#51
Nhà có điều hòa nhưng mẹ Bi vẫn vã mồ hôi, chị lắp bắp giải thích với ba Hến rằng anh Bảo mới về nên em chưa kịp kể rồi cố bình tĩnh lẻn vào nhà tắm gọi điện cho lão ta, ngọt nhạt thương lượng:
- Cứ ở yên đấy, tôi sẽ mang con tới bây giờ.
- Bố có tin được mày không đấy?
- Tôi còn sống ở cái đất này chứ chạy đi đâu được mà ông phải nghi ngờ? Giờ tôi và Bi cũng không có nhà, ông qua chỉ tổ mất công thôi. Lần này, tôi sẽ để ông giữ thằng bé một tuần.
- Được rồi, bố cho mày hai mươi phút, dám giở trò mất dạy, đêm nay, bố đốt nhà mày!
Gớm thật đấy! Đàn ông đàn ang, mở mồm ra là dọa nạt. Ban đầu còn ngỡ đại gia giàu có, lịch thiệp thế nào, ai ngờ cưới về không khác gì quân đầu đường xó chợ, chẳng bằng một góc của anh Hậu. Phận đàn bà lấy nhầm chồng nhục không để đâu cho hết. Mẹ Bi nhớ lại những ngày tháng cùng cực của mình mà nghẹn đắng, chỉ ước sao thời gian trôi qua thật nhanh để mau tới ngày anh Hậu được giải thoát rồi anh chị sẽ quay về với nhau, hạnh phúc như nhiều năm trước. Chị hít một hơi thật sâu để lấy lại tinh thần rồi đi ra ngoài, tươi cười trình bày:
- Lão Bảo đổi ý rồi, giờ em phải đèo Bi qua gặp lão.
Anh Hậu đề nghị chở hai mẹ con đi. Chị Liên không từ chối, chỉ là, chị yêu cầu anh dừng xe cách địa điểm gặp thực sự mấy trăm mét. Tuy phải ngồi đợi chị Liên khá lâu nhưng anh Hậu chẳng mảy may nghi ngờ gì cả. Nghĩ bụng, chắc bọn họ giống vợ chồng anh thôi, thỉnh thoảng gặp lại thì cũng phải chào hỏi, nói chuyện đôi ba câu chứ về được luôn à? Có người ngồi một mình trong xe, trầm ngâm quan sát cảnh đêm tấp nập, nhìn lũ nhóc ríu rít ùa ra khỏi lớp học thêm tiếng Anh, anh cười hiền. Xe đạp điện bây giờ có nhiều loại mới trông đẹp phết. Ba Hến suy tư một lát rồi nhắn tin cho mẹ Sò:
"Xe đạp điện mới có nhiều loại hay ho lắm, mình thích loại gì thì lên mạng tìm rồi gửi ảnh cho anh để hôm nào anh mua cho."
Được đổi xe, cứ tưởng bà xã phấn khởi lắm, ai dè chị nhắn tin khiến chồng mất cả hứng:
"Không cần đâu, xe em vẫn mới mà."
"Ặc! Con đấy cổ lỗ sĩ lắm rồi, chẳng qua là do mình chịu khó lau chùi nên nom nó vẫn đẹp thôi."
"Mình chưa ngủ à?"
"Anh chưa. Anh đưa Liên với bé Bi đến nhà ông Bảo, đang ngồi đợi bên ngoài. Còn mình? Sao chưa ngủ? Tối nay, ba mẹ con ăn gì? Hến, Sò ngủ lúc mấy giờ? Em Sò dạo này hay giành chăn của chị Hến lắm. Mình nhớ để ý đến các con nhé!"
"Vâng."
Mẹ Sò làm ba Hến bực ghê, anh hỏi han quan tâm dài dằng dặc như thế mà chị nhắn lại gọn lỏn. Chắc vợ đang mải buôn dưa với người tình rồi, lạnh nhạt với chồng là phải thôi. Đắng thật đấy! Cay nữa! Vợ cứ chọc điên anh, rồi đến lúc anh đổi ý, anh không thèm đi nộp đơn nữa thì đừng trách anh ác. Ba Hến đang định gọi điện dọa dẫm vợ thì nhìn thấy mẹ Bi bước đi tập tễnh từ phía xa. Anh vội vàng nhảy xuống xe, lao ra chỗ chị hỏi han:
- Sao lúc đi nguyên vẹn mà lúc về tả tơi thế?
- Em bị ngã.
Chị hổn hển tâm sự. Anh cáu bẳn:
- Ngã gì mà ngã? Ông Bảo lại đánh em, phải không?
Thực ra cũng không hẳn là thế, mẹ Bi mỏi miệng đòi tiền trợ cấp, lão mới chịu nhè ra bốn triệu. Nhưng chị liếc thấy trong ví lão còn rất nhiều tiền nên cố tình giật ví, nhằm lấy thêm một triệu nữa. Ba Bi cũng chẳng vừa, dứt khoát giữ khư khư, hai người giằng co một hồi, rốt cuộc chị Liên bị mất đà, ngã lăn lông lốc xuống dưới bậc thềm. Chuyện mất mặt như thế, chị nào dám kể. Ba Hến lại cứ đinh ninh rằng chị bị bắt nạt, anh khăng khăng đòi gặp lão Bảo. Mẹ Bi phải khuyên ngăn mãi, anh mới hạ hỏa. Thấy chân tay chị bầm dập, tím tái, lo chị đi lại bất tiện nên đêm đó, anh ngủ lại phòng Bi để có gì còn giúp đỡ.
Chị Liên nằm một mình, tự dưng thấy hơi tủi thân, không hiểu vì lý do gì mà cái chuyện tưởng chừng rất đơn giản ấy lại bị trì hoãn mãi? Cớ sao người ta cứ cố tình lẩn trốn? Không lẽ ba Hến không muốn làm chuyện khuất tất khi chưa giải quyết xong thủ tục ly hôn? Bây giờ có nhiều con đàn bà xảo trá lắm, rõ ràng chuẩn bị nộp đơn rồi nhưng vẫn để ý tới những mối quan hệ tình cảm của chồng. Sơ hở là bọn nó ngúng nguẩy đi bắt quả tang, lợi dụng chuyện đó để chống lại đối phương trên tòa, nhằm giành quyền nuôi con cùng toàn bộ tài sản. Anh Hậu cực kỳ thương con gái, anh tính toán cẩn thận một chút cũng không thừa. Ngẫm nghĩ một lúc thấy hợp lý, chị Liên thở phào nhẹ nhõm. Sáng hôm sau, chị lân la dò hỏi:
- Hôm nay, Hến, Sò được nghỉ học à anh?
Anh Hậu gật đầu. Chị Liên phấn khởi đề nghị:
- Vậy lát nữa, anh chở hai con qua nhà em chơi.
Anh Hậu vui vẻ gọi điện hỏi ý kiến vợ. Chị Hà thoáng buồn. Cho con gái đi chơi riêng với chồng và người yêu cũ của chồng, thử hỏi có người mẹ nào cảm thấy thoải mái? Chị biết đây là việc sớm muộn gì cũng phải đối mặt, nhưng thôi thì tránh được ngày nào hay ngày đấy.
- Để em đưa hai bé qua nhà chị Liên, mình đỡ phải đi lại vất vả. Em sẽ bắt xe, mình không phải lo.
Mẹ Sò khéo léo đáp. Ba Hến thấy vậy cũng hợp lý nên gửi cho vợ địa chỉ nhà người yêu cũ luôn. Hến, Sò được đi chơi sướng kinh khủng khiếp, ngặt nỗi, háo hức bao nhiêu thì tới nơi thất vọng bấy nhiêu. Ba Hậu chỉ thơm các bé thôi chứ không ôm ấp hỏi chuyện rối rít như mọi khi. Ba bảo hai đứa ngồi đợi ba một chút vì ba còn bận đút cháo cho cô Liên ăn. Mẹ Bi cũng muốn thân thiết với lũ trẻ, nhưng cái bọn này ngu giống hệt con mẹ nó, được khen xinh, khen đáng yêu mà chỉ lí nhí con cảm ơn cô, xong cái mặt cứ đần thối ra, nom tụt cả hứng. Hai cục bông nhỏ kiên nhẫn ngồi đợi, đợi hoài, đợi mãi, lâu ơi là lâu á. Cô Liên ăn xong, ba lại phải thoa thuốc cho cô, rồi ba còn đi pha nước cam nữa. Bọn trẻ ngoan không dám ý kiến, nhưng mặt mũi thì méo xệch ra rồi. Mẹ Hà hiểu tính các con nên liên tục xoa lưng vỗ về tụi nhỏ, ngọt giọng an ủi:
- Hến, Sò ngoan nha! Ba Hậu và cô Liên thương tụi con lắm đó! Tay cô bị đau nên ba mới phải chăm sóc cô. Tụi con thông cảm cho ba và cô nhé!
Khổ nỗi, trẻ con đã tủi thân rồi thì làm sao mà kìm nén nổi? Chị Hến phụng phịu quay vào ôm mẹ, em Sò òa khóc đòi về. Anh Hậu thấy con dỗi thì ngạc nhiên lắm, lập tức lao tới hỏi han. Tiếc rằng, các nàng quen được nuông chiều nên thái độ ngúng nguẩy và kiêu chảnh chẳng kém gì cô Liên.
- Không thích đâu! Ba không thương Sò nữa. Mẹ Hà ơi! Về thôi!
- Sao lại thế? Ba không thương tụi con thì còn thương ai? Ngoan nào! Ra ba bế!
Ba dỗ nhưng em Sò còn hờn, chị Hến thì mếu máo:
- Không phải, từ nãy tới giờ, ba Hậu không thèm nhìn Hến nha, ba thương cô Liên hơn rồi ý.
Anh Hậu hơi choáng, căn bản trước kia anh bận chăm chị Hà ốm, tụi nhỏ toàn ngoan ngoãn ngồi bên cạnh xem phim hoạt hình. Năm ngoái, hai đứa theo ba vào viện chăm bà Mây, chúng cũng chỉ lon ton chạy qua chạy lại chứ không hề giận um cả lên như thế này. Chị Hà thấy con gái làm màu quá đáng thì cũng xấu hổ thay, vội chữa thẹn:
- Chắc Hến, Sò còn ngái ngủ nên khó tính. Em chúc chị Liên mau khỏi bệnh để anh Hậu bớt lo lắng. Còn bây giờ, em xin phép anh Hậu, em xin phép chị Liên, em đưa hai con về trước, để dịp khác, anh chị rảnh thì em sẽ ghé qua thăm hỏi sau.
Đoạn, chị ghé tai con thủ thỉ:
- Tụi con nín đi, rồi lát nữa, mẹ cho hai đứa đi công viên chơi đu quay.
Hến, Sò vừa làm mình làm mẩy mà đôi mắt đã ráo hoảnh được ngay mới giỏi. Hai đứa cúi người chào ba Hậu, chào cô Liên xong phấn khởi chạy chân sáo theo mẹ. Anh Hậu thấy hai cục bông nhỏ lạnh lùng bỏ đi, không thèm quay người lại ngó ba rồi luyến tiếc như mọi khi thì tủi thân lắm. Anh dặn dò người yêu cũ vài câu rồi lấy chìa khóa xe đuổi theo ba mẹ con. Chị Liên hút cốc nước cam mà nghẹn đắng, có lẽ chị phải chinh phục được hai con nhóc đó rồi đón chúng về nuôi thì mới kiểm soát được anh. Khổ thân ba già, dỗ bã bọt mép, các nàng mới chịu quấn quýt với ba như trước. Hết chơi đu quay, cầu trượt trong công viên, về nhà, chúng còn đòi ba kiệu trên vai, đòi ba kể chuyện cổ tích, bắt ba làm ngựa chạy nhong nhong quanh phòng khách. Vợ thấy tội nghiệp chồng lắm mà chẳng biết làm sao cả, ai bảo anh chiều con quá nên chúng được đà lấn tới, ra sức chèn ép ba.
- Em ngựa ơi! Em có dám thương cô Liên hơn chị Hến và chị Sò nữa không nhỉ?
Giọng Sò rõ đanh đá. Hến nhẹ nhàng góp ý:
- Là ba Hậu mà Sò.
Sò cãi luôn:
- Nhưng đang chơi trò chơi á, ba Hậu đóng vai ngựa thì ba Hậu phải là em của Sò.
Ba nịnh gái yêu:
- Đúng rồi, em là em ngựa đây, thưa các chị. Em thương chị Hến và chị Sò hơn cô Liên nhiều ạ!
Hến hiếu kỳ thắc mắc:
- Vậy còn mẹ Hà? Giữa cô Liên và mẹ Hà, em ngựa thương ai hơn?
Ba đang mải chơi với con nên đáp luôn mà chẳng cần suy nghĩ:
- Hiển nhiên là mẹ Hà rồi.
Dứt lời, chính bản thân anh Hậu cũng bị bất ngờ bởi đáp án của mình. Chị Hà tưởng anh chỉ nói vậy cho con vui lòng nên chẳng lấy làm hãnh diện. Anh chơi với các bé hăng say như một đứa trẻ, nhờ vậy, anh bớt nghĩ ngợi lung tung. Mười giờ tối, các bé ngủ tít mít rồi, căn nhà yên ắng hẳn, anh chợt thấy lẻ loi. Anh não nề chào vợ. Chị chắc mẩm anh ghé qua chỗ chị Liên nên chỉ khẽ gật đầu thôi chứ không đi tiễn chồng. Mười một giờ, chị nghe thấy giọng cô Nguyệt oang oang:
- Anh Hậu! Sao anh không vào nhà mà lại ngồi ngoài cửa như thằng ất ơ thế? Có chuyện gì hả?
Chị nghe thấy cả giọng nói thân thương của ông xã:
- À, anh ngồi đây hóng gió.
- Anh xạo nó vừa, chung cư kín cổng cao tường, cửa sổ đóng hết rồi, gió đâu ra mà hóng?
Chị sốt ruột lao ra ngoài nói đỡ cho chồng:
- Anh nhà chị bận công việc nên về muộn. Chị lại ngủ say quá, thành ra không dậy mở cửa cho chồng được, hại anh phải đợi mỏi mòn. Anh bảo ngồi đây hóng gió là trêu cô đấy thôi!
Cô Nguyệt còn lâu mới tin. Chị Hà lo cho anh Hậu lắm, làm gì có chuyện chị ngủ say, không dậy mở cửa được? Rồi anh Hậu cũng quên đem chìa khóa nhà luôn hả? Khẳng định là có cái gì đó sai sai, nhưng cô Nguyệt ứ thèm bắt bẻ, tại vừa trông thấy chú Trung, cô đã phớt lờ luôn anh chị.
- Có chuyện gì mà qua nhà tôi muộn thế?
Cô Nguyệt tra khảo. Chú Trung ghé tai cô, nói nhỏ chỉ đủ để cô nghe thấy:
- Ừ, chuyện là... có hơi... nhớ em.
Cô Nguyệt vô tư quát ầm lên:
- Nhớ nhung kiểu quái gì mà không đợi đến sáng mai được hả?
Chú Trung vẫn chỉ nói cho một người nghe thôi:
- Đợi đến sáng mai, nhớ dài, nhớ lâu, sợ phát bệnh.
Cô Nguyệt chả thèm nể nang bố con thằng nào sất, cô mắng chú xơi xơi:
- Vớ vẩn! To cao vạm vỡ thế kia, phát bệnh bằng niềm tin à? Chỉ giỏi làm màu!
Chú Trung thủ thỉ:
- Anh khổ lắm chứ có sung sướng gì đâu mà làm màu?
Cô Nguyệt lườm chú Trung nhưng miệng lại cười tủm. Chị Hà kéo chồng vào trong nhà, sốt ruột hỏi thăm:
- Mình cãi nhau với chị Liên à?
Anh Hậu lắc đầu. Chị tiếp tục hỏi:
- Vậy có chuyện gì mà mình lại ngồi lủi thủi ngoài đó? Nom tội dã man!
Thấy vợ quan tâm tới mình, anh nắm chặt tay chị, giọng buồn mênh mang:
- Lúc ở nhà Liên, mình... gọi anh... là... anh Hậu.
Chị Hà phì cười hỏi:
- Mình ghim chuyện đó từ sáng luôn hả? Sớm muộn gì tụi mình chả phải đổi cách xưng hô?
- Biết vậy, nhưng tim anh vẫn thấy nhói.
Sống mũi anh cay cay. Hoá ra, tương lai sẽ có một ngày, anh trong mắt vợ, chỉ đơn giản là "anh Hậu" mà thôi, những tiếng nỉ non mình ơi, mình à, chắc là để dành cho một người đàn ông khác. Có một vài thói quen thực sự quá khó để từ bỏ, có những chuyện biết rõ là phải chấp nhận, nhưng sao tâm can vẫn đau đớn đến thế? Khoé mắt chị rưng rưng. Anh đưa tay chị lên mũi hít hà, thật thà nhận xét:
- Tay mình thơm quá, ngửi rất dễ chịu.
Chị không kiềm chế được, bật khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Anh miết môi mình lên lòng bàn tay chị, chua xót dặn dò:
- Tương lai, mình phải sống thật tốt đấy, cho bõ cái công anh ký đơn.
Chị mếu máo nói:
- Ký đơn một tí là xong mà... mình làm như khó khăn lắm ý.
Anh đặt tay chị lên lồng ngực mình. Hai bàn tay ấm áp của anh áp lên đôi gò má kiều diễm của vợ. Anh dịu dàng lau nước mắt cho chị, chua xót bảo:
- Khó thật đấy! Ký vài giây... nhưng mà... có khi... đau cả đời...
Anh nhìn chị chằm chằm. Chị cũng ngước lên, nhìn thẳng vào mắt anh, và rồi, có hai trái tim cùng loạn nhịp. Trong phút chốc, cả hai vợ chồng đều thấy hối hận, nhưng ai cũng nghĩ đối phương không hề yêu mình nên rốt cuộc, chẳng ai đủ can đảm đề nghị xé đơn. Ngày anh chị về nhà nội, ba Hải phấn khởi lắm. Ông cười nói rôm rả suốt từ mấy hôm trước. Cũng tại bà Mây ác mồm nên lâu lắm rồi cả nhà mới được tụ họp đầy đủ. Ông dậy từ năm giờ sáng, xách làn đi chợ, tới hàng nào cũng sà vào, sang sảng khoe hết chuyện này đến chuyện kia:
- Báo cáo với các chú, các thím là hôm nay mấy đứa con nhà tôi về chơi. Hôm nọ, con Vân gọi điện khoe rằng thằng Khôi thi đấu vật được giải Nhất. Nhà Hậu, Hà thì em Sò tăng nửa cân, chị Hến được các cô giáo ở lớp khen có trí nhớ tuyệt vời, học thuộc được cả bài thơ dài mấy trang giấy lận.
Khoe con, khoe cháu là niềm vui của các cụ già. Bà con hàng xóm ở đây thân thiện lắm, ai cũng mừng cho ông, một số người vui tính hơn còn trêu chọc:
- Giờ ông Hải là ba đại gia rồi chứ có còn khổ cực như ngày xưa nữa đâu mà phải đích thân đi chợ? Ông cứ ới một câu, ắt sẽ có người mang cả bàn tiệc tới nhà, việc gì phải nhọc công thế?
- Ôi dào! Các chị chẳng hiểu gì hết, còn sức thì phải lao động cho khỏe và trẻ ra chứ, ngồi ở nhà mãi để làm cảnh à? Mình tự nấu ăn thì nó bảo đảm. Với cả, thằng Đăng và thằng Hậu thích ăn đồ tôi nấu lắm đó, nhất là món lươn om chuối đậu.
- Dạ, ông tận tâm chăm sóc các con như thế, thảo nào hai anh nghe lời ba răm rắp.
- Đó! Nói mới nhớ! Cái Hồng bán cho ông nải chuối xanh với! Thằng con mẹ Mận kia! Nhà còn lươn thì để cho ông mấy con ngon ngon nhé!
Ông Hải cứ thế lang thang từ đầu chợ tới cuối chợ, tha lôi một lô một lốc bao nhiêu thứ về nhà. Nấu nướng xong, vừa tròn chín giờ, ông lại đi bộ ra chỗ đầu làng Triều Khúc, mong ngóng con cháu. Già rồi, mắt có hơi kém nhưng xe nào là xe của con mình thì vẫn nhận ra ngay, nhất là xe của anh con trai cả, độc và lạ, ở quanh đây hiếm có cái nào giống như thế. Vợ chồng Đăng Vân về trước, thằng cháu đích tôn thấy ông nội thì nhảy xuống xe, cùng ông đi bộ về nhà.
- Gớm! Cao quá là cao! Hồi ông cao bằng Khôi, cụ đã giục ông lấy vợ rồi, thế con có người yêu chưa?
Ba Đăng lái xe chầm chậm, mẹ Vân mở cửa kính, ngó ra trêu chọc:
- Cún kìa, hôm nào mời ông nội đi ăn tào phớ, con nhỉ?
Thằng cháu ngượng đỏ cả mặt nên ông không dám trêu nó. Hai chục phút sau, xe của anh Hậu cũng rẽ vào trong sân nhà. Ba nấu sẵn rồi nên hai cô con dâu chỉ phải dọn bàn thôi. Cơm nước xong xuôi, anh Hậu nhờ bé Khôi bế các em lên tầng trên chơi. Anh mời ba uống chén trà, chưa kịp thưa chuyện gì thì chị Vân đã cướp lời:
- Ba! Bọn con muốn ly hôn!
Ông Hải suýt sặc. Anh Đăng bên cạnh cáu ầm ĩ:
- Vân bị rồ à? Đăng chỉ bảo làm giả đơn ly hôn thôi mà!
- Giả làm quái gì cho rách việc? Làm thật luôn đi! Tôi chịu hết nổi rồi.
Chị Vân làm căng. Ba chồng bảo chị:
- Vân! Bình tĩnh lại đi con, có gì thì từ từ trình bày. Yên tâm, ba biết thằng Đăng mất nết rồi nên ba sẽ luôn đứng về phía con.
- Dạ, thưa ba là em người tình của con trai ba khóc ướt hết hai cái gối rồi đòi anh phải ly dị vợ thì mới chịu tiếp tục mối quan hệ.
Mẹ Mây vừa tóm tém nhai trầu, vừa nói đế vào:
- Gớm thôi! Đàn ông chơi bời một tí thì có sao đâu mà cô cứ làm quá? Nó chưa đuổi cô ra khỏi nhà là may rồi, nào có cái ngữ đàn bà con gái đòi bỏ chồng? Cha mẹ cô không biết dạy con à? Tam tòng tứ đức để đi đâu?
Chị Vân nghe mà điên cả tiết, phừng phừng đứng dậy xả một tràng:
- Này nhé! Mẹ không biết gì thì mẹ đừng có xía vào. Con thách lão Đăng kiếm được người vợ nào hơn con đấy! Thử hỏi trên đời này, có thằng đàn ông nào dăm bữa nửa tháng lại đổi người tình, rồi còn mặt dày đến mức nhờ vợ tới giải quyết hộ không?
- Vân ngồi xuống đi, lát về chúng ta nói chuyện sau.
- Chuyện trò cái con khỉ, Đăng chơi bời đú đớn, Vân chưa bao giờ cấm cản. Nhưng Vân giữ thể diện cho Đăng thì Đăng cũng phải giữ thể diện cho Vân chứ! Cứ ngày nào cũng chình ình trên báo như thế thì đến bố Vân cũng chịu Đăng luôn. Rồi còn thằng Khôi nữa, ngày nào đi học cũng bị bạn bè bàn tán, Đăng không thương con à? Khổ, có phải thiếu nơi tình tứ đâu? Biệt thự, khách sạn đứng tên Đăng cũng mấy cái cơ mà, sao không dắt nhau lên đó hú hí mà cứ phải thể hiện ở nơi công cộng làm gì? Muốn ép bà đây hộc máu chết phải không?
- Thôi đi, rõ ràng là Vân thuê phóng viên rình Đăng, mục đích là để hạ bệ Huệ.
- Vân mà thèm chơi bẩn vậy à? Nói cho Đăng biết nhé, Vân không dây thì thôi, một khi đã ra tay là gạo xay ra cám, ba mặt một lời chiến nhau luôn chứ không thèm đâm lén sau lưng đâu.
Có người tuyên bố hùng hồn làm người kia phải xuống nước:
- Vậy không phải là Vân à?
- Đầu hai thứ tóc rồi mà vẫn còn dại, cứ cho là bị chụp trộm đi thì cũng chỉ chụp được vài lần thôi chứ, lấy đâu ra mà ngày nào cũng có ảnh? Đăng tưởng mình là tổng tài trong phim ngôn tình à mà sang tận châu Âu rồi vẫn có thám tử đi theo? Mỡ đấy mà húp!
- Này! Vân xỉa đểu cái gì thế hả? Vân giỏi, Vân nhại lại lần nữa cho Đăng nghe xem nào!
Hai bác nóng quá, không có chú Hậu, thím Hà ngăn cản thì chắc lao vào choảng nhau rồi. Bác Thơm, cô Thắm đá đểu:
- Cậu Đăng là nam nhi đại trượng phu mà để con vợ ngồi lên đầu như vậy là quá nhục.
- Vâng, chị Thơm nói đúng đấy, anh ạ. Dạy lại vợ đi anh, dạy đến khi nào chị Vân hết hỗn thì mới thôi!
Bác Đăng bị khích tướng đâm ra mất hết lý trí, lên giọng quát bác Vân vài câu. Ba Hải giận sôi cả máu, với cái điếu cày phang cho thằng con trưởng vài phát rồi chửi xối xả:
- Này thì Đào! Này thì Hương! Này thì Huệ! Cái tính lăng nhăng! Cái tính lăng nhăng mãi không chừa!
- Ba... đau con... đau mà... đau lắm ba...
Có người kể cũng ngoan, bị ba đánh nhưng chỉ dám kêu chứ không dám tránh.
- Đau cho chết đi, đỡ chật đất! Đẻ ra anh làm tôi quá mất mặt, có lớn mà không có khôn. Anh đúng là ngu ngơ như một con chó đeo nơ, vàng thì vứt, mấy cái cục mứt thì cưng.
Bị ba chỉ trích trước toàn thể gia đình, bác Đăng uất ức gào ầm lên:
- Ba hay nhỉ? Đã chửi là con chó rồi còn khuyến mại thêm cái nơ làm chi nữa? Ba định sỉ nhục giới tính của thằng này luôn đấy hả? Ba bớt can thiệp vào cuộc sống của con đi, con lớn rồi chứ có phải trẻ lên ba đâu.
Mẹ Mây bĩu môi, quay sang bóng gió:
- Đấy! Ông xem! Giờ nó lớn, đủ lông đủ cánh rồi, có cần ông quản đâu? Thương xót làm gì để rồi lại rước bực vào người?
Ba Hải tức tím mặt, tiện cái chén trong tay phi thẳng về phía con trai.
- Anh mà dám dây dưa với con mắm đó nữa thì đừng hòng gọi tôi là ba.
Tuy rằng chỉ sượt chút da ở trán, không đau lắm nhưng hễ là đàn ông, ai chả có sĩ diện. Lửa giận trong lòng bốc lên ngùn ngụt, ba Cún đốp chát lại luôn:
- Ba tự nhìn lại mình xem có thấy nực cười không? Cớ sao ba cứ thích áp đặt tư tưởng và quan điểm sống của ba lên bọn con? Xưa nay mỗi thời một khác, ba cổ hủ nó vừa thôi!
- Anh... anh... biến ra khỏi nhà tôi!
- "Ô kê nuôn nạ", đằng ấy thích thì đây chiều. Đây chỉ sợ được dăm bữa nửa tháng lại có người gọi điện cho đây, kêu nhớ con, nhớ cháu thôi.
Anh Đăng nóng máu đạp cửa đánh rầm một cái rồi bỏ đi. Ông Hải điên tiết cầm dép tổ ong đuổi theo. Khổ nỗi, ông già rồi, tuổi cao sức yếu, không những không đuổi được thằng mất dạy mà chính mình lại bị đột quỵ. Bác Thơm, cô Thắm ở nhà với Khôi, Hến, Sò. Số còn lại nhanh chóng đưa ông vào bệnh viện. Một người trong phòng cấp cứu mà năm người bên ngoài lo ngay ngáy. Đợi mãi mới thấy có chị y tá đi ra báo rằng tình hình không tốt lắm, có gì cả nhà chuẩn bị tinh thần. Mẹ Mây ngất xỉu. Bác Vân, thím Hà bật khóc, ngay cả hai ông con trai thường ngày cứng rắn là vậy mà cũng không kìm nổi nước mắt. Chú Hậu vội vã cõng mẹ chạy sang phòng khác. Bác Đăng run rẩy ngồi bệt xuống góc tường. Ban nãy, đại gia đình còn chửi nhau tưng bừng khói lửa mà giờ đây, không khí đã u uất, trầm mặc khó tả.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro