Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Vô hình

Tôi ghét Thanh từ lúc nào, tôi không biết nữa, chỉ biết trước cả khi Thanh và tôi nói chuyện nhiều hơn bình thường, tôi đã ghét. Trong lớp, Thanh cứ một lúc lại quay xuống nhìn tôi, ánh nhìn hờ ơ như một con miêu đang trông chừng chuột con trong cũi. Đã mấy lần bị gọi đứng lên đọc bài vì tật quay xuống đó nhưng nó không chừa, thậm chí làm cô giáo tức điên vì điệu cười như nhạo báng cả thầy cô. Nào là biên bản, sổ đầu bài, hạ hạnh kiểm... những lời doạ nạt hùng hổ của người đứng trên bục giảng chỉ làm cho không khí trong lớp trùng xuống ái ngại chứ chẳng khiến Thanh bận tâm. Nếu có một điều có thể cứu Thanh khỏi trước tình thế những lời cảnh cáo kia được đem áp vào thực tế thì chỉ có lý do duy nhất đó là nó giỏi. Nó học giỏi, tuy ngang ngược, nhưng nịnh thầy cô và hăng hái xung phong trả lời thì cũng chỉ có nó dám làm và dám tỏ ra một cách đặc biệt. Thầy cô vừa mắng nó đầu giờ, cuối giờ bất đắc dĩ khen nó là chuyện bình thường ở cái lớp này. Tôi vạch xuống bàn như trút giận những vết mực đen thui. Thế mà nó không ngưng cái trò khiến tôi càng ngày càng ghét nó.

Ngoài giờ, nó kéo bạn bè xuống bàn trống cạnh bàn tôi, nói chuyện oang oang, thỉnh thoảng lại đạp lên ghế, cười khanh khách. Tôi nhắc nhở nhiều lần không suy suyển, thành ra mặc kệ trong ấm ức. Tôi mang sách vở, đồ dùng học tập đi chỗ khác, một lúc sau, nó với đồng đảng của nó lại xuất hiện ngay sau như oan hồn. Tôi nhận ra, mình ghét nó không chịu được.

Cũng là nó, năm giờ sáng, lần được căn nhà của tôi, bấm chuông inh ỏi để lôi tôi xuống chạy bộ. Tôi sợ anh chị thuê cùng căn bị đánh thức, dù buồn ngủ đến mức không nhớ mình là ai vẫn cố lê lết xuống để từ chối nó. Có ai tờ mờ sáng dậy chạy bộ giờ ấy trong khi mới được chợp mắt lúc mười hai giờ đêm không? Lý do tôi biết không ai ngoài nó bởi một phút trước khi khủng bố giờ giấc ngôi nhà nó đã kịp thông báo cho tôi một tiếng qua điện thoại. Bấy giờ nghĩ lại, tôi thấy mình có vẻ hơi liều. Rồi nhỡ đấy không phải Thanh, mà đấy là điện thoại quấy rối giả mạo, để rồi khi tôi vừa ló mặt thì ăn một nhát dao, bị bán sang Campuchia thì biết làm thế nào? Cái lý do nó biết địa điểm nhà tôi cũng thực tài tình. Có một hôm, Thanh chặn đầu xe và run tôi ngã xuống đường. Thật ra do con bé đòi đến nhà tôi, nhưng tôi xẵng giọng nói không, vì như đã giải thích từ đầu, không lý nào tôi đường hoàng mời một kẻ mình không ưa về để hầu trà nó. Và thế là không biết một cơn thần kinh ở đâu sà xuống óc nó để rồi tôi bị nó cho một chưởng người, xe ngã dúi dụi. Tôi điên cả tiết. Vốn một người khi đã muốn gây sự thì chẳng có lý do gì để ăn năn. Mặt nó hằm hằm như tướng cướp. Một tay giữ tôi, (không biết sao nó khoẻ thế, tôi đang nằm dưới đất mà một tay nó kéo tôi đứng thẳng được) một tay giữ xe. Tôi thi gan với nó, nhưng rồi câu hỏi của nó làm tôi tẽn tò.

- Đi học thêm à?

Rồi xong. Làm sao mà đã bận đi học thêm còn có thời gian san sẻ cho sự ấu trĩ này của nó được chứ? Nó đưa chuyện mượt như sunsilk, tôi thoáng chốc bị làm cho bối rối:

- Học tiếng Anh à? Gần đây chỉ có cô Nga dạy. Cô Nga hay cho về muộn lắm đấy, sợ mày đói, tao cho mày ít bánh này.

Nói rồi nó dúi vào tay tôi chiếc túi hoạ tiết caro xanh dương phả ra mùi thơm phưng phức của chất bơ mới ra lò. Tôi ù ù cạc cạc không hiểu chuyện gì. Nhưng nghĩ đến đó là Thanh, tự dưng tôi đâm ra hiểu. Con người Thanh là thế. Tôi ghét Thanh, cũng từ lúc nào, tôi với nó dính lấy nhau như sam, như một lẽ tự nhiên, như nước chảy chỗ trũng. Không quen cũng có vài ba người, quen cũng một hai người thắc mắc sao chúng tôi bỗng trở nên thân thiết thế. Nếu so sánh những gì chúng tôi làm, những gì chúng tôi nói, cách chúng tôi đối xử với nhau thì thật giống với những gì xảy ra giữa các đôi bạn thân. Cặp kè, chí choé, đợi nhau tan học, đi học cùng nhau,... hầu hết trong số đó là Thanh chủ động lôi kéo, tôi chỉ vừa khéo đồng ý vì từ chối cũng không xong. Tuy thế, tôi luôn dè chừng với những mối quan hệ thân thiết. Với tôi, Thanh chỉ là một người đặc biệt. Tôi hàm ơn đứa con gái trong sâu thẳm được dành cho sự ghét bỏ. Những tâm tư phức tạp ấy bện xoắn lại với nhau như chiếc dây thừng, dần dần thắt lại trong lòng tôi một nút khó mỗi ngày lại gần hơn nút chết.

- Thuỷ à? Nay đến sớm quá.

Tôi giật mình ngẩng đầu. Thì ra là bạn cùng bàn. Tôi gật đầu với Văn, cô lớp trưởng đằm thắm, nhu mì của lớp. Văn ngồi ngay bên cạnh tôi nhưng gần như cả năm học chúng tôi chẳng nói với nhau câu nào. Bên trái Văn là Phong, trai đẹp của khối, lại còn học giỏi, thân thiện. Ngồi chéo Văn là Quỳnh, bạn thân từ khi lên lớp mười. Nói tóm lại, xung quanh bán kính lấy Văn làm tâm điểm, ở đâu cũng có những người vừa xinh, vừa đẹp trai, vừa giỏi, vừa thú vị, hơi đâu để ý một người vừa mờ nhạt vừa học kém như tôi làm gì. Từng mấy lần thử bắt chuyện với Văn, nhưng một linh cảm nào đó trong tôi mãnh liệt bồn chồn đến nỗi tôi chẳng thể kéo dài sự thân thiết với cô nàng được quá hai ngày. Tôi cảm nhận bản thân mỗi câu chuyện Văn kể ra, dường như mình không có cách nào theo kịp. Điều đấy tôi không lý giải nổi. Cũng là Thanh, đứa con gái dở hơi với đam mê kể chuyện nhạt phèo vừa dai vừa dài, thế tôi cũng chỉ cảm thấy cùng lắm là chán chứ không hề khó chịu. Thanh luôn đem đến cho tôi cảm giác là một người ôn hoà, tách biệt khỏi những toan tính vị kỷ, dù chính cô ả cũng toàn làm những trò chỉ độc theo ý muốn cá nhân.

- Làm gì mà sững cả ra như thế? – Văn ngẩng đầu nhìn tôi trêu chọc.

Văn thay bình nước lọ hoa trên mặt bàn, đem bó hoa tươi hồng hào cắm vào trong lọ. Ánh nắng vàng hoe xiên ngang lọn tóc xoăn lơi lả, sống mũi nhỏ nhắn của Văn trở nên hồng hào. Bên cạnh cửa sổ, Văn trở nên xa lạ và nhoáng lên trong một giây trước cái nhìn ngẩn ngơ trước mọi thứ. Tôi ngây ngô cười rồi gật đầu với cô, trong đầu vẫn băn khoăn lý do vì sao mình lại có diễm phúc được người "nổi tiếng" trong khối bắt chuyện thế này.

Cả ngày hôm ấy, cách cư xử của Văn đối với tôi cũng khác, đến nỗi Quỳnh cũng phải quay xuống rồi bĩu môi:

- Ghê nhờ! Chúng mày thân ra như thế từ bao giờ? Sắp cho con Quỳnh này ngồi úp mặt vô xó tường rồi đây.

Phong ngồi bên cạnh hí hửng cười. Cậu ta cũng chêm vào vài lời chữa ngượng, có lẽ đoán tôi cảm thấy không thoải mái trước sự châm chọc không màng ý tứ của Quỳnh:

- Càng đông càng vui, đủ gom một team chơi cờ cá ngựa. Tâm nhỉ?

- Ừ.

Tâm ngồi bàn trên, so với những người khác thì ít khi quay xuống, mà cũng kiệm lời. Lý do rất đơn giản. Người ta nói, ghét nhau như người yêu cũ. Ở mặt trận chơi là chính học là phụ ngay đây, lớ ngớ lại dính ngay hai đứa người yêu cũ vừa chia tay nóng năm ngoái chính là Văn và Tâm. Phong cười nhí nhố, dường như lâu lắm mới có dịp cho cậu ta nói câu này:

- Cũng là nhờ ơn trên cho chúng con dính líu. Nay hoàn cảnh đưa đẩy, chúng con có cơ hội làm hoà. – Cậu ta còn cố tình bắt chước giọng chèo mà xướng lên mặc cho hai con người mặt đỏ đến mang tai vì xấu hổ.

- Đúng đó, đúng đó. – Quỳnh hùa vào phụ hoạ, đồng thời gảy tôi. – Thuỷ thấy có đúng không? Một nhà hai người làm lành, năm người hạnh phúc.

Vốn tôi chẳng cảm thấy gì, nhưng khi nghe Quỳnh nói, tôi phụt cười ra tiếng. Nghe như bố mẹ với đàn con thơ, vì hai cụ giận nhau nên cả đám chúng tôi nheo nhóc buồn. Tôi chép miệng, cúi xuống để dằn tiếng cười. Chợt lúc ấy, tôi lia sang, thật tình cờ trông thấy một bàn tay đặt dưới gầm bàn đang run rẩy. Bàn tay búp măng trắng như tuyết, những đầu ngón tay nho nhỏ đã cầm trên những bông hoa vào hôm chào tôi lần đầu tiên đó làm sao tôi có thể quên. Tôi ngậm chặt miệng. Nỗi niềm vô hạn quấn lấy tôi, vừa cắn rứt, vừa ngượng nghịu, vừa xấu hổ và có xíu xiu lo sợ. Dường như tôi đã làm ra một điều không nên. Dù trong ngoài tầm kiểm soát của mình nhưng người gánh chịu hậu quả của những điều đó lại không ai khác ngoài tôi. Tôi bỗng đâm chán nản. Ký ức đánh dạt tôi về những tháng ngày về trước, thậm thụt, dáo dác, tôi như một bóng ma giữa lòng đô thị ngập tràn người lạ, người lạ quen nhau. Đâu đâu cũng thấy những vòng tròn kín kẽ thốt ra tiếng cười rôm rả. Những mối nối hàn kín không có chỗ để chen vào.

Nhìn vào cái lớp lâu lâu lại ồ lên tiếng cười, tôi cảm thấy như mình là mảnh xương cụt của một cơ thể người. Có lẽ, vị trí của tôi đã được quyết định từ lâu. Lại nhìn vào một thế giới nơi bước chân người bên ngoài dồn dập bước qua, rẽ về các ngả, tôi không kìm được suy nghĩ cho rằng mình là con người nhỏ bé duy nhất bị lãng quên, nấp sau cánh cửa, khao khát nhìn ra nơi có luồng ánh sáng xoáy vào nhau qua một khe hẹp hấp háy.

Tiếng cười vui vẻ của những người bên trên xa dần, văng vẳng ở một nơi khó tiếp cận. Tiếng tách tách bấm bút lặp đi lặp lại. Tiếng giấy sột soạt khắp gian lớp. Tiếng chân người nho nhỏ, rõ dần. Tiếng chân người rất gần. Tiếng chân ấy ở ngay bên trên, rồi dừng hẳn lại. Tôi vẫn duy trì cái mặt cúi thấp ngoan cố, cái mím môi như đếch cần.

- Hào Anh à, sao mải đi thế?

- Về để chị Tuyết chị ấy bêu à? Đã mần ăn được gì đâu? – Hào Anh huých một cú ngay sườn Tâm.

Hai đứa tuy cao lớn ngang ngửa nhau, Hào Anh lại tập võ từ bé, vốn sức căng hơn thằng kia nhiều. Tâm méo mó cả mặt, nó gằn:

- Mày chết! Tao bảo chị ủi cả lò nhà mày!

- Giỏi thì mách đi. Tao bảo anh Hoà thằng Tâm nó đi chơi điện tử, khuya không về kí túc xá.

- Mẹ mày.

- Gọi bố!

Tiếng giảng trên bảng bỗng ngưng bặt. Hào Anh bàng hoàng nhận ra toàn bộ ánh mắt đã dồn về phía mình, điểm lẫn vài tiếng cười hi hí không rõ đang mở cờ trong bụng hay còn có tâm tư gì khác. Cậu ngượng cúi đầu. Cô Tuyết không nhìn xuống đây khiến cậu một hơi thở phào. Cô ngồi trên ghế, một tay nâng cuốn sách giáo khoa trước mặt, nghiêng nghiêng cái cần cổ thiên nga thanh thoát, mái tóc óng ả buông xuống vai. Mắt cô tròn, to to. Mũi cô cao, nho nhỏ. Cái môi hồng thắm một lớp son làm rực lên nhan sắc tựa như búp bê. Mặc dù hơn lũ học trò những mười lăm tuổi, chúng nó vẫn ưu ái gọi cô "chị Tuyết" một cách đầy thân thương (tất nhiên là lén lút). Đẹp như thế nhưng sợ nhất vẫn là học cô. Cô Tuyết rất nghiêm khắc. Hễ đứa nào không làm bài tập về nhà, ngày đấy coi như tàn canh gió lạnh, chỉ có ra sân ngồi chép rồi giả vờ đi học muộn mới là nước đi khôn ngoan. Chứ mà để cô phát hiện ra coi như xong. Đã có lần cô mời một anh chép nguyên một trang trên dòng đầu tiên của bảng trong suốt buổi học, mặc cho bên dưới cô giảng gì, hôm ấy nó coi như không cần học. Tưởng đơn giản, thế mà chỉ sau mười lăm phút hành hình, đứa kia đã mếu máo không ra hình người. Chẳng ai khác ngoài thằng Minh. Ai khoẻ dai như Chi Lan và Hào Anh thì còn trụ được ba mươi phút.

Tiếng giảng bài đứt quãng lần nữa được nối lại, Hào Anh rõ trông như người mất hồn tìm lại được xác. Thế mà cậu ta không biết sợ là gì, lại quay ra dấm dúi với hội bàn dưới:

- Chúng mày vừa hội nghị bàn tròn gì? Sao lại thiếu tổng thống?

- Hạng mày á? Chỉ chầu đổ bô thôi ông tướng ạ. – Quỳnh thò đầu sang mỉa mai.

- Dạ... vâng vâng vâng, tiểu thư chỉ phải. – Trước Quỳnh, Hào Anh ngoan một phép.

Quỳnh ngơ ngác. Sao hôm nay thằng bé lại ngoan thế nhỉ? Không cà khịa đôi câu cho nóng bầu không khí. Quỳnh bĩu môi.

- Mày vừa đi là hội này bài bạc đó. – Phong xoè bộ tú lơ khơ, nheo mắt như thầy bói.

- Hả? Văn bình thường nó không chơi, tao vừa đi thì chúng mày nhúp đâu ra một chân cuối?

Nghe câu này của Hào Anh, tôi thoáng bối rối. Phong nạt:

- Cái thằng rõ dở chửa? Không thấy con gái nhà người ta lù lù đây? Coi thường lắm đấy nhé.

Hào Anh. Trong đầu tôi văng vẳng hai chữ Hào Anh. Hào – Anh, con người tài giỏi tinh anh. Một cái tên đẹp thuộc về một con người có đủ mọi phương diện để làm cho người khác yêu mến. Tôi ghen tị với cậu ta, ghen tị với những người có thể nói chuyện được với cậu ta biết bao. Không dám bắt chuyện với cậu, không dám nhìn chăm chú cậu quá lâu, tôi gạt đi những suy nghĩ về lớp học, về tập thể bởi hiện lên trong đó toàn là nụ cười như một ban mai tràn ngập nắng. Rồi không biết từ bao giờ, hiện diện của người khác trong tôi cũng mờ nhoà như thể chẳng có ai là thật. Hào Anh dần lạ lẫm trong những suy nghĩ, những danh sách tên gọi.

Hào Anh quay xuống, đôi mắt màu hổ phách uống no nắng rực lên man dại. Đôi lông mày đậm viền quanh hốc mắt sâu, diềm mi dài, cong, mơ màng. Một con sói ai đã thả bộ về để nó lang thang với cái đẹp ngây ngất không thuộc về miền đồng bằng e ấp. Một giây Hào Anh cười với tôi ngắn ngủi, dường như cả chục năm sau cộng lại cũng không bằng. Tôi cũng cười. Và cậu ta cũng sao chép y nguyên cái phản ứng người đối diện. Tôi mơ hồ cảm nhận được điều gì đó, nhưng chưa kịp ngẫm, Hào Anh đã quay phắt lên. Tí suy nghĩ vẩn vơ le lói cũng chợt vụt tắt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro