vo chong a phu
Bài làm mẫu: ( có tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, tạp chất )
"Vợ chồng A Phủ"(1953), "Miền Tây"(1967), "Vừ A Dính"(1962)...là những tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài viết về phong tục, cảnh sắc và con người miền Tây của Tổ quốc ta. Tô Hoài đã từng nói: "Tôi coi Việt Bắc, Tây Bắc cũng như một quê hương đề tài của tôi...". Tập truyện "Tây Bắc" là một nét son chói lọi đầu tiên của sự nghiệp văn chương Tô Hoài viết về đề tài miền Tây. Một chuyến đi dài, Tô Hoài theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, ông đã viết thành công tác phẩm "Truyện Tây Bắc", trong đó có truyện "Vợ chồng A Phủ". Qua truyện ngắn này, Tô Hoài đã phản ánh nỗi thống khổ và sự vùng dậy của dân tộc Mèo vùng Tây Bắc, một lòng quyết tâm đi theo kháng chiến để giành lấy tình yêu, hạnh phúc và tự do.
Những trang viết về Mị-một trong hai nhân vật chính của truyện là vô cùng cảm động. Mị tuy bị chà đạp, bị giày xéo trong bể khổ cuộc đời, nhưng cô đã có một sức sống tiềm tàng kì lạ!
Mị là một cô gái trẻ và đẹp, duyên dáng, hiếu thảo, thổi sáo hay, "có biết bao nhiêu người say mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Nhà nghèo, năm nào bố Mị cũng phải trả nợ lãi một nương ngô cho thống lí Pá Tra. Bố đã già, Mị thương bố lắm. Cô đã nói với bố: "con nay đã biết cuốc nương ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu". Món nợ truyền kiếp mà bố Mị vay của thống lí như một oan trái cuộc đời. Mị đã bị A Sử-con trai thống lí đánh lừa bắt về cúng trình ma. Mị trở thành con dâu gạt nợ...Đau xót làm sao: "Chao ôi! Thế là cha mẹ ăn bạc của nhà của nhà giàu từ kiếp trước, bây giờ người ta bắt bán con trừ nợ. Không thể làm khác được rồi!". Định mệnh bi thảm đã mở màn, mang những kiếp người đau khổ đến bể đen cùng cực.
Những năm đằng đẵng làm dâu gạt nợ, Mị bị đối xử hết sức tàn tệ, chẳng khác gì một con vật: Lên núi hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, đi nương bẻ bắp,... "Con ngựa con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ; đàn bà con gái nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm cả ngày". Tuổi trẻ, sắc đẹp của Mị bị vùi dập. Cô như một đóa hoa rừng chóng héo tàn, lúc nào cũng "cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Buồng Mị như một cái chuồng nhốt thú, kín mít, tối om, chỉ có một lỗ nhỏ bằng bàn tay, nhìn ra ngoài "chỉ thấy trăng trắng, không biết sương hay là nắng". Đau khổ quá, Mị nghĩ rằng "mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi".
Cứ tưởng cô gái bé bỏng ấy cứ mãi cam chịu đau thương như thế. Nhưng không, Mị đã cố hết sức vùng vẫy, mong thoát được sợi dây oan nghiệt của số phận. Hàng mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc. Mị trốn về nhà, tròng mắt đỏ hoe. Gặp bố, Mị "quỳ lạy, úp mặt xuống đất, nức nở". Lần đầu tiên, Mị phản kháng lại số phận tủi nhục, hái lá ngón toan ăn để tự tử. Nhưng Mị chết đi, ai sẽ làm nương ngô giả được nợ thống lí, khi bố Mị đã ốm yếu quá rồi. Vì thương bố nên Mị không đành lòng chết, cô đành cam chịu vứt nắm lá ngón và quay về nhà thống lí. Dường như ở lâu trong cái khổ rồi nên Mị riết rồi cũng quen. Than ôi, một đời người, một đời con gái không biết đến tuổi xuân là gì!
Thế nhưng, thêm một bất ngờ nữa, Mị lại lần thứ hai vùng dậy. Khi con người ta không thể chịu nổi một cái gì đó thì ắc hẳn họ sẽ đấu tranh, bất kể thành công hay thất bại. Và Mị là người như vậy! Ngày tết đến, Mị lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát, rồi say, rồi ngồi xem bọn nhảy đồng mà lòng đang sống về những ngày trước. Con gái vùng rẻo cao ai mà chẳng uống rượu, nhưng "ừng ực" kiểu này thì lại khác. Phải chăng Mị muốn quên đi những tháng ngày cực khổ, muốn uống thật mạnh bạo để hả giận ? Hay cô còn muốn thức tỉnh lòng mình sống lại cùng mùa xuân của đất trời ? Giờ đây, tiếng hát, tiếng sáo gọi bạn tình của trai gái Mèo làm dấy lên trong tim cô gái bao khát khao:
"Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi..."
Mị đã tự ý thức về mình. Mị thấy lòng phơi phới, vui sướng như thời con gái bước vào những đêm mùa xuân. Mị thấy mình còn trẻ, trẻ lắm; rồi lại chợt thấy mình cô đơn. Rồi cô khóc thương chính mình, chính cuộc đời nhiều bể khổ của mình. Mị ghê tởm thằng A Sử. Và dường như ngọn lửa trong lòng Mị đã bùng cháy, Mị quấn lại tóc, với lấy váy hoa, rút thêm cái áo, chuẩn bị đi chơi xuân. Hành động ấy diễn ra trước mắt A Sử, như trêu ngươi, như thách thức. Và khi hắn hỏi: "Mày muốn đi chơi à?" thì Mị chẳng buồn trả lời. Thế là Mị phải trả giá đắt! Thằng A Sử độc ác ấy trói Mị trong buồng tối bằng một sợi thúng đay và còn quấn cả tóc Mị cột lên làm cho cô "không cúi không nghiêng được đầu nữa". Nhưng cái thằng A Sử ngu muội kia nào biết hắn không thể nào trói được tâm hồn đang mong muốn tự do của Mị, "Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi".
Đến đây, hẳn bất cứ ai trong chúng ta cũng đều sực nhớ đến cô gái Thái trong "Tiễn dặn người yêu". Cô bị ép duyên đau khổ than thân "Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa-Bằng con chẫu chuộc thôi". Nỗi cay đắng của Mị còn hơn gấp nhiêu lần thế. Khi đã được cởi trói Mị còn phải thức cả đêm bôi thuốc cho A Sử. Vừa thiếp đi vì mệt thì lại bị hắn "đạp chân vào mặt". Lần thứ hai của cuộc vùng dậy với bao đau đớn, ê chề hơn lần trước, song cô gái Mèo ấy vẫn chưa gục ngã trước số phận.
Người ta có câu: "quá tam ba bận", lần thứ ba cô gái dũng cảm của chúng ta lại vùng lên. Hình như số phận đã bày vẽ cho hai con người đau khổ này gặp nhau, để rồi cùng đồng cảm và yêu thương nhau: Mị và A Phủ. Một bên là dâu gạt nợ, một bên là kẻ phạm tội đánh con quan. Cả hai đều là con trâu con ngựa của nhà thống lí Pá Tra. Nếu Mị bị A Sử trói đứng không cựa đầu được thì A Phủ cũng bị Pá Tra "quấn từ chân lên vai, chỉ còn cổ và đầu hơi lúc lắc được". Thế rồi nhìn thấy người cùng cảnh ngộ đứng nhắm mắt chịu chết như thế, Mị quên sợ hãi. Cô dùng dao cắt nút dây cởi trói cho A Phủ. Rồi như một lời khích lệ: "Đi ngay", cô vùng chạy theo A Phủ. Có lẽ cứu A Phủ cũng như cô đang cứu chính mình: "A Phủ cho tôi đi...ở đây thì chết mất". Trải qua biết bao máu và nước mắt, Mị cuối cùng cũng được tự do mỉm cười đón chào hạnh phúc. Trốn khỏi Hồng Ngài, hai người vượt qua những triền núi đá tai mèo, đi suốt một mùa mưa, và nên vơ chồng ở khu du kích Phiềng Sa.
Hành động cắt dây trói cho A Phủ ở lần vùng dậy thứ ba của Mị là đỉnh điểm trong truyện, là sự thể hiện sức sống tiềm tàng của người con gái Mèo hồng nhang nhưng bạc phận. Khát vọng về tự do, hạnh phúc, quyền sống đã cho Mị nhiều sức mạnh vùng dậy. Và qua đó khẳng định một chân lí: Bạo lực không đề bẹp được khát vọng tự do! Sức sống tiềm tàng của Mị mang tính điển hình sâu sắc, thể hiện một cách cụ thể, chân thực và sống động cho sự vùng dậy của người Mèo trên đường đi tìm hạnh phúc, tự do để từ đó họ tìm đến cách mạng và kháng chiến.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro