van hoa viet nam --- dam cuoi----
dam cuoi==============
Hôn lễ Việt Nam tuy ban đầu chịu ảnh hưởng nặng nề theo Chu Công lễ, về sau dần dà cải thiện theo phong tục tập quán và văn hóa riêng của dân tộc ta. Hôn lễ Việt Nam từ đây thiên về xã hội tính, dành nhiều thoải mái cho trai gái hơn và chuyện cấu kết thông gia cũng không nặng nề câu nệ theo tín ngưỡng và phép tắc, giáo điều Khổng Mạnh. Cho nên tới cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, hôn lễ trong đời sống Việt Nam có tính cởi mở nhiều và ngày càng giản lược nhưng thân hòa, ý nghĩa hơn.
Bắn tin: Sau khi người con trai đã tìm hiểu và đã có ý kén người con gái làm bạn trăm năm, bố mẹ chàng trai nhờ người đưa tin cho bố mẹ cô gái có ưng chịu hay không ưng chịu thì cho tin lại. Về tục bắn tin này, luật ta xưa có nói rằng: "Trước khi đi hỏi, nhà con gái phải làm hôn thư, kể rõ hai người ấy có bệnh tật gì không, con vợ cả, hay con vợ lẽ". Ngày nay lệ lập "hôn thư" không còn nữa, đôi bên chỉ nói miệng cho nhau. Trước đây, một đôi gia đình sang trọng khi cưới xin phỏng theo sách "Văn Công gia lễ" làn hôn thiếp bằng giấy hồng đào, có kê đồ lễ vật, nhưng đây đây chỉ là trường hợp rất hãn hữu.
Dạm ngõ hay xem mặt: Có nhiều cặp trai gái, đã gặp gỡ nhau rồi mới lấy nhau, nhưng việc hôn nhân do cha mẹ định , nên có nhiều đôi trai gái không hề biết mặt nhau; Lễ "chạm ngõ" để chàng trai xem mặt cô gái, và cũng là dịp để cô gái thấy rõ người phối ngẫu tương lai của mình. Lẽ tất nhiên tin đi, mối lại phải nhờ ông mai bà mai. Ông bà mai thường nói hay cho cả hai bên, đôi bên cũng nhân lễ "chạm ngõ"để xác nhận lời nói của ông mai bà mai. Trong lễ "chạm ngõ", đôi bên thường khơi ra những câu chuyện để tìm hiểu chú rể cô dâu, nhất là nhà trai. Muốn tìm biết cô dâu trong lúc ở nhà mình, nhà trai nhìn cô dâu trong công việc làm, xét cô dâu trong cử chỉ. Trong cuộc hôn nhân việc "chạm ngõ" chỉ làm theo tục lệ, đôi bên họ đều tin ở ông mai, bà mai. Giờ đây lễ "chạm ngõ" chỉ còn là một lễ theo hình thức vì khi đôi bên trai gái đã hiểu nhau lắm, không cần phải tới ngày "chạm ngõ" mới biết nhau.
Ăn dặm hay vấn danh: Lễ này ngày nay không còn . Theo tục lệ, khi ông mai bà mai đã được nhà gái trả lời ưng thuận hôn nhân, liền báo tin cho nhà trai biết. Kế đó, ông hoặc bà mai dẫn mấy đại diện của nhà trai tới nhà gái với lễ vật, thường gồm cau trầu, chè rượu. Trong dịp này, nhà trai xin tờ "lộc mệnh" của cô dâu, tức là giấy ghi ngày sinh tháng đẻ.
Ăn hỏi hay nạp tệ: Sau lễ ăn dặm rồi, ông hoặc bà mai liên lạc với nhà gái để ấn định ngày ăn hỏi.
Đến ngày ấn định ông hoặc bà mai dẫn nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính thức công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái đã nghiễm nhiên đã trở thành đôi vợ chồng chưa cưới. Lễ ăn hỏi gồm cau, rượu, chè (trà) và bánh trái. Những gia đình xưa thường dùng bánh cặp nghĩa là gồm hai thứ bánh tượng trưng cho âm dương. Những cặp bánh thường dùng trong lễ ăn hỏi là bánh xu xê và bánh cốm, bánh xu xê tượng trưng cho Dương, bánh cốm tượng trưng cho Âm, hoặc bánh chưng và bánh dày, bánh chưng vuông là Âm, bánh dày tròn là Dương. Thường thường cùng kèm với bánh chưng và bánh dày thường có quả nem. Bánh cốm, bánh xu xê, bánh chưng, bánh dày và cả quả nem nữa dùng trong lễ ăn hỏi đều được đựng trong hộp giấy màu đỏ hoặc bọc trong giấy đỏ, màu đỏ chỉ sự vui mừng. Cũng có gia đình thay vì các thứ bánh trên, dùng xôi gấc và lợn quay...
Những lễ ăn hỏi của nhà trai mang tới, nhà gái đặt một ít lên bàn thờ gia tiên. Khi lễ ăn hỏi xong, bánh trái, cau, chè được nhà gái "lại quả" cho nhà trai một ít, còn nhà gái dùng để chi cho họ hàng, thân bằng quyến hữu. Trong việc chia bánh trái, cau, chè cau phải chia theo số chẵn, nhưng kiêng chia hai quả, nghĩa là mỗi nơi từ bốn quả cau, bốn lá trầu trở lên. Con số chẵn là số dương, số lẽ là số âm dùng trong việc cúng lễ. Việc chia bánh trái, cau, chè sau lễ hỏi có ý nghĩa nhà gái muốn báo tin cho họ hàng bạn bè biết là con gái mình đã đính hôn. Theo lối mới bây giờ, cũng chia bánh trái, thường có kèm theo những tấm thiếp của đôi bên hai họ báo tin đính hôn của đôi trẻ. Nếu ngày nghênh hôn không xa ngày hỏi, trong thiếp sẽ ghi rõ lễ cử hành vào ngày nào. Trong trường hợp này có khi cùng với thiếp "báo hỷ" lại có thiếp mời tiệc cưới.
Việc chia đồ lễ ăn hỏi, nhà gái thường nhờ các cô gái trong họ hoặc bạn bè chia giúp. Khi nhà trai dẫn lễ ăn hỏi tới nhà gái, nhà gái thường làm cơm thếch đãi. Sau lễ ăn hỏi đôi bên kể là giao kết gắn bó với nhau rồi. Tuy vậy ngày xưa các cặp vị hôn phu và hôn thê cũng không được phép gặp nhau, trừ trường hợp đặt biệt lắm đôi bên cha mẹ mới cho phép. Phong tục ngày nay đổi khác, sau lễ ăn hỏi đôi trai gái thường gặp nhau luôn. Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới, xưa kia có khi hàng hai ba năm, nhưng ngày nay thời gian đó thường được rút ngắn, có khi chỉ vài ba ngày. Chính ngày xưa, các cụ vẫn khuyên các chàng trai đã hỏi vợ thì cưới ngay để tránh sự bất trắc của thời gian. Ca dao có câu:
"Cưới vợ thì cưới liền tay
Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha"
Lễ ăn hỏi xong đôi bên trai gái chờ lễ cưới là xong nhưng theo tục xưa, có nhiều nhà gái đã nhận ăn lễ hỏi của nhà trai cũng không cho cử hành lễ nghênh hôn sớm, có khi vì cô gái còn quá nhỏ tuổi, có khi vì cha mẹ thương con vì không muốn con sớm phải về nhà chồng...
Lễ nghênh thân: Lễ này còn gọi là lễ nghênh hôn vì chính trong lễ này chú rể phải tới nhà bố vợ để đón cô dâu. Bởi vậy, lễ nghênh thân còn gọi là lễ đón dâu.
Sau ngày ăn hỏi, trước ngày đón dâu, nhà trai phải tới đằng nhà gái xin cưới. Sở dĩ phải xin cưới vì tục xưa hỏi vợ xong, khi đôi trẻ còn quá nhỏ tuổi, lễ cưới không cử hành ngay. Nhà trai muốn làm lễ cưới phải cho nhà gái biết và xin cưới. Việc xin cưới thường do môi nhân làm trung gian nói thẳng với nhà gái, nhưng cũng có khi nhà trai trao thư cho nhà gái.
Người xưa tránh lễ nghênh hôn trong thời kỳ có tang, hoặc bên trai hoặc bên gái. Khi có tang thì phải đợi mãn tang, tức là sau ba năm mới được làm lễ cưới. Thời gian chờ đợi lâu nên có trường hợp hai bên phải làm lễ cưới gấp rút để "chạy tang" thường là:
- Lễ cưới tiến hành ngay trong khi người bệnh (ông bà nội ngoại, cha mẹ hai bên) đang hấp hối.
- Lễ cưới trước hay ngay sau khi phát tang.
Thời xưa, khi nhà trai xin cưới, nếu nhà gái thuận thì trả lời cho nhà môi giới, tức là ông bà mai, nhưng sự trả lời này còn bao gồm việc thách cưới, nghĩa là nhà gái đòi nhà trai trong lễ đón dâu phải có những đồ lễ gì, bao nhiêu. Thách cưới, nhà gái thường đòi với số lượng yêu cầu thường là trầu rượu, cau, trà , bánh trái, gạo, heo, đồ trang sức, y phục cho cô dâu và cả tiền mặc nữa. Chuyện thách cưới giống như người ta trong cuộc mua bán một món đồ vật, cho nên mơi có từ "gả bán". Nhà gái nhiều khi thách cưới quá nhiều, nhà trai phải xin rút xuống. Nhà gái "giơ cao đánh khẽ", tuy thách nhiều nhưng khi nhà trai xin rút vẫn ưng thuận. Ta có câu:"Gả con đâu phải bán trâu" và cũng có câu "Thương con ngon của" để tỏ rằng tuy nhà gái có thách cưới nhưng nhà trai vẫn xin được. Tuy vậy, cũng có cuộc hôn nhân phải tan vỡ vì bố mẹ cô dâu thách cưới quá nhiều nhà trai không lo đủ. Ngày nay, nhà gái linh động hơn và "tâm lý" hơn nên có nhiều nhà giàu không thách cưới nhưng lại nói "làm sao coi được thì thôi". Câu này cũng là một lối thách cưới nửa vời, khiến đối phương vẫn thường lo ngại. Thế nào mới là "coi được" chứ?
============ nghi le hon nhan===========Thời xưa, gia đình nào mỗi lần có đám cưới vợ cho con là một lần trải qua một cuộc thử thách trước những nghi thức và thủ tục rườm rà mà người ta luôn luôn phải học hỏi bàn bạc trước với nhưng người cao niên kinh nghiệm, để làm sao tránh được tiếng đời cười chê. Đúng ngày cưới, người ta chọn giờ "hoàng đạo" mới đi, thường là về chiều, có nơi đi vào chập tối, ở thôn quê, đi ghe, người ta còn phải căn cứ vào con nước để "thuận buồm, xuôi gió". Trước khi đi đón cô dâu, chú rể phải làm lễ rước bàn thờ gia tiên của mình cùng làm lễ với cha mẹ mình. Lễ gia tiên thì phải lạy bốn lạy rưỡi, tức là bốn lạy và một xá, còn với cha mẹ thì hai lạy rưỡi. Lễ gia tiên có ý nghĩa là trình việc thành hôn của mình lên các cụ, các ông bà, còn lễ với cha mẹ là để đền ơn sinh thành và công dựng vợ cho mình.
Dẫn đầu đám rước đàng trai là một cụ già nhiều tuổi được dân làng kính nể vì tuổi tác, tư cách, địa vị xã hội và nhất là lý do muốn có con đàn cháu đống. Thường thì người này đóng vai chủ hôn, cầm hương (nhang) đi đầu. Tiếp theo là người nhà đàng trai. Còn chú rể thì đi giữa mấy chàng phù rễ.
Trong đám rước này, chàng rể bưng khay trầu rượu , trong đó có đĩa trầu được têm sẵn với mấy miếng cau tươi, với số chẵn, và một nhạ đựng rượu hồng cùng mấy cái ly con cũng có số chẵn. Khi tới nhà gái, chàng rễ trao khay trầu rượu này cho một chàng phù rể hay một người có tuổi cùng với vị trưởng lão hoặc vị trưởng tộc nhà trai đi vào nhà gái, được trưởng tộc nhà gái tiếp rước, để báo tin nhà trai đã đến, đứng chờ bên ngoài. Khi báo tin này, vị trưởng tộc hay trưởng lão nhà trai rót rượu mời vị trưởng tộc hay trưởng lão nhà gái.
Một số gia đình thâm nho, học thức ngày xưa nhân dịp này còn bày tỏ trình độ lễ nghĩa và tài học của gia đình mình bằng cách trao tặng nhà gái một câu đối liễn nói về cuộc hôn nhân kết hợp hai gia đình. Nhưng có khi đây cũng là sự đối đầu của hai tài văn bắt bẻ nhau từng chữ khiến cho cuộc rước dâu sinh chuyện. Khi ông tộc trưởng bên nhà gái thấy đúng giờ mới bước ra đón chàng trai, nếu không, khi chưa đúng giờ đã định, ông bắt đợi thì họ đàng trai cũng phải đợi, cho dù trời có nắng hay mưa như thế nào cũng mặc. Tội cho các chú rể phụ phải gồng mình đứng bưng mâm đồng hoặc thau nặng trĩu (ngày nay người ta dùng tráp quả) đựng lễ vật mà không được để xuống nghỉ tay.
Trên đường đến nhà gái, nhà trai gặp phải một tục sau đây, mà nguyên gốc có từ lâu ở bên Tàu. Đó là tục "giăng dây". Khi đám cưới tới gần nhà gái, thường nhà trai đốt một dây bánh pháo (ngày nay, nhà gái đốt một dây pháo chào mừng nhà trai trước khi ông sui gái bước ra mời nhà trai vào nhà mình). Lúc ấy, đường vào nhà gái có những người, nhất là các trẻ em mang dây hồng ra chăng ngang đường. Họ nhà trai phải cho tiền những người chăng dây để họ buông ra. Tục "giăng dây" không phải chỉ đơn thuần như vậy. Có trường hợp mang ý nghĩa khác, có tính cách xã hội được thể hiện trong câu chuyện sau đây:
"Một cụ già năm 1969 ngoài bát tuần đã chứng kiến một đám chăng (giăng) rất gay go: Hai lần đưa tiền mặt trên khay với một cơi trầu, người cha chú rể trịnh trọng đứng ra nói, dây chăng vẫn không được rút bỏ. Sau cùng ông nội chú rể từ làng trên thân hành đến nói nhờ vị trưởng lão trong xóm ra can thiệp, mới được mở đường cho đi. Nhân dịp ấy một bài học đã được giảng dạy. Cha chú rể vẫn thường cậy giàu khinh người, lại có tính ích kỷ, xấu bụng, không giúp đỡ ai bao giờ. Người ta đã nhè lúc có việc mà xử trị cách ấy. Bố của nhà phú hộ phải đến nói xin mới xong.
Nhiều khi trưởng họ đóng cửa nhà thờ không để cho cô dâu chú rể đến lễ yết tổ cũng vì cha mẹ chú rể ngày thường đối xử chẳng ra gì với họ hàng hay ông trưởng.
Nếu chỉ nói tục "giăng dây", đóng cửa nhà thờ đưa tiền là xong, thế tất có sự hiểu lầm xấu xa cho phong tục. Người hiền lành nhân hậu ăn ở có tình cảm với họ hàng làng trên xóm dưới thì không có sự chăng dây, đóng cửa nhà thờ khi cưới con. Ông cha, chú bác những kẻ chủ xướng chăng dây đã ngăn cản không thể cho làm, trưởng họ nếu là hàng con cháu thì chú bác khuyên thiện, thay cho phong hóa. Tiếc thay nơi có phong tục ấy đã trở thành đồi tệ, tạo cơ hội cho những kẻ ti tiện làm tiền trắng trợn không biết kiêng nể.
Dây chăng ngang qua đường thường có gài ở khoảng giữa một mảnh vải tây điều tượng trưng vui mừng, nếu không cho tiền chúng sẽ dọa cắt đứt dây là "điềm gở" cho đôi lứa mai sau. Đối với đám cưới nhà giàu thì đây là cái thắt lưng nhiễu điều chăng ngang đường, ở đầu dây thường có bày một cái án và giá gương độc bình đỉnh đồng, dụng ý long trọng để "thưa rằng đừng lấy làm chơi". Có khi bọn chăng dây còn đốt pháo mừng để cho nhà trai phải "liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau". Xét ra, tục chăng dây này cũng không phải là một nghi thức đươc nhà trai tổ chức mà là "âm mưu của những kẻ lợi dụng cơ hội" mà thôi.
Tục đóng cổng: Khi đám rước của nhà trai đã vượt qua mọi lớp chăng dây, tới cổng nhà gái, thường cổng lại bị đóng lại bởi các em của cô dâu, hoặc người trong nhà. Nhà trai phải bỏ tiền ra để cho người mở cổng, gọi là "tiền mở cổng".
Khi cổng nhà mở rồi, họ nhà trai bước vào cùng với tiếng pháo do họ nhà trai đốt, hòa lẫn với tiếng pháo của họ nhà gái đón mừng họ nhà trai. Còn ngày nay, chỉ có pháo của họ nhà gái chứ không có tiếng pháo của họ nhà trai. Pháo của họ nhà trai nổ khi nào đã rước cô dâu về trước cửa nhà họ đàng trai.
===========nghi le ruoc dau====Thắp hương giường thờ: Họ nhà gái mời nhà trai vào nhà. Nhà trai cho đặt đồ lễ lên giường thờ (ngày xưa người ta thờ trên giường chớ không phải trên bàn hay trên tủ như bây giờ). Và ngày nay khi đàng trai được mời vào nhà, các chú rể phụ hay những người bưng phụ đồ lễ vật đứng dàn hàng ngang trước mặt các cô dâu phụ hay các thiếu nữ bên nhà gái, cũng đứng hàng ngang đối diện để trao những mâm hay quả tráp lễ vật. Các cô này đem lễ vật vào đặt trên bàn có thứ tự trước bàn thờ gia tiên. Lúc này nhà gái kiểm điểm lại đồ thách cưới, tuy một phần đã được nhà trai đưa qua từ những hôm trước để tiện nhà gái làm cỗ đãi cho họ hàng (ngày nay lễ vật không đưa sang nhà gái trước nhưng nhà trai khi trình lễ vật, phải nói mấy lời cùng nhà gái lễ vật gồm những thứ gì). Chính người chủ hôn nhà trai giở nắp quả tráp hay khăn đỏ phủ lễ vật ngay sau lời mở đầu buổi lễ xin phép, nhà gái cho thắp hương để chú rể và cô dâu cùng lễ gia tiên.
Không phải ai cũng có thể thắp nén hương trong trong ngày lễ cưới được. Hương phải do bố, anh trai hoặc em trai cô dâu thắp. Nếu là anh trai hoặc em trai cô dâu thắp hương, nhà trai lại phải tặng một món tiền gọi là tiền thắp hương.
Tất cả nhưng sự khó khăn nhà trai phải vượt qua từ lúc chăng dây cho đến khi hương được thắp trên giường thờ, tục lệ đặt ra để chứng tỏ nhà trai không nề hà trong sự khó khăn để đón dâu, và cũng chứng tỏ sự thiết tha yêu thương vợ của chú rể.
Lễ gia tiên và lễ mừng: Chú rể vào lễ bàn thờ gia tiên nhà vợ bốn lễ rưỡi, sau đó cô dâu cũng lễ theo. Ngày nay, cô dâu và chú rể cùng làm lễ một lược, theo thể thức chú rể "bái gối" và cô dâu ngồi vẹt, tuy vậy mỗi lần chú rể bái, cô dâu chờ động tác cho nhịp nhàng. Lễ gia tiên xong, cô dâu và chú rể phải ra lễ mừng bố mẹ vợ. Ngày nay cô dâu và chú rể lạy bố mẹ ngay liền trước bàn thờ gia tiên, thường được cha mẹ cho hỉ xả, nghĩa là cho miễn thủ tục này để tỏ lòng yêu thương, rộng lượng. Chàng rể lễ mừng bố mẹ vợ để tạ công ơn nuôi dưỡng vợ mình, còn cô dâu lễ mừng cũng có ý nghĩa tạ ơn cha mẹ tác thành lương duyên giai ngẫu cho mình. Khi chàng rể mừng lễ, bố mẹ vợ thường cho tiền hay vàng bạc. Các người phù rể sẽ nhận hộ chú rể. Có nhiều người có tính khoe khoang thường nhân dịp này cho chú rể nhà cửa, ruộng nương bằng cách trao cho văn tự hay địa đồ.
Ngày nay, sự việc có thay đổi. Trong lễ này bố mẹ vợ không cho tiền. Nếu cho tiền thì cho cô dâu ngay đêm trước ngày vu quy. Tại buổi lễ có thể người cha vợ quyết định cho lại vợ chồng một số tiền đồng hay là tiền chợ mà đàng trai trao cho nhà gái khi trình lễ vật. Bà mẹ cũng nhân dịp này trao cho con gái mình một vài món nữ trang, ngoài tính cách khoe khoang còn ngụ ý rằng "đây là của riêng con gái do bà mẹ tằn tiện để dành cho, chỉ được sử dụng khi nguy cấp để bảo hộ thân".
Lễ mừng cha mẹ xong, chàng rể được người trong họ nhà vợ dẫn đi lễ mấy nhà thờ chính của họ nhà vợ, có mấy chàng phù rể đi theo. Cũng có nơi, chàng rể phải đi lễ nhà thờ trước rồi lúc trở về mới làm lễ mừng bố mẹ vợ. Sau khi chàng rể làm lễ đủ mọi nghi thức xong rồi, nhà gái mới mời nhà trai uống nước ăn trầu và hai họ chúc tụng cô dâu chú rể. Thường nhà gái làm cỗ mời nhà trai. Trong bữa cỗ này, chú rể vì giữ lễ hoặc vì sung sướng quá nên ăn uống rất e dè từ tốn, có khi không dám ăn vì sợ họ nhà vợ chê cười. Ngày nay, ở miền Nam, theo khuôn phép gia đình nề nếp, chú rể và cô dâu không ngồi vào bàn trong các tiệc đãi mà phải đưa nhau đi từng bàn mời khách đôi bên mà cũng là dịp để nhận biết rõ những người thân thuộc. Họ nhà trai ngồi lại họ nhà gái cho đến lúc được giờ tốt, giờ hoàng đạo, cụ già chủ hôn xin với nhà gái cho rước dâu. Cô dâu lúc này đã y phục chỉnh tề, trang điểm với mọi nữ trang của mình cùng với những đồ dẫn cưới trước, đựng trong chiếc rương phủ nhiễu điều.
Họ nhà gái có một số người đi theo cô dâu, trong đó có các cô phú dâu. Các cô phù dâu đã được tuyển lựa trong số các thiếu nữ chưa lập gia đình cũng như các phù rể đều là các chàng trai chưa vợ. Đây cũng có ý nghĩa là dịp người ta "giới thiệu" những trai gái có thể tiếp nối kết duyên, vì vậy cũng thường có các cuộc hôn phối tiếp sau đó của những trai gái này.
=========nghi le nha trai========
Cụ già dẫn hôn lại dẫn đầu đám rước dâu. Lại đốt pháo trước khi đám đưa dâu lên đường. Đi theo cụ già cầm hương là hai họ nhà trai và nhà gái. Về việc cầm hương này, người xưa giải thích là để cúng vị thần hôn lễ, nhưng cũng có người cho rằng là để đốt vía những xấu mồm xấu miệng quở mắng khi có đám cưới đi qua.
Lễ rước dâu gọi là lễ vu quy, tức là gái về nhà chồng. Đây là một trọng lễ và mọi sự cẩn thận đều được chú ý. Bà mẹ cô dâu, trước khi cô ra đi thường gọi cô vào trong dặn dò thêm mấy điều cần thiết, dúi cho cô một số tiền để phòng hờ sau này tiêu dùng ở nhà chồng. Bà lại cẩn thận cài vào tà áo cô chín chiếc kim khâu để trừ tà trong lúc đi đường và nhiều bà mẹ lại cẩn thận lại dặn riêng con về tác dụng của chín chiếc kim khâu này vào buổi động phòng hoa chúc (chín chiếc kim khâu này hữu dụng đặc biệt giống như chiếc trâm cài tóc, theo quan niệm của người Hoa xưa là có thể dùng để trị chứng "thượng mã phong", một bất trắc trong việc phòng sự của những người đàn ông quá say mà người Hoa thường mắc phải. Khi người chồng mắc phải, trợn trắng và ngưng động trong khi hành sự, người vợ được dạy bảo có kinh nghiệm không nên hốt hoảng mà xô lật người chồng, vì làm thế người chồng chết ngay, mà phải lấy trâm cài tóc hoặc kim nhọn mà ghim vào đốt xương khu, thuộc khu thần kinh kích dục để giải tỏa sự tắc nghẽn của hệ thống thần kinh ở đây, cho máu lưu thông trở lại, làm như vậy người chồng sẽ hết và thở lại được điều hòa.)
Trở lại đám rước dâu ngày xưa thì đám rước cũng như lúc đưa rể thường đi bộ qua làng, có khi từ làng nọ sang làng kia, băng qua những cánh đồng, trên những bờ ruộng nhỏ. Vì đi về nhà trai vào ban đêm , có khi nữa đêm phải đốt đuốc. Khi đường quá xa thì người ta thường dùng cáng, hoặc xe song loan...
Ở Hà Nội, trước thế chiến thứ hai, các gia đình theo cổ, tuy có dùng xe hơi, nhưng chỉ dùng cho cô dâu chú rể cùng mọi người trong hai họ ngồi, còn mọi lễ vật và đồ đạc của cô dâu đã có những phu cưới ăn mặc áo the đen dài, quần trắng, đầu chít khăn lượt, ngang lưng thắt lưng hồng, khiêng theo đường. Những đồ lễ đựng trong những chiếc quả son hoặc mâm lợn quảy, hoặc xôi gấc thường được lồng vào giá để hai phu khiêng theo đường. Lúc đưa rể những phu cưới khiêng lễ vật , đến lúc đưa dâu, những phu khiêng này khiêng và đội đồ đạc của cô dâu: chăn, màn, quần áo, đôi khi có cả giường vv... (ngày xưa , tùy theo tục lệ địa phương, khi đi rước dâu, có nơi cha mẹ chàng rể không đi mà chỉ để chú rể đi với ông tộc trưởng đảm nhiệm chủ hôn, vì những bậc cha me này quan niệm rằng "không phải rước ...bà dâu"). Có địa phương, từ Bắc vô miền Trung, khi đưa dâu, cha mẹ cô dâu cũng không đi, vì để tránh nỗi buồn chia cách, nên phải nhờ người trong thân tộc đưa thay mình. Tục lệ này ngày nay vẫn có gia đình còn giữ. Ở miền Nam các bậc cha mẹ thường không câu nệ, có tinh thần phóng khoáng hơn, vì quan niệm lễ cưới là ngày vui của hai gia đình thông gia nên tất cả đều tham dự đưa rước. Người ta còn có sự hãnh diện về sự tồn tại của bậc cha mẹ trong ngày cưới của con.
Trở lại đám cưới ngày xưa ở miền Bắc, tại nhà trai, người ta chờ đợi đám rước dâu về. Một quả lò than đốt hồng đặt trước ngưỡng cửa để chờ cô dâu. Khi bước qua ngưỡng cửa, cô dâu phải bước lên trên chiếc "hỏa lò" này. Các cụ bảo rằng khi bước qua hỏa lò như vậy lửa hồng sẽ đốt hết những tà ma theo ám ảnh cô dâu và sẽ đốt vía của tất cả những kẻ độc mồm độc miệng đã quở mắng cô dâu ở dọc đường. Khi cô dâu tới nhà chồng, bà mẹ xách bình vôi vẫn dùng trong gia đình lẫn (trốn) sang nhà hàng xóm trong chốc lát. Hành động này có ý nghĩa là "nội tướng" cũ nhường quyền cho "nội tướng" mới. Bà mẹ chồng sau này sẽ nhường quyền quán xuyến gia đình cho nàng dâu, và bình vôi tượng trưng cho căn bản của gia đình. Trách nhiệm của nàng dâu sẽ nặng nề vì lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
Cô dâu vào lễ gia tiên nhà chồng. Khi cô dâu vào lễ gia tiên xong, bà mẹ chồng cũng đã trở lại với bình vôi. Bấy giờ cô dâu lễ mừng bố mẹ chồng, cũng như chàng rể đã mừng bố mẹ vợ. Nếu ông bà của chú rể còn sống, phải lễ mừng các cụ trước khi lễ mừng bố mẹ chồng. Ông bà cũng như bố mẹ chồng, nhận lễ của cô dâu đều tặng cho cô dâu món quà, thường là tiền hoặc là đồ nữ trang. Các cụ thường nói lúc trao quà: Ông bà (hoặc thầy) cho cháu (hoặc cho con) chút ít để làm vốn.
Tại một vài địa phương sau khi lễ gia tiên, ông bà và bố mẹ chồng, cô dâu chú rể cũng lễ mừng cả chú bác cô dì, và những người này để đáp lễ thường có quà, tặng cho đôi vợ chồng mới cưới. Lễ mừng ông bà và bố mẹ chồng rồi, mấy người chị em nhà chồng dẫn cô dâu đi lễ nhà thờ họ nhà chồng để trình diện với tổ tiên. Trong lúc đi lễ này cũng có các cô phù dâu đi theo. Lễ nhà thờ xong, cô dâu trở lại nhà chồng để dự lễ "tơ hồng".
=========te to long======Hôn lễ Việt Nam vì một phần theo nghi thức Tàu, nhưng một phần ảnh hưởng phong tục tập quán của nhiều địa phương khác nhau nên từ xưa được áp dụng một cách linh động. Chính vì đó mà cho tới ngày nay, mỗi khi có hôn lễ, người ta thường hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và những gia đình thận trọng khi chuẩn bị làm thông gia, người ta đã bàn bạc hỏi thăm cách thức tục lệ của mỗi gia đình, nhất là các gia đình ở khác địa phương, để áp dụng khỏi sai phạm, trật lý.
Ngay sự giải thích ý nghĩa một số hành động theo tục lệ, cũng có khác nhau. Thí dụ trước khi rước dâu về tới nhà, bà mẹ chồng xách bình vôi sang nhà kế lánh mặt trong chốc lát. Ở đoạn trước có trình bày, xem ra cũng có lý, nhưng lại có một số quan niệm có khác hơn.
Nhất Thanh trong Đất Lề Quê Thói có đoạn viết:
Nhiều bậc trưởng lão có kiến thức rộng cũng không biết rõ ý nghĩa hành động kia. Trong một buổi uống trà ba cụ lão nho nói chuyện về phong tục, một cụ kể lại có truyền thuyết cho rằng "xách bình vôi đi" là nắm giữ tài sản, hầu bảo vệ không để con dâu khôn ngoan bòn rút, hay khờ dại làm hư hao. Bình vôi được coi là biểu tượng của tài sản, các bà nội trợ rất kiêng không để sức mẻ vôi kết tảng trên miệng bình, và thường quệt vôi đắp thêm mỗi khi lấy vôi têm trầu, tin rằng miệng bình vôi càng dày dặn lên cao, tiền của trong nhà càng tăng thêm. Nghe vậy mà hỏi chẳng mấy ai biết, thành ra cũng e ngại không dám nhất thiết phụ hoạ sợ mang tiếng ăn ốc nói mò.
Ngay trong lễ tục Tế Tơ Hồng tuy nguồn gốc điển tích do người Tàu kể lại, cách thức của người Việt Nam và sự diễn giải của từng địa phương, cũng có đổi khác. Ngày nay, tuy người Việt mình theo đời sống mới đã bỏ hẳn lễ tục này, trong các đám cưới vẫn có người nhắc nhở như một kỷ niệm vui vui thời xưa. Nhất Thanh kể lại như sau: "Khi xưa tế Tơ Hồng ngay lúc sau khi đưa dâu về đến nhà, trước khi yết lễ tổ họ, lễ yết gia tiên và chào mừng ông bà cha mẹ họ hàng, ý rằng khi cô gái bước chân về đến nhà người ta là nên vợ chồng, lương duyên do ông Tơ chấp mối se lại, điều trước tiên là nghĩ đến công đức của Ông, tế lễ để ông chứng kiến việc hôn phối đã thành đồng thời tạ ơn Ông. (Có sách nói rằng khi cô dâu chú rể khi làm lễ gia tiên, lễ ông bà cha mẹ và họ hàng bên nhà trai xong mới làm lễ Tế Tơ Hồng.)
Lễ cử hành rất đơn giản. Bàn thờ thiết lập trung thiên nếu đẹp trời, bày lư hương và nến hay đèn, tế vật dùng xôi gà trầu rượu. Gọi là "tế" vì có xướng tế và có đọc chúc, nhưng không có đám cưới nào nhờ tư văn và phường nhạc trợ tế.
Cô dâu và chú rể đứng vào hàng ngang trên chiếu trải, trước hương án, theo lời xướng tế lạy bốn lạy rồi quỳ. Cũng theo lời xướng, một chấp sự đọc rót rượu, một chấp sự đọc văn tế, tân Lang và tân Giai Nhân phục xuống lễ tạ, đứng lên vái ba vái, lui ra. Chỉ tế một tuần rượu nghĩa là không trọng thể như tế ba tuần. Văn tế viết vào giấy hồng đọc xong được dầm vào chậu nước để sẵn trước hương án, không như văn tế thần thánh viết vào giấy trắng và đốt đi. Đọc văn tế chỉ cần người tốt giọng, nếu không biết hết chữ trong bài văn tế đã có người chỉ bảo trước. Các cụ túc nho không coi trọng và không bao giờ chịu nhận làm cái việc vào đọc văn tế, nghĩa là trợ tế cho hai đứa còn ít tuổi, ý rằng trong các đám tế chủ tế là nhân vật chính yếu, các người trợ tế đều là hàng dưới.
Văn Tế tơ Hồng mỗi khi mỗi nơi viết một khác không có bắt buộc phải viết theo một hai bài mẫu mực nào. Ở đất văn vật người ta trổ tài văn tế thì làm những bài văn dài lối biền ngẫu đúng thể văn tế, ở đất ít học "nghe hơi nồi chõ" chép được của người, có khi "chữ tác đáng chữ tộ" đem về cũng viết viết đọc đọc, ông Tơ bà Nguyệt có nghe chăng chỉ trời biết. Đại để viết văn tế Tơ Hồng thì không ngoài cái ý tán tụng công đức tác hợp mối duyên lành se dây chỉ thắm của Nguyệt Lão, mong được phù hộ độ trì cho cùng nhau ăn đời ở kiếp, sinh năm đẻ bảy vuông tròn.
Có một số lễ tục của nhiều địa phương mà nay, người ta đã không áp dụng nữa. Ngoài tế Tơ Hồng còn có cô dâu làm lễ bà mẹ sinh, mẹ độ, lễ ông bà táo, giao duyên hợp cẩn. Những lễ vừa kể có tính cách tín ngưỡng, riêng "giao duyên hợp cẩn" có tính cách tâm lý.
Tối hôm cưới, khi nhập phòng người chồng lấy cơi trầu tế Tơ Hồng trao cho vợ, rót một chén rượu mỗi người uống một nửa, gọi là lễ "hợp cẩn". Sau đó vợ lạy chồng hai lạy và người chồng đáp lại bằng ba vái để tỏ tình tương kính.
Ngoài ra còn một lễ tục khác nữa cũng cần phải kể đến theo tập quán của người miền Bắc gọi là "sêu". Đúng ra "sêu" là nghĩa vụ của chàng rể sau lễ hỏi và trong thời gian chờ lễ cưới. Lễ hỏi sau khi được tổ chức, chàng trai chính thức là rể chưa cưới, phải có bổ phận đối với nhà gái. Bổn phận này bao gồm phải có "sêu tết" và đôi khi có việc đi làm rể. "Sêu" có nghĩa là mùa nào thức ấy, chàng trai phải mang lễ vật sang biếu bố mẹ vợ chưa cưới. Có nơi tục lệ mỗi tháng một "sêu", nhưng có nơi việc "sêu" chỉ thu hẹp trong bốn kỳ của năm:
"Tháng ba sêu đậu mới với chim ngói,
Tháng năm sêu dưa hấu, ngỗng và gạo nếp,
Tháng tám sêu cốm, hồng,
Tháng mười sêu cam và gạo muối."
Ngoài ra còn có "sêu tết" (ở miền Nam gọi là "đi tết".) Tết gồm có Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên Đán. Thường Tết cũng như "sêu", nhà gái chỉ nhận phân nửa lễ vật chàng trai mang tới. Nếu chàng trai cố năn nỉ, cố xin cha mẹ vợ nhận hết thì ông bà vẫn trả lời: "Thầy đẻ đã nhận lời, nhưng thầy đẻ gởi biếu ông bà đàng trai một nửa".
Ngày nay, ở thôn quê vẫn còn tập quán đi biếu quà cho cha mẹ sau thu hoạch mùa màng với ý nghĩa tỏ lòng thảo ngay của chàng rể và cũng để chứng tỏ tài năng làm ăn của chàng rể. Có khi những quà này có thêm phần của ông bà sui trai. Ở thành thị chuyện "đi tết ông bà già vợ" vẫn luôn được các chàng rễ ý thức hay được nhắc nhở luôn. Nhưng chuyện đi tết này thường được thực hiện nhân dịp lễ Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán. Mặc khác, trong các dịp lễ giỗ, chàng rễ chưa cưới cũng phải đem lễ vật cưới sang nhà gái để bày tỏ lòng thương yêu vợ cùng ý thức bổn phận và chứng tỏ trình độ gia giáo của mình.
Ngày nay, dầu ở thành thị hay thôn quê, các chàng rể vẫn giữ bổn phận của mình về việc đi tết hay sang nhà vợ trong các dịp giỗ chạp để giữ phong cách người Việt Nam và họ vẫn tiếp tục làm bổn phận này trong suốt thời gian dài về sau, kể từ khi đã làm lễ cưới xong. Như thế, những chàng rể ngày nay luôn giữ gìn truyền thống giáo dục gia đình và vẫn biết ý thức trách nhiệm, bổn phận của mình.
Hai ngày sau lễ cưới, vợ chồng đưa nhau về thăm cha mẹ vợ với một số lễ vật, tùy theo tập tục địa phương bên vợ. Xưa lễ này gọi là "Nhị hỷ". Nếu nhà chồng ở cách xa quá, không về được trong hai ngày thì có thể để bốn ngày sau, gọi là"Tứ hỷ".
Ngày nay, lệ lục vợ chồng mới cưới trở về làm lễ gia tiên này, được giải thích như là "trở về trình diện, tri ân gia tiên và cha mẹ rằng hôn lễ đã được hoàn tất tốt đẹp" được gọi là phản bái. Nhưng từ xưa, dân ta cũng gọi là "lễ lại mặt".
Theo tục lệ vợ chồng đem lễ chay hoặc lễ mặn về nhà để cúng gia tiên, để trình bày với gia tiên và cha mẹ, cùng họ hàng việc cưới đã xong xuôi toàn mãn.
Có hủ tục ngày xưa mà người mình noi theo lề thói của Tàu, nhưng đã sớm bãi bỏ vì đã được xét lại rằng nếu làm như thế thì thiếu nhân cách và bỉ ổi thiếu rộng lượng. Đó là chuyện người con gái quay về nhà mình mà nhà chồng gởi theo (cũng có thể gởi riêng trước, ngay ngày hôm sau đêm động phòng) một con heo bị thịt mà mất cả hai tai, do nhà chồng cắt đi, điều này có nghĩa là chứng tỏ cho mọi người bên nhà gái hiểu rằng cô dâu đã bị mất trinh.) Đây là một sự bôi xấu chẳng những nhằm vào cô gái mà còn phỉ báng cả dòng họ nhà gái. Trong trường hợp này những nhà danh giá Tàu thời phong kiến xưa trả cô dâu trở về nhà cha mẹ ruột. Ở ta thì không tàn nhẫn đến mức độ đó cho nên trong dân gian, người ta đã sớm chấm dứt hủ tục này, vì quan niệm đạo đức, trinh tiết rộng rãi hơn và có ý thức về tình yêu, hạnh phúc gia đình thực tế hơn.
===============1 so thu tuc dac biet========
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro