...
[LẬP LUẬN CHO BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC]
Lưu ngay về học nè các cậu❤️
1. Có ai đó đã từng nói rằng: “Biển cả là nơi mà tất cả các nguồn nước trên thế gian này đều đi ra từ đó nhưng nó không vơi, và nó cũng là nơi đón nhận tất cả các nguồn nước nhưng nó không đầy”. Văn học cũng như những nguồn nước, đều đi ra từ biển cả cuộc đời. Ngày ngày, tiếng sóng thủy triều vẫn luôn âm vang chuyên chở sóng biển đời thường đến với trang thơ. Những sự chuyên chở ấy có bao giờ ngừng nghỉ, cũng như mảnh đất hiện thực có bao giờ vơi đi, khi người nghệ sĩ đến đó để chở nắng gió cuộc đời tưới mát muôn cây. Bởi lẽ vậy thơ ca phải gắn mình vào nguồn mạch cuộc sống, phản ánh cuộc đời thông qua sáng tạo nghệ thuật song sự phản ánh ấy không phải là ghi chép máy móc mà là quá trình trải nghiệm, chọn lọc, hư cấu của người nghệ sĩ. …. đến với thơ ca cũng vậy, …. trải qua biết bao “nắng gió cuộc đời” để góp nhặt vào trang thơ
2. Bạch Cư Dị từng nói: “Cảm động lòng người, trước hết không gì bằng tình, đầu tiên không gì bằng lời, tha thiết không gì bằng thanh, sâu xa không gì bằng nghĩa. Vậy đối với thơ tình là gốc, lời là cảnh, thanh là họa, nghĩa là quả”. Có thể nói, tình cảm là yếu tố sinh mệnh của thơ ca, thiếu tình cảm thì chỉ có thể trở thành người thợ làm những câu có vần chứ không làm được nhà thơ. Đồng thời, thơ ca không bộc lộ tình cảm một cách bản năng, trực tiếp mà nó được ý thức, được siêu thăng, được lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ gắn liền với ý thức về mình, về đời.
2. Belinxki đã từng nói: “Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại.” Thơ ca cũng như văn chương và các loại hình nghệ thuật khác, nếu không hút nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ mãi mãi là một cây non èo uột, không mang trên mình những cành cây săn chắc, những chiếc lá xanh tươi phơi phới dưới ánh mặt trời. Là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực của cuộc đời thì thơ anh mới tươi màu, neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức. Và hơn cả, để trở thành “thi sĩ vĩ đại” đòi hỏi anh ta có một trái tim đồng cảm với những linh hồn đơn côi quạnh quẽ, anh ta phải lắng nghe tiếng khóc khổ đau của nhân loại từ đó biến tác phẩm của anh thành tiếng nói đại diện cho những kiếp người mòn mỏi trong đời sống xã hội.
4. Ngày xửa ngày xưa, chuyện kể rằng một người hành khất đã giết giặc bằng giọng hát kì diệu của mình. Văn học cũng vậy, nó giống như “thế trận đuổi nghìn quân giặc”. Để cho khi quân thù phanh trái tim nhỏ bé của người hành khất đang phập phồng nơi lồng ngực thì tiếng hát cất lên cao mãi cùng với non sông. Câu chuyện ấy gợi cho ta liên tưởng về sự biết diệt của văn chương – dòng chảy hùng tráng của mọi thời đại, và cứ như thế, những vần thơ, những áng văn bất hủ sẽ “làm cho con người tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, thức tỉnh tình yêu đời với con người và khát vọng đấu tranh cho lí tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài người” (Sô – lô – khốp).
5. Mạch nước âm ỉ dưới vách núi đã đổi thay qua những ngày xuân xanh đến những chiều thu buồn. Những đền đài rồi xụp đổ dưới ánh chiếu của thời gian, những tranh tượng rồi tiêu tan hoá thành bụi vàng của quá khứ. Ấy vậy mà có những tác phẩm vẫn tồn tại bền bỉ tựa dòng suối chảy mãi trong tâm hồn bao thế hệ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Như trong "Nghĩ lại về Paustovsky" Bằng Việt từng chiêm nghiệm:
"Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ.
Như những đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu".
Ẩn chứa trong những tác phẩm ấy là thế giới được nhà văn phác họa một cách nhẹ nhàng mà lắng đọng, đẹp đẽ mà không khoa trương, giản dị mà chẳng kém phần tinh tế.
6. Văn chương tồn tại để thực thi sứ mệnh giúp nhân loại nhìn thấy được những "rạng đông sáng ngời" ẩn giấu nơi ngõ ngách nào đó của cõi trần. m điệu của văn chương chính là hợp xướng của dàn đồng ca nhiệm màu về tình yêu thương chạm khẽ đến ngưỡng rung động vĩnh hằng, là tiếng hát ngân vang của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn, nơi người nghệ sĩ gửi gắm những bồi hồi, xao xuyến của một linh hồn đa cảm trước cuộc đời. Như Nguyễn Ngọc từng quan niệm “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”. Tình và tư tưởng trong văn như gió ngày xuân, như nắng hạ sang, như trận mưa cuối thu, như hoa tuyết giữa trời đông. Ta dùng đôi mắt để nhìn, dùng trái tim để cảm. Từ ấy, người thưởng văn bất chợt tìm thấy "những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách".
7. Phiên chợ "Cuộc đời" phồn tạp bày bán đủ mặt hàng hỉ nộ ái ố nhưng không có sự cảm thông. Chính vì nhà văn bất mãn trước những nghịch cảnh trên tinh cầu của mình nên anh đã trao ban những ngọt ngào vốn của riêng dành tặng cho nhân thế. Độc ngạo trên đường trường độc đạo, tự ly khai mình thoát khỏi những tạp niệm và "tư tưởng đám đông", nhà văn giữ vững bản ngã, thu mình lại một góc, và viết. Viết cho ai? Về cái gì? Và vì điều gì? Anh cũng không biết nữa. Bởi khi anh chấm ngòi bút vào nghiên mực rồi, hồn riêng anh nhưng chữ của trái tim. Nhuần nhị trong những trăn trở về sáng tác của đời thi sĩ, A. De Musset trong "Những bậc thầy văn chương" viết rằng:
"Những lời tuyệt vọng nhất là những lời ca hay nhất
Ta biết có những lời bất hủ song chẳng qua là những tiếng nức nở mà thôi".
8. Thơ là thánh ca của trái tim, là trạm dừng chân tinh thần, là sợi giây giao cảm kết nối những tấm lòng cảm thông, đồng điệu. Nương dòng văn học cổ kim cho tới văn học hiện đại, đã có biết bao thi nhân, văn nhân đã gom góp, hiến dâng cho đời những áng thơ kinh động lòng thế nhân, chao đảo hiện thực một thời và ám ảnh mọi thời. Suy cho cùng, thơ vì cuộc sống mà tạo thành. Những bản văn sâu sắc, thấm thía mang tiếng nói trào phúng hay giọng điệu đanh thép đều khởi phát từ nước mắt, từ mềm yếu khổ nạn gò luyện nên, trở thành "lời phát biểu" đắt giá bất diệt.
9. Văn học không tự sinh ra cũng chẳng tự gầy dựng giá trị. Tất cả những tiếng cười hoan hỉ hay khổ hạnh khốc liệt trong đời văn, đời chữ đều là phản ánh chân thực thời đại nó sinh ra. Thực tế, văn chương không phải tấm áo ngôn từ, càng không phải cường điệu hóa nỗi đau mà trở thành ám ảnh bất biến. Văn chương chỉ tái hiện lại vẻ đẹp của giọt nước mắt bằng cung cách khiêu gợi nhất mà trong đó vẫn chứa đựng giá trị bất chuyển. Là đóa hoa tỏa hương êm dịu cho cuộc sống đầy rẫy đớn đau của con người.
10. Nhà văn Nguyễn Đình Tú quan niệm rằng: "Vén mây thấy núi, sau núi lại có mây. Cứ vén từng lớp màn cuộc sống lên, bạn đọc sẽ thấy vô vàn những điều bí ẩn trong đó. Nhà văn đang giúp bạn đọc nhìn sâu vào đời sống này bằng cách riêng của mình” Thiên chức của những người nặng lòng với trang sách, hữu duyên với bút mực chỉ được thực thi khi nhà văn thực sự “sống” giữa cuộc đời, tha thiết gắn bó và khao khát hòa nhập với cuộc đời. Người làm nghệ thuật không thể ngoảnh mặt trước những vấn đề lớn lao của dân tộc, không thể đứng ngoài những vận hội, những biến cố có thể xảy đến của thời cuộc, không thể mang một trái tim lãnh cảm với những trang đời và vẻ đẹp của con người. Người nghệ sĩ chân chính phải thâm nhập vào nhân quần, trải nghiệm, thẩm thấu và nhặt lấy tinh chất quý giá của đời. Song, hồn cốt của một tác phẩm văn học còn tuỳ thuộc vào tài năng và "đôi mắt" của mỗi tác giả. Bởi vậy, sau khi ngụp lặn trong biển hiện thực, anh phải ngoi lên khỏi đại dương cuộc đời để dùng chính lí trí và cảm xúc, cái say và cái tỉnh của mình để nâng bút viết nên những trang sách bất tử. Xét đến cùng, người nghệ sĩ phải "Đi trọn đời trên con đường chân thật"(Phùng Quán) và thấm nhuần một điều rằng càng cá thể càng độc đáo càng hay thì mới có thể thai nghén nên những tác phẩm khắc họa hiện thực đời sống cả trên bề rộng lẫn chiều sâu.
11. Cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời ẩn chứa muôn vạn những mảng màu, từ đẹp đẽ đến xấu xa, từ tháp ngài nguy nga đến túp lều giản dị. Đặc biệt là thế giới tâm hồn của con người lại càng phong phú, phức tạp hơn. Vì vậy, có những điểm mù, những vùng trời, những vẻ đẹp mà chẳng có một ngôn ngữ nào, không có một loại hình nào có thể miêu tả cho vẹn toàn. Nghệ thuật khao khát được vẽ trọn một khung cảnh kì diệu lên trang giấy, văn học cũng muốn múa bút mà viết nó thành văn. Có những khoảnh khắc nghệ thuật rơi vào nỗi bất lực bởi chẳng thể phản ánh được cái hình sắc “nguyên bản” nhất. Nhưng nghệ thuật không từ bỏ, văn học cũng chẳng buông xuôi vì tác phẩm nghệ thuật luôn có sứ mệnh chở đi những tư tưởng lớn của người nghệ sĩ, của thời đại trên đôi cánh của hiện thực cuộc sống.
12. Trên hành trình kiếm tìm, vươn tới nghệ thuật, mỗi người nghệ sĩ lại tìm cho mình một định nghĩa, một chuẩn mực để đánh giá văn chương, nghệ thuật. Có người cho rằng giá trị cao nhất của văn chương là vì con người. Có người lại quý văn chương ở sự đồng điệu tri âm: “Thơ ca giúp ta đi từ chân trời một người đến với chân trời triệu người”. Còn có người lại coi văn chương nghệ thuật là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú thêm” (Thạch Lam). Nguyên Ngọc cũng từng khẳng định: “nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người”. Tất cả những quan điểm các nhà nghệ sĩ đã giúp cho chúng ta nhận ra văn học là một yêu cầu thiết yếu, một nhu cầu không thể thiếu của con người. Ta tự hỏi con người sẽ sống như thế nào nếu mai kia chẳng còn văn chương? Có lẽ tâm hồn con người sẽ khô cằn, chai sạn lắm bởi văn chương cho ta được là CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa, với đầy đủ những ý nghĩa cao đẹp.
13. Từ cổ chí kim, văn chương vẫn luôn lấy con người và cuộc đời làm cứu cánh. Đến với văn chương là đến với thế giới, là được thanh lọc, giáo dục, mở rộng tâm hồn. Khi bàn luận về đặc trưng của văn học, Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Đó chính là lẽ tất yếu của văn chương nghệ thuật. Tác phẩm phải trở thành một tấm gương phản ánh, soi chiếu đời sống, phải là một khúc xạ của đời sống. Mỗi tác phẩm đều phải “soi bóng thời đại”, phải cho con người ta thấy được bản chất của sự sống, của cuộc sống thực tại. Nhưng nếu chỉ đơn thuần mang trong mình hơi thở của thời đại thì vẫn chưa đủ làm nên sức nặng của tác phẩm. Trong mỗi trang văn cũng đồng thời cần hiện lên một thế giới mới – thế giới được tạo lập từ những người nghệ sĩ tài hoa, là thế giới của ước mơ và hy vọng.
14. Thời gian cứ trôi đi lặng lẽ mà vô tình nhưng thời gian cũng chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi bật lên những tác phẩm hay, độc đáo. Có một nữ văn sĩ từng nói đại ý rằng: “Sẽ không bao giờ chúng ta gặp lại mình như chiều nay”. Nguyễn Tuân cũng từng nói: “Tôi quan niệm đã viết văn phải cố viết cho hay và viết đúng cái tạng riêng của mình. Văn chương cần có sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác”. “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Mỗi khoảnh khắc trôi đi không bao giờ trở lại. Sẽ chẳng bao giờ ta gặp lại một Nam Cao, một Nguyễn Tuân, Xuân Diệu hay Thạch Lam,… thứ hai trên cõi đời này nữa. Bởi lẽ văn chương không bao giờ là sự lặp lại và mỗi nhà văn có một tạng riêng, một phong, cách riêng. “Mỗi công dân có một dạng vân tay. Mỗi nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ không trộn lẫn” (Lê Đạt)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro