Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Van hoa chui tuc. Yuchun

Văn hóa chửi tục

Hở ra là chửi

Một chàng trông rất điển trai nói oang oang như để cho bàn dân thiên hạ biết "Đ.M thằng ấy ngu bỏ... mẹ, mua xe máy 130 triệu đồng thì thà thêm ít tiền mua xe ô tô của Hàn Quốc chạy còn được tiếng là có ô tô". Một cô gái tiếp lời giọng còn ngọt hơn cả mía lùi: "Cậu chỉ là trên răng dưới d... cậu đi xe wave Tàu trong khi nó đi xe Dylan...".

Buổi sáng hôm sau, tôi và cô bạn đi ăn phở ở phố Bát Đàn. Quán đông nghẹt. Chúng tôi không còn chỗ ngồi, bèn hỏi một nhân viên dáng người béo ngậy tương đương với váng mỡ gà trong nồi nước lèo: "Các cô ngồi đâu?". Không nhìn mặt "các cô" đáng tuổi đẻ ra hắn, chàng "béo ngậy" trả lời: "Đ.M ra cửa mà ngồi, ăn thì ăn không ăn thì... xéo". Mỗi đứa chúng tôi bưng một tô ăn ở vỉa hè bé tí, không thể cảm nhận nổi vị ngon bởi dường như cái món "Đ.M" đã rưới vào trong phở. Thôi thì lỡ dại, nuốt vội món "chửi", miệng và dạ dày đều không hứng thú.

Cách đây 30 năm, tôi cũng là dân thủ đô có hộ khẩu tại quận Hai Bà Trưng, lúc ấy văn hóa tục chưa thịnh hành như bây giờ. Lạ lẫm xen kinh hãi, tôi như lạc vào một "mê cung" của hành tinh khác.

Lâu chưa về lại Hà Thành, tôi và cô bạn xém một chút bị lạc đường khi muốn tìm thăm nhà một cô bạn cũ. Chúng tôi tạt vào một ngã tư, hỏi thăm một anh chạy xe ôm đậu ngay trên lề. Các bạn có biết anh chàng này trả lời sao khi chúng tôi lịch sự hỏi thăm địa chỉ? "Biết nhưng "***" chỉ!"

Hình như bây giờ, nền văn hóa chửi tục đang xâm nhập vào các tầng lớp người, nhiều nhất là thanh thiếu niên, không riêng chỉ ở Hà Thành mà tràn lan khắp nước. Và từ lúc nào, câu chào hỏi xã giao đầu môi chót lưỡi bằng tiếng "Đ.M" trở thành mốt thời thượng, đôi khi họ không còn biết ngượng mồm khi mình phát ngôn khiếm nhã.

Adam còn biết xấu hổ

Người ta văng tục chủ yếu là "bê" bộ phận sinh dục ra để xỉ vả nhau. Sử sách kể rằng Adam và Eva sau khi "ăn trái cấm" đều xấu hổ khi nhìn lại trên người không có thứ gì che thân. Họ đành lấy tay bứt lá mà che lại. Nhà văn Đức Franz Werfel gọi những chiếc lá đầu tiên là "văn hóa quần" của loài người. Cũng bắt đầu từ đó, "cái quần", dù làm bằng vỏ cây, lá cây và "cái trong quần" được xem xét và bàn luận.

Bộ phận sinh dục là một cơ quan gắn chặt với con người như tim, gan, thận, phổi nhưng với các nhà sinh lý học thì nó là bộ phận truyền giống. Với các nhà đạo đức, nó là biểu tượng của xác thịt, phàm tục. Ngày xưa - tức là cách đây chưa lâu lắm, tranh khỏa thân chìa bầu vú căng tròn ra hay dương vật, tinh hoàn với những nét rất thật thì bị cho là dung tục, khiêu dâm. Bây giờ ở ta thoáng hơn, xem tranh cứ đứng mà nhìn, khen đẹp cũng không bị lên án (Nhưng có người chỉ ngắm nhìn những đường nét hấp dẫn, khêu gợi mà chưa hẳn biết thưởng thức hay cảm thụ nghệ thuật tranh vẽ khỏa thân).

Đó cũng chính là "cuộc cách mạng" cái đầu, là sự thay đổi trong văn hóa Việt. Nhưng dù gì thì bộ phận sinh dục vẫn được xem là "văn hóa tục".

Gieo thói quen, gặt tính cách

Nhưng nếu nói dân ta có văn hóa tục, còn các nước không thì sai rồi. Quốc gia nào chả có. Tôi mượn ý kiến của nhà tâm lý học kiêm tình dục người Áo là Freud để phân tích nhằm làm sáng tỏ một chút cho văn hóa tục. Freud cho rằng sex và đại tiện như hai yếu tố hình thành một phần tâm lý của người trưởng thành. Đứa trẻ dưới hai tuổi được tự do đến mức người xưa bảo "miệng quan, trôn trẻ". Sau hai tuổi, chúng sẽ được cha mẹ, bảo mẫu dạy phải đi vệ sinh vào bô hay cái gì tương tự chứ không tự do nữa. Chúng bắt đầu được rèn cái mà Freud gọi là "thượng tầng nhân cách". Từ đó, cha mẹ có nghĩa vụ dạy cho trẻ ăn, nói, đi, đứng, thương yêu.

Cứ nhìn một đứa trẻ ôm con thú nhồi bông, dỗ dành, nựng cho nó ngủ, giả bộ đút cơm cho nó ăn... ta thấy nơi ấy một tâm hồn trong veo như một giọt sương sớm. Đứa trẻ đến trường mẫu giáo tiếp thu rất nhanh ngôn ngữ mới phát ra từ cô giáo, từ bạn đồng trang lứa. Có trẻ mới ba tuổi về biết nói tiếng "Đ.M". Dù bà mẹ giải thích rằng con nói thế là xấu, là không ngoan thì đến lớp trẻ vẫn "không chịu thua" đám bạn. Đó là chưa kể có những gia đình vợ chồng bất hòa luôn "đù" khi cãi vã, trẻ ngây thơ đến mức "đù má, con ứ ăn đâu" dù nó chẳng biết đó là gì.

Lại nữa, nhiều gia đình thường nhấn mạnh vai trò của bộ phận sinh dục: "Không ăn ông kẹ sẽ cắt chim". Đứa trẻ khóc giẫy lên vì đoán rằng "chim" là bộ phận quan trọng nên bị một ông nào đó "xẻo" là đáng sợ lắm. Thượng tầng nhân cách bị nhiễu bởi cả nhà trường, gia đình và xã hội. Văn hóa tục có chỗ đứng là vậy.

Thế thì tại sao người lớn chúng ta biết vai trò của bộ phận sinh dục mà lại "tung" nó ra trong khi thường ngày che đậy kín mít? Người ta sử dụng văn hóa tục khi bực tức, bức xúc thì "quăng, ném, đập, nhét" bộ phận sinh dục vào mặt nhau bằng lời nói. Còn đám trẻ? Cách dạy dỗ của ta như vậy thì chúng coi những tiếng văng tục kia chỉ như tiếng đệm, người già nghe sợ, lớp trung niên nghe riết quen tai, thầy cô dạy dỗ thì trong trường chúng im lặng, ra đường mới mang ra "xả", càn cảm thấy sướng (?).

Khi tôi hỏi mấy đứa cháu đang học đại học rằng vì sao thanh niên cứ vang tiếng "Đ.M"? Thằng cháu học ngôn ngữ tỉnh bơ trả lời: Học hành căng thẳng, làm việc cứ "hô khẩu hiệu" nhưng thực tế lại khác, chịu quá nhiều áp lực, một tiếng văng tục vang lên nghe thấy "đã". Nó như có dũng khí, nó báo hiệu rằng có sự kìm nén.

Dĩ nhiên cách giải thích như vậy là ngụy biện. Những thói quen như vậy tưởng chừng như bình thường nhưng nó ăn sâu vào tâm thức và chực có dịp là "bung ra" không kìm lại được. Có anh chàng "mất điểm" vì không "hoãn được sự sung sướng ấy lại" khi ra mắt ông bà nhạc buổi đầu tiên!

May mắn mỗi năm có những ngày đầu xuân, nhà nhà, người người đều chờ đợi sự tốt lành đến với mình, với nhiều sự kiêng cữ theo tục lệ ông bà. Và may mắn thay những ngày đó người ta không văng tục. Phải chi ngày nào cũng là ngày xuân để văn hóa tục lùi dần vào dĩ vãng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #yuchun297