Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

chinh phục Vợ Chồng A Phủ


• Gợi ý mở bài sáng tạo tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" :
        Ngược dòng thời gian trở về với thiên cổ tình thư "Truyện Kiều", ta không khỏi nhói lòng trước lời chiêm nghiệm đầy xót xa của đại thi hào Nguyễn Du:
"Lạ gì bị sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen."
       Kiếp hồng nhan bạc mệnh, đó có phải là quy luật bất di bất dịch của tạo hóa? Nếu không phải vậy thì tại sao, một nàng Kiều "sắc đành đòi một tài đành họa hai" lại phải truân chuyên mười năm năm đoạn trường? Một dì Hảo cần mẫn như thế trong trang văn Nam Cao cớ sai lại phải chịu số phận đầy oan trái? Lẽ nào không có một lối thoát, một hi vọng, dù chỉ là mong manh nhất cho họ sao? Chỉ đến khi nhân vật Mị bước ra từ trang truyện "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, ta mới có được câu trả lời cho câu hỏi đầy trăn trở ấy. Khát khao được sống, được tự do chính là ngọn đèn soi sáng giúp Mị phá tan xiềng xích trói buộc mình. Tư tưởng ấy được Tô Hoài thể hiện trọn vẹn qua diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm đông cởi trói cho A Phủ.

✨ Gợi ý phần dẫn vào giới thiệu chung về tác giả Tô Hoài, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ":
       "Tôi muốn nói với họ những gì tôi nhận ra trong cuộc sống này. Tôi không bao giờ chấp nhận vai trò của một thẩm phán, tôi không phải là biên niên sử lạnh lùng. Trái tim tôi luôn ở đó" (Svetlana Alechxevich). Cắm sâu vào mảnh đất đã nên duyên nên số với mình, Tô Hoài đã viết về Tây Bắc bằng tình yêu đằm thắm thiết tha cùng tài năng nghệ thuật, vốn sống phong phú…
 

🌟 Gợi ý phần giới thiệu nhân vật Mị
          Mở hồn đón lấy mọi vang động của cuộc đời, Tô Hoài đã phôi thai và gửi gắm quan niệm của mình vào nhân vật Mị. Đó là cô gái Mèo trẻ đẹp, yêu đời, luôn mang trong mình tinh thần tự chủ cùng niềm khát kkhao tự do cháy bỏng. Dẫu từ khi sinh ra đã phải đeo trên mình sợi xích của cái nghèo nhưng Mị chưa bao giờ mất niềm tin yêu vào cuộc sống. Nhưng, trong cuộc đời ấy, Tô Hoài lại ngậm ngùi vẩy lên những vết chì xám xịt. Vì lòng hiếu thảo, Mị đành buông lại phía sau cuộc đời tự do, chấp nhận kiếp con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Một cô gái vốn là thiên hương của đất trời lại bị nọc độc của chế độ cường quyền, thần quyền ăn mòn sức sống. Xã hội phong kiến đã đày đọa Mị một cách thậm tệ. "Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt" (Tô Hoài). Dù dây trói trong đêm tình mùa xuân năm ấy đưa Mị về hiện thực nguội lạnh, phũ phàng, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn đó, ngọn lửa của sự sống vẫn âm ỉ cháy, chờ đợi một ngày hồi sinh, như đêm tình mùa đông rồi sẽ tới với sự phản kháng mãnh liệt của Mị.

💓 Gợi ý dẫn vào phần phân tích giọt nước mắt A Phủ:
           Nếu như Nam Cao vẫn luôn bén nhọn khắc họa cuộc đời nhân vật mình vào bi kịch không lối thoát thì Tô Hoài lại muốn hồi sinh những khát vọng nơi con người với bao đắng cay, tủi nhục. Phản ứng hóa học luôn cần có chất xúc tác. Trong trang văn Tô Hoài, dòng nước mắt của A Phủ đã thức tỉnh, làn tan chảy lớp băng lạnh giá trong lòng Mị.

💌 Liên hệ giọt nước mắt A Phủ:
1. Giáo sư Đặng Tiến từng chiêm nghiệm: "Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên.". Những giọt nước mắt của A Phủ rơi xuống, chất chứa niềm đau cùng tận của một trượng phu giàu nghĩa khí, và từ dòng nước mắt ấy, Tô Hoài biến nỗi đau thành tiếng hát ý nghĩa cho đời, truyền tải thông điệp nhân sinh sâu sắc.
2. M. Gorki đã từng nói: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Quả thực là vậy, chi tiết giọt nước mắt của A Phủ trong đoạn trích này là một tín hiệu nghệ thuật đắt giá tạo nên bước ngoặt chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn Mi.
2. Giọt nước mắt A Phủ chảy âm thầm, lặng lẽ, chất chứa bao tâm can của người cô độc như Fyodon Tyutchev từng viết:
"Nước mắt con người, ôi nước mắt con người
Các người chảy sớm mai và chiều tối
Các người chảy âm thầm không ai thất
Chảy vô cùng, vô tận, vô biên."
Ấy là giọt nước mắt của một con người kiên cường bền bỉ với cuộc đời thăng trầm của mình. Nó thể hiện khát khao được sống mãnh liệt, cháy bỏng.
3. Những giọt nước mắt tủi hổ ấy có chút gì cay đắng như Hàn Mặc Tử từng bày tỏ:
"Cơn gió đông ập buốt lạnh lùng,
Tứ bề gom lại một cõi không
Lặng nghe tôi nhé, nghe tôi khác
Hiện hữu làm chi? Chỉ nghẹn lòng."
"Một cõi không" — Hàn Mặc Tử)
Câu thơ như nói lên bao đau đớn, đắng cay, tủi nhục trong tâm can của con người khốn khổ phải chịu "phán quyết vô nhân tính" : "Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi."
4. Chính giọt nước mắt hiếm hoi chứa đựng nỗi đau của A Phủ lại là liều thuốc kì diệu, làm tan chảy lớp băng giá phủ kín trái tim Mị. Trong văn học Lĩ Việt Nam hiện đại, chi tiết giọt nước mắt đã từng xuất hiện nhiều lần gắn với những cảnh đời khốn khổ. Đó là lão Hạc với gương mặt mếu máo khóc vì trót lừa một con chó, là tiếng khóc rưng rức của Chí Phèo khi bị Thị Nở cự tuyệt, hay là giọt nước mắt nóng hồi của bà cụ Tứ khóc vì thương con. Như P. Cô - pê đã từng khẳng định: "Người ta chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ và nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ" còn Nam Cao - nhà văn hiện thực xuất sắc của Việt Nam lại khẳng định: "Nước mắt là giọt châu của loài người". Ở đây, giọt nước mắt của A Phủ là giọt nước mắt châu quỷ làm hồi sinh tâm hồn Mị, đánh thức trong lòng Mị niềm trắc ẩn.

🧨 Liên hệ sự thay đổi cảm xúc trong Mị:
1. Nguyễn Huy Thiệp từng trăn trở: "Trong tác phẩm của mình, nhà văn giỏi bao giờ cũng có chút muối rắc đâu đó trên trang viết. Muối xát vào lòng người đọc một thì xát vào lòng người viết ra nó mười lần." Phải chăng, giọt nước mắt của A Phủ chính là "chút muối rắc đâu đó trên trang viết" mà Nguyễn Huy Thiệp đã nhắc đến? Nó "xát" vào lòng Mị, làm hồi sinh lòng thương mình và thương người trong Mị.
2. Sự chuyển biến trong tâm lí đã thôi thúc Mị hành động quyết liệt hơn nữa, không ngần ngại hay đắn đo thể hiện rõ sức sống mãnh liệt của người con gái Tây Bắc. Đến đây, Tô Hoài không còn đứng bên ngoài để nói về Mị mà nhập thân vào nhân vật, "trao bút" cho nhân vật để nó tự nói lên tiếng lòng mình.

🍃 Liên hệ về hành động cắt dây trói cho A Phủ của Mị
1. Khoảnh khắc Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng chính là lúc Mị tự cởi bỏ xiềng xích trói buộc mình. Từ sức mạnh của nội tâm trở thành sức mạnh của hành động. Mị không còn sợ bóng ma của thần quyền, lòng thương người khiến Mị chiến thắng mọi nỗi sợ hãi. Cô gái ấy thức tỉnh mạnh mẽ như phượng hoàng hồi sinh từ biển lửa. Qua đây, ta có thể thấy, chính tình yêu thương con người đã trở thành nguồn cội, động lực giúp Mị cắt phăng đi sợi xích quấn chặt lấy tự do của A Phủ và của chính cuộc đời mình. Như William Shakespear từng chiêm nghiệm trong thi phẩm "Tồn tại" :
"Không thể ác độc như lá ngón
Không thể lạnh lẽo như sắt thép
Không thể trơ trơ như đá giữa cuộc đời
Con người
Tồn tại
Với trái tim thương nhớ đầy vơi."
2. Nhà văn Tô Hoài đã đưa số phận của nhân vật sang trang mới với hình ảnh "hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi". Từ nay, số phận của họ đã gắn với nhau, họ cùng nhau rời bỏ Hồng Ngài đầy rẫy những kí ức buồn đau để hướng tới một Phiềng Sa, nơi ánh sáng của Đảng và cách mạng, của cuộc sống mới sẽ chiếu rọi lên mảnh đời của họ. Bằng tấm lòng nhân đạo, Tô Hoài đã hướng nhân vật tự giải thoát bản thân. Ý thức về quyền sống, quyền hạnh phúc của bản thân đã giúp họ nhận thức được cuộc sống và vùng dậy để cởi trói cho chính mình. Có thể thấy, từ "Vợ nhặt" của Kim Lân đến "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, tương lai tươi đẹp đã vận động từ chỗ chỉ được nhìn thấy đến thực sự có hành động để giành lấy. Quả thực, sự phát triển của văn học hoàn toàn ăn khớp với sự phát triển của lịch sử, xã hội con người.
3. Quả đúng như nhà văn Nguyễn Khải đã từng nói: "Ở đời này, không có không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy" . Tô Hoài và Nguyễn Khải gặp nhau ở triết lý này. Nếu như trong "Mùa lạc", Nguyễn Khải gửi gắm niềm lạc quan và hy vọng về cuộc sống tươi đẹp hồi sinh trong tâm hồn người lao động khi đến với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, thì đến với "Vợ chồng A Phủ", nhà văn Tô Hoài lại mở ra một cánh cửa mới cho những con người dám bước ra khỏi ranh giới mà cuộc sống tù túng đã khiến họ cam chịu trong số phận đau khổ bao năm.

🎨 Gợi ý kết bài nâng cao
1. Vậy là đã tròn tám mươi năm kể từ khi nhà văn Tô Hoài trở về với "Cát bụi chân ai". Ông ra đi đã để lại niềm tiếc thương và khoảng trống mênh mang trong đời sống văn học nước nhà. Dẫu vậy, những tác phẩm lớn bé của hơn 70 năm đi và viết vẫn mãi "để thương để nhớ" trong lòng bạn đọc. Trong đó không thể không kể đến thiên phẩm "Vợ chồng A Phủ" mà Tô Hoài đã cho ra đời cách đây 70 năm. Xin mượn mấy vần thơ của Trần Đông Phong để bày tỏ lòng trân quý với nhà văn Tô Hoài — "một trong những người đã làm nên mùa gặt ngoạn mục nhất của văn học Việt Nam thế kỉ 20" :
"Sông Tô một thoáng mây mờ
Phủ Hoài lặng tiếng vẫn chờ đợi ai
Truyện Tây Bắc mãi nguôi ngoai
Vợ chồng A Phủ nhớ ai bên trời
Núi kia chỉ có hai người
Lặng nghe sao sớm những lời thiết tha".
2. "Viết văn là một hành trình để nói ra sự thật". Những trang viết của Tô Hoài không phải là tòa lâu đài chữ nghĩa khảm ngọc lấp lánh mà vô hồn, tác phẩm của ông đã trở thành cây xanh bám rễ sâu vào mảnh đất hiện thực, tỏa tán cây xanh tươi để ôm lấy cuộc đời rộng lớn này. Và có lẽ chính vì vậy mà mỗi lần đứng trước bóng mát của "VCAP", tôi lại cảm thấy thấm thía cái cảm giác được ôm ấp vỗ về và không sao ngăn nổi ao ước giao cảm tâm hồn ngân lên ngây ngất trong từng trang viết về cuộc đời nàng Mị - người con gái đang ngồi trong bóng tối và hát lên những tiếng ca êm dịu giữa cuộc đời đầy bão tố.
-------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro