Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Twin này nhóc đứng lại(chap 71,72,73)

Chap 71

Rút cuộc muốn về, mà lại thành vào nhà ăn bệnh viện. Bác sĩ Phước đẩy hũ sữa chua đến trước mặt nhưng tôi – vốn là một kẻ “cuồng” món này – chẳng còn tâm trạng để mà ăn nữa.

- Ta biết là cháu vừa tức vừa giận vừa hận vừa…

Tôi ngước đôi mắt không cảm xúc lên. Chảng hiểu ông ấy lấy đâu ra lắm cảm xúc để mà miêu tả đến như thế.

- Nhưng dù có là gì đi nữa, cháu cũng nên thông cảm cho nó. Cũng chỉ vì tình cảm dành cho cháu quá lớn, nên nó muốn giữ cháu ở bên mình thôi.

- Bằng cách đó sao? – tôi khônh kìm được, lên tiếng – bằng lời nói dối khiến cháu mất ăn mất ngủ với tâm trạng ân hận, day dứt, chỉ để cháu lúc nào cũng kè kè bên anh ấy, trở nên hiền lành dễ bảo còn hơn con ngốc. Lúc nào cũng chỉ nghĩ cho anh ấy.Hơi tí là lo lắng.

- Ừ, con người vốn ích kỉ như vậy mà.

Nghe nói vậy, tôi cũng chột dạ. Nếu là tôi, để đạt được mục đích của mình, có lẽ tôi cũng sẽ làm vậy.

- Này cháu gái, cháu khóc đấy à?

- Chẳng khóc thì cháu phải làm gì? Nếu mà biết nhà Danh, cháu đã đến cho anh một trận rồi.

- Vậy có cần ta cho địa chỉ nhà không?

Đến giờ mà ông ấy vẫn còn đùa được mấy câu vô tư như thế. Tôi khóc càng dữ dội hơn. Sao Danh đến giây phút cuối cùng vẫn không nói cho tôihai biết rằng anh chẳng hề bị chấn động dây thần kinh đến nỗi không đi được như đã nói. Hóa ra những lần gặp tôi, anh chỉ giả vờ nằm trên giường, giả vờ ngồi xe lăn để tôi cảm thấy ấy náy ngày qua ngày.

- Thật là…

Tôi bật dậy, hai tay nắm chặt. Chẳng hiểu tôi nghĩ gì mà trước đó mới khóc, giờ đã đằng đằng sát khí.

- Ấy, cháu gái bình tĩnh.

- Bác sĩ Phước cũng tiếp tay cho anh ấy – tôi gạt tay ông ấy ra, đầu óc thông thoáng lại nghĩ thêm được một người lừa gạt mình – cả ba của Danh nữa, ông ấy cũng thế.

Buồn bực, tôi lại ngồi xuống ôm đầu. Mấy cô ý ta xung quanh cứ gọi là chóng mặt với phản ứng dở nóng dở lạnh của tôi, nhưng có trưởng khoa Thần kinh ngồi đó nên có muốn cũng chẳng dámhé một câu nhận xét.

- Nó chẳng phải cũng hết theo đuổi cháu rồi đó sao. Chẳng qua là không dám nói ra sự thật thôi. Cháu cũng nên tha thứ cho nó, với hai ông bác già này nữa.

- Nhưng mà vì anh ấy, cháu đã bỏ đi rất nhiều thứ quan trọng. Giờ mọi thứ đều đổ bể hết rồi.

Bất giác nhớ lại lúc nói với Phong rằng tôi và cậu ấy nên chấm dứt, nhớ đến ánh mắt cậu ấy cố níu kéo mà tôi chẳng hề nghe, tâm trạng tôi tụt dốc thảm hại. Mình đối xử với người ta như vậy, giờ còn mong người ta quay lại với mình thế quoái nào được.

Nếu như Danh thật sự bị liệt, tôi dù ân hận nhưng vẫn quyết tâm đến với Phong thì cậu ấy có thể hiểu được. Đằng này anh ấy chẳng bị sao, vậy mà tôi thích thì nói chia tay, thích thì nối lại tình xưa, có cái gọi là thông cảm ở Phong sao? Cậu ấy đâu phải là người dễ dãi đến vậy. Con trai luôn có lòng tự trọng, và đó là thứ ở Phong khiến người ta luôn cảm thấy kính nể.

- Hết rồi! Hết thật rồi sao?

Thấy tôi nước mắt lòng ròng, không ngừng đập trán lên nền bàn mika, đến cả cô lao công đang cố cho xong ca đêm cũng phải dừng công việc của mình, hết chuyển ánh mắt từ “kẻ điên” sang vị bác sĩ “thần kinh”.

- Hoài Thư này… - ông ấy ra sức lay vai nhưng tôi chẳng thèm nghe, cứ vô thức lặp đi lặp lại hành động ngu ngốc như một cái máy – cháu cứ làm như mọi chuyện tồi tệ lắm ấy.

- Thì bác cứ thử đặt vào hoàn cảnh của cháu mà xem! Chỉ tức không thể đổ lỗi cho ai, nhất định cháu sẽ đánh người đó cho hả dạ.

- À, ý cháu là đánh Danh thì không được, nhưng tức thì chẳng biết để đâu cho hết chứ gì. Yên tâm, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn có một cách giải quyết.

- Vậy bác nói cháu nghe thử xem – tôi giương đôi mắt nhòe nhoẹt một cách thách thức – chẳng lẽ cháu đến nói với bạn trai…, à không, cái người từng là bạn trai ấy, rằng cháu với Danh có chút hiểu nhầm, thế nên bây giờ cháu và cậu ấy nên quay lại như xưa sao.

- Cũng có thể.

Vị bác sĩ tóc muối tiêu cái thời kì mà một cân tiêu một cân vàng lại cười toe, đúng kiểu không biết câu trả lời nhưng cứ hăng giơ tay phát biểu.

- Nếu là bác thì bác có thấy xuôi tai không? – tôi giãy nảy – Cháu làm tổn thương người ta như thế, đâu chỉ có một câu xin lỗi là xong.

- Đúng!

Ông ấy đồng tình bằng cái giọng khiến cho tôi tức nghẹn họng nhưng chẳng thể làm gì. Bắt gặp ánh mắt chẳng mấy hiền lành của tôi, bác sĩ Phước đành phải hạ giọng.

- Ta đùa chút thôi. Thực ra người ngoài như ta lúc nào cũng nhìn sự việc theo cách khách quan mà người trong cuộc không thể nào thấy.

Ông ấy hấp háy đôi mắt.

- Cháu chỉ cần tự tin vào bản thân và thật lòng với cảm xúc của mình. Đến gặp người cháu yêu quý, và bày tỏ tình cảm của mình.

Vì ông ấy là bác sĩ tâm lí và quen với việc lừa lọc mấy đứa khờ như tôi, hay thực sự đó là lời khuyên đúng đắn mà tôi nghe nhe nuốt từng chữ. Trong chốc lát mà thấy mình tự tin có thừa nhưng suy nghĩ thì thiếu.

- Có thể làm thế được sao? Ngay cả khi đó là người giận rất dai?

- Không là vấn đề.

- Ngay cả khi người đó không còn tình cảm với cháu?

- Tình cảm có thể thay đổi – ông ấy gật gù.

- Ngay cả khi người ấy sắp bay đến một nơi xa lạ du học với người yêu mới?

- Được… Hả? Nghiêm trọng đến thế à?

Chỉ còn có mỗi một câu, bác không thể giả vờ nói dối cho trót để cháu vui vẻ được sao?

- Tất nhiên là được – bác sĩ Phước vỗ vai trấn an tôi, nhanh chóng khẳng định lại - Thực tế đã chứng minh điều đó.

- Thực tế nào? Đừng nói là bác lấy mình ra làm ví dụ đấy nhé.

- À, à…

Càng ngày niềm tin của tôi càng giảm.

Trời vẫn mưa, nhưng đã nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Sau khi tôi từ chối được chở về trên con bốn chỗ sang trọng, bác sĩ Phước cho tôi mượn dù. Nhưng thấy không cần thiết lắm nên tôi không lấy. Đầu óc điên cuồng khiến tôi muốn phơi đầu trần dưới những giọt mưa lất phất. Thi thoảng mới tìm mái hiên vắng vẻ để ngước nhìn trời đêm ẩm ướt.

Tất nhiên là trời không có sao. Trăng thì lờ mờ. Thế nên tôi cố căng mắt, đoán xem mây đen đang trôi về hướng nào.

Chẳng suy nghĩ rành rọt trong đầu, nhưng tôi biết mình đang đi về phía nhà Phong. Đã là 10h giờ đêm, đến nơi chắc quá 11 rưỡi. Nhưng dù có thế nào, tôi cũng phải gặp bằng được cậu ấy.

Vì ngày mai đã là thứ tư. Tôi mà không nhanh chân thì sẽ chẳng còn cơ hội. Nghèo như tôi thì làm gì đủ tiền để mua vé máy bay đuổi theo cậu ấy. Mà bị bỏ rơi ở sân bay thì tôi đã chịu một lần rồi. Đau lòng lắm.

Chẳng lẽ vì trời mưa nên ai cũng muốn rúc vào chăn ấm nệm êm sớm? Đường phố vắng vẻ, nhà của Phong trắng một vạt tường nhờ phản chiếu ánh đèn đường, phần còn lại chìm trong màn đêm đen đặc. Không hề có một chút ánh sáng lọt ra ngoài chứng tỏ có người ở trong.

Tôi xui đến thế sao?

- Cạch!

Tiếng kẹt cửa vang lên lạc lõng trong đêm tối khiến tôi giật mình, nép người vào hàng rào tigon. Thấp thoáng nơi cổng là dáng con trai cao cao. Tim tôi đập thình thình.

- Ừ, tao đang trên đường qua nhà mày. Hai ông bà và bậc tiền bối đi về quê rồi. Ngủ một mình chán lắm, qua chỗ mày quậy cho sướng… Ừ, thì đấy… Ừm… Đại ca nhà tao á? Biết có về nhà không mà chờ. Ôi vời…

Điện thoại vừa tắt, chiếc “Ế-lết” nổ ga rồi phóng thẳng, xé toạc màn đêm tối.

Tôi rời khỏi chỗ nấp, lòng buồn vô hạn. Không chỉ Phong mà nhà cậu ấy cũng chẳng có ai. Thanh Tùng đã rời nhà. Giờ tôi có kêu gào đạp phá cũng chẳng có ma nào ra cản.

Đứng trước cánh cổng đen cao sừng sững, tôi cảm thấy rõ rệt rào cản đến với người mình yêu quý. Làm sao mọi chuyện có thể kết thúc như thế này được chứ? Dù Phong có nghe và hiểu tình cảm của tôi hay không, tôi nhất định phải gặp cậu ấy.

- Phải gặp đấy – tôi nắm lấy hai thanh song cửa, lắc cật lực – cậu có biết khônggg????

“Koong!”

Giật mình, tôi thả tay ra nhanh đến nỗi suýt ngã ngửa. Cánh cửa mới đấy còn “bất khả xâm phạm”, bị tôi lắc có vài cái mà chốt phía trong đã long ra. Khoảng không vừa hở ra như mời gọi.

Khả năng động chi giỏi hơn động não là tôi đây chứ ai.

Đứng như dân tị nạn trước cửa nhà thì tôi chịu không nổi, bỏ về lại không lỡ - nếu cậu ấy trở về đột xuất thì chẳng phải mất một cơ hội lớn hay sao.

Đắn đo mất ba giây để phủ định hai tình huống trên, tôi quyết định vào trong, dù chỉ để trú mưa dưới sảnh trước.

Càng về đêm càng lạnh, đến nỗi hơi nước cũng không thèm đọng lại trước mũi tôi nước. Da thịt chỗ nào tiếp xúc với không khí đều như đóng băng đến nơi rồi.

Những lúc buồn chán, lại ăn không ngồi rồi thế này, đáng lẽ tôi phải tìm đến âm nhạc giải khuây. Khổ nỗi máy nghe nhạc chẳng mang, tự phục vụ thì lại sợ quần chúng nổi xung đạp chăn mở cửa sổ mắng vốn, tôi đành nép mình vào sát cặp, tranh thủ lựa lời để đến khi gặp Phong còn biết đường mà mở miệng.

Thấy tôi chờ, cậu ấy chắc chắn sẽ ngạc nhiên.

Không những thế còn cảm động rơi rụng.

Suy nghĩ hùng hồn như thế, vậy mà tôi chỉ nghĩ ra được độc một câu mà Phong sẽ nói khi thấy mình.

“Đêm hôm khuya khoắt đến đây rình mò có ý đồ gì đây?”

Nhìn thế nào cũng thấy tôi giống kẻ đột nhập hơn là cô gái đến làm lành: quần áo nhàu nhĩ, cặp bên cạnh đủ rộng để có thể chôm vài món đồ, dáng đi thì lén lút, mắt ngó láo liên (ai bảo trước sân nhà mà trồng toàn cây ăn quả làm chi!). Mà Phong vốn hay đả kích. Từ hồi gặp nhau đến giờ, đã ngày nào mà tôi và cậu ấy ngừng châm chích nhau đâu.

Nếu đã khó tránh khỏi lời châm biếm, tốt nhất tôi nên mở miệng chặn cậu ấy trước. Nên bắt đầu từ đâu đây? “Xin lỗi” có được không nhỉ?

Lúc trước nói năng khí thế, suy nghĩ cũng khí thế, giờ bắt tay vào mới thấy mọi thứ thật là nan giải.

Gần sáng trời vẫn mưa lâm râm. Mặt đường không ướt, nhưng dưới ánh sáng mờ nhạt của mặt trời chưa nhô, những chấm nước li ti trên đường cứ như dòng nước bé xíu đang chảy lênh láng.

Mặc áo mưa thì bất tiện, không mặc thì đi lâu ngoài đường sẽ ướt. Với kẻ ưa sự gọn gàng như Phong thì cứ để mặc như thế mà đi ngoài đường cũng chẳng sao. Cùng lắm là cậu sẽ phải giặt cái áo da ướt mèm này.

Mưa rồi cũng dứt, rốt cuộc cũng chỉ đủ làm cho tóc cậu hơi ướt như thể vừa bước ra từ tiệm cắt tóc.

May là chẳng có bóng người nào trên đường, vì mi mắt Phong nặng trĩu đến nỗi mọi thứ đều trở nên nhạt nhòa. Xếp xong đống hành lí cho Thanh Thanh, cậu chỉ muốn nằm vật ra sôfa mà ngủ một giấc cho đã. Nhưng hôm nay là một ngày dài cần phải bước tiếp. Chuỗi ngày mệt mỏi này sắp chấm dứt rồi.

Lúc dừng xe, nhìn lên hai cánh cổng cao vời vợi đang khép kín Phong mới nhận ra chẳng có ai ở nhà, mà cậu lại không mang chìa khóa. Tính quay xe đi nhưng chẳng biết đi đâu, cậu lại dựa lưng vào cổng, bất chấp những giọt nước đang gieo mình vội vã hơn. Cánh cổng sau lưng vốn không được gài từ từ đẩy vào trong…

Cứ như trong truyện cổ tích, có điều cậu phải dụi mắt tới hai lần để chắc chắn mình đang mơ ngủ.

Nhìn đôi giày màu xanh vứt chỏng chơ nơi bậc cửa, Phong mới nhận ra cô gái đang co ro nơi thềm trước nhà. Đầu cô tựa vào con sư tử đá, hơi nghiêng sang một bên như thể đó là cái gối êm ấm vậy.

Hoài Thư đến đây làm gì? Tìm cậu sao? Giữa cậu và cô ấy còn điều gì chưa rõ ràng cần phải giải quyết? Chỉ cần một câu nói thôi – cô không thể ở bên cậu nữa – đã đủ rồi. Cậu tôn trọng quyết định đó, dù nó chẳng dễ dàng tí nào.

Vậy mà giờ Hoài Thư lại ngồi đây, kiên nhẫn đợi cậu đến nỗi ngủ quên trong cái lạnh của đêm mùa đông lất phất mưa. Chiếc áo khoác thun kia đâu đủ ấm, vậy mà cô ấy lại ngủ ngon mới lạ chứ.

Mệt nhoài, Phong bước lên thềm nhà, ngập ngừng xem có nên mở cửa hay không rồi cậu quyết định ngồi xuống bên cạnh Hoài Thư. Dù sao cậu cũng không có ý định vào nhà – đã gần sáng rồi, lại chuẩn bị đi thì vào làm chi cho rách việc. Hơn nữa tiếng kẹt cửa sẽ khiến “công chúa” tỉnh giấc, mà cậu thì chẳng muốn tí nào. Giờ cô ấy mà thức giấc, không chỉ có bầu không khí lóng ngóng giữa cả hai mà cái kế hoạch ngày hôm nay của cậu cũng sẽ vỡ tan như bong bóng xà phòng vừa mới chui ra từ ống hút làm bằng cành đu đủ hồi bé cậu hay chơi.

“Thình thịch”

Âm thanh đều đều ấy khiến cậu liên tưởng đến một đoàn tàu không điểm đến. Những bánh sắt cứ đều đều theo vòng quay của thanh truyền, mỗi giây lại tiến thêm một đoạn…

“Ầm!”

Một rạch sáng trên bầu trời khiến Phong giật mình, vội quay sang bên cạnh. Không hề có động tĩnh gì cả. Chẳng hiểu Hoài Thư đã uống thứ thuốc gì khiến cho cô ấy chìm vào giấc ngủ một cách mê mệt. Một hơi thở dài nhẹ nhàng thoát ra. Bờ vai cô hơi run.

Thời gian ngập ngừng còn lâu hơn thời gian cởi áo khoác. Nhưng cuối cùng, cậu cũng choàng áo lên người Hoài Thư.

- Bé ngoan, ngủ đi…

Tiếng hát trầm bổng của cậu loãng trong tiếng mưa, tan dần vào màn đêm mờ mờ.

Trời sắp sáng rồi. Khi những đám mây kia tách ra và cuốn theo gió cũng là lúc cậu phải đi.

Thoáng ngập ngừng, Phong lấy lại cái áo của mình. Cậu nhẹ nhàng đến nỗi ngay cả thở mạnh cũng không dám, chầm chầm kéo lớp vải để người đối diện không cảm giác được sự thay đổi.

Một mùi thơm nhè nhẹ bao lấy quay người khi cậu khoác áo trở lại. Hơi ấm vẫn còn nguyên vẹn. Có phải cậu tự tưởng tượng ra cảnh chia xa, hay thực sự có hương thạch thảo thoang thoảng trong bầu không khí?

Nhắm mắt thật chặt, Phong bắt bản thân cưỡng lại cái ý muốn tiếp tục ngồi lại bên Hoài Thư, ném phăng việc trước mắt sang một bên. Cậu sẽ chờ cho đến khi cô tỉnh dậy, và nhận ra người đầu tiên nhìn thấy khi mở mắt là cậu. Rồi cậu sẽ lắng nghe cô ấy lúng túng giải thích lí do đến đây tìm cậu.

Cố dằn lòng, Phong bước ra ngoài màn sương xám đục của buổi ban mai.

** ***** ****

Đưa cho bà Thành cốc nước, Tuấn ngồi xuống chiếc ghế bên cửa sổ, định bụng chợp mắt tí.

Hôm qua phải giải quyết một đống việc đến nửa đêm, vậy mà sau khi nhận cuộc gọi từ Anh Thư, anh lại gạt phắt ý định sẽ tranh thủ ngủ trước khi trời sáng để làm thêm việc của ngày hôm nay. Tờ mờ sáng anh có mặt ở bến xe, và giờ thì lại ở trong bệnh viện.

Chưa có ai khiến anh phải lao đao đến vậy.

- Bàn ở nơi kín đáo cũng được, nhưng phải có không gian ấm cúng một tí. Dạ.. Cái đó khỏi. Cạnh piano được không chị? Ok. Thực đơn em sẽ quyết định sau. Ừm… Cẩm chướng màu vàng. Ok.

Anh Thư cúp điện thoại, dụi đầu vào Tuấn đang đứng phía sau mình.

-Em mệt quá. Mất cả một đêm mỏi miệng để năn nỉ má, rồi phải bày mưu tính kế sao cho mọi thứ thật tự nhiên, rồi thì căng óc tìm nhà hàng…

- Chà, tội nghiệp bé con – anh quàng tay quanh cô – em vất vả quá rồi.

- Quên không hỏi tối qua anh ngủ có ngon không.

- Ừ ngon, vì anh toàn mơ đến em à. Mơ em đang đứng ở cống bến xe, hét lên nếu anh không chịu đến đúng giờ.

- Ý anh nói em là ác mộng.

- Làm gì có.

Tuấn mỉm cười, đặt nụ hôn phớt lên má cô.

- Ừm.

Thấy bà Thành đang bước lại, Tuấn khẽ đẩy Anh Thư ra khiến cô không khỏi nhăn mặt tiếc rẻ.

- Hoài Thư chắc giờ này đang đi học nhỉ.

- Dạ, con đã dặn nó cúp để…

Thấy bà Thành đổi nét mặt khi nghe đến từ “cúp”, cô vội vàng lảng.

- Nhưng không sao, con sẽ đích thân đưa má đi tìm một bộ đồ thật đẹp.

- Không cần đâu mà. Cái má lo là Hoài Thư, nó chưa biết chuyện.

- Tan học con sẽ gọi cho nó.

Anh Thư lục túi lấy điện thoại, định gửi trước một cái tin nhắn báo với Hoài Thư rằng cô đã thuyết phục thành công. Vừa gửi đi thì đã có tiếng đổ chuông.

- Anh mới đổi chuông điện thoại à? – cô hòi Tuấn

- Không.

- Vậy thì…

Cô trở về phòng, nhận ra đèn báo tin nhắn đang nhấp nháy trên cái bàn con cạnh giường.

Con nhỏ này thật là hết nói. Hôm qua mải chuồn về, đến điện thoại cũng chẳng mang theo.

Tôi cảm giác bàn chân tê tê của mình bị ai chích kim vào.

Chẳng lẽ là chuột?

Giật mình, tôi bật dậy, hai mắt trợn trừng còn miệng thì há ra, chuẩn bị “thanh quản” cho buổi sáng.

- Sao lại ở đây…

Giọng con trai khiến tôi ngưng lại kịp thời. Không có chuột, chỉ có Thanh Tùng đang đá vào chân tôi.

- .. Hoài Thư phải không?

Cuối cùng thì cậu ta cũng phân biệt được tôi. Có lẽ vì ngườ ta chẳng bao giờ bắt gặp Tỉ Tỉ trong cái bộ dạng nhếch nhác này.

Tôi mệt đến nỗi không đứng dậy nổi, cứ ngồi yên tại chỗ mà duỗi thẳng chân cho cơ co dãn.

- Là tôi. Tại tôi đến tìm mà chẳng có ai ở nhà, trời lại mưa nên vào đây trú, ai dè…

- Chị ngủ ở đây suốt đêm – chân mày cậu nhóc càng ngày càng lên cao – mà không thấy lạnh à?

Tùng quét cái nhìn khắp bộ đồ của tôi, rõ ràng chẳng thấm tháp vào đâu so với cái áo gió dày cộp của nó. Trong khi tôi ngủ ngoài hiên, nó thì mới bước ra từ trong chăn ấm.

- Tất nhiên là lạnh rồi – tôi cười hì hì – nhưng chị mệt quá nên chẳng để ý mấy.

Tặng cho tôi cái lắc đầu chán nản, Tùng tra chìa vào ổ. Tôi tựa tay xuống nền đất để đứng dậy. Cảm giác đầu tiên mà tôi nhận thấy là lạnh toát bên tay trái – tức là bên gần con sư tử đá, nhưng lại ẩm ẩm và hơi ấm bên phải. Ngạc nhiên, tôi kiểm tra xung quanh đó. Đúng là có hơi ấm, như thể…

- Mà chị đến gặp ai? Phụ huynh nhà em đi về quê hết rồi.

Tôi ngước nhìn nó.

- Sao em không nghĩ là chị đến tìm Phong?

- Có thể sao? – cậu nhóc trả lời mà không nhìn tôi.

- Sao lại không?

- Vì anh ấy… – nó ngừng hẳn việc mở cửa, quay sang nhìn như thể tôi đáng lẽ phải biết lí do rồi ngó đồng hồ - Đã hơn bảy giờ rồi, anh ấy đang ở sân bay. Chỉ còn nửa tiếng nữa là máy bay cất cánh.

- Sân… bay… - tôi trợn mắt nhìn nó, lặp lại như con ngốc – đi Sing sao? Nhưng Thanh Thanh nói với tôi là thứ 4…

- Hôm nay là thứ 4 – Tùng ngắt lời tôi.

- 4 giờ chiều cơ mà!

- Có chút thay đổi về thời gian.

- Tôi… Cậu.

Tôi bật dậy, mặc kệ cho xương sống đang biểu tình, để nắm lấy cổ áo Tùng. Nó chớp mắt lia lịa như thể sắp bị tôi giở trò này nọ.

- Chở tôi ra sân bay. Nhanh lên!

Chap 72

"Chủ động là yếu tố để chiến thắng!"

Vừa hết tiết 1 là Phục Hy đã lao ra khỏi lớp, suýt nữa thì tông vào “sát thủ hói đầu” đang đi dọc hành lang.

- Úi! Xin lỗi thầy.

- Lớp nào??? Tôi trừ điểm cho biết mặt!!!

Nhờ đôi chân dẻo dai mà cậu đến dãy lớp 11 khi mới có vài tên con trai nhanh chân là chạy ra.

- Lớp báo cáo sĩ số?

- Phạm Hoài Thư?

Phục Hy đẩy cửa vào. Thật không may khi giáo viên bộ môn còn chưa kết thúc giờ học. Ông thầy Toán – cũng là thầy chủ nhiệm lớp – lừ mắt về phía kẻ mới lên tiếng nơi cửa lớp. Phía dưới, Ngân đứng bật dậy, lắp bắp.

- Bạn ấy nghỉ học đột xuất, nhờ em xin phép ạ. Vì mẹ bạn ấy hôm nay phải tiến hành phẫu thuật.

Hùng ngồi phía sau ôm đầu, rủa thầm cho cái tính nhanh nhảu đoảng của cô nàng.

- Lí do này chẳng phải em đã nêu ra rồi sao? – giáo viên nhếch mép – có tin gì mới hơn không.

- Dạ đúng…! Nhưng hôm bữa là phẫu thuật thật sự, còn lần này là ca phụ để… lấy miếng gạc để quên.

Dù không tin vào “lời khai” nhưng thầy giáo cũng phải nhắm mắt làm ngơ, ghi chữ P trong sổ.

Ngân ngồi xuống, thở phào trước ánh mắt ngưỡng mộ của bao kẻ.

- May là thầy giáo không biết phẫu thuật ghép máu, nếu không thì bà định trả lời miếng gạc để quên chỗ nào?

- Ông im đi cho tôi nhờ!

Lườm Hùng một cái, Ngân chống nạnh đi về phía cửa. Chưa kịp để Phục Hy lên tiếng, cô nàng đã xổ một tràng:

- Cậu tìm cái co nhỏ bán bạn đó phải không? Nếu mà thấy nó thì nhớ gửi lời hỏi thăm giùm tôi, nói là nó chuẩn bị tinh thần nghe rủa đi là vừa!!

Phục Hy ngạc nhiên:

- Hoài Thư không nói với chị vì sao nghỉ à?

- Không. Hôm qua nó còn đi học bình thường mà sáng nay lại lằn mất tăm. Bịa ra lí do cho nó còn khó hơn là đoán xem nó đang ở chốn nào.

- Chết thật!

Rút êm ra đằng sau dãy lớp học để tránh sự dòm ngó của giám thị, Phục Hy bấm nút gọi, chỉ hy vọng bên kia có người nhấc máy.

- A lô?

- May quá, chị đang…

- Cậu gọi cho Hoài Thư có việc gì không?

Phục Hy khựng lại. Mất một lúc cậu mới nhận ra ai đang nghe máy.

- Cho em gặp Hoài Thư.

- Nó không có ở đây, tức là ở bệnh viện. Tôi chỉ cầm điện thoại mà nó để quên thôi.

- Tỉ Tỉ có biết chị ấy đi đâu không?

- Nó về nhà từ hôm qua mà. Àh, nếu cậu qua lớp tìm nó, tiện thể nhắn giùm tôi là…

Dù cố gắng nhưng cậu nhóc không thể nào ghi nhớ nổi địa chỉ nhà hàng mà Anh Thư đang nói đến. Ậm ừ cho qua, cậu cúp máy, trong lòng nóng như lửa đốt.

*** ***** ***** *******

Sau một hồi bị tôi nắm tay kéo áo, cuối cùng Thanh Tùng cũng chịu dắt xe ra khỏi nhà, vừa làm vừa lầm bầm chửi khiến tôi hắt xì hơi liên tục.

- Xin lỗi, cậu có khăn giấy không?

Ném cho tôi cái nhìn kinh khủng, nó rút từ trong túi áo ra cái khăn tay trắng có thêu những bông hoa cúc ti li màu xanh lá cây.

- Chị cẩn thận đấy, đừng có chùi quẹt tùm lum lên áo khoác của em.

- Biết rồi, hàng hiệu chứ gì.

Tôi lừ mắt, chưa kịp thở ra một cái “đầy sỉ nhục” cho bản thân trước những kẻ “tiền mua đồ nhiều hơn tiền ăn” thì đã quán tính bị hất ngửa ra sau. Được đà, Tùng cứ thế phi thẳng. Thậm chí nó còn chẳng thèm nhả thắng để giảm ga nữa.

Tôi mà là chị của cậu thì đừng hòng cậu có kiểu đối xử với cô nương đây như bọn không nhà cửa ngủ bờ ngủ bụi (đang nói ai vậy cà?) Mà trời sinh ra đã không được làm chị ruột, tôi quyết tâm làm… chị dâu của cậu.

Suy nghĩ hùng hồn như thế, tôi cảm tưởng như mình sắp lên xe hoa đến nơi rồi. Tức thì một cơn gió lạnh thốc qua ngay khúc cua xe làm tôi ngứa mũi hắt xì một cái rõ to. Bao nhiêu “tinh hoa” may mắn được cái khăn tay hứng gọn.

Nhìn cái khăn tay màu mè đính hoa, tôi buột miệng hỏi:

- Này, em là tín đồ của màu xanh lá à?

- Chị có thấy đứa con trai nào xài đồ nữ tính như thế chưa?

Tùng gào lên, át cả tiếng gió.

- Có nhóc – tôi tỉnh bơ – thế nên mới hỏi.

- Cái khăn tay đó là em chôm được của người ta đấy.

- Chôm á? Sao phải chôm?

Giờ là thời đại nào rồi mà còn đi lấy của nhau mấy thứ đồ này? Không ngờ con nhà giàu cũng có cái sở thích kì lạ.

- Người ta không cho thì em phải tự lấy thôi.

Tôi ghé sát cổ nó, thì thào với giọng vô cùng đểu:

- Con gái nhà lành hả?

Khỏi cần nhìn cũng biết mặt cu cậu đang đỏ lên như uống rượu. Tôi khoái chí ra trò khi nắm được thóp nó.

- Sao chị không cư xử cho giống với hoàn cảnh đi? – Tùng gằn giọng, cố đánh trống lảng – Nhìn chị, chẳng ai thấy giống người đang chạy đua với thời gian để níu kéo tình yêu cả.

- Có cuống lên cũng chẳng được gì. Vả lại, có đến kịp hay không là DO NGƯỜI LÁI XE chứ!!!!!!

Sân bay Quốc tế.

Phải nói toẹt ra là tôi không thích nơi này! Được hai lần ra đây, chẳng phải tiễn bạn lên đường chơi xa hay tự thưởng cho mình một lần ngồi ghế hạng sang ngắm mây ngắm trời, mà lại đi ngăn chuyến bay của người ta. Hai lần đều cùng một người. Lần đầu thất bại, còn lần này thì…

Chẳng dám nghĩ nữa.

Tôi rướn người móc mũ bảo hiểm vào tay ga rồi nhảy phóc xuống xe, chẳng thèm hỏi Tùng lấy một tiếng nên chạy vào được ba bước, thấy người đông như kiến lại phải tò tò chạy ra.

- Đi hướng nào đây?

Nhìn cái mặt tôi mếu máo thấy tội mà thằng nhóc chỉ nhếch miệng lên cười rồi chỉ tay sang trái.

- Chị làm ơn đọc mấy cái biển dẫn đi.

Thấy nó chẳng có ý định xuống xe, tôi hỏi:

- Thế cậu không vào à?

- Để làm gì?

- Nếu không tiễn thì cũng tìm anh cậu giùm tôi chứ. Hai hơn một mà.

Tôi nắm tay nó, kéo đi với vẻ quyết liệt, thế mà chỉ nhận được một câu hỏi thờ ơ:

- Để làm gì?

Rồi nó phẩy tay với tôi:

- Rách việc lắm, mình chị vào đi.

Trời ơi là trời! Cậu làm gì để đến ngày đi học xa xứ mà thằng em trai cũng không thèm ngó mặt thế này?

Ngán ngẩm cho cái số “đã nghèo còn bị bắt bỏ ống heo” của mình, tôi bỏ mặc nó, chạy thục mạng vào trong.

Nhìn khắp một lượt mà nói, tôi thấy ai cũng giống ai. Nếu không hớn hở cầm vé thì cũng mặt xanh lét khi sắp phải lên máy bay. Nhiều nhất là những người chia tay nhau với đủ các cung bậc cảm xúc. Riêng kẻ mắt long sòng sọc, vừa chạy như ma đuổi vừa thở hồng hộc thì chỉ có một mà thôi!

- Xin mời những hành khách cuối cùng của chuyến bay Txyz đi Singapore lúc 9h đến làm thủ tục tại quầy…

Tim tôi thót lại. Kim phút đang chỉ con số 9.

Lao đến quầy Check in gần nhất chỉ có vài ba người đang xếp hàng, tôi vừa thở vừa nói trong hoảng loạn.

- Chị ơi….! Cho em hỏi, đi Singapore thì làm thủ tục ở đâu?

Chị tiếp tân hơi khó xử vì tôi đang chen vào giữa bao nhiêu người làm thủ tục. Một số lia ánh nhìn khó chịu nhưng tôi mặc kệ. Thậm chí lúc hỏi, tôi cũng chẳng nhìn rõ đối tượng vì mắt còn bận quét một lượt xung quanh trong hy vọng.

- Em đi thẳng về phía…

Cái áo da màu nâu thấp thoáng khiến tất cả mọi dây thần kinh trong não bộ của tôi như đánh chuông báo động. Thế nhưng chưa kịp nhìn rõ khuôn mặt thì một tên nhóc béo phì hàng bên đã che lấp mất người ấy. Những gì tôi nhìn thấy chỉ là chỏm tóc đen hơi rối.

Như một vận động viên điền kinh đã được chuẩn bị kĩ càng, tôi nhảy qua cả sợi dây ngăn cách. Đến khi chạm đất vẫn còn ngỡ ngàng vì cú nhảy phá kỉ lục của mình.

Giờ thì tôi đã nhìn rõ Thanh Thanh xúng xính trong chiếc váy chấm bi đen trắng, trên vai là túi xách nhỏ cách điệu, còn va li đồ màu đỏ chóe ngay dưới chân. Phong gỡ ba lô trên vai xuống, đặt lên băng chuyền để chờ chị nhân viên dán giấy đánh số hành lí.

Chết tiệt! Cậu định bỏ đi mà không nói với tôi một lời nào sao?

- Xin lỗi chị - giọng tôi dù mệt nhưng vẫn khá ngọt ngào – em không gửi túi đồ này đâu.

Chị gái quầy tiếp tân nhìn tôi rồi liếc mắt về phía sau. Tôi vẫn giữ nguyên tư thế cong cong con tôm, tay giữ rịt cái ba lô, chẳng dám hé mắt về phía sau dù chỉ một chút.

- Em không biết đó là ai hết – giọng Thanh Thanh giận dỗi – chị cứ dán số cho em.

- Không! Chị không cần đánh số đâu – tôi vừa cười gượng gạo vừa giằng lại cái ba lô.

Tại sao Phong không lên tiếng giải thích chứ? Chỉ có mình tôi diễn trò thế này.

- Em làm trò gì vậy – chị gái ấy hết hiền nổi với tôi, bắt đầu trừng mắt – tránh ra không chị gọi bảo vệ bây giờ.

- Em biết mà! Vì người ấy không đi đâu.

- Sao lại không đi chứ?

Thanh Thanh tiến lại, giận dữ giật cái ba lô từ tay tôi nhưng không thể. Nó suýt nữa hét lên, nhưng Phong đã tiến lại kịp thời.

Vẫn cái phong thái điềm đạm đến đáng ghét, cậu ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, khuôn mặt không biểu lộ chút cảm xúc. Rôi cậu ấy từ từ đưa tay ra.

Tôi đã nghĩ đến việc phải cư xử ra sao khi cậu ấy nắm lấy tay mình, dù để nói một câu an ủi hay tạm biệt. Dù có là sao, tôi cũng quyết tâm giữ rịt lấy cậu ấy mà kéo ra khỏi đây, rời xa con bé Thanh Thanh đáng ghét này.

Giằng lại chiếc ba lô một cách dứt khoát, Phong tống nó lên băng chuyền. Tôi quá kinh ngạc, đến nỗi khi nhận ra thì cái ba lô đã được “nhãn mác” xong xuôi, đẩy vào tít bên trong với những hành lí khác.

Cổ họng nghẹn cứng, tôi phải căng mắt lắm mới cố cho nước không trào ra.

Không sao! Chỉ là một túi đồ. Nếu Thanh Thanh thực sự dễ thương thì nó sẽ gửi về cho Phong khi đã hạ cánh an toàn.

Nhưng nhìn Thanh Thanh đang cười với vẻ châm chọc, tôi không tưởng tượng ra nổi nó với vẻ dễ thương. Có khi nào cái ba lô chết tiệt ấy là cái cớ để Phong phải đi theo nó không? Nhỡ cậu ấy mang đồ gì đặc biệt quan trọng trong ba lô…

- Mình biết lỗi rồi – tôi nhìn Phong, giọng nói càng ngày càng lí nhí – thế nên cậu đừng đi nữa…

- Cậu nghĩ lí do đó đủ sao?

- Mình đã sai khi nói là không cần cậu. Nhưng giờ đây, mình mới phát hiện ra không có cậu khổ sở như thế nào…

- Đây là vé của em. Xin mời đến cửa số 6.

Nụ cười nhã nhặn của chị gái dễ thương ấy dành cho hai vị khách làm tôi nhói tim. Phong quay sang Thanh Thanh, hỏi nhỏ cô bé:

- Có cần gửi cái túi này không?

- Em sẽ mang nó đi luôn – Thanh Thanh đáp và quay lại, nháy mắt với tôi.

- Cậu không thể bỏ đi như thế được – tôi hốt hoảng bấu tay Phong, giữ rịt lớp vải áo da.

Có thể Phong đang cười, hoặc là tôi nhầm. Cậu ấy khẽ cúi xuống gần sát vai tôi nhưng lại hướng ánh mắt về phía Thanh Thanh – kẻ đang bặm môi khoanh tay như chuẩn bị đi đòi nợ.

- Hãy nói câu gì đó thuyết phục hơn đi.

Khóe miệng cậu ấy nhếch lên thành nụ cười nửa miệng hoàn hảo. Nụ cười đã khiến tôi say nắng ngay từ cái lần đầu tiên. Kí ức ùa về trong tôi như một cuốn băng quay chậm.

Phải rồi, tôi và cậu ấy đã trải qua bao nhiêu kỉ niệm, nhiều đến nỗi tim tôi không còn chỗ trống.

Vậy còn cậu ấy? Có thể vì lòng tự trọng mà nhẫn tâm với tôi vậy sao? Tôi đã xin lỗi, đã năn nỉ, đã mặt dày giữ ba lô không cho cậu ấy đi, mặc kệ nhân viên và những người xung quanh nghĩ gì. Thế mà…

Thanh Thanh đã quay lưng bỏ đi. Và tất nhiên, Phong là người dẫn đường.

….

Con gái cũng có lòng tự trọng. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều về chuyện ấy. Khi mình sẵn sàng trao cả trái tim cho một ai đó, thì lòng tự trọng có còn ý nghĩa gì khi không giữ được người mình yêu quý?

- Cho dù Danh có thực sự bị liệt, hay đó chỉ là trò đùa cũng không còn là lí do để mình vin vào nữa. Người khiến cho tim mình đau không phải là anh ấy… Mình đã để cậu đi một lần rồi, thế nên lần này sẽ không xảy ra. Không thể… Vì…

Tôi ngẩng lên, nhìn cậu ấy bằng tất cả các giác quan của mình, cố ghim lại hình ảnh ấy trước khi tất cả đều nhạt nhòa.

- Vì em yêu anh.

Cóc cần! Tôi cóc cần biết mọi ánh mắt kì dị cỡ nào đang đổ dồn về mình. Tôi chỉ nói thật lòng mình, thế thôi…

- Anh chọn cô ấy cũng được. Quyết định có thế nào cũng không quan trọng. Em chỉ cần anh nghe lời chân thành mình đã giấu bao lâu, thế là đủ.

Tôi hạnh phúc – tất nhiên rồi – nhưng nước mắt cứ chảy thành hàng rõ rệt. Người ta vui vì hạnh phúc cũng không thể khóc nhiều được như tôi. Bởi niềm vui trong lòng tôi đang bị giằng xé bởi sự mất mát.

Bước chân của cậu ấy vẫn không dừng. Hình ngôi sao nơi gót giày cứ nhỏ dần, nhỏ dần.

- Anh ấy không quay lại hở mẹ? – cô bé con ngước mắt nhìn mẹ rồi lại ngó kẻ thảm hại chằm chằm.

- Suỵt! Người ta nghe thấy bây giờ.

- Quá rồi, quá rồi – Thanh Thanh lắc đầu – Ngay cả em cũng thấy cảm động.

- Trò của em phải không?

Thanh Thanh nhe răng cười thay cho lời xin lỗi.

- Em là tuýp người ăn không được thì đạp đổ mà. Ngã ở đâu là việc của anh. Nhưng không may anh lại “fall in love with her”.

- Thế nên - Phong đặt hai tay lên vai cô bé – hãy tự lo cho mình, anh chỉ tiễn em đến đây thôi.

Tôi nên đi – để tránh gây thêm sự chú ý cho mọi người. Nếu không ngày hôm nay sẽ trở thành thảm họa của hãng hàng không khi dân tình đổ xô xem “kịch hay” đến nỗi quên giờ bay.

Biết vậy, nhưng tôi xấu hổ đến nỗi không thể nhúc nhích nổi, chứ đừng nói hé mắt nhìn sang xung quanh.

- Đừng khóc nữa, vì anh cũng yêu em mà.

Giọng nói ấm áp quen thuộc gần đến nỗi tôi cảm thấy mình có thể cảm nhận được cả hơi thở của người nói. Tôi mở bừng mắt trong ngỡ ngàng.

Phong đang cúi sát, trán cậu ấy chỉ còn cách trán tôi chưa đầy một mili. Bàn tay Phong vuốt những giọt nước mắt còn vương lại trên má tôi rồi khẽ khàng, cậu ấy đặt một nụ hôn lên trán. Cánh tay gọn gàng ôm tôi vào lòng.

Pháo bông đâu đó đang nổ, hay thực sự có người đang vỗ tay, tôi cũng chẳng biết nữa.

- Đi nào.

Nói một câu ngắn gọn, Phong vòng tay qua cổ, kéo tôi đi trước ánh mắt ngưỡng mộ của khối kẻ. Điều này khiến tôi không chỉ hạnh phúc mà tôi còn thấy nức lòng nức dạ.

- Cậu… cậu không đi nữa sao?

- Anh chứ!

- Đừng đùa – tôi khẽ đẩy Phong ra để dối diện.

- Có người yêu mình đến vậy, mình có thể đi sao?

Trước ánh mắt vừa vui mừng vừa thắc mắc của tôi, rồi lại lắp bắp tiếc rẻ vớ vẩn về vé máy bay (thực ra là để chữa ngượng), Phong chỉ biết lắc đầu bẹo má tôi.

- Ngay từ đầu mình đã không có ý định đi rồi. Chỉ là do Thanh Thanh cứ khéo tự sắp xếp.

- Nhưng – mặt tôi đỏ lên, khó coi như dĩa xôi gấc gặm nham nhở – chẳng phải cậu cũng có chút tình cảm với cô bé sao? Có thể dứt dạc chia tay thế à?

Tôi vừa hỏi vừa lo lắng Phong nhìn thẳng vào mắt thể nào cũng nhận ra tôi đang lo lắng về “tình địch” của mình. Các cụ đã bảo “diệt cỏ phải diệt tận gốc mà”, tôi chỉ là phòng xa thôi.

- Cô ngốc này – cậu ấy búng trán làm tôi tưởng này nọ nên nhắm tịt mắt lại – mãi mà vẫn chưa nhận ra Thanh Thanh chỉ là em họ tớ thôi hả?

- Em họ? Thanh Thanh, Thanh Phong,… Thanh Tùng! – tôi la lên như vừa khai quật ra điều mới lạ cho thế giới (điều mà có mỗi mình nữ chính không nhận ra =,=)

- Con bé hơi thích chọc người khác. Đặc biệt là nó đã tia ra cô ngốc cầm tinh con ốc ngay từ sinh nhật của tớ.

Tôi biết mà! Phong đâu phải là loại dễ dàng để cho con gái bám lẵng nhẵng theo mình như thế.

Phong không đi, nghĩa là cái ba lô mà tôi cố sống cố chết để giằng lấy là gì?

- Vậy ra, cậu mang hộ ba lô cho Thanh Thanh?

Nụ cười nhe răng của Phong khiến tôi chỉ muốn chui xuống lỗ nẻ. Hèn chi cậu ấy không hề có phản ứng, lại còn thẳng thừng gạt tay tôi ra. Rõ là cố tình mà! Chỉ tính riêng hành động ấy cũng đủ khiến cho tôi tan nát cõi lòng rồi.

- Hóa ra chỉ có bản thân mình là con lừa – tôi bắt đầu bài ca tự thán - Danh thì không nói làm gì, nhưng từ nam chính, cho tới nữ phụ, ngay cả thằng nhóc Thanh Tùng cũng cùng một ruột với nhau cả. Xấu tính!

Chưa kịp vung tay múa chân thì tôi đã bị ôm chặt cứng – một lần nữa.

- Nhớ quá đi! Trước đây có cho vàng cũng không dám ôm, vì cậu lúc nào cũng sẵn sàng thụi cho tớ một quả.

Cái tên láu cá này làm tôi chẳng còn gân cơ lên được nữa, nắm tay từ từ mở ra, áp vào lưng cậu ấy.

Tôi mong có ai đó đặt chiếc đồng hồ cát nằm ngang lúc này.

Ra đến cửa chính Phong mới thả tôi ra. Cậu ấy ngắm nắng gió xác định thời tiết rồi mỉm cười.

- Chờ ở đây nhé, mình đến chỗ Tùng lấy mũ cho. Chắc nó vẫn đứng chờ.

Tội nghiệp thằng nhóc. Có lẽ vì đã lỡ bày trò cho tôi vào tròng nên nó vẫn còn đứng chỗ cũ. Thế là huề, tôi sẽ bỏ qua cho nó.

Tôi tìm chỗ khuất để tránh nắng và tranh thủ lúc Phong đi để chỉnh lại chiếc cài trên áo.

- Anh chờ đấy, em sẽ xử lí anh sau.

Vừa dứt lời, tôi đã thấy có hai bóng người càng ngày càng ép sát vào mình. Đây là cửa vào chứ có phải cửa ra đâu mà phải chen chúc?

Chưa kịp mở miệng thì giọng ồm ồm lên tiếng khiến tôi giật mình cảnh giác.

- Ngay bây giờ, có kẻ sắp bị xử lí rồi.

Nhìn nghiêng qua chiếc mũ len trùm đầu, tôi nhận ra hắn có một vết sẹo chạy dài đến chân tóc – dấu hiệu côn đồ rõ rành rành.

Vừa dợm bước đi thì một tên khác đã đứng trước mặt, nhe răng cười ngạo nghễ với tôi:

- Xin chào.

Chẳng khó để nhận ra đó là cái tên rình mò nhà tôi lần trước. Bằng chứng là vết u mà tôi tặng cho vẫn còn rõ rành rành trên trán hắn kìa. Nhìn ánh mắt cũng đủ biết hôm ấy nó hận tôi đến mức nào nên hôm nay đem đồng bọn đến để trả thù. Sao có thể giận dai như thế? Không thể bỏ quá cho tôi lần này à?

- Đuổi theo bà chị cũng hụt cả hơi!

Tất nhiên rồi, đâu có dễ mà lần mò ra tận đây để tìm được tôi cơ chứ!

Tôi chẳng kịp đáp lại thì tất cả đã nhòe nhoẹt khi chất kích thích khó chịu từ chiếc khăn ẩm xộc thẳng vào mũi, thọc lên phía trên làm tê liệt dây thần kinh.

Chap 73

Bồn chồn chẳng ăn xong nổi bữa sáng, Jun bưng cái đĩa còn nguyên lòng đỏ trứng đặt vào bồn rửa rồi bỏ lên lầu.

- Ba có muốn đi với con đến gặp má không?

Ông Bàng vẫn giữ nguyên cái kiểu thờ ơ chẳng nói chẳng rằng của mình. Nhưng nhìn nét mặt mệt mỏi cũng đủ nhận ra đêm qua ông lại thức suốt đêm, vừa rít thuốc lá vừa xếp lai mấy bức ảnh trắng đen xưa cũ. Tấm nào cũng hoen ố theo dấu vết thời gian, vậy mà đường nét từng khuôn mặt, từng đám mây ngọn cỏ vẫn sắc nét như thật.

Lúc xuống nhà uống nước nửa đêm, Danh bắt gặp ông đang ủ rũ ngồi bên bàn giấy con con qua cánh cửa khép hờ. Anh định vào nói chuyện nhưng lại thôi. Có lẽ lúc ấy ông còn đang rối trí. Thời gian bấy nhiêu năm dường như vẫn chưa đủ.

- Con sẽ dẫn em đi gặp bà ấy. Vì ba không có ý kiến gì, thế nên nếu sau khi gặp mặt mà nó không muốn ở đây nữa thì cũng do thái độ thờ ơ của ba mà thôi.

Bất chợt ông Bàng ngẩng lên, giọng trầm buồn.

- Còn nếu con cũng bỏ đi cùng bà ấy, cũng là do sự thờ ơ của ta à?

- Con không nói ra câu đấy – Danh nhún vai, kết thúc bữa sáng của mình bằng một cốc nước đá.

- Em chuẩn bị xong rồi.

Trái với cái vẻ nhí nhảnh Dù mỉm cười nhưng Jun cũng không giấu nổi vẻ bồn chồn. Việc con gái gặp lại má mà lại cảm thấy lo lắng khiến Danh bất giác cười buồn. Nó đang sợ thời gian sẽ làm mất đi cái tự nhiên đáng có, khiến người thân cũng hóa xa lạ.

Anh rút điện thoại gọi cho Thắng. Thằng nhóc hơi chần chừ nhưng nghe lệnh ngay tức khắc.

Lúc con ốc sên trắng vừa đậu trước cổng, có tin nhắn từ một số lạ hoắc gửi đến cho Danh.

- Đại ca!

Sau khi gọi hai ba lần mà chẳng thấy Danh cứ đứng yên trước nhà, mắt ngó chăm chăm màn hình điện thoại, Thắng đành phải dựng xe rồi bước vào, trong bụng linh cảm có chuyện chẳng lành.

Jun thấy vậy cũng nhón chân xem nội dung tin nhắn, nhưng chưa kịp nhìn thì nó Danh đã chìa thẳng màn hình điện thoại trước mắt Thắng.

Dòng chữ in đậm nổi rõ trên màn hình làm vết thương bên tay Thắng nhói lên.

“TAO ĐANG GIỮ BẠN GÁI MÀY, KHÔN HỒN THÌ ĐẾN ĐÂY, GIẢI QUYẾT CHO XONG CHUYỆN NĂM TRƯỚC”

Chưa kịp lên tiếng, Danh đã gằn giọng hỏi nó.

- Tại sao tay áo bên trái lại to hơn bên phải?

- Em…

- Tại sao lại phải lái xe bằng một tay?

-…

- Còn nữa, lúc tôi nằm viện thì cậu ở đâu? Ngay cả khi nghe điện thoại của tôi, cậu cũng vội vàng như chạy nạn.

Là người luôm giữ được bình tĩnh và biết xử lí mọi việc, Danh cũng không thể kìm nổi cơn giận đang ức chế mình lúc này. Tuy vậy, anh cũng chỉ to tiếng hơn thường ngày, hoàn toàn không có biểu hiện gì cho thấy sẽ có một cú đấm cho hả giận.

Đưa mắt nhìn Jun đang lóng ngóng không biết phải làm gì, Thắng đành hất đầu ra ngoài cổng:

- Em ra ngoài đợi trước nhé, tụi anh cần nói chuyện.

- Ok – con bé thở dài, liếc mắt nhìn đồng hồ rồi bước xuống – nhưng mà nhanh lên đấy. Em không muốn trễ giờ.

Danh gật đầu chắc nịch, đoạn quay sang Thắng, chờ đợi một lời giải thích.

- Nếu biết trước mọi việc xảy ra như thế này, em cũng vẫn sẽ làm.

- Hoàn toàn không hối hận?

- Vì em nghĩ đã đến lúc mọi chuyện cần rõ ràng. Anh cứ nghĩ việc em truy lùng bọn chúng là vì anh, hay tư thù cá nhân của em cũng được.

- Cậu nói tư thù cá nhân có nghĩa là gì?

- Anh biết đấy – hơi cúi đầu, thắng chú mục vào đôi giày của mình – em cũng thích chị ấy – tất nhiên không phải tình cảm theo kiểu gia đình như chị ấy vẫn nghĩ. Thế nên em không chịu được khi thấy những kẻ gây ra cái chết cho người mình yêu quý cứ lởn vởn trước mặt, không chịu bất cứ một ràng buộc nào về pháp luật hay sự cắn rứt lương tâm. Nếu bọn chúng không bị pháp luật truy tội, em sẽ trực tiếp ra tay. Em muốn bọn chúng phải trả giá.

Danh không nói gì cả, anh chỉ hít một hơi dài. Hai tay đút túi quần như người nhàn rỗi chẳng biết phải làm gì.

- Cậu sai rồi.

- Nhưng em không hối hận – Thắng trả lời chắc nịch, trong đầu đã nghĩ đến thái độ tệ nhất mà Danh sẽ dành cho mình.

- Sống đâu phải chỉ để hạnh phúc cho bản thân? Cậu phải suy nghĩ vì mọi người nữa chứ. Cậu vẫn còn con nít lắm.

- ….

Danh mở điện thoại, đọc lại cái tin nhắn một lần nữa. Hai chữ “bạn gái” như găm vào tim anh bằng những cây kim bé xíu.

- Tôi thậm chí còn không biết mình có bạn gái.

- Có lẽ bọn chúng lầm đó là Hoài Thư.

- Giờ cậu đã đưa mọi người vào tình thế nan giải rồi. Tôi chẳng còn mặt mũi nào gặp cô ấy nữa.

Bằng một động tác nhanh nhẹn, Danh khoác áo rồi chạy ra ngoài, bắt chiếc taxi vừa trả khách cho một nhà gần đấy. Anh rút cây bút sẵn trong túi quần, cầm tay Jun viết mấy chữ.

- Đây là địa chỉ khách sạn của má.

- Anh làm gì vậy? – con bé hỏi, giọng hơi phật ý.

- Viết vào giấy dễ bị mất, còn nếu em không rửa tay thì mấy dòng này cũng không kịp phai trước khi đến nơi.

- Ý em là – Jun giằng tay ngay khi Danh vừa viết xong – anh không đi cùng em sao?

Một tay mở cửa, tay kia nhanh nhẹn đẩy Jun vào trong, Danh mỉm cười với con bé.

- Anh có việc bận rồi, nếu xong sớm anh sẽ đến sau. Nói má là anh đã suy nghĩ rồi, sẽ có câu trả lời trong ngày hôm nay. Còn nếu ngày hôm nay mà không trả lời được…

Danh dừng lại, ngước nhìn bầu trời trong xanh nắng đẹp của một ngày sau cơn mưa, miệng hơi mỉm thành một nụ cười trong giây lát. Anh đặt cả hai tay lên vai cô em gái:

- …thì anh sẽ trả lời vào ngày mai.

Bằng một động tác dứt khoát, anh đẩy Jun ngồi vào giữa ghế rồi đóng cửa lại. Lúc nhìn khuôn mặt khó chịu của con bé qua khung cửa kính, anh biết nó chỉ muốn khóc òa khi bị bỏ mặc thế này, nhất là khi nó đã suy nghĩ rất nhiều cho buổi gặp mặt hôm nay.

Nhưng biết sao được, anh còn có việc phải làm.

Sau khi tin nhắn vỏn vẹn có hai chữ “Ở đâu?” của anh được gửi đi khoảng 59s đã có tin đáp lại. Một địa chỉ lạ hoắc, nhưng không phải là anh không biết nó ở đâu. Chỗ mà bọn khốn ấy đề cập đến chỉ cách nơi xảy ra tai nạn lần trước chưa đầy một khúc cua: khu công trường làm ăn ẩu tả đã khiến anh phải nhập viện vì lí do lãng xẹt – gỗ rơi.

- Mũ.

Thắng ném cho Danh cái mũ bảo hiểm đã thủ sẵn trên tay rồi nổ máy.

- Đại ca hôm nay ăn mặc chỉnh tề lắm.

Anh tự nhìn lại mình: quần tây và áo sơ mi trắng có sọc chìm, thiếu một cái carvat nữa là đủ bộ của một doanh nhân thành đạt nhưng lại thừa đôi ba ta của một anh chàng năng động.

- Đáng lẽ tôi sẽ gặp bà ấy hôm nay.

- Bác ấy về chơi lâu không?

- Không lâu lắm. Thực ra thì – Danh thở dài – bà ấy đã khăn khăng về ngay, và bắt anh mày phải đi theo để chưa cho cái chân –tưởng-chừng-không-khỏi ấy. Nhưng nhờ đấy mà anh lại nảy ra một ý tưởng mới.

- Có thể cho em biết được không?

- Hồi sau sẽ rõ.

Danh kết thúc cuộc đối thoại, nhìn chăm chăm vào màn hình GPS trên điện thoại. Anh ghét phải nghĩ tới điều này, nhưng mà…

“Em đừng có bị thương đấy, phải ráng chờ cho đến khi anh đến”

Ruột anh nóng như lửa đốt. Hoài Thư có bao giờ chịu ngồi yên mà ngoan ngoãn nghe theo lời người ta đâu, nhất là đối với bọn khốn đã bắt cô ấy thì càng không. Thế nên anh chỉ mong cô ấy đừng làm gì dại dột để ảnh hưởng đến bản thân.

- Cậu nghĩ tôi có nên gọi cho Phong không?

- Cậu ta sẽ xé xác anh ra mất – Thắng trêu.

- Nhưng mà đằng nào cũng vậy. Thua cá độ là một chuyện, nhưng thua danh dự lại là chuyện khác. Đằng nào thì tôi cũng bại trận ở cả hai chiến trường.

*** **** **** ****

- Đây!

Tùng phóng cái mũ về phía Phong, cười đến toét cả miệng.

- Có im ngay không hả?

Phong cố gằn giọng, nhưng cậu cũng không thể kìm nỗi mình nở một nụ cười sung sướng. Mọi thứ vừa rồi tuyệt ngoài sức tưởng tượng của cậu. Có điều, nếu cô ấy không khóc thì cậu đã trêu thêm một chút nữa rồi

Chỉ chờ có thế, Tùng phóng xe đi thẳng. Nhiệm vụ của nó đến đây là hết, còn sau đó có bị bà cô kia xử tội không thì tính từ từ hãy tính.

Đút một tay vào túi áo gió cho đỡ lạnh, Tùng chợt nhận ra mình vẫn chưa đòi lại cái khăn tay lúc nãy.

Phong chạy về sảnh trước nơi vừa mới đấy cậu còn nhắc Hoài Thư đứng chờ. Nhưng ngoài con chuồn chuồn vàng dựng chỏng chơ, chẳng có ai đứng cạnh như cậu đã nghĩ.

Sau vài phút chạy ngược xuôi tìm kiếm, suy nghĩ Hoài Thư chỉ loanh quoanh đâu đó đã hoàn toàn sụp đổ khi cậu nhận ra ba lô của cô bị ném một góc. Người đi qua, kẻ chạy lại vô ý khiến bề ngoài ba lô trầy xát, đầy vết bụi, vết dép.

Cách đây mới 15ph đã có chuyện gì xảy ra?

Đáng lẽ cậu không nên để cô ấy ở lại một mình, sau khi đã trải qua bao nhiêu khó khăn mới giữ được. Đã biết trước cô ấy thể nào cũng gặp nguy hiểm, vậy mà sao cậu còn chủ quan đến vậy.

Cậu biết có kẻ muốn hại Hoài Thư, chỉ tức một nỗi, chuyện này xảy ra quá nhanh.

Phong đấm vào tường, mạnh đến nỗi toạc một vết nhỏ nơi cù xương gồ lên nơi bàn tay. Vẫn giữ nguyên tư thế gục đầu, Phong rút điện thoại đang rung trong túi.

- A lô?

- Tôi là Danh đây.

- Anh muốn gì? – Phong gằn từng tiếng. Lúc này, cậu không đủ sáng suốt để thấy sự việc đang xảy ra và Danh có liên hệ đến nhau, dù đã lường từ trước.

- Cậu phải bình tĩnh khi nghe tôi nói.

- Khốn thật! Bọn chúng bắt Hoài Thư đi rồi, anh còn muốn nói cái khỉ gì nữa hả?

***** ****** ****** *******

Danh gọi điện cho Phục Hy. Cậu nhóc đã biết chuyện không hay xảy ra cho Hoài Thư, nhưng ít nhất cũng không đòi “cho anh biết tay” như Thanh Phong.

- Hết tiết 2 em sẽ chuồn ra – nhóc Hy nói khe khẽ, rõ ràng là đang ở trong giờ học.

- Vậy tôi sẽ nhắn tin địa chỉ đến cho cậu. Và nhớ rằng – Danh ngập ngừng – tôi chỉ định thông báo, chứ không có hề bắt cậu tham gia lần này.

- Còn em đi cứu Hoài Thư, chứ không phải giúp đỡ anh.

Phục Hy cộc lốc rồi cúp máy.

Chẳng sai, cậu làm thế không phải vì Danh, bởi cậu cũng phải chuộc một phần lỗi Quỳnh Chi lỡ gây ra.

- Cái thằng kia!!!!!!

Cả lớp đang im thin thít thì bị dựng tóc gáy bởi tiếng hét chói tai từ hành lang bên ngoài vọng vào. Qua ô cửa sổ bé tí tí, “sát thủ hói đầu” đang nhò mặt vào, tay giơ thẳng “cây gậy chiếu tử” của mình.

- Hoàng Phục Hy! Học sinh cá biệt lớp 11 đang vi phạm nội quy giờ học! Anh ra đây ngay, theo tôi lên phòng giáo vụ.

Ai cũng ngán ngẩm lắc đầu khi Phục Hy toe toét đứng dậy, xin phép gíao viên bộ môn ra ngoài. Vừa thấy cậu, ông thầy giám thị đã định kéo tai dắt đi, nhưng vì nấm lùn nên với không tới, đành lẳng lặng đi trước, ra vẻ ta đây lạnh lùng lắm.

- Này, cậu cười tủm tỉm cái gì thế hả??

- Ôi thầy ơi – Phục Hy bắt đầu nhăn nhó như thật – em bị đau bụng, cần phải đi gấp…

- Đi đâu – “sát thủ” trợn ngược mắt.

- Gấp lẳm rồi mà thầy hỏi đi đâu, khó nói lắm ạ.

- Cậu…

Ông thầy giám thị tức đến tối mặt, nhưng chưa nghĩ ra được cách xử lí.

- Oái!

Phục Hy vừa gập bụng vừa rụt cổ lại.

- Xin lỗi thầy nhưng em không chịu được nữa, em phải đi đây.

Cậu nói rồi chạy thẳng. Chỉ trong chốc lát mà qua mặt được cả giáo viên và giám thị, đúng là may mắn.

Nhìn bóng Phục Hy khuất dần, Quỳnh Chi chán nản gục đầu xuống bàn, khóc không thành tiếng. Vì sự hèn nhát của bản thân mà cô để Hoài Thư gặp nguy hiểm, kéo theo cả rắc rối cho Phục Hy. Nếu được, cô chỉ ước hôm đó mình chưa nói gì cả, cứ im lặng chịu đựng, dù có bị bọn kia đánh, dù có bị ba bắt về đi chăng nữa.

Kết thúc tiết học này cô sẽ gọi điện – cú điện thoại quyết định. Nếu phải chuyển nhà, chuyển trường, cô cũng sẽ chấp nhận, miễn sao sự có mặt của cô không còn là rắc rối của mọi người.

******* ***** ***** *****

Có một mẹo mà bạn nên học, dù bạn là con gái Tổng Thống hay chỉ là con nhóc tầm thường nhưng lỡ gây thù chuốc oán với dân anh chị (nói vậy chứ trong vụ này tôi hòan toàn oan ức ☹), đó là khi những kẻ nguy hiểm giơ chiếc khăn có tẩm-thứ-mà-ai-cũng-biết-là-gì-đấy thì bạn hãy nhắm sẵn mắt, chuẩn bị tìm chỗ cho một cú xỉu thật ngoạn mục. Chỉ có như thế, bọn chúng mới không ấn sâu chiếc khăn ấy vào, nên mức độ bị ngấm thuốc sẽ nhẹ hơn.

Tôi thì chẳng biết mình có thực hiện đúng như đã nói hay không, chỉ thấy mình chưa kịp đổ thì đã có đứa xốc nách. Thật là xui xẻo! Nếu tôi không đứng chỗ khuất thì may ra đã có người thấy chuyện lạ mà giúp đỡ vậy. Nhưng mấy thằng khỉ này cứ luôn miệng: “Chết! Em có làm sao không?”, “Bị say nắng hả?”… làm tôi chỉ muốn vung đấm cho tụi nó ngậm lại. Bởi thế thì có khác nào tôi đang được tụi nó giúp đỡ thay vì bị áp giải đi.

- Con nhóc này nặng quá!

Thế đấy, ngất hẳn đi cho rồi!

Chẳng biết mấy tiếng sau tôi mới tỉnh dậy nổi trong cảm giác đầu đau như ai đang gõ chiêng đánh trống trong đó. Hai tay tôi bị trói chặt bằng dây thừng bản nhỏ cỡ nửa ngón tay út nhưng cứng quòe làm phần cổ tay tê cứng. Tôi có cảm tưởng nếu bị chặt đứt lìa bàn tay, chưa chắc tôi đã cảm nhận được ngay.

Trời tối mịt – hoặc là thế, hoặc là tôi đang bị nhốt ở nơi không có lấy một chút ánh sáng. Ít ra nơi đây không ẩm ướt, nhưng thỉnh thoảng lại có những sinh vật bôn chân kêu lít chít vờn qua ngón tay. Mùi không khí hăng hăng đủ để tôi biết nơi đây chẳng hề tốt lành gì.

Má ơi, con muốn khóc quá à!

Dù có sợ, có ghê đến mấy tôi cũng không thể ép mình thốt lên nửa tiếng. Khi còn chưa xem xét tình hình và tìm được cách để thoát thân, tôi vẫn phải giả vờ như mình đang ngoan ngoãn ngủ yên. Có lẽ bọn chúng nghĩ rằng nếu thuốc công hiệu thì phải mất một lúc nữa tôi mới tỉnh.

Lọ mọ, tôi tìm cách đứng dậy, mới chợt phát hiện ra cả chân cũng bị trói như gà. Chẳng còn cách nào khác, tôi ngả hẳn người xuống nền nhà lạnh ngắt, cố co vào duỗi ra như con sâu đo.

Sau một hồi làm quen với bóng tối, tôi nhận ra nơi này cũng không hoàn toàn tối mịt như đã tưởng. Có chút ánh sáng le lói từ cánh cửa thông gió mà khi ngồi nơi góc khuất tôi đã không nhận ra. Mạng nhện giăng nhiều đến nỗi chỉ một lát sau là mặt tôi đã phủ một lớp lờ mờ cái thứ sợi cứng hơn cả thép. Dơ thì tôi không sợ, nhưng cảm giác vướng víu làm tôi khó chịu, hắt hơi thì không dám nên cứ thút thít như đứa trẻ nhát bị giành đồ.

Cố lên. Bấy nhiêu khó khăn ăn nhằm gì.

Nhưng thực sự tôi chưa bao giờ phải ở trong hoàn cảnh nào kinh khủng hơn thế này!

Chỉ mới vận động tí mà tôi đã thở dốc. Mới lết được có mấy mét, nhưng ít ra tôi cũng tìm được nơi sáng sủa hơn để kiểm tra xem bản thân còn “nguyên vẹn” không.

Cả người không bị xây xát gì (có lẽ thế vì tôi hoàn toàn không thấy đau rát), nhưng chiếc ba lô chắc chắn đã bị tước khỏi chủ từ lâu. Tôi ngọ nguậy cổ để biết sợi dây chuyền vẫn còn ở trên cổ. Thật may vì thứ đồ quan trọng nhất với tôi vẫn còn nguyên vẹn.

Dù không thò tay vào túi quần, tôi cũng biết mình đã làm mất chiếc khăn tay mượn của Tùng hồi sáng. Nó sẽ xỉ vả bà chị này thậm tệ lắm đây! Chiếc khăn tay ấy, chẳng biết cu cậu lấy của nhỏ nào, nhưng cái kiểu rặc ri toàn màu xanh sao giống của Phương Đan – nhóc em Phục Hy thế không biết. Nếu đúng là như thế, còn lâu Tùng mới dám mắng khi đã bị tôi nắm thóp.

Nhìn xuống ngực áo, nơi có một đường rách nhỏ, tôi mới nhận ra chiếc cài áo mà Danh tặng đã bị rớt từ khi nào. Vì mặc áo thun ở trong nên mãi tôi mới phát hiện ra điều này. Tiếc cái áo rách thì ít, mà thấy áy náy với Danh thì nhiều. Đáng lẽ anh không nên tặng quà cho đứa chẳng biết giữ như tôi.

Tôi chỉ thở dài một hơi, thế mà đám bụi dưới nền bay lên, cuộn thành một cụm trước mặt khiến tôi phải nhanh chóng nhăn mặt, rụt người lại. Xoay xở khó khăn lắm mới nâng được người dậy, tôi ngồi thừ ra đấy, cố căng mắt quan sát xung quanh để tìm ra “sơ hở”.

Bất cứ con người, vật thể hay hoàn cảnh nào cũng đều có sơ hở!

Tôi còn nhớ như in lời này của thầy dạy võ, bởi vì khi thầy vừa dứt lời, tôi đã ăn ngay một đấm giữa mặt vì cái “sơ hở” của mình.

Cố lên… xem nào…

Chưa đâu vào đâu cả, thì cánh cửa sắt nặng nề phía bên trái mở tung ra (mãi đến lúc này tôi mới biết có cửa ở đấy) Một toán những đứa trời đánh gồm 1 nữa và 3 nam bước vào. Tôi gọi thế vì trong hoàn cảnh bị trói như trói gà này, chẳng có gì căm thù hơn những đứa đã bắt và đối xử ngược đãi với mình.

Tôi nghiêng người sang một bên và nhẹ nhàng đổ xuống, mắt nhắm như chưa hề tỉnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #xdvxcv