cảnh đợi tàu
Dù chỉ xuất hiện trên văn đàn vẻn vẹn có 5 năm nhưng Thạch Lam sớm khẳng định là một cây bút truyện ngắn độc đáo. Sinh thời, ông từng quan niệm ”Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, lẩn khuất khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở những chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc trông nhìn và thưởng thức”. Rút ra từ tập truyện ngắn “ Nắng trong vườn”, “ Hai đứa trẻ” là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách độc đáo không trộn lẫn của Thạch Lam. Đến với “Hai đứa trẻ” độc giả ai ai cũng thấy cảnh đợi tàu là sự kiện tiêu biểu nơi ngòi bút của Thạch Lam thăng hoa.
2 đứa trẻ
Tuy là thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và là em ruột của Nhất Linh, Hoàng Đạo nhưng sáng tác của Thạch Lam đi theo hướng riêng khá mới mẻ. Ông dành tình cảm, tấm lòng xót thương cho những lớp người nghèo trong xã hội thời bấy giờ. Ngòi bút của Thạch Lam thường đi vào những trạng thái cảm xúc mơ hồ, tinh tế của con người. “Hai đứa trẻ” là truyện ngắn không có truyện. Toàn bộ câu truyện diễn ra như một thước phim chậm dãi về một phố huyện nghèo xung quanh chị em Liên vào một buổi chiều tối mùa hè. Không có thắt nút, không có mở nút nhưng truyện ngắn dễ dàng đi vào tâm trí người đọc bởi một nỗi buồn sâu lắng mà rất đẹp – vẻ đẹp của một cuộc sống bình thường được Thạch Lam khám phá ra. Đặc biết nhất là cảnh đợi tàu trong truyện ngắn.
Dù buồn ngủ díu cả mắt nhưng đêm nào, Liên cà An cũng cố thức đợi chuyến tàu khuya từ Hà Nội về. Tại sao vậy? Để bán hàng theo lời mẹ dặn? Hoàn toàn không phải vậy. Hai chị em Liên cố thức không phải để mở hàng đón khách như bao người buôn bán khác trên sân ga, trái lại hai chị em đóng cửa hàng, chờ tàu là vì cớ khác. Vậy thì là gì? Phải chăng vì hai chị em học muốn được nhìn thấy chuyến tàu – là sự hoạt động của cuối cùng của đêm khuya. Có lẽ vậy, và cũng bởi vì con tàu như đem một thế giới khác đi qua, một thế giới khác hẳn với vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của Bác Siêu. Phố huyện chìm trong màn đêm tối tăm, lụi tàn, nghèo nàn, mòn mỏi thì con tàu như đem một thế giới sáng rực, giàu sang, vui vẻ và huyên náo.
Vì con tàu như đem một thế giới khác đi qua, chị em Liên lặng lẽ đón đợi tàu với bao xúc cảm vừa bâng khuâng, mơ hồ, vừa hồi hộp, háo hức. Chị em Liên đón đợi chuyến tàu như đón đợi phút giây giao thừa thiêng liêng mỗi khi Tết đến, xuân về. Cậu bé An buồn ngủ, mí mắt sắp sửa rơi mà vẫn còn dặn chị: “ Tàu đến, chị gọi em thức dậy nhé!”. Còn Liên ngồi yên không động đậy ngắm sao trời lấp lánh và hoa bàng khẽ rơi, tâm hồn Liên tỉnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ, không hiểu. Dường như cô bé đã hoàn toàn bứt mình ra khỏi cuộc sống mưu sinh cơ cực để đắm vào thế giới thần tiên, mộng mơ.
Nhìn thấy ánh đèn ghi từ xa, nghe tiếng còi vọng lại, Liên đã vội đánh thức em dậy: “ Dậy đi, An. Tàu đến rồi!” Lời gọi đầy hối thúc, giục dã vang lên như tiếng reo vui hồ hởi. Rồi tiếng còi rít lên, tàu rầm rộ đi tới, cả phố huyện bừng lên, sáng rực rỡ, sôi động, sang trọng, Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua. Hai chị em háo hức muồn hòa mình vào thế giới đông vui náo nhiệt ấy. Càng háo hức bao nhiêu, hai đứa trẻ càng ngẩn ngơ khi thấy tàu vượt qua bấy nhiêu. Chuyến tàu đi vào đêm tối, hai chị em vẫn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng rồi ra xa mãi, khuất sau rặng tre. Con tàu từ Hà Nội về thực sự đã hút hồn chị em Liên. Tàu qua, An băn khoăn nghĩ ngợi; “Tàu hôm nay không đông chị nhỉ?”. Còn Liên thì mơ hồ lặng theo mơ tưởng. Dẫu chuyến tàu không vui như mọi khi, thưa vắng người qua lại và hình như kém sáng hơn bình thường nhưng cô bé vẫn hân hoan vui sướng bởi con tàu ở Hà Nội về. Con tàu đã đưa Liên trở về tuổi thơ êm đềm, thời quá khứ ngọt ngào của tuổi thần tiên, đồng thời thức dậy trong cô bé, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Đêm nào, Liên và An cũng thao thức, hồi hộp đợi tàu. Trong con mắt của không ít người, đó là việc bâng quâng, không đâu thậm chí lẩn thẩn, vô nghĩa. Thế nhưng với trái tim giàu lòng trắc ẩn, Thạch Lam đã phát hiện ra những tâm sự sâu kín, những khát khao lãng mạn của hai chị em. Đợi tàu trở thành một nếp sống, một nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Đợi tàu để được trở về thời quá khứ dịu êm, ngọt ngào của tuổi hồn nhiên, ngây thơ. Đợi tàu để được cháy lên khát vọng mãnh liệt, mạnh mẽ, táo bạo: khát vọng đổi đời. Khát vọng ấy như mầm cây tươi non mọc lên trên vùng đất cằn cỗi, như ánh sao nhỏ nhoi lấp lánh mãi trên bầu trời đen thẳm không cùng. Qua việc tả cảnh đợi tàu, Thạch Lam thể hiện thái độ vừa cảm thương xót xa trước cuộc sống lay lắt, bế tắc của những kiếp người nhỏ bé, nhất là những đứa trẻ, vừa nâng niu vừa trân trọng, khát vọng vươn ra ánh sáng, khát vọng đổi đời của những con người ấy. Từ cuộc sống của con người nơi phố huyện, trang văn của Thạch Lam còn rung lên tiếng nói tha thiết có sức lay tỉnh sâu xa trong tâm hồn người đọc: Hãy cứu lấy những đứa trẻ! Hãy thay đổi cuộc sống bế tắc này đi!. Làm thế nào để cho trẻ thơ được sống trong hi vọng giống như những chồi non xanh biếc căng tràn nhựa sống trên cành mà không phải chỉ tồn tại rồi tài lụi đi trong miền đất chết. Có thể thấy, truyện ngắn “Hai đứa trẻ” chân thực, sinh động,, giàu giá trị hiện thực mà thấm đẫm cảm xúc nhân văn cao quý, dào dạt chất thơ lãng mạn. Đọc “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam ta bất giác nhớ đến “ Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen. Họ là hai nhà văn thuộc về hai đất nước, hai thời đại khác nhau nhưng cùng đồng điệu trong tiếng nói yêu thương nhân văn vì trẻ thơ.
Cảnh đợi tàu cũng là cảnh khép lại thiên truyện vừa nhẹ nhàng, lắng đọng của Thạch Lam. Đó là một cảnh tượng sẽ ám ảnh mãi trong tâm chí người đọc. Khép lại tác phẩm, ta vẫn thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương ấm áp mà sâu kín, về những tình cảm trắc ẩn bình dị mà xâu xa. “Hai đứa trẻ” thực sự đã hoàn thành sứ mệnh của văn chương chân chính khi khơi gợi của người đọc tình cảm trong sáng và giàu ý nghĩa nhân văn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro