Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Cùng Bạn Đọc


Từ mấy năm nay, trong xu thế đổi mới toàn diện của đất nước, đời sống văn học, nghệ thuật nói chung đã có những chuyển biến năng động và tích cực với các mặt biểu hiện phong phú, đa dạng, cởi mở hơn, và việc tìm hiểu những truyền thống văn hóa, tinh thần đặc sắc, nhiều mặt, trong lịch sử trên dưới 4.000 năm của cha ông ta cũng trở thành một đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ.
Ðáp ứng yêu cầu đó, Nhà xuất bản Văn học đã và sẽ lần lượt cho tái bản một số công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật, của nhiều học giả trong Nam ngoài Bắc, hoặc từng được nhiều dư luận bạn đọc chú ý, hoặc đã trở thành những tư liệu hiếm có trong các thư viện, như cuốn La sơn phu tử, Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn, Lão Tử - Ðạo đức kinh của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Kinh dịch của Nguyễn Hiến Lê, Kinh Thi của Tạ Quang Phát, Luận ngữ của Lê Phục Thiện, Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam của Ðỗ Bằng Ðoàn và Ðỗ Trọng Huề, Chơi chữ của Lãng Nhân... Bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Giáo sư Nguyễn Lang cũng nằm trong danh mục "tủ sách học vấn" kể trên.
Như thông lệ đối với bất kỳ bộ sách nào được đem ra tái bản, trước khi đưa in Việt Nam Phật giáo sử luận, chúng tôi đã tổ chức một Hội đồng thẩm định, gồm các ông: Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Phó viện trưởng Phân viện Phật Học Việt Nam; Giáo sư sử học Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Phó viện trưởng Phân viện Phật Học Việt Nam, làm Chủ tịch. Hội đồng đã làm việc tích cực đóng góp nhiều ý kiến bổ ích, cũng như đã nhất trí tái bản bộ sách. Chúng tôi còn được giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người từng có điều kiện thâm nhập hai tập Việt Nam Phật giáo sử luận từ rất sớm, vui lòng viết Lời giới thiệu in vào đầu trang sách cũng như soát kỹ lại bản thảo. Xin được ghi lại ở đây lời cám ơn chân thành của Nhà xuất bản Văn học.

Do chỗ tác giả hiện đang ở xa, không thể trao đổi, bàn bạc trước khi in sách, chúng tôi hy vọng mấy lời Cùng bạn đọc trên đây phần nào cũng có thể thay thế cho lời xin phép tái bản sách của ông.
Sau cùng, dù đã hết sức cố gắng, lần tái bản này phải bỏ lại số lớn các bức ảnh phụ bản của Việt Nam Phật giáo sử luận vì bản in trong nguyên bản vốn mờ sẵn. Thành thực cáo lỗi cùng tác giả và bạn đọc.
Sau khi Việt Nam Phật giáo sử luận công bố rộng rãi ở trong nước, nhiều bạn đọc đã gửi thư về Nhà xuất bản đánh giá cao bộ sách, và đề nghị đặt mua thêm. Vì vậy, lần này Nhà xuất bản cho in lại cả hai tập sách trên.
Ðể bộ sách ra mắt được hoàn chỉnh, xứng đang với mong đợi của độc giả, trước khi in chúng tôi đã nhờ Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn học chỉnh đốn lại kỹ càng những chỗ bất nhất về quy cách trình bày mà lần in trước vẫn chưa khắc phục được.
Ngoài ra, chúng tôi còn nhờ nhà nghiên cứu mỹ thuật Tố Như tìm lại các bản chính mà Giáo sư Nguyễn Lang đã mượn làm phụ bản nhằm bổ khuyết phần minh họa, nhưng rất tiếc các bản chính này cũng bị mờ, hơn nữa có tài liệu như của Miklós (Hongrie) còn chú dẫn xuất xứ nhầm lẫn; cuối cùng Phó giáo sư Tố Như đã phải tổ chức chụp lại từ nguyên mẫu các chùa miền Bắc, nhờ đó có được những bức ảnh màu thay cho ảnh đen trắng, đồng thời cũng bổ sung thêm một số ảnh xét thấy có thể góp phần làm cho bộ sách có nhiều dẫn liệu hơn.
Giúp vào việc này có các nhà nhiếp ảnh Lê Cường, Võ Văn Tường, và Ðại đức Thích Phước An (phần ảnh chùa miền Trung và miền Nam).
So với bộ sách gốc, khối lượng ảnh giờ đây đã phong phú hơn trước, đúng như mong muốn của tác giả trong mấy dòng phụ đề ở cuối tập III.
Xin chân thành cảm tạ tấm lòng thịnh tình của tất cả.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro