cũng bể nát.
Trên võ lâm mọi người đều cho là tuyệt kỹ, nhưng thật ra giống như "Thiết Sa chưởng công" đáng vào đá vỡ tan như bột. Còn "Kim Cương chỉ công" thì có thể phá được "Kim Chung Chảo" và "Thiết Bố Sam". Chỉ lực có thể xuyên qua sắt, thủng qua đá, nhưng gặp một người nội công cao siêu làm cho bắp thịt biến cương thành nhu, tùy theo ý muốn thì "Kim Cương chỉ công" cũng thành vô dụng, duy chỉ có "Nhất Dương chỉ" của phái Toàn Chân thực là đoạt thiên địa, tạo hóa chi miên, uy lực rất lớn, hai thứ chỉ công ở trên so sánh thế nào được. Nhưng muốn luyện được "Nhất Dương chỉ" phải là một người có nội lực siêu phàm mới có thể thành tài được.
Thanh Hư chân nhân lại nói tiếp :
- "Nhất Dương chỉ công" hoàn toàn phải dùng khí của dương cương. Tức là dùng khí "Nguyên Nhân" và khí "Đan Điền" của con người tập trung vào đầu ngón tay, để cấu tạo thành. Nếu đã xuất thủ bất cứ địch nhân nội công có cao siêu đến đâu chăng nữa mà bị "Nhất Dương chỉ công" điểm phải thì mấy chục năm rèn luyện võ công đành bị phế bỏ hết cả.
Trùng Dương nghe qua thốt nhiên tỉnh ngộ bèn thưa với sư phụ :
- Như vậy môn Nhất Dương chỉ công này chỉ có hiệu quả khi điểm vào thân thể con người ta mà thôi có phải không? Dám thưa sư phụ...
Câu hỏi của Trùng Dương thật là đã thấu đáo rất nhiều vì đối với những người bản lãnh đã cao siêu nhất thủ, nhất động của đối phương đều biết trước, một quyền đưa ra, một thế cước đánh tới. Họ đều biết hư hay thực. Như vậy đối với một người bản lĩnh đã tới trình độ đó thì dễ gì tới gần họ để mà điểm ngón tay vào người.
Thanh Hư chân nhân nghe Trùng Dương nói như vậy thì có vẻ hài lòng tươi cười nói :
- Như thế là con đã thấu đáo được một phần nào môn "Nhất Dương chỉ công" là một môn võ công tuyệt diệu, nếu luyện tập được tới mức cao siêu ở trong vòng bảy thước có thể điểm trúng địch nhân, khiến cho kẻ địch vô phương chống đỡ, nhưng mỗi lần phải sử dụng tới môn "Nhất Dương chỉ công" này người sử dụng phải tiêu hao rất nhiều sinh lực, phải tĩnh dưỡng nhiều ngày mới có thể phục hồi nguyên khí.
- Bởi thế nếu không sự gì hết sức nguy hiểm, không thể sơ khoáng mà dụng tới, sau này nếu con có luyện thành công phải lưu ý.
Vương Trùng Dương lẳng lặng nghe lời thầy dạy một cách chú ý.
Kể từ ngày đó Thanh Hư chân nhân bắt đầu mang cách luyện tập môn Nhất Dương chỉ công truyền dạy cho Trùng Dương cách rèn luyện. Thứ võ công này là toàn sử dụng thứ Dương Cương Chí Kinh. Bất cứ lúc nào cũng phải vận dụng từ ngón tay phát ra.
Trước tiên, Thanh Hư chân nhân bắt đầu dạy cho chàng biết cách Vận Khí Thổ Nạp, cách "Vận Khí Thổ Nạp" của Toàn Chân phái, Vương Trùng Dương cũng đã khổ công rèn luyện nhiều năm rồi, nhưng lần này còn khó khăn hơn nhiều, phải làm sao cho Thiên, Địa, Nhân tam khí điều hành thành một uy lực thì "Nhất Dương chỉ" mới có thể hoàn toàn. Thanh Hư chân nhân bắt Trùng Dương vào sâu trong thạch động.
Động ở một chỗ thật kín đáo, chỉ còn dư lại một chỗ ngồi thật hẹp, lại dùng một tảng đá lớn che cửa hang lại. Lúc Chu Bá Thông mang đá che cửa hang thì cậu tự nghĩ :
- "Đây đâu có phải là luyện nội công, nói là tĩnh tọa thì đúng hơn".
Trùng Dương ngồi ở tận cùng hang đá kín đáo, mới đầu cảm thấy rất khó chịu, vì chẳng những hang đá đã hẹp lại ở sâu vào trong, thiếu hẳn khí trời và ánh sáng, nay lại còn lấy đá che đi nữa thì làm gì còn đủ dưỡng khí. Nếu người thường, ngồi độ nửa ngày bị ngộp thở mà chết.
Trùng Dương hết sức tuân theo lời chỉ dẫn của thầy, thở hít hô hấp, điều hòa có hạn định. Tuy vậy, nếu cứ đóng kín cửa hang như thế thì nhất định không sao chịu nổi.
Cũng may mỗi ngày. Chu Bá Thông lại mở cửa hang hai lần mang thức ăn vào cho Trùng Dương, lúc đó mới có những trận gió thổi tới mang theo không khí trong sạch ở ngoài vào và thổi bớt những uế trọc ở trong ra. Nhờ vậy sự hô hấp của Trùng Dương mới được khoan khoái một phần.
Liên tiếp như thế được bảy ngày, sang đến ngày thứ tám thì sự ăn uống của Trùng Dương bớt đi chỉ còn có một và sự di chuyển cửa hang cũng bớt đi một phần.
Đến lúc đó, Trùng Dương đã quen cái không khí và không cảm thấy khó chịu như lúc mới. Tuy rằng sự ăn uống giảm bớt nhưng Trùng Dương cảm thấy tinh thần rất sung túc.
Quang âm thấm thoắt ngày tháng như thoi đưa, chẳng mấy chốc đã được ba tháng trời, Trùng Dương chịu khổ cực tập luyện trong hang đá. Chàng bỗng nhiên thấy có một cảm giác rất kỳ dị, tuy ở trong hang đen tối như mực, nhưng Trùng Dương nhìn cảnh vật xung quanh thấy rõ ràng như ban ngày, có thể trông thấy hột cát dưới đất, đồng thời Phương Thôn Linh Đài, mười phần minh định, hai tai rất thính, mỗi một nhịp thở đều nghe rõ mồn một. Trùng Dương tự biết "Nội đơn" của mình đã luyện thành.
Chàng ở trong hang đá liền sáu tháng. Sáu tháng trời khổ luyện trong hang chẳng khác chi một vị hòa thượng khổ hạnh tĩnh tọa.
Từ lúc một ngày ăn một bữa, rồi dần tới hai ngày ăn một bữa, cho đến ba ngày ăn một bữa, đôi mắt và hai tai thật là linh thính. Có thể trông rõ những sự xê dịch của loài côn trùng, nghe muỗi bay ở tận đằng xa.
Lúc đó Trùng Dương tự biết môn "Nhất Dương chỉ công" của mình đã qua đợt thứ nhất.
Chàng liền ngồi xếp bằng tĩnh tọa, giơ ngón giữa và ngón tay trỏ nhằm giữa tảng đá phóng thẳng ra nghe một tiếng đánh "Toẹt" tấm đá đó đã di chuyển đi hai tấc.
Trùng Dương hết sức kinh ngạc tự nghĩ không dè mình mới dùng lần thứ nhất mà đã ghê gớm như vậy, bèn định thử lại một lần nữa xem sao, ngờ đâu những khí dương cương không tập trung được nữa. Chàng vội vận dụng nội công, vận khí thổ nạp liên tiếp thử mấy lần đều không có hiệu quả.
Chàng giật mình kinh hãi nhưng kịp tỉnh ngộ vì dùng "Nhất Dương chỉ công" trước tiên, trong lòng không được lo lắng gì và mỗi lần sử dụng phải rèn luyện lại ít ngày mới thu hồi được nguyên khí. Trùng Dương nghĩ tới đó thì xếp bằng tĩnh tọa hô hấp điều hòa thu hồi nguyên lực.
Hai ngày sau, Linh đài đã dần dần minh tinh, Trùng Dương mới vận dụng "Nhất Dương chỉ" đâm thẳng vào tảng đá, lần này uy lực vô cùng ghê gớm tảng đá đã bắn bắn xa tới bốn tấc.
Trùng Dương mừng quá muốn la lên, bỗng thấy hoa mày chóng mặt, muốn té ra ngất xỉu. Chàng cả kinh vội tụ lại nguyên khí, nhắm mắt định thần, hồi lâu mới hôi tỉnh, sực nhớ lại sư phụ đã căn dặn mỗi lần vận dụng "Nhất Dương chỉ công" là rất tốn kém nguyên thần phải nghỉ ngơi mấy ngày mới hoàn chân khí.
Trùng Dương vội tĩnh tọa, vận dụng lại nguyên khí trong toàn thân để cho lưu thông khắp cơ thể. Được một ngày một đêm, chàng đang ngồi tọa bỗng thoáng nghe thấy chân người nhè nhẹ bước tới, chàng chú ý lắng tai nghe thì nhận ngay ra tiếng bước chân của sư phụ. Chàng nghe rõ chân nhân nói :
- Trùng Dương thật là thiên địa kỳ tài trên đời hiếm có. Ta tưởng ít nhất nó phải khổ luyện hàng năm trời thì mới có thể thi được môn "Nhất Dương chỉ công", không dè mới có sáu tháng mà đã luyện được tới đợt thứ hai. Như thế chỉ ba tháng nữa nó có thể ra khỏi hang đá.
Trùng Dương nghe đến đây bỗng thấy tảng đá lại di chuyển che lấp cửa hang như trước, lại nghe thấy Chu Bá Thông hỏi :
- Thưa sư phụ, Vương sư huynh con đã bao ngày vất vả luyện tập môn Nhất Dương chỉ công, nay mới làm di chuyển được có sáu tấc mà sư phụ lại lấp đi, khiến cho sư huynh con phải mất bao nhiêu công lực nữa.
Nghe tiếng cười ha hả của chân nhân cắt ngang :
- Con biết gì? Không đến ba tháng nữa, sư huynh của con có thể làm cho tảng đá này đổ xuống đất. Tới lúc đó là "Đại công" đã thành rồi.
Trùng Dương nghe thấy tiếng chân hai sư đồ trở ra ngoài.
Nhớ lại lời sư phụ đã nói chỉ ba tháng sau mình đã thành công môn "Nhất Dương chỉ công" thì trong lòng biết bao vui mừng, phấn khởi.
Qua sai ngày sau, Trùng Dương lại ra tay thử một lần nữa, sau khi vận dụng "Nhất Dương chỉ công" chàng đâm thẳng váo phiến đá, nghe đánh soẹt một tiếng, phiến đá to lớn đã di chuyển sáu, bảy tấc mà hai lần trước chàng phải sử dụng đến hai lần mới được như thế, thì biết rằng công lực của mình đã tiến gấp đôi.
Như thế, cứ cách hai ngày Vương Trùng Dương lại sử dụng "Nhất Dương chỉ" một lần.
Một tháng sau, chàng đã có thể di chuyển tảng đá đi được chừng một thước, nhưng mỗi lần chàng di chuyển tảng đá thì Thanh Hư chân nhân lại mang tảng đá đặt về chỗ cũ.
Đến tháng thứ ba, Trùng Dương vận dụng "Nhất Dương chỉ" nhằm thẳng tảng đá đâm tới một tiếng đánh "Rầm" như trời long đất lở (ở trong hang thành ra tiếng vọng rất xa, cứ thấy rầm rầm như tiếng sấm vang rền, lên đến mấy phút) tảng đá đã đổ bắn sang bên. Thanh Hư chân nhân vui vẻ cất tiếng cười ha hả :
- Hay lắm! Hay lắm! Nhất Dương chỉ công con đã luyện thành.
Xem tiếp hồi 5 Đến Tây Sơn gặp đại hội ăn mày
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro