Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Đêm tình mùa xuân.

           Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” Với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh cao cả ấy. Tô Hoài là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông luôn cố gắng đi tìm sự thật trong đời sống để phản ánh vào tác phẩm. Nhà văn quan niệm phải nói lên sự thật dù có đập vỡ thần tượng trong lòng bạn đọc. Trang văn của ông thấm đẫm chất hiện thực, thể hiện vốn ngôn ngữ phong phú và lối diễn đạt tinh tế, hóm hỉnh. Năm 1952, Tô Hoài đi cùng với bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Trong chuyến đi này nhà văn đã có dịp sống gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số nên có nhiều kỉ niệm, hiểu biết về cuộc sống con người miền núi. Điều đó đã thôi thúc Tô Hoài viết  tập "Truyện Tây Bắc". Tập truyện được giải nhất Truyện và kí Việt Nam năm 1954-1955, trong đó truyện ngắn  “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn xuất sắc. Đoạn trích … là sự trổi dậy của sức sống tiềm tàng ở nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.
“Vợ chồng A Phủ” chủ yếu kể về cuộc đời của nhân vật Mị, cũng là cuộc đời, số phận của người phụ nữ vùng cao Tây Bắc dưới chế độ phong kiến miến núi. Cuộc đời Mị chia làm những chặng đường, cho dù có lúc Tô Hoài phải để nhân vật của mình đi qua bóng tối khổ đau nhưng mỗi chặng là một bước quan trọng đưa nhân vật đến gần với ánh sáng của tự do, hạnh phúc. Mị là cô gái trẻ trung xinh đẹp, có tài thổi sáo, chăm chỉ hiếu thảo vì món nợ truyền kiếp từ cha mẹ mà Mị trở thành con dâu gạt nợ sống cuộc đời nô lệ nhẫn nhục lặng câm. Cuộc đời Mị trở thành bi kịch nhưng ẩn sâu tâm hồn vẫn tiềm tàng khát vọng sống.
Trong đêm tình mùa xuân tiếng sáo đã dẫn đến hành động “nổi loạn” của Mị. Dịp Tết, mọi người uống rượu, đi chơi và Mị cũng tìm đến rượu. Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát, rồi Mị say. Đó cũng không phải là cách uống của người thưởng xuân cũng không phải uống vì thèm rượu. Cách uống rượu của Mị là cách uống để giải sầu, uống rượu như nuốt căm, nuốt hận vào lòng. Sức chịu đựng của Mị là có hạn, đã đến lúc cần bùng cháy. Rượu chính là chất men xúc tác để nhân vật có đủ sức mạnh và can đảm làm những việc mà khi tỉnh táo Mị không thể bởi bao áp chế đè nặng. Vì thế mới có những diễn biến đầy phức tạp trong tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân. Có thể nói rượu và tiếng sáo chính là chất men say đánh thức phần đời đã mất, khơi dậy sức sống tiềm tàng vốn bị vùi chôn ở nơi sâu kín nhất trong tâm hồn của Mị. Mị lịm mặt ngồi đấy nhưng tâm hồn Mị đang hồi sinh. Sự hồi sinh trong tâm hồn đã dẫn đến hàng chuỗi các tâm trạng, hành động cả vô thức lẫn ý thức nhưng chứa đựng đầy sức sống của nhân vật.
Khi ngập mình trong hơi men nồng nàn, tha thiết, với tiếng sáo đang đang «văng vẳng gọi bạn đầu làng », lòng Mị đang sống về ngày trước, hồi tưởng lại mùa xuân tươi đẹp thời con gái. Ngày ấy, Mị là người con gái xinh đẹp, tài hoa, yêu đời, chỉ cần một chiếc lá là “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Ngày ấy, Mị có “biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Những hồi ức thanh xuân tươi đẹp ấy sống dậy cho thấy Mị đã bắt đầu thức tỉnh, Mị đã ý thức được về sự tồn tại, về cuộc đời của mình. Mị như ý thức được mình đang sống giữa hai thế giới: quá khứ và hiện tại; tỉnh và say; hạnh phúc và bi kịch. Sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm hồn Mị và khát vọng sống như ngọn lửa đã làm bừng sáng lại tâm hồn Mị. Nhà văn Tô Hoài ở đây thực sự đã chứng tỏ sự am hiểu về tâm lí, tính cách của người dân vùng cao Tây Bắc. Tâm lí của Mị không chỉ có lí trí của một người tỉnh táo mà còn phải có sự chếnh choáng trong hơi men nồng nàn của rượu, trong kí ức của tiếng sáo năm xưa. Cũng như tâm lí của nhân vật Chí Phèo đang chơi vơi giữa hai bờ say, tỉnh của Nam Cao khi xách dao đến nhà Bá Kiến để đòi lương thiện. Tâm trạng lưỡng cực đầy tinh tế ấy của nhân vật «không phải người viết mà là thần viết».
Sự vượt lên hoàn cảnh của Mị diễn ra không hề dễ dàng. Tô Hoài đã rất tinh tế khi đặt nhân vật Mị vào sự giao tranh giữa một bên là sức sống tiềm tàng, một bên là ý thức về thân phận. Ngòi bút của nhà văn như hóa thân vào nhân vật, để nâng niu, để trân trọng những khát vọng của con người, đồng thời lại rất tỉnh táo, khách quan khi phân tích, mổ xẻ những ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn nhân vật. Rượu tan, người về hết, Mị ngồi trơ một mình giữa nhà rồi Mị bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trắng trắng. Căn buồng ấy chính là thực tại, là ngục thất giam cầm tuổi thanh xuân và hủy hoại hạnh phúc của Mị. Cái lỗ vuông mờ mờ trăng trắng kia vốn là những hình ảnh nhiều sức gợi, thể hiện Mị đã tê liệt đến mức quên cả ý niệm về không gian, thời gian. Nhưng giờ đây khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt khiến Mị có thể phá tan mọi gông cùm, áp chế. Để lúc này “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước”. Quá khứ và hiện tại như đan xen khiến Mị trở lại là cô Mị trẻ trung, yêu đời ngày nào để Mị nhận ra bây giờ Mị vẫn còn rất trẻ và Mị muốn được đi chơi “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.  Mị còn trẻ nghĩa là còn sức sống, còn khao khát, còn muốn yêu thương.
          Trong đoạn văn, nhà văn Tô Hoài xây dựng nhân vật Mị với nhiều điểm nghệ thuật đặc sắc như: lối kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo, đặc biệt hành động và diễn biến tâm trạng của Mị được miệu tả, lí giải cụ thể, hợp lí. Đi sâu vào tâm lí nhân vật, Tô Hoài đã xây dựng nhân vật theo kiểu con người phân lập, có một cô Mị ở hiện tại và một cô Mị ở quá khứ hòa chung vào nhau. Hai con người ấy đan xen, khi tách ra khi hòa vào một tạo nên một nhân vật Mị hết sức sinh động, mới lạ.
          Văn chương không chỉ đơn giản là thú vui bình sinh lúc an nhàn mà còn là “điểm tựa” cho con người mỗi phút giây yếu lòng. Nó đem lại cho ta niềm tin yêu cuộc sống và vững tin vào chính mình để thay đổi. Trong sáng tác văn chương "nhà văn có thể viết về bóng tối nhưng từ bóng tối phải hướng đến ánh sáng". Phải chăng, cũng vì lẽ đó mà “Vợ chồng A Phủ” đã được Tô Hoài viết lên để gửi gắm những giá trị nhân văn cao cả. Tác phẩm  là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu áp bức và vùng lên phản kháng, tìm cuộc sống tự do. Sự “đổi đời” của các nhân vật trong tác phẩm không phải nhờ có phép màu của ông Bụt, bà Tiên mà từ chính sức mạnh, tiềm lực bên trong của họ. Tác phẩm từ đầu đến cuổi đều thể hiện tiếng nói thương yêu, ca ngợi, tin tưởng con người. Đó chính là lí do khiến “Truyện Tây Bắc” đạt giải nhất truyện ngắn – giải thưởng do Hội nghệ sĩ Việt Nam trao tặng năm 1954 – 1955

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #tho#vcap