hình tượng con sông Đà trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ tài hoa uyên bác với một cái tôi rất "ngông", ông cũng là một nhà văn suốt đời say mê săn tìm cái đẹp, đặc biệt là những cái gì dữ dội, mãnh liệt hoặc đẹp một cách tuyệt đỉnh. Nguyễn Tuân được coi là bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ, với con mắt của một nghệ sĩ đa tài, với cái nhìn tinh tế và sự cảm nhận sâu sắc cùng với khao khát, nỗ lực tạo ra những tinh túy nghệ thuật, ông đã sáng tạo ra thiên tùy bút "Người lái đò sông Đà". Tác phẩm là kết quả của nhiều dịp ông đến với Tây Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1958. Trong đây, con sông Đà hiện lên sinh động như một thực thể sống phức tạp, khi hung bạo, dữ dội như loài thủy quái, khi thì đằm thắm, trữ tình.
"Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu"
Mọi dòng sông đều chảy về hướng đông. Chỉ có sông Đà chảy theo hướng bắc (thơ Nguyễn Quang Bích). Nguyễn Tuân mở đầu bài tùy bút bằng một câu thơ nói về cái dòng chảy "đặc biệt lạ lùng" của sông Đà, nó không giống với các dòng sông khác mà toát lên một thần thái riêng biệt khó có được. Câu thơ giống như một lời khẳng định sự đặc biệt của sông Đà, ngỗ ngược, ngông nghênh, hay cũng chính là lời khẳng định về cái chẳng giống ai của Nguyễn Tuân.
Dưới ngòi bút của tác giả, con sông Đà hiện ra với tất cả sự hùng vĩ, tráng lệ nhưng không mất phần dữ dội và nguy hiểm. Những quãng sông, đá dựng vách thành "chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu" khiến dòng nước phải xoáy vào "ruột đất" mà chảy, những chỗ ấy hẹp và sâu tới mức ánh mặt trời không chiếu xuống được trừ lúc chính ngọ, "có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia". Người ngồi đò qua chỗ đó "đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện". Để rồi khi lòng sông đột ngột mở ra lại tạo thành những mặt ghềnh Hát Loóng "dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, cuồn cuộn gió gùn ghè suốt năm", lúc nào cũng ồn ào, náo động. Bằng so sánh thú vị, cùng vài liên tưởng độc đáo và sự cảm nhận của nhiều giác quan, tác giả đã miêu tả con sông Đà đẹp đẽ một cách nguy hiểm, quãng sông đã hẹp nước lại chảy nhanh, đã thế còn bị cản lại, vì vậy nước càng thêm xiết hơn. Đồng thời điệp ngữ, điệp cấu trúc cũng được sử dụng cùng với nhịp điệu tăng tiến cho ta thấy chuyển động dữ dội, mạnh mẽ của sóng to, gió lớn trên sông. Thử nếu bị mắc kẹt trong cái khe đó mà khinh suất thì chắc sẽ bị sóng nước đánh cho tan tác.
Sự hùng vĩ và hung dữ của sông Đà không chỉ dừng lại ở đó, những cái hút nước rải rác trên mặt sông Đà "như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu", "nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc". Mỗi xoáy nước là một cạm bẫy nguy hiểm chết người như "quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực", "không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông", "có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷu sông dưới". Sức mạnh ghê gớm của dòng nước xoáy được tác giả lột tả sinh động bằng hàng loạt những so sánh, liên tưởng độc đáo, bất ngờ và các thủ pháp điện ảnh. Các động từ mạnh được sử dụng, kết hợp kể và tả, con sông Đà hiện lên như một tên côn đồ hung hăng, ưa gây sự, như một tên tội phạm khủng khiếp và dữ dội, nó sẵn sàng lấy đi tính mạng của bất kì ai ngang qua.
Nhưng dữ dội nhất có lẽ vẫn là thác nước sông Đà. Từ xa, nó đã đe dọa người lái đò bằng âm thanh cuồng nộ "như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng". Đến nơi, sẽ thấy nó bày ra cả "một chân trời đá" mà "ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông", mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó, hung tợn,... Với trí tưởng tượng phong phú, cách dung từ tinh vi, quan sát kĩ lưỡng cùng kiến thức phong phú, bãi đá ngầm được Nguyễn Tuân miêu tả thành một thạch trận được bố trí công phu, khéo léo với ba trùng vi kiên cố. Mỗi trùng vi được thiết kế theo một sơ đồ riêng đảm nhiệm chức năng riêng. Trùng vi thứ nhất dàn ra năm cửa đá thì có đến bốn cửa tử, chỉ có một cửa sinh lệch về phía tả ngạn sông. Trùng vi thứ hai nó tăng thêm nhiều cửa tử, cửa sinh lại bố trí lệch sang phía hữu ngạn. Trùng vi cuối cùng, ít cửa hơn, bên trái bên phải đều là luồng chết, luồng sống ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Tại ba trùng vi thạch trận này, người lái đò đã trải qua những giây phút thập tử nhất sinh, chỉ cần khinh suất hay lơ là một chút thôi thì sẽ phải trả giá bằng tính mạng mình. Bằng hệ thống từ ngữ, hình ảnh nhân hóa phong phú, độc đáo, tác giả đã khắc họa con sông Đà như một loài thủy quái khổng lồ độc ác và nham hiểm.
Nhìn từ một khía cạnh khác, Nguyễn Tuân phát hiện sông Đà còn mang trong mình một vẻ đẹp khác, trữ tình và đằm thắm. Sông Đà không chỉ có lắm thác nhiều ghềnh, nguy hiểm đoạt mệnh, nó còn như một bức tranh thủy mặc quý giá mà vương vấn lòng người. Tác giả chọn điểm nhìn từ trên cao đã thu lấy được vóc dáng mềm mại của con sông Đà, nó "tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Con sông Đà hiền hòa, mềm mại và huyền ảo như mái tóc của người thiếu nữ kiều diễm, nó được lột tả bằng một thứ ngôn ngữ rất giàu chất thơ, chất nhạc và chất họa.
Nước sông Đà cũng được tác giả tái hiện với vẻ đẹp riêng, nó biến đổi theo từng mùa, "mùa xuân dòng xanh ngọc bích", "mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ". Nguyễn Tuân khẳng định nước sông Đà "không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm sông Lô" và nó chưa bao giờ đen "như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu".
"Con sông Đà gợi cảm", nhiều quãng nước sông tràn ngập trong "nắng Đường thi" và rợp cánh chuồn chuồn bươm bướm.
Đẹp nhất chắc là những bờ sông im ắng, nó hoang dại và nguyên sơ "như một bờ tiền sử", "hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Nơi đây dường như chưa từng thay đổi "hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ thế mà thôi". Thuyền trôi qua quãng sông này như lạc vào thế ngoại đào nguyên "...nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm... Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sóng bụng trắng như bạc rơi thoi...". Với tiết tấu nhẹ nhàng, ngôn ngữ, hình ảnh chọn lọc cùng sự quan sát tinh tường, liên tưởng đặc sắc thú vị của tác giả, con sông Đà hiện ra với vẻ đẹp hoang sơ nhuốm màu cổ tích, trù phú và tràn trề nhựa sống.
Một con sông, hai nét tính cách vốn phải mâu thuẫn với nhau nhưng lại kết hợp, đan xen một cách hài hòa đã tôn lên vẻ đẹp hấp dẫn, đặc biệt của sông Đà.
Qua tác phẩm "Người lái đò sông Đà" cùng với hình tượng con sông Đà hùng vĩ nguy hiểm mà đằm thắm, trữ tình, ta phần nào hiểu thêm về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân cũng như tài hoa uyên bác của ông đặc biệt là ở nghệ thuật dùng từ. Ông đã để lại ấn tượng về một con sông Đà rất riêng, rất đậm chất Nguyễn Tuân mà khi gấp lại trang sách vẫn khiến ta nhớ mãi không thôi.
>
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro