
Thị
Nhà văn Kim Lân là minh chứng cho chân lý "quý hồ tinh bất quý hồ đa" trong nghệ
thuật. Ông viết ít nhưng tác phẩm của ông ngày càng được nhớ đến nhiều, thậm chí có
những trang viết được tôn vinh "không phải người viết mà là thần viết, thần đã mượn tay
người để viết lên những trang bất hủ" (Nguyễn Khải). "Vợ nhặt" - tiền thân là tiểu thuyết
"xóm ngụ cư", in trong tập "Con chó xấu xí" xuất bản năm 1962 - chính là một tác phẩm
như thế. Truyện đã khám phá cảnh ngộ, thân phận rẻ rúng, bọt bèo và vẻ đẹp khuất lấp
của người nông dân trong nạn đói 1945. Đọc truyện, ta không thể không ấn tượng với nhân vật...
Vợ nhặt là truyện ngắn được sáng tác năm , lấy bối cảnh của nạn đói Ất Dậu
1945. Đây là tai họa vô cùng khủng khiếp trong lịch sử dân tộc ta cướp đi sinh mạng của
hơn hai triệu người. Kim Lân đã dựng lên khung cảnh "tối sầm vì đói khát". Ở đó, "người chết
như ngả rạ, không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái
thây nằm còng queo bên đường". Còn người sống thì lay lắt, thê thảm bởi họ sống
nhưng lại chắc rằng cái chết đang chờ đợi mình ở phía trước. Nạn đói hoành hành dữ
dội. Cái đói, cái chết dồn ép con người vào thế chông chênh của kiếp người. Trần
gian nối tiếp địa ngục, khoảng cách giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Nhân vật người vợ nhặt hiện lên trong tác phẩm không tên tuổi, không gốc gác,
quê quán, không người thân, họ hàng. Kim Lân gọi nhân vật bằng đại từ phiếm chỉ "Thị, ả,
người đàn bà" cho thấy thân phận mờ nhạt, đáng thương của nhân vật. "Thị" có thể là
bất cứ người đàn bà khốn khổ, nghèo đói nào ngoài kia, họ cũng đang chết dần chết mòn
về cả hình hài và nhân phẩm trong cái đói. Chỉ vài câu miêu tả ngắn ngủi, Kim Lân đã cho
thấy sự hiện hình của cái đói trên khuôn mặt Thị: "Áo quần tả tơi như tổ đỉa, Thị gầy sọp
hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt." Ngoại hình của Thị
khiến người ta liên tưởng đến một bóng ma, một xác chết hơn là một con người. Thị là
đại diện cho hàng triệu con người bần cùng, đói rách, tha phương cầu thực và rồi sẽ chết
gục nơi đầu đường xó chợ.
Không chỉ là hình dáng bên ngoài, đến cả vẻ dịu dàng, nữ
tính thiên bẩm của người phụ nữ ở Thị cũng bị cái đói bóp méo đến thảm hại. Thị đanh đá,
táo bạo đến mức trơ trẽn, thậm chí vứt bỏ liêm sỉ.
Lần đầu tiên gặp Tràng, chỉ vì một câu "hò cho đỡ nhọc" của Tràng: " Muốn ăn
cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh", Thị đã cong cớn bám lấy rồi "vùng
đứng dậy" đẩy xe cho Tràng. Lần thứ hai, Thị đến trước mặt Tràng "sưng sỉa" "nhắc chuyện
cũ". Sau đó, Thị lại không ngại ngùng "ngồi sà xuống ăn một chập bốn bát bánh đúc liền
chẳng chuyện trò gì". Trong con mắt của chúng ta, Thị sao mà vô duyên, trơ trẽn quá. Thị
hành động theo bản năng sinh tồn, cái đói làm mờ nhân phẩm Thị. Thậm chí, đến cả việc lấy
chồng, theo một người đàn ông về nhà chung sống cả đời Thị cũng quyết định hoàn toàn
theo bản năng. Vin vào câu nói bông đùa của Tràng: "Này nói đùa chứ, có về ở với tớ thì ra
khuân hàng lên xe rồi cùng về" mà "Thị về thật". Không cần mai mối, không cần cưới hỏi,
không cần mâm cao cỗ đầy, Thị theo không Tràng với hy vọng có miếng ăn.
Tuy nhiên, Thị đáng thương nhiều hơn đáng trách. Vẫn biết Thị tự bán rẻ
nhân cách, hạ thấp nhân phẩm của mình, lấy chồng theo cái cách đầy mỉa mai và chua xót,
được người ta nhặt về như món đồ rơi. Thế nhưng, tựu chung lại cũng vì cái đói bức
bách làm khát vọng sống, bản năng sinh tồn trỗi dậy trong con người Thị. Thị giống như
người đang chới với giữa dòng nước lũ, chỉ một cánh tay đưa về phía mình thì dù nó nhỏ bé,
yếu đuối cũng mang lại một niềm hi vọng được sống. Việc Thị cố gắng dùng mọi cách
nắm lấy bàn tay kia vốn không sai, không đáng xấu hổ. Rất nhiều bậc nam nhi "đội trời đạp
đất" giữa sống và chết cũng sẽ lựa chọn như vậy, huống chi Thị chỉ là một người phụ nữ bình thường.
Tuy nhiên, Kim Lân không hề dừng lại việc khắc họa nhân vật người vợ
nhặt ở sự trơ trẽn, vô duyên. Như chúng ta đã biết, thông điệp khi viết về cái đói của nhà
văn là "hãy tin ở con người". Chính vì vậy, trong nhân vật người vợ nhặt là cả một sự đối
lập giữa bề ngoài và nội tâm, ban đầu và về sau. Nếu ban đầu Thị cong cớn, chỏng lỏn và
chao chát thì sau khi theo Tràng về nhà, Thị trở lại là người phụ nữ với nét tâm hồn
đáng quý, đáng yêu. Thị cũng biết xấu hổ, ngượng ngùng như bao cô gái lần đầu về nhà
chồng.Trên đường về nhà cùng Tràng, khi biết mọi người xung quanh đang nhìn mình, Thị
"ngượng nghịu chân nọ bước víu cả vào chân kia". Đằng sau vẻ ngoài rách rưới, xấu xí, Thị
cũng có lòng tự trọng. Thị hiểu vì sao người ta nhìn mình và xì xào bàn tán. Giữa cái đận đói
khát, khi tình yêu là thứ xa xỉ, họ lại dắt díu nhau về để rồi "biết có qua nổi cái thì này
không" . Khi về đến nhà, Thị chỉ dám "ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái
thúng, mặt bần thần". Đứng trước mặt mẹ chồng, Thị chỉ dám "cúi mặt xuống, tay vân
vê tà áo đã rách bợt" ngay cả khi nghe bà cụ Tứ bảo ngồi xuống, "Thị vẫn khép nép đứng
nguyên chỗ cũ". Và người đọc có lẽ đã phải ồ lên đầy ngạc nhiên trước hành động "củng
tay vào trán" Tràng và mắng yêu: "chỉ được cái thế là nhanh. Dơ!". Thị giường như đã
biến thành con người khác hẳn, giống như thiếu nữ e lệ mới về nhà chồng mà không phải
người đàn bà chao chát, đanh đá, chua ngoa ban đầu nữa.
Trở thành vợ Tràng, người đàn
bà đã làm tốt thiên chức của người phụ nữ, Thị đảm đang, khéo léo, biết thu vén gia đình,
"là người đàn bà hiền hậu đúng mực". Thị như một cơn gió mát lành thổi vào cuộc sống u
ám của mẹ con Tràng. Dưới bàn tay người phụ nữ, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, gọn
gàng. "Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng.Mấy
chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra
sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác
mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch". Chỉ là những thay đổi hết sức nhỏ nhặt nhưng
dường như Thị đã mang đến cả một thế giới khác cho mẹ con Tràng. Đối với Tràng, hắn cảm
thấy "một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng". Còn bà cụ Tứ thì
"nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn
lên". Ở cuối truyện, chính người vợ nhặt đã dấy lên trong lòng Tràng biết bao dự định, hi
vọng thay đổi cuộc sống , Thị nói: "Ở trên mạng Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu
đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc Nhật chia cho người đói nữa đấy". Chính
câu nói của Thị đã gợi lên trong đầu Tràng "đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới". Có thể
không lâu nữa, hắn cũng sẽ đứng trong hàng ngũ những người đi phá kho thóc Nhật,
thay đổi số phận của mình và gia đình. Vậy mới thấy hơi ấm tình người có ý nghĩa biết
nhường nào. Mẹ con Tràng sẵn sàng cưu mang người khác trong cảnh đói khát và có lẽ họ
đã nhận lại nhiều hơn thế.Chính người đàn bà đói khát lại làm cho cuộc sống của họ hồi sinh một lần nữa.
Không chỉ làm tròn trách nhiệm của một người vợ, một người con dâu trong gia
đình, nhân vật người vợ nhặt còn là một người phụ nữ cam chịu, hi sinh và có lòng cảm
thông sắc. Theo một người đàn ông xa lạ về nhà, Thị hi vọng có nơi bấu víu để vượt qua cơn
đói khát. Thế nhưng, khi về tới nhà Tràng, nhìn gia cảnh của mẹ con hắn, Thị không khỏi cất
tiếng thở dài thất vọng. Điều đó khiến Thị không khỏi thất thần, buồn bã trước hoàn cảnh
mới, trước số phận trớ trêu của mình. Mặc dù vậy, Thị đã không bỏ đi, tình nghĩa, sự
cam chịu níu giữ chân Thị ở lại cùng với mẹ con Tràng hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Bữa
cơm đầu tiên thảm đạm với niêu cháo mà mỗi người có hai lưng bát đã hết nhẵn. Khi mẹ
chồng múc cho Thị bát cháo cám, "hai con mắt tối sầm" nhưng "Thị vẫn điềm nhiên và
vào miệng". Thị hòa mình vào cuộc sống gia đình. Bát cháo cám đắng chát trong cổ khiến
Thị không khỏi tủi hờn nhưng Thị không hề tỏ ra thất vọng hay chán nản bởi Thị hiểu hoàn
cảnh của gia đình chồng. Có lẽ, hơn ai hết, Thị hiểu rằng, chính hai con người nghèo khổ kia đã
không ngại đói nghèo mà cưu mang, che chở mình, đối với Thị, họ là ân nhân, là người Thị
mang ơn. Và cũng có thể, nếu không có Tràng và bà cụ Tứ, ngay cả cháo cám Thị cũng
không có để ăn, phải chết đói nơi đầu đường, xó chợ.
Nhân vật người vợ nhặt được Kim Lân khắc họa chỉ bằng vài câu miêu tả ngắn
ngủi nhưng đây có thể coi là nhân vật không thể thiếu trong tác phẩm. Thị không chỉ là
nhân vật mang thông điệp đầy tính nhân văn của nhà văn, khẳng định niềm tin vào phẩm
chất tốt đẹp của con người mà còn là nhân tố tạo nên bước chuyển mình độc đáo của tác
phẩm. Không có Thị, hai mẹ con Tràng sẽ mãi mãi bị vùi lấp trong cuộc sống tăm tối, lặng
lẽ và câu chuyện có lẽ sẽ kết thúc theo một hướng nào đó bi đát, tồi tệ hơn, đồng thời cũng không thể gây cho người đọc sự thương cảm, xót xa sâu sắc đến thế.
Thông qua hình tượng nhân vật người vợ nhặt, Kim Lân đã gửi gắm đến độc giả rất nhiều chiêm nghiệm sâu
sắc. Đó có thể là lời nhắn nhủ: Đôi khi những thứ ta tận mắt thấy lại không hẳn là sự thật,
hãy khoan phán xét con người qua hình dáng hay hành động nhất thời, chỉ có thời gian mới
mang đến câu trả lời hoàn hảo. Nhân vật Thị có thể đanh đá, chua ngoa, trơ trẽn trước sự
đe dọa của cái đói nhưng bản chất của Thị là người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp, đáng
quý mà nếu anh cu Tràng không cho Thị cơ hội, nhưng điều đó sẽ mãi chẳng ai biết
tới. Đó cũng có thể là triết lí về sức mạnh của tình người, hãy cứ cho đi và chúng ta sẽ nhận
được thứ vô giá hơn gấp bội. Giống như nhân vật Thị khi được mẹ con Tràng cưu mang
đã làm cho cuộc sống của họ mới mẻ tươi đẹp hơn, đáng sống hơn. Có thể nói, nhân vật
không chỉ đưa chúng ta đến những nhận thức mới mẻ về con người mà còn làm dâng lên
trong lòng người đọc niềm thương cảm, chua xót cho thân phận rẻ rúng, đau khổ của người phụ nữ trong đói nghèo và chết chóc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro