Học văn để làm gì?
Đã rất lâu rồi chị chưa cập nhật chương mới trên đây. Các em bây giờ có thể đã là sinh viên, là học sinh cuối cấp hay bất cứ lứa học trò rạng rỡ nào, vậy vì sao hôm nay chị viết bài này?
Chị không rõ về những trải nghiệm của các em, nhưng hẳn khi các em ở đây và đang đọc những dòng này chị viết, chị dám chắc hẳn là các em đã có duyên với văn ít nhiều. Văn chương là máu thịt của chị, chị coi mỗi nhà văn đang viết tức là đang mổ xẻ linh hồn của chính mình ở một góc nhìn khác mà thôi. Vì vậy, khi các em viết, văn sẽ phản ánh con người các em ở phần nào đó, sẽ soi chiếu các em ở một góc tư duy huyền diệu khó lý giải thành lời. Chị viết bài này trước hết dành cho những ai không đạt được kết quả mong muốn khi cầm bút, sau dành cho những bạn đang dần chán môn văn và cuối cùng dành cho những ai đang không biết vì sao mình cần phải học văn.
Hành trình khám phá
Văn là đẹp, chương là sáng. Văn chương là ánh sáng của cái đẹp. Học văn là học về cái đẹp!
Các em tiếp xúc với văn ngay khi các em chào đời: được nghe tiếng mẹ hát ru bằng một điệu nào đó, nghe mẹ kể chuyện bằng sự vỗ về nào đó thì đó chính là văn ở một dạng thể khác. Khi các em lớn dần lên, con chữ và tiếng nói chính là văn. Khi các em đi làm, cách em hành xử, cách em nói năng để mọi người đánh giá em là người có học hay không, đó chính là văn. Nhiều bạn học rất giỏi, nhưng đau đớn và bẽ bàng lắm khi nghe câu "cho ăn cho học, có ăn có học mà như thế đó", thái độ luôn là thước đo cho con người em khi đi làm
Hơn hết Tiếng Việt đẹp, Tiếng Việt là ngôn ngữ đẹp nhất với đồng bào ta nên hãy thận trọng khi em viết ra bất cứ điều gì làm tổn thương người khác.
Em có biết tại sao Truyện Kiều hay không?
Từ khi chị còn ở tuổi trăng treo đầu đỉnh, chị vốn đã không thích Kiều. Bởi chị đã dùng tư duy hiện đại, tư duy nữ quyền thời nay mà soi bóng một thời đại trong dĩ vãng. Giống ý của Nam Cao trong Lão Hạc, người ta chỉ có thể thương khi người ta cố mà hiểu lấy một người, tác phẩm văn học cũng thế, em chỉ thấy hay khi em hiểu được nó, hiểu được nhân vật đó.
Chị hiểu được vợ ông giáo, chị hiểu được Chí Phèo bằng cách đi vào cuộc đời của họ, của những nhân vật mà chị xem đã, đang và sẽ tồn tại trong xã hội. Nếu em xem văn chương là hành trình khám phá, em sẽ học ở đó rất nhiều kiến thức khoa học từ tự nhiên đến xã hội, nhưng điều cốt lõi nhất là hành trình em đi vào tìm hiểu một con người, hành trình em học cách thấu cảm và đớn đau cho những bất hạnh của người khác và là hành chính thấu hiểu chính mình. Văn học là hành trình giúp chị hiểu được rằng, không ai có thể là một người tốt hoàn toàn và cũng không ai là một người xấu hoàn toàn. Phải xét con người trong bối cảnh của họ mới hiểu và lý giải được hành động của họ, nên hãy thật thận trọng khi phán xét người khác.
Văn học là hành trình khám phá đặc biệt, nó giúp ta học được cách cảm thông và tìm cái đẹp từ trong bóng tối đồng thời cũng dạy ta cách lên tiếng bài trừ cái xấu, ca ngợi cái thiện. Thiện ác khó rạch ròi nếu em chưa đủ kiến thức nhìn nhận, phải xem xét nỗi đau nào, số phận nào mới nhận được sự cảm thông. Nhân vật trong văn học vì thế mang tính nhị nguyên, như Chí Phèo vừa đáng thương và đáng trách.
Quay lại câu hỏi vì sao Truyện Kiều hay, chị muốn các em phải hiểu được chữ Hán và chữ Nôm khác nhau thế nào.
Do chị học Văn học nên được tiếp cận các môn Hán văn cơ bản, Nôm cơ bản và Hán Nôm nâng cao nên chị hiểu được tính chất của nó, điều này các em học các em mới thấy được sự thông minh của ông cha ta, còn bây giờ chị sức tài đều không đủ nên chỉ dám nói sơ một chút bằng một ví dụ cụ thể. Nếu các em đã học qua chương trình lớp 7, hẳn các em sẽ thấy Nam Quốc Sơn Hà có phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ còn Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương lại chỉ có phần thơ. Bởi, Nam Quốc Sơn Hà là chữ Hán, là chữ tượng hình của người Trung truyền sang ta, cách đọc của chữ Hán phải là tiếng Hán, nhưng ông cha ta lại kết hợp với ngữ âm của mình để tạo ra phần phiên âm dễ đọc với người Việt nhưng các âm cũng phải na ná giống tiếng Hán. Đó là lý do hiện nay có những từ Hán Việt của mình phát âm giống bên Trung, nhưng người Trung phát âm sẽ khác mình về chất giọng, ngữ âm lắm. Còn Bánh trôi nước là chữ Nôm, được viết bằng chữ Nôm là chữ ký âm của người Việt: nhìn thẳng mặt chữ mà đọc ra Tiếng Việt giống mình nhìn chữ Quốc ngữ rồi đọc thẳng ra Tiếng Việt vậy. Cái hay là chữ Nôm cũng phát triển dựa trên chữ Hán nhưng thể hiện trí tuệ của ông cha ta, chữ Nôm khó hơn Hán rất nhiều.
Chính vì thế, khi chị đặt mình trong tư thế đọc những bài thơ Nôm với cách hiểu đây là tiếng nói xưa của ông bà mình nhưng đồng điệu với mình thì chị vô cùng tự hào. Bởi, chính thơ Nôm đã chứng minh cho việc Tiếng Việt được truyền từ đời này sang đời khác, được bảo tồn và giữ gìn. Tương tự thế, cái hay của Truyện Kiều không đánh giá qua nội dung và cốt truyện, mà xét đầu tiên là ngôn ngữ của nó. Rất nhiều từ trong đó vẫn được ta sử dụng, vô vàn từ láy (một loại từ đặc trưng của Việt Nam) được Nguyễn Du sáng tạo trở thành những từ quen thuộc với ta. Chị nhớ thầy Nhật Chiêu từng có băn khoăn khi đưa Truyện Kiều ra thế giới bằng những bản dịch tiếng nước ngoài, bởi ngôn ngữ trong Truyện Kiều quá mức đẹp, tiếng Việt là ngôn ngữ rất đẹp và khó tìm được từ thay thế bằng thứ ngôn ngữ khác. Bởi thế khi dịch Truyện Kiều thành một câu chuyện kể lại, người ta vẫn sẽ chẳng hiểu được cái hay của nó là gì, vì cốt truyện của Kiều vốn chẳng đủ sức nặng để sáng vai với các tác phẩm kinh điển trên thế giới. Ngoài ngôn ngữ, cái hay tiếp theo là tư tưởng của Truyện Kiều, nếu em đọc hiểu Truyện Kiều như một sự đọc thông thường để nắm cốt truyện, em sẽ không thấy được tính đa nghĩa của nó, thấy được triết lý thiền Phật, Lão Trang và cả Nho giáo ở trong. Mà muốn hiểu, em phải có nền tảng từ trước, có khi còn phải hiểu cả những triết lý âm dương hay kinh dịch, có những câu trong Kiều mang tính quy luật, đặt ở thời đại nào cũng đúng "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" là một ví dụ. Bởi huyền diệu, nên dân gian ta còn có bói Kiều, bản thân chị từng được xem bói Kiều và thấy rất đúng. Cũng câu thơ đó nhưng vào hoàn cảnh của mình lại được hiểu theo một nghĩa khác (vấn đề này vượt qua sự hiểu của chị) nhưng chị nói thêm để các em hiểu được sự thú vị và thâm thúy của nó.
Chị nhớ có đêm mất ngủ, có người từng đọc cho chị một khúc ngâm
"Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"
mà hồn chị lúc đó nhẹ nhàng hẳn, cảm thấy thanh thản lắm. Chị hay ước sau này có chồng, những đêm mất ngủ gối đầu lên chân người ta để nghe người ta đọc Kiều mà đi vào giấc ngủ dễ dàng. Lúc đó chị đã hiểu vì sao Kiều là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ.
Bởi văn chương là hành trình khám phá, nên khi em thật sự dấn thân khám phá và không coi nó đơn thuần là một tác phẩm, em sẽ thấy văn chương như một thế giới song song khác mà em được quyền bước vào với góc nhìn của nhân vật chính để trải nghiệm thêm một cuộc đời. Nếu đặt bản thân là Kiều, trong bối cảnh từ êm ấm đến phá sản và không có công ăn việc làm (xã hội phong kiến chỉ có chỗ cho nam quyền) để trả nợ cho cha, huống chi đó là số tiền cần gấp. Thời này có vay nóng nhưng thời xưa thì chị tự hỏi mình sẽ làm thế nào? Nói theo ngôn ngữ thời nay là lúc đó chỉ có nước lấy chồng giàu mà thôi!
Hành trình từ bỏ đến hành trình tiếp tục
Nếu em xem văn học là cuộc chơi điểm số thì em mãi sẽ mắc kẹt trong những uẩn ức của chính mình. Bởi sự may rủi trong thi cử là một đặc trưng của văn chương hiện nay. Mình thấy hay nên mình mới viết như thế, nhưng người chấm lại thấy không hay thì từ sáng tác cho đến chấm điểm, chị đều thấy văn học đã mang tính chủ quan. Chị thật sự rất nản với việc một đứa chép văn mẫu, cầm mấy bản photo ngồi học trước phòng thi rồi điểm cao nhưng tư duy của bản thân thì không có. Sai về việc sở hữu bản quyền, nghiêm trọng là sai về việc học văn như thế! Bởi nếu học văn chỉ là học thuộc, thì cái đẹp của con người sẽ dần là giả tạo. Em có thể sao chép lời nói hay, em có thể học người khác cách nịnh, cách nói lời ngọt ngào nhưng tâm em và tư duy của em không như thế thì đó chính là cái đẹp giả tạo. Tâm ứng tâm, đi đường lâu dài thì cái đẹp giả ấy rồi cũng sẽ bị lộ diện, ta dễ thấy ai chân thành và ai giả tạo với ta bằng việc cảm nhận. Bởi thế, nếu em nói em học văn, thì đừng nhìn văn học dưới một trò chơi duy mỹ, chạy đua cho kỳ vọng của người khác và sự tham trong mình. Nếu em nói em thi văn, chị vẫn luôn tôn trọng em và vẫn giúp đỡ em. Nhưng người học văn và người thi văn với chị là hai người khác nhau, trong đó người học văn là người phải học suốt đời từ tác phẩm đến những câu chuyện được trực tiếp nhìn nhận bên ngoài. Người học văn có nhiều trách nhiệm hơn với sự tôi luyện chính mình.
Nên tham khảo, nên đọc, nên hiểu, nên mài dũa tâm tính mới là điều chị mong mỏi các em của mình sẽ tìm được khi đến với văn và về với văn vào lúc em cần được gửi lời, được vỗ về. Viết như một dạng đối thoại và chữa lành hữu hiệu đối với những chuyện ta không thể tỏ bày cùng ai, viết để phần tối lộ ra và biến mất, để ta sạch trong hơn ở nơi thời cuộc này. Đọc để có thể khóc, em sẽ thấy mình có nhiều trải nghiệm hơn bằng cách sống thêm nhiều cuộc đời của người khác qua việc đọc.
Văn học còn có chức năng giải trí, miễn sao tác phẩm đó giúp em có năng lượng tinh thần tích cực để sống một đời của mình mà không ảnh hưởng người khác, ngược lại còn giúp được họ. Nhưng chị khuyến khích em hãy đọc tác phẩm có thể tự hào đem khoe với bất cứ ai về việc mình đã đọc nó và muốn mọi người đọc nó cùng mình. Ít nhất hãy có trong mình một tác phẩm đem khoe nhé!
Đôi lời nhắn từ chị!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro