Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

hoàn thành.

"Chị Thương, chị Thương!" Đứa nhỏ tên Cao Thịnh tóc còn để trái đào, đôi mắt nhỏ ầng ậng nước, ôm lấy cánh tay cô bé mặc áo dài màu xanh bạc hà, lay lay không ngừng, vừa khóc vừa nói: "Bọn nó lấy kẹo của em, còn đánh em nữa!"

Cô bé áo xanh kia chỉ tầm chín mười tuổi, nghe Cao Thịnh khóc lóc thì sắc mặt liền trở nên vô cùng tức giận, đến mức tưởng như có thể nhe nanh giơ vuốt ăn thịt người, dọa đám trẻ đối diện một phen sợ kinh hồn bạt vía. Chúng còn chưa kịp phản ứng thì đã bị nàng lao đến đánh cho xây xẩm mặt mày, phải vừa chạy vừa ngã, kêu thét vang vọng suốt cả một con hẻm nhỏ. Theo sau còn cả tiếng gầm như hổ dữ của cô bé kia: "Nói cho đám trẻ ranh chúng mày biết, lần sau mà dám động vào một sợi tóc của Thịnh thì coi chừng tao!"

"Chị Thương thật giỏi!" Cao Thịnh nắm tay cô bé kia, khuôn miệng có mấy cái răng sún không ngừng vui vẻ cười. "Sau này em nhất định sẽ mạnh mẽ như chị vậy đó!"

Vũ Thị Thương không đáp lại mấy lời tán dương của Cao Thịnh, nàng vừa nắm tay hắn bước đi vừa le lưỡi nếm vị kẹo ướp đường mới mua, nhăn mặt nói: "Mùi vị quá tệ, đáng ra nên tới chỗ của ông Bảy mua mới phải!"

Đi được một lúc, đến gần cổng nhà Thương, Thịnh bỗng cầm bàn tay nàng lắc lắc: "Chị Thương, áo váy chị bị bẩn rồi, sẽ bị cha mẹ mắng đó. Hay là qua nhà em, em nhờ mẹ giúp chị thay bộ khác?"

Nghĩ đến việc đặt chân về đến cửa đã nhìn thấy gương mặt không hài lòng của cha mẹ, Vũ Thị Thương chẳng còn cách nào là đành nghe lời tên nhóc Cao Thịnh kia. Ông Cử Hai – cha nàng, xuất thân gia giáo, coi trọng đức hạnh mà lại làm việc trong Quốc Học giám nên rất chi nghiêm khắc, bà Cử Hai mẹ nàng cũng là con của một ông Quốc Học giám giáo thụ, lại càng khó tính hơn, cho nên nếu hai người mà thấy đứa con gái này của mình về nhà trong cái bộ áo bị dính bùn đất lại còn do đánh nhau, thì Thương sẽ chắc chắn phải đòn. Đó là còn chưa kể tới chuyện bà Cử Hai sẽ càm ràm nàng suốt ngày suốt tuần, tới khi nào bà quên bẵng đi việc đó thì mới thôi.

Trái ngược với bà Cử Hai, bà Tú Cao – mẹ của Thịnh, lại dễ chịu hơn hẳn. Chắc cũng là do bà xuất thân từ nhà buôn bán – một gia đình có truyền thống dệt vải trên chợ huyện, chứ không phải tiểu thư cành vàng lá ngọc như bà Cử Hai. Hơn nữa chồng bà – ông Tú Cao, hiện đang làm việc ở phủ đường, cũng là người hòa nhã, không hay xét nét, nên cuộc sống của Thịnh xem ra đỡ chịu ràng buộc hơn Thương nhiều.

Bà mẹ của Cao Thịnh lấy trong tủ ra bộ áo dài màu hồng, dưới vạt thêu vạn cánh hoa anh đào trắng, hiền dịu cười đưa cho Thương: "Đây là chiếc áo mà thời con gái ta thích mặc nhất, bây giờ lớn tuổi rồi không còn hợp nữa, thì tặng luôn cho con vậy."

"Con cám ơn dì." Thương cúi đầu nhận lấy bộ áo rồi bước vào phòng trong. Thịnh nhìn thấy mí mắt của nàng ban nãy giật giật liền cảm thấy buồn cười. Gì chứ cái tính nết của Thương hào sảng mạnh mẽ, bình sinh nào ưa thích mấy thứ màu hồng đỏ tầm thường, chẳng biết mặc chiếc áo dài đó vào rồi sẽ thành cái gì đây?

Đúng như những gì Thịnh đoán, Thương thật chẳng hợp với màu hồng một chút nào. Hắn vừa nhìn thấy nàng từ trong vén màn bước ra đã bật cười ngã khỏi ghế, lăn lộn trên sàn nhà một hồi lâu. Chẳng trách được, vẻ mặt của nàng cũng thật là khó coi quá.

"Ha ha, chị Thương, chị Thương, trông thật cứ như nam giả nữ ấy!" Thịnh cười đến sặc sụa, "Cái gương mặt đó là sao chứ, nhìn chẳng giống con gái chút nào?!"

"Thịnh!" Bà mẹ không vừa lòng, cốc đầu hắn. "Con ăn nói như vậy với chị mà coi được sao?" Bà quay sang Thương, dịu dàng nói: "Thằng Thịnh còn nhỏ không biết phải trái, con gái người ta xinh đẹp thế này cơ mà. Thương, con đừng để ý nhiều đến nó làm gì."

Vũ Thị Thương liếc nhìn Cao Thịnh ôm đầu nhăn nhó, mỉm cười tinh quái đáp: "Dạ, dì yên tâm, con không chấp tên nhóc lùn tịt này đâu!"

"Chị Thương nói ai lùn tịt?" Lúc tiễn Thương đi ra cửa, Thịnh lại phụng phịu nắm gấu áo nàng, "Sau này lớn lên em nhất định sẽ cao hơn chị hai cái đầu, sẽ bế được chị lên luôn cho mà xem!"

"Ừ, chị cũng đang mong chờ tới ngày đó đây. Chắc cũng phải đợi khá lâu đấy nhỉ ?" Vũ Thị Thương cười cợt, cúi xuống xoa đầu tên nhóc nhỏ. Cao Thịnh lại càng tức tối, vội nhún người một cái liền giật xuống được cây trâm bằng cẩm thạch trên búi tóc nàng, dẩu môi nói: "Thế thì chị đợi đi, đợi khi nào em lớn lên, công thành danh toại rồi sẽ cưới chị về làm vợ, tới đó mới trả lại cho chị cây trâm này!"

Vũ Thị Thương đứng ngây người ra, mắt nhìn chằm chằm vào cái gương mặt non nớt kia, hai bên gò má nàng bất giác ửng đỏ tựa như màu hoa mai Tàu trong vườn nhà ông Tú Cao lúc ấy. Nàng năm nay đã mười tuổi rồi, chắc tầm ba bốn năm nữa là cha mẹ nàng sẽ không cho ra ngoài chơi thường như trước, đến gặp mặt Cao Thịnh cũng sẽ rất khó khăn. Bởi vì mười bốn tuổi nghĩa là chuẩn bị vào độ vấn tóc cài trâm, từ đó đến tầm hai mươi lăm tuổi đổ lại sẽ được cha mẹ tính chuyện gả chồng, nên làm gì được tự do đi lại vui chơi như thời còn nhỏ nữa.

Nàng tự dưng nhớ chuyện hai vợ chồng cô Thoa ở kế bên nhà và thầy đồ Khánh. Thầy đồ Khánh là người làng Vĩnh Đại, cách làng Đàm Xá của nàng một con sông, nhiều năm trước nhân lúc đi lên chợ huyện mà tình cờ gặp cô Thoa rồi đem lòng cảm mến. Lúc trước thầy đồ Khánh còn nghèo lại chưa có học vị, nhà cô Thoa sợ con khổ nên không muốn gả cho. Thầy đồ Khánh hiểu chuyện nên có thưa với nhà cô Thoa rằng, bây giờ xin gửi cô Thoa cái nghiên ngọc mà thầy rất quý, đổi lại mong cô Thoa cho thầy cây trâm cài tóc của cô để làm vật đính ước, thầy sẽ về nhà ráng học tập tu dưỡng, kỳ thi năm đó nếu thành danh sẽ xin được cưới cô Thoa làm vợ, nhược bằng thầy không đậu nổi thì coi như không xứng với cô. Năm ấy thầy đồ Khánh thi Hương, đậu đến Cử nhân, y lời ước định đến nhà cô Thoa rước dâu. Sau thầy làm trong phủ đường giống như cha của Thịnh được mấy năm, rồi lui về vườn mở trường dạy học, hưởng cái thú điền viên bên cạnh người vợ mà thầy yêu thương hết lòng.

Có khi nào Cao Thịnh này cũng tính như thế chăng? Nó dù sao cũng đã sáu tuổi, đi theo học thầy đồ Khánh làng bên được một năm, chữ nghĩa coi như thông thấu ít nhiều, chắc hẳn là không nói quàng xiên đâu nhỉ?

Vũ Thị Thương lắc lắc đầu, cố xua đi sự ngượng ngùng trên gương mặt. Nàng chỉ biết dùng nụ cười để che đi cái ửng đỏ trên gò má, cúi xuống xoa đầu Thịnh mà rằng: "Được rồi, vậy phải ráng cao lên, mà còn phải ráng học nữa, báo hiếu cha mẹ cho đặng rồi hãy tính tới chuyện trả cây trâm, nghe không?"

Cao Thịnh giương cặp mắt phượng với hàng mi dài cong vút của mình lên nhìn Vũ Thị Thương, gật đầu mà giọng quả quyết: "Dạ!"

Ngày ngày mặt trời mọc rồi lặn, đêm mỗi tháng mặt trăng tròn đầy rồi lại khuyết. Sao hôm cùng sao mai phân chia ngày đêm. Tiết trời lạnh qua nóng đến, mùa thu thì thu hoạch để tàng trữ cho mùa đông.

Đông đi xuân đến, hoa tàn hoa nở. Cao Thịnh bây giờ đã là một chàng thanh niên hai mươi tuổi dong dỏng cao, thần thái nghiêm chỉnh, ngọc thụ lâm phong. Hắn cùng đồng bạn vừa trải qua một năm lên đường vào kinh đô ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi lớn nhất nước. Sau trong số các học trò năm đó lên kinh thì chỉ mình Thịnh đỗ tới học vị Bảng nhãn, là Bảng nhãn trẻ tuổi nhất từ trước đến nay, liền được nhận lấy lộc vua, vinh quy bái tổ, tự hào đem cờ quạt võng lọng trở về làng.

Từ sáng sớm đã rộ lên âm thanh chiêng, trống rầm rộ cùng tiếng người nói cười trò chuyện rước vị tân khoa đầu tiên của làng Đàm Xá. Khi về đến nhà hành lễ tạ ơn thầy học cùng cha mẹ đã xong thì lại ngồi vào bàn ăn tiệc, suốt quãng thời gian đó Cao Thịnh dù vui vẻ nhưng cũng sốt ruột tìm kiếm Vũ Thị Thương trong đông đảo những người dự tiệc, dù nãy giờ đỏ mắt mà cũng chẳng thấy nàng đâu. Nàng bận bịu gì, hay là ốm đau gì hay sao mà tiệc mừng tân khoa của hắn lại không thể đến dự nhỉ?

Thịnh nhớ hồi năm ngoái trước khi lên đường vào kinh, Thương nhân lúc đêm khuya trốn khỏi nhà, đến vườn rau hoang ở gần bãi sậy sau làng mà gặp hắn. Từ khi Thương được mười ba tuổi, nàng chẳng còn được cho phép ra ngoài thường xuyên mà vui đùa với chúng bạn như trước, cho nên buổi đêm ấy cũng là lần đầu tiên nàng và hắn đối diện với nhau khi đã trưởng thành.

Vũ Thị Thương giờ đây đã là một nàng thiếu nữ hai mươi ba tuổi, và Cao Thịnh thì đúng như những gì từng nói, hắn bây giờ cao hơn nàng những hai cái đầu rồi.

"Lại đây." Trong cái chòi canh cũ kỹ vì nắng mưa dãi dầu ở vườn rau hoang, Vũ Thị Thương gọi Cao Thịnh đến nằm trong lòng nàng. Giống như thuở còn nhỏ dại, Thịnh vẫn luôn ưa thích nằm cuộn tròn như một con mèo trên chân Thương, để tay nàng ve vuốt lấy mái tóc ngắn của hắn, lắng nghe mùi hương bưởi tỏa ra trên lụa là nàng mặc. Cả hai cứ như thế lặng yên ở cạnh nhau rất lâu, không nói tiếng nào, phần vì chẳng biết nói gì, hai là e sợ bị người ta phát hiện tất sẽ chẳng biết giấu mặt vào đâu. Tới mức Thịnh cũng kinh ngạc rằng Thương lại đưa ra quyết định táo tợn đến như vậy.

Mãi đến khi con trăng đã vượt quá lũy tre làng, Thịnh mới rời khỏi vòng tay của Thương mà đứng dậy. Nàng lấy trong ống tay áo ra một cái túi thơm, một quyển tập ghi và một bộ bút nghiên, có cả hộp mực do chính nàng mài sẵn để tặng cho Thịnh. Nàng nói, lần thi này là rất quan trọng, những đợt trước đều đã cố mà đạt kết quả tốt rồi thì lần này càng phải gắng hết sức mình hơn nữa, giành học vị cao để mở ra tiền đồ tốt cho bản thân, lại không phụ ơn cha mẹ sinh thành, ơn thầy dạy dỗ. Cái ôm ban nãy đây, chính là lời từ biệt của chị dành cho cái tuổi còn non trẻ, chuẩn bị tiễn em lên đường, hẹn ngày vinh quy bái tổ.

Trước khi chia tay, Vũ Thị Thương lại còn nhìn Cao Thịnh mà bảo, "Thịnh ơi, chị ở đây đợi em về trả cho chị cây trâm đó."

Cao Thịnh vì mấy lời này lại càng có động lực nhiều hơn, suốt một năm sau đó đã cố gắng ôn luyện, tới mức đỗ thành Bảng nhãn, tuy dưới học vị Trạng nguyên nhưng cũng đã cao hơn được vạn người.

Từ Văn Hạo – lớn hơn hắn gần mười tuổi, là người đỗ đầu ở khoa thi năm nay, trên hắn một bậc. Thịnh cùng Từ Văn Hạo qua lại mấy lần lúc ở kinh đô, nói cười anh anh em em luôn miệng, Hạo luôn sẵn lòng chỉ dạy Thịnh khi cùng nhau ôn luyện bài vở tại các thư quán. Lúc đề tên bảng vàng, Thịnh còn không ngớt lời chúc mừng Hạo đỗ Trạng nguyên, Hạo khi ấy còn cười rạng rỡ, bảo như thế này thì đã hoàn thành lời hứa với nhà vợ tương lai, có thể vinh quy bái tổ để cho ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau được rồi.

Thịnh nghe xong, cũng bật cười theo mà nói: "Coi bộ nhà ông bà nhạc của anh cũng khó quá, bắt phải đỗ trạng nguyên thì mới gả con gái cho!"

"Để cưới được nàng ấy, thì đỗ mười trạng nguyên cũng đáng, đừng nói là một trạng nguyên." Hạo chớp mắt mơ màng, "Bây giờ hễ nghĩ tới đám cưới là anh lại hồi hộp quá, Thịnh ơi. Như thể trong lồng ngực có cả một đàn bướm đang bay ấy."

"Đúng là tâm trạng của người chuẩn bị cưới vợ!" Thịnh huých nhẹ cánh tay Hạo, cùng với những người khác cười xòa, "Thế khi nào cưới, có tính mời anh em không đây?"

"Trời, mời chứ!" Hạo giả vờ trợn mắt, "Coi ngày cả rồi, mùng chín tháng tư là vừa đẹp, mời tất cả đồng bạn tới dự ngày tôi rước nàng về dinh!"

"Được rồi, thế bọn này đợi tiệc rượu của anh đấy nhé!" Thịnh gật đầu, vừa nhét đồ vào tay nải vừa nói, "Tháng tư anh cưới, chắc tháng năm sẽ tới lượt tôi. Tôi cũng có hứa với người trong lòng là khi nào thành danh thì sẽ về rước chị ấy!"

"Gì chứ, cái này đúng là chuyện vui tới liên tiếp luôn!" Hạo vỗ vai Thịnh, "Được rồi, tháng năm cậu cưới thì vợ chồng tôi sẽ đem thật nhiều quà cáp tới mừng!"

Trên môi Thịnh nở nụ cười hạnh phúc mà còn có chút chờ mong, ánh nhìn cũng trở nên giống với Hạo ban nãy, trở nên mơ màng vô cùng.

À, hắn muốn về nhà quá.

Về, để còn làm đám cưới với chị Thương.

Ngày tám tháng tư, thời tiết mát mẻ, bầu trời trong xanh như ngọc bích, nhà ông bà Tú Cao mở tiệc đón vị tân khoa trở về. Cả gia đình vui như mở hội, người ra kẻ vào chúc tụng không ngừng, quà cáp cũng cứ vậy đưa tới hàng núi. Có nhà còn cố tình đưa con gái đến dự tiệc, mong được ông bà Tú Cao để ý đến mà tỏ lòng chọn làm con dâu.

Quan cảnh vui vẻ đầm ấm là thế, nhưng người mà Thịnh cần tìm thì tìm mãi chẳng gặp. Hắn đã đề tên bảng vàng như lời hứa với nàng ấy, nhưng người thiếu nữ đó lại chẳng hề ở đây.

Khi tàn tiệc cũng đã vào tối muộn, Thịnh đành đợi tới ngày mai sẽ sang thăm nhà nàng. Hắn tìm lại cây trâm mình đã lấy của Thương khi trước, cẩn thận đặt vào chiếc hộp gỗ nhỏ được chạm tinh xảo bằng xà cừ, định bụng sẽ mang trả nó lại cho nàng và tiện thể thưa với cha mẹ nàng về chuyện cưới xin. Chỉ nghĩ tới gương mặt ửng đỏ vì thẹn thùng lẫn mừng vui của Thương, Cao Thịnh thích đến mức ôm gối lăn lộn trên giường, mãi chẳng ngủ được.

Buổi sáng đến, Thịnh ngồi đọc sách uống trà, vui miệng kể cho cha mẹ về dự định đến thăm Thương. Vừa nghe con trai nói xong, sắc mặt của song thân hắn đột nhiên thay đổi, trông như khó xử lắm. Bà mẹ liếc nhìn chồng, thấy ánh mắt không đành lòng của ông, liền nói: "Chỉ sợ Thương nó không có ở nhà."

"Ủa, vậy chị Thương mấy nay đi đâu hả cha mẹ?" Thịnh ngạc nhiên, "Chắc đi lên tỉnh thăm họ hàng? Mà kể cũng lạ, hôm qua con cũng thấy có mỗi bác Thanh cha chị Thương qua nhà mình dự tiệc, mà con cứ bị mấy ông hương chức níu lại hoài thành ra không nói chuyện với bác được."

"Thịnh à..." Bà mẹ mở miệng chực nói, nhưng đã bị người cha ngăn lại. "Bà, kệ nó đi." Ông thở dài mà xua tay, nói với Thịnh: "Muốn đi kiếm con bé Thương thì cứ đi đi, giờ chắc nó cũng ra tới cây cầu đầu làng rồi đó."

Trước khi Thịnh đi, ông còn nói thêm: "Lẹ mau, kẻo không kịp."

Cao Thịnh chẳng hiểu nổi ý tứ của cha mẹ là đang muốn nói cái gì về Thương, sao cứ mở mở úp úp không rõ ràng. Hắn chỉ đành theo lời cha mà đi ra đầu làng – nơi có một cây cầu lớn dẫn qua bên kia sông. Thuở nhỏ, hắn hay cùng Thương chạy giỡn, khều lục bình trôi ở trên cây cầu này. Thịnh đoán non đoán già mãi, không lẽ Vũ Thị Thương muốn đợi hắn ở đó mà ôn lại chút kỉ niệm xưa chăng?

Bước đi của Thịnh sải dài trên đường, ai nấy trong làng thấy hắn đều chắp tay chào ông Bảng nhãn, hắn cũng gật đầu cho có lễ với người ta, tuy tâm trí vẫn để đâu đâu. Thương đợi hắn đã một năm rồi, hắn không muốn để nàng đợi thêm nữa.

Cho đến khi cổng làng hiện ra trước mắt, Cao Thịnh chợt nghe trong gió thoảng có hương thơm ngào ngạt, cùng với tiếng âm nhạc vui tai từ xa truyền đến. Hắn thấy ngoài cây cầu bắc ngang sông kia đang có đám rước dâu, sắc áo sặc sỡ, người người vui cười, lại càng nghĩ đến cảnh tương lai của mình với Thương mà trở nên hồi hộp, tuy thế hắn cứ đưa mắt nhìn cây cầu rồi lại nhìn khắp xung quanh, tuyệt nhiên chẳng thấy nàng đâu cả.

Có khi nào Vũ Thị Thương là một trong những người đi dự đám cưới đó chăng?

Cao Thịnh nghĩ vậy. Hắn níu lấy một người đi đường, trỏ về phía cái đám rước dâu đó mà hỏi: "Chú ơi, cho con hỏi đám cưới ấy là của ai vậy ạ, nom cũng xa hoa lắm."

"À, ông Bảng nhãn, cái đám cưới đó xa hoa là đúng." Ông chú ấy cười đáp, "Là quan Trạng họ Từ ở làng Thừa Húc rước dâu làng mình, nhà ông Cử Hai đúng là có phúc thật, gả đứa con gái thứ cho quan Trạng, coi như con nhỏ Thương đó cũng ấm êm được một đời rồi."

Cây trâm trong ống tay áo của Cao Thịnh rơi xuống tự lúc nào. Không phát ra tiếng động, tựa như nó cứ thế mà rơi mãi, rơi mãi trong đáy vực thẳm sâu, sâu tựa lòng hắn lúc này. Sâu không thấy đáy.

Vũ Thị Thương.

Chị Thương.

Chị Thương mới hôm nào còn hùng hổ bảo vệ hắn khỏi đám nhóc bắt nạt, còn trêu hắn là đứa nhỏ lùn tịt, còn hứa rằng sẽ đợi đến ngày hắn trả nàng cây trâm cài tóc.

Chị Thương của hắn, bây giờ đã đi lấy chồng rồi.

Quan Trạng họ Từ ở làng Thừa Húc. Từ Văn Hạo. Người anh em từng vui vẻ khoe với Thịnh rằng mình đã đỗ Trạng nguyên, hoàn thành lời hứa với nhà vợ tương lai rồi, đã có thể ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau được rồi.

Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau.

Nào có ngờ đâu, giờ đây cô dâu trên cái võng đi theo ngựa của Từ Văn Hạo lại là Vũ Thị Thương, là chị Thương của Thịnh chứ.

"Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau." Hắn cúi xuống nhặt cây trâm lên, cho lại vào ống tay áo, miệng bất giác ngân nga, bước chân vô thức tiến về phía đoàn người rước dâu ấy, chẳng mấy chốc đã hòa vào cùng bọn họ.

Đằng nào thì Thịnh cũng đã hứa với Hạo rồi. Ngày vui của anh, hắn làm sao lại không có mặt?

Còn chị Thương nữa. Ngày vui của chị, lẽ nào hắn lại không chịu đến?

Dù gì thì chị gái xinh đẹp của hắn cũng đã phải đi lấy chồng rồi cơ mà.

- HẾT -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro