
31
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa nào có em, đó là mùa ấm áp.
.
Đông về rồi. Bà biết đông về khi cơn gió lùa qua khung cửa mang theo cái lạnh đặc trưng của mùa đông.
Bà đóng cửa sổ lại, vào nhà mặc thêm chiếc áo len mỏng rồi ngồi trên chiếc ghế ở sau nhà, tỉ mẩn đan chiếc khăn cho đứa cháu gái.
Bên ngoài, gió lùa qua tán cây nghe xào xạt. Vào những lúc thế này, bà lại nhớ ông tha thiết.
.
Mấy chục năm về trước, thời còn chiến tranh, bà là cô quân y, còn ông là anh bộ đội.
Thời còn là cô gái mười tám đôi mươi, bà nổi tiếng là xinh mà đanh đá. Lần đầu bà gặp ông là khi ông không cẩn thận bị bỏng. Bà vừa thoa thuốc trị bỏng cho ông vừa giễu:
"Người ta đi lính, có bị thương là bị thương trên chiến trường, có ai đời lại bị bỏng trong nhà bếp?"
Ông đỏ mặt cười ngây ngô.
Mãi về sau ông mới thú thật rằng lần đó ông cố tình bị bỏng, chỉ để tìm cơ hội gặp bà nói dăm câu. Tình yêu lạ kỳ như thế, khi yêu hình như ai cũng trở nên hơi...điên rồ một cách dễ thương.
Lần thứ hai bà gặp ông là khi ông bị mảnh đạn găm vào tay. Thời chiến tranh thiếu thốn đủ thứ, không có thuốc mê, bà đưa cho ông cái khăn tay của mình, bảo ông có đau thì cắn đỡ, tránh đau quá mà cắn vào lưỡi rồi đùa:
"Đàn ông đàn ang, đau quá cũng đừng có khóc nha!"
Ông bật cười, suýt phun cả cái khăn của bà ra.
Rồi bà hơ dụng cụ trên lửa để tẩy trùng, lấy mảnh đạn ra cho ông. Ông gồng mình, không kêu một tiếng.
Về sau nhắc lại, ông bảo khi đó đau lắm, mà trước mặt người thương rên thì kỳ quá nên ráng nhịn. Còn bà vỗ vai ông, thủ thỉ bảo rằng bà thích ông cũng từ lần đó.
Khi nhìn ông vì đau mà gồng mình, mồ hôi thấm ướt lớp áo xanh lấm lem bùn đất, bà đã nghĩ hẳn đây là người xứng để mình phó thác cả đời.
Sau lần ấy, bà và ông bắt đầu tìm hiểu nhau. Thời khói lửa, tình yêu hình như đều giản đơn như thế.
Và cũng kể từ đó, ông bắt đầu kiếm cớ để gặp bà nhiều hơn. Mấy lần bà đòi ông trả chiếc khăn tay mà bà cho ông mượn cắn nhưng ông cứ lần lữa mãi, khi thì bảo chưa giặt, khi thì bảo quên mang. Riết bà chán, bà cũng chẳng thèm đòi ông nữa.
Ngày ông trả cho bà lại chiếc khăn là vào ngày sinh nhật bà. Thời đó, sống và chết chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng như sợi chỉ, chẳng mấy ai thèm quan tâm đến ngày sinh tháng đẻ. Bà cũng quên luôn sinh nhật mình, thế mà chẳng hiểu sao ông lại biết. Hôm đó, ông hái mấy bông hoa rừng, gói lại trong chiếc khăn tay của bà rồi nhân lúc trời tối gọi bà ra, chúc mừng sinh nhật bà.
Bà nhận món quà thô sơ, mắt rơm rớm lệ. Ông giật mình, lúng túng dỗ dành mãi bà mới nín.
Rồi sau đó, quân đoàn của ông bị điều vào Nam, còn bà vẫn ở miền Bắc làm công tác hậu phương. Trước ngày đi, ông hẹn bà ra, nắm tay bà dặn dò, bảo bà giữ gìn sức khỏe rồi bảo bà nếu một hai năm sau mà ông chưa về thì hãy tìm một người đàn ông nào hiền lành mà lấy, đừng vì ông mà dang dở tuổi xuân.
Bà cúi đầu, nén giọt lệ chực rơi, chỉ kịp nói một câu: "Ông phải sống" rồi chạy vụt đi. Bà không để ông nhìn thấy mình khóc, sợ nước mắt mình làm vướng chân ông.
Hai người cách nhau ngàn dặm, chỉ có thể thông qua thư từ mà thăm hỏi nhau. Khi đó trời đã vào đông, bà gửi cho ông thêm mấy cái áo, ít lương khô kèm một lá thư. Trong thư bà hỏi ông ngoài Nam có lạnh lắm không.
Ông viết thư trả lời: "Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa nào có em đó là mùa ấm áp. Ngoài đây ấm lắm không lạnh như trong Bắc, em đừng lo".
Bà nhận thư ông, bàn tay búp măng vuốt ve từng con chữ đến nỗi chữ nhòa đi mới thôi.
Rồi bẵng liên tục mấy tháng liền, chiến tranh căng thẳng, bà không nhận được thư ông. Mỗi ngày bà đều như đứng đống lửa, như ngồi đống than. Mỗi tối bà lại ngồi trước bức tượng Phật nhỏ trong phòng mình, lầm rầm khấn vái cầu cho ông và đồng đội được bình an.
Chiến sự đi vào hồi kết, bà cũng nhận được thư ông, trái tim vốn treo lơ lửng trên đầu thong thả trở về vị trí vốn có. Trong thư, ông chỉ viết vội mấy dòng, đại ý là mình vẫn bình an, thế mà bà cầm thư ông, vui suốt mấy ngày liền.
Rồi hòa bình lập lại, ông trở về. Hai người lấy nhau, bà sinh cho một ba người con, hai trai một gái. Có lần ông và đồng đội cũ uống rượu, bà ngồi một bên nghe mấy ông ôn chuyện với nhau, mới biết mấy tháng ông không gửi thư cho bà là mấy tháng ông bị sốt rét tưởng chết rồi.
Bà im lặng không nói gì, đợi khi ông tỉnh cơn say, mới trách ông sao không nói cho bà. Ông cười hề hề chuyện đã qua rồi, không phải ông vẫn mạnh khỏe đứng trước mặt bà hay sao. Bà lặng lẽ véo ông một cái thật đau. Bà biết, ông không nói là bởi sợ bà lo lắng.
Sau này, trong cơn say, ông ôm lấy bà, thủ thỉ rằng khi đó ông tưởng mình sắp chết, nhưng trong cơn mơ màng bỗng nhớ lại khi ông sắp đi, bà dặn ông phải sống. Thế rồi, ông không nỡ bỏ bà lại một mình, nên gắng gượng chống chịu rồi cũng qua cơn bạo bệnh.
Bà nghe ông tâm tình, lặng lẽ lau nước mắt.
.
Ông mất khi mới gần năm mươi, vì bị những tàn tích còn lại sau khi tham gia chiến đấu hành hạ. Ngày ông mất, cũng là mùa đông. Khi đó, ông nằm trên giường, dặn ba người con phải chăm sóc mẹ tử tế rồi dùng chút sức tàn mà nắm lấy tay bà, chỉ nói một câu: "Tôi đi trước" rồi mất.
Khi ông mất, bà không khóc, chỉ là sau đó bà thường có thói quen kéo ghế ra ngồi sau nhà - nơi ông vẫn thường ngồi đọc báo.
.
Bà nằm đó, tựa vào lưng ghế, trên tay là chiếc khăn đã đan xong. Cháu gái đi học về, tưởng bà đang ngủ nên rón rén lấy tấm chăn mỏng đắp lên cho bà. Nhưng mãi đến tối mà không thấy bà dậy, đứa cháu gọi mãi không thấy bà trả lời hoảng hốt lay bà thì phát hiện người bà lạnh cóng, vừa khóc vừa gọi cho ba mẹ.
Bà ra đi trong một ngày đầu đông, khi khóe môi vẫn hơi cong lên thành một nụ cười dịu dàng. Chắc bà mơ thấy ông nên mới cười như thế.
Dưới suối vàng, có lẽ ông còn đang đợi bà. Hơn mười năm âm dương xa cách, cuối cùng hai ông bà cũng gặp lại nhau.
Lộ Hi Vũ
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro