Bà cụ Tứ
"Cái cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao..."
Sẽ chẳng bao giờ ta quên cánh cò bay mải mê chấp chới... cách cò trắng gầy guộc suy tư lặng lẽ như cuộc đời người mẹ. Người mẹ việt nam hiền lành, nhẫn nhục thương con và giàu lòng nhân ái. Chẳng biết từ bao giờ hình ảnh người mẹ đã trở thành một đề tài khá quen thuộc trong thi đàn văn học Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ 1945 - 1975. Giữa những năm "đói mòn đói mỏi" ấy nếu như cải đói đã làm con người ta mất đi nhân tính vui với "một bữa no", "một cái móng giò" thì đây vẫn còn những người mẹ giàu lòng nhân hậu sẵn sàng đánh đổi sự sống của mình để cưa mang kể khác. Có đọc Vợ nhặt của Kim Lân ta mới thấu hiểu thế nào là lòng mẹ. Vâng, "Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào".
Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng bậc nhất của nền văn học nước nhà hiện đại - được được biết đến như "đứa con đẻ" của nông thôn đồng ruộng Việt Nam, "một loại đồ cổ quý hiếm cất giữ trong đó là những hạt bụi vàng văn hoá thẳm sâu của nền văn minh sông Hồng". Từng trang viết của ông đong đầy tình thương, sự thấu hiểu cho người dân quê nghèo khổ, nhỏ bé cam chịu nhưng toát lên một vẻ bình dị, ấm áp, thiết tha tình người và luôn mong cầu cho họ một sự đổi đời, thông qua đó đề cập tới vấn đề nhân sinh. Truyện ngắn "Vợ nhặt" là một tiêu biểu cho hồn cốt tinh tuý ấy. Lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người, "Vợ nhặt" được viết dựa trên bản thảo đã mất của tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" và in trong tập "Con chó xấu xí" năm 1962. Nhà văn đã dùng "Vợ nhặt" làm đòn bẩy để nâng giá trị con người lên trong tình nhân ái. Từ nhan đề, tình huống "nhặt vợ" hiện lên đầy éo le, nghịch lý, qua đó Kim Lân đã thể hiện giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Nổi bật trong thiên truyện không chỉ là anh cu Tràng, người vợ nhặt mà còn là hình ảnh người mẹ đức độ và bao dung, bến bờ yêu thương cho mỗi người con trở về. Qua đoạn trích, Kim Lân đã khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ - một người mẹ nghèo khổ nhưng nhân hậu, vị tha, sẵn sàng thấu hiểu cho người cùng khổ; với một niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. [VỊ TRÍ ĐOẠN TRÍCH]
[KHÁI QUÁT NHÂN VẬT]
"Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác" (Tô Hoài). Thật vậy, nhân vật không chỉ đơn thuần là một hình tượng, mà còn mang một sứ mệnh cao cả: truyền tải những chiêm nghiệm, trăn trở của tác giả đối với hiện thực đời sống đến gần hơn với độc giả. Và đến với áng văn "Vợ nhặt" của Kim Lân, người đọc có thể cảm nhận rõ biết bao niềm thương cảm và trân trọng của nhà văn đối với nhân vật bà cụ Tứ cùng những nét đẹp tâm hồn làm nổi bật tính cách của người mẹ nông dân bất hạnh. Bà cụ Tứ - một chân dung về người mẹ Việt Nam nhân hậu, vị tha; hết lòng yêu thương con; gánh vác biết bao gian khổ, khó khăn suốt cả một cuộc đời. Bà là hiện thân cho những gì cao đẹp nhất, thiêng liêng nhất về tình mẫu tử. Bao nhiêu năm lặn lội "cõng nắng qua sông", bà cụ Tứ nay đã già yếu, dáng đi "lọng khọng". Từ "lọng khọng" nhà văn dùng thật khéo, thật đắc địa. Đây là từ láy tượng hình, mô tả dáng hình gầy guộc, cộng thêm cái lưng còng rạp sau bao sương gió, vất vả. Hình dáng ấy vừa gợi ta niềm thương, vừa gợi trong ta nỗi tủi xót. Là bởi đó là dáng hình quen thuộc cũng những người bà, người mẹ Việt Nam nông thôn, sau lũy tre làng, nó gợi ta nhớ lời thơ của thi sĩ Truơng Nam Hương:
"Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao"
Cùng với dáng hình, là âm thanh của tiếng ho "húng hắng" thường trực, tiếng ho ấy là tín hiệu của tuổi già và sức khỏe, là sự báo hiệu cái còm cõi, suy kiệt của cơ thể, cộng với cắp mắt "hấp háy" cứ nhoèn đi. Bà cụ Tứ giờ đây mong manh như chiếc lá vàng, một cơn gió thổi sẽ lìa bay khỏi nhánh cành mà rơi rụng về cội.
Người mẹ ấy, đáng lý, sau bao sương gió dãi dầu, lẽ ra giờ là lúc an hưởng tuổi già, an nhiên bên con cháu, nhưng cuộc đời này đã cho bà lắm bất công. Gánh nặng cuộc sống bộn bề chưa ngày nào vơi bớt trên đôi vai gầy mỏi. HÌnh ảnh cái miệng "lẩm bẩm tính toán" như trải ra hết những mưu toan cơm áo gạo tiền, khi đã đi sắp đến hết chặng đường của cõi dương gian, mà cuộc sống của bà và Tràng cứ thế quẩn quanh, bế tắc trong túp lều tạm bợ nằm "rúm ró trên mảnh vườn lổn nhổn những búi cỏ dại" trong những ngày tăm tối nhất.
🙈 Thay đổi 1 - NGẠC NHIÊN
Nhà văn Kim Lân đã rất khéo léo khi lựa chọn thời điểm "vàng" để bà cụ Tứ xuất hiện, không phải ở đầu thiên truyện mà lại ở cuối, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết đã ngày một kéo gần nhau hơn. Bà xuất hiện khi Tràng đưa người vợ về nhà ra mắt. Đó cũng là lúc diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ thay đổi liên tục. Vào một buổi chiều chạng vạng, bà cụ trở về căn nhà tồi tàn của mình và khi được Tràng chạy ra đón chào trang trọng khác thường, bà không tránh khỏi ngạc nhiên, băn khoăn, phấp phỏng, lo âu. Rồi bà còn sửng sốt hơn trước sự xuất hiện của một người đàn bà lạ trong nhà. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ được nhà văn diễn tả bằng hàng loạt câu nghi vấn dồn dập: "Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?"
Đọc đến đây, hẳn rằng, nhiều độc giả sẽ đặt ra câu hỏi, vì sao một sự kiện trọng đại đến vậy, một điều hiển nhiên phô bày ra trước mắt rõ ràng thế mà bà cụ Tứ vẫn không nhận ra. Đừng vội trách móc, hay phán xét. Bởi có ở trong tình cảnh năm đói, ta mới hiểu hết cái ngơ ngác đến tội nghiệp, cái phấp phỏng lo âu đến đắng đót của bà cụ Tứ. Cái đói và miếng ăn, sự sống và cái chết bủa vây, giăng kín trong đôi mắt, trong tâm trí mỗi người. Trong hoàn cảnh ấy, mấy ai nghĩ được điều gì khác. Thứ hai, có lẽ, là mẹ Tràng, bà không thể hiểu anh con trai của mình, đứa con trai ngộc nghệch chưa từng vắt vai một mối tình, bỗng nhiên dắt cô vợ về trình diện đường đột đến vậy, khiến cho bà không có một sự chuẩn bị nào trong tâm lý. Và thứ ba, trong cảnh nạn đói ấy, bà cũng không thể nghĩ, con mình đưa về thêm một miệng ăn. Vì lẽ đó, phút ban đầu của bà cụ Tứ thật tội nghiệp, ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong chính ngôi nhà của mình, với chính đứa con mang nặng đẻ đau của mình!
🙈 Thay đổi 2 - THẤU HIỂU VÀ BAO DUNG
Sau khi hiểu ra cơ sự, bà chỉ biết "cúi đầu nín lặng" - một sự im lặng chứa đầy nội tâm: xót xa, vui mừng, lo lắng, yêu thương, buồn tủi lẫn lộn. Việc con trai lấy được vợ là niềm mong mỏi, hạnh phúc của bất kỳ đấng sinh thành nào. Nhưng giữa cảnh con người héo mòn đi vì đói khát, người mẹ ấy lại rớt xuống vực thẳm của "mớ bòng bong" của xúc cảm do chính bà tạo ra. Sự im lặng ấy thấu hiểu bao nỗi niềm éo le, uẩn khúc, cũng là sự chấp nhận ngậm ngùi của người mẹ. Bà đã tiếp nhận hạnh phúc của con mình bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trả giá của một chuỗi đời nặng nhọc, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh và bằng cả trái tim nhân hậu. Đột nhiên, trong bà dâng lên nỗi niềm chua xót "ai oán xót thương cho số kiếp đứa con mình". Bởi hơn ai hết, là người từng trải qua hết truân chuyên của một đời người phụ nữ, bà hiểu cuộc hôn nhân ấy sẽ gánh chịu nhiều khó khăn, giông bão trong tương lai; đặc biệt là trong cảnh ngộ con người ta chỉ biết, chỉ còn với miếng ăn để vượt qua được cơn đói kém.
🙈 Thay đổi 3 - NỖI NIỀM SUY TƯ (TỦI PHẬN, THÔNG CẢM, XÓT THƯƠNG, MỪNG LÒNG)
TỦI PHẬN
Chính vì lẽ đó, bà lão không tài nào giấu nổi sự tủi hờn, cay đắng đang trào ngược trong tim khi nghĩ tới bổn phận làm mẹ không tròn của mình: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc nhà đang ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì..." Dấu chấm lửng đã thay nhà văn Kim Lân bộc bạch nỗi chua xót não nề nghẹn lại nơi cuống họng, bà không thể đối diện với sự thật trần trụi rằng: Vì những khắc khổ, lo toan giữa cuộc đời xoay vần kia đã vắt kiệt sức lực của bà. Người mẹ đáng thương của Tràng đã tự trách mình vì chẳng thể lo cho con một cuộc sống trọn vẹn, một đám cưới tươm tất, chỉn chu để con phải tự tìm kiếm hạnh phúc của mình ở đầu đường, xó chợ. Dường như bao nhiêu nỗi đoạn trường cay đắng chồng chất trong cuộc đời bà phút chốc ùa về.
[GIỌT NƯỚC MẮT]
"Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên" (GS. Đặng Tiến). Những giọt nước mắt trong văn chương rơi xuống, chất chứa những niềm đau cùng tận, bao rát bỏng tâm hồn. Từ những dòng nước mắt ấy, nhà văn biến nỗi đau thành tiếng hát ý nghĩa cho đời, nâng bước con người vươn đến những giá trị tốt đẹp hơn. Đến với "Vợ nhặt", ta bắt gặp giọt nước mắt nóng hổi của bà cụ Tứ rỉ xuống từ "kẽ mắt kèm nhèm". Dòng nước mắt ấy được chưng cất từ biết bao khổ đau, bất hạnh của một cuộc đời, giọt nước mắt của tủi phận khi không thể làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, cũng chính là sự bất lực đầu hàng trước hoàn cảnh của chính mình. Đến đây, tôi không khỏi ám ảnh mãi một hình ảnh lão Hạc bật khóc nức nở với đôi mắt "ầng ậng nước" trước ông giáo khi phải trót bán đi chú chó thân thương nhất để con trai ở xa có tiền trang trải cuộc sống. Hỡi ơi! Những người nông dân cả một đời lam lũ, vất vả, tưởng như trong họ những giọt lệ đã cạn khô, mà cuối cùng vẫn chảy ròng vì con. Dù có phải chịu bao khổ hạnh, họ luôn sẵn sàng nhường "tấm chăn ấm" mang tên hạnh phúc cho những đứa con, bởi lẽ "hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này co thì người kia bị hở" (Nam Cao) Vì vậy, Bà cụ Tứ và Lão Hạc chính là đại diện cho tình mẫu tử, tình phụ tử cao đẹp - những giá trị cao quý mà mỗi người đều quý trọng và nâng niu.
Lòng bà càng chua xót hơn khi ngẫm về tương lai: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không". Câu hỏi bỏ ngỏ ấy chính là nỗi niềm trăn trở, lo âu lớn nhất của bà cụ Tứ ngay lúc này: Liệu những đứa con của mình có thể thoát khỏi vòng tay rệu rã của số phận để tiếp tục nuôi dưỡng hạnh phúc, yêu thương của một mái ấm gia đình hay không? Không ai có thể dự đoán được tương lai, bà đành đợi cuộc đời này viết tiếp những trang sử hẵng còn dài của nó. Hai tiếng "chúng nó" như ngầm khẳng định rằng bà đã chấp thuận đứa con dâu này sau bao cảm xúc lẫn suy nghĩ dồn tụ trong lòng. Dù bà vẫn không yên tâm về cuộc sống của Tràng và thị sau này nhưng bà vẫn chấp nhận thị bởi sự đồng cảm, thấu hiểu của một người đi trước.
THÔNG CẢM VÀ TRÂN TRỌNG
Chuyến bộ của xúc cảm đưa bà cụ Tứ từ nỗi tủi phận cho mình đến sự xót thương, cảm thông dành cho đứa con mình. Bà lão "khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà". Lúc này, thị cúi mặt xuống, "tay vân vê tà áo đã rách bợt" vì sượng sùng, xấu hổ trước người mẹ chồng. Nhưng bà không hề coi khinh, rẻ rúng thị mà ngược lại bà nhìn thị bằng con mắt cảm thông, thấu hiểu đầy ấm áp. Bà biết thị cũng là nạn nhân của cái đói, mà con trai mình chính là chiếc phao cứu sinh cho cuộc đời lầm than, đói khổ vất vưởng ngoài mép lề của cái chết. Nhưng trong bà cũng không nảy sinh một ý nghĩ trách cứ hay oán than: "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được..." Bà thầm biết ơn, trân trọng "người con dâu mới" mặc cho thân phận của thị, bà thấu hiểu nỗi thống khổ, bất lực của thị khi bị cái đói dồn đến bước đường cùng. Bà biết rằng nếu như không đói, không túng, không cùng đường thì thị sẽ không chọn Tràng – đứa con cục mịch, ngờ nghệch và có phần "dở hơi" của mình. Bà tin rằng thị chính là món quà vô giá mà tạo hoá đã ban tặng cho con trai mình, để từ một người thô kệch, khờ khạo trở nên chín chắn, mẫu mực hơn trong từng cử chỉ, lời nói và hành động. Đó là sự cảm hoá của tình yêu thương, của những khát khao cháy bỏng về một mái ấm thực sự trong cuộc đời.
XÓT THƯƠNG
Đã đi gần đến bờ cõi của bên kia cuộc đời, bà cụ Tứ hiểu rõ tất thảy mọi khốn khó của kiếp nhân sinh, nhất là giữa nạn đói quay quắt này. Chính vì thế, bà rất lo lắng cho gia đình mình, cho tương lai các con. Khi đăm đăm nhìn ra ngoài, bóng tối tự bao giờ đã bao trùm lấy hai con mắt già nua tội nghiệp, bóng tối ấy cũng như bóng tối của cuộc đời bà – một cuộc đời "cực khổ dài dằng dặc". Hiện thực nghiệt ngã chưa bao giờ thôi ngấu nghiến tâm hồn của những kẻ bại vong: "Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt". Đồng thời, hiện thực ấy còn mở đường cho những ký ức quá vãng đau buồn một thời vô tình tràn về khắp trí tưởng của bà lão, làm bà nhớ về ông lão, về người con gái quá cố của mình. Rồi bà tự hỏi trong tiếng thở dài ngao ngán: "Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?" Bà nhìn lại cả quãng đời mình chỉ toàn ai oán và khổ hạnh, bà không biết cuộc đời kia rồi sẽ đối đãi với tương lai của đôi vợ chồng mới như thế nào, liệu có khá khẩm hơn vết "xe đổ" trượt dài của bố mẹ nó hay không?
MỪNG LÒNG
Ngắm nhìn người phụ nữ mà con trai mình đã chọn và ngẫm ngợi về tất cả, người mẹ hiền ấy một phần cũng thấy "mừng lòng": "Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng..." Cách xưng hô "u – các con" đã thể hiện sự chấp thuận của người mẹ, nhưng sự đồng ý ấy lại đi cùng cụm từ "thôi thì", trợ từ "cũng" và dấu chấm lửng cuối câu như còn điều gì đó trăn trở, vướng mắc trong lòng bà không thể nói, ngập ngừng rồi lại thôi. Ở đây, bà cụ Tứ không nói "vui lòng", mà là "mừng lòng". Trong "vui" chắc chắn có mừng, còn trong "mừng" còn đan xen cả nỗi lo lắng, nỗi tủi hổ và dường như có một điều gì đó miễn cưỡng khó tả chắn ngang mạch xúc cảm đang trào dâng trong lòng người mẹ già. Đây cũng chính là sự tinh tế của nhà văn trong việc lựa chọn và sử dụng ngôn từ. Có lẽ, người mẹ ấy, tới giờ vẫn còn sững sờ khi một sự kiện trọng đại của con trai lao đến quá nhanh chóng và bất ngờ trong chuỗi ngày rất đỗi bình thường, khiến bà chưa kịp suy tính, chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận. Nhưng bà cũng không vì sự nhỏ nhen trong lòng mà đánh mất đi sự trân trọng và bao dung của thiên chức một người mẹ, nhất là đối với nàng dâu mới trong nhà. Bà cụ Tứ nhẹ nhàng, từ tốn và hiền hậu ân cần quan tâm thị, không còn sự miễn cưỡng như lời chấp thuận ban đầu. Bao yêu thương - lo lắng dồn tụ trong một câu nói giản dị mà xót xa: "Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân" - cách bà cụ nói đầy dịu dàng như muốn xoá mờ đi khoảng cách giữa mẹ chồng và nàng dâu. Từ xưa đến nay, việc người phụ nữ "theo không" người đàn ông về nhà là việc khó chấp nhận và bị xã hội lên án, khinh thường. Nhưng trong hoàn cảnh khốn khổ ấy, bà cụ Tứ không chấp nhặt miệng lưỡi của thiên hạ, mà bà coi trọng cảm xúc và sự lựa chọn của con mình, thậm chí bà còn tự trách mình khi đám cưới của hai đứa con không thể diễn ra trang trọng, đủ đầy: "Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo..." Có thể nói bà cụ Tứ là một người mẹ yêu thương con vô điều kiện, với tấm lòng bao dung, nhân hậu sẵn sàng mở rộng bàn tay yêu thương để đón nhận thị: "Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...", bà lão nghẹn ngào không nói được nữa, "nước mắt cứ chảy ròng ròng" như muốn vỡ tung những lo lắng, bất an và trăn trở khôn nguôi trong lòng bà cụ Tứ.
🙈 Thay đổi 4 - KHUYÊN NHỦ, ĐỘNG VIÊN CHO TƯƠNG LAI CỦA ĐÔI VỢ CHỒNG SON
Bersot từng khẳng định: "Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ". Bà cụ Tứ là một điển hình cho câu nói ấy: Dù bị vây quanh bởi những buồn tủi, xót xa, lo lắng, nhưng sâu trong thâm tâm bà vẫn không ngừng mong mỏi cho hạnh phúc bền vững của gia đình mình. Người mẹ nghèo ấy đã luôn động viên, khuyên nhủ ân cần, ấm áp nghĩa tình bằng những gợi mở về tương lai lạc quan, tươi sáng cho các con mình. Bà lão đã cố nén những niềm xót xa trong lòng mà từ tốn truyền cho các con thêm niềm tin và sức mạnh vươn lên nghịch cảnh: "Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau". Những lời căn dặn ấm áp, thấm thía của người mẹ già đã nhắc đến triết lý mà ông bà xưa thường nhắc nhở con cháu, mong muốn họ có đủ nghị lực để có thể vượt qua khó khăn:
"Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"
Thông điệp đầu tiên mà bà gửi gắm đến nàng dâu là mọi nỗ lực, chăm chỉ và cố gắng của hai vợ chồng sẽ mang đến thành quả tốt đẹp cho cả con cháu về sau. Bà không nhắc đến nạn đói, không nhắc đến cái chết đang bủa vây kiếp người, mà bà nhắc về tương lai con cháu, thế hệ tiếp nối thế hệ, sự sống tiếp nối sự sống. Ta có tự hỏi rằng, phải chăng hạnh phúc nhất thời đã choáng ngợp tâm trí cụ Tứ, khiến bà quên đi hiện thực chua xót, hay đó chính là niềm mong mỏi tận đáy lòng của bà – niềm khao khát đẹp đẽ nơi người mẹ Việt Nam? Dường như bà lão già nua ấy là người khơi dậy niềm hy vọng và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho vợ chồng Tràng cùng nắm tay nhau vượt qua nạn đói.
🙈 Thay đổi 5 - LẠC QUAN, TÍCH CỰC, NIỀM TIN, HY VỌNG HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG PHÍA TRƯỚC
Bà cố mang lại nguồn sinh khí mới cho gia đình:
Và rồi, bao xúc cảm ngổn ngang khép lại, nhường chỗ cho những xúc động dẫu nghẹn ngào nhưng tràn đầy hạnh phúc – trong buổi sáng hôm sau và bữa cơm ngày đói đón dâu mới. Khi mặt trời chưa kịp ló rạng, bà cụ Tứ đã cùng "nàng dâu mới" dậy sớm quét tước, nấu nướng và dọn dẹp lại căn nhà vốn rúm ró, tan hoang. Nếu như lúc đầu, ngôi nhà của Tràng hiện lên thô mộc như túp lều tạm bợ trên "mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại". Chính đôi bàn tay đảm đang của hai người phụ nữ ấy đã đem đến sức sống truyền cho cảnh vật nơi đây, vun vén yêu thương cho tổ ấm này. Còn Tràng, anh đã nhận thấy những thay đổi tích cực của mẹ mình, bà "nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường", "cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên", đó cũng chính là động lực thôi thúc anh phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Đặc biệt, không còn từng bước "lọng khọng", run rẩy trong dáng đi, mà thay vào đó, bà làm gì cũng xăm xăm, nhanh nhẹn như được "tái sinh" trong niềm vui gia đình. Ai nấy đều tin rằng "cuộc đời họ có thể khác đi", và kỳ thực, sẽ không ai đánh thuế niềm tin trong cuộc đời này.
Bà cụ Tứ là người mẹ biết lạc quan:
Qua ngòi bút hiện thực sắc sảo của nhà văn Kim Lân, bữa cơm đón dâu không thể che giấu đi cái khốn khó của con người trong nạn đói, thật thảm hại và đáng thương. "Giữa cái mẹt rách có độc một chùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo" nhưng lạ thay, "cả nhà đều ăn rất ngon lành" trong bầu không khí vui vẻ, hòa thuận mà trước đây chưa từng có. Cuộc sống quẩn quanh, u buồn của hai mẹ con Tràng có được sự biến chuyển lớn lao đó là nhờ vào sự xuất hiện của nàng dâu mới - một làn gió mát lành đã thổi hồn vào ngôi nhà và làm bùng lên ngọn lửa yêu thương trong trái tim mỗi người. Vậy nên, dù chỉ là bát cháo loãng tạm bợ, nhưng cả Tràng và thị đều đón nhận và nâng niu, bởi lẽ đó là cả một tấm chân tình nồng hậu mà bà cụ Tứ dành cho các con trong ngày trọng đại này. Trong bữa ăn ấy, người mẹ già "vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu". Bà như người mẹ ruột đang chia sẻ, chỉ bảo con gái để chăm sóc gia đình, chồng con được tốt hơn, giữ gìn mái ấm gia đình thật sung túc. Lúc ấy, bà "nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này". Bà gạt bỏ hết mọi lo âu, toan tính nhọc nhằn mà chỉ còn lâng lâng niềm tin vào tương lai phía trước. Bà tính đến chuyện khi nào có tiền thì "ta mua lấy đôi gà", rồi "cái chỗ đầu bếp" sẽ làm một chuồng gà, "chả mấy mà có ngay một đàn gà cho mà xem...". Nếu như vừa lúc gặp thị bà còn băn khoăn xót lòng với những câu nói bỏ ngỏ và được nhà văn thể hiện bằng dấu chấm lửng với tần suất xuất hiện rất dày đặc, thì đến đây, dấu chấm lửng ấy lại xuất hiện trong câu nói của bà cụ, nhưng với một niềm tin rằng sẽ còn rất nhiều điều tốt đẹp đến với gia đình Tràng trong tương lai, không chỉ là một đàn gà. Tự bao giờ, hơi ấm của gia đình đã lan tỏa đến từng ngóc ngách trong ngôi nhà nhỏ, khiến cho ai nấy đều lâng lâng trong niềm hạnh phúc, vui sướng, dẫu rằng niềm vui ấy rất đỗi mong manh.
Là một nhà văn của hiện thực, Kim Lân không để tình tiết lãng mạn ấy kéo dài quá lâu, khi ở câu văn sau ông lại chấm vào bữa ăn đầm ấm ấy một vết chì xám xịt: "Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn". Những con người ấy đang quây quần bên nhau trong niềm vui sướng, rạo rực trên đỉnh mộng huyền thì bất chợt rơi xuống cái hố thẳm của thất vọng khi chưa ai no đủ chỉ với "lưng lưng hai bát cháo". Nhưng bà cụ Tứ không để nỗi tủi hờn nảy sinh trong tâm trí các con, vì thế mà bà "lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút". Trong dáng đi vội vã ấy, không giấu nổi cảm xúc, "lật đật" rồi "lễ mễ" ấy, người ta cảm thấy xót xa cho cuộc sống của người đói, người khổ giữa năm tháng lúc bấy giờ. Niềm vui của người mẹ nghèo thu hẹp lại bằng một nồi "chè khoán" lạ lùng, bởi bà luôn mong muốn rằng hai đứa con mình sẽ được ăn no. Cái ước nguyện nhỏ bé, giản đơn ấy, tôi còn bắt gặp ở người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu: Khi bà được hỏi về chỗ dựa tinh thần để bà sẵn sàng hứng chịu bao nhiêu đắng cay, tủi nhục ròng rã bấy lâu chính là niềm hạnh phúc khi thấy các con của mình được ăn no. Chao ôi! Cuộc đời những người phụ nữ ấy có thể truân chuyên, khổ cực nhưng họ mong cầu gì nhiều cho bản thân ngoại trừ những điều tốt đẹp nhất dành cho đứa con của mình. Thế mới thấy được, tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ cao quý và thiêng liêng biết dường nào!
Ở đây, bà cụ Tứ lạc quan hay chính bà muốn truyền sự tích cực ấy cho đôi vợ chồng trẻ, "vừa khuấy vừa cười": "Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để cơ, cứ ăn thử mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy". Cái "ngon" lúc này không còn là sự thơm ngon nơi vị giác có thể cảm nhận được, mà là "ngon" của xúc giác, của tâm hồn, là cái "ngon" của tình yêu thương thắt lòng mà một người mẹ dành cho con cái của mình. Trước tấm lòng bao la của mẹ, miếng cám "đắng chát và nghẹn bứ trong cổ" đã được thị và Tràng đón nhận không chút ngập ngừng, "điềm nhiên đưa vào miệng" dẫu cho "hai con mắt thị tối lại". Bát cháo cám ngày đói ấy như món chè đỗ thơm ngon mát lành giữa những tháng ngày tăm tối; đó đều là tình cảm yêu thương, lo lắng mà bà cụ Tứ dốc hết lòng mình để cho đi. Chính vì vậy mà Tràng và thị đã hết lòng trân trọng, dù rằng "bữa cơm từ ấy không ai nói câu gì, họ chỉ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau".
Chi tiết nồi cháo cám:
Và như M.Gorki đã khẳng định: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Các chi tiết được Kim Lân cắm cài khéo léo trong "Vợ nhặt", đặc biệt là hình ảnh nồi cháo cám, đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Chỉ một nồi cháo cám thôi nhưng chất chứa bao nhiêu nghĩa tình, yêu thương, trân trọng mà bà cụ Tứ gửi gắm trọn vẹn cho các con. Đời người phụ nữ vốn truân chuyên, đã có gì mà bà không trải qua, đã có nỗi đau nào mà bà chưa từng thấm thía? Buồn khổ như thế nào khi xa chồng, tuyệt vọng ra sao khi mất con, bà cũng đã vượt qua. Bởi thế, khi nhìn hai vợ chồng Tràng kết duyên trong hoàn cảnh éo le, và càng hiểu rõ việc sinh tồn hay không, sống tốt hay không nằm rất nhiều ở ý chí, nghị lực và sự kiên trì hy vọng, lạc quan và tin tưởng của từng người trong gia đình mình. Bà biết mình đã già, như ngọn đèn sáng rực những đốm lửa cuối cùng giữa kiếp người ngắn ngủi. Nhưng trên tất thảy mọi u uất, bà vẫn sẵn lòng trở thành một bông hoa bồ công anh, vươn mình trước gió để những mầm non của hy vọng, của niềm tin được nảy sinh trên nền đất cằn cỗi trong lòng mỗi người.
Nếu ta đã từng xót xa, đau đớn trước những số phận mòn mỏi trong "Một bữa no", con người vì đói quá mà ăn đến mức nghẹn thở mà chết; hay cái hình ảnh bế tắc của chị Dậu vùng chạy ra khỏi nhà u tối trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố; hoặc ám ảnh cái dáng đi ngật ngưỡng của Chí Phèo phải tự kết liễu cuộc đời mình trên bàn xoay của chế độ phong kiến thối nát để tìm lại nhân tính trong những trang viết của Nam Cao thì ta mới thật sự ngỡ ngàng khi đọc văn của Kim Lân. Trong hoàn cảnh bất hạnh và tối tăm, Kim Lân vẫn nâng con người lên trong tình người ấm áp. Hình ảnh bà cụ Tứ chính là ánh sáng le lói trong bóng tối của những kiếp người nghèo khổ, lầm than. Nhân vật bà cụ Tứ đã làm cho giá trị nhân đạo của tác phẩm trở nên thấm thía và cảm động hơn, mang thông điệp nhân bản hơn đó là: Dù cận kề với cái đói, cái chết con người vẫn không bị mất đi vẻ đẹp bản chất lương thiện của mình, vẫn luôn khát khao hạnh phúc bình dị, vẫn không ngừng mong ước về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp ở phía trước. "Vợ nhặt" trở thành một tác phẩm chân chính bởi nó "chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn."
[ĐÁNH GIÁ]
"Thiên chức của nhà văn cũng giống như những chức vụ khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, yêu thương hơn" (Thạch Lam) Với truyện ngắn "Vợ nhặt", Kim Lân đã trân trọng gom góp những "bụi vàng" lấp lánh ở những người nông dân nghèo khổ, nhỏ bé nhưng ấm đượm tình người để đưa vào trang văn. Bằng bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật thật tinh tế qua một hệ thống ngôn từ chân thực, giản dị nhưng giàu sức gợi, được thể hiện qua từng lời nói, cử chỉ, hành động. Phải là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú, thấu hiểu và cảm thông, yêu mến và trân trọng cuộc sống thì Kim Lân mới có thể viết nên những trang văn có sức lay động hồn người đến vậy. Tác giả đã tái hiện cho độc giả một cái nhìn rõ nét về xã hội Việt Nam trong nạn đói năm 1945. Qua đó, nhà văn đã để lại "tiếng lòng của người cầm bút" - tiếng nói nhân đạo sâu sắc. Ông đồng cảm, thấu hiểu với cuộc đời khốn cùng, lấm lem của người nông dân trong nạn đói lúc bấy giờ. Đồng thời, gián tiếp lên án, tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến đã đẩy nhân dân ta vào thảm cảnh. Kim Lân cũng đã phát hiện ra nảy nở giữa cái đói quay quắt ấy, là những phận người biết cưu mang, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau cùng vượt lên trên nghịch cảnh. Một lòng trăn trở với số phận bạc bẽo của con người, ông muốn thổi vào đó tình nhân ái giữa người với người, niềm hy vọng về tương lai tươi sáng phía trước.
"Văn chương như một thứ đạo, đạo làm người, như một thứ tôn giáo. Mà tôn giáo cũng đòi hỏi sự yêu thương giữa con người với con người..." (Kim Lân) Truyện ngắn "Vợ nhặt" là một thứ văn chương như thế: Ca ngợi tình yêu thương, sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau giữa những con người nghèo khổ, cùng quẫn trong cảnh đói quay quắt; dẫu cho có cùng cực đến đâu, ở những tâm hồn lấm lem ấy vẫn lấp lánh niềm tin vào tương lai, vào Cách mạng. Đoạn trích trên đã thể hiện sâu sắc diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ - hiện thân của một người mẹ Việt Nam với những vẻ đẹp nhân phẩm cao quý, ấm áp tình người. Bởi thế, Kim Lân cùng những sáng tác của ông sẽ còn trường tồn vĩnh viễn trong kho tàng văn học nước nhà bất chấp mọi sự băng hoại của thời gian.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro