viễn cảnh kinh tế vĩ mô 2009
Viễn cảnh kinh tế vĩ mô năm 2009
( Bình chọn: 3 -- Thảo luận: 2 -- Số lần đọc: 7298)
Phân tích vĩ mô luôn đóng vai trò quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế cũng như các quyết định đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng và suy thoái, đây cũng là giai đoạn mà việc phân tích vĩ mô khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong bài viết này, xin phân tích và dự đoán viễn cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2009. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn khái quát về tình hình kinh tế, đồng thời có quyết định đầu tư đúng đắn.
Viễn cảnh kinh tế vĩ mô 2009
I. Kinh tế thế giới:
1. Bức tranh kinh tế thế giới thời gian qua:
Khởi đầu cuộc khủng khoảng tài chính và nhà đất tại Mỹ, kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn suy thoái kéo dài hơn 16 tháng, mức độ chưa từng thấy từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930. Lấy cơ sở là học thuyết kinh tế của John Maynard Keynes, nhấn mạnh vai trò điều hành của chính phủ, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái. Trong suốt thời gian qua, tất cả các nước trên thế giới đều nỗ lực ngăn chặn mức độ suy thoái, giúp nền kinh tế phục hồi. Các biện pháp chính đó là: Nới lỏng chính sách tiền tệ ( công cụ chính là giảm mạnh lãi suất ), đẩy mạnh chính sách tài khóa, tung ra các gói kích cầu kinh tế, miễn giảm thuế ( tập trung vào kích cầu nội địa ).
Chính sách tiền tệ nới lỏng: Lãi suất liên tục cắt giảm trên toàn cầu, cho đến tháng 5/2009 đã đạt mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ: Mỹ lãi suất giảm còn 0.25%, ngân hàng ECB cũng mới cắt giảm còn 1%, Úc là 3%, Trung Quốc là 5.25%... mức lãi suất thấp kỷ lục này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay. Bơm tiền vào hệ thống tài chính nhằm phục hồi tính thanh khoản, bôi trơn hệ thống tài chính, giúp làm tan băng trên thị trường tín dụng.
Chính sách tài khóa: Thực hiện các gói cứu trợ lớn chưa từng có ( Mỹ gói hỗ trợ hệ thống tài chính và miễn thuế của tổng thống Bush 700 tỷ USD, gói kích thích kinh tế của tổng thống Obama 787 tỷ USD, Trung Quốc 586 tỷ USD, Nhật 150 tỷ USD, Châu Âu bơm hàng chục tỷ USD nhằm hỗ trợ hệ thống tài chính, các nước Úc, Hàn quốc cũng thực hiện các gói kích cầu….) tập trung kích cầu nội địa, đẩy mạnh đầu tư công, kích thích tiêu dùng, miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân…
Tất cả các biện pháp quyết liệt trên đã phát huy những hiệu quả nhất định sau một thời gian dài thực hiện, cho đến hết tháng 4/2009 nền kinh tế thế giới đã có những dầu hiệu tích cực. Đặc biệt, tại Mỹ trung tâm của cuộc khủng khoảng và suy thoái, cùng Trung Quốc một trong những động lực của kinh tế thế giới. Đầu tháng 5/2009, thế giới đã đón nhận những chỉ số tích cực về nền kinh tế, hầu hết các mặt quan trọng đều có những chuyển biến tốt: Hệ thống tài chính, sản xuất, tiêu dùng, thị trường nhà đất, thị trường lao động và lợi nhuận các công ty.
Những tín hiệu nổi bật về tình hình kinh tế thế giới:
1.1. Hệ thống tài chính:
Sau những biện pháp bơm vốn, xử lý các tài sản xấu, cắt giảm lãi suất… hệ thống tài chính đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, dần ổn định trở lại. Đặc biệt, sau đợt thanh tra 19 ngân hàng lớn nhất của Mỹ, kết quả được công bố đã làm tăng thêm niềm tin vào hệ thống tài chính: Có 10 ngân hàng phải tăng vốn, tổng số vốn cần tăng là 74,6 tỷ USD, không có ngân hàng nào mất khả năng thanh toán, kế hoạch tăng vốn được chính phủ Mỹ công bố cụ thể. Đợt thanh tra này giúp các ngân hàng đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn về nguồn vốn. Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố không có ngân hàng lớn nào có thể bị phá sản. Hệ thống ngân hàng nhiều nước lớn trên thế giới cũng được bơm vào hàng chục tỷ USD nhằm đảm bảo về nguồn vốn và tính thanh khoản. Cho đến nay, hoạt động hệ thống ngân hàng trên thế giới đã dần ổn định trở lại.
Đợt thanh tra, cùng với những dấu hiệu về nguồn vốn an toàn, lãi suất libor giảm mức 1% thấp nhất trong 23 năm, tính thanh khoản tăng lên, lợi nhuận nhiều ngân hàng lớn tại Mỹ, cũng như trên thế giới vượt dự báo các chuyên gia, làm tăng niềm tin rằng hệ thống tài chính đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, dần vững chắc và ổn định.
1.2. Hoạt động sản xuất:
+ Mỹ: Số lượng đơn đặt hàng bắt đầu tăng trở lại, số lượng đơn đặt hàng mới tăng 6% lên mức 47,2%, mức cao nhất từ tháng 8/2008. Mức độ sụt giảm dịch vụ chậm hơn dự kiến. Lợi nhuận doanh nghiệp quý I tốt hơn mong đợi, khoảng 60% doanh nghiệp có lợi nhuận tốt hơn dự đoán của các chuyên gia. Mức độ sụt giảm của GDP quý I là 6.1% cao hơn mức dự đoán 5% của các chuyên gia, tuy nhiên chậm hơn mức sụt giảm 6.3% của quý trước.
+ Trung Quốc: Lĩnh vực sản xuất Trung Quốc bất ngờ cải thiện lần đầu tiên trong 9 tháng sau khi đầu tư tăng lên và tốc độ suy giảm của các đơn đặt hàng xuất khẩu chậm lại. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên mức 50.9 từ mức 43.6, sản lượng công nghiệp lên cao nhất trong tháng 3/2009.
Ở Đức và Úc cũng có những tín hiệu tốt trong lĩnh vực sản xuất. Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức công bố số lượng đơn đặt hàng các nhà máy tăng đột biến trong tháng 3/2009, số lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy tăng 3,3% trong tháng 3/2009 sau mức suy giảm 3.1% vào tháng 2/2009. Đây là dấu hiệu khởi sắc đầu tiên của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
1.3. Lĩnh vực nhà đất:
+ Mỹ: Chính phủ công bố tổng số lượng nhà xây mới tháng 3/2009 giảm, tuy nhiên số nhà xây mới cho hộ gia đình tháng 3/2009 không thay đổi so với tháng 2/2009. Điểm sáng tháng 4 là lượng nhà xây mới đã tăng, chỉ số niềm tin của các công ty xây dựng đã tăng trở lại.
Doanh số nhà chờ bán tháng 3/2009 tăng đến tháng thứ hai liên tiếp và cao hơn 1% so với 1 năm trước. Hiệp hội nhà đất Mỹ công bố doanh số nhà chờ bán tăng 3,2% trong tháng 3/2009.
Chỉ số S&P/Case-Shiller Home Price cho thấy dù giá nhà đất tại những thành phố lớn của Mỹ tiếp tục hạ trong tháng 4/2009, tuy nhiên lần đầu tiên trong 16 tháng, mức hạ của giá nhà đất không lập kỷ lục mới. Đây là dấu hiệu cho thấy ít nhất thị trường nhà đất đã có một vài dấu hiệu ổn định, các dự án mới tăng sẽ tác động tốt đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
+ Ở nhiều nước trên thế giới mức độ sụt giảm của giá nhà đã chậm lại, tiến dần đến mức đáy. Doanh số giao dịch đã tăng trở lại, do ảnh hưởng của các gói kích cầu cũng như mức lãi suất thấp kỷ lục. Tại Trung Quốc mức sụt giảm giá nhà tại 70 thành phố trong tháng 4 so với năm trước là 1.1%, mức thấp nhất trong 3 tháng, sau mức sụt giảm kỷ lục 1.3% trong tháng 3.
Giá nhà đất trên thế giới có xu hướng dần ổn định và doanh số giao dịch có tín hiệu tăng là một trong những yếu tố quan trọng khẳng định nền kinh tế thế giới đã chạm đáy. Tất cả các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, điều kiện để nền kinh tế thế giới phục hồi là thị trường bất động sản chạm đáy và ổn định. Dự báo các chỉ số về lĩnh vực nhà đất trong tháng 5 sẽ tích cực hơn tháng 4.
1.4. Thị trường lao động:
Tuy tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng lên mức 8.5% và vẫn còn tiếp tục tục tăng cho đến khi đạt đỉnh nhưng thị trường lao động là một điểm sáng trong thời gian qua. Các công ty cắt giảm nhân viên ít hơn mức dự của các chuyên gia kinh. Tại Mỹ, tổng cộng có 491 nghìn nhân viên trong tháng 4/2009 bị sa thải, thấp hơn nhiều so với dự báo 645 nghìn của các chuyên gia. Số lượng đơn xin thất nghiệp lần đầu rơi xuống mức thấp nhất trong 14 tuần.
Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng và dự báo đạt đỉnh trong năm 2010, sẽ là một áp lực đối với nền kinh tế, ảnh hưởng đến tiêu dùng, đầu tư của người dân.
Trong ngắn hạn chính phủ các nước đang thực hiện các gói hỗ trợ thất nghiệp, thuế, tạo việc làm nhằm bù đắp lại những ảnh hưởng của nạn thất nghiệp.
1.5. Hoạt động thương mại có dấu hiệu ấm lên, những chưa rõ nét:
Xuất khẩu của nhiều nước tiếp tục giảm mạnh, tuy nhiên cũng có những dấu hiệu tích cực, đà sụt giảm chậm lại, và cũng có những phân khuc khởi sắc như vận chuyển nguyên liệu thô, số lượng đặt hàng hóa xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực.
Tại Trung quốc, Đức, Úc số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu đã tăng lên sau một thời gian dài sụt giảm. Chỉ số BDI, chỉ số đánh giá tình hình thương mại thế giới, tăng 11 phiên liên tiếp, chuỗi ngày tăng mạnh nhất trong 3 tháng qua, lên mức cao nhất trong năm 2009. Đến ngày 15/05/2009, chỉ số BDI dừng ở mức 2.432 điểm, cao nhất kể từ 9/10/2008, tăng 11 phiên liên tiếp và là chuỗi ngày tăng lâu nhất sau 17 phiên tăng kết thúc vào ngày 11/2.
Tuy nhiên, dù hiện đứng ở mức cao nhất trong năm 2009 nhưng chỉ số này vẫn giảm gần 80% so với mức kỷ lục 11.793 điểm vào ngày 20/5/2008. Chỉ số BDI đã chạm đáy 663 điểm vào tháng 12/2008. Hơn nữa, mức tăng trong thời gian qua chủ yếu do nhu cầu vận chuyển nguyên liệu thô, đặc biệt từ Trung Quốc.
Do các chính sách của các chính phủ tập trung vào hỗ trợ thị trường nội địa, cũng có những dấu hiệu về bảo hộ nên hoạt động thương mại chưa có dấu hiệu khởi sắc nhanh chóng. Chúng tôi dự kiến cuối năm 2009, hoạt động thương mại mới tăng trưởng trở lại.
1.6. Niềm tin của người dân đã trở lại:
Chỉ số niềm tin của người dân tại hầu hết các nước đã tăng lên mức cao nhất sau thời gian dài suy giảm, vượt mức dự báo của các chuyên gia.
Ở Mỹ Conference Board công bố chỉ số lòng tin người tiêu dùng tháng 4/2009 tăng hơn 12 điểm lên mức 39,2 điểm. Tiêu dùng của người dân cũng đã trở lại, doanh số bán lẻ và sản lượng sản xuất sẽ được duy trì vững vàng, theo khảo sát của Bloomberg. Chỉ số đơn đặt hàng mới tăng lên 47,2 điểm trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008 so với mức 41,2 điểm trong tháng 3. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít lao động bị cắt giảm. Cũng theo khảo sát của Bloomberg, trong tháng 4 chỉ số niềm tin vào kinh doanh của các CEO cũng tăng lên mức cao nhất các tháng trở lại đây. Chỉ số niềm tin ở Đức cũng tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng.
Sự gia tăng của các chỉ số niềm tin trong khẳng định đà suy giảm đã chậm lại, các hoạt động kinh tế đang dần được khởi động, môi trường kinh doanh đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, các chỉ số vẫn đang ở mức thấp hơn so với ngưỡng kinh tế tăng trưởng. Nền kinh tế vẫn cần có những thay đổi tích cực hơn để các chỉ số tiếp tục tăng.
2. Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2009:
Như vậy, bức tranh kinh tế thế giới đã có những tín hiệu lạc quan trên hầu hết các mặt sau một thời gian dài suy thoái. Điều này khẳng định những hành động chống khủng khoảng và suy thoái kinh tế của các nước trên thế giới đã đúng hướng. Với những dấu hiệu như vậy, chứng tỏ nền kinh tế thế giới bước đầu đã chạm đáy, đà suy giảm đã chậm lại. Tất cả đang chờ đợi sự hồi phục của kinh tế trong thời gian tới.
Tham khảo thêm:
Con tàu kinh tế vĩ mô đang và sẽ đi về đâu?
Vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu hóa
Triển vọng nền kinh tế trong thời gian tới:
+ Với những tin hiệu tốt thu được, khẳng định cách thức hành động của thế giới đang đúng đắn. Hiệu quả của việc vận dụng học thuyết Keynes đã được khẳng định. Các chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong điều giúp hành kinh tế thoát khỏi suy thoái. Hiện tại, các chính sách kinh tế tiếp tục được duy trì, nhiều nước đã có những hành động mạnh tay hơn: Nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy mạnh chính sách tài khóa, tung ra các gói kích cầu kinh tế.
Các biện pháp, chính sách này tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Bởi tính độ trễ, các giải pháp sẽ phát huy tác dụng tốt vào quý 3 và quý 4. Đặc biệt, là tác động mạnh mẽ của chính sách tiền tệ: Lãi suất thấp, tăng cung tiền.
+ Hệ thống tài chính đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, dần ổn định trở lại, thanh khoản cao, lãi suất ở mức thấp, thị trường chứng khoán có giai đoạn hồi phục ấn tượng, thanh khoản tăng mạnh, mức phục hồi đều từ 30-50%, thị trường bất động sản vẫn giảm giá song mức giá đang dần ổn định, doanh số giao dịch đã ấm trở lại sau giai đoạn đóng băng.
Tất cả những điều này sẽ làm cho sự thanh khoản trong thị trường vốn tăng cao, khơi thông, thu hút thêm các nguồn vốn cho nền kinh tế. Giá vàng đang trong giai đoạn ổn định luôn duy trì ở mức cao ( trên 900usd/ once ) đây là một lượng vốn tiềm tàng rất lớn ( so với trước khủng hoảng mức trung bình chỉ là 700usd/ once) cho nền kinh tế thế giới khi kinh tế phục hồi lượng vốn này sẽ dịch chuyển vào lĩnh vực sản suất, đầu tư.
+ Niền tin của người dân ở hầu hết các nước đã trở lại mức cao nhất trong nhiều tháng nay. Tiêu dùng đã có xu hướng tăng trở lại khi giá cả hàng hóa ở mức thấp và nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ nhằm kích cầu nội địa. Đây là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế sẽ giúp kinh tế chậm đà suy giảm. Niềm tin trở lại sẽ thúc đẩy tiêu dùng cũng như đầu tư.
+ Nhiều chỉ số về sản xuất đã có những tín hiệu tích cực, do chi phí vốn thấp, nguồn ra đã được khơi thông do các gói kích cầu nội địa của chính phủ, niềm tin người dân trở lại. Tuy nhiên, tại Mỹ và châu Âu, tiêu dùng người dân sẽ tiếp tục bị hạn chế do mức độ tiết kiệm thấp trong thời gian trước. Tại các nước châu Á tỷ lệ tiết kiệm người dân khá cao, nên tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì ở mức cao.
Tổng hợp những nhận định:
Những dấu hiệu ban đầu của kinh tế thế giới, đã tạo ra những tín hiệu tích cực, đây là những dấu hiệu khẳng định sự sụt giảm đã chững lại tại Mỹ, châu Âu,Úc…Trung Quốc hướng tới tăng trưởng tốt, đây là bước đầu hướng tới đáy của cuộc suy thoái. Tất cả những yếu tố trên là nền tảng để khẳng định kinh tế thế giới có thể phục hồi sớm hơn.
Tóm lại, có 5 nhân tố quan trọng bậc nhất mà chúng ta đã thấy những dấu hiệu tích cực, đó là:
+ Hệ thống tài chính, hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư.
+ Hoạt động sản xuất.
+ Thị trường nhà đất.
+ Niềm tin người dân.
+ Nhân tố đóng vai trò trung tâm là tất cả các chính phủ đều duy trì các biện pháp kích cầu kinh tế: Tiếp tục nới lỏng tài chính tiền tệ, đẩy mạnh kích cầu. Chúng tôi nhấn mạnh nhân tố này, và nhân tố này sẽ tiếp tục phát huy tốt trong giai đoạn tới.
Cuộc đại khủng hoảng năm 1930, kéo dài trong nhiều năm là do thiếu nhân tố thứ 5. Cuộc khủng hoảng hiện tại đã kéo dài 16 tháng và có nhiều cơ sở để khẳng định chỉ kéo dài trong 24 tháng.
Với những phân tích, tổng hợp trên chúng tôi nhận định kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm nay.
Châu Á nơi có nhiều động lực kinh tế, ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, bất động sản, sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế sớm hơn. Các nước Châu Á cũng nhận thấy mô hình tăng trưởng nhờ suất khẩu đã không còn phù hợp. Hiện tại, họ đang tìm những con đường khác nhau cho mô hình tăng trưởng kinh tế, hầu hết các nước đang lựa chọn cách hướng vào thị trường nội địa.
Đã có nhiều những tranh luận về thời điểm tăng trưởng trở lại của nền kinh tế thế giới: Một là kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng vào cuối năm 2009, hai là sẽ tăng trưởng trở lại vào giữa năm 2010. Đa số chính phủ các nước khẳng định suy thoái sẽ chấm rất vào cuối năm 2009 và tăng trưởng trở lại. Fed và nhiều chuyên gia nổi tiếng đều khẳng định cuộc suy thoái sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Viện nghiên cứu chu kỳ kinh tế (Economic Cycle Research Institute) dự đoán kinh tế Mỹ sắp hồi phục. Trong báo cáo của viện, chỉ số Weekly Leading Index đo lường tăng trưởng tương lai của kinh tế Mỹ trong tuần kết thúc ngày 01/05 tăng lên mức cao nhất trong 17 tuần là 109,3. Mức của tuần trước đó là 107,7.
Để khẳng định thêm xu hướng, mức độ cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới chúng ta cần chờ thêm những thông tin kinh tế thế giới trong tháng 5. Khi so sánh dữ liệu kinh tế trong 3 tháng liên tiếp 3, 4, 5, chúng ta sẽ có những bằng chứng để khẳng định điều đó. Theo phân tích dự đoán, tình hình kinh tế tháng 5 sẽ tốt hơn tháng 4.
3. Những nguy cơ tiềm ẩn khi kinh tế phục hồi:
Bên cạnh những thay đổi tích cực chúng ta cũng nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn khi nền kinh tế phục hồi, đó là những điều không thể tránh khỏi khi chúng ta thực hiện mạnh mẽ các giải pháp kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu chính phủ các nước quá thiên về đẩy mạnh phục hồi kinh tế mà buông lỏng các biện pháp kiểm soát rủi ro, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ lại bước vào một chu kỳ hủng khoảng mới.
Những nguy cơ tiềm ẩn có thể đe dọa nền kinh tế thế giới:
+ Chính sách tiền tệ luôn là con dao hai lưỡi, đã có nhiều minh chứng trong lịch sử khẳng định kết luận này. Đã từng có một lời khẳng định nổi tiếng “ Nắm được quyền chi phối tiền tệ sẽ kiểm soát được đất nước đó”. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề: Nguy cơ về tín dụng dưới chuẩn tăng cao, kéo theo những nguy cơ về nợ xấu cùng những khoản thu lỗ tín dụng khi có bất ổn xảy ra. Đây cũng chính là điều mà nước Mỹ gặp phải trong giai đoạn 2000-2007
Vì vậy, chính phủ các nước phải tăng cường kiểm soát rủi ro. Hành động hợp lý để cân bằng các yếu tố của nền kinh tế, xã hội, hướng tới tăng trưởng bền vững.
+ Thâm hụt ngân sách ở mức báo động, đa số các nước trên thế giới mức thâm hụt ngân sách sẽ chạm ngưỡng cảnh báo 4-5% GDP. Mức an toàn mà Mỹ, Châu Âu cho phép là 3%. Tuy nhiên, sức ép về thâm hụt ngân sách sẽ giảm bớt áp lực vào giai đoạn kinh tế phục hồi.
+ Thâm hụt ngân sách cao, chính sách tiền tệ nới lỏng, các chính sách tiền tệ mở rộng được thực hiện, lượng cung tiền bơm vào nền kinh tế đột biến, giá cả hàng hóa sẽ gia tăng mạnh khi kinh tế phục hồi sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát trong giai đoạn tới.( thời gian tác động mạnh sau 1-2 năm). Chính phủ các nước sẽ phải thực sự thận trọng và có những điều hành chính sách phù hợp để đề phòng lạm phát.
+ Một trong mối quan ngại là chính phủ các nước tiếp tục duy trì tăng cường các chính sách bảo hộ, điều này sẽ hạn chế hoạt động thương mại của thế giới, đi ngược lại với xu hướng tự do hóa thương mại.
( Các dữ liệu phân tích được lấy từ Bloomberg, finance.yahoo, Reuters, CNN vneconomy, cafef , vnexpress ).
II. Viễn cảnh kinh tế Việt Nam:
1. Bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian qua:
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cùng với xu hướng thế giới chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp điều hành quyết liệt nhằm chặn đà suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô và hướng tới tăng trưởng bền vững. Hai giải pháp chính là: Chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ mở rộng:
+ Chính phủ đã đưa ra các gói kích cầu nhằm chặn đà suy giảm, gói kích cầu thứ nhất đã được triển khai nhằm hỗ trợ lãi suất khoảng 17,000 tỷ, gói kích cầu thứ 2, với tổng nguồn vốn khoảng 8 tỷ USD, nhằm hỗ trợ lãi suất trong trung dài hạn và kích cầu đầu tư.
+ Chính phủ cũng thực hiện một loạt các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng thấy trong nhiều năm: Duy trì các loại lãi suất ở mức thấp, lãi suất cơ bản là 7%, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức 10% xuống 5%, tăng nguồn cung tiền, các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Quý I/2009 nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, đa số các lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng nặng nề:
+ GDP chỉ tăng 3.1%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch là 6% và mức 7.4% của cùng kỳ năm trước. buộc chính phủ phải điều chỉnh kế hoạch năm 2009 còn 5% ( theo nhiều chuyên gia và tổ chức thế giới tăng trưởng GDP năm 2009 sẽ chỉ đạt 4-4.5%).
+ Tất cả các lĩnh vực sản xuất đều có mức tăng thấp đều thấp, bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,5%; khu vực dịch vụ tăng 5,4%, thua xa mức tăng trưởng của các giai đoạn trước,
+ Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn đạt 13.5 tỷ USD, chỉ tăng 2.4% so với cùng kỳ, mức tăng chỉ tập trung ở một số mặt hàng. Nếu không tính lượng vàng xuất khẩu thì kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chỉ đạt 11.2 tỷ USD giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, và sẽ nhập siêu 640 triệu USD. Trong tháng 4/2009, mức nhập siêu đã lên 700 triệu USD.
+ Nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm sụt mạnh: Vốn FDI giảm cả về quy mô đăng ký lẫn tốc độ giải ngân, FDI giảm 40% so với cùng kỳ. Theo Bộ kế hoạch đầu tư, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong quý I/2009, FDI cả nước đạt 6 tỷ USD, giảm 40% so với cùng kỳ. Giải ngân của ODA 3 tháng đầu năm chỉ đạt 5,7% kế hoạch cả năm 2009.
+ Chỉ số CPI quý I/2009 tăng 14,47% so với quý I/2008, mức tăng quá lớn làm giảm sức mua của tiêu dùng trong nước, ảnh hưởng đến mức sống của người dân, thu ngân sách giảm mạnh, chi tăng dẫn đến thâm hụt ngân sách tăng đột biến, mức thâm hụt khó thấp hơn 8%.
Trong bối cảnh u ám của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện kết quả tích cực. Những biện pháp điều hành của Chính Phủ đã phát huy hiệu quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi chính phủ phải có những điều hành quyết liệt đảm bảo ngăn chặn đà suy giảm, ổn định vĩ mô hướng đến tăng trưởng
2. Cơ cấu kinh tế mất cân đối:
Sau những biến động mạnh của nền kinh tế trong năm 2008, cùng những ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc suy thoái toàn cầu mô hình kinh tế của nước ta đã bộc lộ những mất cân đối về cơ cấu:
+ Sự tương phản giữa các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước với doanh nghiệp quốc doanh: Khu vực doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi: Chiếm lượng vốn đầu tư lớn, lợi thế trong nhận các dự án, ưu đãi trong vay vốn, chiếm gần 70% lượng vốn đầu tư. Tuy nhiên, chỉ số hiệu quả đầu tư thấp trong giai đoạn dài 2000-2009 (do hệ số ICOR khoảng 6-7 ở mức cao, các nước như Thái Lan, Singapor, Trung Quốc, Indonexia có hệ số ICOR đều thấp hơn 4 ), hiệu suất tạo việc làm cũng thấp. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thì ngược lại, nhận được ít nguồn vốn đầu tư, mức độ ưu đãi thấp những hiệu quả đầu tư tốt, là khu vực tạo được nhiều việc làm. Điều này, làm cho hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế thấp, dự báo trong năm 2009 hệ số ICOR ở nước ta còn cao hơn nữa, đây là một trong nguyên nhân làm mức lạm phát ở nước ta luôn ở mức cao.
+ Mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ( xuất khẩu so với GDP bằng 70%), độ mở nền kinh tế lớn, do vậy trong giai đoạn suy thoái toàn cầu mô hình này sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Mức độ sụt giảm kim nghạch xuất nhập khẩu trong năm 2009 đều dự báo ở mức trên 15%. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam 70% là ngoài khu vực Châu Á, và 50% là vào các nước Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Đây đều là những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của suy thoái và dự kiến quá trình phục hồi sẽ kéo dài và chậm.
Chính vì thế mô hình tăng trưởng ở Việt Nam dựa vào xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng trong những năm tới. Để đối phó với tình hình này, cũng như các nước Châu Á chính phủ Việt Nam đang từng bước tìm những con cách thức mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trong những cách tốt là hướng vào thị trường nội địa, kích thích tiêu dùng nội địa.
+ Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư của nước ta phụ thuộc quá nhiều vào nhà nước. Chính phủ luôn tìm cách duy trì tăng trưởng bằng tăng nguồn chi, nhưng hiệu quả đầu tư không cao nên mức bội chi ngân sách luôn ở mức cao hơn 4%, đây là mức đáng báo động. Trong những năm gần đây tăng trưởng kinh tế nước ta có được là nhờ vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài ( trong các năm 2001-2004 tỷ trọng đầu tư nước ngoài chiếm 14%, trong hai năm 2007,2008 đều chiếm hơn 35% tổng nguồn vốn đầu tư), nguồn vốn đầu tư tư nhân luôn ở mức khá thấp trung bình dưới 20%. Như vậy, trong cơ cấu đầu tư nhà nước chưa khuyễn khích được đầu tư của khu vực tư nhân, một khu vực kinh tế năng động với hiệu quả cao đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Đây là một trong những bất cập.
3. Những tác động tới Việt Nam từ những thay đổi tích cực của thế giới:
Như đã phân tích ở trên nền kinh tế thế giới đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trong tháng 4, đà suy giảm đã chậm lại bước đầu hướng tới đáy của cuộc suy thoái. Đây là những thông tin rất với nền kinh tế Việt Nam:
+ Nền kinh tế nước ta có độ mở cao, giá trị xuất khẩu bằng khoảng 76% GDP, nhập khẩu khoảng 120% GDP. Xuất khẩu sẽ có những dấu hiệu tích cực cùng với mức độ hồi phục của kinh tế thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu như nguyên liệu thô ( cao su, dầu thô, khoảng sản…) và mặt hàng nông sản ( lúa gạo, hồ tiêu,…) sẽ có lợi thế khi kinh tế phục hồi. Trong thời gian gần đây, giá cả hàng hóa có xu hướng tăng trươc những tín hiệu kinh tế: Dầu thô, kim loại, lúa gạo, mặt hàng năng lượng…Đây là điểm sáng trong tình trạng thương mại thế giới vẫn còn u ám mà Việt Nam nên tận dụng trong thời gian tới, để bù cho những mặt hàng xuất khẩu khác đang bị ảnh hưởng.
+ Các nền kinh tế Châu Á được đánh giá sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng sớm hơn, những lợi thế hấp dẫn của các nền kinh tế Châu Á vẫn còn nguyên: Dân số trẻ, tiết kiệm nội địa lớn, sức mua tiêu dùng tăng trưởng tốt, có nguồn lao động rẻ, nguồn nguyên liệu thô… Việt Nam là nằm top những nước hấp dẫn hàng đầu. Điều này, sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài trở lại (sau thời gian suy giảm mạnh) khi kinh tế có dấu hiệu tốt.
+ Tâm lý các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ tốt hơn khi thấy những tín hiệu tốt của nền kinh tế thế giới họ sẽ mạnh dạn tìm kiếm cơ hội đầu tư, khởi động lại sản xuất….
Đó là những tác động tích cực của nền kinh tế thế giới đối với Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động thương mại thế giới sẽ thay đổi rất chậm bởi quá trình phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế thế giới vẫn là một chặng đường giai dẳng. Hoạt động thương mại thế giới chỉ thực sự tốt và ổn định vào năm 2010.
4. Viến cảnh kinh tế Việt Nam:
Dưới tác động mạnh của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế trong nước, và các biện pháp điều hành kinh tế của chính phủ, các yếu tố vĩ mô sẽ có nhiều biến động. Do cơ cấu kinh tế của nước ta có nhiều bất cập nên tình hình kinh tế vĩ mô tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm làm cho dư địa về điều hành kinh tế của chính phủ không còn nhiều: Thâm hụt ngân sách, lãi suất, lạm phát, cán cân thanh toán... Những vấn đề nhạy cảm này đặt ra bài toán tương đối khó khăn trong điều hành kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu: Ngăn chặn đà suy giảm, ổn định vĩ mô hướng đến tăng trưởng bền vững.
4.1. Những yếu tố tích cực đến quá trình phục hồi của nền kinh tế:
- Vai trò điều hành của chính phủ:
Cùng với xu hướng chung của thế giới, vai trò quan trọng của chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế tiếp tục được khẳng định. Chính phủ đang thể hiện quyết tâm thông qua việc điều hành chính sách:
+ Chính sách tài khóa: Gói kích cầu thứ nhất 17000 tỷ đã và đang được triển khai phát huy những kết quả bước đầu. Dù có nhiều hạn chế xong đã giảm sức ép lên các doanh nghiệp. Gói kích cầu thứ hai đã bắt đầu từ ngày 1/5/2009, nhằm hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ thuế ( đặc biệt với các doanh nghiệp xuất khẩu ), tăng cường đầu tư… Tổng gói kích cầu mà chính phủ triển khai khoảng 8 tỷ USD. Đây là một con số khá lớn, thể hiện sự quyết tâm của chính phủ.
Từ 1/5/2009, mức lương mới bắt đầu được tiến hành, với mức tăng 20%, kích thích tiêu dùng ( tuy nhiên chỉ có khoảng 4 triệu công chức, nên sức tiêu dùng tăng lên không nhiều).
+ Chính sách tiền tệ mở rộng: Chính phủ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp ( lãi suất cơ bản là 7%) lãi suất cho vay trần các tổ chức tín dụng là 10.5%, cùng với các gói hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp đang được hưởng chi phí vốn vay rất hấp dẫn. Chính phủ tăng nguồn cung tiền, kích thích đầu tư, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nâng biên độ ngoại tệ lên 5% từng bước làm yếu tiền đồng. Với những diễn biến của chỉ số CPI trong những tháng đầu năm và mức cao nhất trong năm khoảng 6%, chính phủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong vài tháng tới.
Chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng là những giải pháp mạnh giúp ngăn chặn đà suy giảm và phục hồi lại mức tăng trưởng của nền kinh tế. Trong những tháng tới sẽ tiếp tục phát huy tác dụng.
- Những tín hiệu tích cực trong hệ thống tài chính:
Sau năm 2008 gặp nhiều biến động mạnh, năm 2009 hệ thống tài chính đã ổn định trở lại, do hệ thống ngân hàng không chịu tác động lớn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu: Nguồn vốn lưu động trong các ngân hàng dồi dào, hoạt động tín dụng diễn ra bình thường, đang có xu hướng tăng lên sau khi trầm lắng vào các tháng quý I. Điều này chứng tỏ nguồn vốn đang từng bước đi vào nền kinh tế. Các ngân hàng đều đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2009 rất cao sau khi bị ngừng trệ vào năm 2008.
Bảng thống kê hoạt động tín dụng hệ thống ngân hàng:
Tháng
1
2
3
4
Tăng trưởng huy động
0.18%
1.62%
3.4%
3.74%
Tăng trưởng cho vay
0.52%
0.23%
1.92%
4.86%
Thị trường chứng khoán, có mức tăng mạnh ( khoảng 60% so với mức đáy 235 ), thanh khoản tăng mạnh, tạo ra tính thanh khoản nguồn vốn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như một phần vốn đầu tư từ tiết kiệm, từng bước phục hồi lại hoạt động huy động vốn. Với việc giá vàng luôn duy trì ở mức cao, tạo tính thanh khoản trên thị trường vàng, tạo ra nguồn vốn tiềm năng.
- Thị trường nhà đất: Thị trường nhà đất dần ổn định trở lại sau thời gian sụt giảm và đóng băng suốt năm 2008:
+ Điểm sáng nhất trên thị trường bất động sản là hoạt động xây dựng và triển khai các dự án: Sau một năm ngừng trệ do tăng giá nguyên vật liệu, chi phí vốn vay cao, thị trường bất động sản đóng băng. Hoạt động xây dựng tiếp tục được đẩy mạnh cả dân dụng cũng như các dự án lơn, các dự án cơ sở hạ tầng được triển khai mạnh… Điều này rất tích cực do ngành xây dựng tác động tới nhiều lĩnh vực khác như ngành nguyên vật liệu, tạo việc làm, tăng tuần hoàn vốn…
+ Phân khúc nhà đất trung bình doanh số giao dịch tăng, nhiều nơi giá đã nhích lên, trong phân khúc này nhu cầu mua nhà khá cao. Tuy nhiên, phân khúc cao cấp chưa có nhiều tín hiệu tích cực.
+ Chi phí vốn rẻ, hoạt động tín dụng đối với thị trường bất động sản đang được hệ thống ngân hàng chú ý, cho vay trở lại gần đây là MB, BIDV, ACB… với những tín hiệu tốt về thị trường nhà đất và tình hình kinh tế các ngân hàng sẽ từng bước khởi động trở lại hoạt động tín dụng trong lĩnh vực bất động sản Nguồn vốn cho thị trường bất động sản khoảng 60-70% là tư ngân hàng.
- Nội lực trong dân:
+ Nguồn lực tiết kiệm trong dân rất dồi dào ( tổng lượng vàng và USD ước tính trên 45 tỷ USD), đây là nguồn lực lớn cần đánh thức phục vụ phát triển kinh tế.
+ Tiêu dùng người dân: Sức tiêu dùng người dân ngày càng tăng. T iêu dùng của người Việt Nam đã chiếm tỷ trọng lớn, và ngày càng tăng trong GDP, tăng từ 69,7% năm 2005, lên đến 71% trong năm 2008 . Điều này khẳng định tính hấp dẫn của thị trường trong nước là cơ sở để các doanh nghiệp khai thác.
+ Mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu đang suy yếu, gặp nhiều khó khăn. Chính phủ và các doanh nghiệp đã nhận thấy hạn chế trong mô hình đó. Chiến lược hướng vào thị trường nội địa đang được chú ý, điều này nếu được thực hiện sẽ giảm bớt phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu.
Theo khảo sát chỉ số niềm tin vào nền kinh tế đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Việt nam là một trong nước được khảo sát có tỷ lệ cao nhất khoảng 60%.
- Bức tranh kinh tế Việt Nam quý I là khá tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu u ám.
Trong quý II, dự báo sẽ tốt hơn nhờ các giải pháp của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng mạnh hơn ( do có độ trễ ).
- Tác động tích cực của tình hình thế giới: Đã phân tích ở trên.
4.2. Những hạn chế ảnh hưởng đến quá trình của nền kinh tế và những nguy cơ tiềm ẩn:
- Cơ cấu kinh tế: Như đã phân tích ở trên, nội tại kinh tế Việt Nam còn chứa đựng nhiều bất cập là giảm tính hiệu quả của các giải pháp mà Chính phủ triển khai. Đồng thời nảy sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn với nền kinh tế.
+ Thâm hụt ngân sách: Việc chính phủ quyết tâm thực hiện gói kích cầu 8 tỷ USD đẩy thâm hụt ngân sách lên trên 8%, đây là con số báo động. Hiên tại, tổng các nguồn nợ của chính phủ ( vay, huy động trái phiếu…) chiếm gần 50% GDP ( dự báo năm 2009), trong đó các khoản vay và bảo lãnh cho cách doanh nghiệp vay ( vay tín dụng, phát hành trái phiếu…) là khoảng 19 tỷ USD chiếm 30% GDP, thâm hụt thương mại luôn ở mức cao năm 2008 khoảng 17 tỷ USD, năm 2007 là 11.2 tỷ USD, dự kiến năm 2009 là 4 tỷ USD ( do nhập khẩu giảm mạnh). Tất cả các vấn đề trên sẽ gây trở ngại lên triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế: Nguồn vốn đầu tư công bị áp lực giảm xuống trong giai đoạn tới ( do mức thâm hụt cao, mức nợ lớn), huy động vốn bằng trái phiếu sẽ gặp khó khăn,….
Đồng thời gây tác động ngắn hạn lên các yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá.
Bảng thâm hụt ngân sách của các quốc gia:
Quốc gia
Thâm hụt dự kiến
2009 ( tỷ USD)
Thâm hụt dự kiến
2009 ( % GDP)
Mỹ
1600-1800
4-4.5%
Trung Quốc
139
3%
Anh
5.5%
Châu Âu
4%
Ireland
12%
Thai Lan
12
4.8%
Việt Nam
7-8
8%
+ Mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu sẽ tiếp tục khó khăn trong những năm tới, do sự phục hồi của các thị trường chính sẽ kéo dài, đồng thời các chính sách bảo hộ tăng lên do suy thoái. Gây khó khăn lên tăng trưởng kinh tế do nước ta có độ mở kinh tế cao.
+ Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng gây áp lực lên nền kinh tế, trong đó nhiều lao động xuất khẩu sẽ phải về nước do chính sách nước sở tại.
+ Nguy cơ lạm phát, nợ dưới chuẩn, nợ xấu trong những năm tới là rất lớn do cơ cấu kinh tế, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng trong thời gian dài. Dẫn đến phải điều chính thắt chặt trở lại khi có vấn đề nhạy cảm.
+ Chính sách tài khóa và tiền tệ không thể thực hiện mạnh mẽ hơn nữa do các yếu tố nhạy cảm: Thâm hụt ngân sách cao kỷ lục, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, áp lực tỷ giá, tỷ lệ nợ đã ở mức cao, huy động vốn từ trái phiếu gặp nhiều khó khăn… Đối với các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất khi hết thời gian hỗ trợ sẽ là một áp lực lên doanh nghiệp, nếu không được tính toán hợp lý sẽ gây sốc cho doanh nghiệp ( đặc biệt trong trường hợp kinh tế không khởi sắc).
4.3. Những chỉ số kinh tế quan trọng 2009:
So sánh các chỉ số vĩ mô năm 2008 giữa Việt Nam và các nước trong khu vực:
Trung Quốc
Malaysia
Thái Lan
Việt Nam
Tốc độ tăng trưởng GDP 2007
11.9
6.3
4.9
8.5
2008
9.1
5.1
3.4
6.3
Cân đối ngân sách ( %GDP)
0.2
-5.4
-1.4
-5.0
Cân đối tài khoản vãng lai(%GDP)
10.5
10.6
-1.0
-13.7
Dự trữ ngoại hối ( tỷ USD )
1995.0
100.0
103.0
23.0
Quy mô gói kích thích ( tỷ USD)
586.0
1.9
8.7
8.0
Quy mô gói kích thích ( %GDP)
16.7
1.0
3.5
14.5
Thâm hụt dự kiến 2009 (%GDP)
3
4.8
8
- Tốc độ tăng trưởng GDP:
Do phải cân bằng giữa nhiều mục tiêu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cùng tác động suy thoái toàn cầu, từ những phân tích trên mức tăng trưởng GDP mà Việt Nam có thể đạt là 4.5%.
- Thâm hụt ngân sách:
Từ những quyết định của Chính phủ về thực hiện gói kích cầu 8 tỷ USD, mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2009 sẽ chạm 8%, đây là mức rất đáng ngại có những tác động ngắn hạn cũng như dài hạn. Mức 8% gấp 2 lần của nhiều nước. Gói kích cầu 8 tỷ USD là khá lớn so với các nước khác ( theo %GDP), trong khi các yếu tố như cấn cân vãng lai, dự trữ ngoại tệ đều không bằng các nước khác, điều này sẽ gây ra nhiều biến động. Rõ ràng, quyết tâm của chính phủ là cần thiết bởi nguồn vốn đầu tư bị ảnh hưởng do suy thoái toàn cầu, xuất khẩu ( không tính vàng) sụt giảm, cần mạnh tay tăng đầu tư công kích thích kinh tế trong nước.
Nhưng gói kích cầu 8 tỷ USD là khá lớn làm mức thâm hụt ngân sách vượt quá mức an toàn cho phép. Trong bảng trên khi so sánh với các nước về các chỉ số dự trữ ngoại tệ, tài khoản vãng lai, thâm hụt ngân sách, lạm phát rõ ràng gói kích cầu 8 tỷ USD là không an toàn, mức kích cầu 6 tỷ USD sẽ làm cân bằng nền kinh tế hơn.
Những nguồn huy động vốn tài trợ cho thâm hụt ngân sách: Phát hành trái phiếu, đẩy mạnh huy động vốn từ các ngân hàng, sử dụng hợp lý nguồn dự trữ, vay nợ từ nước ngoài và thông qua việc in thêm tiền. Do vậy, nguồn tài trợ cho chi ngân sách là hoàn toàn được. Tuy nhiên, mức huy động lớn sẽ tác động đến các yếu tố vĩ mô như lãi suất, lạm phát, tỷ giá, … Do vậy, cần cân bằng giữa các kênh huy động vốn nhằm ổn định các yếu tố đó.
Mức thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống 5% vào năm 2010.
- Biến động lãi suất:
Trong thời gian còn lại của năm áp lực tăng lãi suất ngày càng lớn:
+ Yêu cầu vốn cho nền kinh tế đang dần trở lại ( tháng 4 dư nợ tăng 4.86% tháng 5 dự kiến tăng khoảng 4 %), tốc độ tăng huy động chậm hơn điều này khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động. Trong nửa đầu tháng 5 đã diễn ra cuộc đua lãi suất huy động ở khối ngân hàng, mức bình quân đều tăng lên khoảng 9-9.5%/ năm, có ngân hàng đã 9.7%. Dự báo trong thời gian còn lại của năm các ngân hàng sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn để đáp ững nguồn vốn cho nền kinh tế.
+ Trái phiếu sẽ là nguồn huy động chính nhằm tài trợ cho chi ngân sách, tuy nhiên những cuộc đấu thầu gần đây không thành công do mức lãi suất trần thấp ( khoảng 8%) trong khi các đơn vị đấu thầu yêu cầu mức trên 9%. Do vậy, lãi suất trái phiếu sẽ bị đẩy lên tạo tính hấp dẫn. Kéo theo lãi suất ngân hàng sẽ nhích lên.
+ Bóng dáng của lạm phát là rất rõ ràng, trong khi các nước chỉ số lạm phát 2009 dự báo ở mức khá thấp, nhiều nước lo giảm phát thì chỉ số CPI của Việt Nam sẽ vẫn tăng khoảng 6%.
+ Giảm lãi suất cũng tác động không tốt lên tình hình tỷ giá.
Do vậy, lãi suất cơ bản tiếp tục duy trì ở mức này trong một vài tháng tới, khi nền kinh tế ổn định sẽ tăng lên 8%. Lãi suất huy động có thể chạm ngưỡng 10-10.5% trong năm nay.
- Chỉ số lạm phát CPI:
Có nhiều áp lực làm tăng chỉ số CPI trong năm nay, so sánh với các nước khác có thể thấy Việt Nam quá dễ tổn với lạm phát. Các nguyên nhân chính:
+ Nguyên nhân chủ đạo và cũng là lý do giải thích sự khác biệt với các nước là cơ cấu kinh tế bất hợp lý, không hiệu quả. Việc cải tổ cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải có sự cải cách mạnh mẽ và lâu dài.
+ Chính phủ thực hiện mạnh mẽ các giải pháp kích thích kinh tế, chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, làm tăng nguồn vốn đầu tư, nguồn cùng tiền ra nguồn kinh tế, dự báo mức tăng trưởng tín dụng có thể lên đến 30% trong năm 2009, thâm hụt ngân sách ở mức báo động. Đặc biệt, mức thâm hụt ngân sách lớn là sức ép lên lạm phát trong những năm tới.
+ Giá cả hàng hóa sẽ có xu hướng tăng khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, gây áp lực lên đầu vào. Chẳng hạn, so với đầu năm giá xăng đã tăng 14%, các mặt hàng xăng dầu còn lại tăng khoảng 4.5%.
+ Tỷ giá tăng lên có thể làm cho nước ta nhập khẩu lạm phát bởi tỷ trọng nhập khẩu so với GDP là khá lớn ( năm 2008 nhập khẩu so với GDP là 117%, năm 2009 sẽ vẫn trên 100%), trong khi giá cả hàng hóa có xu hướng tăng.
Với những phân tích trên, cùng phân tích giỏ hàng hóa trong CPI, dự báo chỉ số CPI tiếp tục tăng trong tháng 5,6,7 ( CPI tháng 5 khoảng 0.5-0.7%, tháng 6 khoảng 0.5-0.8%, tháng 7 khoảng 0.5-0.8%) các tháng tiếp theo 8,9,10 mức tăng nhẹ, các tháng cuối năm 11,12 mức tăng có thể 0.5-1%.
Trong năm 2009, chỉ số CPI khoảng 6%, rõ ràng đây là mức quá cao trong bối cảnh kinh tế toan cầu suy thoái, và tốc độ tăng trưởng thấp chỉ khoảng 4.5%. Điều này ảnh hưởng đến sức mua và mức sống của người dân.
- Cán cân thanh toán:
Năm 2009, thậm hụt thương mại tối đa là 5 tỷ USD giảm đi nhiều so với năm 2008, mức nhập siêu giảm do xuất khẩu tăng nhẹ trong khi nhập khẩu giảm hơn 25%. Với sự yếu đi của tiền đồng, giá hàng hóa nguyên vật liệu như dầu thô, cao su, hàng nông sản có xu hướng tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ sẽ kích thích xuất khẩu làm giảm sức ép thâm hụt thương mại.
Tỷ giá tiếp tục chịu sức ép do thâm hụt ngân sách cao, tiền đồng vẫn đang bị định giá cao khoảng 3%, nhập siêu, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, chỉ số CPI của Việt Nam tiếp tục tăng 6% trong khi Mỹ chỉ tăng dưới 1%, nhiều nước giảm...Tỷ giá nên được điều hành linh hoạt, từng bước phá giá để hướng tới cân bằng.
Kết luận: Do nền kinh tế tiềm ẩn nhiều yếu tố nhạy cảm, cơ cấu kinh tế bất hợp lý, nên kinh tế Việt Nam năm 2009 không thể có bước hồi phục đột phá, tốc độ tăng trưởng khoảng 4.5%. Nhìn chung các chỉ số kinh tế năm 2009 sẽ không được tốt, nhiều chỉ số ở ngưỡng nhạy cảm, gây sức ép lên nền kinh tế. Tuy nhiên, với những đặc điểm và lợi thế khác biệt, tình hình vĩ mô sẽ được duy trì ổn định, quá trình phục hồi diễn ra từ từ và không có những biến động mạnh. Mức độ phục hồi của thế giới đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Việt Nam.
( Các dữ liệu phân tích được lấy từ Bloomberg, finance yahoo, Reuters, CNN, vneconomy, cafef , vnexpress và kỷ yếu về hội thảo khoa học quốc gia ngăn chặn suy giảm kinh tế Việt Nam)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro