VAI TRÒ CỦA NHÂN DÂN TRONG ĐẤT NƯỚC CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM (Cực quan trọng trong ôn thi)
Đề bài: Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm để thấy được vai trò của nhân dân đối với đất nước.
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
….
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”
Bài làm:
Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông nổi bật là trường ca “Mặt đường khát vọng”, ra đời năm 1971 ở chiến khu Trị-Thiên, in lần đầu năm 1974. Đó là những lời ca, tiếng hát của thanh niên đô thị vùng tạm chiến miền Nam, ý thức được xứ mệnh thế hệ của mình, tham gia, hòa nhịp với cuộc chiến đấu của dân tộc. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Chương 5 của trường ca là “Đất nước” thể hiện rõ cảm xúc và tư tưởng chủ đạo của trường ca: ” Đất nước này là đất nước nhân dân”. Đoạn thơ mười hai câu dưới đây càng chỉ rõ vai trò của nhân dân đối với Đất Nước dưới cái nhìn mới mẻ, thú vị và mang tính chiều sâu của Nguyễn Khoa Điềm.
“”Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
….
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”
Tư tưởng đất nước nhân dân đã từng xuất hiện trong văn học trước đó. Nhưng trải qua hai cuộc đấu tranh Vệ quốc vĩ đại của dân tộc, thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Với Nguyễn Khoa Điềm, ” Đất nước” là kết tinh những cống hiến và tỏa sáng bao vẻ đẹp tâm hồn của các thế hệ nhân dân. Nhân dân là người đã làm nên đất nước muôn đời chứ không phải do một vương triều hay một anh hùng cụ thể. Tác giả đã quy tụ cái nhìn ấy khi dẫn ra hàng loạt địa danh thắng tích ở mọi miền đất nước mà trước hết là:
” Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái”
“Núi Vọng Phu”, “Hòn Trống Mái” đó là danh lam thắng cảnh nổi tiếng xứ Thanh, xứ Lạng. Câu chuyện về người Tô Thị hóa đá trong kho tàng văn học dân gian bỗng trở nên lấp lánh sức sống mới về đất nước, nhân dân nhờ tác giả đã khéo vận dụng chất liệu văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian để dệt lên bức tượng đài về Đất nước. Ta bỗng nhớ tới bài ca dao xưa cùng với vẻ đẹp của xứ Lạng nơi địa đầu Tổ Quốc:
“Đồng Đăng có phố Kì Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm men
Mải vui quên hết lời em dặn dò”
Và câu chuyện cảm động về chàng trai cô gái yêu nhau thắm thiết và sống chết bên nhau để lại cho Sầm Sơn huyền tích “Hòn Trống Mái”.
Những địa danh đó đã quá đỗi quen thuộc với mỗi chúng ta nhưng đi vào thơ Nguyễn Khoa Điềm nó trở lên kì lạ và lấp lánh một vẻ đẹp mới. Kì lạ bởi những tên núi, tên danh lam thắng cảnh ấy không phải là sản phẩm của tạo hóa mà được nảy mầm từ trong tâm hồn, số phận nhân dân. Bởi bao hàm trong mỗi cái tên đó là cả một trang huyền thoại đẹp về con người Việt Nam. Họ đã khắc dấu vết của mình lên thành hình sông thế núi. Nếu không có những người vợ bồng con chờ chồng trong suốt những cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc thì Đất nước sao lại có nàng To Thị – Hòn Vọng Phu. Nếu không có những chàng trai, cô gái yêu thương nhau tha thiết thì sao có chuyện huyền tích Hòn Trống Mái; sao có hình ảnh “núi chồng, núi vợ đứng sóng đôi” và những hồ Than Thở, hồ Núi Cốc,… ” Mối tình thương nhau đã hóa sông, hóa núi để lại những khúc ca cho muôn đời” (Lời của Phó Đức Phương). Như vậy ta thấu Nguyễn Khoa Điềm đã vượt lên lối liệt kê tầm thường để có một cái nhìn mới về thiên nhiên, đất nước. Chính tình yêu đôi lứa thủy chung đã góp phần làm nên những tên danh lam thắng cảnh của Đất nước.
Nguyễn Khoa Điềm còn có nhũng phát hiện tinh tế, cách khám phá độc đáo về vẻ đẹp của Đất nước gắn với sức sống tinh thần của nhân dân trong triều sâu của văn hóa dân tộc:
” Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đồng để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương”
Khi ta sinh ra núi sông đã có rồi, nhưng đó là dòng sông vô tích, ngọn núi vô danh. Căn cứ vào hình sông thế núi, vào huyền thoại của lịch sử, vào truyền thống của nhân dân mà con người đặt tên cho núi, cho sông. Truyền thuyết về chàng trai làng Gióng nhổ tre ngà đuổi giặc ngoại xâm hay truyện kể về chín mươi chín voi ngà cùng quay đầu về đất tổ linh thiêng (chỉ có một con voi trong trăm con voi ấy quay ngược về hướng khác và ở thế bị chặn đầu) cũng nhằm lí giải về đất nước nhân dân trong sự vĩnh hằng, vĩnh cửu của những giá trị văn hóa tinh thần. Nhà thơ tạo nên những liên tưởng sâu xa và thú vị về đất nướ giúp ta cảm nhận sâu sắc hơn Đất nước ở nhiều phương diện, nhiều góc độ. Trở về với bình minh Đất nước ta lại càng thêm tự hào về truyền thống chống ngoại xâm, về tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức cộng đồng, về truyền thống ngưỡng vọng thiêng liêng. Đất nước lung linh hưởng sắc văn hóa dân gian và lấp lánh bao vẻ đẹp tinh thần của nhân dân.
Người xưa quan niệm danh lam thắng cảnh của đất nước là sản phẩm của tạo hóa hoặc do trời đất ưu ái ban tặng cho con người, hay vô thức đánh rơi xuống trần : “Cảnh tiên rơi cõi tục” (Núi Dục Thúy-Nguyễn Trãi) thì giờ đây Nguyễn Khoa Điềm lại chỉ ra rằng những thắng tích khắp ba miền mà nhà thơ dẫn ra ở đây là sản phẩm tinh thần của nhân dân:
“Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Những người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên,
Con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ LOng thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”
Bên cạnh điệp từ “những” thì động từ “góp” được láy đi láy lại nhiều lần với những tần số lớn xoáy sâu vào nhận thức của chúng ta về Đất Nước muôn đời do biết bao con người không tên, không tuổi đã chung đúc tạo nên hình hài, tâm hồn Đất Nước. Non sông Đất nước hùng vĩ tươi đẹp đều có sự hóa thân kì diệu của nhân dân.
Đất nước gắn liền với dòng Cửu Long giang huyền thoại thơ mộng với những học trò nghèo vượt khó, hiếu học, thông minh để rồi ngọn núi mang hình nghiên, hình bút lưu giữ truyền thống hiếu học của Đất nước. Những con vật nhỏ bé tầm thường như con cóc, con gà cho đến những con vật trong bộ tứ linh cũng góp phần làm đẹp cho đất nước. Và ngay cả những người dân Nam Bộ thành đồng như ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm cũng trở thành tên đất, tên làng, tên xóm. Bao con người không ai nhớ mặt đặt tên nhưng đã trở thành anh hùng làm nên đất nước trường tồn.
Tám câu thơ mở đầu của đoạn phân tích, tác giả nhắc đến hàng loạt những tên địa danh gắn liền với chất liệu văn hóa dân gian. Đặc biệt nhà thơ điệp đi điệp lại từ “góp” và đem đến cho động từ vị ngữ ấy nhiều ý nghĩa mới thể hiện một khám phá của tác giả tuy bình dị nhưng mang tính nhân văn cao cả: nhân dân chính là người nghệ sĩ đã tạo ra giá trị tinh thần để làm đẹp thêm thiên nhiên đất nước và người đọc nhận thấy được sự hóa thân kì diệu của nhân dân làm nên đát nước muôn đời.
Nếu tám câu thơ trước đó nhà thơ nghiêng về sự dẫn giảu qua những hình ảnh vừa cụ thể vừa mang ý nghĩa biểu tượng về những đóng góp và hi sinh của nhân dân hóa thân vào đất nước thì bốn câu thơ còn lại có tính khái quát khẳng định đất nước của nhân dân:
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…”
Lời thơ cô đúc giàu suy tư thể hiện rõ cái nhìn tổng hợp toàn vẹn của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước nhân dân. Đất nước được cảm nhận và soi chiếu ở ca ba trục: chiều rộng địa lý (ruộng, đồng, gò, bãi), chiều dài của lịch sử (suốt bốn nghìn năm), và chiều sâu của văn hóa dân tộc (ao ước một lối sống ông cha). Một lần nữa giúp ta có cái nhìn sâu sắc: Đâu đâu trên khắp mọi miền đất nước cũng có hình hài, vóc dáng cuộc đời, linh hồn của nhân dân vì nhân dân đã làm nên tên đất, tên làng, cốt cách dân tộc…Nguyễn Khoa Điềm không sa vào kể lể những mốc son lịch sử oai hùng của Đất nước, cũng không kể về người anh hùng lưu danh trong sử sách mà bày tỏ: ” Những nhận thức phong phú, niềm tự hào và biết ơn trân trọng đặc biệt những anh hùng vô danh – đó là nhân dân khi nhìn lại bốn nghìn năm đất nước”
Đoạn thơ có kết cấu chặt chẽ nhưng những câu thơ tự do lại được viết linh hoạt thoải mái, làm tăng nhận thức cũng như tình yêu đất nước, nhân dân của tác giả nói riêng, người đọc nói chung. Viết về Đất Nước – một đề tài lớn mà thơ ca Việt Nam trước đó có nhiều thành tựu, nhưng Nguyễn Khoa Điềm vẫn có được tiếng nói rieng sáng tạo, độc đáo. Đất nước mang đậm tư tưởng nhân dân và cũng thật gần gũi bình dị, lung linh tỏa sáng như huyền thoại ca dao.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro