Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN LỚP 11 HỌC KÌ II


NĂM HỌC 2015 - 2016
(Dùng chung cho chương trình Chuẩn và Nâng cao)

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Về kĩ năng trả lời câu hỏi:
a. Xác định nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản (kiểu văn bản, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận...); hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản.
* Lưu ý: Đối với dạng câu hỏi này, cần đọc kỹ văn bản, tìm xem trong đó các từ ngữ nào được lặp đi lặp lại. Xét nội dung của nó nói về điều gì? Xác định được nội dung rồi thì đặt tên cho văn bản.
b. Gọi tên các biện pháp nghệ thuật và phân tích tác dụng của chúng.
* Lưu ý: Đối với dạng câu hỏi này, các em cần ôn lại kiến thức về các biện pháp tu từ từ vựng như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, tương phản, chơi chữ, nói giảm, nói tránh, thậm xưng,... và các biện pháp tu từ cú pháp như lặp cú pháp, liệt kê, chêm xen, câu hỏi tu từ, đảo ngữ, đối,...
c. Từ một vấn đề của văn bản, viết một đoạn văn liên hệ
* Lưu ý: Đối với dạng câu hỏi này các em cần rèn luyện lĩ năng viết một đoạn văn có hình thức và nội dung theo đúng yêu cầu của người ra đề

Gợi ý tham khảo:
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 3:
"... Nói tới sách là nói tới trí khôn của loài người, nó là kết tinh thành tựu văn minh mà hàng bao thế hệ tích lũy truyền lại cho mai sau. Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi.
Những quyển sách khoa học có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những qui luật của nó, hiểu được trái đất tròn trên mình nó có bao nhiêu đất nước khác nhau với những thiên nhiên khác nhau. Những quyển sách xã hội lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế, lịch sử, văn hóa, những truyền thống, những khát vọng.
Sách, đặc biệt là những cuốn sách văn học giúp ta hiểu biết về đời sống bên trong tâm hồn của con người, qua các thời kì khác nhau, những niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ, những khát vọng và đấu tranh của họ. Sách còn giúp người đọc phát hiện ra chính mình, hiểu rõ mình là ai giữa vũ trụ bao la này, hiểu mỗi người có mối quan hệ như thế nào với người khác, với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại này. Sách giúp cho người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc, đâu là nỗi khổ của con người và phải làm gì để sống cho đúng và đi tới một cuộc đời thật sự.
Sách mở rộng những chân trời ước mơ và khát vọng. Ta đồng ý với lời nhận xét mà cũng là một lời khuyên bảo chí lí của M. Gorki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống". Vì thế, mỗi chúng ta hãy đọc sách, cố gắng đọc sách càng nhiều càng tốt".
( Trích Về việc đọc sách - Nguồn Internet)
Câu 1. Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản trên (0,5 điểm)
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,25 điểm)
Câu 3. Anh/chị hãy nêu quan điểm riêng của mình về ý nghĩa của việc đọc sách đối với lớp trẻ ngày nay. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN

1/ Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh cần ôn lại
- Kĩ năng làm một bài văn nghị luận văn học với kiểu bài phân tích, đánh giá một nhận định hay một vấn đề của tác phẩm văn học
- Nắm kỹ năng xử lý đề, không đơn thuần là thuộc lòng nội dung văn bản
- Biết cách kết hợp các thao tác lập luận

Gợi ý tham khảo:
Hoài Thanh đánh giá Xuân Diệu là: mới nhất trong các nhà thơ mới.
Anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên thông qua bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu)

2. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh cần củng cố, hệ thống lại kiến thức những tác phẩm dưới đây:
a. Bài thơ "Vội vàng" - Xuân Diệu.
* Tác giả:
- Xuân Diệu là cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam hiện đại, là một nhà văn hóa lớn của dân tộc; sức sáng tạo mãnh liệt, bền bỉ và sự nghiệp phong phú.
- Ông là nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh) đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.
- Ông là nhà thơ của tình yêu, mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết.
* Tác phẩm:
+ 4 câu đầu:
- Khát vọng muốn "vĩnh cửu hoá" cái đẹp, để cho thi sĩ tôn thờ, thưởng thức. Ước muốn ấy táo bạo, muốn đoạt quyền của tạo hoá, muốn ngự trị cả thiên nhiên. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu cuộc sống say mê của hồn thơ nồng nàn, tha thiết.
- Điệp ngữ, điệp cấu trúc câu "Tôi muốn ... cho ..." diễn tả niềm khát khao mãnh liệt, táo bạo của cái tôi trữ tình.
+ 9 câu tiếp:
- Cảnh thiên đường trên mặt đất có đủ cả hương vị, màu sắc và cả âm thanh, rất sinh động. Bức tranh mùa xuân tươi vui, hạnh phúc, căng tràn nhựa sống được cảm nhận qua các giác quan và tâm hồn nghệ sĩ yêu đời, khao khát cuộc sống của nhà thơ.
- Điệp ngữ "này đây" được lặp lại bốn lần kết hợp với thủ pháp liệt kê tăng tiến, nhịp thơ gấp gáp... cho thấy cảnh đẹp như bày sẵn ra trước mắt, rất cụ thể, rõ ràng đồng thời bộc lộ niềm sung sướng đến ngất ngây của thi sĩ trước cảnh sắc ấy.
- Thủ pháp chuyển đổi cảm giác mới mẻ, độc đáo; quan niệm thẩm mĩ hiện đại lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp (Tháng giêng ngon như một cặp môi gần) khiến thiên nhiên trở nên cụ thể, gợi cảm, quyến rũ, mang đầy tính nhục thể.
Thiên nhiên mang vẻ đẹp của một giai nhân và của một tình nhân.
+ 16 câu tiếp:
- Nét mới mẻ trong quan niệm của tác giả về thời gian tuyến tính, một đi không trở lại, lấy tuổi trẻ làm thước đo của thời gian.
- Ý thức đau đớn về sự chảy trôi của thời gian, sự hạn hẹp ngắn ngủi của đời người trước sự mênh mông, rộng lớn của đất trời đã khiến nhà thơ có những cảm nhận tinh tế về sự tàn phai của cuộc đời.
- Thủ pháp chuyển đổi cảm giác (mùi tháng năm; vị chia phôi;...), nhân hóa (sông núi than thầm tiễn biệt; con gió xinh thì thào, hờn vì nỗi bay đi; chim đứt tiếng reo thi, sợ độ phai tàn...); câu hỏi tu từ...
+ 10 câu cuối:
- Khát vọng tận hưởng cuộc sống mãnh liệt, cuồng say được diễn tả bằng những hành động tăng tiến đầy tính nhục thể, chiếm đoạt (ôm riết say thâu cắn). Đó là khát vọng sống hết mình, tận hưởng hết mình, đốt cháy mình dù chỉ trong một phút giây. Quan niệm sống tích cực.
"Vội vàng" là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những tháng năm tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt. Tư tưởng đó được thể hiện qua một hình thức nghệ thuật điêu luyện : sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí, giọng điệu say mê, sôi nổi, những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ.

b. Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử.
* Tác giả:
- Là một trong những cây bút xuất sắc trong phong trào thơ Mới.
- Là một tài năng thơ độc đáo, giàu sức sáng tạo nhưng cuộc đời ngắn ngủi, nhiều bi thương, bất hạnh.
- Thơ của ông là niềm thiết tha với cuộc sống, với con người và ấn chứa niềm đau thương, tâm sự uẩn khuất trước sự ngắn ngủi của cuộc đời.
* Tác phẩm:
+ Khổ 1:
- Bức tranh thôn Vĩ lúc bình minh tươi mới, tinh khôi, tràn đầy sức sống. Câu thơ "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc" cất lên như một tiếng reo vui, một lời suýt xoa của thi nhân trước vẻ đẹp vô ngần của thôn Vĩ. Từ "mướt" như ánh lên vẻ mượt mà, óng ả, đầy xuân sắc, một màu xanh mỡ màng, tràn trề nhựa sống của Vĩ Dạ. "Xanh như ngọc" là màu xanh lung linh, ngời sáng, long lanh. Cả vườn Vĩ được tắm gội bởi sương đêm, đang chìm trong giấc ngủ thì được đánh thức và bừng lên trong ánh nắng hồng ban mai. Nắng mai rót vào vườn cứ đầy dần lên, đến khi ngập tràn thì nó biến cả khu vườn thành một đảo ngọc giữa chốn "nước non thanh tú" của quê hương xứ sở.
- Thiên nhiên và con người hài hoà với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng và thơ mộng ("Lá trúc che ngang mặt chữ điền").
=> Khổ thơ đầu là bức tranh thôn Vĩ đẹp, tươi sáng, trong trẻo, gợi cảm và đầy sức sống. Đồng thời, đó cũng là niềm hi vọng hạnh phúc của thi nhân.
+ Khổ 2:
- Cảnh sông nước, mây trời xứ Huế vừa có nét đẹp hoang sơ, dân dã, vừa đượm buồn. Gió, mây và dòng nước đều được nhân hoá để trở nên có hồn, sinh động. "Gió theo lối gió, mây đường mây" ngắt nhịp 4/3 với hai vế tiểu đối gợi tả một không gian gió, mây chia lìa, đôi đường, đôi ngả như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Nhà thơ còn nhân hoá con sông thành một sinh thể có tâm trạng để giãi bày tâm tư của chính mình.
- Cả dòng sông như được dát bạc, ánh lên lộng lẫy, huyền ảo lung linh. Nếu "Thuyền ai" gợi lên bao ngỡ ngàng, bâng khuâng, vừa quen vừa lạ, man mác như điệu hò xứ Huế thì hình tượng "sông trăng" lại như một nét vẽ thơ mộng, chất chứa cái thần thái, "linh hồn" của cảnh sắc thiên nhiên xứ sở. Sự kết hợp giữa "thuyền ai" và "sông trăng" đã tạo nên một hình tượng đẹp thi vị, gợi tả vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng, thân thương của Huế. Thuyền chở trăng là chở tình yêu. Bến trăng là bến bờ hạnh phúc. Liệu con thuyền tình yêu có vượt thời gian để kịp cập bến bờ hạnh phúc hay không ? Câu hỏi chất chứa bao niềm khắc khoải, sự chờ đợi mỏi mòn tình yêu, hạnh phúc của thi nhân. Ẩn trong đó có sự mông lung, hồ nghi, thất vọng.
=> Khổ thơ thứ hai vẽ nên bức tranh xứ Huế ảm đạm, nhuốm màu chia lìa, sự sống mệt mỏi, yếu ớt nhưng cũng huyền ảo, thơ mộng, đồng thời toát lên những dự cảm hạnh phúc chia xa của nhà thơ.
+ Khổ 3:
- Bức tranh người thiếu nữ Huế qua sự hình dung, tưởng tượng của thi nhân hiện lên nhuốm màu hư ảo. Tất cả như mờ nhòe, không rõ ràng.
- Sắc áo trắng của người thiếu nữ là sắc màu của tâm tưởng, của nỗi nhớ được điệp lại gợi lên khoảng cách xa xôi, cách trở.
- Câu hỏi tu từ vừa biểu hiện tâm trạng hoài nghi, cô đơn vừa thể hiện nỗi niềm gắn bó thiết tha, sâu nặng của nhà thơ với tình yêu, với cuộc đời.

c. Bài thơ "Tràng giang" của Huy Cận.
* Tác giả:
- Là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ Mới, nhà thơ của vũ trụ, của sông nước mênh mông bao la, của nỗi buồn "mang mang thiên cổ sầu".
- Thơ ông hàm súc, giàu chất suy tưởng, triết lí.
- Giọng thơ thường buồn bã, ảo não
* Tác phẩm:
- Cảm hứng của bài thơ là cảm hứng không gian. Không gian như trải ra từ mặt sông lên tận chót vót đỉnh trời, không gian được nở ra từ thẳm sâu vũ trụ vào tận tâm linh con người.
- Bài thơ man mác một nỗi buồn thương đau đớn mênh mang về cuộc đời, về kiếp người, một nỗi sầu nhân thế. Nỗi buồn, nỗi sầu ấy thấm đẫm trong thiên nhiên, tạo vật, lan tỏa trong hồn người. Cuộc đời vắng vẻ, thê lương; sự sống thì khô héo; kiếp người thì tàn tạ, phiêu dạt. Đằng sau tâm trạng buồn, cô đơn là niềm khao khát sự sống, khao khát sự cảm thông hòa hợp.
a, Khổ 1:
Bài thơ là bức tranh sông nước thơ mộng của buổi chiều xứ bắc. Nó thấm đượm nỗi buồn man mác đến khôn cùng của thi nhân. Không gian trong bài thơ là hình ảnh sông nước mênh mang:
- Gợn là từ chỉ một xao động nhẹ nhưng da diết, nó cứ lan ra, loang ra, xô đẩy nhau đến vô tận. Điệp điệp là một từ láy nguyên gợi nỗi buồn triền miên, da diết, gối đầu lên nhau, tầng tầng lớp lớp. Nỗi buồn vì thế không chỉ dừng lại ở cảnh mà còn thấm sâu vào hồn người.
- Nỗi buồn sông nước còn được tác giả gởi gắm qua các khách thể như: con thuyền, nước, củi. Sự vật trong tư thế vận động: sóng gợn, thuyền xuôi, củi trôi chuyển động nhẹ, gợi sự phận ly, lạc lõng, trôi dạt
Đó không chỉ là nỗi sầu của con người giữa đất trời vô biên.
b, Khổ 2:
Không gian được mở rộng, từ sông lên cồn rồi tầm nhìn chuyển lên đất liền - chợ. Tuy nhiên không gian càng nới rộng thì sự côi cút của con người càng dâng cao.
- Lơ thơ, đìu hiu là từ láy gợi lên sự trơ trọi, quạnh quẽ, kém sinh khí và sự vật như bị nhấn chìm trong không gian bao la, rộng lớn.
Sâu chót vót: Câu thơ hiện đại có giá trị tạo hình, lấy chiều sâu để đo chiều cao
Nỗi buồn thấm sâu vào không gian ba chiều, thấm sâu vào hồn người. Tâm trạng của thi nhân: khát khao tìm tới và được giao tiếp với con người.
c, Khổ 3:
- Bèo dạt: dùng câu hỏi tu từ: gợi sự liên tưởng đến những kiếp người chìm nổi, lạc loài. Láy lại hình ảnh củi một cành khô lạc mấy dòng Nỗi buồn chung của cả thế hệ, nỗi sầu nhân thế.
Ý thức sự nhỏ bé, mong manh của kiếp người. Đồng thời nó thể hiện khát vọng được giao hoà với sự sống, với con nguời.
d, Khổ 4:
- Đằng sau bức tranh thiên nhiên là tình yêu quê hương đất nước kín đáo mà tha thiết của nhà thơ. ("Tràng Giang" là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc - Xuân Diệu).

- Bài thơ vừa có vẻ đẹp cổ điển vừa có tinh thần hiện đại:
+ Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ bộc lộ ở thi đề, thi tứ, ở việc sử dụng những thi liệu quen thuộc trong Đường thi (Thuyền, nước, sóng, dòng sông, bầu trời, bến, nắng, cánh bèo, áng mây, cánh chim, bóng chiều,...); bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình.
+ Nét đẹp hiện đại của bài thơ thể hiện ở việc sử dụng từ ngữ, dấu câu sáng tạo, độc đáo; ở tâm trạng của chủ thể trữ tình: nhớ quê hương ngay khi đứng giữa quê hương mình. Qua đó bộc lộ tình yêu quê hương đất nước kín đáo, sâu nặng, thiết tha.

d. Bài thơ "Mộ" của Hồ Chí Minh.
* Tác giả:
- Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc ta, đồng thời là một tác gia lớn. Sự nghiệp sáng tác của Bác đa dạng, nhưng nổi bật nhất là tập thơ trữ tình "Nhật kí trong tù".
* Tác phẩm:
- "Mộ" (Chiều tối) là bài thơ rất có giá trị của tập Nhật kí trong tù. Nó vừa gợi cảnh gian truân trong những ngày bị giam cầm vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn của Bác.
+ Hai câu đầu: Bức tranh thiên nhiên chiều tối đượm buồn nhưng gợi cảm được phác họa qua hai hình ảnh có tính ước lệ: "cô vân" và "quyện điểu". Bức tranh đậm chất Đường thi cổ kính (thi liệu, thi tứ, bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình ...) nhưng vẫn có nét hiện đại: cảm quan thiên nhiên hướng đến sự sống, hạnh phúc; vừa có chất thép vừa có chất tình.
+ Hai câu sau: Bức tranh cuộc sống sinh hoạt con người nơi xóm núi ấm áp tươi vui, tràn đầy sinh khí được miêu tả qua hình ảnh "cô gái xay ngô" và "lò than rực hồng". Hình ảnh con người hiện lên trong tâm thế lao động toát lên một vẻ đẹp bình dị, đời thường nhưng hiện đại, khỏe khoắn. Hình ảnh lò than chính là ý chí, nghị lực, niềm tin, niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh trên bước đường tù đày.
- Bài thơ có sự vận động về không gian, thời gian, tư tưởng, luôn luôn hướng đến sự sống, ánh sáng và tương lai.

e. Bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu.
* Tác giả:
- Là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, là nhà thơ của lí tưởng cộng sản.
- Thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình - chính trị. Thơ ông gắn liền với những chặng đường cách mạng, thể hiện những tình cảm lớn, lẽ sống lớn của người công dân, chiến sĩ, cán bộ cách mạng với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, Bác Hồ.
* Tác phẩm:
- Bài thơ thể hiện niềm vui sướng, say mê mãnh liệt của Tố Hữu trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản. Nhà thơ cảm thấy lý tưởng của Đảng có tác dụng kì diệu đối với cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của mình. Cũng từ đây ông bắt đầu có những nhận thức mới về lẽ sống, có sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm (gắn bó cái tôi cá nhân vào cái ta chung của mọi người; xem mình là thành viên trong đại gia đình quần chúng lao khổ...). Bài thơ có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống cách mạng, đồng thời cũng là một tuyên ngôn về nghệ thuật của nhà thơ.
- Bài thơ giàu nhạc điệu (nhờ sử dụng thể thơ thất ngôn với âm điệu trang trọng, liên tục thay đổi cách ngắt nhịp, sử dụng hệ thống vần ở cuối các câu thơ với âm mở có sức ngân vang), sử dụng phong phú các phép tu từ (ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, ngoa dụ, điệp từ...), sử dụng các từ ước lệ chỉ số lượng ...

f. Bài thơ "Tương tư" của Nguyễn Bính.
* Tác giả:
- Là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, có khuynh hướng sáng tác trở về đào sâu vào truyền thống dân gian, tìm về với hồn thơ dân tộc.
- Cảnh sắc và bóng dáng con người trong thơ ông đều thấm đượm tình yêu, duyên quê và phảng phất hồn xưa đất nước. Vì thế, thơ ông mang một vẻ đẹp chân quê và ông được xem là "thi sĩ của đồng quê".
* Tác phẩm:
- Bài thơ thể hiện tâm trạng tương tư và khát vọng về tình yêu lứa đôi của một chàng trai chốn thôn quê. Tâm trạng và khát vọng ấy đã được bộc lộ một cách chân thật, đáng yêu, gần gũi bởi nó được đặt vào khung cảnh bình dị của hương đồng gió nội, gắn liền với cây cỏ chốn quê. Qua bài thơ, người đọc hiểu được tâm hồn và phong cách thơ của Nguyễn Bính: thấm đượm tình quê, duyên quê và phảng phất hồn xưa đất nước.
- Thể thơ lục bát phảng phất ca dao, mang được cái hồn của ca dao ở giọng điệu, cách ví von so sánh, cách lựa chọn và tổ chức lời thơ, cách sử dụng ngôn ngữ đậm chất chân quê... Bài thơ cũng thể hiện được nghệ thuật diễn tả thời gian và tâm trạng của tác giả qua cách ngắt nhịp và sử dụng hình ảnh.

-----------------------Hết ---------------------
Nguồn : Học Văn - Văn Học

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro