2
Ban đêm, trời nóng như đổ lửa khiến tôi không tài nào ngủ được. Tôi nằm trằn trọc một hồi lâu, cuối cùng cũng đành ngồi dậy. Áo ba lỗ màu trắng và chiếc quần đùi ngắn chẳng giúp ích gì, mồ hôi vẫn không ngừng tuôn ra, ướt sũng cả lưng áo như vừa tắm.
Chiếc quạt nhỏ dưới chân đang chạy hết công suất nhưng chỉ thổi ra thứ không khí nóng hầm hập. Tôi cáu kỉnh, trong đầu ước gì có ngay một chiếc điều hoà để xua tan cơn bức bối. Nhưng rồi, giữa cơn khó chịu ấy, tôi chợt nhớ đến một thứ. Thứ mà lẽ ra tôi không nên nghĩ đến vào lúc này.
Gió đêm nhẹ lùa qua khung cửa sổ đang hé mở, mơn man làn da ẩm ướt vì mồ hôi, mang lại chút cảm giác dễ chịu hiếm hoi. Tiếng côn trùng râm ran vang lên từ xa, hòa quyện với nhịp thở chậm rãi của tôi, như một bản nhạc đêm bình yên đến lạ.
Trong ánh sáng lờ mờ của vầng trăng khuất sau lớp mây mỏng, tôi cầm cây bút mà Lưu Diệu Văn tặng, khoé môi không kìm được cử động. Lưu Diệu Văn sẽ không phải vì cái tên của tiệm sách mà cố ý chọn cây bút này, đúng không?
Ánh mắt tôi dán chặt vào từng đường nét trên thân bút, từ lớp sơn mịn màng đến hình ngôi sao Mộc được khắc tỉ mỉ trên đỉnh đầu.
Tôi nhẹ nhàng bật công tắc. Trong tích tắc, ngôi sao Mộc phát ra ánh sáng màu vàng nhạt. Tôi từng thấy bọn trẻ con chơi thứ này với ánh mắt lấp lánh, một niềm vui đơn giản mà tôi đã từng ngưỡng mộ. Giờ thì món đồ đó đang nằm trong tay tôi.
Tôi lặng thinh, nhìn ngôi sao toả sáng rực rỡ trong đêm tối, trong lòng dâng lên cảm giác lạ kỳ. Nó khiến tôi nhớ về những trang sách cũ kỹ từng say mê đọc khi còn ở cửa tiệm, nơi mỗi dòng chữ đều mở ra một góc nhìn về vũ trụ xa xôi, nơi tôi từng mơ mộng được chạm tay tới dù chỉ một lần.
Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng bản thân đang ở dưới một bầu trời đầy sao, không còn những lời chửi mắng, không còn những cú đấm đá hay những ánh mắt chế giễu. Ở đó, tôi không còn là Chu Chí Hâm yếu đuối, mà là một con người tự do, giống như những ngôi sao trên kia, lấp lánh và bất tận.
Nhưng đó chỉ là mơ.
Đúng vậy, chỉ là mơ.
Tôi tiếc nuối mở mắt ra, không đến nổi thất vọng, ít ra thì thứ này cũng là thật.
Món đồ đẹp và đắt như vậy, tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới. Để tiết kiệm tiền đóng học phí, tôi chỉ có thể dùng những thứ rẻ nhất.
Tôi thở dài, tự hỏi. Có phải Lưu Diệu Văn chỉ đang thương hại mình? Hay đây đơn thuần là một thói quen của người như anh ta—tốt bụng một cách dư thừa?
Tôi đứng dậy, nhẹ nhàng đi đến bên chiếc tủ cũ kỹ cạnh giường. Kéo ngăn tủ, từ bên trong lấy ra một chiếc hộp đã rỉ sét, cẩn thận đặt nó lên bàn. Bên trong hộp là những vật dụng nhỏ nhặt mà tôi đã giữ lại suốt nhiều năm qua.
Một cây kẹo xốp, vài tấm thẻ trúng thưởng in hình nhân vật mà tôi yêu thích, tờ 100 tệ đỏ chót, hòn bi nhỏ màu cam, và vài món đồ linh tinh khác. Tuy không phải là thứ giá trị gì, nhưng với tôi, nó là cả một kho báu, không nỡ vứt đi.
Tôi đặt cây viết của Lưu Diệu Văn vào trong hộp, cạnh những món đồ còn lại. Âm thầm câm nhắc đến chuyện quà đáp lễ. Tôi không muốn mắc nợ anh ta, không muốn cầm món đồ này mà không làm gì cả.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy, mọi thứ vẫn như thường ngày. Sau khi vệ sinh cá nhân và thay quần áo, tôi xuống bếp tìm chút gì đó để ăn.
Căn bếp sáng nay chẳng khác gì mọi khi—trống trải, im ắng, như thể cả ngôi nhà này chưa từng được thắp lên chút hơi ấm nào. Tôi đưa mắt nhìn quanh, ánh mắt dừng lại trên kệ tủ lạnh. Bình rượu mà ba tôi thường uống mỗi tối không thấy đâu, chắc hẳn ông cả đêm không về.
Tôi thu tầm mắt, kéo ghế ngồi xuống. Bữa sáng chẳng có gì ngoài vài lát bánh mì khô cứng và một ít mứt. Tôi lấy bánh mì, quệt chút mứt lên, chẳng phải vì tôi đói, mà chỉ vì cần có chút gì đó lót dạ cho xong chuyện.
Ba tôi vốn là tài xế xe tải, cái nghề này đã theo ông ấy trong suốt nhiều năm, kể từ khi tôi có trí nhớ thì đã quen với việc ông thường xuyên không có ở nhà, thậm chí là đi tận mấy ngày liền.
Tôi không biết nhiều về ông, ngoài những thói quen mà tôi buộc phải ghi nhớ khi sống cùng. Ngày bé, tôi từng nghĩ ông là một người bận rộn, gánh trên vai trách nhiệm nuôi con. Nhưng lớn dần, tôi mới hiểu sự vắng mặt của ông là cố ý—như thể ông muốn trốn tránh ngôi nhà này, và cả tôi.
Cảm giác trống trải đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Không có tiếng cười, không có những bữa ăn gia đình, càng không có những lời dặn dò ân cần. Chỉ có những buổi sáng lạnh lẽo và im lặng kéo dài, như chính cuộc đời của tôi vậy.
Tôi không nhớ rõ mẹ, bà rời đi khi tôi còn quá nhỏ. Đôi lúc, tôi tự hỏi lý do bà bỏ đi. Chắc hẳn phải rất tuyệt vọng bà mới để lại con trai mình và cuộc hôn nhân này. Tôi không biết gì về cuộc sống của ba mẹ trước khi có tôi, nhưng nhìn ba tôi bây giờ, tôi có thể đoán được vài điều. Một người đàn ông luôn nồng nặc mùi rượu, ánh mắt lạnh lùng, lời nói sắc như dao—ai có thể chịu nổi? Có lẽ cuộc sống hôn nhân đã quá ngột ngạt, đến mức bà không thể ở lại.
Mọi người hay hỏi tôi có hận mẹ không. Thật ra, tôi không hận. Làm sao tôi có thể hận khi bà đã chọn rời đi, có lẽ đó là điều duy nhất bà làm đúng cho bản thân mình? Thậm chí, tôi còn cảm thấy chút mừng cho bà. Nếu ở lại, chắc bà cũng chẳng sống nổi với người đàn ông như ba.
Tôi cắn miếng bánh mì cuối cùng, cảm giác vị ngọt nhàn nhạt của mứt lướt qua đầu lưỡi. Chỉ là thoáng qua, giống như ký ức mơ hồ về mẹ—một sự tồn tại đã từng có, nhưng chẳng còn gì rõ ràng để giữ lại.
Bước ra khỏi nhà, ánh nắng sớm xuyên qua tán cây rậm rạp đập vào mắt tôi, nhuộm lên mọi thứ một màu xanh nhạt. Nơi tôi sống là một khu chung cư cũ kỹ, các tòa nhà nối tiếp nhau, cao nhưng loang lổ, như thể thời gian đã gặm nhấm từng mảng tường và từng chiếc ban công.
Những dãy hành lang hẹp treo đầy quần áo phơi nắng, vải màn cũ sờn rách đung đưa trong gió, che khuất đi những khung cửa sổ cũ mờ. Một vài căn hộ đã khóa trái cửa, chẳng rõ có ai sống bên trong nữa không.
Phía dưới sân là một khoảng đất trống nhỏ, nơi lũ trẻ con thường tụ tập chơi đùa, nhưng hôm nay lại vắng lặng. Một chiếc xích đu sắt gỉ sét, vài mảng gạch nền tróc lở hiện lên rõ ràng dưới nắng.
Không khí ở đây vừa ngột ngạt, vừa mang theo chút hơi thở của một thời xưa cũ. Tôi hơi nheo mắt, nơi này là tất cả những gì tôi có thể gọi là "nhà", dù không mấy ấm áp.
Khi đi ngang qua công viên, tôi chợt hiểu nguyên nhân của sự yên tĩnh hôm nay. Những người mặc đồng phục màu xanh nhạt, có vẻ là sinh viên, đang bận rộn chuẩn bị cho một hoạt động gì đó.
Dưới tán cây lớn, từng nhóm trẻ con ríu rít chơi trò chơi, những tiếng cười giòn tan vang lên. Các sinh viên dẫn dắt bọn trẻ vượt qua những thử thách đơn giản, rồi phát những phần quà nhỏ xinh làm chúng thích thú. Một vài phụ huynh đứng gần đó, mỉm cười nhìn con mình vui đùa.
Cảnh tượng ấy, lẽ ra sẽ rất đẹp, nhưng tôi chẳng tìm thấy lý do gì để dừng chân lại. Nơi đó không dành cho tôi. Những nụ cười ấy, những tiếng hò reo ấy, dường như là thế giới của một ai khác, không phải của tôi.
Tôi cúi đầu bước nhanh, lướt qua những tiếng cười và sắc màu rực rỡ ấy. Công viên hôm nay không phải nơi tôi nên dừng lại.
Ông chủ La, tên đầy đủ là La Tín, là một công chức đã về hưu. Sau khi kết thúc những năm tháng làm việc, ông mua lại tòa nhà cũ ở hẻm 26 này từ một người bạn thân. Tòa nhà ba tầng, với tầng một được ông cải tạo thành một tiệm sách nhỏ, tầng hai để ở, còn tầng ba thì cho thuê lại để tăng thêm thu nhập.
Tiệm sách không lớn, chỉ đủ để bày vài kệ sách san sát, nhưng lại có một lượng khách quen ổn định. Người đến tiệm thường là học sinh, sinh viên hoặc những người yêu thích sự yên tĩnh. Nhờ vậy, tôi mới có công việc bán thời gian ở đây.
Tôi thích công việc này. Nó không chỉ giúp tôi kiếm thêm tiền, mà còn cho tôi cơ hội được đọc sách thỏa thích.
Chàng trai vừa rời khỏi tiệm thì cánh cửa lại khẽ mở ra, chào đón một vị khách mới. Không ai khác chính là cậu nhóc điển trai hôm qua—Lưu Diệu Văn.
Trong tiệm lúc này chỉ có mình tôi, bởi ông chủ La đang bận việc ở tầng trên. Lưu Diệu Văn bước vào, ánh nắng từ bên ngoài hắt qua cửa kính, phủ lên dáng người anh một quầng sáng dịu nhẹ. Anh mỉm cười khi nhìn thấy tôi, nụ cười đó khiến không gian như sáng bừng lên.
Tôi ngẩn người, không nghĩ rằng anh sẽ trở lại nhanh đến vậy. Trong đầu lập tức hiện lên một suy đoán: phải chăng quyển sách hôm qua tôi chọn không hay, nên anh quay lại để đổi sang một quyển khác?
Ánh mắt tôi lướt qua gương mặt anh, sau đó lại bối rối cụp xuống. Tôi còn nợ anh một lời cảm ơn, nhưng nếu đột nhiên nói ra bây giờ thì có kỳ cục quá không?
Tôi không biết nên làm gì. Bàn tay chạm nhẹ vào góc quầy như để tìm điểm tựa, ánh mắt len lén dõi theo từng cử chỉ của anh. Lưu Diệu Văn vẫn giữ nguyên nụ cười, đôi mắt sáng ngời như chứa cả bầu trời rộng lớn phía sau. Anh bước tới gần hơn, và lúc này, tôi biết mình không thể cứ mãi im lặng.
"Chu Chí Hâm." Lưu Diệu Văn lưu loát gọi tên tôi, giọng điệu tự nhiên đến mức khiến tôi bất giác sinh ra một loại ảo giác rằng chúng tôi vốn đã là bạn thân của nhau từ lâu.
"Chào cậu." Tôi đáp, cố gắng lắm nhưng giọng nói vẫn không thoải mái được như anh. "Muốn mua sách à?"
"Không, hôm nay tôi đến để mua thêm dụng cụ học tập."
"À." Tôi âm thầm thở ra một hơi. "Vậy cậu cứ tự nhiên."
Lưu Diệu Văn gật đầu, mỉm cười rồi xoay người đi thẳng về phía kệ hàng.
Ngay khoảnh khắc đó, tôi đột nhiên lên tiếng, gần như bật thốt ra: "Cảm ơn."
Anh khựng lại, ngoái đầu nhìn tôi. Đôi mắt sáng ngời khẽ chớp một cái, biểu cảm như đang dò xét, nhưng tôi có cảm giác người thông minh như anh chắc chắn đã hiểu ý tôi.
Lần này, anh cười càng tươi hơn, nụ cười ấy giống như ánh nắng ngoài cửa, vừa ấm áp vừa rạng rỡ. "Vậy từ giờ chúng ta đã chính thức là bạn của nhau, đúng không?"
Tôi hơi bất ngờ trước câu nói của anh. "Bạn... sao?"
"Đúng vậy, là bạn bè." Lưu Diệu Văn nói rất tự nhiên như thể đó là điều hiển nhiên nhất thế gian. "Tôi mới đến đây, không có bạn, cậu làm bạn với tôi nhé?"
"Tại sao lại là tôi?" Tôi hỏi, không kiềm được sự nghi hoặc.
"Vậy tại sao không phải là cậu?" Anh hỏi ngược lại.
Tôi nhìn Lưu Diệu Văn, nhất thời á khẩu, tuy lòng có chút xao động, nhưng vẫn chưa biết phải đáp lại thế nào.
Lưu Diệu Văn giữ nguyên nụ cười trên môi, sau đó tiếp tục công việc lựa chọn của mình. Tôi đứng tại quầy, ánh mắt không tự chủ dõi theo bóng lưng Lưu Diệu Văn. Dáng người anh phát triển rất tốt, động tác cẩn thận khi anh lựa từng món trên kệ, bộ dạng điềm tĩnh và nghiêm túc ấy khiến tôi có cảm giác như đang nhìn thấy một người trưởng thành trong vỏ bọc của một cậu nhóc.
Từng cử chỉ của anh đều toát ra sự ung dung, như thể mọi thứ xung quanh đều nằm trong tầm kiểm soát. Một cảm giác không chân thật len lỏi trong lòng tôi. Rõ ràng chúng tôi bằng tuổi nhau, nhưng sự chín chắn và tự tin ấy lại khiến tôi thấy mình nhỏ bé đến kỳ lạ.
Có lẽ, điều làm tôi bất an nhất không phải là sự khác biệt, mà là cách anh dễ dàng bước vào thế giới của tôi, làm xáo trộn nó chỉ với vài câu nói và một nụ cười.
Cho đến lúc ông chủ La xuất hiện bên cạnh, tôi vẫn không hề nhận ra.
"Suy nghĩ gì mà nhìn đăm chiêu vậy?" Giọng nói trầm trầm của ông kéo tôi trở về thực tại.
Tôi giật mình, vội ngẩng đầu lên. "Không có gì đâu ông."
Ông chủ La nhướn mày như phát hiện ra điều gì, ánh mắt đầy vẻ tinh quái thường thấy. "Là đứa nhỏ hôm qua đây mà." Rồi ông cúi xuống, thấp giọng hỏi như thể sợ ai nghe thấy: "Trở thành bạn thật rồi hả?"
Tôi hơi khựng lại, khép hờ môi định nói, nhưng lời chưa kịp thốt ra đã bị nỗi do dự chặn lại. Ông chủ La quan sát biểu cảm của tôi, nở một nụ cười nửa đùa nửa thật, rồi đột nhiên giơ tay xoa đầu tôi, động tác nhẹ nhàng nhưng mang chút gì đó khích lệ.
"Ông thấy thằng bé đó không có ý xấu, trở thành bạn cũng tốt. Biết đâu năm sau hai đứa thành bạn cùng lớp, coi như làm quen trước cũng hay."
Tôi cúi đầu né tránh bàn tay ông, cảm giác như có chút gì đó ngượng ngùng len lỏi. "Cậu ấy học trường nào con còn chưa biết..."
"Chẳng phải hỏi là ra sao?" Ông chủ La nháy mắt, vẻ mặt như muốn nói rằng mọi chuyện vốn dĩ chẳng hề phức tạp như tôi vẫn nghĩ.
Thật ra trong lòng tôi đã âm thầm khẳng định, ngôi trường tầm thường của tôi làm sao chứa nổi đứa trẻ ưu tú như Lưu Diệu Văn.
Từ cách anh cười, cách anh nói, đến cả ánh mắt đầy tự tin ấy, tất cả đều như tách biệt hẳn khỏi thế giới của tôi. Anh không giống những người tôi từng quen, thậm chí không giống bất kỳ ai từng xuất hiện quanh tôi.
Có lẽ, anh đến từ một nơi tốt đẹp hơn, một nơi mà những giấc mơ của tôi chưa từng chạm tới. Và tôi, chẳng qua chỉ là một viên đá nhỏ, dễ dàng bị bỏ lại phía sau, mờ nhạt và vô nghĩa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro