Van don
Một số vấn đề liên quan đến vận đơn
Bản chất và chức năng của vận đơn
Theo khoản 2 Điều 73 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005 thì: "Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đó nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển".
Từ tinh thần điều luật nêu trên, vận đơn chính là chứng từ vận chuyển bằng đường biển do người vận chuyển ký phát cho người giao hàng sau khi đã xếp xong hàng hóa lên tàu hoặc sau khi đã nhận hàng hóa để vận chuyển đến nơi trả hàng. Thông thường, vận đơn được phát hành theo bản gốc (Orginal), các bản sao (Copy). Một bộ vận đơn thường có 03 bản gốc như nhau, khi thanh toán tiền hàng, người bán phải xuất trình trọn bộ (Full set) vận đơn gốc.
Như vậy, vận đơn có ba chức năng chính: là biên lai nhận hàng để vận chuyển; là chứng từ sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt và nhận hàng; là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển. Với chức năng quan trọng như vậy nên vận đơn chính là một trong những chứng từ dùng để thanh toán quốc tế, để bảo hiểm và khiếu nại đòi bồi thường tổn thất, mất mát hàng hóa.
Một số loại vận đơn hiện nay
Thực tiễn thương mại quốc tế cho thấy có rất nhiều loại vận đơn, do vậy về mặt lý luận và thực tiễn cần phân chia vận đơn theo các nhóm để dễ nắm bắt và vận dụng:
- Căn cứ vào khả năng lưu thông của vận đơn, có ba loại vận đơn sau đây:
+ Vận đơn theo lệnh (Order B/L) là vận đơn trên đó không ghi tên người nhận hàng mà ghi theo lệnh của người nào đó được người giao hàng chỉ định phát hành lệnh trả hàng. Vận đơn này có thể chuyển nhượng được bằng cách ký hậu (Endorsement), ký hậu để trống (In Blank) hoặc ký hậu cho một người cụ thể hay theo lệnh của một người khác.
+ Vận đơn đích danh (Straight B/L) là vận đơn trên đó có ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng.
+ Vận đơn vô danh (Bearer B/L) là vận đơn trên đó không ghi rõ tên người nhận hàng hoặc người phát lệnh trả hàng.
- Căn cứ vào hành trình vận chuyển, có ba loại vận đơn sau đây:
+ Vận đơn đi thẳng (Direct B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng bằng một chiếc tàu, tức là hàng hóa không chuyển tải ở dọc đường.
+ Vận đơn đi suốt (Through B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng hai hay nhiều con tàu của hai hay nhiều bên vận chuyển, tức là hàng hóa phải chuyển tải ở dọc đường.
- Căn cứ vào việc xếp hàng lên tàu hay chưa, có hai loại vận đơn sau đây:
+ Vận đơn đã xếp hàng lên tàu (Shipped on Board B/L) là vận đơn được cấp sau khi hàng hóa đã thực sự được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng.
+ Vận đơn nhận hàng để xếp (Received for Shipment B/L) là vận đơn được cấp sau khi người vận chuyển nhận hàng của người thuê vận chuyển, đưa vào kho bãi chờ xếp lên tàu, tức là hàng hóa thực tế chưa được xếp lên tàu.
- Căn cứ vào nhận xét, ghi chú trên vận đơn, có hai loại vận đơn sau đây:
+ Vận đơn sạch hay còn gọi là vận đơn hoàn hảo (Clean B/L) là vận đơn trên đó không có ghi chú của người vận chuyển về hàng hóa hoặc bao bì có khuyết tật hay bị hư hỏng.
+ Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L) là vận đơn trên đó có những ghi chú về tình trạng xấu của hàng hóa.
- Ngoài ra còn một số loại vận đơn khác như: Vận đơn xuất trình (Surrendered B/L) là vận đơn được người vận chuyển hoặc đại lý của họ đóng thêm dấu (đã xuất trình) khi bên giao hàng xuất trình cho họ ở cảng xếp hàng; vận đơn theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến (Charter Party B/L) là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển theo các điều khoản của hợp đồng vận chuyển theo chuyến; vận đơn thay đổi (Switch B/L) là vận đơn được cấp lại theo yêu cầu của người giao hàng hay người cầm vận đơn để thay đổi một số chi tiết trên vận đơn; vận đơn của người giao nhận hay được gọi là vận đơn thứ cấp (House B/L) là vận đơn do người giao nhận ký phát khi họ thực hiện chức năng của người vận chuyển; vận đơn thứ ba (Third Party B/L) là vận đơn mà trên đó có ghi người hưởng lợi thư tín dụng (L/C) không phải người giao hàng (Shipper) mà là một người khác. Bên cạnh đó, gần đây còn xuất hiện chứng từ "Sea-Way Bill", chứng từ vận chuyển này không giao dịch, không chuyển nhượng được, nhưng rất tiện lợi vì người nhận hàng có tên ghi trên đó, có thể nhận được hàng mà không cần phải xuất trình Sea-Way Bill gốc.
Nội dung cơ bản của vận đơn
Theo quy định của điều 87 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005 thì nội dung vận đơn gồm: tên và trụ sở chính của người vận chuyển; tên người gửi hàng; tên người nhận hàng hoặc ghi rõ vận đơn được ký phát dưới dạng vận đơn theo lệnh hoặc vận đơn vô danh; tên tàu biển; mô tả về chủng loại, kích thước, thể tích, số lượng đơn vị, trọng lượng hoặc giá trị hàng hóa, nếu xét thấy cần thiết; mô tả tình trạng bên ngoài hoặc bao bì hàng hóa; ký, mã hiệu và đặc điểm nhận biết hàng hóa mà người giao hàng đã thông báo bằng văn bản trước khi bốc hàng lên tàu biển và được đánh dấu trên từng đơn vị hàng hóa hoặc bao bì; cước vận chuyển và các khoản thu khác của người vận chuyển; phương thức thanh toán; nơi bốc hàng và cảng nhận hàng; cảng trả hàng hoặc chỉ dẫn thời gian, địa điểm sẽ chỉ định cảng trả hàng; số bản vận đơn gốc đã ký phát cho người giao hàng; thời điểm và địa điểm ký phát vận đơn; chữ ký của người vận chuyển hoặc thuyền trưởng hoặc đại diện khác có thẩm quyền của người vận chuyển.
Cho đến nay, chưa có một mẫu vận đơn thống nhất áp dụng trong vận tải đường biển quốc tế. Chính vì vậy, mỗi chủ tàu, người vận chuyển soạn thảo và ký phát vận đơn theo mẫu riêng, tuy nhiên nội dung và hình thức của các vận đơn này nhìn chung là giống nhau.
Các Văn bản pháp luật quốc tế điều chỉnh về vận đơn
Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc pháp luật về vận đơn đường biển (International Convention for the Unification of Certain Rules of Law relating to Bill of Lading) ký ngày 25/8/1924 tại Brussels (Bỉ), do đó được gọi là Công ước Brussels 1924 và còn có tên khác là Quy tắc Hague.
Nghị định thư sửa đổi Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc pháp luật về vận đơn đường biển (Protocol to Amend the International Convention for the Unification of Certain Rules of Law Relating to Bill of Lading) ký ngày 23/3/1968 tại Visby (Thụy Điển) và cùng với Công ước Brussels 1924 tạo thành Quy tắc Hague-Visby.
Công ước Liên hợp quốc về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển (United Nation Convention on the Carriage of Goods by Sea) ký ngày 31/3/1978 tại Hamburg (Đức) còn được gọi là Quy tắc Hamburg.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro