Sông Hương
CHUYÊN ĐỀ: SÔNG HƯƠNG
Dạng đề: Cảm nhận hình tượng sông Hương qua hai đoạn văn khác nhau trong đoạn trích: “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
I. MỞ BÀI:
“Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy trạnh lòng nước non”
Về qua đất Huế, đứng bên bờ ngắm dòng sông Hương con nước lặng lờ trôi, sự vô thanh của mặt đất và bầu trời bất giác khiến lòng người rưng rưng khi được trở về với miền đất trầm mặc ngay trong hơi thở. Sông Hương xứ Huế từ bao đời đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho cách văn nghệ sĩ. Hoàng Phủ Ngọc Tường – người con của xứ Huế mộng mơ đã từng khám phá vẻ đẹp của dòng sông xinh đẹp này. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều; lối hành văn hướng nội, mê đắm, súc tích và tài hoa, bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” trở thành tác phẩm yêu thích của bạn đọc. Trong bài kí, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả cụ thể thủy trình của dòng Hương xứ Huế, qua đó tô đậm vẻ đẹp nước non dải đất miền Trung xinh đẹp Việt Nam. (dẫn dắt vấn đề)
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
* VẤN ĐỀ 1: Cảm nhận về hai đoạn văn:
- “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm………………………. tâm hồn tự do và trong sáng”.
- “Từ Tuần về đây, ………………………………………….. “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả”.
1. Đi tìm hành trình của một dòng sông luôn là khát khao của bao người. Dòng sông muôn đời vẫn là một bí ẩn khó có thể lí giải được. Song, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không quản ngại công phu, tìm hiểu cặn kẽ, phát hiện ra vẻ đẹp của dòng Hương từ thượng nguồn đến khi chảy ngang qua kinh thành Huế cổ kính.
a/ Ở thượng nguồn, sông Hương toát lên vẻ đẹp hoang dã, đậm chất núi rừng và đầy cá tính.
- Mở đầu đoạn văn, Hoàng Phủ Ngọc tường sử dụng nghệ thuật so sánh độc đáo. Trong mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già”, với nhiều tiết tấu. Khi hùng tráng, dữ dội, lúc trữ tình, say đắm lòng người. “Con sông rầm rộ qua những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”, vừa “dịu dàng và say đắm lòng người giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đổ quyên rừng”. Cách so sánh đó khiến thượng nguồn dòng sông trở nên linh thiêng, bí ẩn và hoang vu hơn. Rừng núi bao giờ cũng khoát lên mình vẻ đẹp âm u, hung bạo và đầy uy lực. Ở thượng nguồn con sông này cũng vậy. Nhà văn đã thổi hồn thiêng sơn lâm vào trong từng dòng viết, nhịp điệu câu văn biến hóa tương tự như giai điệu đột ngột và đa thanh của bản trường ca.
- Sông Hương trôi đi trong thanh âm hùng tráng của dãy Trường Sơn. Tác giả khéo léo nhân hóa con sông như “một cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại” với một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn “tự do và trong sáng” mà rừng già đã hun đúc nên cho nó. Việc nhân hóa đoạn sông Hương với tính cách của cô gái Bô – hê – miêng, một tộc người thích sống tự do lang thang nhưng cũng không kém phần dịu dàng, nữ tính khiến dòng sông uyển chuyển và duyên dáng hẳn đi. Dường như nó đã thoát khỏi cái vẻ dữ dằn, hung bạo.
Ở đoạn văn này, sông Hương mang những nét đẹp tiêu biểu: hùng vĩ, đằm thắm, tự do. Đây cũng chính là nét đẹp của thượng nguồn những dòng sông trên khắp quê hương đất Việt. Mượn hình tượng sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ngấm ngầm ca ngợi vẻ đẹp của những dòng sông và sự trù phú, tráng lệ của cảnh sắc Việt Nam.
b/ Sau khi miêu tả đoạn sông chảy ngang qua vùng hoa cỏ đồng bằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường đặc biệt nhấn mạnh quãng sông từ Tuần về đến thành phố Huế. Ở đây, sông Hương mang một vẻ đẹp khác. Dòng sông mềm mại, nhẹ nhàng hẳn đi. Những khúc quanh co của nó đã để thương để nhớ trong tâm hồn bao người. Sông Hương khoát lên mình chiếc áo nữ tính điệu đà – một biểu tượng của đất cố đô.
- Hình như dư vang của dãy Trường Sơn vẫn còn vương vấn trên dòng sông Hương, tác giả viết: “Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm”. Màu xanh nước sông trở thành điểm nhớ thân thương của bất cứ ai mỗi lần ngắm nhìn dòng sông lặng lờ ấy. Hoàng Phủ Ngọc Tường thu hết cái đẹp và thanh bình của con sông này chỉ với chi tiết “sắc nước trở nên xanh thẳm”.
- Trên hành trình của con sông mềm như lụa, nhà văn đã hướng ngòi bút ra hai bên bờ sông. Hình ảnh thu được là không gian văn hóa Huế thể hiện ở cảnh sắc thiên nhiên và lăng tẩm, đền đài của vua chúa nhà Nguyễn: “Sông Hương trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách”. Nhà văn khéo léo đưa hình ảnh “những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi” – một hình ảnh rất đặc trưng trên dòng sông Hương mà ai đi ngang qua cũng trông thấy, cũng xao xuyến trong lòng. Tố Hữu cũng đã từng nói đến hình ảnh chiếc thuyền độc mộc nhớ thương trên dòng sông này qua mấy vần thơ duyên dáng:
“Trên dòng Hương giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương giang”
- Sông Hương trôi đi trong cảnh sắc thiên nhiên Huế và chính nó là tấm gương phản chiếu nét đẹp của cảnh quan: “Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phảng quan nhiều màu sắc trên nền trời Tây Nam thành phố: “Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Sự biến ảo kì diệu của đất trời khiến xứ Huế trở nên đẹp hơn bất kì miền quê nào khác. Dẫu là sáng hay trưa, hay chiều, màu nào đi chăng nữa thì người ta vẫn thấy xứ sở này buồn đến day dứt lòng người. Chẳng phải người Huế cũng từng thú nhận rằng: ở Huế, ngay trong hơi thở cũng nghe mùi cổ kính nữa hay sao?
2. Nhận xét:
- Thủy trình Hương giang được thể hiện rõ ràng, cụ thể và đầy chất văn qua hai đoạn văn trên. Sông Hương xinh đẹp, linh hồn của xứ Huế. Sông Hương trở thành “người tình” của đất cố đô bao tháng năm vẫn giữ trọn lòng mình, lặng lẽ soi bóng những giá trị văn hóa tồn tại bên bờ sông trầm mặc. Hoàng Phủ Ngọc Tường – với tinh thần dân tộc, tấm lòng tha thiết với quê hương xứ sở đã ngợi ca con sông này, ngợi ca quê hương đất nước Việt Nam.
- Với sự kết hợp tài hoa giữa hai bút pháp: kể và tả, kiến thức địa lí sâu sắc, sự quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo nên một trong những trang viết hay nhất về sông Hương. Nổi bật trên dòng sông là sự phối cảnh kì thú giữa sông Hương và thiên nhiên phong phú xứ Huế.
* VẤN ĐỀ 2: Cảm nhận về hai đoạn văn:
- Ở thượng nguồn: “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm ………………. hoa đỗ quyên rừng”.
- Khi về đến thành phố Huế: “sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biển bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”; “sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến”; “Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”; “Sông Hương trở thành người tài nữ đánh đàn giữa đêm khuya”
Bằng sự quan sát tinh tế, nhà văn đã phát hiện ra vẻ đẹp sông hương từ thượng nguồn đến đoạn chảy qua kinh thành Huế.
1. Ở thượng nguồn, sông Hương toát lên vẻ đẹp hoang dã, đậm chất núi rừng và đầy cá tính.
- Mở đầu đoạn văn, Hoàng Phủ Ngọc tường sử dụng nghệ thuật so sánh độc đáo. Trong mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng già”, với nhiều tiết tấu. Khi hùng tráng, dữ dội, lúc trữ tình, say đắm lòng người. “Con sông rầm rộ qua những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”, vừa “dịu dàng và say đắm lòng người giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đổ quyên rừng”.
- Cách so sánh đó khiến thượng nguồn dòng sông trở nên linh thiêng, bí ẩn và hoang vu hơn. Rừng núi bao giờ cũng khoát lên mình vẻ đẹp âm u, hung bạo và đầy uy lực. Ở thượng nguồn con sông này cũng vậy. Nhà văn đã thổi hồn thiêng sơn lâm vào trong từng dòng viết, nhịp điệu câu văn biến hóa tương tự như giai điệu đột ngột và đa thanh của bản trường ca.
2. Sông Hương chảy vào thành phố Huế lại mang một nét đẹp khác. Có lẽ ở đoạn này, sông Hương được dịp phô bày hết những vẻ đẹp của mình: sự đài cát, mềm mại, dịu dàng, tình tứ.
- Sau một hành trình dài nhiều biến đổi, cuối cùng, sông Hương đã gặp thành phố thân yêu mà nó mong đợi. Chính vì thế, sông Hương “vui tươi hẳn lên”. Lối nhân hóa độc đáo, nhà văn đã trao linh hồn cho dòng sông này để nó vui như một người vừa đến được cái đích mà người ta đã ấp ủ từ lâu. Vẻ đẹp của con sông được miêu tả “giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”, không gian yên tĩnh, màu xanh biên biếc của cỏ hoa vùng ngoại ô khiến sông Hương thêm đẹp hơn. Một vùng quê trù phú và đầy sức sống như đnag hiện lên trước mắt người đọc.
- Khi bắt gặp cồn Giã Viên, sông Hương “uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu” … Cái “uốn” của con sông mới nhẹ làm sao. Đến đây, sông Hương như một cô gái đẹp e lệ dịu dàng với thiên nhiên và con người xứ Huế. Giống như sông Xen ở Pari, sông Bu - đa - pét, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quí của mình. Nghệ thuật so sánh “uốn một cánh cung rất nhẹ” của sông Hương với “tiếng vâng không nói ra của tình yêu” khiến dòng sông trở nên ngọt ngào và đầy mơ mộng hơn. Phải chăng Hương giang lúc này đương độ thanh xuân, đang mở lòng mình đón nhận những yêu thương nồng nàn da diết?
- Với vốn hiểu biết phong phú, nhà văn đã cảm nhận con sông này ở những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Qua cảm nhận âm nhạc: dòng chảy “thực chậm, lặng lờ” của sông Hương chính là điệu “slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Phải chăng với nhà văn, sông Hương chảy thực chậm, điệu chảy lững lờ vì nó quá yêu thành phố của mình, nó muốn nhìn ngắm nhiều hơn nữa thành phố thân thương trước khi phải rời xa. Nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng từng xốn xang, bùi ngùi trước dòng chảy êm ái của sông Hương, ngay cả trong những phút giây cận kề biệt li, cái chết, nhà thơ vẫn đau đáu nhớ về dòng sông xinh đẹp mà thoáng buồn này, nhớ về “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”, về thôn Vĩ Dạ.
- Nhìn từ góc độ văn hó, tác giả đã gắn sông Hương với nền âm nhạc cổ điển Huế, tác giả gọi sông Hương là “người tài nữ đánh đàn giữa đêm khuya”. Ai đã từng có dịp đến Huế, thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế, được xem các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc trên sông vào những đêm khuya mới thấy hết vẻ đẹp của âm nhạc và màu sắc văn hóa đặc trưng nơi đây. Tác giả dẫn ra câu chuyện về một nghệ nhân già chơi đàn hết nửa thế kỉ khi nghe con gái đọc câu thơ Kiều của Nguyễn Du mà nhổm dậy, vỗ tay: “Đó là tứ đại cảnh!”. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khẳng định mối quan hệ không thể tách rời giữa sông Hương với nền âm nhạc cổ điển Huế nói chung và vẻ đẹp của sông Hương nói riêng, vẻ đẹp hiếm thấy của bất kì dòng sông nào tren đất nước và trên thế giới.
2. Nhận xét:
- Qua những cảm nhận về sông Hương, có thể nhận thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tiếp cận và miêu tả dòng sông từ nhiều góc độ, mỗi góc độ, nhà văn đều thể hiện cảm nghĩ thật sâu sắc và khá mới mẻ về con sông đã trở thành biểu tượng của đất Huế.
- Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên độc đáo:
+ Dùng những so sánh ví von, nhân hóa, … biến thiên nhiên trở nên sinh động, có cá tính, có tâm hồn như con người.
+ Miêu tả tỉ mỉ, cụ thể, vận dụng vốn hiểu biết về địa lí, văn hóa, lịch sử, … để đưa con sông vào trong trang văn.
+ Câu văn mềm mại, dịu dàng, uyển chuyển. Tính trữ tình được bộc lộ cao độ trong bài bút kí này.
III. KẾT BÀI:
… Huế - đất “thần kinh”, thành phố của những đền đài, lăng tẩm, những ngôi chùa in dấu vết thời gian. Nhắc đến xứ Huế là nhắc đến những thành quách uy nghi một thuở bây giờ nằm yên nhìn đất nước đổi thay, những cung điện vàng son, miếu vũ lộng lẫy, đặc biệt là Sông Hương, người tình đất Huế….
CẦN THƠ, 10/05/2019
HOÀNG KHÁNH DUY
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro