#82
Anh Hậu chào hai bác, mông lung chẳng biết có nên về nhà hay không? Các con ở bên dì Hợi, vợ thì chẳng thấy đâu, về để làm gì? Bà xã sẽ không sao chứ? Chắc không đâu nhỉ? Chị lớn rồi mà, có phải con nít đâu mà nghĩ bậy? Đến một nơi rất xa sao? Nơi nào đủ xa đây? Càng nghĩ, anh càng rối. Anh phóng xe ra bãi sông Hồng, rồi lại sốt ruột đi lên cầu Long Biên. Nơi nào có sông nước hay các tòa nhà cao tầng, anh đều tới cả, nhưng vẫn chẳng thấy bóng dáng vợ đâu. Anh nhớ mãi cái ngày mà chị sinh khó, nhớ luôn cả dáng vẻ hoảng loạn của mình. Anh, một thằng đàn ông vô cùng sĩ diện, đã bật khóc trước mặt mọi người. Chắc thấy anh thảm quá nên bác sĩ cho phép anh vào thăm vợ một lát. Bà xã yếu lắm rồi, bằng chút sức lực ít ỏi, chị gắng gượng dặn dò:
- Dù xảy ra bất cứ chuyện gì... cũng phải... giữ con... mình ạ. Mình... phải... thay em... chăm con...
Anh nắm tay vợ, gật đầu cho chị yên tâm, nhưng ruột gan anh quặn thắt, nước mắt chảy ra giàn giụa. Ngày hôm ấy, anh đã sợ như nào, đến nay, anh chưa từng quên. Phụ nữ sinh con vất vả lắm, vợ anh ấy à, đẻ xong một tuần rồi mà mặt mũi vẫn xanh xao. Có lần, nhìn thấy vợ đi không vững, phải bám vào tường, anh xót điên người. Anh tự động viên bản thân rằng thôi thì vợ con bình an đã là may mắn lắm rồi, nhưng chẳng hiểu sao, anh vẫn nổi cáu:
- Mình bị ngốc à? Anh đã dặn bao nhiêu lần rồi, muốn đi đâu thì phải gọi chồng chứ! Cứ dò dẫm như vậy, nhỡ ngã một cái thì sao?
Chị cuống cuồng thanh minh:
- Tại mình thức đêm chăm con rồi... em sợ mình mệt... nên... không dám gọi...
Anh bế chị lên, quát ầm ĩ:
- Thức đêm chăm con rồi là thôi không chăm nổi vợ nữa hả? Mình khinh thường anh thế nhỉ?
- Em đâu dám...
Anh lườm vợ, bực bội càm ràm:
- Người đâu mà hiền khô vậy? Chẳng có chút đỏng đảnh gì cả! Không khéo mai mốt anh phải đăng ký cho mình đi học lớp làm nũng chồng mất thôi!
- Có lớp ấy à mình?
- Có.
- Ai đứng lớp thế ạ?
Chị tò mò hỏi. Anh thản nhiên đáp:
- Thầy Hậu.
- Vâng, nếu thầy đích thân chỉ dạy thì em sẽ cố gắng học hành chăm chỉ ạ.
Anh phì cười thơm trán vợ. Năm tháng êm đềm trôi qua, anh lại sướng quá hóa rồ. Giá như anh bớt ngu muội thì phải chăng bây giờ mái nhà của họ vẫn bình yên? Dọc đường, anh hỏi han hết người này đến người kia. Mọi người đều bảo từ sáng tới giờ không có vụ tự tử nào cả. Anh gọi cho mấy người bạn làm công an, nhờ họ tìm kiếm xung quanh các bệnh viện lớn xem sao. Còn anh, lại rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm, mong sao bắt gặp bóng dáng thân thương. Anh nhớ vợ anh quá! Dạo này, vợ còn chủ động hôn anh rồi cơ, cái điệu bộ ngượng ngùng của vợ nom dễ ghét lắm! Vợ đẹp! Lúc nào, vợ cũng hiền dịu, nhu mì như đóa hoa nhỏ. Xưa kia, anh thấy vợ hơi nhạt, tưởng rằng bọn họ không hợp nhau. Nhưng bây giờ, anh đã hiểu ra, nếu trong nhà có một người cương thì người còn lại phải nhu. Chứ mà để hai quả cầu lửa như anh và chị Liên sống cùng nhau thì chắc dăm bữa nửa tháng nát nhà. Trải qua nhiều chuyện, anh cũng nhận ra vợ rất thông minh, ăn nói khéo léo, lý lẽ sắc bén chẳng kém ai. Trước kia, nhờ ơn vợ giỏi nhẫn nhịn nên anh mới lấn lượt được vợ thôi. Đàn ông mà lại kém vợ, ngẫm cũng hơi chạnh lòng, nhưng anh vẫn thấy ngọt ngào, chắc vợ thương nên vợ mới nhường. Anh mở radio, nghe những bản nhạc du dương mà thấy não nề. Dạo này, các nhà đài hay quảng cáo ra phết, hết sản phẩm này tới sản phẩm kia, mãi mới đến mục tin chính:
"Sau đây, chúng tôi xin được chuyển sang những tin tức giao thông mới nhất. Khoảng nửa tiếng trước đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến một người phụ nữ tầm ba mươi tuổi bị thương nặng. Theo như tài xế xe tải bào chữa thì là do nạn nhân bất ngờ xông tới, anh ta phanh không kịp..."
Ba Hến phanh gấp, cả người bàng hoàng, trán lấm tấm mồ hôi. Mãi một lúc sau, anh mới lấy lại được bình tĩnh để vặn nhỏ loa, gấp gáp gọi điện đến tổng đài. Sau khi biết nạn nhân không phải là bà xã, trống ngực anh vẫn cứ đập dồn dập. Mặc dù chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng anh vẫn rất căng thẳng. Anh liên tục gọi điện cho vợ, vẫn không thể liên lạc được, rốt cuộc chị đang ở đâu? Thỉnh thoảng, mấy chú ở cơ quan hay kể chuyện vợ giận xong bỏ nhà ra đi hại mấy chú sốt hết cả ruột. Ba Hến cười sặc, thầm chê các chú yếu đuối. Các cô cũng đỏng đảnh ghê gớm quá! May mà Hà nhà anh không thế, gần như ngày nào, anh đi làm về, vợ cũng có mặt ở nhà rồi. Toàn anh dỗi vợ chứ vợ có dỗi anh mấy đâu mà. Vợ hiền lắm, chỉ bị mỗi cái tính cổ hủ lạc hậu thôi. Từ đã... con người coi trọng thể diện như vợ, nào có chuyện làm việc không phải phép ngoài đường? Kể cả khi tuyệt vọng nhất, khẳng định vợ sẽ vẫn chọn cách làm để lại ít điều tiếng, vậy thì khả năng cao là bà xã đã về nhà rồi. Anh vội vàng tăng tốc, hy vọng sẽ về kịp. Hy vọng vợ và anh... chưa cách nhau quá xa!
Cửa không khoá, anh run rẩy bước vào. Căn nhà im ắng đến đáng sợ, cúc trắng bày đầy bàn, những viên thuốc rơi lả tả dưới sàn, tim anh, tưởng như bị ai đó bóp nghẹt. Nếu biết sự việc ra nông nỗi này thì đêm qua, anh đã ôm chị thật chặt. À không, chi bằng anh thức cùng vợ luôn, như vậy thì chị đâu thể bỏ đi dễ dàng được. Đau! Đau tê tái cõi lòng! Đau đến mức không thể bước thêm, dù chỉ là một bước. Anh cứ đứng đó, thẫn thờ, bần thần, đờ đẫn như hóa đá. Từ trong bếp, chị đi ra ngoài phòng khách, tay phải bê đĩa hoa quả, tay trái cầm chổi. Chị gọi mãi, chồng mới bừng tỉnh. Bị một phen khiếp đảm đâm ra có người cáu ghê gớm, quát tháo inh ỏi:
- Điện thoại mình để làm cảnh à mà anh gọi mãi không được? Mình có biết anh phải bay từ trong Nam ra đây tìm mình không? Mình có quan tâm tới cảm xúc của anh không thế? Sao mình lại bảo bác Vân rằng mình đi đến một nơi rất xa? Anh không cấm mình đi du lịch, nhưng mình phải nói rõ xem mình đi đâu chứ! Mình biết câu nói của mình gây hiểu lầm như nào không? Thuốc ở đâu mà rơi vãi thế kia? Anh còn tưởng mình... mình... dại dột... với cả... đang yên đang lành... mua hoa cúc về làm chó gì vậy?
Lửa giận trong lòng ba Hến bốc lên ngùn ngụt, anh vội gạt nước mắt rồi lao vào nhà tắm đóng cửa đánh sầm. Mẹ Sò đứng bên ngoài ngây ngốc chẳng hiểu chuyện gì cả. Chị đặt đĩa hoa quả lên bàn thờ, quét qua cái nhà rồi nhắn tin cho mẹ Cún hỏi chuyện:
"Hình như em chưa bao giờ bảo bác rằng em phải đi đến một nơi rất xa thì phải? Hay em nhớ nhầm?"
"Không, thím không nhớ nhầm đâu. Tôi bịa đấy!"
Bác Vân nhắn lại cho thím Hà xong cười khúc khích. Bác Đăng bĩu môi khinh bỉ.
- Tự sướng cái nỗi gì? Không có Đăng phối hợp thì thằng Hậu còn lâu mới tin Vân.
- Gớm thôi! Chỉ tát được vài giọt nước theo mưa mà cũng đòi kể công hả?
- Vài giọt là vài giọt thế nào? Cũng phải cả thùng nước đổ lên đầu thằng em trai tội nghiệp của Đăng chứ ít à? Nói tóm lại, món ân tình này Đăng cho Vân nợ, khi nào có cơ hội, Vân nhớ trả lại cho Đăng.
- Ôi dào ôi! Nhiều lời! Nhức đầu! Đăng nhảy qua hàng rào an ninh rồi lượn đi cho nước nó trong.
- Nói dễ nghe thế? Đăng trả tiền vé máy bay mà, Vân chuẩn bị đi nhờ Đăng sang Mỹ đấy, biết điều một chút đi!
- Ê! Ê! Ăn nói cho đàng hoàng vào! Là tại thằng điên nào nhì nhèo, hại Vân trễ chuyến bay trước hả? Đang yên đang lành, làm mất cả hứng. Ai thèm đi cùng Đăng? Vân đi thăm con trai Vân học ở Harvard nhé!
- Gớm! Có thế mà cũng ba hoa. Quá xoàng! Nói Vân nghe, Đăng không chỉ có con trai học ở Harvard đâu, mà con dâu tương lai của Đăng cũng học ở Harvard đấy, đây chẳng thèm khoe thì thôi.
Bác Vân bị trêu, tức ghê gớm, định bụng sẽ cạch mặt bác Đăng nửa tháng. Khổ nỗi, hôm ấy, đúng cái lúc máy bay đi vào vùng thời tiết xấu, bác nhọc quá, quên khuấy mất kế hoạch, cứ thế rúc vào lòng chồng. Bác Đăng cười đểu, cấu một cái vào eo bà xã cho bõ ghét rồi cũng ôm bác Vân ngáy khò khò. Trong khi đó, em trai bác ở nhà ấm ức không ngủ được, thậm chí còn dỗi không thèm ăn cơm, hại vợ phải nịnh mãi:
- Thôi, em sai rồi, em xin mình đấy. Lần sau, em mà nhỡ tay làm vỡ lọ thuốc thì em sẽ dọn ngay. Với cả, nếu mình không thích thì Rằm tháng sau, em không mua hoa cúc nữa.
- Rằm đâu? Mình tưởng anh là trẻ con lên ba chắc?
- Rằm thật mà, em nói dối mình làm gì? Mình dậy xem lịch khắc rõ! Rằm nên em mới về sớm để ra mộ ông ngoại. Do điện thoại ở chế độ im lặng nên mãi một lúc sau, em mới biết mình gọi. Em định đợi đến tối, cơm nước xong xuôi thì gọi lại cho mình mà.
- Kinh thật, tối mới thèm gọi lại cho anh cơ đấy.
Chồng trách. Vợ thật thà bảo:
- Em tưởng ban ngày, mình bận tiếp khách nên không dám làm phiền.
Hai cục bông nhỏ mải chơi với em Tôm và em Cua bên nhà dì Hợi nên ba Hậu tha hồ làm màu mà không sợ bị mất mặt:
- Ừ thôi, mình không phải lo cho anh, nhịn một bữa cũng không chết được đâu.
- Không chết nhưng mà tổn hại đến sức khỏe.
- Sức khỏe của anh thì liên quan gì đến mình?
- Sao lại không liên quan? Dù sao đi chăng nữa, chúng mình vẫn có con chung mà. Nếu mình chán cơm thì em nấu phở nhé? Hay là miến? Bún?
- Chẳng muốn ăn gì hết, mình đi ngủ đi, kệ anh!
Mẹ Sò cười khổ, lật đật đi trải đệm. Ba Hến hay thật đấy, sắp làm cha của ba đứa nhóc rồi mà trẻ con quá đi mất. Đêm qua, nghe tin dữ, tâm trạng chị nặng nề lắm, nằm nhìn anh ngủ xong khóc ướt cả gối. Sáng sớm hôm nay, chị bay ra Bắc, đến thăm mộ ông ngoại, vừa nhặt cỏ, trồng hoa, vừa hàn huyên, chẳng biết ông có nghe thấy không, nhưng lòng chị nhẹ nhõm hẳn đi. Chị với anh, duyên không, tình không, cố níu kéo để làm gì? Trẻ con vô tội mà, với cả em bé đó đến cũng đúng lúc, mong anh có con với người anh yêu rồi thì đừng tranh chấp Hến, Sò với chị. Hai bé là nguồn sống của mẹ Hà. Tụi nhóc cũng cần tình cảm của ba nên chị chẳng muốn xích mích với ông xã. Trẻ con khôn lắm, người lớn mà mặt nặng mày nhẹ, chúng sẽ nhận ra liền. Ba Hến dỗi hờn một lúc, thấy vợ chẳng thèm để tâm đến mình nữa thì hơi tức, trằn trọc qua lại, lăn lóc thế nào mà ngã rầm một cái, rơi xuống trúng đệm của vợ mới tài. Mẹ Sò giật mình, vội vàng hỏi thăm:
- Mình có sao không?
Ba Hến phụng phịu làm nũng:
- Có, anh bị đau lưng dã man đây này!
Tay chân anh cứ thế gác qua người chị.
- Em lấy dầu xoa lưng cho mình nhé!
- Thôi, mình cứ nằm yên ở đây là được. Mình này... có chuyện này... anh... nếu anh chỉ muốn nuôi đứa nhỏ thôi chứ không muốn sống chung với Liên... đứng trên phương diện phụ nữ... mình thấy anh có đểu không?
- Cũng hơi đểu mình ạ.
Vợ thật thà trả lời, đoạn chị hỏi:
- Mình với người ta có khúc mắc gì sao?
Anh Hậu lắc đầu. Hồi xưa, anh từng có ý định sau này sẽ chung sống với chị Liên, từng thấy ổn với việc chị trở thành mẹ kế của Hến, Sò, nhưng bây giờ thì anh sợ xanh mật luôn rồi, anh không muốn đi bước nữa với một người đàn bà mà cứ dăm bữa nửa tháng lại gây chuyện. Anh thực lòng chỉ muốn hàn gắn tình cảm với vợ, nhưng phụ nữ nuôi con riêng của chồng sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, vợ anh xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn thế. Anh ôm chị từ phía sau, nẫu nề thủ thỉ:
- Mình à! Sau này, mình có đến với ai thì cũng phải hạnh phúc nhé! Với cả, mình đừng đi đâu quá xa... không tìm thấy mình... anh chẳng yên tâm gì cả.
Chị Hà chẳng dám quay lại, chị sợ chị sẽ khóc. Giá như anh vui vẻ, chị sẽ thấy an lòng, đằng này, không rõ giữa anh và mẹ Bi đã xảy ra chuyện gì mà dạo này anh cứ buồn mênh mang? Chị Liên thậm chí còn không hề hay biết anh Hậu đã ra ngoài Bắc rồi. Số chị cũng may dễ sợ, mang bầu đúng lúc ba Hải vào Nghệ An chơi với bạn nên được mẹ Mây đón về chăm sóc, cả ngày cứ mẹ mẹ con con ngọt xớt, cô Thắm nghe mà sởn cả da gà. Có hôm, mẹ mời thầy lang giỏi nhất vùng đến xem mạch cho chị. Nghe nói thầy còn nổi tiếng hơn cả ông ngoại của chị Hà, máy móc thiết bị tân tiến đều thua thầy hết. Thầy có khả năng chẩn đoán giới tính của thai nhi từ rất sớm. Mẹ mời thầy vào buồng trong xem mạch cho chị, thầy vuốt bộ râu bạc phơ rồi kết luận chắc như đinh đóng cột:
- Con gái nhé!
Mặt chị Liên bất chợt tái xanh. Mẹ Mây mà biết chuyện này thì còn lâu mẹ mới cưng chiều chị nữa. Chị đành phải đút lót cho thầy mấy triệu, nài nỉ thầy nói dối mẹ. Ban đầu, thầy một mực không đồng ý. Chị năn nỉ ỉ ôi mãi, rốt cuộc thầy cũng mủi lòng gật đầu. Nhưng thầy ngại nói dối nên chỉ đi ra bên ngoài bảo mẹ Mây:
- Trường hợp hy hữu, tôi chịu không phân biệt được trai hay gái.
Mẹ Mây có vẻ thất vọng. Thầy về rồi, chị Liên liền dẻo miệng nịnh nọt:
- Đến thầy tài hoa như vậy mà còn không nhìn ra giới tính, chứng tỏ đứa trẻ này có phúc khí lớn, mai sau, nó nhất định sẽ là người xuất chúng! Mẹ đừng lo, triệu chứng nghén đợt này y như lúc con mang bầu bé Bi mà, chắc chắn là cháu trai.
- Thật á? Ôi chao ôi! Hai cháu trai, tốt quá đi thôi!
- Thật chứ ạ! Một trăm phần trăm luôn!
Bà Mây sướng, cười phớ lớ. Thực ra, chị Liên đã từng chắc chắn rằng mình mang thai con trai, mới đầu, chị còn bĩu môi chê thầy rởm. Khổ nỗi, về sau, chị lại thèm ăn đồ ngọt mới chết dở. Nhìn cái bánh gato con Thắm mua về mà chị chảy nước dãi. Tuy nhiên, chị vẫn phải giả bộ thích đồ chua. Nhiều lúc cắn miếng khế mà chị ứa nước mắt, chẳng biết mai sau đẻ con gái thì tính sao đây? Hay làm giống trong phim nhỉ? Đánh tráo xừ bé trai của con mẹ nào đấy! Nhưng năm dài tháng rộng, anh Hậu lại không ngu như mẹ Mây, nhỡ anh làm xét nghiệm ADN thì nhục! Với cả, cũng tội con bé nhỉ? Có khi chị phải gửi nó về cho u Khúc nuôi thôi. Anh Hậu mê chị như điếu đổ, sau này, anh chị còn nhiều cơ hội gần gũi, thích đẻ bao nhiêu đứa mà chả được? Chị ăn ở hiền lành chứ có phải là loại đàn bà độc ác, vô phúc như con Hà đâu mà sợ đẻ toàn vịt trời?
Tưởng tượng ra viễn cảnh mình khổ cực sinh con cho anh Phó Tổng Giám đốc, chị thấy sao mà ngưỡng mộ bản thân mình quá thể? Mỗi một lần mẹ tròn con vuông, kiểu gì anh chả mua cho chị một mảnh đất. Ôi chao ôi! Nhỡ mà sinh mười đứa thì đất cát để đâu cho hết đây? Chị cười hở luôn cả mười cái răng, nhe nhe nhởn nhởn, nom dễ thương gì đâu! Chỉ là, còn chưa sướng được bao lâu, chị đã phải chịu ấm ức. Bà Mây chẳng cho chị bước ra ngoài đường nửa bước. Bà đi xem bói, thấy người ta bảo tháng này là tháng hạn nên cấm chị không được rủ bạn bè hay người lạ tới nhà chơi, sợ khí độc làm hại thai nhi. Giúp việc của chị không hợp tuổi, bà Mây cũng không cho ở cùng. Chẳng có người hầu, tất nhiên chị phải nấu cơm và rửa bát. Nhưng chị là ai cơ chứ? Chị đâu có ngu như con Hà? Miệng thì ngọt nhạt bảo để con làm cho, nhưng cứ chạm vào bát đũa là chị nôn mửa tới tấp. Bà Mây xót con dâu ốm nghén, xót cháu trai nhỏ xíu còn chưa chào đời, bất đắc dĩ đành phải chăm sóc chị Liên.
Mọi khi, ông Hải nấu cơm, cô Thắm dọn dẹp rửa bát. Bây giờ, ông đi chơi rồi, cô Thắm ghét chị Liên nên chẳng thèm làm giúp, bác Thơm thì lười chảy thây, đâm ra từ việc lớn đến việc nhỏ đều tới tay bà. Ngẫm cái thân già, tóc bạc gần hết rồi mà vẫn phải đi chợ hầu hạ bọn trẻ, kể cũng tủi thân. Giá kể có con Hà ở đây thì tốt! Hồi trước, bà hay chê nó điệu, nhưng ít ra nó còn được cái sức khỏe ổn định. Ngày xưa, nó mang bầu tám tháng rồi mà nhà có giỗ, nó vẫn rửa chục mâm bát, cũng chẳng thấy ca thán gì. Mẹ Bi nom to như con trâu mà chẳng hiểu sao yếu ớt vậy nhỉ? Lại còn hay cao giọng mè nheo nữa chứ, không vì đang bầu bí thì bà chửi cho chị vỡ mặt rồi. Mới sống cùng con dâu một tuần mà bà sụt mất hai cân. Chưa bao giờ bà mong ông Hải về như lúc này. Ấy thế mà ngày ông về, nghe tin sắp được bế cháu, ông lại giận tím tái mặt mày. Ông chỉ gọi đi một cuộc điện thoại thôi mà vợ chồng Hậu Hà ngay lập tức phải thu xếp công việc để về nhà ba. Anh Hậu biết lỗi, gấp rút quỳ xuống trước mặt ba. Ông Hải chửi con trai như hát hay:
- Gì đây hả Hậu? Mày rảnh rỗi nên mày sinh nông nỗi hả? Tao không biết phải diễn tả cái sự ngu ngục của mày ra làm sao nữa? Thằng bất nhân! Sao mày có thể phản bội người vợ đã đồng hành với mày từ thuở bần hàn? Rồi bây giờ tao phải ăn nói với nhà thông gia như nào? Tao nuôi mày ăn, nuôi mày học để mày tống mứt vào mồm tao như thế này à? Đẹp mặt quá nhỉ? Bà nhà mày! Vợ đẹp như tiên nữ thì không biết trân quý, lại đi dây dưa với con chó mực vô liêm sỉ kia mới hài chứ! Dốt quá đi thôi! Dốt hơn cả thằng anh mày, dốt nhất thiên hạ luôn rồi! Con trai nhà người ta thì càng lớn càng đĩnh đạc, còn con trai tao thì càng lớn, đầu lại càng nhiều phân. Mày bảo tao phải sống sao đây hả? Hậu ơi là Hậu!
Chị Hà xót chồng nên quỳ xuống bên cạnh anh, lí nhí bênh vực:
- Ba đừng mắng anh... là tại con... bệnh phụ nữ...
Ông Hải quát ầm lên:
- Bệnh cái gì mà bệnh? Chẳng phải chẩn đoán nhầm rồi hay sao? Con không phải bao che cho nó! Thằng súc sinh! Làm ba của một thằng đần như mày đúng là nỗi nhục của cuộc đời tao! Chỉ vì thương xót mày nên tao mới giới thiệu con gái nhà lành cho mày. Ai ngờ, mày lại làm khổ con dâu tao! Ngày xưa, mày còn nghèo hèn, mày sĩ diện không nhận tiền hỗ trợ của ba vợ, hại con dâu tao phải vất vả ngược xuôi lo toan cho gia đình, mày quên rồi sao? Mày quên cả cái lần mày lôi bạn bè về nhà ăn liên hoan, để con dâu tao phải hầu hạ lũ chúng mày đến kiệt sức, xong con dâu tao ngất xỉu luôn trong bếp rồi hả? Mày quên là mày đã từng khóc rưng rức, năn nỉ con dâu tao đừng làm sao rồi ư? Bây giờ, công thành danh toại rồi, sao mày lại ác thế hả Hậu? Mày làm tao đau quá! Mày cút ra khỏi nhà tao đi! CÚT NGAY!
Cả anh Hậu và chị Hà đều sợ tái mặt, không dám cãi ba, chỉ có chị Liên đủ can đảm để lý sự:
- Ba quá đáng rồi đó. Anh làm gì nên tội mà ba mắng anh là đồ súc sinh? Tụi con yêu nhau thật lòng, đến với nhau tự nguyện. Nếu con là con chó mực vô liêm sỉ thì con Hà là con chó gì? Con bạch cẩu chen ngang vào mối tình đẹp như mơ của tụi con à? Ba cũng sai mà, chính ba đã ép anh lấy một con vợ tẻ nhạt. Ba có biết cuộc sống của anh khổ sở đến mức nào không? Ba cứ giả bộ cao thượng, luôn mồm kêu thương con thương cháu, nhưng ba thử nghĩ lại xem, sống với nhau mà không có tình yêu thì chi bằng giải tán quách đi cho rồi, cứ níu kéo làm gì để khổ biết bao nhiêu người?
Mẹ Bi càng phân bua thì ông Hải càng nổi điên. Chưa bao giờ ông cáu như thế, tức muốn tăng xông, chén trà nghi ngút trong tay ông phi thẳng về phía con trai. Chị Liên hãi quá, nhanh chóng tránh ra chỗ khác. Ngược lại, chị Hà xót chồng nên lao vào cản. Anh Hậu thấy vợ xông tới thì hơi hoảng, một tay anh kéo chị vào lòng, tay còn lại định đưa ra đỡ chén trà. Tiếc rằng, sự việc xảy ra nhanh quá, anh chị không tránh được xui xẻo, nước nóng bắn một ít vào mu bàn tay anh, còn lại văng ra thấm vào lưng áo chị, bỏng rát. Chiếc chén kia rơi xuống đất, vỡ tan.
- Mình có sao không mình?
Vợ hoảng hốt hỏi, anh lắc đầu, nhưng anh biết chắc vợ đau lắm. Vợ đau thì anh cũng đau, hai người nhìn nhau, cùng ứa nước mắt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro