Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

VDTT DDK của HCM trong xây dựng Đảng ở các cơ quan

Vận dụng tư tưởng Đại đoàn kết của Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng ở các cơ quan, đơn vị hiện nay

17:23' 28/4/2011

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang, ngày 25-11-1965. (Ảnh minh hoạ).

(TCTG) - Lịch sử cách mạng Vệt Nam từ khi có Đảng Cộng sản đã chứng minh rằng: với sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, nước ta đang trong quá trình đổi mới phát triển; hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang tạo ra những cơ hội mới và thách thức mới. Để thực hiện thành công nhiệm vụ trong thời đại mới, việc phát huy hiệu quả sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Bài viết này tập trung phân tích những vấn đề mang tính chất vận dụng quan điểm Đại đoàn kết của Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Đảng ở các cơ quan, đơn vị hiện nay, ở góc độ một số bài học sau.

Thứ nhất, đoàn kết quyết định đến hiệu quả công việc

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta được độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” (1). Theo Người, đó là một chân lý không bao giờ thay đổi.

Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách, phương pháp tập hợp quần chúng cho phù hợp với những đối tượng khác nhau để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, song nhất quán và xuyên suốt phải xác định đoàn kết là nhiện vụ hàng đầu có ý nghĩa chiến lược của sự nghiệp cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của mọi công việc. Người cho rằng: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị” (2).

Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của việc tăng cường khối đại đoàn kết trong phạm vi cơ quan đơn vị là rất cần thiết và quan trọng. Từ bài học to lớn này, chúng ta nhận thức rằng, tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong từng cá nhân, đơn vị của các cơ quan chính là việc tạo môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó, công bằng và bình đẳng giữa mỗi cá nhân - tập thể - cơ quan. Ở đây, tăng cường mối quan hệ đoàn kết là việc tạo sự đồng thuận, sự chung sức chung lòng, đồng cam cộng khổ để vượt qua những khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Thứ hai, đoàn kết phải chân thành, lâu dài, thân ái giúp nhau cùng tiến bộ

Trong tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh, đoàn kết phải dựa trên tình thương yêu, sự chân thành và cùng nhau tiến bộ. Trong bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận (tháng 8/1962), Người nêu yêu cầu: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân… Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau cùng nhau tiến bộ. Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc…” (3).

Người cũng thường xuyên nhắc nhở, giữa các thành viên của khối đại đoàn kết dân tộc, bên cạnh những điểm tương đồng, vẫn có những điểm khác nhau cần phải bàn bạc để đi đến nhất trí, bên cạnh những nhân tố tích cực vẫn có những nhân tố tiêu cực cần phải khắc phục. Để giải quyết vấn đề này, một mặt Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm“Cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; mặt khác, Người nêu rõ: “Đoàn kết phải gắn với đấu tranh, đấu tranh phải tăng cường đoàn kết”. Người luôn căn dặn mọi người phải khắc phục tình trạng đoàn kết xuôi chiều, phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình để biểu dương mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt, củng cố đoàn kết nội bộ: “Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân” (4).

Vận dụng bài học này, trong công việc, mỗi cán bộ, đảng viên phải tôn trọng cái chung, đề cao chủ nghĩa tập thể, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân; bên cạnh đó cũng phải biết tôn trọng cái tôi cá nhân của mỗi người, tạo cho mỗi người có một không gian riêng để làm việc và sinh hoạt tự hoàn thiện chính mình. Tuy nhiên, để tăng cường được đoàn kết, mỗi một cá nhân phải biết “sử dụng cái tôi” đó phù hợp, phải đúng lúc, đúng chỗ; không để cái tôi lấn át cái chung, không để lợi ích riêng lớn hơn lợi ích chung.

Trong công tác phê bình, theo lời dạy của Bác, "đoàn kết phải gắn với đấu tranh, đấu tranh để tăng cường đoàn kết". Ở đây, đấu tranh phải được hiểu đúng nghĩa của nó, đấu tranh là để tăng cường đoàn kết - tức là đấu tranh với cái xấu, cái lỗi thời, cái lạc hậu, ích kỷ, cá nhân… để chọn lọc ra những giá trị chung tốt đẹp, mang lợi ích chung cho tập thể và toàn xã hội. Bởi trong thực tế chúng ta thấy rằng, trong khi đấu tranh, phê bình, đánh giá, nhận xét lẫn nhau, một số người vẫn thường rơi vào tư tưởng vị kỷ, hẹp hòi, nhận xét, đánh giá một vấn đề gì đó thường mang ý nghĩ cá nhân, chủ quan duy ý chí để đánh giá, phê bình người khác. Việc làm đó không những không tăng cường được mối quan hệ đoàn kết mà còn làm tinh thần đoàn kết xấu hơn, nội bộ tập thể bất đồng, hiềm khích, thù oán lẫn nhau. Đây là điều chúng ta phải khắc cốt ghi tâm, chớ nên mắc phải.

Người còn răn dạy chúng ta, khi phê bình, đánh giá người khác phải trên lập trường thân ái, vì nước vì dân. Ở đây, người viết chỉ bàn đến hai từ “thân ái”. Một sự chân thành, đồng cảm và sẻ chia thực sự của chúng ta đối với cái sai hay cái đúng của người khác thiết nghĩ vẫn có giá trị hơn cả. Sự khách quan, thẳng thắn là cần thiết, song từ sâu thẳm của điều đó chúng ta cần một thái độ chân tình, và lớn hơn nữa là tinh thần nhân văn, nhân ái, khoan dung và độ lượng. Nếu không có được điều này thì giá trị đoàn kết bị đảo ngược hoàn toàn.

Thứ ba, phát huy vai trò, sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội

Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng và phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo Bác, các tổ chức đoàn thể chính là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, Đảng Cộng sản là linh hồn, là lực lượng lãnh đạo. Người chỉ rõ, Đảng vừa là người lãnh đạo xây dựng Mặt trận thống nhất vừa là thành viên của Mặt trận. Quyền lãnh đạo Mặt trận không phải do Đảng tự phong mà do nhân dân thừa nhận.

Để xây dựng được môi trường làm việc và sinh hoạt thật sự đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của mỗi cơ quan, đơn vị đòi hỏi cần được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, không ngừng nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phải thực sự phát huy được vai trò của Đảng trong việc tăng cường sự đoàng kết trong hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong nhiệm vụ này, Đảng phải là người định hướng, giáo dục và rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên lối sống đoàn kết, tập thể, vì lợi ích chung, vì sự phát triển chung. Để làm tốt điều đó, trước hết phải đảm bảo nguyên tắc gương mâu, công bằng; mọi hình thức kỷ luật, khen thưởng phải chính xác, kịp thời, và tạo điều kiện tốt nhất để mỗi cán bộ, đảng viên đều cơ hội phấn đấu phát triển bản thân.

Nước ta hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn ở tuổi đoàn chiếm một tỷ lệ khá lớn. Điều này cho thấy rằng rằng, công tác đoàn có một vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ củng cố và tăng cường tinh thần đoàn kết.

Đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, nhất là công tác đoàn kết. Người kêu gọi: “…là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ” (5). Theo Bác, đoàn kết trong thanh niên sẽ tạo ra phong trào to lớn thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Đoàn kết, tập hợp thanh niên sẽ tạo cho Đoàn thanh niên sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: