Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Vội vàng

Đề bài 1: Phân tích 13 câu thơ đầu trong bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu:

Dàn ý

I. Mở bài

- "Thơ Xuân Diệu là nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết".

- Xuân Diệu là một trong ba đỉnh cao của thơ Mới, "nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới" - một hồn thơ luôn "thiết tha, rạo rực, băn khoăn", nồng nhiệt và khát khao giao cảm với cuộc đời.

- "Vội vàng" là thi phẩm đã gói trọn những cung bậc cảm xúc về mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu, là một lời tự bạch tha thiết với trần thế của Xuân Diệu.

(trích dẫn 13 câu thơ đầu)

II. Thân bài

1. Khái quát chung

- "Vội vàng" là bài thơ tiêu biểu và đặc sắc được rút ra từ tập Thơ Thơ sáng tác năm 1938. Bài thơ đánh dấu sự bùng nổ mãnh liệt của cái Tôi cá nhân trong thơ Mới nói chung và thơ Xuân Diệu nói riêng

- Với "Vội vàng", Xuân Diệu đã cất lên tiếng thơ dào dạt của một tâm hồn tuổi trẻ lúc nào cũng thèm yêu, khát sống, say đắm cuộc đời, quyến luyến cảnh sắc trần gian, mong muốn làm những điều tưởng chừng như phi lý để níu giữ lại những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ.

- "Vội vàng" là một tuyên ngôn về lẽ sống của Xuân Diệu, sống là phải "thanh niên", là "giục giã", là "sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn", đó là ý thức trân trọng những phút giây thực tại, l

2. Phân tích: (4 câu - 9 câu)

a, Luận điểm 1: Ước muốn táo bạo và mãnh liệt của thi nhân:

"Tôi muốn tắt đi,

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại,

Cho hương đừng bay đi"

- Khổ thơ năm chữ duy nhất với nhịp thơ ngắn, giọng điệu gấp gáp vang lên như lời tuyên ngôn, một hơi thở hối hả của con người đang tràn đầy cảm xúc.

- Đại từ mà tác giả Xuân Diệu đã đặt ở đầu tiên là "tôi", chứ không phải "ta" hay "chúng ta" và cùng với đó là động từ "muốn"- "tôi muốn". Nhà thơ đang thể hiện cái tôi công khai, không lẩn tránh hay giấu giếm, một cái tôi đầy thách thức, dường như đã phá vỡ mọi quan niệm, tư tưởng truyền thống. Đây là một cảm hứng mới mẻ, hiện đại và mãnh liệt của Xuân Diệu trước cuộc sống.

- Ở đây, nhân vật trữ tình muốn "tắt nắng, buộc gió" để "màu đừng nhạt" và "hương đừng bay". Những động từ mạnh đã diễn tả ước muốn chặn lại dòng chảy thời gian, muốn có được quyền uy của tạo hóa, ngự trị thiên nhiên, để giữ lại những gì tươi đẹp nhất của hiện tại, giữ lại cái ấm áp của mùa xuân, giữ lại hương thơm nồng nàn của cuộc đời. Đó là khát vọng tới cháy bỏng muốn giữ mãi cái đẹp của sự sống, muốn giữ sức tươi trẻ của ngày hôm nay.

=> Phải là một con người có tâm hồn lãng mạn, yêu tuổi trẻ, say mê cuộc sống và cũng ý thức được rằng những thứ đó gắn liền với thời gian, mà thời gian trôi đi theo quy luật của tạo hóa sẽ không bao giờ trở lại được mới có ước muốn táo bạo và mãnh liệt như thế.

=> Đó không phải là những suy nghĩ ngông cuồng mà chính là cách tỏ bày độ nồng nàn nhất của một tình yêu đời mãnh liệt, của một tâm hồn muốn bất tử hóa những gì đẹp nhất của đời. Có thể nói, đây không chỉ là ước mơ của riêng mình Xuân Diệu mà còn là của chung nhân loại nhưng khát vọng tới da diết, tới cuồng say và cách mở đầu mới lạ như thế này thì có lẽ chỉ của riêng Xuân Diệu.

b, Luận điểm 2: Bức tranh mùa xuân - Thiên đường chốn trần gian (6 - 1- 2)

* Luận cứ 1: Với trái tim đa cảm, với cặp mắt "xanh non", Xuân Diệu đứng giữa cuộc đời trần thế và thấy cuộc đời đẹp như một bức tranh mùa xuân, những gì xung quanh chúng ta là thiên đường chốn trần gian:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi sáng sớm thần vui hằng gõ cửa

- Điệp ngữ "Này đây" vang lên trong các ý thơ, kết hợp với nhịp thơ nhanh, khẩn trương như một lời mời gọi tha thiết, đưa ta tới một thế giới mùa xuân tuyệt đẹp đang bày sẵn những hương sắc ngọt ngào nhất của cuộc đời.

- Hình ảnh thiên nhiên được đón nhận ở khoảnh khắc mùa xuân tươi đẹp nhất và căng tràn nhựa sống. Xuân Diệu đã cho ta thấy, trần gian này tươi đẹp và đáng sống biết bao. Đó là "ong bướm" mùa xuân dập dìu trong mật ngọt của hoa, hạnh phúc say đắm trong tuần tháng mật, là "hoa" thấm đượm sắc xanh tươi trên"đồng nội". Và cành "lá" không còn cằn cỗi mà đã thay mình thành những "cành tơ" non phơ phất. Và đôi chim "yến anh" đang ngân vang khúc nhạc của tình yêu. "Ánh sáng" chan hòa khắp không gian, ánh sáng chiếu rọi từ thiên nhiên hay chính là ánh sáng tỏa ra từ đôi mắt của người tình si. Không gian, hình ảnh tràn trề sức sống mà ở đó mọi vật đều có đôi có cặp, như gắn kết, quấn quýt, giao cảm, giao hòa với nhau. Mặt đất trở nên hấp dẫn hơn, ngọt ngào hơn và thi sĩ có lẽ đang dạo chơi tung tăng, hân hoan trong chính là không gian bao la như chốn thiên đàng tuyệt diệu.

=> Với Xuân Diệu, con người không cần phải tìm kiếm thiên đường ở một chốn xa xôi nào, cũng không cần quay về quá khứ để chìm đắm trong nỗi buồn đau và cô đơn, con người chỉ cần rộng mở đôi mắt và tất cả tâm hồn để đón nhận thế giới này ngay trong thực tại vì đó là những khoảnh khắc đẹp nhất. Vì thế cho nên Xuân Diệu chính là "một người của đời, một người ở giữa loài người...lầu thơ của ông được xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian".

* Luận cứ 2: Nét độc đáo ở Xuân Diệu không chỉ ở cách cảm nhận về thế giới mà còn ở những cung bậc tình yêu nồng nhiệt nhất với thế giới ấy:

- Chỉ Xuân Diệu mới có cách so sánh độc đáo, mới lạ nhất khi ví: "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Thời gian được nhà thơ lựa chọn chính là những ngày đầu của tháng giêng, của mùa xuân, của năm mới vì thế tất cả cái tươi non, mơn mởn, cái sôi nổi, trẻ trung nhất của mùa xuân và tuổi trẻ được gói trọn trong một chữ "ngon" thậm chí "ngon như một cặp môi gần".

- Ở đây, Xuân Diệu đã lấy cái trừu tượng, vô hạn của thiên nhiên so sánh với cái cụ thể, hữu hạn của con người. Và cách so sánh ấy dường như đã phá vỡ mọi quan niệm ước lệ đến công thức của thơ xưa, đã đưa con người - trong mùa xuân, trong tuổi trẻ và tình yêu ở vị trí trung tâm và là chuẩn mực để cảm nhận cả thế giới này.

- Với Xuân Diệu, cuộc đời này, mùa xuân này quá tươi đẹp và đáng sống nên chỉ nhìn ngắm hay lắng nghe thôi cũng là chưa đủ. Thi sĩ đâu chỉ muốn "tắt nắng" hay "buộc gió" mà còn phát huy mọi giác quan để khao khát ôm trọn, chiếm lĩnh trọn vẹn cả thế giới này.

=> Tâm hồn nồng nàn, tha thiết với mùa xuân và cuộc sống. Đồng thời, thể hiện những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo của Xuân Diệu.

c, Luận cứ 3: Xuân Diệu chợt nhận ra thời gian đang từng lúc, từng giờ trôi đi một cách nhanh chóng nên:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"

-Thi sĩ đã ý thức được quy luật vô tình đến nghiệt ngã của thời gian và tạo hóa. Thời gian trôi đi, những gì đẹp nhất kia cũng không còn mãi. Ngay giờ phút này đây hãy thức tỉnh và "vội vàng" tận hưởng cuộc sống tươi đẹp bởi nó một đi không trở lại.

- Dấu chấm được đặt giữa dòng thơ, giống như khoảng lặng giữa hai tâm trạng. Giống như bước chân đang hân hoan dạo bước trong một khu vườn đầy hương sắc bỗng sững lại trước ranh giới mong manh, không thể vượt qua được.

=> Tâm trạng thi nhân mang bao nỗi âu lo khi cảm nhận được sự hữu hạn của đời người và sự ngắn ngủi của tuổi thanh xuân tươi đẹp. Chính vì thế, Xuân Diệu nuối tiếc xuân ngay khi mùa xuân vừa mới tới, mới vội vàng, cuống quýt trong từng hơi thở, từng nhịp sống.

- Thi nhân không thể chờ khi mùa hạ đến mới "hoài xuân", tiếc xuân mà khao khát tận hưởng mùa xuân trong phút giây thực tại. Thi nhân mong ước được sống "vội vàng".

=> Triết lí sống "vội vàng" không có nghĩa là sống nhanh, sống gấp mà là sống có ý thức chạy đua với bước đi của thời gian, là sống trân trọng và có ý nghĩa trong mỗi khoảnh khắc thời gian, không chỉ là hưởng thụ những gì mà cuộc sống ban tặng mà còn biết trân trọng sự sống và làm đẹp thêm cho cuộc đời.

3. Đánh giá

- Với bút pháp miêu tả, liệt kê, so sánh, Xuân Diệu đã vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh tràn đầy nhựa sống và sự lung linh của sắc màu vạn vật, đưa người đọc cùng tận hưởng những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi trẻ.

- Đoạn thơ đầu đã bộc lộ một tâm hồn yêu đời, ham sống đến khát khao mãnh liệt của thi nhân. Đồng thời, Xuân Diệu mang đến những quan niệm sống mới mẻ: con người hãy sống hết mình, vì chỉ có sống vội vàng ta mới không làm uổng phí thời gian của tuổi thanh xuân tươi đẹp.Trong thế gian này đẹp nhất, quyến rũ nhất chính là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu; thiên đường chính là cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế. Vì vậy, hãy sống thiết tha yêu, hãy đắm say tận hưởng và tận hiến để mỗi ngày qua đi ta được sống trọn vẹn trong tình yêu và hạnh phúc.

- Quan niệm mới mẻ và sâu sắc ấy là tiếng nói lí trí của một trái tim tha thiết yêu đời, của một tâm hồn luôn ước vọng:

Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần

Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất.

III. Kết bài

Bằng những nét vẽ vô cùng sống động, độc đáo, Xuân Diệu đã tái hiện lại khung cảnh hết sức lãng mạn, một thiên đường dưới mặt đất. Dưới con mắt tinh tế, nhạy cảm của nhà thơ cuộc sống thật tươi đẹp và đáng sống biết bao, nhưng cuộc sống ấy cũng thật ngắn ngủi nên phải sống vội vàng để tận hưởng hết niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống. Qua đây tác giả cũng thể hiện và gửi gắm tư tưởng lạc quan yêu đời mà tác giả đã tạo ra cho thế hệ trẻ, cần phải sống, đam mê hết mình để cống hiến cho cuộc đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro