Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tràng Giang 2


Đề bài 4: Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ "Tràng giang" qua khổ thơ đầu: "Sóng gợn..... lạc mấy dòng"

Dàn ý

Ⅰ. Mở bài

- Huy Cận là nhà thơ lãng mạn; ông là một trong những nhà thơ nổi bật trong phong trào thơ Mới. Thơ ông hàm súc và giàu chất triết lí.

- Đúng như những lời nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu, thơ Huy Cận trước cách mạng thường mang đậm nỗi buồn sâu thẳm, nỗi buồn nhân thế.

- "Tràng giang" trong tập Lửa thiêng là một tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận.

- Khổ thơ đầu đã miêu tả xuất sắc cảnh trời nước mênh mang, bao la của sông Hồng. Đồng thời, khổ thơ cũng thể hiện được vẻ đẹp vừa cổ điển lại vừa hiện đại.

- Ta cùng làm rõ ý kiến trên qua khổ thơ đầu của bài thơ "Tràng giang":

" Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền suôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả"

Củi một cành khô lạc mấy dòng."

Ⅱ. Thân bài

1. Khái quát chung

- Vẻ đẹp cổ điển ở đây là những yếu tố hay nghệ thuật đã đạt đến vẻ đẹp của sự toàn thiện, toàn mỹ. Đồng thời nó cũng là biểu trưng cho sự gần gũi, quen thuộc, đồng điệu.

- Vẻ đẹp hiện đại là nói tới sự sáng tạo, cách tân nghệ thuật của nhà thơ, không có tính quy phạm, dập khuôn như thơ cổ nhưng vẫn thừa hưởng được vẻ đẹp thuần túy của thơ cổ.

- Nhan đề bài thơ "Tràng giang" cùng với lời đề từ đã gợi lên âm hưởng cổ kính cho bài thơ. Bài thơ được gợi cảm hứng từ một buổi chiều mùa thu khi tác giả ngắm cảnh sông Hồng mênh mông sóng nước.

=> Với bài "Tràng giang", ta có thể hiểu nét đặc sắc ở đây chính là sự phối hợp ăn ý giữa màu sắc cổ điển và chất hiện đại trong từng câu thơ, đặc biệt là khổ thơ thứ nhất.

2. Phân tích

a, Vẻ đẹp cổ điển

- " Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp"

+ Đọc câu thơ này người đọc có thể hình dung ra một con sông rộng lớn, mênh mang sóng nước.

+ "Tràng giang" - cụm từ càng khiến người đọc hình dung ra một con sông dài vô tận.

+ Ở đây cũng như là nhan đề bài thơ, tác giả không đặt "Trường giang" mà chọn là "Tràng giang" lại càng khiến cho dòng sông ấy không chỉ dài mà nó còn có rộng, sâu hun hút.

+ "Điệp điệp": chỉ những con sóng, những đợt sóng dồn dập, liên tục xô vào bờ.

+ Từng đợt sóng cuộn trào trên sông cũng tựa như những nỗi buồn đang trải dài vô tận.

+ Từ láy "điệp điệp" càng nhấn mạnh nỗi buồn hết lớp này đến lớp khác, nỗi niềm mang nhiều tâm sự của nhà thơ.

→ Với sự kết hợp của từ hán việt và từ láy, nhà thơ dường như phơi bày ra cái nỗi buồn miên man, mang nhiều tâm sự của nhà thơ.

- " Con thuyền xuôi mái nước song song"

+ Trong cái không gian mênh mông ấy, lại có xuất hiện của con thuyền nhỏ bé, bơ vơ trên dòng sông rộng lớn.

+ Hình ảnh đối lập giữa cái bao la, mênh mông của sông nước với con thuyền nhỏ lênh đênh giữa dòng càng gợi lên sự nhỏ bé của con thuyền.

+ "Con thuyền" là hình ảnh tả thực nhưng dưới cái nhìn của cái tôi lãng mạn thì con thuyền cũng chỉ những thân phận nhỏ bé, nổi trôi của kiếp người.

+ Hình ảnh con thuyền và dòng sông vốn đã xuất hiện nhiều trong thơ ca từ cổ chí kim.

+ Cách sử dụng hình ảnh cổ điển trong thơ cùng điệp từ "song song" càng gợi lên nỗi buồn xa vắng.

→ Sử dụng nghệ thuật tiểu đối trong ngôn từ "buồn điệp điệp" đối với cụm từ "nước song song" tạo cho hai câu thơ nhịp thơ nhịp nhàng, chậm rãi như những tiếng thở dài não nuột đang trào dâng trong lòng nhà thơ.

- " Thuyền về nước lại sầu trăm ngả"

+ Thuyền và nước thường đi liền với nhau, nhưng ý thơ ở đây lại mang đến một sự xa cách giữa thuyền và nước.

+ Hình ảnh "nước" trong câu thơ được nhân hóa như con người, cũng có cảm xúc, cùng biết "sầu" buồn.

+ Cụm từ "sầu trăm ngả" gợi cho ta cảm giác một nỗi buồn, nỗi sầu vô tận, trải dài khắp không gian đến trăm ngả.

→ Đọc câu thơ, người đọc hình dung được một con thuyền lênh đênh cứ trôi nổi xa tít, để mặc dòng nước mênh mang lặng lẽ và heo hút.

=> Như vậy bằng sự kết hợp độc đáo giữa từ Hán việt và các thi liệu truyền thống, Huy Cận đã mang đến cho người đọc cái nhìn về vẻ đẹp cổ điển toát lên từ những câu thơ mang đậm chất Đường thi, rất hàm súc và cô đọng. Đồng thời ta cũng có thể cảm nhận nỗi buồn man mác, nỗi sầu nhân thế mà nhà thơ gửi gắm trong những câu thơ ngắn gọn, súc tích.

b, Vẻ đẹp hiện đại

- "Củi một cành khô lạc mấy dòng"

+ "Củi khô" là một hình ảnh hiện đại trong thơ Huy Cận, hiếm khi ta bắt gặp một hình ảnh như thế trong thơ ca.

+ Câu thơ giàu giá trị gợi hình, mang đến một hình ảnh chiếc củi khô nhỏ nhoi đang lạc lõng, trôi nổi trên dòng nước.

+ Cành củi vốn đã tạo một cảm giác bé nhỏ, tầm thường lại còn "khô" càng mang đến một ý nghĩa thiếu sức sống.

+ Cụm từ "lạc mấy dòng" mang ý nghĩa có chiều sâu, một cành củi khô đã vốn quá bé nhỏ lại bị cuốn đi rồi trôi dạt, quăng quật, rồi bị cuộn xoáy khắp mấy dòng sông nước.

+ Nhà thơ đã dùng nghệ thuật đảo ngữ, ông không viết "một cành củi khô" mà lại viết "củi một cành khô" cùng nhịp thơ 1/3/3 khác hẳn với ba câu thơ trên như muốn nhấn mạnh cái hình ảnh của củi cũng như thân phận nhỏ nhoi bị vùi dập lênh đênh trên dòng đời vô định.

=> Như vậy, với cách chọn thi liệu mới và dùng từ độc đáo, Huy Cận đã phá vỡ mọi quy luật, mọi khuôn mẫu phép tắc của nền thi ca cổ, dẫn đường, mở lối cho cái tôi độc đáo, sáng tạo mà không bị mất đi vẻ đẹp vốn có của câu thơ. Đồng thời, sự phá cách này cũng phần nào thể hiện được sự cô đơn, chán chường, bất lực trước dòng đời của tác giả.

3. Bàn luận đánh giá

- Ý kiến trên là hoàn toàn chính xác khi nói về thơ Huy Cận trước cách mạng. Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của khổ thơ đã khắc họa sâu sắc nỗi buồn của cái tôi nhỏ bé, cô đơn trước không gian sông nước bao la và trước dòng chảy cuộc đời. Và ở đâu đó, ta cảm nhận thấy cả sự bơ vơ, lạc long của những kiếp người thiếu quê hương ngay trên chính quê hương.

- Nếu ở đây ta thấy bao trùm cả bài thơ là nỗi sầu, nỗi cô đơn của nhà thơ thì ngược lại trong bài "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận lại mang một tâm trạng vui tươi, tràn đầy sức sống, yêu đời.

=> Bài thơ đã cho ta thêm những hiểu biết về vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại được thể hiện qua bài thơ, đồng thời qua đó ta cũng thấy được nỗi buồn sầu thẳm của nhà thơ.

Ⅲ. Kết bài.

- Khổ đầu bài thơ Tràng giang có thể thấy rõ tài năng "tả cảnh ngụ tình "của Huy cận thật tài hoa, khéo léo.

- Chỉ với những hình ảnh giản đơn như: con sóng, chiếc thuyền hay một cành khô mà ta dễ dàng bắt gặp ở đâu đó trong cuộc sống và trong những bài thơ khác, nhưng trong thơ của Huy Cận nó có thể truyền tải mạnh mẽ những cảm xúc rất riêng, những nỗi lòng rất riêng không thể hòa lẫn với các bài thơ xưa.

- Vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại, giản dị mà mang nặng những tâm tư tình cảm, chân tình của tác giả sẽ mãi đi sâu vào lòng người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro