Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

ĐÀN GHI-TA CỦA LOR-CA


Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh THẢO

Khi tâm hồn nghệ sĩ đồng cảm với một tâm hồn nghệ sĩ thì khoảng cách và văn hóa sẽ không còn là dào cản. Nhà thơ Thanh Thảo đã dành một tình cảm, sự chân trọng như thế với người nghệ sĩ tài hoa Fê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca (1898 – 1936), một nghệ sĩ tài hoa của đất nước Tây Ban Nha. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” in trong tập “Khối vuông ru bích” (1985) chính là thể hiện điều đó. Bài thơ như gẩy lên tiếng đàn thánh thót tiễn đưa người nghệ sĩ đa tài nhưng không thoát khỏi sự éo le của số phận, cũng như thể hiện một cây bút xuất sắc trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam – tác giả đầy nhiệt huyết, phản ánh tiếng nói của người tri thức đầy suy tư, trăn trở trước các vấn đề nóng bỏng của xã hội và thời đại. Nhà thơ muốn cuộc sống phải được cảm nhận và thể hiện ở chiều sâu bản chất của nó nên ông không chấp nhận lỗi biểu đạt ồn ào, dễ dãi. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” đã thể hiện được đầy đủ phong cách nghệ thuật Thanh Thảo, cũng đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc.

Những tiếng đàn bọt nước 
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt 
Lilalilalila 
đi lang thang về miền đơn độc 
với vầng trăng chếnh choáng 
trên yên ngựa mỏi mòn 

Tây Ban Nha 
hát nghêu ngao 
bỗng kinh hoàng 
áo choàng bê bết đỏ 
Lorca bị điệu về bãi bắn 
chàng đi như người mộng du 

tiếng ghi ta nâu 
bầu trời cô gái ấy 
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy 
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan 
tiếng ghi ta ròng ròng 
máu chảy 

không ai chôn cất tiếng đàn 
tiếng đàn như cỏ mọc hoang 
giọt nước mắt vầng trăng 
long lanh trong đáy giếng 

đường chỉ tay đã đứt 
dòng sông rộng vô cùng 
Lorca bơi sang ngang 
trên chiếc ghi ta màu bạc 

chàng ném lá bùa cô gái Digan 
vào xoáy nước 
chàng ném trái tim mình 
vào lặng yên bất chợt 

lilalilalila…

“Đàn ghi ta của Lor-ca” ngay nhan đề thôi cũng đã gợi mở cho ta thấy được một bầu trời nghệ thuật mở ra. Đàn ghi ta cây đàn gắn với sự nghiệp của Lor ca, gắn với những tác phẩm nổi tiếng của ông, hay đàn ghi ta chính là người bạn đồng hành đi cùng người nghệ sĩ du ca, đi khắp đất nước Tây Ban Nha mang lại những tác phẩm du dương làm phong phú thêm cuộc sống muôn màu. Bài thơ chính là nói đến vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp của người nghệ sĩ đơn độc, vẻ đẹp của tiếng đàn thanh sắc, vẻ đẹp của cái chết cho tự do. Hình ảnh đất nước Tây Ban Nha một thời chống  chế độ độc tài Phát xít Ph- răng – cô cũng hiện lên rõ nét như thế. Người nghệ sĩ tài hoa ra đi nhưng những gì Lor-ca để lại hoàn toàn là bất diệt. Bài thơ cũng như nói lên nỗi lòng của nhà thơ Thanh Thảo, tiếng tương một nhân tài, nuối tiếc một tài năng thiên bẩm mà phải ra ở tuổi 38, từng câu thơ đều nói lên nỗi luyền thương như vậy.

Câu thơ đề từ cũng  lại một lần nữa đánh sâu vào tâm trí bạn đọc, hằn sâu đến nỗi ám ảnh, mang một ý nghĩa sâu xa:

“Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”

Đây chính là lời của Lor-ca trước khi phải rời đến thế giới bên kia. Nó như một lời báo hiệu có điều chẳng lành, đúng là như vậy, ông đã chết khi còn quá trẻ, khi tài năng đang nở rộ. Tâm nguyện này mang nhiều ý nghĩa, phải chăng Lor-ca muốn chôn vùi tài năng, chôn vùi những gì ông để lại xuống dưới nấm mồ kia để không ai còn biết đến, phải chăng ông đã nhận ra một điều nếu những thứ ấy còn tồn tại thì thế hệ tiếp sau sẽ khó có thể vượt qua tài năng của ông, sẽ là bước tường cản trở sự phát triển của thi ca nhân loại. Hay chỉ đơn thuần là suy nghĩ được sống với nghệ thuật và khi chết đi cũng luôn được mang theo bên mình, thể hiện tình yêu bất diệt với tiếng đàn và chính quê hương, xử sở.

Khổ thơ đầu của bài thơ vẽ nên hình tượng Lor-ca đẹp đẽ với khoảng trời nghệ thuật, nhưng bên cạnh đó cũng chính là bầu trời chính trị u ám dưới chế độ độc tài phát xít, cái đẹp bị vùi dập đến cô đơn.

“Những tiếng đàn bọt nước 
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt 
Lilalilalila 
đi lang thang về miền đơn độc 
với vầng trăng chếnh choáng 
trên yên ngựa mỏi mòn

Tiếng đàn đã trở thành hình khối, nhà thơ Thanh Thảo thật sự đã đưa con người ta đến những tưởng tượng khó nói nên lời, âm thanh lại biết thành những khối vật lý hình tròn, hình tròn bọt nước. bọt nước ấy tinh khiết, thanh cao, đẹp đẽ. Hình ảnh ngay sau đó là “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”, cả một nền văn hóa đã hiện ra chỉ một vài từ nhẹ nhàng đơn giản, Tây Ban Nha, xử sở đấu bò tót, với những kị sĩ mặc áo choàng đỏ, hình ảnh ấn tượng vô cùng. Nhưng màu đỏ ấy lại là “đỏ gắt” như đã nói lên một sự chẳng lành, một đất nước đang sống trong những ngày tháng căng thẳng, sục sôi, bất mãn và đau khổ.

Lilalialila…

Chuỗi âm thanh của tiếng đàn ghi ta hiện lên như một lời giải cứu, nghệ thuật vẫn tồn tại, cái đẹp không thể bị chôn vùi. Lila cũng là tên một loài hoa rất đặc biệt ở đất nước Tây Ban Nha, hoa tử linh hương, tác giả như đã ngầm gửi đến ngàn đóa hoa tươi đẹp nhất dành cho Lor-ca.

“Đi lang thang về miền cô độc”

Người nghệ sĩ du ca một mình một ngựa đi khắp đất nước thân yêu của mình, hát tặng nhân dân của mình những bản tình ca sâu đậm. Tác giả khéo léo sự dụng hai từ láy đặc biệt tạo hình “chếnh choảng”, “mỏi mòn” đã làm cho người đọc như nhìn thấy bức tranh tuyệt đẹp có thiên nhiên, hoa cỏ, nhưng sao buồn quá, con người trong tranh ấy hoàn toàn cô đơn, một mình mang nghệ thuật đến một chân trời xa xa.

Tây Ban Nha 
hát nghêu ngao 
bỗng kinh hoàng 
áo choàng bê bết đỏ 
Lorca bị điệu về bãi bắn 
chàng đi như người mộng du 

tiếng ghi ta nâu 
bầu trời cô gái ấy 
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy 
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan 
tiếng ghi ta ròng ròng 
máu chảy 

Hai khổ thơ nói về cái chết của Lor-ca, thực sự đến quá nhanh, nhanh đến kinh hoàng. Hai câu khổ thơ như nói lên nỗi lòng của tác giả, ông xót thương cho một người nghệ sĩ phải hi sinh bằng ngòi bút như rướm máu, ông đã thể hiện điều đó bằng ngôn ngữ của trái tim. Thủ pháp nghệ thuật chủ đạo trong đoạn thơ này là cách sử dụng điệp từ, điệp ngữ, nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đa nghĩa và đối lập được tác giả khai thác triệt để nhằm thể hiện bi kịch của Lor-ca. Đoạn thơ đã làm nổi bật sự đối lập giữa khát vọng tự do của người nghệ sĩ với bạo lực tàn ác của bọn phát xít, giữa tiếng hát yêu đời với hiện thực phũ phàng đẫm máu.

Hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” như vừa nói lên cái chết đầy oan ức của Lorca cũng như tố cáo chế độ độc tài phát xít Ph-răng cô tước đi mang sống của một người nghệ sị tài hoa. Hình ảnh ấy nói lên sự khát khao cuộc sống tự do, bình yên, một sự đấu tranh khốc liệt cho cái đẹp mà người tài hoa yêu quý. Trạng thái của Lorca đã như người mộng du, trạng thái ấy trước khi đối diện với cái chết đó không phải là sự sợ hãi mà đó là nỗi tiếc thương. Sự kiện thảm khốc ấy tạo ra những cú sốc cho chính Lor-ca, cho người dân Tây Ban Nha hay chính đối với tác giả. Nhà thơ đã diễn tả theo lối ẩn dụ tượng trưng với sự chuyển đổi cảm giác liên tục khá mới mẻ, táo bạo, qua những âm thanh vỡ ra thành màu sắc, hình khối, thành dòng máu chảy, góp phần làm nên tiếng đàn ghi ta ở những cung bậc cảm xúc khác nhau. Sự so sánh tài tình của tác giả khi nói về tiếng đàn ghi ta thực sự đều để lại ẩn tượng cho những ai đọc tác phẩm này. Tiếng ghi ta nâu làm hiện ra một bầu trời tương đẹp, tiếng ghi ta như màu lá xanh tươi mới, tiếng ghi ta lại thành hình khối như  bọt nước tròn vo, hình ảnh rất đẹp nhưng lại diễn ta một cái chết bi thương “tiếng ghi ta ròng ròng – máu chảy”.

Tiếng ghi ta đã được nhân hóa thành con người, thành số phận, tiếng ghi ta ấy chính là linh hồn của Lorca. Một hình ảnh gây ám ảnh, day dứt đối với tâm hồn người đọc.

Người nghệ sĩ ra đi, nhưng để lại một kho tàng nghệ thuật phong phú, những tác phẩm của ông sẽ còn sống mãi. Đó là một niềm tin về sự bất diệt của nghệ thuật, của cái đẹp, sự khát khao tự do, công bằng, công lý. Khổ thơ cuối bài thể hiện sự tiếc thương vô hạn của nhà thơ Thanh Thảo đối với Lor-ca là cơ sở vững chắc cho niềm tin mãnh liệt ấy.

“không ai chôn cất tiếng đàn 
tiếng đàn như cỏ mọc hoang 
giọt nước mắt vầng trăng 
long lanh trong đáy giếng 

đường chỉ tay đã đứt 
dòng sông rộng vô cùng 
Lorca bơi sang ngang 
trên chiếc ghi ta màu bạc 

chàng ném lá bùa cô gái Digan 
vào xoáy nước 
chàng ném trái tim mình 
vào lặng yên bất chợt 

lilalilalila…”

Không ai chôn cất tiếng đàn, câu thơ này thể hiện hai ý nghĩa, thứ nhất có thể thấy rằng không ai dám chôn cất tiếng đàn, tại sao vậy? Ý nguyện của Lor-ca là “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” vì sao không ai làm điều đó. Vì không ai muốn chôn vùi, không ai muốn phải chôn vùi đi một nghệ thuật đỉnh cao. Ý nghĩa thứ hai đó là không thể chôn vùi nổi một cái đẹp đã đến độ hoàn hảo, dù Lor-ca có chết những nghệ thuật của ông còn mãi, thế hệ mai sau sẽ noi theo mà sáng tạo mà cố gắng. “Giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh nơi đáy giếng” đây là một hình ảnh ấn dụ xâu sắc, sau khi Lor-ca chết, ông đã bị bọn phát xít ném xác xuống giếng. Một loạt hình ảnh ẩn dụ hiện lên sâu đậm “đường  chỉ tay đã đứt” hình ảnh ẩn dụ cho số phận ngắn ngủ, người nghệ sĩ tài hoa phải hi sinh khi tuổi còn quá trẻ. “Lor-ca bơi sang ngang/trên chiếc ghi ta màu bạc” hình ảnh ấy như cho ta cảm giác Lor-ca khi về đến thế giới bên kia cũng được nâng đỡ bởi nghệ thuật, bởi tiếng đàn. Chiếc ghi ta màu bạc, thể hiện sự trang nghiêm, thanh thoát, trở thành con thuyền đưa ông nhẹ nhàng về thế giới bên kia. Hai khổ thơ này tác giả như sử dụng triệt để lối thơ tượng trưng đầy ám ảnh.

“chàng ném lá bùa cô gái Digan 
vào xoáy nước 
chàng ném trái tim mình 
vào lặng yên bất chợt”

Hình ảnh ấy phải chăng là sự giải thoát, Lor-ca đã đi về với về giới bên kia, để cho xoáy nước cuốn đi những oan ức, những khát khao, không còn vướng bận đến cõi trần. Trái tim ấy đã ngừng đập, một lặng yên bất chợt đến bàng hoàng, hụt hẫng. Âm điệu như lắng xuống, đầy xót xa, nhà thơ Thanh Thảo đã thể hiện sâu sắc tình cảm của mình đối với Lor-ca trong những câu thơ cuối bài này.

Người nghệ sĩ đã chết những tiếng đàn vẫn còn đó “Lilalilalila…” một khúc ngân của bản nhạc khó dứt, một đóa hoa Tử linh hương Thanh Thảo muốn đặt lên mộ viếng người thi sĩ, một sự đồng cảm dâng trào. Có thể thấy nghệ thuật không phân biệt biên giời, người nghệ sĩ phương Đông tiếc thương một nhân tài phương Tây bằng tất cả sự chân thành, và sự trân trọng cái đẹp.

Lilalilalila….

Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ lấy nguồn cảm hứng từ tiếng đàn. Tác giả đã rất khéo léo dùng những hình ảnh ẩn dụ tượng trưng độc đáo gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc. Thể thơ tự do, khá thoải mái để bộc lộ cảm xúc. Hơn thế nữa điểm đặc biệt của bài thơ chính là không hề có dấu chấm câu khi kết thúc câu, hay đoạn. Đó cũng chính là dụng ý của tác giả, làm cho mạch thơ không dứt, làm cho tình cảm được trải dài trong cả bài thơ. Thực sự phong cách thơ Thanh Thảo rất độc đáo, không trộn lẫn, đặc trưng cho người tri thức luôn mê mải đi tìm vẻ đẹp hoàn hảo, thanh cao.

Qua bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” Cho ta thấy Nhà thơ Thanh Thảo đã viết về Lor-ca bằng rung động mãnh liệt của cảm xúc, bằng tấm lòng “liên tài” rất đáng trân trọng. Những sáng tạo nghệ thuật trong bài thơ chứng tỏ tâm huyết và khát vọng đổi mới thơ ca của tác giả, góp phần làm cho khả năng thể hiện của ngôn ngữ tiếng Việt thêm tinh tế, phong phú và đa dạng. Bài thơ đã để lại những ấn tượng khó phải đối với những ai đã từng đọc, có thể thấy rằng nghệ thuật sẽ mãi mãi sống cùng nhân loại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #vanmau