Nỗi nhớ trong bài thơ Tương Tư của Nguyễn Bính và bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc và Tương tư:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Nắng mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
( Tương tư - Nguyễn Bính, Ngữ văn 11 nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr. 55)
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
(Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12 nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr. 84) )
GỢI Ý
1. Vài nét về tác giả và tác phẩm
- Nguyễn Bính là gương mặt nổi bật của phong trào Thơ mới và cũng tiêu biểu cho thơ ca sau Cách mạng, với hồn thơ chân quê, có sở trường về lục bát. Tương tư là bài thơ đặc sắc của ông, thể hiện tâm trạng nhớ mong chân thực và tinh tế của chàng trai quê.
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, với phong cách trữ tình chính trị. Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của ông, thể hiện tình cảm cách mạng sâu nặng đối với chiến khu và những kỉ niệm kháng chiến.
- Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương. Sự sống của tình yêu chính là nỗi nhớ. Nỗi nhớ trong tình yêu đa sắc thái và nhiều cung bậc.
- Tương tư (Lỡ bước sang ngang - 1940) là bài thơ tình nổi tiếng của Nguyễn Bính, nói về nỗi tương tư, nhung nhớ của một người con trai với người con gái mình thầm yêu. Việt Bắc (Việt Bắc -1954) của Tố Hữu diễn tả nỗi nhớ với chiến khu. Nhà thơ đã lấy trang thái nhớ nhung trong tình yêu để so sánh, khẳng định niềm nhớ thương da diết không nguôi của những người cán bộ về xuôi đối với quê hương cách mạng.
2. Về đoạn thơ trong bài Tương tư
- Nội dung
+ Đây là đoạn mở đầu của bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính. Người con trai chân thành thú nhận nỗi tương tư.
+ Tâm trạng tương tư của chàng trai quê được bộc lộ thành những nhớ mong da diết, trĩu nặng. Nỗi niềm ấy được xem như một quy luật tự nhiên không thể cưỡng lại, một thứ "tâm bệnh" khó chữa của người đang yêu.
+ Niềm mong nhớ gắn liền với khung cảnh làng quê khiến cho cả không gian như cũng nhuốm đầy nỗi tương tư.
+ Hai câu đầu là những dẫn dắt tù xa đến gần, từ ướm đến hỏi rất duyên dáng của ca dao. Nói chuyên thôn Đoài nhớ thôn Đông để nói chuyện một người nhớ một người. Dùng lối diễn đạt ước lệ để giãi bày niềm thương nhớ dâng đầy (chín nhớ mười mong).+ Hai câu sau lấy quy luật của trời đất để nói quy luật của tình yêu. Trời đất phải có gió có mưa, yêu thì có thương có nhớ. Từ " bệnh" được dùng rất ý vị, khẳng định thêm tính tất yếu của tình yêu.
- Nghệ thuật
+ Các hình ảnh sóng đôi: Đông - Đoài, gió - mưa, tôi - nàng... tô đậm khát vọng lứa đôi .
+ Thể thơ lục bát thấm đượm phong vị ca dao.
+ Cách tổ chức lời thơ độc đáo; sử dụng nhuần nhuyễn nhiều biện pháp tu từ: hoán dụ, nhân hoá, tăng tiến, hoa trương.
+ Chất liệu ngôn từ chân quê với những địa danh, thành ngữ gần gũi; Các hình thức diễn đạt, cách dùng địa danh quen thuộc của ca dao dân ca khiến đoạn thơ có vẻ đẹp dung dị, duyên dáng dễ đi vào lòng người. Chất "chân quê" của hồn thơ Nguyễn Bính được biểu hiện rất tài tình.
3. Về đoạn thơ trong bài Việt Bắc
- Nội dung
+ Đây là lời của người đi, khẳng định về xuôi sẽ nhớ Việt Bắc "như nhớ người yêu". Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hoà tình nghĩa riêng chung. Từ đó muốn nói nỗi nhớ của tình yêu là nỗi nhớ da diết nhất, thường trực nhất.
+ Sau lời khẳng định là những hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc đẹp như khúc hát đồng quê. Trăng đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương... là những hình ảnh rất đặc trưng cho khung cảnh núi rừng êm đềm, thơ mộng. Trên cái nền trữ tình là hình ảnh con người Việt Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó. Con người và thiên nhiên hài hòa gắn bó trong nỗi nhớ người về xuôi.
+ Các hình ảnh trong hoài niệm nhưng hiện lên thật cụ thể, rõ nét, chứng tỏ sự gắn bó sâu sắc và nỗi nhớ thiết tha.
- Nghệ thuật
+ Thể thơ lục bát kết hợp nhuần nhuyễn chất cổ điển và chất dân gian, nhịp điệu linh hoạt uyển chuyển, âm hưởng tha thiết, ngọt ngào.
+ Hình ảnh thơ giản dị mà gợi cảm; cách ví von quen thuộc mà vẫn độc đáo; cách tổ chức lời thơ với phép tiểu đối, phép điệp cân xứng, khéo léo...
4. Về sự tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn thơ
- Tương đồng: Cả hai đoạn thơ đều thể hiện nỗi nhớ da diết, sâu nặng; sử dụng thể thơ lục bát điêu luyện.
- Khác biệt: Đoạn thơ trong bài Tương tư là nỗi nhớ của tình yêu lứa đôi, gắn với không gian làng quê Bắc Bộ, vừa bày tỏ vừa "lí sự" về tương tư, với cách đối sánh táo bạo...; đoạn thơ trong bài Việt Bắc là nỗi nhớ của tình cảm cách mạng, gắn với không gian núi rừng Việt Bắc, nghiêng hẳn về bộc bạch tâm tình, với cách ví von duyên dáng...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro