Chương 38
Khi cậu Long bước vào trong phòng thì đúng lúc Thoại Mỹ cũng ra ngoài, cô định thu dọn đồ đạc, nhưng chợt nhận ra trong này không có thứ gì của bản thân cả, ngay cả bộ quần áo cô mặc trên người cũng mua bằng tiền của cậu. Thoại Mỹ chẳng thèm liếc cậu lấy một cái, tránh ra bên cạnh, xăm xăm băng lối hướng ra ngoài cổng lớn.
Chưa đi được mấy bước, tay đã bị nắm chặt, cậu Long bóp chặt cổ tay làm cô đau vô cùng, thấy Thoại Mỹ vùng vẫy kịch liệt, cậu gằn lên:
- Đi đâu? Việc em yêu cầu sẽ không bao giờ xảy ra đâu. Đừng có bướng nữa.
- Cậu có quyền gì mà cản tôi?
Đến giờ mà em vẫn còn hỏi câu này được à? Thế là lúc trước, cô chưa bao giờ coi cậu là chồng đúng không? Điều gì đã khiến vợ cậu trở nên như vậy, phách lối, ngạo mạn và không coi ai ra gì. Cậu Long nghiến răng, giọng nói lạnh lùng đến cực điểm:
- Đi theo anh vào trong phòng, chúng ta bình tĩnh nói chuyện, anh sẽ cho em giải thích.
- Tôi chẳng có gì cần giải thích với cậu cả, muốn hiểu sao thì tùy. Cậu buông tay ra.
Thoại Mỹ nói xong câu ấy thì cố gỡ tay cậu ra bằng được, nhưng cậu Long nắm chặt quá, Thoại Mỹ chẳng thể lay chuyển nửa bước, cô vẫn kiên trì, bàn tay mảnh dẻ của người con gái cố hết sức cậy bàn tay rắn chắc của cậu ra, dùng lực mạnh đến mức đầu ngón tay của cô trở nên trắng bệch. Ánh mắt cậu tràn ngập tức giận, mâu thuẫn đến cực điểm, người nào cũng hành động một cách dữ dằn, chẳng ai chịu nhường ai.
Ngoài trời chợt đổ mưa xuân, ánh đèn màu vàng thắp trước cổng nhà cạnh cây nhãn lớn soi tỏ từng cơn mưa như màn bụi mù mịt vây hãm lòng người. Mưa rơi vào lòng cô, tích tụ lại rồi dần dần nặng tựa tảng đá, khiến tim cô đau đớn. Buồn không? Buồn chứ, nói không thì ai mà tin. Chẳng biết có con côn trùng ở đâu bay vào hiên nhà trú mưa, loạng choạng thế nào mà đâm vào tường, chết ngay tại chỗ.
Thoại Mỹ quyết tâm đẩy cậu Long ra xa, cố hết sức mới gỡ được bàn tay rắn tựa đá của cậu ra khỏi cổ tay, Thoại Mỹ xoa xoa vệt đỏ ửng đó. Dứt khoát quay đầu, hướng cửa lớn đường hoàng mà đi.
Nhưng nào có dễ như thế, chẳng được mấy bước chân, cậu Long đã đi nhanh tới, vác ngay cô lên vai, đầu dốc ngược xuống dưới khiến Thoại Mỹ buồn nôn hơn bao giờ hết. Cô cào cấu, đấm đạp liên tục vào lưng cậu, la hét ầm ĩ:
- Thả tôi xuống, cậu đang ép buộc tôi đấy.
Cậu Long chẳng thèm ừ hử lấy một lời, hơi thở phẫn nộ toả ra nồng đậm, động tác cậu làm chẳng có gì gọi là thương tiếc như ngày trước cả, giận dữ đã che mờ đi đôi mắt. Từ bây giờ, cậu sẽ không nuông chiều cô đến vô phép tắc như vậy nữa. Ai cũng được, nhưng với bác Hưng thì không, cậu nợ bác rất nhiều, người đàn ông ấy như người bố thứ hai của cậu vậy, không có bác thì không có cậu của ngày hôm nay. Chính vì thế, Thoại Mỹ cần phải bình tĩnh lại, học được cách tỉnh táo để giải quyết mọi việc. Mọi thứ khác cậu có thể nhường nhịn cô vô điều kiện, nhưng lần này thì không, Thoại Mỹ quá đáng lắm.
Cậu Long vác ngay cô vợ trẻ vào phòng, cô có phản kháng dữ dội cách mấy cậu cũng chẳng thèm thả xuống. Đến nơi, cậu ném Thoại Mỹ xuống giường "phịch" một tiếng làm cái lưng cô ê ẩm, chẳng có một tia sáng dịu dàng nào trong ánh mắt tăm tối kia, Thoại Mỹ chỉ thấy ở đó sự trách móc, tuyệt tình tuyệt nghĩa, tình yêu của mợ và cậu, sẽ kết thúc như thế này sao?
Thoại Mỹ vùi cả người vào đống chăn dày nằm bất động không buồn nhìn cậu, cậu Long đưa tay bóp chặt trán, ngăn cho bản thân không được nổi nóng, cậu mím môi, giọng nói như đã dịu đi đôi chút:
- Em ở trong này suy nghĩ kỹ hành động của mình đi, mùng ba Tết hai vợ chồng mình về.
Chỉ có thế, cậu quay gót ra ngoài ngay, cậu biết Thoại Mỹ chẳng chịu nghe lời ở yên trong đấy đâu, nếu không giam cầm cô lại, chẳng biết cô sẽ lại làm ra việc gì.
Thím Tỵ - người quản lý miệng ăn của kẻ hầu người hạ nhà cụ Tổng đi ngang qua, bà ta là một người đàn bà goá chồng từ sớm, già cả rồi, nhưng không có ngóc ngách nào ở trong làng là bà không biết, nghe cậu Long gọi, bà rảo cái chân chạy ngay đến:
- Cậu gọi tôi ạ?
Khuôn mặt cậu chứa đựng đầy muộn phiền, cậu nói ngay:
- Bảo với người làm không được bép xép chuyện hôm nay ra bên ngoài, điều ong tiếng ve gì đến tai chúng tôi, thì mọi người biết kết quả của bản thân rồi đấy.
Mụ đàn bà có khuôn mặt bạnh ra, hai má gồ lên vì thất kinh, bà vội cúi rạp đầu xuống, liên tục van lơn cùng đảm bảo:
- Vâng ạ, tôi xin đảm bảo với cậu, việc hôm nay không một ai có thể bép xép ra ngoài, đứa nào nói linh tinh, tôi đích thân vả nó vỡ mồm.
Cậu Long không nói thêm gì, chán nản ra lệnh cho bà ta làm việc của mình. Hiện tại cậu đang không biết xử lý vấn đề của vợ mình như thế nào. Nghiêm khắc thì không nỡ, nhưng lòng ghen của Thoại Mỹ lớn quá, điều này chỉ làm hại đến bản thân của cô thôi.
Cậu cũng ngẫm lại hành động của mình ngày hôm nay, cậu với Cẩm Nghi từng ở chung một nhà 4 năm trời, bố Nghi - chú Hưng là người đã bất chấp tất cả để cưu mang cậu khi trong cậu với cụ Tổng xảy ra tranh chấp. Chú cho cậu đi học, lại truyền dạy kỹ càng trong vấn đề làm ăn, tất cả cơ ngơi đã có ngày hôm nay, đều do một tay chú dạy dỗ. Đó là điều duy nhất khiến cậu chịu đựng những hành động nông nổi không suy nghĩ của Cẩm Nghi, đồng thời bao dung và đối xử tốt với cô ta như một người em gái.
Cụ Tổng từ nãy đến giờ vẫn ngồi trầm ngâm trước ly trà còn bốc lên hơi khói nghi ngút, thấy con trai bước vào, cụ ra dấu cho cậu ngồi xuống, cụ bỏ chiếc mũ da dê trên đầu xuống bàn, đoạn nghèn nghẹn nói với con trai:
- Cái Mỹ còn trẻ dại quá.
Cũng chỉ như thế, cụ không thể nói gì cay nghiệt hơn được, đối với ai cũng có thể, nhưng với cậu Long, đứa con trai độc đinh của mình, cụ lại càng không dám nói gì nhiều.
Húp một ngụm trà, hai bố con lặng thinh nhìn ra màn mưa bụi ngoài kia, ai cũng mang trong mình nỗi đau riêng. Tết đến thì vui đấy, nhưng hiện tại, cõi lòng người ta nặng trĩu tựa ngàn cân vậy.
Trời tối rồi, mưa lâm thâm mãi chẳng dứt, hoa đào ướt sũng còn nhỏ nước tong tong như nhỏ ra từng hạt pha lê, qua con mắt của Thoại Mỹ lại giống như những giọt nước mắt. Từ lúc vào trong phòng, cô khóc nhiều lắm, cô đã định mở cửa để về nhà mình, nhưng nghĩ về mẹ, về bố, Thoại Mỹ lại không dám. Cô không muốn mái tóc của họ lại thêm phần bạc đi vì lo nghĩ cho đứa con gái mới về nhà chồng không lâu, hôn nhân đổ vỡ, ai là người khổ? Cả hai, nhưng có lẽ Thoại Mỹ đau hơn cậu Long. Cô đi, cậu có thể lấy bà hai, bà ba, bà tư, thậm chí là bà năm, còn cô thì sao? Người đời dè bỉu, hứng chịu sự xì xầm của cả làng, chẳng còn bạn bè vì mang tiếng xấu, sống mà không thể ngẩng đầu lên được. Sống thế nào?
Thoại Mỹ lại khóc, cô cố bịt miệng để tiếng nức nở không thể phát ra được, ngoài sân, cả trên hiên nhà bị mưa làm ướt đẫm, trời trở lạnh hơn bao giờ hết, cái lạnh thấm vào da thịt làm con người trở nên tím tái đi. Thoại Mỹ vẫn đứng bên cửa sổ trông ra ngoài, cánh tay đã tê rần lên vì lạnh, nhưng cô không cảm thấy gì, vẫn trơ trơ đứng ở đấy, dường như cái lạnh đã làm trái tim cô tê liệt, vẫn còn đau lắm, nhưng nay đã đỡ rồi.
Có tiếng bước chân nhẹ nhàng vang lên trên hành lang, rồi dừng lại trước cửa phòng, ngập ngừng một lúc rồi nhất quyết đi vào, cậu Long đem theo thức ăn đẩy cửa ra, cả bàn ăn phong phú được cậu đặt nhẹ lên bàn. Thoại Mỹ cũng kệ, cô không chú ý, cô chẳng để ý được điều gì nữa, cô như người trúng tà, Thoại Mỹ đang bận suy nghĩ, suy nghĩ về lời bà ba nói lúc trước và cô thấy đúng lắm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro