"Tôi gửi gắm chút tình cảm cho em, mong em hãy cất giữ nó thật cẩn thận nhé."
—
Nhà nội tôi xâu xé nhau tài sản bạc tỷ mà bỏ quên lũ con cháu trong nhà. Bọn trẻ chúng tôi vốn đã ở xa và bị cuốn vào chuyện tranh chấp của người lớn, từ bé ít gặp nhau và chơi đùa cùng nên giờ gặp nhau vô cùng xa cách.
Hồi bé mỗi lần gặp là chơi này nọ kia, lâu lâu mới đi nhưng chơi vô cùng vui và không muốn về. Giờ đây, tuy gặp nhiều và cảm thấy khoảng cách rất lớn, mỗi người cầm máy chơi game này nọ kia chứ nhất quyết không nói chuyện một lời.
Tôi biết chúng tôi là chỉ là anh em họ, nhưng người lớn có thể nào ngừng việc nói xấu nhau để cho chúng tôi thoải mái hơn không? Cứ mỗi lần mở miệng ra là sẽ suy nghĩ đến cái cảnh họ dùng chính lời nói của mình để bẻ chuyện trong tương lai.
“Mẹ con bé út không có tốt đâu, nó có máu mẹ nó nên thế nào bọn mày cũng xích mích. Bọn bây lớn rồi, chơi với nhau có chừng mực đi. Sau này bọn nó lấy chính cái lời của mày để phản mày đó.”
Tôi trầm tư cả chiều chỉ để ngồi nghĩ về câu nói của mẹ. Trước đây, ba tôi con trưởng, cô hai sợ bị giành tài sản nên ép bà nội đuổi ba ra khỏi nhà cùng cả mớ giấy tờ bòng bong, thậm chí ép ba tôi bán đi căn nhà ở cùng vợ trước chỉ để xây nên khu trọ kiếm tiền chi tiêu cho cô. Phận con nào dám bất hiếu, chỉ đành nghe lời ngậm ngùi ra đi, còn bà nội tôi thì già, lú lẫn bởi những lời lẽ của cô hai nên nhà tôi ngậm bồ hòn làm ngọt. Sau này, họ cho rằng tôi là cháu gái trưởng nên đòi đưa tôi về thành phố học dù cho trước đây chê tôi quê mùa nơi nông thôn lộng gió. Hứa hẹn cho tôi tùm lum thứ tiền bạc cùng nhà đất, nhưng tôi lại chẳng chịu về, đúng hơn là mẹ ngăn lại. Mẹ không muốn tôi lây thói tham lam và tàn nhẫn của nhà nội nên đã xin lỗi mọi người rồi đưa tôi về. Cô hai vì không đem được tôi về dưới nên đặt điều tai tiếng xung quanh, cho rằng tôi bất hiếu, mất dạy, không có tình người. Chỉ trong vài tháng mà tất cả mọi người đều quay lưng lại khi mà gia đình tôi cần giúp đỡ, cùng chỉ vì tại tôi, tất cả là tại tôi không về dưới. Nếu lúc đó tôi quyết liệt ở lại, thì có lẽ không đến như vậy.
Vì sao? Từ năm tôi bảy tuổi, đáng lẽ sẽ có tuổi thơ rất đỗi bình thường như bạn cùng lứa, nhưng không. Mẹ tôi bị ung thư rất nặng, nên đưa lên Sài Gòn chữa trị, khoảng thời gian ấy tôi bị cầm tù nơi mà tiếng nói cười vang vọng cùng cô hai. Không bạo hành, không đánh đập, chỉ là cầm tù, chỉ là giam lỏng giữa những bức tường trắng xoá. Ở với ba mẹ hay nhà ngoại, thì sẽ được chơi đùa cùng bạn bè này nọ hoặc là không hiểu bài thì được nhẹ nhàng chỉ bảo như trong sách. Còn tôi bị mang danh là đứa trẻ miền quê nên cô hai muốn làm bố mẹ sáng mắt bằng cách ép tôi học. Khi những cánh diều phất lên nơi đồng ruộng ngả màu nắng, thì tôi đã phải cắm đầu bên bàn học cùng cặp kính ba độ rưỡi, từ điển chất chồng, sách tập vương vãi khắp nơi. Khi mà những đứa khác đạp xe khắp nẻo đường với những món đồ chơi trong tay thì tôi đã phải cầm đến sách lớp sáu nâng cao mò mẫm giải bài tập, không làm xong thì không được ngủ. Mỗi tối học từ bảy giờ đến mười một, mười hai giờ đêm, còn sáng thì ba giờ dậy lên núi tập thể dục. Đối với người khác thì bình thường, nhưng lúc đó tôi chỉ là đứa trẻ lớp ba, tôi không chịu nổi và bắt đầu có vấn đề về sức khỏe lẫn tâm lý, nhưng vì biết cô cũng có nuôi mình ngày dài nên ngậm miệng lại tránh hại thân.
Quãng thời gian ấy thực sự tăm tối đúng nghĩa, hệt như kẻ tự kỷ không muốn tìm ánh sáng rọi soi một đoạn đường. Tôi ngỡ rằng ba mẹ về sẽ được giải thoát khỏi nơi tù túng này, nhưng không, tôi quên rằng còn có di chứng. Ba bị bệnh tim, hen suyễn, mẹ bị ung thư, nguyên đoàn người chữa trị mỗi mẹ sống sót. Tôi trân trọng cơ hội trời ban này, nhờ thế mới được bên cạnh gia đình lâu thêm chút nữa. Chỉ là chịu đựng lâu dài, tôi cũng bắt đầu mệt mỏi.
Ba mẹ stress, cứ thế mà đổ lên đầu người chị lớn là tôi, em tôi được bao che nên cứ thế lộng hành khiến tôi ngày càng bất lực. Việc nhà, tiền bạc, stress bố mẹ, học tập cứ thế tràn vào làm những giấc ngủ của tôi cứ thế bị phá hoại dần, thậm chí những bữa cơm bắt đầu nhạt thếch và cảm giác không muốn ăn cứ đeo bám dai dẳng từng ngày. Tôi chẳng dám đòi hỏi vì nhà tôi không mấy nhiều tiền dù cho bên ngoài bọn bạn có này nọ kia, tôi không đua đòi, tôi chỉ thấy bản thân dần lạc lõng với bạn bè, không còn hòa nhập vì không cùng chủ đề bàn luận nữa. Nhiều người hỏi vì sao khác thuở bé, vì sao nhìn như người lớn vậy, vì sao không chịu đi chơi buông thả có chặt chẽ này kia. Cũng muốn lắm, nhưng mấy ai hiểu hoàn cảnh tôi?
Cho đến khi lớp mười một ở thành phố mà nhà nội cư trú, tôi bắt đầu có kinh nghiệm hơn trong việc kiềm chế cảm xúc lại, nếu không nhà nội sẽ đặt điều này nọ nhiều hơn và chỉ khiến tôi đau lòng thôi. Lần đầu học nơi thành phố, tuy là nhỏ, nhưng tôi vẫn chưa quen lắm để hoà vào nơi đây, tôi luôn có cảm giác mở lòng sẽ bị từ chối, như những người ở dòng họ của ba vậy.
Sống lủi thủi như bóng ma vật vờ đi qua đi lại nơi căn nhà nồng mùi ấm áp riêng tôi, thấy thật thoải mái và dễ chịu, ít ra lên cấp ba, tôi mới có thời gian nhìn về quãng đường chín năm từ khi xảy ra chuyện, thấy rằng bản thân ít ra chưa bị sóng gió vùi dập quá đáng. Chặng đường chín năm dằn vặt, không nói nên lời với bất kỳ ai vì rất sợ họ sẽ lôi ra chà đạp. Chín năm dằn vặt, ôm tiêu cực trong lòng, đau tự xử, khóc tự lau, từ bé đã phải sống trong áp lực cưỡi cổ. Chín năm qua, thời khắc vui vẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ có vẽ nỗi buồn lên mùa lúa chín rồi vứt bỏ, chỉ có u sầu mạnh tay tát thẳng vào dịp tết. Dịp tết nhìn vui thật, nhưng năm nào cũng rót lệ sầu vào tai, dịp lễ là mệt nhất, chỉ biết ao ước sao mình được như người khác, được du xuân du hè.
Nhìn lại cũng sắp đến Tết Nguyên Đán 2022, bao sóng gió mở ra với con mãnh hổ, cũng đồng nghĩa với việc áp lực càng nặng về thi Đại Học, và chẳng có ai bên cạnh. Mỗi đêm trời Long Xuyên trở gió, tôi lại nghĩ về đời sống của mình, phải chăng tôi cần một người bầu bạn che chở an ủi? Nhưng ai sẽ khiến tôi mở lòng, ai sẽ giúp tôi xé bỏ vỏ bọc dày cui này để bước ra đón nhận? Nhưng có vẻ như, chẳng ai làm được cả.
[...]
“Nay nhìn buồn dữ.”
Khang nói với tôi, nhìn mặt anh ta như mới bị chị chủ quán mắng vì đi làm trễ vậy, mặt nhìn một đống, quạu quọ phát ớn. Khang là bạn thân anh họ bên nội, anh họ từ nhỏ ở cùng mẹ nên ít nhiều không tiếp xúc với nhà bên nội. Cô ruột phó thác cho anh chăm tôi nhưng anh lại bận học xa nên nhờ Khang.
“Sắp tết rồi, nhìn người ta có đồ mới, còn em không có nên buồn xíu à.”
Tay vẽ thành một hình tròn trên bàn, mắt tôi cứ dí chặt vào khung cảnh ngoài ô cửa chứ không để tâm gì đến anh ta, có lẽ thấy hơi phiền lòng.
“Năm nay, tôi cũng không mua đồ. Đồ nhiều quá, có mấy bộ không phù hợp nữa, cần tôi dẫn em đi mua không?”
Khang hơi cười, ánh mắt anh ta dí chặt vào người tôi khiến nhột nhạt quá xá nên từ chối khéo, dù cho anh ta nài nỉ mua cho.
“Nè, uống cà phê đi cho tỉnh người để làm việc.”
Khang chìa ly cốc cà phê, nhìn anh ta trông cũng đẹp đấy nhưng có vẻ hơi hướng lừa tình. Mi mắt rũ xuống cà phê trước mặt, môi mím lại vì hơi lạnh.
“Không đem tiền, anh uống đi.”
“Uống đi, giá là một nụ cười của em.”
Tôi hơi ngạc nhiên, miễn cưỡng vẽ một nụ cười cho vừa lòng anh ta, nhưng thấy đáy mắt còn vương mùi buồn. Buồn lắm, sắp tết mà, có tết năm nào vui vẻ đâu, toàn là những việc làm hoe đỏ mi mắt. Cầm lấy ly cà phê đậm đặc, chóp mũi tôi bắt đầu đỏ lên và nghẹn lại, tôi nhớ về mùa lễ những năm còn bé, nó vui vẻ, ấm nồng, xóa tan lạnh lẽo còn sót lại ngày đông thuở nào. Giờ còn đâu, những cánh mai thuở thơ ấu.
“Tôi nghe thằng Vương kể về chuyện nhà em rồi, giờ chắc cũng áp lực lắm, có gì cứ chia sẻ, tôi giúp em, che chở em. Ha?”
Tôi nghe hơi thở nồng mùi trái cây của anh ta phả trên đôi má, giọng trầm cư nhiên đáp xuống tai khiến tôi có chút sững sờ. Không sững sờ vì cách xưng hô tôi - em vốn chảy trong máu Khang, mà sững sờ về anh ta chịu làm lá chắn, bao cát che chở tôi. Biết anh ta có vẻ dao động về mặt tình cảm với tôi qua giác quan và lời kể của anh họ, nhưng nói thẳng thế này và cộng thêm cái nét đa tình thì có chút hoảng. Người đời nói đúng, muốn biết họ có tình cảm hay không thì nhìn vào mắt, nhưng chẳng bao giờ tôi nhìn thẳng đôi mắt ấy, luôn né tránh và từ chối.
Biết nhau chỉ mới hai năm ngắn ngủi, đúng là anh ta có giúp đỡ và động viên mỗi khi điểm kém, đúng là anh ta dạy cho những gì khi lên thành thị sống, đúng là anh ta giúp mỗi khi bị bạo lực hay chà đạp, hết sức bênh. Nhưng tất cả quy chung chỉ vì anh họ nhờ thôi, đúng chứ? Tất cả cũng chỉ vì anh họ mới biết đến nhau, tất cả cũng chỉ vì hoàn cảnh mới biết nhau, tất cả cũng chỉ vì tôi quá đau đớn bởi nó nên mới an ủi thương hại tôi? Tôi bắt đầu chông chênh giữa những lựa chọn, và nét điển trai kia dần lùi ra, trả lại tiếng thở dài thườn thượt đậm chất u buồn về phía quầy bán.
Khẽ ngước nhìn bóng lưng đầy sự chất chứa của sinh viên đại học năm ba, cỗ cảm xúc trong tôi càng dâng lên, chỉ muốn lao đến chấp nhận, nhưng lại sợ sự lừa dối. Người thân còn lừa nhau, đấu đá nhau thì người ngoài sẽ thế nào? Thật sự cũng muốn có nơi chở, nơi che nhưng rất sợ. Gia đình kia? Tôi yêu tôi thương nhưng làm đau tôi quá, tôi chỉ thấy bầu trời yêu thương ngày nào đổ xuống một màu xám tro đắng chát, tôi yêu tôi thương nhưng tôi né tránh, tôi biết mệt biết đau. Vì tôi là con người mang trái tim đứa trẻ, nóng hổi và đập lên nơi vết thương sâu nặng.
Tôi nghĩ, vẫn không chấp nhận thì tốt hơn, lỡ Khang mang vết thương tâm lý khi bước vào nhà tôi thì sao? An phận làm một em gái sẽ tốt hơn, tốt hơn rất nhiều.
“Mai về Tri Tôn chuẩn bị ăn tết à?”
Anh hỏi, sau một chuỗi thời gian lặng yên, câu từ anh phả cảm xúc nén lại. Có lẽ anh hơi đau trong tâm vì tôi, cũng có thể vì chuyện khác và do tôi ảo tưởng. Tôi khẽ gật đầu và nhận ra cảnh vật ngoài kia bắt đầu được phủ màu mưa và chỗ tôi ngồi bắt đầu nóng lên. Ly cà phê cũng vơi dần và bầu không khí ảm đạm bao trùm lấy tôi khiến cho tôi ngày càng khó thở.
“Này.”
Khang quăng một đống túi giấy trước mặt tôi kèm biểu cảm khó ưa, nhìn cũng có chút mắc cười. Mở ra liền thấy những bộ đồ mà bạn cùng lứa hay mặc đi chơi đây đó, bất giác lòng lại thoải mái mà cười.
“Mua cho bồ à? Đẹp á, chị nào vậy?”
“Ừ, lấy đi. Tôi biết em từ chối yêu cầu nên mua rồi, đợi em qua rồi đưa thôi. Cho em đấy.”
Tôi hơi sững lại, nhìn lên thì thấy Khang phắn qua bên quầy đón khách rồi. Chà, vui buồn đan xen lẫn lộn, riết rồi nhân sinh khó đỡ quá. Tay buộc lại một cách thành thục rồi đặt kế bên ly cà phê vơi quá nửa mà lòng lâng lâng như trên chín tầng mây. Cảm xúc của tôi bắt đầu loạn rồi, giây trước buồn giây sau cười toe, hèn gì anh họ bảo Khang là ánh mặt trời của tôi.
“Đây, trả nè, hông lấy đâu, em sợ mắc nợ lắm.”
"Tôi gửi gắm chút tình cảm cho em, mong em hãy cất giữ nó thật cẩn thận nhé."
Anh nói, dù cho mưa thật lớn muốn lồng cả vào giọng khản đặc và trái tim lần nữa lại được đặt lên bàn cân tình ái.
--
@Axl - Dực Lãng.
Nguồn ảnh: https://www.reddit.com/r/ImaginarySliceOfLife/comments/gc0ynp/new_york_ashleyloob/
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro