Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phân tích Nhân vật Mị để thấy được sức sống tiềm tàng của nhân vật này

Bài làm


Mị là một cô gái có đủ cả sắc đẹp, tài hoa nhưng nhắc đến Mị là người ta liên tưởng đến cô gái có sức sống tiềm tàng, kì lạ. Nó là sức sống ở bên trong con người, giúp con người vượt qua những chà đạp, giày xéo, để vươn lên đến bến bờ hạnh phúc.

Mị là cô gái xinh đẹp, có cảnh ngộ và thân phận bất hạnh.

Mị là cô gái dân tộc Mèo, một bông hoa của núi rừng Tây Bắc. Mị trẻ trung, xinh đẹp, hát hay, thổi sáo giỏi, khao khát tự do, là niềm mơ ước bao nhiêu chàng trai: "Trai đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị". Cô còn là người con hiếu thảo và có ý thức lựa chọn hạnh phúc cho mình: "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu". Mị tin rằng mình có thể bằng sức lao động mà thanh toán được món nợ truyền kiếp cho bố mẹ, đồng thời vẫn giữ được sự tự do cho mình. Đó là khao khát của một người mang trong mình sức sống mãnh liệt.

Số phận:

Vì món nợ truyền kiếp của bố mẹ mà Mị đã trở thành con dâu gạt nợ của nhà thống lý Pá Tra. Tô Hoài mở đầu tác phẩm bằng hình tượng của một cô Mị "đang quay sợi", "bên tảng đá cạnh tàu ngựa. lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Bên cạnh cái nhộn nhịp của cuộc sống nhà thống lý là cảnh sống câm lặng của Mị, giống như bức tranh tương phản khắc nghiệt được vẽ ra bằng giọng văn chậm và buồn. Tô Hoài đã khắc họa chân dung - số phận Mị như bức chân dung - số phận của một cuộc đời đầy giông bão. Mị đã bị ném vào địa ngục và ban đầu Mị quyết định tự tử. Không phải Mị chán sống mà chính niềm khao khát sống mãnh liệt đã đẩy Mị đi đến quyết định đó. Nó là "biểu hiện lộn ngược của lòng ham muốn sống cho ra sống chứ không cam chịu một cuộc sống tăm tối"...Vì lòng hiếu thảo mà Mị đành gạt nước mắt trở về nhà thống lý Pá Tra, tiếp tục sống trong những đày ải về thể xác và tinh thần. Mị đào sâu chôn chặt tất cả khao khát trước kia của mình, Mị sống mà như đã chết, không ước mơ, không khát khao, thậm chí cả không cười nói. Mị bị đày đọa về thể xác khi biến thành công cụ lao động làm việc quần quật quanh năm suốt tháng không được nghỉ ngơi: chẻ củi, cõng nước, hái lá...

Thậm chí Mị bị đánh và bị trói đòn tàn nhẫn (trong đêm mùa xuân, A Sử đã đạp chân vào mặt Mị khi Mị mệt quá ngủ thiếp đi; hay đêm mùa đông Mị dậy sưởi lửa cũng bị A Sử đánh ngã ở cửa bếp). Mị bây giờ như: con rùa nuôi trong xó cửa", "Mị tưởng mình là con trâu, mình cũng là con ngựa". Cách so sánh vật hóa như thế đã biến Mị thành một công cụ lao động biết nói chứ không còn là con người nữa. Lâu dần, Mị mất ý thức về thời gian, không gian. Gian buồng của Mị "có một chiếc cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng". Nếu nhà thống lý Pá Tra là một nhà ngục khổng lồ thì gian buồng của Mị chính là cụ thể hóa cho cái địa ngục trần gian đó. Thậm chí, sự bóc lột về thể xác đã bắt về trình ma nhà nó rồi thì chỉ có đợi ngày rũ xương ở đây thôi. Cái phức tạp trong suy nghĩ của Mị là những lúc ham sống nhất lại là lúc Mị thèm chết nhất, khi không thèm chết nữa cũng chính là lúc Mị không thiết sống nữa.

Sức sống mãnh liệt của Mị trong đêm tình mùa xuân:

Mùa xuân đã đem đến sức sống cho đất trời Hồng Ngài: "Hồng Ngài năm ấy tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng". Nắng vàng rực rỡ trên những đồi cỏ gianh cùng "những chiếc váy đã đem ra phơi trên mỏm đã òe như con bướm sặc sỡ", những đêm tình mùa xuân, trai gái hẹn hò dưới ánh trăng, tiếng khèn tiếng sáo. Tô Hoài đặc biệt nhấn mạnh đến âm thanh của tiếng sáo trầm bổng thiết tha gọi bạn tình lửng lơ ngoài núi, đầu làng. Tất cả đã góp phần tạo dựng một không gian nghệ thuật mang đậm màu sắc dân tộc độc đáo ở vùng cao Tây Bắc.

Vẻ đẹp của mùa xuân đã góp phần đánh thức sức sống tiềm tàng lần khuất bấy lâu trong tâm hồn Mị. Âm thanh của cuộc đời bên ngoài trở thành tiếng lòng của cô. Hành động đầu tiên đánh dấu sự hồi sinh là việc Mị lén lấy hũ rượu ra uống. Cái cách uống rượu cũng khác lạ "cứ uống ừng ực từng bát", như muốn trút tất cả tủi sầu cay đắng vào lòng. Bên cạnh không khí tấp nập nhộn nhịp của nhà thống lý Pá Tra ta vẫn thấy hình ảnh một cô gái cô độc và tách biệt hoàn toàn với thế giới ấy. Trong men say, Mị nghe thấy tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Nó khiến Mị như tỉnh thức ra, đưa Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ. Tiếng sáo đánh thức một đoạn đời tươi đẹp của Mị. Tiếng sáo khiến Mị dần có ý thức về tuổi trẻ và giá trị của: "Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi". Chính ý thức ấy đã thức tỉnh khao khát yêu đương, khát khao hạnh phúc bởi lần đầu tiên sau bao năm làm dâu nhà thống lý, Mị đã nhận thấy thực trạng bất công và cuộc sống cơ cực của mình.

Cái hay của nhân vật này là lúc sức sống mãnh liệt trỗi dậy mạnh mẽ nhất chính là lúc Mị muốn tìm đến chết nhất: "giá có nắm lá ngón ở trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay". Như vậy, tiếng sáo không chỉ gợi lên quá khứ mà còn gợi ra đau thương thê thảm trong cuộc đời Mị và nó bắt Mị phải đối diện, phải nhìn thẳng vào sự thật đến mức khiến Mị "không buồn nhớ lại nữa". Và cũng lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, ý thức về sự sống - cái chết lại trở lại tâm trí Mị, lòng ham muốn sống đã rạo rực trong lòng Mị cùng cái chối từ về cảnh sống hiện tại đã khiến Mị muốn tìm đến cái chết.

Sức sống tiềm tàng chuyển hóa thành hành động bên ngoài. Mị không chỉ "muốn đi chơi" mà còn "sửa soạn đi chơi". Sự "nổi loạn" của Mị bị dập tắt nhanh chóng. A Sử xuất hiện rồi đem trói đứng Mị vào trong xó nhà bằng một thúng sợi đay. Có thể nói sức sống tâm hồn Mị đã hồi sinh mãnh liệt trong khoảnh khắc đêm mùa xuân đó. Để rồi nó dường như bị tê liệt. Mị lại trở nên cam chịu, nhẫn nhục, lặng lẽ như kiếp trâu, kiếp rùa. Nhưng một khi khát vọng sống trở lại thì nó luôn âm ỉ chứ không bị tắt hẳn, nó trở thành "bàn đạp" cho một cuộc trốn chạy thực sự vào đêm mùa đông trên núi cao sau đó.

Sau cái đêm bị trói đứng, sức sống tiềm tàng của Mị mới bùng phát mãnh liệt, thông qua hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ. Những đêm trước ra hơ tay Mị vẫn thấy A Phủ bị trói ở đó, Mị thản nhiên như không "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi". Mị đã quá quen thuộc với cảnh hành hạ con người như thế. Nhưng, những gì đã chết trong lòng Mị sẽ được hồi sinh khi "thấy 2 mắt A Phủ vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống 2 hõm má đã xám đen lại".

Dòng nước mắt của A Phủ là biểu hiện của sự đau khổ khi một chàng trai vốn khỏe mạnh gân góc bây giờ đang từng giây từng phút đối diện với cái chết. Niềm đồng cảm và tình thương trở về đã biến Mị từ một người cam chịu thành một người liều lĩnh, nổi loạn. Ý nghĩ cứu A Phủ đến rất nhanh kéo thành hành động.: "Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây". Sau hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ, ta thấy được sự am hiểu tâm lý con người của Tô Hoài. Mới đầu Mị không sợ chết, không sợ chết chính là biểu hiện của sức sống mãnh mẽ, bất chấp cái chết. Nhưng khi A phủ đã chạy đi rồi, đối diện với cái chết đang lửng lơ trước mắt, Mị lại thấy sợ, chứng tỏ lòng ham sống trỗi dậy tự nhiên trong người con gái này. Bước chân lao đi của Mị như đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn phong kiến miền núi đã đè nặng tâm hồn Mị suốt bao năm qua. Câu nói vang lên "A Phủ. Cho tôi đi! Ở đây thì chết mất" là biểu hiện của khao khát sống, khao khát tự do của Mị. Lí giải hành động quyết liệt này của Mị, trước tiên ấy là niềm đồng cảm sâu sắc giữa hai thân phận.

Nếu như Mị là con dâu gạt nợ thì A Phủ là đứa trừ nợ. Nhưng niềm đồng cảm là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Để đi đến hành động táo bạo ấy còn bởi trong Mị tiềm tàng sức sống. Rõ ràng không phải người phụ nữ nào trong hoàn cảnh ấy cũng đều làm được như cô. Nghĩa là sang khoảnh khắc này Mị lại thấy cái chết đáng sợ. Sự kiện Mị cứu A Phủ, rồi cả 2 cùng quyết định trốn khỏi nhà thống lý tuy chỉ là một cảnh ngắn nhưng nó thực sự là một bài ca ca ngợi tự do trong đó người nô lệ đã "tức nước vỡ bờ" vùng lên phá cũi sổ lồng. Tất cả sức mạnh của họ đều xuất phát từ khát vọng sống sâu xa và mãnh liệt.

Qua cuộc đời, cảnh ngộ, số phận của Mi và A Phủ, Tô Hoài đã tố cao mạnh mẽ hiện thực xã hội miền núi trước cách mạng với chế độ thống trị khắc nghiệt, với những phong tục tập quán lạc hậu và chà đạp, đè nén, vùi dập con người, cướp đi quyền hạnh phúc của con người, biến mỗi kiếp người trở thành kiếp trâu, kiếp ngựa. Đồng thời tác giả cũng bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc, chân thành trước cuộc đời của những con người có số phận bất hạnh. Tô Hoài còn trân trọng, nâng niu những phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động miền núi ở cả Mị và A Phủ, đó là sự trân trọng sức sống tiềm tàng của cả hai nhân vật này.

Cũng chạy trốn trong một đêm tối trời, tối đất nhưng cuộc đời Mị không bế tắc cùng quần như chị Dậu mà ở Mị, tương lai đã tốt đẹp, tươi sáng hơn. Qua nhân vật Mị, tác giả đã thể hiện sâu sắc giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của mình. Thành công tiêu biểu nhất là đã miêu tả một cách logic quá trình phát triển nội tâm của nhân vật, đặc biệt là tính cách nhân vật Mị. Nhà văn sử dụng thành thạo lời nửa trực tiếp, đó là lời kể của tác giả nhưng người đọc vẫn cảm nhận như chính lời của nhân vật đang tự bộc lộ "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi"...có nhiều chi tiết giàu chất thơ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: