VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN GIÁO
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN GIÁO
TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
PGS-TS. NGUYỄN ĐỨC LỮ
Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng,
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ chí Minh.
Quan điểm, chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở lý luận. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo đã được vận dụng vào việc xác lập quan điểm và hoạch định chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều thời kỳ cách mạng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan và chủ quan khác nhau khiến cho việc vận dụng những tư tưởng ấy của Người còn có hạn chế nhất định. Nhưng, từ Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 16-10-1990) được coi là dấu mốc đổi mới tư duy vấn đề tôn giáo của Đảng, cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta có nhiều văn bản tiếp tục đổi mới tư duy trên lĩnh vực nhạy cảm này. Những quan điểm về tôn giáo tiến bộ của Người đã thực sự được thể hiện rõ ở chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới. Điều này được thể hiện ở mấy điểm sau:
Một là, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết.
Từ sự nhận thức sâu sắc về vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng của học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại nhất. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”1. Đoàn kết toàn dân, trong đó có đoàn lết lương giáo là yếu tố cơ bản đưa tới mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Dù cho công tác tôn giáo bao gồm nhiều mặt, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; đến các cấp, các ngành, các địa bàn, nhưng Nghị quyết 24 đã xác định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”. Đến Nghị quyết 25: “Công tác quản lý nhà nước đối với các tôn giáo và đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo để chống đối chế độ chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng”.
Thực ra, đoàn kết tôn giáo, tín ngưỡng tự do trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong hầu hết các văn bản của Đảng về tôn giáo, nhưng chỉ đến thời kỳ đổi mới quan điểm ấy mới rõ rệt cả trong những văn bản của Nhà nước mang tính pháp quy cao. Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đoàn kết: “Đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”. Ngay trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: “Vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo là những vấn đề chính trị lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta”2 “Đoàn kết các dân tộc và các tôn giáo là bộ phận rất quan trọng”3.
Hai là, về mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa tôn giáo với dân tộc thực sự là độc đáo và sâu sắc khi Người nêu: kính Chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Tổ quốc cũng là làm theo ý Chúa, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do. Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính. Người cho rằng, người Công giáo tốt phải là người công dân tốt, kính Chúa và yêu nước vừa là trách nhiệm công dân vừa là bổn phận dân Chúa.
Dân tộc và tôn giáo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng trong mối quan hệ này, Người cho rằng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do.
Về mối quan hệ giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội vốn là vấn đề mà người theo đạo thường trăn trở. Hiểu tâm tư ấy, Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy”4. Người còn nói rõ thêm, người cộng sản tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Chẳng những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người”5.
Về vấn đề này, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị năm 1990 cũng khẳng định: “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài”. Đến Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương, năm 2003, Đảng ta còn nêu cụ thể hơn: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta” và: “Làm cho các tôn giáo gắn bó với dân tộc, với đất nước và chủ nghĩa xã hội, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vấn đề hiện nay đặt ra là làm sao cho hoạt đông tôn giáo phù hợp với chủ nghĩa xã hội.
Ba là, về mối quan hệ giữa tôn giáo với đạo đức và văn hóa
Hồ Chí Minh không chỉ ghi nhận giá trị đạo đức của tôn giáo mà còn thấy vai trò đạo đức của tôn giáo trong việc giáo dục nhân cách con người. Việc nâng cao phẩm chất, đạo đức cho toàn xã hội có nhiều biện pháp, trong đó không thể xem nhẹ vai trò của tôn giáo. Người viết:
“Chúa Giê-su dạy: đạo đức là bác ái.
Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.
Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”6.
Hồ Chí Minh luôn tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ các danh nhân của thế giới, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào, vô thần hay hữu thần, là người phương Đông hay người phương Tây... Người đã chắt lọc, rút ra những giá trị tư tưởng lớn lao ở họ để kế thừa và phát triển. Từ Phật Thích Ca, Khổng Tử, Chúa Giê-su đến Các Mác, Lênin, Tôn Dật Tiên... Hồ Chí Minh đều coi họ là những vĩ nhân của lịch sử, những bậc thày mà Người nguyện là người học trò nhỏ của các vị ấy. Từ sự nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan những giá trị đạo đức có trong tôn giáo, Hồ Chí Minh đã chắt lọc những gì là tinh túy về đạo đức của tôn giáo, khuyên mọi người cần tiếp thu, kế thừa và phát triển.
Trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị năm 1990, lần đâu tiên Đảng ta thừa nhận đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới, Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị năm 1998, công nhận: “Những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”. Đến Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương (khoá VIII) còn nêu cả mục 8 về “chính sách văn hoá đối với tôn giáo”. Và Đại hội IX, Đảng ta chính thức khẳng định trong Báo cáo Chính trị: “Phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá và đạo đức của tôn giáo”7. Một lần nữa, tại Đại hội X, Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam lại nhắc lại quan điểm này: “ Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”. Quan điểm ấy của Đảng còn được thể chế hóa lần đầu tiên ở Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. Tại Điều 5 của Pháp lệnh này có ghi: “Tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”. Lâu nay không ít người quan niệm tôn giáo chủ yếu là vấn đề chính trị phản động, đã đến lúc ta cần hiểu sâu hơn và ứng xử với tôn giáo không chỉ dưới góc độ chính trị mà còn như hiện tượng đạo đức, văn hóa nữa.
Bốn là, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Sự tồn tại của con người luôn đặt ra nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Nhu cầu vật chất là bức xúc của lẽ sinh tồn, song xã hội càng phát triển con người càng đòi hỏi về nhu cầu tinh thần. Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng có tín ngưỡng. Nếu hạn chế hoặc thủ tiêu nhu cầu này là đi ngược lại quy luật khách quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở và nhắc nhở: “Các cấp uỷ phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào công giáo”8, làm thế nào để: “Sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”9.
Trên tinh thần ấy, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) có ghi: “Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống “tốt đời, đẹp đạo”10. Đại hội IX, Đảng ta nhắc lại: Đồng bào theo đạo và chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống “tốt đời đẹp đạo”. Đến Đại hội X, một lần nữa lại nêu và nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng và chính quyền là: “ Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Năm là, nhấn mạnh sự tương đồng, chấp nhận sự khác biệt.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự tương đồng về lý tưởng của tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản, Người cho rằng, học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng những có điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Và Người cố gắng làm người học trò của các vị ấy.
Hay Người nêu: Đường lối mục đích của Chính phủ gồm 3 mục tiêu sau đây:
1. Giải phóng nhân dân khỏi đói rét (khổ sở) và khỏi dốt.
2. Đem lại cho nhân dân tự do, tự do sống, tự do tín ngưỡng.
3. Bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Nếu cộng sản mà thực hiện những việc trên đây, tôi tin chắc rằng mọi người sẽ chấp nhận thứ cộng sản đó.
Còn nhận thức về thế giới khác nhau là điều tất nhiên của cuộc sống, Hồ Chí Minh khẳng định: mỗi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa, có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo và yêu cầu mọi người cần tôn trọng niềm tin của nhau. Tôn trọng tự do tín ngưỡng phải trên cơ sở hiểu biết, độ lượng, vị tha và xoá bỏ mọi thành kiến, mặc cảm, đố kị, hiềm khích lẫn nhau. Hồ Chí Minh đề cao điểm tương đồng, tìm mẫu số chung đồng thời chấp nhận sự khác biệt để mọi người không phân biệt lương giáo phấn đấu cho nó.
Vận dụng tư tưởng của Người, Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu: “Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung” và: “Tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo, thông qua đó tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không tín ngưỡng, tôn giáo; giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đồng thời, tạo cơ sở để đấu tranh chống những tà đạo, những hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo làm hại đến lợi ích của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân”.
Sáu là, giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên
Tín ngưỡng truyền thống và có tính phổ quát ở Việt Nam, được Hồ Chí Minh rất coi trọng và cho rằng: “Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội”11. Hồ Chí Minh luôn giáo dục cán bộ, đảng viên tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của mọi người. Đối với những người có công với dân với nước, những bậc tiên hiền, liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước, Người luôn tỏ lòng ngưỡng mộ. Bản thân Người đã nhiều lần nhắc đến “tổ tiên” với tình cảm chân tình, tôn kính và nhận thấy “tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở hậu thế ghi lòng, tạc dạ công ơn của các bậc tiền bối có công với dân với nước. Tư tưởng của Người phù hợp với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Người thường khơi dậy trong mỗi con người niềm tự hào về con Rồng cháu Lạc, về nghĩa “đồng bào” và khuyên mọi người dân Việt dù có khác nhau về tín ngưỡng, dân tộc, giới tính, thế hệ... cũng đều phải có trách nhiệm với ông cha để gìn giữ những gì mà tổ tiên để lại “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong Nghị quyết 25 nói trên, lần đầu tiên Đảng ta nêu quan điểm: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân”. Coi trọng truyền thống này, không chỉ thể hiện ở quan điểm của Đảng mà còn được thể hiện ở Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo - một văn bản có tính pháp quy cao nhất gần đây của Nhà nước. Điều 5 của Pháp lệnh này có ghi: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”.
Quan điểm của Đảng về thờ cúng Tổ tiên là sự kế thừa tư tưởng của Hồ Chí Minh và cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp, trường tồn của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của hiện tượng mê tín dị đoạn và hủ tục lạc hậu là biểu hiện phi giá trị, phản văn hoá. Hồ Chí Minh cũng đã từng phê phán hiện tượng này. Nhưng, Người cũng nhắc nhở bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan phải đi đôi với việc xây dựng nếp sống văn hoá mới, xây dựng thuần phong mỹ tục.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro