Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1. Về nhà

Giới thiệu nhân vật:
(xuất hiện tới đâu giới thiệu tới đó)

1. Nguyễn Thanh Pháp (21 tuổi) - Sinh viên năm hai ngành Sư phạm mầm non.

2. Huỳnh Công Hiếu (28 tuổi) - Anh trai khác cha khác mẹ với Thanh Pháp. Rapper.

3. Trần Tất Vũ (42 tuổi) - Em trai mẹ Thanh Pháp. Giáo viên thể dục tại một trường cấp 2.

4. Nguyễn Hương Ly (40 tuổi) - Vợ Tất Vũ. Giáo viên thanh nhạc dạy chung trường với chồng.

5. Hoàng Long (17 tuổi) - Con trai Tất Vũ.

-----

"Thông báo xe mang số hiệu xxx từ Sài Gòn đi các tỉnh Miền Tây chuẩn bị rời bến. Kính mời quý khách nhanh chóng lên xe, xe khởi hành"

"Alo, anh hai hả? Em mới lên xe nè"

"Biết rồi, khỏi lo! Mà... bộ anh tính không về thiệt hở?"

"Ờ, vậy thôi. Anh làm việc đi, em cúp máy đây!"

Vứt điện thoại vô túi, Thanh Pháp nghiêng đầu nhìn ra dòng người cách một lớp kính xe. Rạng sáng 23 tháng Chạp bến xe chật ních người, văng vẳng tiếng loa hối thúc hành khách lên kịp chuyến. Em ngáp dài khẽ nhắm mắt, hi vọng hôm nay sẽ không quá tắc đường như mọi năm.

.

Tầm một giờ trưa thì xe dừng.

Ánh nắng gắt lọt qua khe hẹp chảy dài trên sàn xe. Bác tài lộp bộp mở cửa, hành khách lũ lượt kéo nhau dậy sau chuyến đi dài. Thanh Pháp đã tỉnh từ sớm, đang lúi húi coi lại mớ đồ dưới chân. Đôi lạp xưởng, thùng bánh Tết với dăm thứ lặt vặt cho thằng Long. Xong rồi, xuống thôi!

Bước xuống vươn vai em lia mắt một lượt bến xe, năm nay dân tứ xứ đổ về vẫn đông đúc như mọi khi. Ờ Tết mà, phải mau về với gia đình chứ!

Nhìn mấy con xe trung chuyển chật ních, rồi lại nhìn xuống cái thân mềm rục sắp ngủm, cậu trai nhỏ có chút rùng mình. Hơ hơ gần chục tiếng trên xe là quá sức với em lắm rồi.

Xốc ba lô ngang vai, Thanh Pháp quyết định ra đường lớn bắt xe ôm. Từ bến xe về nhà khoảng 20 phút, nhưng ít ra vẫn nhanh gọn hơn nhồi nhét trong con bốn bánh giữa trời trưa nóng.

Qua khỏi trung tâm thị xã, cảnh vật thay đổi rõ rệt. Quán xá thưa dần, đường quê gồ ghề nay đổ nhựa mới cứng, tấp nập xe hàng lớn nhỏ nối đuôi nhau vào chợ. Nhớ hồi nhỏ em thường theo mẹ ra đây mua đồ nấu bánh mỗi mùa cuối năm. Bánh tét của mẹ thì ngon khỏi bàn, càng nhắc lại càng nhớ. không biết Tết này nhà mình gói bao nhiêu đòn nhỉ?

- Chợ mình khác xưa nhiều quá con ha! Chú sống đây ngót nghét mấy chục năm rồi thấy nó khác xưa nhiều ghê gớm...

Đang nghĩ vẩn vơ chợt nghe chú xe ôm lên tiếng, Thanh Pháp gật đầu cười nhẹ. Nhớ mới ngày nào chân ướt chân ráo lên Sài thành học vậy mà ngót nghét đã gần ba năm.

Ngành em đang mài đít trên giảng đường được gọi là "nghiệp gõ đầu trẻ". Như các nghề khác, công việc này cần kinh nghiệm đương nhiên. Nhưng sự thấu hiểu và nắm bắt tâm lý bọn trẻ cũng rất quan trọng. Vì thế ngoại hình trẻ trung, tính cách nhỏ nhẹ, kiên nhẫn cầu tiến trong công việc của Thanh Pháp là một lợi thế. Em yêu trẻ con và yêu cái nghiệp mà mình đã chọn.

Năm tuổi gia đình tan vỡ, đứa nhỏ ngơ ngác theo mẹ về ở với bà ngoại và cậu mợ Út. Một tay người phụ nữ gầy gò gồng gánh nuôi con ba bốn năm ròng. Bà làm công nhân cho một xưởng may mặc nên thường xuyên không có mặt ở nhà.

Sau từng ấy thời gian, mẹ em cũng gặp được người cho bà đủ niềm tin mở lòng ra lần nữa.

"Pháp ngoan đừng sợ, lại dạ bác và anh đi con"

"Chào con, bác là bạn của mẹ còn đây là anh Hiếu con trai bác. Từ nay bác và anh cùng làm bạn với con được không?"

Bốn con người, hai mảnh ghép mái ấm vốn chẳng nguyên vẹn cứ thế chậm rãi đến bên nhau, chẳng nhớ từ bao giờ đã trở thành "một nhà" hoàn chỉnh. Nơi em có cha có mẹ và anh hai.

Lại nói về anh trai của em - Công Hiếu. Tuy không cùng máu mủ nhưng hắn đối với hai mẹ con Thanh Pháp không khác gì ruột thịt.

Gia đình hạnh phúc chưa bao lâu thì cha bị tai nạn mất sớm. Tuổi thơ gắn liền với cảnh thiếu thốn kinh tế và hơi ấm gia đình đầy đủ, Huỳnh Công Hiếu mười tám tuổi bỏ dỡ ước mơ đại học, một mình rời quê lên Sài Gòn làm đủ mọi việc kiếm tiền gửi phụ mẹ nuôi em.

Về sau bén duyên với âm nhạc trở thành rapper, kinh tế cũng dần ổn định hơn. Ngày Thanh Pháp báo tin thi đậu đại học hắn liền thuê một căn chung cư đón em lên ở cùng, anh em hủ hỉ sớm tối có nhau.

Nhưng tính chất công việc bận rộn, Công Hiếu mỗi ngày không nhốt mình trong phòng thu thì cũng chạy show bục mặt. Thường xuyên đi diễn đêm, đôi khi hắn vắng nhà mấy ngày liền.

Các ngày lễ Tết càng vất vả hơn. Thời gian ít ỏi còn lại chỉ có thể nằm bẹp trên giường bù đắp cái lưng già rệu rã và đôi mắt đen thâm quầng. Cơ bản không thể có một kì nghỉ dài.

Số lần cả hai cùng về nhà không nhiều, hầu hết là em đi một mình.

Có một khoảng thời gian Thanh Pháp nhiều lần xin anh hai tự bắt xe về nhưng hắn không cho, bảo rằng không yên tâm. Đầu năm lớp 12, trong một lần to tiếng với nhau em đã bồng bột canh lúc anh hai đi làm lén trốn ra bến xe.

Nhưng nửa đường thì bị phát hiện.

Chả biết trời xui khiến như nào chiếc xe ôm chở em lại dừng đèn đỏ ngay trước sân show hắn diễn. Bốn mắt nhìn nhau trợn ngược trước khi Thanh Pháp bị anh trai cưỡng chế túm áo lôi về. Nhớ lần đó hắn giận lâu lắm, ngẫm nghĩ tới lui vẫn là em sai thật.

Nhưng đó đã là chuyện cũ, bẵng hai năm Covid, năm nay tuy thời gian rảnh không nhiều nhưng em vẫn cố sắp xếp tranh thủ về quê. Để lại Công Hiếu vừa chạy show vừa tự chăm nhà cửa. Nếu kịp xong hắn sẽ về trễ mấy hôm, không thì đành ngậm ngùi ăn Tết ở thành phố. Mà có vẻ vế hai linh nghiệm hơn rồi.

.

Bon bon hết đường nhựa, qua khỏi chợ dân sinh dẫn vào một xóm nhỏ, đa số là nhà cấp 4 xen kẽ vườn cây ăn quả, cách bờ kênh một ruộng lúa và các ao nuôi trải dọc. Thanh Pháp xin chú xe ôm thả mình xuống. Từ đây về nhà không còn bao xa nên em muốn đi bộ cho thư thả.

Đầu giờ trưa, vài tốp học sinh cấp 2 cấp 3 hối hả đến trường. Không khí nông thôn thông thoáng, hương trái chín lãng vãng đầu mũi khác hẳn Sài Gòn đặc nghẹt người xe.

Cánh cửa sắt trắng hơi ố vàng quen thuộc dần hiện ra sau dàn hoa giấy hồng rực lấm chấm vài túm bông nhàn nhạt. Sân xi măng đặt một bộ bàn đá và mấy sàn phơi mắm kiệu, ở giữa nổi bật kiến trúc nhà vườn miền tây sơn xanh nhạt.

Loay hoay đặt đồ xuống, Thanh Pháp giật mình nghe tiếng chó sủa. Một bé chó màu lông bò chân ngắn củn từ trong nhà xộc ra. Ủa em nhớ mình chỉ nuôi mỗi nhỏ mèo Mum mà ta?

- Gừng! Đi vào... Ủa ai kia? Vãi luôn, chị Kiềuuuu. Mẹ ơi, chị Kiều về!!!

Thằng Long từ sau hè lú đầu nheo mắt một giây rồi la lớn, ba chân bốn cẳng chạy mở cửa cho em. Nó cười hơ hớ lộ cặp răng khểnh.

- Lâu dữ mới thấy chị Kiều về, sao không điện thoại em ra đón?

- Thôi thôi, tui lại sợ cái cảnh xúc sên giữa đường của ông lần trước quá!!

Ai kia nghe tới đây liền trề môi trả treo "Đợt lỡ xui thôi, sao bà thù dai ớn". Thanh Pháp bật cười chỉ vào con cún nhỏ lăng xăng dưới chân.

- Rồi đứa nào đây?

- Chó nhà anh Khang mới đẻ nên em xin một con, năn nỉ lắm mẹ mới cho nuôi đó!

Dứt câu cánh cửa gỗ bật mở. Người phụ nữ vóc dáng cao gầy mặc đồ bộ phi bóng bước ra, bưng theo một mẻ kiệu to.

- Kiều mới về hả con? Vào nhà nhanh coi chừng say nắng, chị hai lên chợ mua đồ chắc cũng gần về rồi. Mà Hiếu đâu không về chung con à?

- Dạ mợ, anh hai bận quá chắc không về được.

- Ây công chúa Pháp Kiều. Thằng anh mày trốn rồi phải không? Vậy mà đầu năm còn nói Tết này về "giết" ông cậu này, xạo gớm thật chứ!

Cậu Vũ đang dở tay chặt gà sau bồn nước nghe tiếng cũng nhón lên hóng chuyện, trước khi bị vợ yêu vả vào vai một cái la oai oái.

Nghe thoáng giọng thằng Long cười như nắc nẻ lẫn tiếng mợ Ly cằn nhằng "Nhậu nữa, anh suốt ngày chỉ biết nhậu nhậu nhậu".

Rửa sơ mặt mũi, Thanh Pháp bày ít đồ cúng ra đĩa mang đến tủ thờ đốt hai nén nhang.

Ngoại, cha! Con về rồi. Mới qua dịch dã lu bu quá năm nay anh Hiếu vẫn chưa về được, hẹn qua Tết ổng về. Hai người đừng buồn anh hai nha!

Mùi khói thơm thoang thoảng, tiếng vườn cây xào xạc lá. Nắng chảy dài trên nền gạch men. Em hít một hơi thật sâu, thở ra hết mọi thứ mệt mỏi lo âu trong đầu. Trong lòng nhẹ bẫng, chỉ còn cảm giác ấm áp dễ chịu của đứa con phương xa được về nhà.

Hết chương 1.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro