VHKD1
VĂN HOÁ KINH DOANH VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP
Posted on 17/04/2010 by Civillawinfor
NGUYỄN HOÀNG ÁNH
Nếu văn hoá là nền tảng tinh thần đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, thì văn hoá kinh doanh (VHKD) chính là nền tảng tinh thần, là linh hồn cho hoạt động kinh doanh của một quốc gia. Trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế như hiện nay, muốn đảm bảo sự phát triển bền vững cho hoạt động kinh doanh của quốc gia, hơn lúc nào hết, chúng ta cần có sự tìm hiểu và nghiên cứu thấu đáo về lĩnh vực này, để có thể góp phần định hướng đúng đắn cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu quan tâm đến vai trò của văn hoá trong kinh doanh. Có nhiều cách hiểu khác nhau về VHKD, chủ yếu tập trung hai xu hướng: xu hướng thứ nhất, coi chủ thể của VHKD chính là các doanh nghiệp, do đó VHKD là văn hoá doanh nghiệp (corporate culture) hay còn gọi là văn hoá tổ chức (organizational culture). Xu hướng thứ hai, đang ngày càng phổ biến hơn khi coi kinh doanh là hoạt động có liên quan đến mọi thành viên trong xã hội, nên VHKD là một phạm trù ở tầm cỡ quốc gia, còn văn hoá doanh nghiệp chỉ là một thành phần trong VHKD. Qua xem xét, nghiên cứu các định nghĩa về VHKD của một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trong khuôn khổ bài viết này, xin đưa ra định nghĩa: "VHKD là sự thể hiện phong cách kinh doanh của một dân tộc. Nó bao gồm các nhân tố rút ra từ văn hoá dân tộc, được các thành viên trong xã hội vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình và cả những giá trị, triết lý… mà các thành viên này tạo ra trong quá trình kinh doanh". Định nghĩa này tương đối bao quát và rõ ràng, theo đó, văn hoá tổ chức hay văn hoá doanh nghiệp sẽ chỉ được nghiên cứu với tư cách là một thành phần trong VHKD của một quốc gia.
Nhận diện VHKD cổ truyền Việt Nam
Trong suốt lịch sử phát triển của nước ta, hoạt động kinh tế phổ biến là sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp. Trong thời kỳ phong kiến, tư tưởng "trọng nông ức thương" rất phổ biến, chính vì vậy mà rất ít người giỏi về kinh doanh. Lương Văn Can, một nhà cách mạng, đồng thời là một người thầy lỗi lạc trong giới doanh thương Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, khi phân tích nguyên nhân không phát triển của thương mại nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung, đã đưa ra 10 điểm. Đó là:
1) Người mình không có thương phẩm, tức là sản xuất kém, ít hàng hoá có uy tín;
2) Không có thương hội, tức là không biết liên kết với nhau trong kinh doanh;
3) Không có tín thực, tức là không biết giữ chữ tín;
4) Không có kiên tâm, ít theo đuổi một việc gì đến cùng;
5) Không có nghị lực, dễ làm khó bỏ;
6) Không biết trọng nghề, do chỉ chú trọng vào nghề nông, bỏ qua việc tìm hiểu và nâng cao các nghề khác;
7) Không có thương học, tức là không có kiến thức về kinh doanh;
8) Kém đường giao thiệp, do xã hội Việt Nam luôn đóng cửa với thế giới bên ngoài nên hễ ra ngoài là dễ bị lạc lõng, không hoà nhập được;
9) Không biết tiết kiệm, người Việt Nam tuy nghèo nhưng không biết tận dụng những thứ mình có, thường hoang phí;
10) Khinh nội hoá với tâm lý chung là sính hàng ngoại. Như vậy, trong VHKD cổ truyền của chúng ta, yếu tố tích cực, phù hợp với kinh doanh có phần ít hơn những yếu tố tiêu cực. Nhận diện chính xác những yếu tố này sẽ giúp chúng ta lý giải được phần nào những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam trong những giai đoạn tiếp sau.
VHKD Việt Nam trước thời kỳ đổi mới
Dưới thời Pháp thuộc: sự giao lưu với văn hoá Pháp đã để lại một dấu ấn sâu đậm cho VHKD Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, kinh doanh trở thành một ngành độc lập, không phụ thuộc vào nông nghiệp. Các ngành sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đều phát triển hơn thời kỳ trước. Sự thành công bước đầu của một số nhà kinh doanh người Việt, cùng với việc tiếp thu những tư tưởng mới, đã cải thiện đáng kể hình ảnh doanh nhân và nghề kinh doanh trong con mắt người Việt. Thời kỳ này đã xuất hiện một tầng lớp tư sản dân tộc, giành lại được độc quyền thương mại từ tay tư sản nước ngoài và bắt đầu gây dựng lòng tự hào được làm nhà kinh doanh. Thương mại và ngoại thương đều phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, theo học giả Đào Duy Anh, ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, Việt Nam, dưới tên là xứ Đông Pháp, đã đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Mianma.
Giai đoạn 1954-1986: trong giai đoạn 1954-1975, Việt Nam bị phân chia thành hai miền: miền Bắc được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, tiến lên xây dựng CNXH, còn miền Nam bị chiếm đóng, thay đổi theo chế độ thực dân mới của Mỹ. Do sự khác biệt này mà VHKD ở miền Bắc và miền Nam cũng phát triển theo những chiều hướng khác nhau. VHKD miền Bắc mang đặc tính của VHKD XHCN, coi trọng công bằng xã hội nhưng không coi trọng hiệu quả, tiêm nhiễm bệnh chủ quan, duy ý chí, cơ chế quản lý cồng kềnh, mang nặng tính quan liêu, coi rẻ kinh doanh và thương nhân… ở miền Nam, qua giao lưu với văn hoá Mỹ, VHKD nơi đây tiếp thu được một số kiến thức, yếu tố cần thiết cho kinh tế thị trường như cơ sở hạ tầng, công nghệ, kiến thức kinh doanh hiện đại, tác phong làm việc công nghiệp… nhưng cũng tiêm nhiễm tâm lý vọng ngoại khá nặng nề, nhất là tôn sùng những gì của Mỹ, cùng một số thói xấu khác như chủ nghĩa thực dụng, lối sống gấp, thích hưởng thụ, xa rời bản sắc dân tộc…
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, hai miền Nam, Bắc cùng bước vào con đường xây dựng CNXH, hai nền VHKD dần hoà hợp với nhau, trở thành một nền VHKD thống nhất trong toàn quốc nhưng vẫn bảo tồn một số khác biệt giữa hai miền. Nền VHKD này tuy có bổ sung cho VHKD cổ truyền một số ưu điểm như: coi trọng công bằng xã hội, nâng cao vị thế cho phụ nữ, có tinh thần vượt khó vươn lên… nhưng lại làm tăng lên một số yếu tố tiêu cực cho kinh doanh như: tâm lý coi rẻ nghề buôn nói chung và kinh doanh nói riêng, tính chủ quan duy ý chí, cơ chế tổ chức quan liêu, thiếu hiệu quả, tính cứng nhắc, kém năng động với thị trường… Đây là một trở ngại khá nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các nhà kinh doanh Việt Nam nói riêng khi bước vào cơ chế thị trường.
VHKD Việt Nam thời kỳ đổi mới
Thời kỳ đổi mới đã mang lại một luồng sinh khí mới cho hoạt động kinh doanh và đã làm thay đổi cơ bản VHKD Việt Nam. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đến VHKD Việt Nam có thể xem xét theo hai hướng:
Những tác động tích cực
Vai trò của kinh doanh nói chung và doanh nhân nói riêng đã được cải thiện đáng kể trong con mắt xã hội. Trong cuộc điều tra xã hội học ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 5.2003, số người được hỏi đã cho rằng, "Kinh doanh là một nghề có ích cho xã hội" chiếm 94%, "Người biết làm giàu là người đáng quý trọng" chiếm 74%. Việc nhiều người có bằng cấp cao, thậm chí từng làm cán bộ quản lý trong cơ quan nhà nước vẫn chọn nghề kinh doanh, chứng tỏ xã hội đã thừa nhận tầm quan trọng của nghề này. Đây là một chuyển biến đáng kể so với quan niệm truyền thống "nhất sĩ, nhì nông" của Việt Nam.
Trình độ chung của doanh nhân cũng được cải thiện đáng kể. Theo kết quả điều tra của đề tài KX.07.14 thì số giám đốc có trình độ đại học chiếm 77%. Không chỉ những người có học hành mới bắt tay vào kinh doanh, mà ngay cả những người đang là doanh nhân cũng mong muốn được học hỏi, nâng cao trình độ của mình. Điều này chứng tỏ doanh nhân hiện nay đã ý thức được tầm quan trọng của kiến thức khi tiến hành kinh doanh, nhất là trong thời buổi mở cửa và hội nhập.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được trẻ hoá, phần lớn đang ở độ tuổi sung sức. Theo kết quả điều tra của nhóm tác giả Trường Đại học Ngoại thương tiến hành trong hai năm 1999 và 2000, số người tiến hành đàm phán (bao gồm các giám đốc và trưởng phòng kinh doanh) ở độ tuổi 40-50 chiếm tới 63,06%; dưới 40 tuổi là 25,23% và chỉ có 11,71% ở độ tuổi trên 50.
Động cơ kinh doanh và nhận thức của doanh nhân đã được cải thiện đáng kể. Kết quả nghiên cứu về tinh thần kinh doanh do Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành trong khuôn khổ dự án Ishikawa năm 2000 đã thể hiện rõ điều này. Khi được hỏi về động cơ kinh doanh, 41,4% số doanh nhân trả lời là "muốn làm gì có ích cho xã hội"; 27,3% trả lời là do "muốn tự quyết định công việc của mình"; 13,5% là do "muốn phát huy tối đa khả năng của mình"; 16,4% do "muốn tiếp tục công việc của gia đình hiện nay"; 9,7% do "muốn kiếm nhiều tiền hơn"; 5,1% do "công việc trước đây không thích hợp" và 1,3% do "không có việc làm". Những con số này cho thấy doanh nhân Việt Nam có trách nhiệm và ý thức xã hội khá cao. Điều này khẳng định rằng, doanh nghiệp kinh doanh không chỉ vì mục đích cá nhân, mặc dù động cơ này hoàn toàn là chính đáng.
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm hoạt động kinh doanh ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhiều loại hình kinh doanh mới ra đời như các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, các hình thức kinh doanh quốc tế. Lợi nhuận thu được từ kinh doanh cũng tăng lên, góp phần khẳng định và nâng cao vai trò của kinh doanh nói chung và doanh nhân nói riêng trong xã hội Việt Nam.
Tiến trình hội nhập đã mở cửa cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập cùng nền kinh tế thế giới, môi trường kinh doanh được mở rộng, sôi động, đã tạo điều kiện cho các doanh nhân Việt Nam có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, nâng cao trình độ kinh doanh phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các doanh nhân Việt Nam được tiếp xúc với các kỹ năng hoàn toàn mới như marketing, xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… làm phong phú thêm cho kho tàng kiến thức về kinh doanh của người Việt Nam.
Quá trình cọ xát với thị trường quốc tế đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam, giúp các doanh nhân Việt Nam xích lại gần nhau, khiến họ kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà còn để tôn vinh Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các công ty của Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài như Trung nguyên, Legamex, Vinataba… đều khẳng định: mục đích bảo vệ thương hiệu của họ không phải chỉ để thu được lợi nhuận, mà còn để bảo vệ uy tín của dân tộc.
Những tác động tiêu cực
Tác động tiêu cực lớn nhất của cơ chế thị trường đến VHKD Việt Nam chính là sự chao đảo về các hệ thống giá trị trong mỗi con người Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Việt Nam vốn là một nước có nền văn hoá nông nghiệp, trọng tĩnh, với hệ thống các giá trị thiên về tinh thần hơn là vật chất, như thích hoà hiếu, trọng tình, ham danh hơn ham lợi, trọng thể diện… Những yếu tố này, một mặt cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước, mặt khác lại giúp cho tôn ti, trật tự trong xã hội được bảo đảm, các giá trị đạo đức ít bị xáo trộn.
Khi bước vào cơ chế thị trường, hoạt động kinh doanh được Nhà nước khuyến khích, một số thương nhân giàu lên nhanh chóng. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi thành công trên thương trường. Thực tế này đã làm đảo lộn những quan niệm truyền thống, tôn ti, trật tự cũng không còn được coi trọng như trước vì kinh nghiệm của lớp người đi trước bị cho là không còn phù hợp với hoàn cảnh mới. Sự khủng hoảng này là tất yếu khi chúng ta từ mô hình kinh tế nông nghiệp, tự cung, tự cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong khi những giá trị tinh thần cũ bị chê bỏ, thì chưa có những giá trị tinh thần mới để lấp vào chỗ trống đó. Vì thế, trong xã hội, điều tốt và điều xấu nhiều khi lẫn lộn, con người Việt Nam bị chao đảo, thiếu chuẩn mực để hướng tới. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến VHKD Việt Nam. Xuất phát từ thực tế là nhiều doanh nghiệp thành công không phải bằng con đường làm ăn chân chính, đã làm một số doanh nhân mất lòng tin, mặt khác, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa ổn định, chưa ủng hộ những doanh nhân làm ăn nghiêm chỉnh. Điều này nảy sinh tư tưởng làm ăn gian dối, đánh quả, chụp giật… trong các doanh nhân, thậm chí còn có quan niệm rằng, ở Việt Nam chỉ có làm ăn lắt léo mới có thể trụ được trên thương trường. Cách nghĩ như vậy, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến nền tảng đạo đức xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng, văn hoá Việt Nam khá ôn hoà. Chúng ta không quá khắt khe về tôn giáo như người Trung Đông, không có kỷ luật để khép mình vào tập thể như người Nhật Bản, không quá lệ thuộc vào gia đình, dòng họ như người Italia, không tự hào về chủng tộc như người Hoa… Tính chất này giúp con người Việt Nam có tính khoan dung, mềm dẻo, dễ hoà đồng, nhưng cũng làm chúng ta dễ chao đảo, không có điểm tựa vững chắc về tinh thần. Số liệu điều tra cho thấy, phần lớn doanh nhân Việt Nam kinh doanh không bắt nguồn từ truyền thống gia đình, lại xuất thân từ những gia đình nghèo, không được đào tạo cơ bản, nên có nhiều hạn chế về kiến thức và trình độ. Thực tế này cộng với nền tảng tinh thần không ổn định đã làm nhiều doanh nhân có tham vọng không giới hạn trong việc làm giàu và tích luỹ tư bản. Những vụ án kinh tế gần đây như Lã Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Bé Tư, vụ công ty Đông Nam Associates…, đã cho thấy khi quyền lực, cơ hội được đặt vào tay những con người hạn chế về trình độ và tư cách đạo đức, thì có thể làm nảy sinh những tham vọng tội lỗi vô hạn đến như thế nào. Đành rằng, trong kinh doanh, lợi nhuận là mục đích chính, nhưng việc mưu cầu lợi nhuận đến mức bất chấp đạo lý, luật pháp, quá táo tợn như vậy quả là một tiếng chuông cảnh báo về tình trạng VHKD của Việt Nam.
Xuất thân từ nền kinh tế tiểu nông, con người Việt Nam thường có tầm nhìn thấp, ngắn hạn, hay thay đổi và muốn đi đường tắt, thay vì kiên nhẫn chờ đợi kết quả lâu dài. Vì vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài, bối cảnh và môi trường kinh tế Việt Nam thuộc loại "xã hội thiếu chữ tín" (low trust society). Trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi các mối quan hệ được mở rộng, điểm yếu này càng có nguy cơ bộc lộ rõ ràng, thể hiện ở tầm vĩ mô là việc các chính sách của Chính phủ thường hay thay đổi, và khi thay đổi lại không cần tính đến quyền lợi của những người có liên quan. Còn ở tầm vi mô, theo nhiều nhà kinh doanh nước ngoài, các nhà kinh doanh Việt Nam không coi trọng chữ tín, hay viện dẫn các lý do khách quan để khước từ việc thực hiện cam kết, gây nhiều phiền toái trong quan hệ với các đối tác nước ngoài. Chừng nào các nhà quản lý và doanh nhân Việt Nam còn chưa nhận ra tầm quan trọng của chữ tín trong mọi mối quan hệ, thì chúng ta còn khó lấy được niềm tin của đối tác. Thậm chí, về lâu dài, sẽ có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Một số người Việt Nam không có bản lĩnh "văn hoá" vững vàng, sa vào trạng thái choáng ngợp trước những thành tựu kinh tế của phương Tây, trở nên sùng ngoại quá đáng, phủ nhận tất cả những giá trị cổ truyền của dân tộc. Những người này phần đông là giới thanh niên làm việc cho các công ty nước ngoài và những người kinh doanh bằng viện trợ của thân nhân từ nước ngoài gửi về. Việc đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc mình đã làm họ rập theo khuôn mẫu phương Tây trong mọi hành vi. Thật ra, văn hoá không phải là "đồ ăn nhanh", để có thể học theo trong một sớm một chiều, mà cần trải qua nhiều thế hệ. Văn hoá cũng giống như tảng băng trôi, mà một người từ nền văn hoá khác chỉ có thể nhận biết được phần nổi (phần nhỏ nhất), chứ chưa thể ý thức được phần chìm dưới nước (phần quyết định), được tích tụ qua nhiều thế hệ và đã ăn sâu vào ý thức hệ của mỗi thành viên trong nền văn hoá đó. Chính vì vậy, việc bắt chước thiếu chọn lọc của một nhóm doanh nhân Việt Nam chỉ làm nghèo đi đời sống tinh thần của họ và làm yếu đi bản sắc dân tộc trong VHKD Việt Nam. Sự sùng ngoại quá đáng đó còn làm giảm sút uy tín của doanh nhân Việt Nam trong con mắt của những đối tác nước ngoài, vì họ đã từ bỏ bản chất thật của mình để trở thành đồ giả trong con mắt người ngoại quốc.
Một số khác, trong đó có cả các nhà quản lý, vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, hoặc vì không có điều kiện, hay vì không muốn thay đổi, nên đã trở thành lạc hậu với bên ngoài. Thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời kỳ đổi mới, họ dễ bị thua lỗ, bộc lộ nhiều sai sót trong kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Những người này, đã góp phần làm VHKD Việt Nam kém năng động, chậm hoà đồng trong tiến trình hội nhập, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mới chỉ bắt đầu, VHKD Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi cũng như thử thách to lớn trên bước đường phát triển sắp tới. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức rõ những mặt mạnh và yếu trong VHKD Việt Nam, từ đó phát huy những mặt tích cực và hạn chế những yếu tố tiêu cực do tác động của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế với văn hoá Việt Nam nói chung và VHKD nói riêng để có thể tích cực, chủ động trong hội nhập, đảm bảo xây dựng một nền VHKD Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XXI
Văn hoá kinh doanh ở VN: Chuyện tương lai
Tags: Phú Mỹ Hưng, Lương Văn Lý, Thành Phần Kinh Tế, Quản trị doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, nhà đầu tư, đa dạng hóa, trực tiếp làm, tiếp xúc với, kinh doanh, doanh nhân, văn hoá, thương hiệu, xây dựng, cạnh tranh, VN
(TS) - Sau nhiều năm nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp, tiếp xúc với giới doanh nhân và bây giờ trực tiếp làm doanh nhân, ông Lương Văn Lý cho rằng cần xây dựng văn hoá kinh doanh tại VN.
Trò chuyện với Phó GĐ Sở đi làm doanh nhân
Vừa qua, ông tổ chức lớp giảng về văn hoá kinh doanh cho một số doanh nhân. Văn hoá kinh doanh là gì? Ở VN hẳn còn thiếu văn hoá kinh doanh, gây cản trở cho sự lớn mạnh của doanh nhân VN?
Hợp tác chứ không triệt hạ
Ông Lương Văn Lý. (ảnh: PC)
Trả lời câu hỏi trên, ông Lý nói: "Từ trước đến nay chúng ta chưa có một lớp doanh nhân đúng nghĩa. Dưới thời thuộc Pháp chỉ có vài nhà tư sản trong cả nước. Không có lớp doanh nhân thực sự thì làm sao hình thành tập quán, cách ứng xử chuẩn trong kinh doanh.
Ai cũng hiểu văn hoá kinh doanh là cần thiết, nhưng nội hàm ra sao còn hết sức mới lạ. Tôi mới chỉ đưa vấn đề để mọi người cùng tranh luận, mong rằng dần dần sẽ xác định nội hàm của khái niệm “văn hóa kinh doanh”.
Bước đầu, theo tôi có thể nêu một số nội dung của văn hóa kinh doanh: Trước hết, trong luật pháp và qui định của Nhà nước cần thực sự thể hiện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Điều đầu tiên của văn hoá kinh doanh là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc kinh doanh của mọi thành phần kinh tế. Nhà nước không đối xử bình đẳng với doanh nghiệp thì làm sao có được ý thức bình đẳng trong kinh doanh?
Trong giới kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh đi đôi với hợp tác là những khái niệm còn rất mù mờ. Không thể cạnh tranh kiểu “ghen ăn tức ở” dẫn đến triệt hạ cho bằng được đối thủ, triệt hạ mà không từ bất cứ điều gì: từ uy tín doanh nghiệp, danh dự cá nhân cho đến khả năng kinh doanh.
Khi sống ở nước ngoài, tôi lại được nghe lời nhận xét mà nhiều người chúng ta đã biết: hai người Hoa kết hợp thì phạm vi kinh doanh lớn hơn một người làm. Ba người Hoa kết hợp thì càng lớn hơn. Nhưng hai người VN kết hợp thì kết quả giảm phân nửa, ba người kết hợp thì phá sản. Điều này phản ánh việc chúng ta chưa quen hợp tác, làm ăn với nhau, chỉ quen nghĩ hạ đối thủ để vượt lên. Đó là thói quen làm ăn tiểu thương.
Những tổ chức tập hợp doanh nhân như hiệp hội, câu lạc bộ hiện nay còn rất yếu, chưa thể hiện rõ sự gắn bó, chung lòng, chung sức với nhau giữa các thành viên.
Mặt khác, doanh nhân VN phải tập tính tự lập, không phải việc gì cũng dựa vào Nhà nước. Thời gian dài sống trong bao cấp, tính tự lập chưa có dịp được phát huy
Trong thời gian làm ở Sở Kế hoạch - Đầu tư, có việc khiến tôi rất băn khoăn là: các hiệp hội doanh nghiệp khi tham gia vào các hoạt động xúc tiến do UBND TP tổ chức, như xúc tiến ở nước ngoài, luôn đề nghị UBND TP tài trợ.
Theo tôi, doanh nghiệp mà yêu cầu Nhà nước phải tài trợ là điều rất trái khoáy. Tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các chuyến công tác để tự giới thiệu, quảng bá là trách nhiệm của Nhà nước, còn lại là trách nhiệm của doanh nghiệp. Thực tế, các hiệp hội cần chi viện của Nhà nước là vì các thành viên thà tự mình đi chứ không đóng góp tiền cho hiệp hội cử người đi đại diện cho mình. Đây là điều cần phải xem lại, ở cả phía hiệp hội và cả phía các thành viên
Sân chơi bằng phẳng hơn với quốc doanh, lồi lõm hơn với tư nhân
Hợp tác, điều các doanh nhân VN còn thiếu. (ảnh minh hoạ)
Thưa ông, vấn đề đầu tiên cần đề cập trong văn hoá kinh doanh là bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nhưng, trong một số lĩnh vực có thể chấp nhận sự tham gia của tư nhân, như hàng không, vẫn rất hạn chế mở cửa, trong khi nhu cầu về hàng không, đặc biệt để di chuyển giữa các tỉnh mới được đáp ứng rất hạn chế. (Vẫn biết hàng không có liên quan nhiều đến quốc phòng)?
Đấu tranh để có sự cạnh tranh bình đẳng là cả một quá trình, không thể một sớm, một chiều.
Hiện nay vẫn còn một số quy định, tập quán, rào cản làm cho sân chơi bằng phẳng hơn với quốc doanh, lồi lõm hơn với tư nhân.
Qua một số luật, quy định mới ban hành, tôi tin Chính phủ đã thấy rõ nhu cầu đa dạng hoá thành phần và loại hình tham gia trong của lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên việc cần cân nhắc và xử lý nhiều yếu tố trong quá trình ban hành, thực hiện qui định khiến quá trình không diễn ra nhanh như mong đợi.
Có điều phải nói là nếu than phiền Nhà nước chậm thì bản thân doanh nghiêp cũng phải tự xem lại mình đã chuẩn bị gì chưa để chơi trên một sân chơi thực sự bằng phẳng. Sự cạnh tranh bình đẳng trước sau cũng xảy ra, không chấp nhận trong nước cạnh tranh thì cũng không cản được cạnh tranh của nước ngoài. Nếu nói về hàng không, hiện nay trên thế giới “bầu trời mở” đã trở thành một luật chơi chung hẳn hoi, không chấp nhận cũng khó!
Từ bỏ chộp giật
Có ý kiến cho rằng, doanh nhân VN bị hạn chế ở tính chộp giật, nghĩ ngắn. Có chuyện một người mở xưởng bia và xây dựng được thương hiệu nhất định ở một số vùng trong nước và vài nước láng giềng, nhưng tiết lộ rằng không cần phát triển thương hiệu nữa vì làm doanh nghiệp chỉ cần nuôi được gia đình là đủ. Trong khi đó, nhà sản xuất bia nào cũng có quyền mơ một thương hiệu bia tầm cỡ. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây là một vấn đề hay, cần đặt ra để các doanh nhân thảo luận để rút ra điều cần thiết. Tôi từng dự nhiều hội thảo về xúc tiến đầu tư và biết rằng, gần đây VN trở thành một tâm điểm, một mục tiêu thời thượng của giới đầu tư trên thế giới, nhưng cũng còn một số điều khiến các nhà đầu tư băn khoăn, trong đó có hiện tượng nhiều doanh nghiệp lớn của VN ngày càng xa rời lĩnh vực hoạt động chính (“core business”) của mình.
Lúc đầu thành lập doanh nghiệp để hoạt động trên lĩnh vực a, sau một thời gian có được chút uy tín, bỗng nhiên lại nhảy sang lĩnh vực b, c vì, trong một thời điểm nhất định nào đó, lĩnh vực b,c hời quá. Giới kinh doanh các nước nghi ngại phương pháp kinh doanh này.
Giá trị của mỗi doanh nghiệp dựa trên thương hiệu mà thương hiệu thì phải xây dựng bền bỉ trên nền tảng hoạt động chính (core business) của mình. Các đối tác khi muốn đầu tư sẽ nhìn vào tình hình tài chính hiện nay của doanh nghiệp và khả năng phát triển trong tương lai dựa trên khả năng kinh doanh trong lĩnh vực được xác định là lĩnh vực hoạt động chính. Nếu cứ nhảy cóc, không thể nào xác định khả năng phát triển tương lai được.
Một doanh nhân Mỹ tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết VN có một thương hiệu taxi lớn được biết đến từ bao năm, nhưng lại chẻ ra một nhánh cũng làm taxi mà mang tên hoàn toàn khác, sơn xe cũng hoàn toàn khác. Vô tình thương hiệu sau phá thương hiệu trước. Đây là sai lầm lớn trong chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, thế giới đã có tập đoàn như Hyundai đi vào nhiều lĩnh vực khác nhau: cơ khí, xây dựng?
Đa dạng hóa là tốt, là xu thế của các tập đoàn lớn nhưng đa dạng hóa khác với “nhảy cóc”. Trước hết, bước đi phải rất thận trọng. Lấy ví dụ Hyundai, chỉ sau khi Hyundai Motors đã khẳng định vững chắc thương hiệu sản xuất xe ô tô, thậm chí đã trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Toyota tập đoàn Hyundai mới bắt đầu đa dạng hóa. Quá trình đa dạng hoá cũng tiến hành từng bước hợp lý, chuyển dần sang những lĩnh vực hoạt động gần gũi với lĩnh vực hiện đang hoạt động, ví dụ như từ làm máy ô tô sang làm máy tàu rồi đóng tàu…
Khi đã thêm hoạt động đóng tàu, hoạt động này sẽ thực hiện tách biệt, độc lập, có thịnh suy gì cũng không ảnh hưởng đến Hyundai Motors. Còn Hyundai Motors thì vẫn tiếp tục đầu tư để giữ vững và phát triển không ngừng. Như vậy, thương hiệu Hyundai ô tô không bị pha loãng đi trong khi nhiều thương hiệu khác lại hình thành, tạo thêm sức mạnh chứ không làm hao mòn giá trị của tập đoàn.
Hiện tượng chộp giật ở doanh nghiệp suy cho cùng có phải do tâm lý dân tộc? Tâm lý người Việt vẫn có nét tiểu nông, ít tính chiến lược, ngại mạo hiểm? Có nhà nghiên cứu còn cho rằng, chính tâm lý ngại mạo hiểm khiến cho bao nhiêu năm trong quá khứ VN không có đội thương thuyền nào, dù đất nước có bờ biển rất dài.
Tôi chưa dám nói đó là tâm lý hay một phần của tâm lý dân tộc. Tuy nhiên tâm lý gì cũng có thể thay đổi. Đây là một vấn đề của văn hoá kinh doanh cần trao đổi.
Nhà đầu tư lớn: trước hết từ chính sách
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TP.HCM là một thành công lớn, góp phần giải toả sự quá tải của nội đô. Gần đây, nạn kẹt xe trong các thành phố lớn trầm trọng thêm, càng cần phát triển nhanh những khu đô thị như thế. Nhưng, ở VN khó tìm được những doanh nhân có đủ tầm xây dựng khu đô thị như Phú Mỹ Hưng. Tại sao VN chưa có doanh nhân thật lớn?
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến và có đủ năng lực để xây dựng đô thị ngang hàng Phú Mỹ Hưng. Nhưng vấn đề là chính sách đầu tư và chuẩn bị cơ sở cho đầu tư như thế nào. Nếu điều kiện thoả đáng đối với các nhà đầu tư thì không chỉ có một Phú Mỹ Hưng mà sẽ nhiều.
Nên nhớ, việc xây dựng khu Phú Mỹ Hưng vào đầu những năm 1990 có sự đột phá mãnh liệt so với quy định và chính sách lúc đó.
Để VN xuất hiện doanh nhân lớn cần có quá trình, có những người đi tiên phong. Doanh nghiệp VN hiện tại có thể sánh vai với các đối thủ trên thế giới ở các công trình hạng vừa.
· Phạm Cường (thực hiện)
Giá trị chữ tín trong cạnh tranh
Tính cạnh tranh của một doanh nghiệp tùy thuộc vào lòng tin của khách hàng với sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp bởi doanh nghiệp đó. Do vậy, để khẳng định tính cạnh tranh của mình, doanh nghiệp phải: (1) Ý thức được giá trị tuyệt đối của chữ tín trong kinh doanh và (2) Phải xây dựng được khả năng để làm tốt cái gì mình hứa.
Tính cạnh tranh được đo lường bởi giá trị thặng dư của sản phẩm. Nói một cách khác, mức độ cạnh tranh là mức độ lợi nhuận của doanh nghiệp. Khả năng cạnh tranh là khả năng làm giàu được trong kinh tế thị trường. Một gánh bún riêu hay một quán cà phê vỉa hè có khách và làm ăn có lãi là có tính cạnh tranh cao hơn một nhà hàng cao cấp ít khách làm ăn không có lãi. Một thương hiệu có uy tín có thể bán sản phẩm giá cao hơn sản phẩm cùng loại của một hãng khác chưa có uy tín bằng. Như vậy tính cạnh tranh, hay nói một cách khác là khả năng sinh lợi trong kinh doanh, không nhất thiết phải tùy thuộc vào mặt hàng nào, công nghệ nào hay số vốn mà thực tế là trên độ tin cậy của người tiêu thụ mặt hàng hoặc dịch vụ đó.
Để ý thức được giá trị tuyệt đối của chữ tín trong kinh doanh, doanh nhân cần có tư duy dịch vụ. Nghĩa là phải luôn đặt mình vào vị trí của người tiêu thụ và tự đánh giá sản phẩm của mình một cách khách quan rên mặt giá trị tiện và lợi.
Nhiều mặt hàng của chúng ta còn thiếu tính cạnh tranh vì mẫu mã không bắt mắt, không tiện sử dụng, từ đó không tạo được lòng tin về nội dung (chất lượng) của mặt hàng đó. Người tiêu dùng nhiều lúc phải loay hoay không biết làm sao để mở một hộp dầu cù là, một gói bánh, một chai nước mắm hay ngay cả một bao khăn lạnh chúng ta dùng hàng ngày. Một gói bánh đậu phụng sản xuất tại Việt Nam với mẫu mã chuẩn bán được giá gấp đôi ở siêu thị Mỹ so với cùng bánh đậu phụng dó với mẫu mã sơ sài bán trong một siêu thị Việt Nam cũng tại Mỹ. Muốn làm tốt hơn cái bánh đậu phụng để bán được giá cao hơn là chuyện đơn giản và không tốn kém bao nhiêu.
Để có tính cạnh tranh cao, người tiêu thụ phải được thuyết phục để tin rằng người sản xuất luôn luôn chu đáo nghĩ đến nhu cầu của họ và đã thỏa mãn nhu cầu của họ xứng đáng với cái giá họ đã trả.
Để xây dựng được khả năng làm được cái gì mình đã hứa, doanh nhân cần chủ động những điều kiện nội tại và biết khai thác triệt để được những điều kiện đó. Doanh nghiệp chỉ cần làm hay trong khả năng sẵn có và có thể có của mình để chủ động được giá thành và giảm rủi ro sản xuất. Đó là tận dụng lợi thế tương đối của mình. Nhiều doanh nghiệp biết tận dụng phế liệu sẵn có để kinh doanh sản xuất có lãi. Rất nhiều doanh nhân Hồng Kông trong những năm 1950 và 1960 là những người ít học, ít vốn nhưng họ đã biết tận dụng cái gì họ có để sản xuất những cái đơn giản nhất mà người khác cần. Họ sản xuất tóc giả cho phụ nữ và đã xuất khẩu gần một tỉ USD tóc giả một năm cho toàn thế giới. Đến khi tóc giả không còn là sản phẩm thời trang nữa thì họ chuyển qua sản xuất hoa giả và đồ chơi trẻ em. Hồng Kông làm giàu từ đó và tập trung vào phát triển dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và ngan hàng, nơi mà họ có lợi thế tương đối nhờ vào mạng lưới Hoa Kiều khắp thế giới. Họ không nhờ vào công nghệ cao hay sản xuất những hàng phức tạp đòi hỏi vốn đầu tư, kỹ thuật cao, nhưng họ lại có được uy tín sản xuất hàng nào ra hàng đó. Vậy là có ưu thế về cạnh tranh.
Tương tự như kinh tế doanh nghiệp, tính cạnh tranh của một nền kinh tế quốc gia không tùy thuộc vào số khoa học gia hay lượng đầu tư vào ngành nghề công nghệ cao, mà tùy thuộc vào việc cung cấp được cái gì người khác cần trong khả năng của mình có thể chủ động được. Thụy Sĩ là một trong những nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới chỉ nhờ vào khả năng kinh doanh chữ tín của họ trong dịch vụ ngân hàng. Ai bỏ tiền vào ngân hàng Thụy Sĩ cũng tin rằng tiền của mình sẽ không mất và được bảo mật tuyệt đối nên họ chấp nhận mức lãi suất thấp nhất thế giới, tạo cho Thụy Sĩ một thế cạnh tranh tuyệt đối trong ngành này.
Tài nguyên thiên nhiên cũng không phải là một điều kiện cần. Trong số "top ten" những nước có chỉ số cạnh tranh cao nhất, ngoài Mỹ và Úc, còn lại là những nước nhỏ ở Bắc Âu và Đài Loan, Singapore, những quốc gia và lãnh thổ không nhiều tài nguyên thiên nhiên. Những nơi này ngoài điều kiện có được một môi trường kinh doanh thông thoáng không gây trở ngại cho doanh nghiệp, còn chia sẻ một đặc điểm là tính chu đáo trong văn hóa kinh doanh của họ. Trong kinh doanh tính chu đáo và trung thực tạo được sự tin cẩn. Và đó là một lợi thế cạnh tranh được khẳng định.
(theo Sagavn
Đạo đức trong kinh doanh
Theo mạng Washington Profile, ngay ở trong xã hội tư bản, những bộ phận lành mạnh của giới doanh nhân cũng cố gắng thiết lập những tiêu chí đạo đức cho các hoạt động thương mại của mình
Khái niệm đạo đức thương trường đã có nền móng tự hàng nghìn năm trước. Aristotle đã từng nói không ít điều có thể coi là cơ sở của đạo đức kinh doanh thời hiện đại. Theo Giáo sư James O'Toole của trường Đại học Tổng hợp Nam California, chính triết gia thời Hy Lạp cổ đại này là người thực tế nhất và có "tâm hồn doanh nhân" nhất trong lịch sử triết học của loài người.
Chính Aristotle đã nêu ra ý tưởng rằng, nhiệm vụ chính của người thủ lĩnh không phải là gia tăng quyền lực của mình trước cấp dưới mà là tạo ra những điều kiện để tất cả cán bộ dưới quyền mình có thể thể hiện được mọi năng lực ở mức cao nhất.
Giáo sư O'Toole đã thống kê những câu hỏi mà Aristotle đã lập ra và ngày nay có thể đang khiến các nhà quản lý hiện đại phải đau đầu đi tìm câu trả lời: "Tôi muốn người ta đối xử với tôi như thế nào khi tôi là thành viên của cơ quan?", "Những tiền đề tiềm năng nào có được để phát triển các tài năng và cả tiềm năng của các thành viên trong cơ quan?", "Tôi có nhận nhiều hơn công sức đóng góp của mình vào quỹ chung hay không?", "Liệu hệ thống phân chia lợi nhuận đang có ảnh hưởng như thế nào tới không khí đạo đức chung của cơ quan?", "Các nhân viên sẽ được nhận tiền thưởng chiếm bao nhiêu phần trăm số lợi nhuận thu được nhờ áp dụng các sáng kiến và ý tưởng của họ?"...
Xem ra, những vấn đề mà Aristotle nêu ra cho tới hôm nay vẫn còn là thời sự.
Thương hiệu tốt không tự nhiên mà có
Viện Đạo đức kinh doanh quốc tế (International Business Ethics Institute) ở Mỹ đã từng xác định 4 công việc mà các công ty cần phải thực hiện để củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu của mình.
Thứ nhất, trung thực với các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Thứ hai, cải thiện ngày một tốt hơn tình hình nội bộ hãng bằng cách gia tăng tinh thần trách nhiệm và lợi ích của các nhân viên, giảm biến động đội ngũ cán bộ, tăng năng suất lao động... Thứ ba, đánh bóng thương hiệu một cách chuyên nghiệp và thực chất. Cuối cùng, xử lý một cách bài bản những việc liên quan tới cổ phiếu và tài chính - chỉ có ứng xử thật đàng hoàng với luật pháp thì mới có thể tạo dựng tương lai lâu dài và bền chắc cho hãng.
Còn tạp chí Business Ethics trong 16 năm liền thường xuyên công bố bảng xếp hạng những công ty mà họ cho là có tính đạo đức nhất ở Mỹ. Trong số những tiêu chí để xếp hạng có tính tới quan hệ với các nhà đầu tư và đội ngũ nhân viên (trong đó có quan hệ với phụ nữ; với các cộng đồng sắc tộc thiểu số, khác màu da, tôn giáo và quan điểm...); với các cơ quan chính quyền sở tại và cộng đồng những nhà cung cấp nguyên, nhiên liệu; với những người tiêu dùng; chính sách bảo vệ môi trường... Năm 2004, tạp chí này đã bình chọn những công ty sau:
1. Fannie Mae (dịch vụ tài chính trong lĩnh vực bất động sản). Cũng thật bất ngờ là đầu năm nay, lãnh đạo công ty này đã đệ đơn từ chức vì bị mất lòng tin do những nhà quản lý chủ chốt đã tự đặt những món tiền thưởng quá cao;
2. Procter & Gamble (hóa chất gia dụng và mỹ phẩm);
3. Intel Corporation (công nghệ máy tính và tin học);
4. St. Paul Companies SPC (dịch vụ bảo hiểm và tài chính);
5. Green Mountain Coffee Roasters Inc. (thực phẩm);
6. Deere & Company (chế tạo máy);
7. Avon Products (mỹ phẩm);
8. Hewlett- Packard Company (công nghệ máy tính và tin học);
9. Agilent Technologies (công nghệ tin học, điện tử và hoá chất);
10. Ecolab (dịch vụ làm sạch nội thất và diệt côn trùng).
Những quy tắc xếp hạng của tạp chí Business Ethics có thể áp dụng rộng rãi vì những tiêu chí chính của nó dựa trên những tiền đề mà Tổ chức Bàn tròn doanh nghiệp thế giới (Caux Round Table, viết tắt là CRT) tạo nên. CRT được lập ra từ năm 1986 bởi các doanh nhân tới từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, trong số này có Chủ tịch hãng Philips, Phó Chủ tịch Viện Quản trị châu Âu và Chủ tịch hãng Canon...
CRT tập hợp các tiền đề của mình trên cơ sở ý tưởng của các doanh nghiệp Nhật Bản: ý tưởng đó được thể hiện bằng từ "quơxây", nghĩa là "cùng sống và cùng làm việc". Trong các tiền đề này toát lên sự tôn trọng nguyên tắc tập thể lãnh đạo rất cần thiết cho sự cách tân liên tục và để đạt được sự hài hòa trong thế giới này.
CRT cũng nhấn mạnh tới tình bạn, sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác với nhau trên cơ sở cùng tôn trọng những giá trị đạo đức cao quý và tinh thần trách nhiệm của những cá nhân cụ thể nhằm thích ứng với môi trường ảnh hưởng của họ (tại nơi mà họ cư trú và làm việc). Khái niệm nhân phẩm coi sự thiêng liêng và quý báu của từng cá nhân như mục tiêu, chứ không phải là phương tiện để nhằm đạt mục tiêu.
Quan trọng hơn cả là tìm hiểu xem cái gì là đúng, chứ không phải tìm xem ai đúng (tức là không nên quá cố gắng tìm xem ai có lỗi, ai không, mà là đi tìm cách giải quyết vấn đề cho có hiệu quả nhất).
Tất nhiên, trong xã hội tư bản, không phải cái gì nói ra là đều thực hiện được. Lập ra các quy tắc đạo đức bao giờ cũng dễ hơn nhiều lần là thực hiện chúng.
Lợi nhuận tăng theo... đạo đức
Có không ít người làm giàu nhanh tới chóng mặt nhờ những sự "xập xí xập ngầu" của cơ chế. Trong những xã hội đang nằm ở giai đoạn chuyển tiếp giữa các hình thái xã hội, ăn gian nói dối đôi khi dễ dàng mang lại những khoản thu khổng lồ. Tuy nhiên, bạo phát thì rất có thể cũng sẽ bạo tàn. Kết cục của một số nhà tài phiệt Nga (Oligarkh) hiện nay là một thí dụ nhỡn tiền. Họ đã kiếm được những gia sản nhiều triệu USD trong thời kỳ Moskva dưới sự lãnh đạo của ông Boris Yeltsin phát tán tài sản thừa kế từ Liên bang Xôviết và trở thành những cự phú có máu mặt trên quy mô toàn cầu.
Rồi thế thời thay đổi, khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga, một số nhà tài phiệt dạng kiểu Khodokovsky đã phải vào tù. Cơ quan lập pháp rất dễ dàng tìm ra đủ các thứ tội của những nhà tài phiệt dạng này để họ phải "mùa đông sẵn có hỏa lò, mùa hè nhà đá tha hồ nghỉ ngơi"...
Hai Giáo sư John Kotter và James Heskett ở trường đào tạo quản lý kinh doanh thuộc Harvard, tác giả cuốn sách "Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích", đã phân tích những kết quả khác nhau ở các công ty với những truyền thống đạo đức khác nhau.
Công trình nghiên cứu của họ cho thấy, trong vòng 11 năm, những công ty "đạo đức cao" đã nâng được thu nhập của mình lên tới 682% (trong khi những công ty đối thủ thường thường bậc trung về chuẩn mực đạo đức chỉ đạt được 36%). Giá trị cổ phiếu của những công ty "đạo đức cao" trên thị trường chứng khoán tăng tới 901% (còn ở các đối thủ "kém tắm" hơn, chỉ số này chỉ là 74%). Lãi ròng của các công ty "đạo đức cao" ở Mỹ trong 11 năm đã tăng tới 756% (1%).
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, hai vị Giáo sư khả kính trên khẳng định, gian manh chẳng lọ thật thà!
Nhận thức được vai trò quan trọng của gương mặt đạo đức đối với công việc kinh doanh, người Mỹ đã bỏ khá nhiều công sức ra nghiên cứu về vấn đề này. Chỉ tính riêng trong năm 2000, theo Trung tâm vì một nền văn hóa kinh doanh có đạo đức (Center for Ethical Business Culture), đã có tới 52 công trình nghiên cứu hàn lâm được xuất bản tại Mỹ viết về ảnh hưởng của đạo đức kinh doanh tới thu nhập tài chính của các công ty.
33 công trình phát hiện sự tỉ lệ thuận các phẩm chất đạo đức của đội ngũ lãnh đạo cũng như nhân viên và thu nhập của các công ty. 5 công trình lại phát hiện ra mối quan hệ tỉ lệ nghịch giữa hai yếu tố trên. 14 công trình còn lại không tìm thấy sự liên hệ gì giữa hai yếu tố trên với nhau. Thế là rõ, đại bộ phận các nhà nghiên cứu đều cho rằng, công ty có đạo đức sẽ dễ làm ăn phát đạt hơn.
Theo công trình nghiên cứu do hãng tiếp thị Environics tiến hành tại 20 quốc gia trên thế giới, uy tín xã hội của công ty có vai trò vô cùng to lớn đối với các nhà đầu tư. Thí dụ như ở Mỹ, hiện đang có khoảng 60% dân số đang sở hữu cổ phiếu của các hãng tư nhân. 28% trong số này khi quyết định làm như vậy đã dựa vào những thông tin thu thập được về hình ảnh của công ty trong con mắt xã hội.
Tại Italia, tỉ lệ những nhà đầu tư như thế vào khoảng 33%, còn tại Canada - 26%, tại Nhật Bản - 22%, tại Anh, Pháp, Đức - 21%... Cũng công trình nghiên cứu trên cho thấy, uy tín xã hội ngày càng có ảnh hưởng lớn tới thương hiệu của các công ty, lớn hơn cả quảng cáo và chính sách tài chính...
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đạo đức kinh doanh là thái độ của lãnh đạo công ty đối với các nhân viên. Theo một công trình nghiên cứu do Tạp chí Fast Company tiến hành năm 2001, 26% số nhân viên Mỹ tuyên bố rằng, họ quan tâm thực sự tới thành công của công ty mà họ làm việc. 55% hoàn toàn đánh đồng lợi ích cá nhân của mình với lợi ích của các ông chủ. Chỉ có 19% không yêu công ty mà họ phục vụ... Chỉ vì đối xử không thỏa đáng với nhân viên mà đại đa số các doanh nghiệp bị mất vô ích tới hai phần ba thời gian làm việc của các nhân viên...
(Theo ANTG cuối tháng)
Đạo Đức đối với Đối Tác và Đối Thủ
Những hành vi trái với đạo đức kinh doanh
Một doanh nhân Việt kiều về Việt Nam làm ăn, do không thể đứng tên công ty, đã nhờ một người bạn chí cốt đứng tên giùm và cho hùn một phần vốn vào đó. Thời gian sau, công ty ăn nên làm ra, người bạn chí cốt vì mê tiền và danh vọng nên đã tìm cách hất luôn người chủ thật sự của công ty ra khỏi doanh nghiệp.
Anh A giỏi về kỹ thuật, hợp tác với anh B mạnh về vốn và có khả năng mở thị trường, để lập công ty AB. Đến khi công ty lớn mạnh, anh A- lúc này đã tích lũy đủ vốn và tạo được nhiều mối quan hệ rộng rãi với khách hàng, âm thầm lập thêm một công ty cùng ngành nhờ người nhà đứng tên hoạt động song song và “hốt trọn” khách hàng của doanh nghiệp hợp tác AB.
Hai người góp vốn làm ăn chung. Lợi dụng sự cả tin của đối tác, một người đưa người thân vào những vị trí then chốt và lén lút rút bớt lợi nhuận của doanh nghiệp.
Những chuyện tương tự như vậy xảy ra là do những doanh nhân đó không có đạo đức. Họ có thể thành công bước đầu, nhưng nếu chỉ dựa trên sự tráo trở thường không bền. Hơn nữa, họ không có “uy” để quản lý nhân viên và thiếu sự tín nhiệm của khách hàng. Quan trọng hơn, sau này nếu họ cần mở rộng kinh doanh thì còn ai dám hợp tác?
Hành xử chuyên nghiệp với đối tác
Để có thể hợp tác với nhau lâu dài, các đối tác cần:
• Thứ nhất, xác định xem đối tác có “ăn rơ” với mình không? Hai bên có tôn trọng và tin tưởng nhau không?
• Thứ hai, bàn bạc thật kỹ về việc quyền lợi và nghĩa vụ giữa hai bên, và nên cụ thể hóa sự thỏa thuận bằng văn bản.
• Thứ ba, hoạch định hướng đi lâu dài của do anh nghiệp, nếu thành công hay thất bại thì giải quyết theo cách nào là hợp lý.
• Thứ tư, nên thiết lập hệ thống quản lý nhân sự chuyên nghiệp. Thứ năm, phải thông tin với nhau rõ ràng và trung thực.
Và cuối cùng, điều quan trọng hơn hết là phải có lòng tin lẫn nhau.
Làm được như thế các đối tác phần nào sẽ tránh được những diễn tiến xấu trong quá trình hợp tác. Một khi đã đối xử với nhau như thế, dù phải chia tay các bên hợp tác vẫn nể trọng và quan hệ tốt với nhau.
Cạnh tranh không lành mạnh với đối thủ
Đối thủ ở đây là những doanh nghiệp khác cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp. Lợi dụng câu nói “thương trường là chiến trường”, một số doanh nghiệp đã tìm mọi cách “giết” hay làm suy yếu đối thủ bằng nhiều chiêu cạnh tranh không lành mạnh.
Có doanh nghiệp nhờ vào thế chính trị, hay quen biết, tìm cách không cho công ty có cùng ngành nghề thành lập, hay triển khai sản phẩm mới. Có doanh nhân tìm cách làm hỏng sản phẩm của đối thủ, hoặc thu gom sản phẩm rồi tung tin bất lợi về đối thủ. Có doanh nghiệp gài người hoặc thâm nhập vào hệ thống máy tính của đối thủ để lấy cắp thông tin. Có doanh nhân lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, sao chép, làm nhái 100% sản phẩm của người khác và dán mác của mình lên.
Những hành vi như vậy thể hiện sự yếu kém, sự thiếu tự tin của các doanh nhân. Có những hành vi sẽ bị pháp luật xử lý, có những hành vi sẽ bị cộng đồng doanh nhân phản ứng, và có những hành vi khiến họ sẽ phải xấu hổ với chính bản thân mình.
Sao không sống chung với đối thủ?
Tùy theo chiến lược kinh doanh đã chọn: dẫn đầu, thách thức, theo đuôi, thị trường ngách… mà mỗi công ty có cách nhìn khác nhau về đối thủ. Nhưng dẫu sao cũng không nên “tận diệt” đối thủ vì diệt đối thủ này sẽ có đối thủ khác xuất hiện. Cách lựa chọn đúng đắn là phải tập sống chung và luôn cảnh giác đừng để mất thị phần vào tay đối thủ.
Một ngành kinh doanh mà có nhiều đối thủ cũng có cái lợi. Chẳng hạn như tạo được tiếng nói tập thể đối với cơ quan chức năng, hay tạo được sức mạnh khi cùng khai phá thị trường mới. Thậm chí, khi có nhiều công ty cùng cố gắng đẩy mạnh nhu cầu, thì thị phần của một vài doanh nghiệp có thể bị nhỏ lại, nhưng điều quan trọng là doanh số của tất cả đều tăng. Một điểm lợi nữa là các doanh nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau và cùng phát triển.
Một doanh nhân từng chia sẻ, trong ngành của ông có hai doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 15% thị phần. Nếu thật sự muốn chiếm trên 80% thị phần ông có thể giảm giá và dùng nhiều chiêu cạnh tranh khác để đưa hai doanh nghiệp kia đến chỗ phá sản. Nhưng ông đã không làm thế. Thứ nhất, ông nghĩ mình ăn cơm, thì cũng nên dành cho người ta miếng cháo. Thứ hai, cứ để cho công ty đối thủ tồn tại thì công ty của ông còn được học tập ý tưởng kinh doanh mới, để sáng tạo và phát triển mạnh hơn.
(theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - vấn đề còn nguyên tính hấp dẫn
( Bình chọn: 8 -- Thảo luận: 2 -- Số lần đọc: 14715)
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên thế giới tuy không hề mới nhưng vẫn giữ nguyên tính nóng bỏng đối với doanh nghiệp, với nhà đầu tư, với người tiêu dùng và toàn xã hội.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CRS). Trong số đó, Uỷ ban kinh tế thế giới về phát triển bền vững định nghĩa: "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử đạo đức và đóng góp cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình của họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung." Doanh nghiệp mong muốn phát triển bền vững luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng.
Vấn đề thường nhật ở các nước phát triển
Trên thế giới, những người khổng lồ đang chi trả rất nhiều tiền để trở thành một hình mẫu kinh doanh lí tưởng, và để trở nên có trách nhiệm với xã hội. Điển hình có hãng điện dân dụng Best Buy với việc áp dụng chương trình tái chế sản phẩm. Starbucks, hãng cà phê có mặt khắp ngóc ngách của hành tinh, đã bắt tay vào hàng loạt các hoạt động cộng đồng. Evian, hãng nước khoáng nổi tiếng của Pháp, phân phối sản phẩm của mình trong những chai nước thân thiện với môi trường. Công cụ tìm kiếm vô địch Google với trụ sở Googleplex đối xử với nhân viên như vàng ngọc. General Electrics sử dụng 2 tỉ đôla hàng năm để nghiên cứu các công nghệ bảo vệ môi trường mới. Phó phòng Quan hệ cộng đồng của Best Buy, Paul Prahl đã phát biểu rằng "Chúng tôi chỉ cảm thấy chúng tôi sẽ thành công trên thị trường nếu chúng tôi chịu trách nhiệm xã hội." Ở nhiều công ty báo cáo trách nhiệm xã hội còn đi kèm với các báo cáo thường niên.
Ngoài việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhân viên, bảo vệ môi trường, và phát triển các sản phẩm tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường. Các công ty còn xây dựng quỹ và làm từ thiện đóng góp vào sự phát triển của xã hội và cộng đồng. Royall Dutch Shell, tập đoàn giàu khí lâu đời, đã thành lập các quỹ từ thiện, trong đó có việc xây dựng trung tâm giáo dục Early Learning Centre ở Nam Phi nhằm giáo dục trẻ em và dạy kĩ năng cho người trưởng thành. Ngân hàng thế giới World Bank và hãng dược phẩm Merck đã đưa ra sáng kiến nhằm phát triển nguồn quỹ lên 50 triệu đôla Mỹ trong đó có cả việc tặng sản phẩm Mectizan để giúp 28 nước Châu Phi loại trừ bệnh tật. Các tỷ phú cùng với quỹ của công ty cũng đóng góp rất nhiều vào việc làm từ thiện như Bill Gates hay Warren Buffett.
Ở các nước phát triển, chi phí trách nhiệm xã hội dành cho việc nghiên cứu và phát triển chiếm nhiều hơn so với các chi phí dùng để làm từ thiện, mặc dù chi phí làm từ thiện cũng không hề nhỏ.
Trách nhiệm xã hội: không “mới” nhưng vẫn “lạ” ở Việt Nam
Chỉ một vài dẫn chứng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là quá ít nhưng cũng đủ để hình dung về tầm quan trọng của vấn đề này đối với thế giới. Còn tại Việt Nam thì sao? Trên thực tế vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không còn quá mới, nhưng không quá mới không có nghĩa là đã cũ.
Từ năm 2005, nước ta đã có giải thưởng "CSR hướng tới sự phát triển bền vững" được tổ chức bởi Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương cùng các hiệp hội Da giày, Dệt may tổ chức, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác CSR trong bối cảnh hội nhập. Năm 2006 đã có 50 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày tham dự. Theo tiến sỹ Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, "CSR trở thành một trong những yêu cầu đối với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không tuân thủ CSR sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới." Tuy nhiên ở Việt Nam việc thực hiện CSR còn tương đối khó khăn. Trước hết đó là sự hiểu biết của doanh nghiệp về CSR chưa đầy đủ, doanh nghiệp chỉ hiểu đơn thuần là làm từ thiện mà chưa hiểu rằng việc thực hiện CSR là từ ngay trong DN. Việc làm thứ hai tác động đến việc thực hiện CSR là do DN thiếu nguồn tài chính, và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, mà phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa.
Việc đánh giá thực hiện CSR quy định trong các quy tắc của Bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct hay Code of Ethics) và các tiêu chuẩn như SA8000, WRAP, ISO 14000, GRI..., tuy nhiên các tiêu chuẩn này không phải là thoả thuận giữa các chính phủ hay quy định của các công ước quốc tế, vì vậy, ràng buộc chỉ là giữa các nhà xuất nhập khẩu hoặc do chính DN tự đặt ra. Chúng ta đã có các doanh nghiệp sản xuất sạch: sản xuất rau sạch, nuôi trồng thủy sản sạch, sản xuất than sạch... Nhưng những việc làm này mang nhiều tính bắt buộc hoặc là tự phát hơn là một việc làm tự nguyện gắn liền với hoạt động kinh doanh và hình ảnh của doanh nghiệp.
Nước ta cũng có những doanh nhân làm từ thiện gắn với hình ảnh các doanh nghiệp đó là bà Dương Thị Bạch Diệp, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Diệp Bạch Dương, đã ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” của UBMTTQ Việt Nam 18 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Bình An...; ngoài ra chúng ta cũng có các hoạt động ủng hộ thiên tai, bão lụt của các doanh nghiệp và doanh nhân. Và tất cả mới chỉ dừng lại ở đó.
Như vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là vấn đề tất yếu đi liền với kinh doanh ở các nước phát triển, trong khi đó ở Việt Nam, các doanh nghiệp phần lớn chỉ thực hiện do mang tính bắt buộc hay từ thiện tâm của người đứng đầu doanh nghiệp. Đó là hai quan niệm kinh doanh hoàn toàn khác nhau. Vậy thực hiện CRS có lợi gì đối với doanh nghiệp? Và doanh nghiệp Việt Nam có cần tự nguyện thực hiện CRS giống như ở các nước phát triển?
TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP – CSR: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ YÊU CẦU ĐỔI MỚI TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CSR Ở VIỆT NAM
Posted on 31/05/2009 by Civillawinfor
NGUYỄN ĐÌNH CUNG – LƯU MINH ĐỨC
Thời gian gần dây, du luận dang quan tâm chặt chẽ và bức xúc dối với hàng loạt vụ vi phạm dạo dức kinh doanh, xâm hại môi truờng và sức khỏe con nguời ở mức dộ nghiêm trọng; diển hình là vụ sữa nhiễm melamine của Trung Quốc và vụ xả trực tiếp chất thải không qua xử lý ra sông Thị Vải của công ty Vedan ở Việt Nam. Sự dúng – sai trong những vụ việc trên là rõ ràng. Tuy nhiên, dối với xã hội và hàng ngàn doanh nghiệp dang hoạt dộng khác, bài toán về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) lại duợc dặt ra và cần duợc thảo luận nghiêm túc cả về mặt lý luận chính sách và thực tiễn.
Một công ty cần phải làm những gì dể có thể duợc xã hội dánh giá là một công ty tốt và phát triển bền vững? Trách nhiệm của co quan quản lý nhà nuớc tới dâu? Luật nên quy dịnh trách nhiệm của doanh nghiệp dến mức dộ nào thì hợp lý? Và phải chang nguời tiêu dùng ở các nuớc dang phát triển nhu Việt Nam có quá ít quyền lực, dễ bị tổn thuong, hoặc họ cung không ý thức duợc dầy dủ và sử dụng hết các quyền và phuong tiện của mình dể bảo vệ những lợi ích chính dáng của họ? Nhằm góp phần giải dáp các câu hỏi trên, chúng tôi tiếp cận từ góc dộ kinh nghiệm quốc tế trong linh vực này với suy nghi rằng các nền kinh tế phát triển dều dã từng dối mặt với những vấn dề chúng ta gặp phải ngày hôm nay, do dó những cuộc tranh luận và giải pháp của họ rất dáng dể chúng ta tham khảo.
Kể từ khi xuất hiện khái niệm Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility- CSR) lần dầu tiên vào nam 1953, chủ dề này dã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai truờng phái quản trị “dại diện” và “da bên” trong quản trị công ty; trên bình diện lớn hon, dây là sự tranh chấp giữa chủ nghia tu bản tự do (bảo thủ, cánh hữu) và chủ nghia tu bản xã hội (dân chủ, cánh tả). Nội dung chính của cuộc tranh luận xoay quanh hai vấn dề then chốt trong CSR là: (i) bản chất của doanh nghiệp hiện dại, và (ii) mối quan hệ ba bên: doanh nghiệp- xã hội- nhà nuớc.
1. Cuộc tranh luận về CSR Ðại diện nổi bật nhất cho chủ thuyết quản trị “dại diện” là Milton Friedman [6].
Trong một bài báo viết cho tờ New York Times tháng 9/1970, ông nêu rõ: “Doanh nghiệp chỉ có một trách nhiệm duy nhất là tối da hóa lợi nhuận, gia tang giá trị cổ dông, trong khuôn khổ luật choi của thị truờng là cạnh tranh trung thực và công bằng.” Theo ông, nguời quản lý doanh nghiệp (thành viên hội dồng quản trị và ban giám dốc) là những nguời dại diện cho chủ sở hữu/ cổ dông dứng ra quản lý công ty. Họ duợc bầu hoặc duợc thuê dể dẫn dắt công ty theo cách mà các cổ dông muốn, da phần là làm ra lợi nhuận càng nhiều càng tốt, dồng thời tuân thủ các quy tắc xã hội co bản vốn dã duợc thể hiện trong luật và các nguyên tắc dạo dức phổ biến. Ðó chính là bản chấtvì- lợi nhuận (for-profit) của doanh nghiệp và nguời quản lý doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm dối với cổ dông là nguời chủ sở hữu công ty dã lựa chọn họ dể làm dại diện. Do dó, nếu nguời quản lý công ty muốn, anh ta có toàn quyền dể thực hiện các trách nhiệm xã hội dựa trên nhận thức và tình cảm của riêng mình và bằng thời gian và tiền bạc của cá nhân, nhung không duợc sử dụng nguồn lực của công ty và nhân danh công ty, nếu không duợc cổ dông ủy thác dể làm việc dó.
Thứ hai, công ty vốn là một chủ thể “vô tri vô giác” do con nguời tạo ra; do dó công ty không thể tự nhận thức và gánh vác nghia vụ dạo dức vốn chỉ có con nguời mới có. Bởi vì chỉ có từng cá nhân con nguời mới có luong tâm dể nhận thức sự việc dúng- sai.
Hon nữa, các trách nhiệm xã hội thuộc linh vực của nhà nuớc, là chủ thể cung cấp các dịch vụ công, vì lợi ích công cộng và phi lợi nhuận. Chỉ có nhà nuớc mới có dủ thông tin dể quyết dịnh dúng dắn trong việc phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả. Và cấu trúc tam quyền phân lập dã dảm bảo sự phân bổ dó duợc công bằng và có kiểm soát. Trách nhiệm của doanh nghiệp là tạo ra giá trị gia tang, phát triển công nghệ (bởi vì doanh nghiệp là chủ thể vì- lợi nhuận duy nhất trong xã hội), dem lại lợi nhuận, tạo ra việc làm và thu nhập cho nguời lao dộng. Trách nhiệm chính của doanh nghiệp dối với nhà nuớc là dóng góp thuế. Và trách nhiệm của nhà nuớc là làm sao sử dụng tiền thuế dó hiệu quả nhất vì lợi ích công cộng. Nhu vậy, nếu doanh nghiệp cung thực hiện các trách nhiệm xã hội thì sẽ có sự trùng lặp và doanh nghiệp sẽ trở thành nguời vừa dóng thuế, vừa quyết dịnh việc chi tiêu khoản thuế dó ra sao. Nguời quản lý doanh nghiệp khi ấy sẽ trở thành một nhân viên công vụ hon là một nguời dại diện cho lợi ích của cổ dông.
Mặt khác, kể cả khi một nguời quản lý doanh nghiệp duợc sử dụng nguồn lực của công ty dể thực hiện trách nhiệm xã hội dựa trên phán doán chủ quan của mình, thì không có gì dảm bảo rằng quyết dịnh của anh ta là sáng suốt và dúng dắn cho mục tiêu xã hội cuối cùng, vì anh ta không phải là một chuyên gia về xã hội, mà là một chuyên gia về quản lý và kinh doanh và dó là lý do anh ta duợc cổ dông cử làm dại diện và gửi gắm niềm tin trong việc quản lý doanh nghiệp. Do dó, nếu muốn thực hiện trách nhiệm xã hội, các cổ dông có thể làm với tu cách cá nhân, tự nguyện và tách biệt với công ty (vốn có sở hữu của cả các cổ dông khác) mà không nên thông qua công ty và những nguời quản lý công ty.
Từ quan diểm này, truờng phái phản dối CSR cho rằng các chuong trình của doanh nghiệp lấy tên “trách nhiệm xã hội” chỉ là những chuong trình PR dạo dức giả, mà thực chất mục tiêu cuối cùng vẫn là vì- lợi nhuận của doanh nghiệp mà thôi.
Những nguời ủng hộ CSR không bác bỏ toàn bộ những lập luận trên. Nhung họ dua ra một lập luận khác cung hết sức thuyết phục là bản thân công ty khi di vào hoạt dộng dã là một chủ thể của xã hội, sử dụng nguồn lực của xã hội và môi truờng, do dó có thể tác dộng tiêu cực tới xã hội và môi truờng. Vì vậy, doanh nghiệp phải có ý thức về những tác dộng từ hoạt dộng sản xuất kinh doanh của mình và có trách nhiệm với chính hành vi của mình truớc xã hội. Henry Mintzberg dã lấy ví dụ công ty Dow Chemicals quyết dịnh bán chất Napalm cho quân dội Mỹ dể sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, dể lại hậu quả nặng nề cho hàng triệu nạn nhân chất dộc da cam [5]. Có thể nói bản chất của doanh nghiệp không thể chỉ vì- lợi nhuận mà doanh nghiệp ngay từ dầu dã dóng vai trò của một “công dân” trong xã hội với tất cả nghia vụ và quyền lợi thích hợp của mình trong dó. Chính khái niệm “công dân doanh nghiệp” (corporate citizenship) dã ra dời trong trào luu CSR này.
Thực vậy, nếu chỉ nhìn nhận don giản khi cho rằng doanh nghiệp hoạt dộng duy nhất vì- lợi nhuận và bù dắp lại chi phí xã hội, cung nhu “trả tiền” cho các dịch vụ công mà doanh nghiệp huởng lợi thông qua việc dóng thuế, chúng ta sẽ thấy những ô nhiễm môi truờng và chi phí xã hội mà doanh nghiệp gây ra có thể lớn hon rất nhiều lần lợi ích mà công ty này mang lại từ tiền thuế hay tạo việc làm (nhu truờng hợp công ty Vedan). Doanh nghiệp không thể kêu gọi sự “trung tính” của mình. Tất cả sự kiện của doanh nghiệp nhu khai truong dòng sản phẩm mới, dặt một nhà máy, dóng cửa một chi nhánh…. dều kéo theo những hệ quả xã hội nhất dịnh. Do dó, không thể tách rời hoàn toàn giữa tính chất kinh tế và xã hội khi nhìn nhận bản chất và hoạt dộng của doanh nghiệp.
Và nguời quản lý với tu cách là nguời thác quản doanh nghiệp cần thực hiện các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì nghia vụ và lợi ích của chính doanh nghiệp mình. Trách nhiệm của họ không phải là việc quyết dịnh diều gì tốt hay xấu cho xã hội, mà là dáp ứng những diều mà xã hội mong muốn và trông dợi ở doanh nghiệp nhu một thành viên dầy dủ trong dó. CSR chính là lực cản cuối cùng giúp giữ doanh nghiệp không di quá dà vì lợi ích kinh tế mà vi phạm các chuẩn mực dạo dức (vốn không phải lúc nào cung duợc thể hiện dầy dủ bằng các quy dịnh pháp luật), bỏ quên những tác dộng tiêu cực của mình dến các thành phần khác trong xã hội.
Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội còn vì lợi ích tang truởng và phát triển bền vững của chính mình. Ðiều tra của Bowman & Haire từ nam 1973 dã cho thấy nhóm các công ty cam kết với CSR có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn (ROE) cao hon các công ty khác (14.7% so với 10.2%). Khác với mô hình công ty gia dình truớc kia, doanh nghiệp hiện dại thuờng là các công ty cổ phần dại chúng, hoạt dộng da ngành nghề, da quốc gia. Do dó, ngày nay doanh nghiệp không chỉ hoạt dộng trong môi truờng don nhất duợc giám sát bởi các co chế thị truờng thuần túy kinh tế (giá cả, cạnh tranh, thị truờng chứng khoán), mà còn chịu tác dộng của các co chế xã hội- chính trị- môi truờng. Ðáng chú ý, hai hệ thống này có sự tác dộng qua lại với nhau. Thực tế cho thấy nguời tiêu dùng và nhà dầu tu ngày càng tính dến các tiêu chí thành tích của công ty về dạo dức, lao dộng, môi truờng, xã hội trong các quyết dịnh tiêu dùng hay dầu tu của mình. Hon thế nữa, không chỉ liên quan dến tính cạnh tranh, CSR còn liên quan trực tiếp dến tính bền vững của công ty. Những vụ dổ vỡ của tập doàn Enron, công ty kiểm toán Arthur Anderson, hoặc ngay vụ các cây xang gian lận bị rút giấy phép là những minh chứng rõ nét nhất cho thấy rằng thiếu CSR, doanh nghiệp sẽ tự loại mình ra khỏi thị truờng và cộng dồng doanh nghiệp.
2. Phong trào CSR ở các nuớc phát triển
CSR dã trở thành một phong trào thực thụ và truởng thành, phát triển rộng khắp thế giới. Nếu chúng ta tra cứu các cụm từ có gốc “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” bằng tiếng Anh trên Google, chúng ta sẽ thấy có hon 70 triệu luợt tìm kiếm (chua kể các cụm từ về CSR ở từng nuớc cụ thể). Hàng vạn bài báo, nghiên cứu, sách, tạp chí, diễn dàn, trang web của các tổ chức NGOs, giới khoa học, doanh nghiệp, tu vấn, báo chí và chính phủ bàn về chủ dề CSR.
Nguời tiêu dùng tại các nuớc Âu-Mỹ hiện nay không chỉ quan tâm dến chất luợng sản phẩm mà còn coi trọng cách thức các công ty làm ra sản phẩm dó, có thân thiện với môi truờng sinh thái, cộng dồng, nhân dạo, và lành mạnh. Nhiều phong trào bảo vệ quyền lợi nguời tiêu dùng và môi truờng phát triển rất mạnh, chẳng hạn nhu phong trào tẩy chay thực phẩm gây béo phì (fringe foods) nhằm vào các công ty sản xuất dồ an nhanh, nuớc giải khát có ga; phong trào thuong mại công bằng FairTrade (bảo dảm diều kiện lao dộng và giá mua nguyên liệu của nguời sản xuất ở các nuớc thế giới thứ 3), phong trào tẩy chay sản phẩm sử dụng lông thú, tẩy chay sản phẩm bóc lột lao dộng trẻ em (nhằm vào công ty Nike, Gap), phong trào tiêu dùng theo luong tâm (shopping with a conscience)…
1Truớc áp lực từ xã hội, hầu hết các công ty lớn dã chủ dộng dua CSR vào chuong trình hoạt dộng của mình một cách nghiêm túc. Hàng nghìn chuong trình dã duợc thực hiện nhu tiết kiệm nang luợng, giảm khí thải carbon, sử dụng vật liệu tái sinh, nang luợng mặt trời, cải thiện nguồn nuớc sinh hoạt, xóa mù chữ, xây dựng truờng học, cứu trợ, ủng hộ nạn nhân thiên tai, thành lập quỹ và trung tâm nghiên cứu vắc-xin phòng chống Aids và các bệnh dịch khác ở các nuớc nhiệt dới, dang phát triển. Có thể kể dến một số tên tuổi di dầu trong các hoạt dộng này nhu TNT, Google, Intel, Unilever, CocaCola, GE, Nokia, HSBC, Levi Strauss, GlaxoSmithKline, Bayer, DuPont, Toyota, Sony, UTC, Samsung, Gap, BP, ExxonMobil…2 . Theo tổ chức Giving USA Foundation, số tiền các doanh nghiệp dóng góp cho các hoạt dộng xã hội trên tòan thế giới lên dến 13,77 tỷ USD (nam 2005) và gần 1.000 công ty duợc dánh giá là “công dân doanh nghiệp tốt”. Nổi bật là truờng hợp ngân hàng Grameen do TS. Muhammad Yunus dã cung cấp tín dụng vi mô cho 6,6 triệu nguời, trong dó 97% là phụ nữ nghèo ở Bangladesh vay tiền dể cải thiện cuộc sống (ông dã duợc trao giải Nobel hòa bình nam 2006). Hiện nay, hầu hết các công ty da quốc gia dều xây dựng các bộ quy tắc ứng xử (code of conduct) có tính chất chuẩn mực áp dụng dối với nhân viên của mình trên tòan thế giới. Lợi ích dạt duợc qua những cam kết CSR dã duợc ghi nhận. Không những hình ảnh công ty duợc cải thiện trong mắt công chúng và nguời dân dịa phuong giúp công ty tang doanh số bán hàng hay thực hiện các thủ tục dầu tu duợc thuận lợi hon, mà ngay trong nội bộ công ty, sự hài lòng và gắn bó của nhân viên với công ty cung tang lên, cung nhu các chuong trình tiết kiệm nang luợng giúp giảm chi phí hoạt dộng cho công ty không nhỏ.
3Có thể nói CSR dã có chỗ dứng khá vững chắc trong nhận thức của giới doanh nghiệp. Một số trung tâm, viện nghiên cứu về trách nhiệm doanh nghiệp dã duợc các truờng dại học ở Mỹ thành lập. 78% sinh viên ngành quản trị doanh nghiệp cho rằng chủ dề CSR nên duợc dua vào các chuong trình giảng dạy. Trong cuộc khảo sát của công ty McKinsey nam 2007, 4 84% số quản trị viên cao cấp duợc hỏi cho rằng việc dóng góp vào các mục tiêu xã hội của cộng dồng cần duợc tiến hành song song với việc gia tang giá trị cổ dông, trong khi chỉ có 16% cho rằng lợi nhuận là mục tiêu duy nhất. 51% và 48% ý kiến lần luợt cho rằng môi truờng (trong số 15 vấn dề chính trị- xã hội khác nhau) là vấn dề hàng dầu tập trung sự chú ý của công luận, và có ảnh huởng tiêu cực hoặc tích cực nhất dối với giá trị cổ dông trong nam nam tới. Khi duợc hỏi về ảnh huởng xấu mà các công ty lớn có thể gây ra cho cộng dồng, 65% trả lời- ô nhiễm môi truờng, 40%- dặt lợi nhuận lên trên sức khỏe con nguời, 30%- gây áp lực chính trị. Về các ảnh huởng tích cực mà doanh nghiệp dem lại thì tạo việc làm duợc xếp cao nhất (65%), tiến bộ khoa học công nghệ (43%), cung cấp sản phẩm- dịch vụ cho nhu cầu con nguời (41%), nộp thuế (35%).
3. Một số khái niệm CSR: Có rất nhiều dịnh nghia khác nhau về CSR. Mỗi tổ chức, công ty, chính phủ nhìn
nhận CSR duới những góc dộ và quan diểm riêng, phụ thuộc vào diều kiện, dặc diểm và trình dộ phát trển của mình. Keith Davis (1973) dua ra một khái niệm khá rộng “CSR là sự quan tâm và phản ứng của doanh nghiệp với các vấn dề vuợt ra ngoài việc thỏa mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế, công nghệ”. Trong khi dó, Carroll (1999) cho rằng CSR còn có phạm vi lớn hon “là tất cả các vấn dề kinh tế, pháp lý, dạo dức, và những linh vực khác mà xã hội trông dợi ở doanh nghiệp trong mỗi thời diểm nhất dịnh.” Theo Matten và Moon (2004): “CSR là một khái niệm chùm bao gồm nhiều khái niệm khác nhu dạo dức kinh doanh, doanh nghiệp làm từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi truờng. Ðó là một khái niệm dộng và luôn duợc thử thách trong từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội dặc thù.” Nhu vậy, bản chất của CSR là quan diểm về vai trò của doanh nghiệp trong mối tuong quan với vai trò của nhà nuớc khiến khái niệm CSR luôn biến dổi, luôn mới tùy thuộc không những phạm vi không gian mà còn thời gian noi cuộc tranh luận về CSR diễn ra…..
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro