Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Người lái đò sông Đà

Đọc bút ký Người lái đò sông Đà có người nhận xét: Có cảm tưởng như Nguyễn Tuân đang đề thơ lên núi rừng Tây Bắc, lên sóng nước sông Đà. Một áng thơ văn xuôi tràn trề cảm xúc với thiên nhiên, đất nước.
Anh/chị hãy phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Đà trong tùy bút trên để chứng minh cho nhận định trên?

Mở bài
Bài tùy bút Người lái đò Sông Đà là một trong số mười lăm bài của tác phẩm Sông Đà, là một tờ hoa, trang hoa đích thực. Nó đã thể hiện một cách tuyệt đẹp phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: uyên bác, tài hoa, độc đáo. Bên cạnh hình ảnh ông lái đò là hình tượng con sông Đà được Nguyễn Tuân nói đến với tất cả tình yêu sông núi quê hương. Đọc bút ký Người lái đò sông Đà có người nhận xét: Có cảm tưởng như Nguyễn Tuân đang đề thơ lên núi rừng Tây Bắc, lên sóng nước sông Đà. Một áng thơ văn xuôi tràn trề cảm xúc với thiên nhiên, đất nước.
Thân bài:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Dòng Sông Đà là một trong hai hình tượng nghệ thuật chính của tuỳ bút cùng với hình tượng người lái đò làm nên bức tranh toàn cảnh và hết sức sinh động về Sông Đà. Dòng Sông Đà là phông nền, khung cảnh để từ đó hiện ra hình tượng trung tâm: Người lái đò. Hình ảnh dòng Sông Đà vừa là đối tượng đuợc Nguyễn Tuân miêu tả trực tiếp vừa là phương thức nghệ thuật để gián tiếp làm nổi bật hình tượng nhân vật trung tâm: Người lái đò. Tuy nhiên trong thiên tuỳ bút này Nguyễn Tuân dành khá nhiều bút lực để miêu tả dòng sông. Dòng sông được miêu tả bằng tất cả sự say mê hứng khởi của Nguyễn Tuân. Phong cách nghệ thuật, sở trường của Nguyễn Tuân cũng được bộc lộ đầy đủ ở hình tượng dòng Sông Đà. Dòng sông như một khám phá của Nguyễn Tuân, như một cơ hội được nhà văn khoe ra tất cả sự tài hoa uyên bác nghệ sĩ của chính mình.
2. Giải thích.
Nguyễn Tuân đã khám phá sự vật - con sông Đà - ở phương diện văn nghệ thuật, đã miêu tả, nhận diện con người - ông lái đò - ở phương diện thi hoa, nghệ sĩ. Tả cảnh thì biến hóa trong bốn mùa, trong mọi thời gian. Nói về thác ghềnh thì đa thanh, phức điệu, bằng tất cả cảm giác tinh tế, bao liên tưởng đầy thi vị, với bao cảm giác mạnh đầy màu sắc và góc cạnh với một kho từ ngữ giàu có, sáng tạo. Văn của Nguyễn Tuân đứng là những giọt, mật của con ong yêu hoa, cần mần và sáng tạo, đem thơm thảo cho đời. Câu văn xuôi rất đẹp, lúc thì vang vọng âm ba của thác ghềnh, lúc thì mênh mang dư vị của hương nguồn hoa núi. Nghệ thuật nhân hoá, so sánh của nhà văn rất táo bạo. Mỗi so sánh trong tác phẩm thực sự là một phát hiện sắc sảo, độc đáo về sông Đà. Ngôn ngữ rất phong phú, tinh tế, chính xác, câu văn giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu. Vì vậy khi miêu tả vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Đà, Nguyễn Tuân đã vận dụng kết hợp nhiều ngành văn hóa và nghệ thuật để làm nên một áng văn đậm chất hội họa và thơ ca.
3. Phân tích
3.1. Ánh văn giàu màu sắc hội họa
Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân sông Đà không chỉ hung bạo mà nó còn rất trữ tình. Trước hết là hình dây mềm mại duyên dáng của dòng sông. Từ trên cao nhìn xuống Nguyễn Tuân được chiêm ngưỡng toàn cảnh dòng sông trong dáng hình mềm mại uốn lượn tự nhiên của nó. Nguyễn Tuân đã so sánh dòng sông Đà với sợi dây thừng ngoằn ngoèo. Sự so sánh giản đơn nhưng chính xác độc đáo nên tạo được sự bất ngờ thú vị. Sông Đà đẹp thơ mộng trước hết ở vẻ đẹp tự nhiên ấy.
Dòng nước sông Đà cũng mang vẻ đẹp duyên dáng, thi vị. Nguyễn Tuân cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà ở nhiều góc độ tầm nhìn khác nhau, lúc thì nhìn từ trên cao xuống tức là lúc đi máy bay trên sông Đà, lúc lại nhìn gần đi từ rừng ra và đi thuyền trực tiếp trên sông nước. Trước hết là cảm nhận của nhà văn về vẻ đẹp của sông Đà khi nhìn từ trên cao xuống, tác giả so sánh từ trên máy bay sông Đà như chiếc dây thừng ngoằn ngoèo, phép so sánh cụ thể hóa dáng hình mềm mại của sông Đà giống như ca dao xưa ví dòng sông uốn lượn như hình con long trên núi rừng Tây Bắc. Tác giả tiếp tục sử dụng trùng điệp các đối so sánh liên hoàn để tô đậm thêm vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ muôn sắc của dòng sông, con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai… Điệp ngữ tuôn dài được lặp lại hai lần nhấn mạnh chiều dài sông Đà chảy suốt chiều dài biên giới phía Tây Tổ quốc, phép so sánh sông Đà như một áng tóc trữ tình lại nhấn mạnh dáng hình dòng sông mềm mại óng ả, mượt mà, duyên dáng uyển chuyển, yêu kiều, hình ảnh ẩn hiện mây trời Tây Bắc và phép so sánh mây trời ấy cuồn cuộn như mù khói núi mèo đốt nương xuân, chính điều này làm tăng thêm vẻ hư ảo kín đáo e ấp tình tứ của dòng sông. Động từ bung nở là một động từ mạnh đứng trước hai loài hoa của mùa xuân là hoa gạo đỏ tươi và hoa ban trắng tinh khiết làm tăng thêm cảm nhận về sự vận động của sắc màu cứ xôn xao rạo rực rồi bừng lên lộng lẫy, trang điểm cho dòng sông đẹp tuyêt diệu cuốn hút lòng người. Những phép tu từ giúp Nguyễn Tuân vừa tả sông Đà lại vừa gợi lên vẻ đẹp lỗng lẫy giống như một cô gái Tây Bắc e ấp tình tứ.
Sông Đà còn có màu nước trữ tình, mùa xuân dòng xanh ngọc bích mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa. Sự thay đổi màu nước theo mùa làm dòng sông giống hệt một thiếu nữ thất thường. Nghệ thuật so sánh bất ngờ táo bạo rất Nguyễn Tuân đã làm nên một sông Đà thơ mộng, trữ tình, đa tình, đa cảm. Sông Đà là con sông gợi cảm. Dòng sông Đà mang lại khơi dậy trong lòng người bao nỗi niềm xúc cảm: Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân. Sông Đà gợi niềm vui của con người với cảnh cũ, tình xưa. Đến với sông Đà Nguyễn Tuân còn thấy lòng mình như trẻ lại, thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt rồi bỏ chạy. Sông Đà đã gợi nỗi niềm thơ bé trong lòng tác giả. Cảnh bờ bãi ven sông còn gợi lên trong Nguyễn Tuân niềm vui, niềm hứng khởi rất thi sĩ: Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đặc biệt sông Đà còn gợi trào dâng cảm hứng thi sĩ, đứng trước sông Đà không ai không nghĩ đến những câu ca dao thần thoại Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, những câu thơ tình của Tản Đà, những câu thơ Đường của Lý Bạch. Bỗng chốc sông Đà đã biến Nguyễn Tuân thành thi sĩ của tình yêu cảnh vật, cuộc đời, thiên nhiên xã hội con người.
Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn toát lên từ không gian tĩnh lặng. Phải chăng đây là đoạn Sông Đà ở hạ nguồn dòng sông hiền lành yên ả Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Cái tình lặng ở sông Đà đưa Nguyễn Tuân trở về với quá khứ. Sông Đà trở thành nơi hội tụ của vẻ đẹp lịch sử. Cũng bằng liên tưởng, xúc cảm đồi dào Nguyễn Tuân đã nhận ra vẻ đẹp mộng mơ, huyền ảo, hồn nhiên hoang dã của sông Đà. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích thủa xưa. Bờ tiền sử, nỗi niềm cổ tích thủa xưa là cách nói rất độc đáo của riêng Nguyễn Tuân. Nó không chỉ tạo cho câu văn nhạc tính mà còn làm ra giá trị gợi cảm của nó. Dòng sông Đà hiện nên thơ mộng, trữ tình, hồn nhiên, tươi sáng. Cảnh sắc ven sông Đà đẹp như trong huyền thoại cổ tích. Ở đó cây lá đều tươi mới non tơ những lá ngô non đầu mùa, những búp nõn cỏ gianh, ở đó có những con vật hoang dã nhưng nghe được tiếng người: ở đó con người đắm chìm trong cảnh vật, thấu hiểu tiếng nói của loài vật. Vẻ đẹp của dòng sông Đà thật trữ tình thơ mộng.
3.2. Ánh văn giàu chất thơ.
Có nhà phê bình văn học đã nhận xét tùy bút Sông Đà là loại tùy bút – bút kí. Đọc tùy bút Người lái đò Sông Đà, ta tiếp nhận được bao kiến thức mới lạ về địa lí, lịch sử, văn hóa, phong tục về một xứ sở, một dòng sông, về cảnh và người Tây Bắc... chỉ nói về thơ ca, ta thấy được một Nguyễn Tuân rất sành điệu, tài hoa và uyên bác. Hai câu thơ đề từ mà ít người biết được xuất xứ ca ngợi vẻ đẹp nên thơ của sông nước, vẻ đẹp độc đáo của Đà Giang: Đẹp thay tiếng hát trên dòng sông, và Chúng thủy giai đông tẩu - Đà Giang độc bắc lưu. Cũng như con sông Trường Giang bên Trung Quốc, con sông Đà của ta cũng mang vẻ đẹp Đường thi như một câu thơ tuyệt bút của Lí Bạch hơn 1.300 năm về trước:
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Lúc thì Nguyễn Tuân nhắc lại câu ca nói về chuyện thần Sông, thần Núi tranh giành người đẹp như dẫn hồn ta trở về huyền thoại: Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen. Thi sĩ Tản Đà với Nguyễn Tuân là đôi bạn vong niên. Ta bắt gặp hai câu thơ Tản Đà trong bài tùy bút, thật là thú vị:
Dải sông Đà bọt nước lênh bênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình.
Qua đó ta càng cảm thấy, tình sông núi cũng là tình tri âm tri kì. Nói về truyền thông yêu nước anh hùng của đồng bào Tây Bắc xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng, nhà văn đã không quên chọn hai câu thơ của Nguyễn Quang Bích - bậc sĩ phu kiên cường chống Pháp cuối thế ki XIX – để đưa vào bài kí:
Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu
Giữ lấy Thao Đà dải thượng lưu.
Trang văn của Nguyễn Tuân có lúc tưởng như hội tụ tinh hoa văn hóa cổ kim Đông Tây. Tâm hồn người đọc như được nâng lên một tầm cao nhân văn, trí tuệ được khơi dậy, trở nên bừng sáng và giàu có.
4. Bàn luận
Trang văn của Nguyễn Tuân có lúc tưởng như hội tụ tinh hoa văn hóa cổ kim Đông Tây. Tâm hồn người đọc như được nâng lên một tầm cao nhân văn, trí tuệ được khơi dậy, trở nên bừng sáng và giàu có. Người lái đò Sông Đà  đúng là một giai phẩm mà Nguyễn Tuân đã góp vào, làm đẹp thêm vườn hoa nghệ thuật Việt Nam.
Ai đã từng đọc Vang bóng một thời chắc cảm nhận được cái sắc sảo, lịch lãm, tài hoa của Nguyễn Tuân khi ông nói về thư pháp, về uống trà, chơi đèn trung thu của những nhà nho thuở trước. Mà lòng thêm thư thái tự hào về bản sắc tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam được kết tinh trong tâm hồn dân tộc qua hàng nghìn năm. Đọc tùy bút Người lái đò sông Đà, ta vui thú thấy Nguyễn Tuân đã để thơ vào sông nước. Ông đã khám phá sự vật - con sông Đà - ở phương diện văn nghệ thuật, đã miêu tả, nhận diện con người - ông lái đò - ở phương diện thi hoa, nghệ sĩ. Tả cảnh thì biến hóa trong bốn mùa, trong mọi thời gian. Nói về thác ghềnh thì đa thanh, phức điệu, bằng tất cả cảm giác tinh tế, bao liên tưởng đầy thi vị, với bao cảm giác mạnh đầy màu sắc và góc cạnh với một kho từ ngữ giàu có, sáng tạo. Văn của Nguyễn Tuân đúng là những giọt mật của con ong yêu hoa, cần mần và sáng tạo, đem thơm thảo cho đời. Câu văn xuôi rất đẹp, lúc thì vang vọng âm ba của thác ghềnh, lúc thì mênh mang dư vị của hương nguồn hoa núi.
Kết luận
Thành công xuất sắc của tùy bút Người lái đò sông Đà đó là bức tranh thiên nhiên rất thực hòa quyện với cảm hứng mãnh liệt và niềm đam mê của Nguyễn Tuân. Những đặc sắc nghệ thuật với rất nhiều biện pháp tu từ và kho ngôn ngữ phong phú ngùn ngụt chất liệu sức sống khiến dòng sông Đà của thiên nhiên vĩnh viễn trở thành dòng sông nghệ thuật. Đọc Người lái đò sông Đà ta yêu thêm con người Việt Nam cần cù, dũng cảm, ta tự hào về núi sông Tổ quốc nguy nga, tráng lệ. Sông Đà quả là quà tặng của thiên nhiên, là hồn thiêng đất Việt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: