Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

sưu tầm

MUỐN ĐIỂM CAO THÌ HỌC THUỘC NHỮNG NHẬN ĐỊNH NÀY NHÉ

Những bình luận của tác giả về các tác phẩm văn học lớp 12

Vợ chồng A Phủ

Câu chuyện Vợ chồng A Phủ là câu chuyện hoàn toàn có thực. Tức là nguyên mẫu ở ngoài đời sống. Đợt ấy tôi đi công tác từ Tà Sùa sang Phù Yên (Sơn La). Ở Tà Suà tôi gặp một cặp vợ chồng người Mèo vào đúng dịp tết truyền thống của họ, tức khoảng tháng 11 âm lịch, trước tết Nguyên Đán của ta 1 tháng. Tết người Mèo kéo dài cả tháng. Tôi cùng đôi vợ chồng nhà kia đi ăn tết từ bản này sang bản khác. Ăn tết và uống rượu, rồi anh chồng kể chuyện. Anh kể về cuộc đời anh, cuộc đời chị vợ, về chuyện thống lý ở bản anh làm tay sai cho Pháp, rất tàn ác, cho nên anh phaỉ đưa vợ chạy trốn đi nơi khác. Câu chuyện của đôi vợ chồng nọ cộng với vốn hiểu biết của tôi về đời sống người Mèo làm cho cốt truyện cứ sáng tỏ dần. Và tôi bắt tay vào viết. (Phát biểu của nhà văn Tô Hoài trong một lần phỏng vấn)

Vợ nhặt

Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người. (Phát biểu của nhà văn Kim Lân trong một lần phỏng vấn)

Rừng xà nu

Và tôi viết Rừng xà nu. Bắt đầu như thế nào?
Không, quả thật bắt đầu tôi chưa hề có câu chuyện, cốt truyện nào cả. Bắt đầu đến dưới ngòi bút, gần như không hề tính trước, là một khu rừng xà nu, những cây xà nu.
Hồi tháng 5 năm 1962, hành quân từ miền Bắc vào, tôi cùng đi với anh Nguyễn Thi, Nguyễn Thi về Nam Bộ (bấy giờ mật danh gọi là "Ông Cụ"), tôi rẽ xuống khu 5 (mật danh gọi " Bác Ân"). Cùng đi dọc Trường Sơn từ Bắc vào, đến đêm chia tay mỗi người về chiến trường của mình là khu rừng bát ngát phía tây Thừa Thiên giáp Lào. Đó là một khu rừng xà nu tít tắp tận chân trời.
Tôi yêu say mê cây rừng xà nu từ ngày đó. Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hàng vạn, hàng triệu cây vô tận. Không khí ở đây thơm lừng. Nệm lá dưới mặt đất ngả lưng êm ru... Nguyễn Thi và tôi đã sống với nhau một ngày một đêm chia tay cuối cùng trong khu rừng tuyệt vời ấy. Cùng nhau ôn lại cả cuộc đời mình, và nói với nhau về cuộc chiến đấu đang chờ mình trong kia... (Nhà văn Nguyễn Trung Thành nói về tác phẩm)

Người lái đò sông Đà

... Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ... Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ...". (Phan Huy Đông, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).
"... Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả nói- "hung bạo và trữ tình..." .( Nguyễn Đăng Mạnh).
"... Nguyễn Tuân- một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm...". (Nguyễn Đăng Mạnh).
"Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức." (Vũ Ngọc Phan).
Ðây là một nhà văn "suốt đời đi tìm cái Ðẹp, cái Thật" (Nguyễn Ðình Thi), tự nhận mình là người "sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa".
"Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa". (Nguyễn Ðăng Mạnh).

Ai đã đặt tên cho dòng sông?

"... Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đến với Huế và đã bị con Sông Hương mê hoặc. Nhiều tác phẩm văn học đã đưa con sông này đến với người đọc để từ đó đem lòng yêu Huế, dù chưa một lần đặt chân đến nơi này. Nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, người một đời gắn bó với Huế, bằng tình cảm tha thiết, bằng tiềm năng văn hóa đã khám phá vẻ đẹp của Hương Giang một cách toàn diện, đưa Sông Hương trở thành biểu tượng của đất cố đô..." (Bùi Thị Hải Hạnh).

Tuyên ngôn độc lập

Bác có nói: "Tôi tuy viết nhiều nhưng chưa lần nào tạo được bài viết hữu ích như lần này"

Đồng chí Trường Chinh nhận xét: "Về văn phong, cách nói và cách viết của Hồ Chủ Tịch có những nét rất độc đáo: Nội dung khảng khái, thấm thía đi sâu vào tình cảm của con người, chinh phục cả trái tim và khối óc con người ta: Hình thức sinh động, giản dị, giàu tính dân tộc và tính nhân dân."

Chiếc thuyền ngoài xa

Trong cuộc trao đổi về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu do báo Văn nghệ tổ chức năm 1985, nhà văn Đào Vũ mở đầu có đoạn như sau: "Chúng tôi cho rằng những năm vừa qua, tiểu thuyết và cả truyện ngắn Nguyễn Minh Châu có nhiều thành tựu, có nhiều đóng góp rất đáng quý. Chúng tôi tin ở tấm lòng của anh, cũng như ở tài năng của anh, chúng tôi trân trọng và nâng niu những trang viết của anh. Nhưng cũng phải nói thật lòng, bên cạnh niềm vui và cả niềm tự hào nữa về người bạn viết của mình, chúng tôi có không ít những băn khoăn về một số truyện ngắn của anh những năm gần đây(...). Có lúc thấy dường như tác giả bối rối điều gì đó, nhưng lại có lúc sợ rằng chính mình bối rối."

Tây Tiến

"... Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bi lụy não nùng. Cũng khơi nguồn cảm hừng từ một thời gian khổ và oanh liệt của lịch sử đất nước nhưng Tây Tiến đã được thể hiện một cách đặc sắc qua ngòi bút Quang Dũng, với một tâm trạng cụ thể- nỗi nhớ đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến. Chính niềm thương nhớ da diết và lòng tự hào chân thành của tác giả về những người đồng đội của mình đã khiến người đọc của nhiều thế hệ rung cảm sâu xa và đó cũng chính là âm hưởng chủ đạo của bài thơ này..." . (Vũ Thu Hương, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).
"... Tây Tiến- tượng đài bất tử về người lính vô danh..."(Vũ Thu Hương).
"... Tây Tiến ... nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi hứng. Nơi ấy, cuồn cuộn dòng chảy lạnh lùng và đa tình, hiện thực và lãng mạn, bi và tráng. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ... Tất cả đều gợi ấn tượng của sự "lạ hóa", của những vẻ đẹp kì ảo khó gọi tên...". (Đinh Minh Hằng, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).
"...Tây Tiến- sự thăng hoa của một tâm hồn lãng mạn".(Đinh Minh Hằng).
"... Tôi làm bài thơ này rất nhanh. Làm xong, đọc trước đại hội được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Hồi đó tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy. Tôi chả chút lị luận gì về thơ cả..." (Quang Dũng).

Việt Bắc

"Nhà thơ này sử dụng đôi mắt tinh tường, nhà thơ khác sử dụng bộ óc kì ảo, còn Tố Hữu, anh chỉ sử dụng tình cảm và trái tim trần" (Chế Lan Viên)
"...Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình thơ rất đỗi trữ tình... (Xuân Diệu).
" Với Việt Bắc, hồn thơ cũng như nghề thơ Tố Hữu chin rộ, ..., không phải là một cây bút trong tay Tố Hữu nữa mà là nhiều ngọn bút nở cùng một lúc, bút tả tình, bút tả cảnh, bút tả người. Người ta thấy văn chương cách mạng chí nghĩa chí tình, cái văn chương nên thơ nên nhạc...". (Xuân Diệu).
"Việt Bắc trước hết là một bài thơ trữ tình-chính trị... Bài thơ là một khúc hát ân tình thủy chung réo rắt, đằm thắm bậc nhất, và chính điều đó làm nên sức ngân vamg sâu thẳm, lâu bền của bài thơ..." (Trần Đình Sử).
"... Bài thơ Việt Bắc là kiệt tác của Tố Hữu mà cũng là kiệt tác của thơ ca cách mạng, thơ ca kháng chiến. Bài thơ thể hiện tài hoa nhiều mặt của nhà thơ Tố Hữu. Thể thơ lục bát, ..., lối hát đối đáp, ..., nhiều biện pháp tu từ,..., được tác giả vận dụng khéo léo. Ngôn ngữ trong sáng, thuần nhị và có nhiều nét cách tân, nhất là hai đại từ Mình- Ta. Và cả tiếng nói yêu thương- nét nổi bật trong phong cách Tố Hữu. Tư tưởng thì mới mẻ với những dự báo sáng suốt được thể hiện bằng hình ảnh phong phú và tấu lên bằng âm nhạc làm say mê lòng người..." (Nguyễn Đức Quyền, in trong Phân tích thơ văn 12).
Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi. (Tố Hữu - Nhà văn nói về tác phẩm)
Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý.
(Chế Lan Viên-"Lời nói đầu tuyển tập thơ Tố Hữu")

Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên. (Xuân Diệu-"Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu")

Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự. (Xuân Diệu-"Tố Hữu với chúng tôi")

Lịch trình tiến triển về thơ của Tố Hữu đi song song với lịch trình tiến triển về tư tưởng và trình độ giác ngộ, về sức hoạt động của Tố Hữu.
Thơ Tố Hữu không phải là một trò tiêu khiển mà là một khí cụ đấu tranh, một công tác vận động của người cách mạng.
Người Tố Hữu là một thi sĩ, một chiến sĩ nhưng chúng ta đừng quên cốt cách của nó là thi sĩ.
(Lời giới thiệu tập Thơ của Tố Hữu,Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, 1946)

Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo. Tình cảm của nhân vật thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực.
Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc, chính là người nông dân nghèo khổ.
(Chặng đường mới của chúng ta, 1961, Hoàng Trung Thông)

Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca.
(Lời giới thiệu tập thơ Từ ấy, Văn học, 1959, Đặng Thai Mai)

Thơ Tố Hữu là thơ một con người biết trân trọng lấy đời mình, muốn làm cho đời mình trở nên hữu ích. Vậy thì ai kia còn phung phí đời mình, làm gì cũng được, sống sao cũng xong, trong khi đọc thơ này hãy bắt đầu thử dừng lại mà biết quý lấy đời mình, mà đem xây dựng nó.
Phong cách dân tộc ở Tố Hữu thể hiện ở chỗ thơ anh giàu chất nhạc, anh nắm rất vững cái âm điệu, vần điệu của dân tộc.
... Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài là chính... Anh là một con chim vụ ở đường bay hơn là bộ lông, bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp.
(Lời nói đầu cho tuyển tập 1938 - 1963 của Tố Hữu, Văn học, 1964, Chế Lan Viên)

Nhà thi sĩ ấy tự muốn mình là tiếng nói của dân tộc mình. Vậy thì dân tộc ấy có năng khiếu thơ thông qua nhà thi sĩ. Các dân tộc hiện đại, đã công nghiệp hóa rồi, đã bị san phẳng bởi những phương tiện tuyên truyền, không còn có một năng khiếu về hình tượng như thế nữa; không còn suối nguồn ở bản thân mình nữa. Nhưng Tố Hữu đắm mình trong dân tộc của mình, đồng thời là một thi sĩ độc đáo, một nhà sáng tạo ra các hình thể. Người ta càng cảm thấy điều đó rõ hơn khi anh nói một cách rất hay về thơ.
(Lời tựa tập thơ Máu và hoa, xuất bản ở Pháp, năm 1975, Pierre Emmanuel)

Tập thơ Máu và hoa này xuất bản vào mùa thu năm 1975. tôi tin rằng tạp chí Châu âu (Europe) sẽ đón chào nó như một sự kiện văn học.
Jacques Gaucheron (Con đường thơ Tố Hữu, trong tập Máu và hoa (Sang et Fleurs) EFR, Paris, 1975)

Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ. (Tố Hữu với chúng tôi, 1975, Xuân Diệu)

Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu. (Chuyện thơ, 1978, Hòai Thanh)

Đất Nước

"... Điều may mắn với tôi là được sống trong những tháng năm hào hùng của dân tộc để hiểu nước, hiểu người và hiểu cả mình hơn..." (Nguyễn Khoa Điềm).
."... Một Đất Nước như thế không thể có được bằng bút pháp miêu tả bên ngoài, cho nên tất yếu nhà thơ phải dùng hình thức suy ngẫm, liên tưởng, liệt kê, để dần dần đưa người đọc vào trí tưởng tượng của họ, vào kí ức của họ, nhìn Đất Nước trong chính tâm hồn họ. ..". (Trần Đình Sử, in trong Đọc văn học văn).
"... Những sợi nganh dọc dệt nên hình tượng thơ Nguyễn Khoa Điềm đều óng ánh một màu sắc đặc biệt của chất liệu văn hóa dân gian- đó là một lực hút nữa củ đoạn thơ Đất Nước... để rồi người đọc lặng đi xúc động trước một cách định nghĩa thật bất ngờ của Nguyễn Khoa Điềm..." (Nguyễn Quang Trung, in trong Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 12).

Sóng

"... Sóng là một bài thơ về tình yêu. Có hàng tram dáng vẻ của thơ tình yêu. Thơ tỏ tình, thơ mong nhớ, thơ hoài niệm, thơ đau khổ vì thất tình... Sóng là bài thơ giãi bày và chiêm nghiệm..." (Trần Đình Sử, in trong Đọc văn học văn).
"... Sóng là một bài thơ xinh xắn, trong sáng..." (Nguyễn Đăng Mạnh).
"Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng. Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhòai giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở ,ra đi và trở lại,chảy trôi phiêu bạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ ,thuyền và biển,nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió Lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thủy chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm..."(Chu Văn Sơn)
"Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả tình yêu. Chị quanh co không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ Xuân Quỳnh". (Võ Văn Trực).

nguồn Văn Học Và Những Cảm Nhận

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #vanhoc