Chương 14 : Lụa rạn
'Tháng tư bầu trời không nứt lụa, tháng năm y phục may thế nào?'
—— Tứ nguyệt liệt bạch (Tháng tư lụa rạn) – Giản Trinh
***
Đại diện lớp nào nghe ra những lời đầy ẩn ý kia nhằm vào cô bạn bên cạnh mình, cái miệng khéo léo không ngừng vuốt đuôi xoa dịu Trần Tri Ngộ, nào là tài hoa xuất chúng phong độ ngời ngời, nào là đứng đầu bảng xếp hạng 'Nam thần trường Đại học'...
Trần Tri Ngộ mỉm cười không nói không rằng, ánh mắt mang theo luồng không khí lạnh lướt qua gương mặt Tô Nam, chẳng rõ đang nghĩ gì.
Bữa tiệc nướng này, chỉ có đại diện lớp ăn đến vừa lòng thỏa ý. Trên đường về khách sạn, cũng chỉ có mình cô nàng tiếp tục ôm khư khư chủ đề 'Thầy Trần siêu soái' mà biến hóa thành đủ thể loại chuyện tán gẫu trên trời dưới đất, nói liên tục suốt dọc đường không hề trùng lắp.
Trong cuộc, ngoài cuộc, chung quy hoàn toàn bất đồng.
Đến dưới lầu khách sạn, Trần Tri Ngộ thong dong 'điều động' đại diện lớp: "Tôi thấy đối diện có một siêu thị, em có thể qua đó mua giúp tôi ít đồ ăn vặt không?"
Đại diện lớp cầu còn không được: "Thầy muốn ăn gì ạ?"
"Ngày mai trên đường về thành phố, mấy em muốn ăn gì thì mua cái đó."
Đại diện lớp cười tươi rói, hớn hở xuống xe.
Thấy đại diện lớp đã băng qua đường, Trần Tri Ngộ thu ánh mắt lại, lấy gói thuốc trong khay để đồ rút một điếu châm lên, nhìn vào kính chiếu hậu phía trước. Trong mặt kính nhỏ, vừa vặn bắt gặp ánh mắt Tô Nam.
"Em là người liên lạc với mọi người, lớp có đến năm sáu mươi sinh viên, kế hoạch lộ trình, phương thức liên hệ... tất cả đều phải tìm em. Không có điện thoại, em định làm thế nào? Tâm linh tương thông, tâm điện cảm ứng, thần giao cách cảm sao?"
Câu nói sau cùng của anh khiến Tô Nam muốn cười, lại chẳng thể cười nổi.
Thanh âm của Trần Tri Ngộ lành lạnh: "Băn khoăn đắn đo như vậy, sao em không dứt khoát để chân trần luôn đi?"
Tô Nam cụp mắt: "Giày em mua được, điện thoại em mua không nổi. Học bổng dành cho nghiên cứu sinh của đại học Đán, mức cao nhất cũng chỉ có một vạn, điện thoại phải mất hơn sáu ngàn."
Trần Tri Ngộ cắn điếu thuốc, trầm ngâm im lặng.
Giọng nói của cô thấp dần, tựa hồ có chút cam chịu: "Hoàn cảnh gia đình em thế nào, lần trước thầy cũng đã nhìn thấy. Anh rể em ngoại tình, chị em và anh ấy ầm ĩ ly hôn, cháu em còn chưa đầy tuổi... Chị em ở nhà làm nội trợ nhiều năm, không có thu nhập. Ba em..." Cô nghĩ đến, 'ánh trăng đi, ta cũng đi, ta đưa cha ta đến cửa thôn', nghĩ đến con chó vàng già, hoa bìm bìm, trong lòng càng không rõ mùi vị gì: "Lúc em tám tuổi, ba mẹ em ly hôn, sau đó ông tái hôn, nhưng chưa tới hai năm sau đã qua đời vì say rượu..."
Cô không nói được nữa, dường như đang tự liếm láp chữa lành vết thương cho chính mình, dáng vẻ hết đỗi khó coi.
Nếu có thể sống một cách tự do phóng túng, nào có ai không muốn?
"Tô Nam."
Trong kính chiếu hậu, làn mi cô khẽ run rẩy, cô chậm rãi ngẩng đầu lên, đôi mắt mông lung hơi nước.
Chẳng thể nói rõ cảm xúc nơi đáy lòng, anh rít mạnh một hơi thuốc, khói thuốc lá chìm sâu vào tận khoang phổi, nhờ chút bỏng rát này cái ngổn ngang không tên kia mới có nơi hóa giải.
Anh đắn đo tìm lời giải thích: "... Không có ý gì khác, lúc mua thuốc đi ngang qua trung tâm mua sắm, để cho tiện, nên trực tiếp mua loại tôi quen thuộc."
Từ nhỏ đã không phải lo lắng cơm áo, anh chưa bao giờ phải chịu bất cứ gò bó hạn chế nào trong phương diện vật chất. Tình huống tệ nhất cũng chỉ là gây họa bị Trần Chấn cắt tiền tiêu vặt nửa năm, nhưng có Trình Uyển, Cốc Tín Hồng, có một nhóm anh em huynh đệ tiếp tế, cuộc sống vẫn trôi qua dễ chịu thoải mái như thường.
Vì sáu ngàn, một vạn mà đắn đo suy tính, anh không tưởng tượng ra, nhưng điều đó không ngăn anh cảm nhận được sự đồng cảm.
Thành tâm, lại làm hỏng chuyện.
Mùi vị này, khỏi nói có bao nhiêu bứt rứt khó chịu.
Thanh âm của Tô Nam khàn khàn: "Em biết... cảm ơn thầy."
Anh nghe ra, cảm ơn thì cảm ơn, nhưng đồ vẫn không thể nhận.
"Tô Nam..."
Trong kính chiếu hậu, đôi mắt kia loang loáng nước, yên lặng nhìn anh.
Anh cắn điếu thuốc, có mấy từ mà nghiền ngẫm đến nát vỡ hỗn loạn trong miệng: "Tôi lại kể cho em nghe một chuyện..."
Đối diện bên kia đường, đại diện lớp xách hai túi ni lông, từ trong siêu thị đi ra.
Những lời đã ấp ủ lập tức như bờ cát chìm vào con nước triều lên, loáng cái chẳng còn vết tích.
Trần Tri Ngộ khẽ thở dài, mở cửa sổ, dụi tắt đầu thuốc, gió lùa vào cuộn khói thuốc trong khoang xe ra ngoài.
"Để lần sau."
***
Dưới sự tuyên truyền của đại diện lớp, danh tiếng 'Thầy Trần rộng lượng phóng khoáng, bình dị dễ gần' đã lan truyền rộng rãi khắp hang cùng ngõ hẻm. Sáng hôm sau, nhóm sinh viên đã hoàn thành xong nhiệm vụ ở thành phố Y nhất định kéo Trần Tri Ngộ đi dã ngoại ven hồ cho bằng được.
Tô Nam chân đau khập khiễng nên không muốn đi, đại diện lớp và một nữ sinh khác mỗi người giữ một bên tay, lôi cô ra khỏi phòng khách sạn, nhét thẳng vào ghế sau xe taxi, không cho cô bất cứ cơ hội phản đối nào.
Tháng tư, trời tươi sáng đầy nắng, hồ nước cạn xanh biếc một màu, rất nhiều người đưa gia đình đến dạo chơi, đá cuội trải rộng khắp ven bờ đã bị những tấm thảm picnic đủ sắc màu chiếm chỗ. Lúc bọn họ đến, chỉ còn thừa một góc có thể trú ẩn.
Trải vải bạt nhựa che mưa, bày nước trái cây đồ ăn vặt ra, mọi người tự giác ngồi xuống thành một vòng tròn, sau đó kéo Trần Tri Ngộ ngồi ở 'vị trí danh dự', xem như tiệc dã ngoại – liên hoan diễn đàn bát quái chính thức bắt đầu.
"Thầy Trần, học kỳ sau thầy còn dạy bọn em không ạ?
"Nghiên cứu năm ba, mấy em còn có khóa sao?"
Một vùng than thở tiếc nuối: "Không có..."
Mới đầu, những câu hỏi vẫn còn trong khuôn phép, nhưng mọi người thấy Trần Tri Ngộ hỏi gì đáp nấy, dần dà lá gan cũng lớn lên.
Một nữ sinh mở to đôi mắt ngây thơ vô tội hỏi: "Thầy Trần, thầy có bạn gái chưa ạ?"
Một nam sinh bên cạnh tự đảm nhiệm vai trò phát ngôn viên: "Thầy Trần chạy qua chạy lại giữa thành Đán và thành Sùng, cuối tuần còn phải phí phạm thời gian ở đây với mấy cậu, nhất định không có bạn gái!"
"Thầy Trần có hay không tớ không biết, nhưng cậu chắc chắn không có!"
"Mấy cậu đừng làm ồn nữa, để thầy Trần tự mình trả lời."
Vẻ mặt Trần Tri Ngộ thản nhiên: "Không trả lời vấn đề cá nhân."
"Thầy Trần..."
"Đừng như vậy mà... tiết lộ với mọi người một chút đi thầy..."
Trần Tri Ngộ: "Ai còn hỏi nữa, quay về viết năm ngàn chữ tổng quan tài liệu."
Mọi người thốt lên một tiếng rên bi thương, không dám tiếp tục 'lỗ mãng' nữa.
Tô Nam cúi đầu, gặm quả táo đại diện lớp đã gọt cho mình, không dám nhìn xem biểu cảm trên mặt Trần Tri Ngộ lúc này như thế nào.
Nghĩ đến ngày đó nhìn thấy 'Dương Lạc' ở Hồng phòng, khuôn mặt xinh đẹp dịu dàng trong bức ảnh kia... Trần Tri Ngộ và cô ấy quan hệ thế nào?
Tình cảm sâu sắc là điều không thể nghi ngờ, bằng không vì sao đã qua đời hơn mười năm vẫn còn nghĩ ngợi hoài niệm không thể quên.
Ngày hôm đó sau khi về nhà, cô đặc biệt đi tìm thông tin về Trần Tri Ngộ.
Trước đây, có lần cô hỏi Trần Tri Ngộ vì sao học tự nhiên nhưng lại chọn chuyên ngành xã hội, lúc đó cho rằng khoa chính quy Trần Tri Ngộ học là 'tin tức truyền thông', nhưng không phải...
Anh học kiến trúc, sau khi tốt nghiệp đại học, nghỉ ở nhà một năm, rồi sang Mỹ học thạc sĩ truyền thông, sau này về nước học tiến sĩ.
Năm Dương Lạc qua đời vì tai nạn giao thông, chính là năm anh tốt nghiệp đại học chính quy.
Cái chết của cô ấy, đã thay đổi hoàn toàn quỹ đạo nhân sinh của Trần Tri Ngộ... liệu có quá vội vàng khi đưa ra kết luận như vậy không?
Người có thể tạo dựng, có thể hủy diệt.
Cô độc riêng mình, lay một cọc tử vong bất động.
Những điều này, Tô Nam giữ kín trong lòng.
Mọi người xử lý hết đồ ăn vặt được chia, trên mặt đất chỉ còn lại một đống hỗn độn, ăn uống no say xong, giao hết đồ đạc có giá trị cho người bị thương tật là Tô Nam trông coi, nhanh như chớp chạy ra bờ hồ nghịch nước chụp ảnh.
Thầy Trần 'bình dị dễ gần', cho dù có bình dị dễ gần tới đâu đi nữa, cũng không đến mức hòa mình tham gia tiết mục ấu trĩ này.
Hai người bị bỏ lại, Tô Nam và Trần Tri Ngộ, mắt to trừng mắt nhỏ.
"Thầy ăn no chưa ạ?" Cô quan sát toàn bộ quá trình, lúc mọi người 'rắc rắc' gặm khoai tây chiên, Trần Tri Ngộ chỉ hạ cố nhân nhượng ăn một chùm nho.
"Toàn là thực phẩm ăn liền, có thể ăn no à?" Trần Tri Ngộ chọn lựa một hồi, cuối cùng lấy hai quả chuối tiêu: "Bọn trẻ các em, sao lại thích mấy thứ đồ ăn vặt thế chứ?"
"Tiện lợi, ngon miệng ạ."
"Không khỏe mạnh."
"Thầy thức đêm xem truyện tranh cũng không khỏe mạnh."
Trần Tri Ngộ nhíu mày: "Lại nói bậy."
"Thầy xem cái truyện tranh đó, sáng nay vừa cập nhật chương 723, nội dung là..."
"Tô Nam," Trần Tri Ngộ nhìn cô chằm chằm, ngoài cười nhưng trong không cười: "Tiết lộ một từ, viết một ngàn chữ bài tập."
"...Trợ lý xuất sắc, hy sinh." Tô Nam chớp mắt nhìn anh: "Là sáu ngàn chữ ạ?"
Trần Tri Ngộ chụp một chưởng qua.
Tô Nam che đầu: "Giáo viên không được dùng hình phạt thể xác với học sinh!"
"Liều cái chức danh phó giáo sư này của tôi, hôm nay cũng phải dạy em một bài học."
Tô Nam cười đến cong gập thắt lưng, qua một hồi lâu sau mới dời ánh mắt khỏi chiếc ba lô đang ôm trong khuỷu tay ngước lên, rơi ngay vào ánh mắt Trần Tri Ngộ đang nhìn mình.
Nghiêm túc, đăm chiêu như có điều nghĩ ngợi.
Cô thoáng ngơ ngác.
"Tô Nam, biết vì sao tôi làm giáo viên không?"
Tô Nam lắc đầu.
"Tất nhiên một phần là thuận theo tự nhiên." Trần Tri Ngộ hướng ánh mắt về phía các sinh viên đang chơi đùa bên hồ: "Tiên sinh Chu Phụ Thành nói, ông chỉ có nửa viên phấn dùng để truyền bá trí tuệ của hiền nhân."
Tô Nam buột miệng thốt ra: "Bất kể bầu trời rộng mở hay ánh nến che đậy, linh hồn sáng suốt luôn chờ đợi, chỉ cần ai đó chờ đợi thì có thể nhìn thấy bình minh."
Trần Tri Ngộ thoáng kinh ngạc nhìn cô: "Em đã đọc 'Người thắp đèn'."
"Dạ."
'Người thắp đèn', là câu chuyện về nghề truyền ánh sáng, thời thanh niên của Triệu Việt Thắng trong lúc nội tâm u mê đã được bậc thầy Chu Phụ Thành hết lòng yêu thương dạy dỗ, cuối cùng kế thừa tinh thần của Chu tiên sinh, làm người gác đêm trên 'đường' thắp sáng cho những ai mờ mịt mất phương hướng.
(*Chu Phụ Thành sinh năm 1911 mất năm 2009 là nhà đạo đức học, triết gia Trung Quốc. 'Đường' ở đây là tri thức.)
Gió tháng tư lướt qua ngọn cây, thổi vào lòng hồ.
Trần Tri Ngộ nhìn Tô Nam, ánh mắt sáng quắc.
Cho dù anh tựa con thú bị vây khốn, mỗi bước đi như lưới nhện bủa giăng, vẫn ích kỷ hy vọng: "Tôi báo với viện trưởng, có một chỉ tiêu nghiên cứu sinh tiến sĩ... Tô Nam, đến thành Sùng học tiến sĩ đi."
... Đặt em ở nơi anh có thể luôn nhìn thấy.
꧁ ꧂
THÁNG TƯ LỤA RẠN
'Tháng tư lụa rạn' tác giả viết về câu chuyện với người đã mất.
Câu trích trong chương 1, khi Trần Tri Ngộ và Tô Nam gặp nhau cũng là khi hai người gặp nhau.
"Chúng ta biết nhau qua chén nước nhạt bình thường.
Hẳn ta không thể nào quên sợi gió mong manh khẽ lướt qua cổ tay áo, trong một buổi trưa hè bạc gió."
Rồi phần mình edit bên dưới là phần cuối cùng, khi người đó đã mất vì bệnh ung thư (còn trẻ quá) nên đọc thấy lòng chùng xuống.
***
'Khi ta không có cách gì xoa dịu được nỗi đau của người, hoặc giả người không còn có thể quan tâm ta được nữa, xin đừng quên, trong những tháng ngày ít ỏi của chúng ta năm xưa, đã từng có mười hai con cò trắng, bay qua hồ nước mùa thu.'
Ngày đó, cô đến bệnh viện, mượn xe lăn, đẩy anh ra bờ hồ đi dạo, có một đàn cò trắng lướt trên mặt hồ như cánh diều no gió. Anh hỏi cô: "Có mấy con?". Cô đáp: "Mười hai." Anh thanh thản gật đầu.
Đoạn giữa hay mà buồn, mình edit một đoạn ngắn có trích dẫn câu kết trong truyện:
'Tháng tư bầu trời không nứt lụa, tháng năm y phục may thế nào?'
Câu này đại khái nếu chúng ta không mở lòng mình, không buông được những điều xưa cũ lặp đi lặp lại thành thói quen, thì phải bắt đầu cái mới như thế nào?
Đây là câu linh hồn của 'Tháng tư lụa rạn' cũng là câu dùng trong đoạn quan trọng của 'núi nam', khi Trần Tri Ngộ đã 'dẹp yên' lòng mình bắt đầu muốn giữ lấy Tô Nam.
***
.....
Lấy em làm chốn xưa anh không thể quay về, đem nỗi nhớ của em treo thành thù du trong ngày Trùng cửu, còn cả mưa vùi gió dập cuối xuân năm nay, tất cả đều do anh. Thế nào rồi cũng đến một ngày, em trút bỏ gánh nặng thu vén hành lý đi tìm anh. Nhưng anh phải đồng ý, lấp Mộng Trạch thành khe, chặt quế làm trụ, đá cuội đắp móng nền, và đừng quay đầu dõi nhìn em, như vậy, em mới có thể nghe được tiếng gà gáy đầu tiên ở kiếp lai sinh.
Lúc anh đi, để lại chiếc chìa khóa, nói nhỡ trăng anh lạc bến xưa, em lấy đi mở chốn cất giấu nhỏ trong câu chữ anh. Em tặng anh chiếc nhẫn, dù trôi dạt thất lạc, nhưng có một chiếc vòng bảo hộ vĩnh viễn đợi chờ trên đỉnh núi đêm sâu, canh giữ mặt trời đỏ của anh.
Anh nói: "Rồi còn đi đến miếu thắp hương, giống vợ chồng bình thường."
Hôm đó, em một mình đến đền Bishan thắp hương cho anh, nhưng em chỉ đứng đó không nói gì."
Đây chính là, dòng chảy của thời gian, mùa vĩnh viễn luân chuyển không ngừng nghỉ. Tam thế một lòng chuyên tâm rèn luyện Hưng Quan Quần Oán, nhưng em có chút chán chường, hẳn là phải đi tìm cây thông, một ngày kia, có lẽ phải sửa đổi chinh phục bản thân mình.
"Nếu tháng tư trời không chịu nứt lụa, tháng năm y phục biết phải bắt đầu may như thế nào?"
****
Các bạn đọc thêm phần chú thích này để hiểu rõ hơn:
Ngày Trùng cửu: ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch hàng năm là ngày Tết cổ xưa của người Việt, gọi là Tết Trùng Dương hay là Tết Trùng cửu, ngày tết hoa Cúc.
Phong tục tập quán này bắt nguồn từ đời Hán: "Đời Hậu Hán có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: "Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối hãy trở về, may ra tránh khỏi tai nạn". Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9 ÂL, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn.
Tết Trùng Dương uống rượu cúc hoa, đeo cành thù du cũng có tác dụng giống như Tết Đoan Ngọ uống rượu hùng hoàng và treo cành xương bồ, trần ngải. Mục đích là phòng trừ bệnh tật, côn trùng.
Mộng Trạch: hồ Động Đình, hồ lớn nhất ở Trung Quốc.
Điển tích 'Ngô Cương chặt quế': Ngô Cương vì giết chết Bá Lăng (cháu của Viêm Đế) do hắn tư thông với vợ mình. Nên bị Viêm đế đày lên mặt trăng chặt cây quế bất tử cao 500 trượng, nhưng chặt xong thì dấu chặt dính liền lại như cũ. Viêm Đế dùng hình thức vĩnh viễn lao động để trừng phạt Ngô Cương.
Đá cuội là một loại đá mảnh vụn được mài tròn do gió, nước chảy, sóng biển, kích thước từ 4 đến 64 mm.
(Lấp Mộng Trạch thành khe, chặt quế làm trụ, đá cuội đắp móng nền: là những việc bất lực không thể làm được.)
Người chết linh hồn vất vưởng, sẽ ngủ mãi mãi dưới mộ nếu không có tiếng gà đánh thức. Nghe thấy tiếng gà gáy, hồn phách hội lại, thần hồn thức tỉnh.
Tam thế: quá khứ hiện tại và tương lai.
Hưng Quan Quần Oán: xuất xứ từ sách 'Luận ngữ' thiên 'Dương Hóa':
'Tử viết: 'Tiểu tử hà mạc học phù thi? Thi khả dĩ Hưng, khả dĩ Quan, khả dĩ Quần, khả dĩ Oán.'
"Hưng" là tình cảm dồi dào, là sức lay động, truyền cảm, là sự thưởng thức cái đẹp. Cái "hưng" của mỗi người do môi trường và mô thức sinh hoạt mà dần dần kết tinh, hình thành.
"Quan" là quan sát cái muôn vẻ của thế thái nhân tình.
"Quần" là hợp quần.
"Khả dĩ oán": là biết cách báo oán. Nhân sinh tại thế khó tránh được lòng oán hờn nảy sinh, nếu có người đối xử không công bằng với ta, lòng ta tất bị tổn hại, vì thế sống ngay thẳng là chịu đựng nỗi đau trong lòng mình.
Cái tinh thần "Hưng, quan, quần, khả dĩ oán" thấm nhuần, tinh thần của ta sẽ trở thành đôn hậu, khí chất, trí tuệ thăng tiến, sự bực bội oán thán tiêu tan, ta cảm thấy thân thiện gần gũi với mọi người và cuộc sống trở nên thanh tĩnh.
9. Thông: là loại cây sống trong khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn giữ được dáng vẻ mạnh mẽ, vững chãi và màu xanh vĩnh cửu. Biểu tượng cho sự sống và mang đến ánh sáng hy vọng.
Phật dạy:
'Người chinh phục chính mình còn vĩ đại hơn một nghìn lần người chinh phục ngàn người trên chiến trường.'
'Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác.'
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro