Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

#74

Lúc đó, anh nói gì, chị vẫn nghe loáng thoáng. Thậm chí, có khoảnh khắc, chị còn nhìn thấy ông ngoại. Ông hiền từ vuốt bộ râu bạc phơ, cười khà khà rồi vẫy tay chào tạm biệt cháu gái. Hình ảnh ông mỗi lúc một mờ ảo, chị nghe giọng chồng mỗi lúc một rõ. Chị muốn trả lời anh, tiếc rằng, chị không sao nói nên lời. Lồng ngực chị quặn thắt, những cơn đau tê tái lan dần khắp cơ thể. Không khí xung quanh dường như bị rút cạn, hơi thở của chị yếu dần. Trong mơ hồ, chị nghe thấy tiếng bước chân dồn dập, tiếng còi xe cấp cứu, tiếng người này, người kia. Rồi bỗng chốc, mí mắt chị nặng trĩu, cơ thể chị nhẹ bẫng. Chị rơi vào cơn mộng mị, đến khi lấy lại được nhận thức, chị thấy em gái mình đang ngồi bên cạnh giường bệnh. Dì khóc tức tưởi, ấm ức oán trách:

- Ông đi rồi, bác cũng đi nốt thì hôm nay em biết sống sao? Em ghét bác ghê! Cái đồ yếu đuối, doạ em hết hồn!

Chị cười gượng, bất giác thấy tội lỗi, cả nhà đang rối ren mà chị lại khiến mọi người thêm lo lắng. Thấy đỡ mệt rồi nên chị nhờ dì xin bác sĩ cho chị xuất viện. Hai chị em bắt xe về nhà, dì ngồi tựa đầu vào vai chị, sụt sịt kể lể:

- Bác Hậu lo cho bác lắm đấy. Lúc mới tới bệnh viện, em thấy mặt bác Hậu tái mét, mắt mũi đỏ hoe, chốc chốc lại gọi tên bác, năn nỉ bác rằng nếu như mình thương xót Hến, Sò thì làm ơn cố gắng giúp anh. Lúc bác ở trong phòng cấp cứu, bác Hậu thẫn thờ như người mất hồn, em hỏi chuyện cũng không thèm đáp. Phải đến khi bác sĩ đi ra bảo tình hình ổn rồi, bác Hậu mới thở phào nhẹ nhõm. Bác Hậu dặn dò em chăm sóc bác cẩn thận rồi yên tâm đi sang nhà ông ngoại trước. Cậu Hợp đang ở Bỉ, chuyến bay của cậu bị hoãn nên chắc không về được trong ngày hôm nay. Ba Hào bị đau lưng, chú Thìn và cậu Nhâm thì lù khù, thành ra công to việc lớn trong nhà phải nhờ hết vào bác Hậu.

Không biết do dì nhắn tin cho ông xã hay vô tình mà chị thấy ba Hến đón vợ từ ngoài cổng. Chị vừa xuống xe, anh đã chạy đến bên chị, đột ngột ôm chị vào lòng, siết chị một cái thật chặt rồi mới buông ra, ghé tai chị hỏi han:

- Mình sao rồi?

Chị thật thà đáp:

- Em đỡ hơn rồi.

- Mình có thấy khó thở nữa không?

- Dạ, không ạ.

- Có chóng mặt không?

- Dạ, không ạ.

- Anh lo lắm đấy!

- Em biết, dì Hợi kể rồi, em xin lỗi mình.

- Là tại anh mà, dạo này, nhiều chuyện không vui nên anh hay hạch sách mình, khiến mình mệt mỏi.

- Không phải thế đâu, tại em yếu đuối thôi.

Anh xoa lưng chị, tình cảm dặn dò:

- Mình vào trong ngồi nghỉ đi, kẻo ngoài này gió máy.

Xong rồi, anh lại chạy đôn chạy đáo giải quyết công việc, từ việc đổi tiền lẻ tới việc bắc rạp che mưa che nắng ngoài sân. Trong nhà, ba mẹ chị đang cùng Hến, Sò, Tôm, Cua ngồi têm trầu, mấy bé ngoan ngoãn khoanh tay trên bàn, chẳng dám mè nheo làm nũng. Bà ngoại chạy ra đưa cho các cháu khăn trắng rồi lại chạy vào trong buồng. Vừa lau mặt cho ông, bà vừa bảo:

- Ông thầy lang nhé, ông cứ vui vẻ lên đường, giờ tôi còn phải bế cháu cho vợ chồng thằng Nhâm, khi nào mấy đứa lớn thì tôi theo ông.

Nghe bà thản nhiên tâm sự mà tim chị nhói. Chị nắm tay dì Hợi, hai chị em ôm nhau khóc rưng rức. Bà ngoại quay sang khuyên nhủ các cháu:

- Cụ bà bảo gặp gỡ là ngẫu nhiên, nhưng chia ly là chuyện đương nhiên. Hai đứa đừng quá chấp niệm, để ông ra đi cho thanh thản.

Bên nhà ba Hải sang viếng đầu tiên. Bác Vân mang theo bao nhiêu thuốc bổ, phòng mọi người đêm nay mất ngủ, kiệt sức thì còn có cái mà uống. Bác bảo tuần này bác đón Hến, Sò về nhà chăm, vợ chồng chú thím cứ an tâm lo việc của ông. Bác chu đáo bao nhiêu thì mẹ Mây khó tính bấy nhiêu. Bà gắt gỏng:

- Ông Hào này, thằng Hợp nhà ông đâu rồi? Có con trai mà như không thế? Ba ruột của mẹ ngỏm củ tỏi mà nó chẳng thèm vác mặt về. Gớm, chỉ khổ thân thằng Hậu nhà tôi vất vả ngược xuôi.

- Bà thông cảm, bên đó đang có bão tuyết lớn nên các chuyến bay bị hoãn, chắc phải trưa mai, cháu Hợp mới về tới nơi. Bà đừng chỉ trích cháu, tội nghiệp thằng bé. Nó cũng sốt ruột lắm!

Có người giải thích chân thành như vậy rồi mà có kẻ vẫn cứ cau có chẳng chịu tin.

- Ông xót con trai thì cứ nói ra. Ông bảo nó từ từ hẵng về chứ gì? Ông lợi dụng thằng Hậu, có khi tiền nong ông cũng chẳng thèm đưa, để con trai tôi tự chi. Ôi chao ôi! Khiếp thôi! Sống khôn như ông thì bao giờ cho chết?

Ông Hào lắc đầu chán nản. Ngày xưa còn nghèo khó, sang hỏi cưới con gái rượu của ông, bà Mây khúm núm xun xoe lắm chứ đâu có hống hách như bây giờ? Lòng tự ái trỗi dậy, vừa hay con trai nuôi tới, ông liền vẫy tay gọi:

- Hậu! Con mau vào trong đây ngồi nghỉ ngơi uống nước, công việc cứ để đấy, thằng Thanh lo tất cho.

Anh Thanh vui vẻ gật đầu tán thành. Ngược lại, anh Hậu trong lòng râm ran khó chịu, hổ thẹn nói:

- Con xin lỗi ba, mẹ Mây vô duyên từ xưa rồi, mong ba đừng để bụng.

Ông Hải muối mặt vì vợ nên xin phép về sớm. Anh Thanh và anh Hậu chia nhau lo công việc đình đám, đến khi mọi thứ hòm hòm rồi, ba Hến mới có thời gian xuống bếp, tìm túi chanh rồi cắt tạm một quả, pha cốc nước đem lên phòng trên cho bà xã. Tiếc rằng, lại một lần nữa, anh chậm hơn người ta.

- Sữa ong chúa đấy, uống tạm một chút lấy sức, em ạ.

- Dạ, em cảm ơn thầy.

Có người lễ phép đỡ lấy chiếc cốc từ tay thầy, có kẻ từ tốn tâm sự:

- Người già được như ông ngoại em là có phúc lắm đấy, không ốm đau bệnh tật gì cả, có những cụ còn nằm liệt giường cả năm cơ, Hà ạ.

- Em biết.

Khổ nỗi, có những chuyện lý trí biết rất rõ, nhưng trái tim chẳng thể ngừng đau.

- Chỉ tiếc, ông không được chứng kiến ngày vui của hai đứa mình.

Anh Thanh nói bâng quơ. Mẹ Sò biết thầy đang cố gắng chọc cho mình vui nên chỉ nhỏ nhẹ bảo:

- Thầy đừng đùa nữa.

Ba Hến lại tưởng rằng vợ ở trước mặt người thương bị mắc cỡ, cứ e ấp, thẹn thùng, nom rõ ngứa mắt. Anh tu một hơi hết sạch cốc nước chanh rồi chua xót quay người. Chanh với chả chó, cho bao nhiêu đường rồi mà vẫn đắng. Ngày tang thứ hai, cậu Hợp về rồi, thành ra bổn phận của hai anh cũng nhẹ nhàng hơn. Sang ngày thứ ba, gia đình chị Hà chỉ làm mấy mâm mời họ hàng trong nhà thôi. Đúng lúc mẹ Sò đang nạo dừa thì dì Hợi tạt qua chọc ghẹo:

- Bắt quả tang bác Hậu lại vừa liếc trộm bác nha.

Dì kể ra cũng chẳng ý tứ lắm, hại bà con cô bác quay sang trêu chị hoài. Mẹ Sò ngượng đỏ mặt, chối đây đẩy nhưng dì chẳng tha, tự tin khẳng định:

- Thật đó, em để ý mấy hôm nay rồi. Bác Hậu thỉnh thoảng cứ chạy ra ngó bác. Gớm, hai mụn con lớn tướng rồi mà cứ rình rập nhau như thuở trăng tròn ý nhỉ?

Mẹ Sò đoán ba Hến quán xuyến nhiều việc, chắc chỉ vô tình đảo mắt qua thôi, dì Hợi xem nhiều phim tình cảm lãng mạn nên bị lậm mất rồi. Tuy nhiên, nghe dì nhắc từ sáng đến giờ, ông xã luôn chân luôn tay chưa kịp ăn gì, tự dưng chị lại xót ruột. Chị đứng dậy lấy ít xôi xéo rồi cắt nửa khoanh giò, lật đật mang ra ngoài cho chồng. Anh đang sửa lại mấy cái tủ gỗ cho bà ngoại, nhìn đôi bàn tay khéo léo và dáng vẻ tỉ mỉ của anh, chị cảm động lắm. Mấy hôm nay, anh vất vả rồi. Mẹ Sò mỉm cười đi tới bên chồng, nhưng vừa hay, ba Hến lại có điện thoại. Là mẹ Bi, hình như mặt chị ấy bị ngứa. Chồng cúp máy, bối rối báo cáo tình hình với vợ:

- Anh phải qua nhà Liên bây giờ.

- Mình cầm ít xôi đi mà ăn này, với cả em nhớ ông bảo đợt cuối dùng thuốc loại khác. Mình biết chỗ mua mấy loại thuốc đó không?

Anh Hậu gật đầu. Đi ra ngoài cổng rồi, chẳng hiểu sao đột nhiên anh dừng lại, quay người chạy đến bên vợ, thủ thỉ:

- Mình cứ ở đây nhé! Đợi anh! Tối nay, anh qua đón mình.

Chị dạ, chỉ là một câu dặn dò thôi, không hiểu sao chị lại để tâm đến vậy. Cỗ bàn xong xuôi, mọi người về dần, cậu Hợp và dì Hợi rủ đi chung, chị đều từ chối. Mẹ Sò loanh quanh phụ bà ngoại, cậu Nhâm, mợ Nhàn làm hết việc này đến việc kia. Thỉnh thoảng, chị lại chạy ra chạy vào, ngóng trông mãi nhưng chẳng thấy bóng dáng ba Hến đâu. Đồng hồ điểm mười một rưỡi, rốt cuộc chị đành phải chào bà. Chị đang định bắt taxi thì gặp thầy Thanh chờ sẵn ngoài ngõ, khuya rồi nên chị cũng chẳng câu nệ, cứ thế lên xe của thầy luôn. Thế nào mà về đến cổng chung cư, chị vừa chào tạm biệt thầy thì thấy xe ông xã đậu ngay đằng sau.

- Mình ạ.

Vợ mở lời chào hỏi, chồng lạnh tanh chẳng nói chẳng rằng.

- Mẹ Bi đỡ chưa mình?

Gió đêm lành lạnh, ông xã không đáp, chỉ cởi áo khoác ngoài rồi vứt thẳng vào mặt vợ. Đoạn, anh bỏ đi trước. Ba Hến chẳng đi nhanh lắm đâu, tại mẹ Sò ngại nên cứ lẽo đẽo theo sau chứ không dám vượt chồng. Đường đi lên nhà, tính ra cũng chỉ mấy chục mét, cớ sao dài đến thế? Chẳng hiểu ba Hến gặp chuyện gì bực bội bên ngoài nữa, vừa vào phòng ngủ đã nổi hứng mở ngay cái đĩa nhạc ở đám của ông, tiếng kèn, tiếng trống tùng tùng cheng cheng, í a í ới nghe sao mà não nề? Bên trong, chồng vặn loa rõ to. Bên ngoài, vợ chỉ biết đóng kín các cửa để khỏi ảnh hưởng đến hàng xóm. Có người mong chọc tức đối phương, khổ nỗi, họ lại chẳng ca thán gì, đâm ra cục tức trong lòng bị nhân lên gấp bội.

- Mình... mình đứng nguyên đó. Hôm nay, không giải quyết cho ra nhẽ thì mình đừng có mà đi ngủ. Anh đã bảo rằng anh tới đón mình rồi cơ mà? Mình điếc à? Đã già đâu mà nghễnh ngãng thế?

- Em chưa điếc... nhưng... em tưởng...

Mẹ Sò chưa giải thích xong, ba Hến đã cắt lời vợ:

- Tưởng cái gì mà tưởng? Anh đã dặn thế thì nhất định anh sẽ đến đón. Vậy mà... mình xem thường lời nói của anh. Mình chẳng coi anh ra gì. Cũng phải thôi, người ta là Hiệu trưởng... đi siêu xe cơ mà... nó phải khác chứ...

Anh quát tháo một thôi một hồi làm đầu óc chị choáng váng. Chị hít thở thật sâu, cố gắng lấy lại bình tĩnh rồi hỏi anh:

- Tại sao cứ mấy ngày lại có chuyện vậy mình? Chúng ta đều đầu ba cả rồi, chẳng nhẽ không thể chung sống hoà bình trong một mái nhà ư?

Dịu dàng là vậy, nhẹ nhàng là thế, cớ sao anh vẫn đáp cộc lốc?

- Không. Không thể. Anh ghét mình. Rất ghét.

Câu từ của anh như dao sắc, cứa dần cứa mòn tim gan chị. Chị chẳng buồn tranh luận nữa, lủi thủi bỏ sang phòng Hến, Sò. Tưởng rằng đêm đó cứ thế trôi qua, ai dè, chưa đầy nửa tiếng sau, anh lại chạy sang mắng mỏ:

- Anh đã nói cả trăm lần rồi, ba mẹ con chui rúc chật chội, mình không thương con à?

Có người mặt nóng phừng phừng, xong tự dưng giật mình nhớ ra hai cục bông nhỏ đang ở nhà bác Đăng thì ngượng chín người, vội vã bào chữa:

- Tóm lại, căn phòng này là của hai cục bông nhỏ, mình đếch có cái quyền gì mà nằm trong đây.

Ra oai xong, anh hậm hực bỏ về phòng. Anh nằm đợi hoài, đợi mãi mà không thấy bóng dáng vợ đâu. Lửa giận bốc lên ngùn ngụt, anh vùng dậy chạy sang phòng con, định giáo huấn cho vợ thêm một trận nữa. Nào ngờ, vợ không có ở đây. Anh tìm trong nhà tắm và ngoài ban công cũng không thấy chị. Cái bà vợ này nữa, đêm hôm khuya khoắt rồi còn bỏ đi đâu? Muốn anh lo chết à? Anh với chiếc áo, định chạy ra ngoài tìm chị, nhưng để ý thấy cửa đang chốt, chùm chìa khóa vẫn đặt ngay ngắn trên bàn, anh lại quay người. Có tiếng nấc nho nhỏ, anh đi vào bếp, bật thêm đèn cho sáng sủa. Trông thấy vợ ngồi thu mình trong góc khuất, khóe mắt ướt đẫm, ruột anh đau thắt. Anh chầm chậm tiến tới bên vợ, chạm tay vào má chị. Vợ buồn bã đẩy anh ra.

- Sao không vào phòng mà lại ngồi đây?

Bà xã ấm ức lý sự:

- Phòng đó của mình, em làm gì có quyền?

Chồng nhìn mặt vợ xanh xao, nhợt nhạt mà xót. Thay vì bực bội, anh thấy hối hận vô cùng. Anh ghét chính bản thân mình. Anh cứ như thằng thần kinh ý, hễ nóng giận là không kiểm soát được bản thân, xấu tính trút giận lên đầu vợ. Anh thở dài, đứng dậy pha cốc sữa rồi ngồi xuống bên chị, ân cần dỗ dành:

- Anh sai rồi. Thấy mình về cùng thầy Thanh, anh như hoá thú. Mình là người thì đừng chấp mấy con thú ngông cuồng làm gì. Mình uống sữa đi cho ấm.

Nếu là chị Liên hay Hến, Sò thì chắc còn dỗi hờn, ngúng nguẩy chán chê, nhưng vợ anh không trẻ con như thế. Chị ngoan ngoãn uống hết cốc sữa rồi chia sẻ:

- Em đã đợi mình rất lâu.

Anh từ tốn bộc bạch:

- Lúc ở nhà Liên, anh cũng rất nóng ruột. Liên luôn mồm kêu ngứa rồi khóc lóc điên loạn, không chịu chăm con. Bi bị sốt, cứ bám riết lấy anh.

- Người yêu và con nuôi đều không khỏe, mình nóng ruột là phải.

- Anh nào có tốt bụng như thế? Anh nóng ruột là vì anh mong Bi mau hạ sốt để anh còn về nhà ông ngoại đón mình. Anh xin lỗi vì đã để mình đợi lâu. Anh hiểu cảm giác mong ngóng để được gặp một người là như thế nào... bản thân anh... lúc đó... cũng bồn chồn như ngồi trên đống lửa.

- Em cũng xin lỗi vì đã không đợi mình thêm một lát nữa. Em biết mấy hôm nay mình nhiều việc, mệt mỏi... nhưng em... em cũng buồn lắm...em nhớ ông...

Anh vòng tay qua ôm vợ, tình cảm bảo:

- Có gì phải xấu hổ? Anh cũng nhớ ông mà. Giờ mọi việc xong xuôi rồi, ông cũng yên nghỉ rồi, mình muốn khóc thì cứ khóc đi cho thoải mái.

- Hồi nhỏ, ba mẹ bận, em toàn ở với ông bà. Ông dạy em nhiều điều hay lắm. Em nhớ ông từng bảo ham muốn quá nhiều thường khiến người ta khổ.

- Đúng rồi. Con người ở kiếp nhân gian có mấy ai hài lòng với cuộc sống của mình? Có người chán cơm canh đạm bạc, chỉ mong được đến nơi phồn hoa để thưởng thức sơn hào hải vị. Lại có kẻ chán nơi đô thị đầy rẫy thị phi, chỉ muốn bỏ về chốn thôn quê, trồng rau, nuôi gà, mưu cầu sự bình yên. Ai cũng muốn, và khi không kiểm soát được cái muốn của mình thì ai rồi cũng khổ.

- Ông nói với mình thế à?

- Ừ.

Giá kể ông nói sớm hơn một chút thì anh đã không mắc sai lầm. Ngày xưa, hôn nhân đơn điệu, nhàm chán quá, anh thèm khát những giây phút sôi động, nhiệt huyết. Giờ đây, ồn ào, tất bật, hết chuyện này đến chuyện khác, anh lại mệt mỏi phát điên. Con người thường phải trải qua mọi hoàn cảnh mới biết được bản thân mình thực sự muốn gì. Tiếc rằng, khi anh nhận ra được đâu mới là cuộc sống mà mình mong đợi thì một số việc đã vượt ngoài tầm kiểm soát.

- Ông như này, mình với thầy Thanh chắc cũng phải để tang chứ làm sao mà cưới vội được nhỉ?

- Mình nghe được ở đâu thông tin tào lao thế?

- Thôi, mình đừng có giấu giếm.

Chị mệt mỏi, chẳng buồn giải thích, cứ thế vâng dạ cho qua. Họ chia sẻ với nhau nhiều chuyện, chủ yếu là ôn lại những kỷ niệm đẹp với ông ngoại. Sau đó, chị mệt quá, ngủ thiếp đi. Tờ mờ sáng, nghe chuông báo thức kêu, chị giật mình tỉnh giấc. Anh vẫn ngồi trong xó bếp, chị nằm cuộn tròn trong lòng anh từ lúc nào không hay? Chị ngượng, toan chồm dậy nhưng anh lại bất giác cúi người xuống, khẽ thơm lên trán vợ, quan tâm hỏi han:

- Mình ngủ ngon không?

Chị thẹn thùng gật đầu, lí nhí hỏi lại chồng:

- Còn mình thì sao?

- Ôm mình trong lòng rồi mà còn không ngủ ngon thì chắc kiếp này anh khỏi ngủ luôn.

- Ý... ý mình... là... sao ạ?

Anh bẹo má vợ, mắng yêu:

- Là... thưa vợ... anh ngủ rất ngon. Mình ngốc lắm!

Đột nhiên, chị lại bạo dạn nói:

- Vâng, chứ mà khôn thì đã được chồng yêu.

Anh tủm tỉm cười, ngọt ngào đề nghị:

- Lát nữa, anh đưa mình đi ăn sáng kiểu Pháp nhé!

Chị cũng cười, hiền dịu gật đầu. Bữa ăn khá đơn giản, nhưng không gian lãng mạn lắm. Anh rót rượu vang cho vợ, dịu dàng cùng chị cụng ly.

- Cạn ly này, mong rằng từ nay chuyện buồn ở lại, tương lai chỉ còn niềm vui.

Khoảnh khắc ấy, trái tim chị ngọt như được rót mật. Chị vui vẻ bao nhiêu thì có người ở nhà lồng lộn bấy nhiêu. Chị Liên biết mười mươi lão Bảo bịa chuyện gặp vợ chồng Hậu Hà đi tình tứ với nhau để trêu tức mình rồi, cớ sao chị cứ buồn bực mãi? Tối qua, Bi ngủ ngon lành trên người ba Hậu. Con vừa hạ sốt, anh liền đặt bé nằm xuống giường rồi vội vàng chào tạm biệt chị. Phải rời xa chị, chắc anh buồn lắm. Khả năng cao là con nặc nô kia lại viện cớ nhà ông ngoại có việc để ép anh lái xe về đấy rồi. Mang tiếng ở cùng thành phố nhưng hai nhà cách nhau hơn chục cây số, đêm hôm khuya khoắt, nó nỡ lòng nào gây khó dễ cho anh? Đúng là con đàn bà ác độc, vô lương tâm! Chẳng biết nó giở cái trò mèo gì mà anh lại gọi điện cho chị thông báo:

- Cuối tuần này, cậu Hợp làm lễ cúng bảy ngày cho ông ngoại, anh không thể vắng mặt.

Tức lồng lộn, chị hoạnh họe:

- Cái gì mà cúng bảy ngày? Điên à? Từ thuở bé đến giờ, em mới chỉ thấy người ta cúng bốn mươi chín ngày thôi.

Anh Hậu thở dài khuyên nhủ:

- Mỗi nhà một phong tục, em bớt xét nét đi.

- Phong tục quái gì? Có mà con Hà vẽ chuyện ý! Không khéo nó biết cuối tuần này, anh sẽ đưa em và Bi lên Đà Lạt chơi nên nó cố tình phá đám, con quỷ cái!

- Em không nói được gì tử tế thì im mồm đi! Đến anh còn không biết cuối tuần này, anh sẽ đưa em và Bi đi chơi thì vợ anh biết thế quái nào được?

- Anh mới là người phải im mồm đấy! Một thằng đàn ông mà đến cả lịch đi chơi với người yêu còn không nắm được thì lấy tư cách gì để chê em? Đầu óc anh có vấn đề à mà lại bỏ qua chuyện hệ trọng như vậy?

- Em cứ như con sư tử cái, mỗi ngày gầm gừ đủ thứ chuyện, đầu óc anh bình thường được mới là lạ!

Dứt lời, anh dập máy luôn, hại chị cay không sao tả xiết. Chị không trách anh, chỉ trách con Hà tiểu nhân, suốt ngày ngọt nhạt chiều hư anh. Dạo này, anh ở với nó nhiều, đâm ra trịch thượng lắm. Anh cứ thử về ở với chị một thời gian xem có dám bốp chát như thế không? Chị lại rèn cho đâu vào đấy ý chứ! Con Hà càng ngày càng mất dạy, không thể chấp nhận nổi. Chị đã nhân nhượng, nhưng nó ép người quá đáng, chị bất đắc dĩ phải vùng lên. Chị đợi đến đúng ngày gia đình nhà người ta làm lễ cúng để xông tới gây chuyện.

- Em một vừa hai phải thôi nhé, lợi dụng cả một ông già đã chết để giữ trai. Cái đồ trơ trẽn, vô liêm sỉ, chị thấy nhục thay cho em! Em càng bỉ ổi, đàn ông họ càng coi thường em thôi!

Chị Hà cố gắng nhẫn nhịn bảo:

- Chị nói nhỏ giúp em với ạ. Hôm nay, khách khứa ra vào tấp nập, chốn đông người không tiện bàn chuyện thị phi. Phiền chị bình tĩnh, có gì để hôm khác em và chị giải quyết sau.

Chị Liên chẳng nể nang gì sất, uất hận chửi bới:

- Em sợ cái gì? Sợ người khác biết gia đình em chỉ là cái bình rỗng thối nát hả? Hay sợ người ta biết em là người thứ ba chen ngang vào mối tình của chị và anh Hậu, mặt dày phá hoại hạnh phúc của anh chị?

Dì Hợi ở đâu xông ra khiêu chiến:

- Bà nói cái gì thế hả? Ai chen ngang? Ai phá hoại? Gớm thôi! Ngày xưa, nhà bên đó còn sang nịnh nhà tôi mãi nhé, trầu cau đàng hoàng, ba tôi mới thèm gả bà Hà đó! Bà dám ăn nói xằng bậy à? Cẩn thận kẻo tôi lại vả cho vỡ mồm bây giờ!

Chị Liên cũng hổ báo cáo chồn ra oai:

- Hợi ơi là Hợi! Em đừng có ngu lâu dốt bền nữa đi! Anh Hậu với chị yêu nhau thắm thiết, chỉ vì hoàn cảnh mà phải tạm chia xa một thời gian. Nếu không có con Hà nhà em xen vào thì bây giờ anh chị đã trọn vẹn là của nhau rồi. Không tin, em hỏi lại chị gái mình xem có phải hai vợ chồng nó đã ly thân, người trên giường, kẻ dưới sàn từ lâu rồi không?

Mẹ Tôm hùng hổ chạy vào trong nhà, quát tháo ầm ĩ:

- Ông Hậu đâu? Ông nói rõ ràng cho tôi nghe, con mụ điên ngoài kia nó sủa có đúng không? Ông lang chạ với nó rồi bỏ bà Hà nhà tôi, hai người ly thân từ lâu rồi hả? Cái đợt bà ấy bị xuất huyết dạ dày, tôi đã nghi rồi mà, nhưng ông diễn khéo quá. Ông lừa tôi, lừa tất cả mọi người!

Cả nhà, từ ba mẹ hai bên, họ hàng đến bà con lối xóm đều ngơ ngác nhìn mẹ Tôm. Khí thế của dì không hề suy giảm, chửi anh rể xơi xơi:

- Nó nói hai ông bà ly thân rồi ngủ riêng từ lâu rồi đó. Ông ăn cháo đá bát thế à? Mới năm nào ăn hỏi, ông còn thề non hẹn biển cơ mà?

Em Sò quay sang hỏi chị Hến ly thân là gì. Chị Hến chẳng biết nhưng vẫn ra điều phân bua cho ba mẹ:

- Đâu có phải ly thân đâu dì Hợi. Mẹ Hà ngủ dưới sàn vì giường bị hỏng ý, cái giường nhà con hỏng rồi, nằm hai người là sập.

Hến vừa dứt lời thì mẹ Hà và cô Liên cùng chạy vào. Mâm trên mâm dưới bàn tán rôm rả. Có người xót xa chậc lưỡi, có kẻ lại nín cười vì lời con trẻ. Ba Hào giận tím mặt. Ba Hải nhìn thấy chị Liên thì phẫn nộ khủng khiếp, ông gằn giọng hỏi con trai:

- Thế là thế nào hả anh Hậu?

Mẹ Bi mừng thầm trong bụng, rốt cuộc chị cũng đợi được tới ngày này. Chị chán cái cảnh chui lủi giấu giếm lắm rồi, đã đến lúc mọi chuyện phải được sáng tỏ. Chị rơm rớm nước mắt nhìn người yêu. Hai cục bông nhỏ cũng mở mắt tròn xoe, tò mò ngó ba. Chị Hà thì tạm thời giữ im lặng, để anh Hậu mở lời trước, ý anh như nào, chị sẽ thuận theo để phát triển câu chuyện. Ba mẹ hai bên vừa bực, vừa sốt ruột, nín thở chờ đợi lời giải thích của ba Hến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro