#85
Tiếc rằng, cho dù anh gọi vợ khản cổ, vợ cũng không nghe thấy. Vợ... vợ không tranh luận với anh nữa rồi... anh... anh phải đưa vợ đến bệnh viện. Đến bệnh viện thì các bác sĩ mới chữa trị cho vợ được chứ. Đúng rồi, phải gọi xe cấp cứu. Anh toan lấy điện thoại, nhưng lại run rẩy đến mức làm rơi máy xuống bậc thang phía dưới, vỡ choang. Ruột gan nát tan như bị ai đó cắn xé, anh cố gắng trấn tĩnh rồi bế xốc vợ dậy, hối hả ôm vợ lao xuống dưới để gọi taxi. Thấy tình hình nguy kịch, tài xế phóng nhanh hết sức có thể. Máu chảy ra không ngừng, máu thấm ướt áo anh, một màu đỏ kinh hoàng làm tê buốt trái tim anh. Anh áp lòng bàn tay lên vết thương của vợ, anh biết vợ đau lắm, anh siết chặt vợ trong lòng, động viên chị hãy cố gắng. Anh van xin, anh nài nỉ. Tuy nhiên, đáp lại anh chỉ là sự im lìm đáng sợ. Mặc cho anh ra sức hà hơi, chân tay chị cứ mỗi lúc một lạnh, cánh môi nhợt nhạt không chút huyết sắc. Quãng đường chỉ vỏn vẹn có hai cây số thôi, cớ sao xa đến vậy? Vợ sẽ cố gắng chứ? Nhanh thôi mà, sắp đến bệnh viện rồi mà!
Khoảnh khắc cánh cửa phòng cấp cứu đóng lại, chỉ còn một mình anh, thẫn thờ giữa hành lang rộng lớn, cô đơn và lẻ loi hơn bao giờ hết. Vợ sẽ không sao, phải không? Vợ sẽ không bỏ lại anh chứ? Chắc không. Vợ là vợ anh mà, vợ hứa rồi mà, vợ sẽ không bao giờ bỏ anh đâu. Vợ lo cho anh lắm, vợ mà bỏ anh thì vợ đâu thể yên lòng? Ngày xưa, anh cứ mặc định vợ là vợ mình rồi nên chẳng bao giờ lo giữ vợ. Anh suốt ngày hạch sách vợ đủ kiểu. Sau khi ly thân, vợ vẫn quan tâm đến anh, nhưng khách sáo lắm, trong lòng anh tự dưng dâng lên cảm giác mất mát khó tả. Tự dưng, anh thấy chán chường. Anh chán sống trong một căn nhà không có bóng vợ, chán ăn món trứng tanh ngòm của mẹ Bi, chán phải ngủ trên chiếc giường có mùi hương lạ, chán cái cảnh về nhà không thấy ba cục bông tíu tít chạy ra đón. Lúc đó là chán, bây giờ là sợ. Anh sợ rằng sẽ không bao giờ được nhìn thấy nụ cười của vợ nữa.
Mới chỉ mười phút trôi qua thôi, vì đâu ngỡ như cả thế kỷ? Chẳng biết vợ ở trong đó thế nào? Có đau lắm không? Sao anh hỏi ngu thế nhỉ? Hiển nhiên là đau rồi! Giá như anh có thể đau thay vợ. Giá như anh đừng để cơn ghen lấn át lý trí, bình tĩnh nghe vợ giải thích. Giá như anh bao bọc vợ cẩn thận hơn. Giấc mơ kinh hoàng kia cứ lặp đi lặp lại, giống như một kiểu báo mộng, vậy mà anh lại lơ là. Ba Hến ôm đầu gối, ngồi thu lu ở góc tường, mãi đến khi nghe thấy tiếng gọi của anh trai và chị dâu, anh mới giật nảy mình, ngơ ngác hỏi:
- Hai bác... sao lại ở đây?
Mắt bác Vân đỏ hoe, bác khóc hay sao ý, nghẹn ngào không nói lên lời. Bác Đăng giải thích:
- Giám đốc bệnh viện báo tin cho bọn anh.
Anh Hậu gật gù. Cũng phải, đây là bệnh viện tư nhân do nhà bác đầu tư mà, bác nhắc anh mới nhớ. Chắc bác đã giúp anh báo tin cho ba Hào. Một lát sau, anh thấy ba mẹ vợ, cậu Hợp và dì Hợi tất tả chạy đến bên anh. Sợ anh lo lắng, dì Hợi nói luôn:
- Chồng em ở nhà trông bọn trẻ rồi, anh yên tâm.
Không khí căng thẳng lạ thường, gương mặt ai cũng nhợt nhạt. Tất cả mọi người cùng nhìn về phía ba Hến, anh biết anh nợ cả nhà một lời giải thích.
- Vợ con bị ngã cầu thang... là... tại con... nóng tính... tại con không giữ được vợ... tại con đuổi theo vợ...
Giọng anh Hậu run run. Đôi mắt anh sưng húp. Đó là lần đầu tiên trong đời, ông Hào thấy con rể bị khủng hoảng như vậy. Con gái nằm đó, có người ba nào không thương, không xót? Nhưng con rể thì cũng là con, trông nó thất thểu như người mất hồn, ông cũng xót xa lắm. Ông cố kìm nén nỗi đau, từ tốn khuyên nhủ:
- Bát đũa còn có lúc xô nữa là vợ chồng, thôi thì năm xung tháng hạn nên xảy ra chuyện đen đủi thôi chứ chẳng phải tại ai cả.
Anh Hậu nghẹn ngào thú tội:
- Không... không phải tại năm xung... tháng hạn đâu ba... tại nhà con... lấy phải... thằng chồng đểu... nên mới đen đủi...
- Con đừng tự trách mình nữa, mau ngồi lên ghế cho đỡ lạnh. Con yên tâm, vợ con ăn ở hiền lành, ông ngoại và các cụ sẽ phù hộ độ trì cho nó.
Ông vừa dứt lời thì cánh cửa phòng cấp cứu bất ngờ mở ra, bác sĩ gấp gáp thông báo tình hình không được khả quan cho lắm. Bệnh nhân mất nhiều máu quá, lượng máu dự trữ không đủ, trong số người nhà, ai có cùng nhóm máu với bệnh nhân thì mau đi theo ông. Dì Hợi và cậu Hợp ngay lập tức xung phong. Ba Hến đứng đờ đẫn một chỗ, chưa bao giờ anh cảm thấy bản thân mình vô dụng như lúc này. Bao nhiêu năm qua, anh muốn ăn gì, chỉ cần ới một tiếng là vợ sẽ xông vào bếp nấu cho anh ngay. Mỗi lần anh đau người, cũng chỉ cần ới một câu, vợ liền xông tới mát xa cho anh. Vậy mà bây giờ, vợ ở trong tình trạng nguy hiểm, chỉ có mấy giọt máu, anh cũng chẳng thể cho vợ!
Mười phút sau, người đàn ông của vợ hối hả chạy vào bệnh viện. Ba Hào và mẹ Hảo đứng dậy ôm hắn, tình cảm của họ thắm thiết quá, khiến anh có chút ghen tị. Người ấy đến rồi, vợ mà biết, chắc hẳn sẽ vui lắm. Nếu không vì anh, thì hãy vì người vợ thương, vợ cố lên, vợ nhé! Khoảnh khắc anh ôm Hến, Sò, đứng từ trên cao nhìn xuống dưới, thấy chiếc xe sang trọng của hắn hòa vào dòng người, vợ có biết anh đau đến mức nào không? Anh thấy tim mình dường như vừa bị khoét một lỗ sâu hoắm. Anh rất muốn nói ra cho nhẹ lòng, nhưng anh có thể chia sẻ cùng ai đây? Mọi việc cứ theo chiều hướng tệ dần. Một ngày không lâu sau đó, anh mất chức, nhưng có người lại được thăng chức, và rồi, đứng bên cạnh hắn, một người đầy cao ngạo như anh, lần đầu tiên trong cuộc đời cảm thấy tự ti. Đắng. Thật sự rất đắng.
Cũng tại nơi cửa sổ ấy, một lần nữa, anh bần thần quan sát vợ mình, con mình, trèo lên xe của một thằng đàn ông khác. Một mình anh ở trong căn nhà rộng lớn tủi thân biết bao, anh đã không biết rằng ở nhà một mình lại buồn chán đến thế! Anh đã từng là một người đàn ông thành đạt. Anh đã từng nỗ lực phấn đấu, làm ngày cày đêm. Nhưng giây phút đó, anh chợt nhận ra, chẳng còn vợ ở bên anh nữa, phấn đấu cũng đâu để làm gì? Ngày xưa, mỗi lần ký được hợp đồng béo bở, kiếm được một khoản kha khá, anh lại đem tiền về cho vợ. Tuy lớn rồi nhưng anh vẫn phấn khởi y như hai cục bông nhỏ lúc các bé cầm phiếu bé ngoan đem về khoe mẹ vậy. Và anh cũng giống lũ trẻ, thích được nghe vợ khen.
- Chồng em giỏi quá à! Tuy nhiên, mình phải nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!
Trong lòng hân hoan vui sướng, nhưng anh vẫn sĩ diện bảo:
- Ôi dào! Có nhằm nhò gì đâu?
- Một đống tiền thế này, sao lại không nhằm nhò gì? Em sẽ cất tiền thật kỹ nhé! Mình yên tâm, em sẽ không tiêu hoang đâu. Chúng mình sẽ dành dụm để sau này còn lo cho con.
Anh phì cười nêu ý kiến:
- Mình có tiêu cũng chẳng sao, vợ con sống sung túc là anh thấy mãn nguyện rồi.
Vợ cũng cười cười bảo:
- Em chẳng có nhu cầu mua sắm gì cả, lương của em, em còn chẳng tiêu hết. Em chỉ mong mình đừng tham công tiếc việc quá thôi.
Anh xúc động gật đầu. Đến ngày ly thân, vợ nhất định không chịu cầm tiền giúp anh nữa, còn bảo anh nếu như ngại giữ tiền thì đưa cho chị Liên cầm hộ. Ba Hến cười gượng, mẹ Bi ấy à, chưa hết đã xin, chẳng bao giờ là đủ. Túi hiệu, váy hiệu, giày hiệu, cái gì cũng đú, anh thì nào có phải đại gia như bác Đăng? Đưa hết tiền cho chị Liên, chắc có ngày anh và con anh ra ngoài đường ở mất. Với cả, mỗi lần được chuyển khoản, chị thường coi chuyện đó là hiển nhiên. Chưa bao giờ chị hỏi anh tiền này từ đâu mà ra, chị cũng không cần biết anh phải đi tiếp khách bao nhiêu đêm, uống bao nhiêu rượu mới ký được hợp đồng lớn. Chỉ cần có tiền là chị vui rồi. Ngược lại, vợ cho anh cái cảm giác công sức mà mình bỏ ra được trân trọng.
Anh bám vợ thường xuyên hơn. Có lần, anh đã lên kế hoạch hẹn hò với chị Liên rồi, nhưng thấy ba cục bông nhỏ váy áo xúng xính sang nhà ngoại, anh lại không kiềm lòng được, háo hức muốn đi theo. Nhớ hôm đó, dì Hợi vừa bê mâm cơm đi lên cầu thang, vừa chửi chú Thìn. Ba Hào nhắc nhở từ sáng mà hai đứa vẫn cứ gây gổ. Xong dì điên quá hay sao ấy, run tay làm rơi cả chiếc mâm. Mẹ Sò đang gọt đu đủ để pha nước chấm ngay bên dưới, may mà anh chạy ra kịp, chứ không thì chắc anh cũng quát cho dì một trận rồi. Anh ôm vợ trong lòng, cơ thể cường tráng nhiệt thành che chở cho tấm thân nhỏ bé. Bát đũa, thức ăn nóng và cả chiếc mâm đồng đổ ập lên người anh. Bả vai anh đau điếng, da dẻ nhiều chỗ bị bỏng rát. Mặt bà xã tái mét, chị cuống cuồng hỏi han chồng. Anh tươi cười lắc đầu, anh không sao thật mà. Chỉ cần vợ không sao thì anh cũng không sao. Ngặt nỗi, vợ chẳng tin, vợ khóc rưng rức. Mùi hương thơm ngọt của vợ xộc vào mũi khiến cơn đau trên bả vai của anh dịu xuống. Anh véo má vợ, trêu chọc:
- Làm như mình lo cho anh lắm ý!
Vợ bực bội trách anh:
- Lấy phải ông chồng ngốc, không lo mới là lạ đấy! Đang yên đang lành, mình chạy ra đây làm cái gì? Ghét mình ghê!
Anh hâm rồi, vợ trách mà anh lại tưởng như vợ tống đường vào mồm anh mới hài chứ. Anh rất muốn được quay lại như ngày xưa. Anh không muốn ngủ riêng, không muốn sống chung một nhà mà phải chia tiền, không muốn trông thấy cảnh vợ thân thiết với người đàn ông khác. Chính người ấy đã cho vợ máu đó, vợ có biết không? Tại dì Hợi bị ngất nên thầy Thanh đã cứu vợ. Lồng ngực anh đau thắt, người ta tốt, người ta là ân nhân của vợ mà, cớ sao anh lại khó chịu đến thế? Vì đâu lòng anh lại bức bối và ngột ngạt tới vậy? Chờ hoài, đợi mãi, rồi người ta cũng ra. Hắn não nề tiến về phía anh, đúng như anh mong đợi, hắn tiết lộ tình trạng của vợ:
- Con bé... cả người rất nhiều vết bầm tím và rách da. Tuy nhiên, chấn thương ở đầu mới là nguy hiểm nhất... anh nghe y tá nói chuyện qua... hình như ban nãy... Hà còn bị sốc thuốc, sau đó nhịp tim tăng đột ngột... sợ... sợ cứ tình hình này... không trụ được đến tối...
Thầy Thanh đưa tay gạt nước mắt. Nếu không phải đang ở trong bệnh viện thì anh đã đập cho thằng khốn nạn này một trận rồi.
- Anh thất vọng về chú quá! Phúc phận ngàn kiếp mới lấy được người vợ hiền, sao chú lại không trân trọng vợ? Loại đàn ông như chú chẳng xứng với Hà tẹo nào!
Ba Hến lặng thinh nghe thầy chỉ trích. Thầy chửi đúng lắm, hay lắm, anh cũng thấy mình không xứng với vợ. Anh cố gắng suy nghĩ tích cực, nhưng hình ảnh mấy bông cúc cứ hiện ra trong đầu anh. Cúc trắng, vợ cũng mặc váy màu trắng, anh gọi, nhưng vợ chẳng bao giờ nghe thấy, cuối cùng, chỉ còn lại một mình anh trong căn phòng trống với những cánh hoa lác đác. Anh sợ. Nỗi sợ vô hình bao trùm tâm trí, nỗi ám ảnh về những bông cúc to đẹp nở rộ khiến anh kinh hãi. Anh nhớ vợ quá! Thường ngày, vợ mạnh mẽ lắm, chắc vợ sẽ vượt qua được thôi, phải không? Nếu chẳng may vợ mệt mỏi quá, thì chí ít cũng phải gượng dậy nói với anh vài lời trước khi chia xa chứ. Nếu vợ cứ thế mà đi, chắc anh không chịu được đâu. Không thể được! Anh không cho phép, ngàn lần không. Từng giây từng khắc chầm chậm trôi qua, cánh cửa ấy vẫn đóng chặt, không chút động tĩnh. Ba Hến hoang mang hỏi bác Vân:
- Liệu có phải chuyển nhà em lên tuyến trên không hả bác?
Bác Vân cười khổ đáp:
- Chú cuống quá hóa hâm rồi à? Còn tuyến nào nữa? Bệnh viện này, bọn tôi giám sát từ lúc thi công tới lúc khánh thành, đầu tư trang thiết bị tân tiến nhất, mời toàn bác sĩ ưu tú, chú còn định đem vợ đi đâu? Giờ tình trạng của thím tệ như vậy, kể cả chuyển đi thì chắc gì thím đã trụ được tới lúc đến bệnh viện khác? Chú cứ bình tĩnh, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.
Bác Vân chỉ cố tỏ ra mạnh mẽ để động viên chú Hậu thôi, chứ thực ra, lòng bác cũng nặng nề chẳng kém. Ngồi một lát, bác mới nhớ ra chuyện quan trọng, lúc nãy gọi cho ba thím Hà xong, bác quên không báo tin cho ba Hải. Bác lật đật chạy ra ngoài, tình cờ trông thấy Thủy đang mải đẩy giường cấp cứu của bệnh nhân lên phòng hồi sức. Thủy là bạn học cùng lớp cấp ba của bác với bác Đăng. Thủy xinh gái, tốt tính, mỗi tội số khổ, nghe đồn mẹ chồng cũ của bạn ác lắm, chồng cũ cũng tệ bạc nên bây giờ, một mình bạn nuôi ba đứa con gái. Nghề bác sĩ vất vả, lại hay phải trực đêm, vậy mà bạn vẫn xoay xở được, giỏi ghê! Bác Vân mới gặp lại Thủy tháng trước thôi, bác quý bạn nên mời bạn về bệnh viện của mình làm việc. Hôm nào có dịp, bác phải hàn huyên với bạn một buổi mới được. Bác thở dài, lôi điện thoại ra bấm số ba chồng. Ông Hải nghe chuyện giận anh Hậu tím mặt, tức con trai bao nhiêu thì xót con dâu bấy nhiêu. Mắt mũi đỏ hoe, ông hối hả bắt xe về Hà Nội. Trên đường đi, ông gọi điện bảo ban vợ:
- Hà gặp nạn rồi, bà mau đến bệnh viện thăm con dâu đi, dù gì cũng là mẹ chồng.
Bà Mây thực ra cũng đang ở trong bệnh viện với chị Liên, nhiệt tình xoa bóp chân tay cho chị. Bà đon đả đáp lời chồng:
- Tôi biết rồi.
Chỉ là, vừa cúp máy, bà đã bĩu môi một cái rõ dài. Không biết con hồ ly tinh lại giở trò gì nữa đây? Bực ghê, nhưng bà vẫn phải mò sang khu đấy để lôi anh Hậu về cho chị Liên. Bà ấm ức kể chị bị nôn mửa, người ốm yếu rệu rạo, nom thương ghê gớm. Ông Hào và bà Hảo nghe chuyện mà uất ức. Chị Liên thì ông bà còn lạ gì nữa? Hôm cúng bảy ngày ông ngoại tụi nhỏ, con bé đến gây sự mà. Nó lộng hành như vậy, âu cũng là do bà Mây dung túng. Ngày xưa, đến xin cưới con gái ông bà, mụ ta dẻo miệng lắm, đúng là thức khuya mới biết đêm dài. Bà Hảo dỗi nên nói lẫy:
- Thôi, Hậu qua thăm bạn đi. Hà của mẹ đã có ba mẹ, anh Thanh, anh Đăng, chị Vân và các em rồi.
Ông Hào cấu tay vợ, ý bảo thôi cho qua. Bà Mây vô tâm, cứ tưởng thông gia nói thật lòng, ra sức lay anh Hậu. Khổ nỗi, con trai bà mãi không có phản ứng gì cả.
- Đi với mẹ! Anh không nghe thấy người ta nói à? Anh ở đây cũng chỉ là đồ thừa mà thôi.
Do thân cô thế cô nên bà phải nhẫn nhịn, đợi ông Hải về Hà Nội, bà sẽ đề nghị họp gia đình hai bên, đòi công bằng cho đứa cháu trai chưa kịp chào đời của mình. Bà cố gắng phân tích, nhưng mặc kệ bà năn nỉ ỉ ôi, anh Hậu vẫn cứ ngồi đờ đẫn ở một góc. Bà giận anh luôn, bà ngúng nguẩy bỏ về phòng chị Liên. Một lát sau, anh Hậu nghe thấy bác sĩ bảo đại diện người nhà bệnh nhân đi theo ông, anh mới hoảng hốt đứng dậy. Cả bác Đăng, bác Vân và ba Hào cũng đi cùng anh luôn. Đến căn phòng cách đó không xa, bác sĩ bật máy chiếu, lần lượt cho mấy người xem một vài hình chụp và phân tích tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Ông ấy nói rất dài, rất chi tiết, từ khái niệm dễ hiểu đến thuật ngữ chuyên môn. Vợ anh, cả người, rất nhiều vết thương. Anh nghe loáng thoáng cái gì mà phần não bị ảnh hưởng nặng nhất, nếu tình trạng xấu đi có thể dẫn đến chết não.
Đầu óc choáng váng, anh ngã khuỵu xuống, nước mắt cứ thế ứa ra không ngừng. Những gì xảy ra tiếp theo, anh căn bản không nghe thấy, cũng không có ý thức. Lúc anh bừng tỉnh thì cả nhà đã không còn ai ở đó rồi, anh gấp gáp chạy đến phòng cấp cứu, nhưng cũng chẳng có lấy một bóng người. Ba Hến hốt hoảng lao đi tìm vợ, chạy ngược chạy xuôi một lúc, anh mới trông thấy bác Vân. Bác bảo thím Hà yếu quá, bây giờ mà làm phẫu thuật, chỉ sợ thím không chịu được. Bác Vân, bác Đăng và ba Hào đã cùng bác sĩ bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất quyết định chuyển thím tới phòng cách ly đặc biệt để tiện theo dõi tình hình, tùy theo chuyển biến của thím rồi mới tính tiếp. Bác đưa cho anh Hậu bộ quần áo màu xanh da trời, bảo anh mặc vào. Sau khi em chồng đội mũ và bịt khẩu trang, bác liền dẫn chú đi gặp thím. Nhưng anh cũng chẳng được đến gần vợ, chỉ có thể đứng quan sát chị từ xa, cách một tấm kính.
Vợ nằm đó, xung quanh là rất nhiều dây dợ, máy móc. Vợ cách anh có vài mét thôi, cớ sao anh lại nhớ vợ đến thế? Anh thèm vô cùng, thèm cái cảm giác được chạm vào vợ, dù chỉ là một cái siết tay thôi, cũng đủ lắm rồi. Anh khẽ cắn môi, cố kìm nén. Giá như thời gian quay trở lại, anh nhất định sẽ bình tĩnh hơn, và anh chắc chắn sẽ giữ vợ thật chặt. Chẳng phải anh đã tính tới trường hợp xấu nhất rồi hay sao? Nếu như vợ chọn thầy Thanh, anh sẽ chấp nhận và chúc phúc cho bọn họ. Lý trí bảo vậy, nhưng trái tim lại vẫn cứ mong chờ. Ở trong Nam, anh nhớ nhà ghê gớm. Hễ rảnh rỗi, anh lại lấy ảnh ba cục bông ra ngắm rồi mơ về một ngày vợ đồng ý làm lại từ đầu với anh. Nếu như vợ không muốn làm mẹ kế, anh sẽ nói chuyện với Liên, thuyết phục cô ấy nuôi con một mình, anh sẽ chu cấp đầy đủ. Trong trường hợp Liên muốn tái giá và không thể ở bên đứa trẻ, anh sẽ nhờ mẹ Mây nuôi bé. Anh biết làm như vậy là có lỗi với con, nhưng anh cần vợ hơn. Không có vợ, anh chẳng thể làm việc gì cho ra hồn.
Tiếc rằng, cuộc đời đâu ai nói được chữ ngờ? Sáng nay, vừa mới họp xong, anh đã nhận được tin dữ. Mẹ Mây gọi điện cho anh, vừa kể tội vợ anh, mẹ vừa khóc lóc tức tưởi. Đứa nhỏ đã không còn, chị Liên thì sống dở chết dở. Không lẽ vợ hiểu lầm ý anh? Hay là do yêu anh quá nên vợ mới ghen tuông mù quáng? Vợ yêu anh thật ư? Anh thực sự chẳng dám tin. Anh thèm lắm cái cảm giác mỗi đêm đi ngủ được ôm vợ, bắt chước Hến, Sò chui rúc trong lòng vợ, ra sức hít hà. Ở bên vợ, bình yên lắm. Nếu có thể, anh muốn đồng hành cùng vợ, hai vợ chồng giúp nhau sửa thói hư tật xấu để trở thành phiên bản tốt hơn trong mắt nhau.
Tuy nhiên, hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn. Khoảnh khắc trông thấy người đàn ông đó ôm vợ, toàn thân anh tê cứng, cả người tưởng chừng như muốn nổ tung. Sự ích kỷ nhỏ nhen đã khiến anh mất kiểm soát, lúc đó, quả thật, anh đã nặng lời với vợ rồi. Vợ giận anh lắm, phải không? Vợ chẳng thể trả lời anh, vợ đang còn mệt. Vợ phải thở oxy, chẳng biết thở oxy có dễ chịu như thở bình thường không nữa? Chắc là không rồi, tội nghiệp vợ quá! Giá như người bị ngã là anh thì tốt biết mấy! Bác Vân nhắc nhở anh vài lần, nhưng anh một mực không chịu về. Bác cáu quá, đành phải sai vài thằng đệ lôi ba Hến ra ngoài.
- Chú điên à? Nhà có một người nằm viện còn chưa đủ hay sao? Chú nhìn lại mình đi, người không ra người, ngợm không ra ngợm, chú gục mất thì anh chị biết làm sao?
- Kệ em.
- Ôi dào! Chú khỏi kiêu! Tôi thèm chó gì quan tâm đến chú? Tôi thương cháu tôi thôi. Thím đã như thế rồi, nhỡ may chú có mệnh hệ gì thì Hến, Sò khổ lắm, chú có biết không?
Mẹ Cún bực bội mắng mỏ. Ba Cún thấy tội nghiệp em trai, xông vào nhéo eo vợ rồi ngọt nhạt dỗ dành:
- Thôi, giờ chú ở đây cũng có giải quyết được gì đâu? Có anh chị rồi, chú đừng lo, cứ về đón con xong chơi với tụi nhóc một lát đi cho khuây khỏa.
Bác Vân thở dài khuyên nhủ:
- Đầu thím bị va đập mạnh, trụ được đến bây giờ xem ra cũng là kỳ tích rồi. Còn cả một quá trình điều trị dài chứ có phải ngày một ngày hai đâu hả? Chú phải giữ gìn sức khỏe để sau này còn chăm vợ chứ!
Hai bác động viên mãi, ba Hến mới nguôi ngoai, anh dặn bác Vân:
- Nhà em mà tỉnh thì bác phải gọi cho em luôn đấy.
Bác Vân não nề gật đầu. Bác coi chị Hà như em gái, mỗi lần vào thăm chị, bác lại xót hết cả ruột. Anh Hậu cảm ơn ba mẹ Cún, vào nhà vệ sinh cởi bỏ bộ đồ màu xanh rồi ủ rũ bắt xe về nhà. Anh nhớ con lắm, chỉ muốn gặp con ngay thôi. Nhưng nếu anh không về nhà tắm gội, e rằng tụi nhóc sẽ thắc mắc. Hai bàn tay anh, và cả chiếc áo của anh, toàn một màu đỏ của máu. Nếu có vợ ở đây, vợ sẽ giặt áo cho anh. Ngày trước, áo có vết son, vợ còn tẩy được mà. Ngày ấy, chắc vợ buồn lắm. Ngẫm lại, anh thấy mình vô tâm quá! Anh rửa mặt mấy lần, cố dụi mắt cho bớt đỏ. Khổ nỗi, anh ngu nên anh đâu có biết càng dụi, nước mắt càng chảy ra nhiều. Anh ngồi xuống sàn nhà, gục mặt vào đầu gối, cố gắng tự trấn an bản thân. Nửa tiếng sau, anh mới đi sang nhà dì Hợi. Sợ lũ trẻ lo lắng nên chú Thìn kéo anh vào nhà tắm, ghé tai anh hỏi nhỏ:
- Bác Hà sao rồi ạ?
Anh Hậu buồn bã đáp:
- Anh... anh cũng... không biết... rồi vợ anh... sẽ ra sao nữa...
Do không kiềm lòng được, anh lại chảy nước mắt. Chú Thìn nẫu ruột thở dài. Ban nãy, dì Hợi gọi điện cho chồng kể lể:
- Em sợ quá chồng ạ, chưa kịp cho bác Hà máu thì em đã lăn đùng ra ngất xỉu. Khổ thân bác có con em gái vô tích sự!
Chú Thìn lo quá nên hỏi rõ hâm:
- Ừ... thế... vợ anh... đã tỉnh lại chưa?
- Ơ kìa? Chưa tỉnh lại thì hiện hồn về nói chuyện với anh hả? Hỏi ngu thế?
Ừ nhỉ? Chú Thìn cười trừ. Vợ chú mới chỉ bị hoảng sợ, chú đã ngu người luôn rồi, huống chi bác Hà bị thương nặng, bác Hậu làm sao mà bình tĩnh được? Bác Hậu giữ chức vị cao, thường ngày đĩnh đạc lắm, hiếm khi khóc trước mặt ai. Đôi bờ vai vạm vỡ của bác run lên bần bật. Chắc sợ lũ trẻ nghe thấy nên bác tự lấy tay bịt miệng, có lúc, không kiềm chế được, bác còn tự cắn vào lòng bàn tay. Chú Thìn đau lòng vỗ vai bác an ủi:
- Bác Hà mạnh mẽ lắm, chắc sẽ không sao đâu... bác đừng bi quan.
Chú Thìn lấy khăn bông đưa cho bác Hậu. Bác lau nước mắt, chua xót bảo:
- Tại anh... chú ạ... anh sợ lắm... chỉ sợ... tình hình xấu đi... anh... còn nhiều điều... chưa nói với vợ... vợ anh... hình như... cũng có nhiều oan ức...
Anh Hậu phải ngồi trong nhà tắm một lúc mới lấy lại được bình tĩnh để bước ra ngoài phòng khách. Sò nhào vào lòng ba, nũng nịu kêu nhớ ba. Hến thì khôn hơn, bé tinh ý hỏi han:
- Sao mắt ba Hậu đỏ vậy ạ?
- À, ba làm việc nhiều nên bị đau mắt.
Anh nói dối. Hến ra vẻ bà cụ non khuyên nhủ:
- Vậy ba làm việc ít thôi nha! Hến thương ba lắm!
Ôm hai cục bông nhỏ, lòng anh mới nhẹ nhõm đi một chút. Gửi con ở nhà dì nhiều cũng ngại nên anh cảm ơn chú Thìn rồi đưa hai bé về bên nội. Chẳng hiểu thế nào mà vừa tới đầu ngõ, hai đứa đã sợ tái mét cả mặt. Anh dừng xe trước cổng nhà. Hến, Sò ôm nhau khóc lóc inh ỏi. Anh ngọt giọng khuyên nhủ:
- Tụi con thương ba thì tụi con chịu khó ngủ ở nhà bà nội một đêm nha. Rồi ngày mai, ba sẽ đến đón hai đứa!
- Không đâu! Sò không thích đâu! Bà Mây là con quỷ cái! Sò căm ghét bà Mây!
Cách dùng từ của con gái út khiến ba hơi khó chịu. Anh còn chưa kịp răn đe bé thì con gái lớn đã mếu máo bảo:
- Hến sợ bà Mây lắm! Hến cầu xin ba đấy! Ba đừng bắt Hến vào trong đó! Bà Mây sẽ giết Hến đấy! Bà mà giết Hến chết rồi thì mai sau ba chẳng bao giờ được gặp lại Hến nữa đâu!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro