Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TỔNG HỢP PHẦN XX


  LY SỮA NÓNG


Đã quá nửa đêm. Hắn ngồi thu mình khúm rúm trên chiếc ghế nhựa ngoài hành lang. Trời chưa hẳn đã sang đông, nhưng cũng không còn thu nữa. Hồi chiều đưa vợ đến đây, trời còn nắng ang ang, hắn chỉ mặc độc chiếc áo sơ mi phong phanh mà mồ hôi vẫn tứa ra nhễ nhụa. Còn bây giờ, cũng với chiếc áo đó, với cúc cài thít đến tận cổ,
với cả đôi chân đã co lên, quặp sát vào người, khiến hắn trông như đang ngồi sổm, vậy mà thi thoảng hắn vẫn rùng mình bởi một luồng lạnh từ đâu bất chợt lan tới, len lỏi khắp người.
Hắn buồn ngủ, nhưng không tài nào ngủ nổi. Bởi lạnh: đương nhiên, và còn bởi ở cái hành lang này, chốc chốc lại có người đi qua, tiếng giầy dép gõ coòng coọc trên nền gạch men cứ rọi vào tai hắn, khiến cho giấc ngủ đôi lúc tưởng đã đến với hắn rất gần nhưng rồi lại bị cái thứ âm thanh đanh đét đó làm cho hoảng sợ, chạy đi mất. Hắn sẽ bỏ về nhà, trèo lên giường, trùm chăn kín mít và đánh một giấc ngon lành nếu người đàn bà đang nằm trong buồng đẻ kia, đang ôm cái bụng quằn quại, rũ rượi kia không phải là vợ hắn.
Có lúc, hắn đã nghĩ đến việc gọi mẹ lên thay để hắn về nhà, vì hắn đã ngán ngấy cái cảnh ngồi vật vờ ở cái bệnh viện tanh tưởi này rồi. Nhưng xét cho cùng, đó cũng giống như việc chuyển từ nhà tù này đến cái nhà tù khác. Bởi nếu mẹ hắn lên đây thì hắn phải ở nhà trông hai đứa nhóc: đứa lớn thì khóc ri rỉ vì nhớ hơi mẹ; đứa bé thì phải bón bột, thay bỉm, dỗ ngủ. Chưa hết, lại còn bố hắn nữa, nằm liệt giường đã gần năm nay, mọi ăn uống, sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ. Chăm ông ấy còn khổ hơn là chăm một đứa trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh thì chỉ biết khóc, biết ăn, rồi tè, rồi ị, chứ còn bố hắn, ngoài những thứ đó ra, ông còn biết chửi nữa. Trái ý một tí là chửi. Cháo nấu hơi nhừ cũng chửi; khăn mặt vắt hơi khô cũng chửi, hắn nghe quen rồi, thành ra không thấy khó chịu nữa. Chỉ có một chuyện mà mỗi lần ông rủa tới là mặt hắn tối sầm, rồi hậm hực bỏ ra ngoài: "Đồ bất hiếu, bất tài, đẻ mãi mà không ra được cho tao đứa cháu trai, mày muốn cái nhà này tuyệt tự hả? Muốn tao chết không nhắm mắt hả?"
Hắn không bỏ ra ngoài thì hắn còn biết làm gì? Bởi bố hắn đã thọc trúng vào vết thương của hắn, ngoáy vào sự mặc cảm, cào lên nỗi nhức nhối vẫn từ lâu ám ảnh trong hắn. Cả những lần mấy bà, mấy chị đi làm cỏ, bón lúa qua nhà, thấy hắn hùng hục vét bùn, nạo đất dưới ao thì buông lời bỡn cợt: "Gớm! tham mà làm gì, cũng chỉ béo con rể mà thôi!". Những lúc như thế, hắn chỉ mong mình có đủ cái chất ba bửa để vốc từng nắm đất ném vào mặt họ, hoặc không thì có phép lạ, ngụp sâu xuống dưới đáy bùn cho đỡ ê chề.
Vậy nên, khi vợ hắn có bầu đứa thứ ba, dù chưa đầy mười hai tuần tuổi, hắn đã háo hức, ráo riết chở vợ lên huyện siêu âm bằng được. Để rồi khi biết kết quả, hắn lặng đi, thần thừ như thằng mất hồn, rồi hùng hoằng lôi xềnh xệch vợ lên xe, bắt phải đi bỏ cái thai ngay lập tức, mặc cho vợ hắn đang há hốc mồm vì ngỡ ngàng, kinh sợ. Đi được một đoạn, vợ hắn vằng vẫy, nhào khỏi xe rồi quỳ xuống đường khóc lóc van xin. Ả còn dọa rằng nếu hắn vẫn ép, ả sẽ lao đầu vào ô tô để chết cùng con. Mà hắn cũng không chắc có phải là ả dọa hắn không, bởi vì nhìn thái độ của ả lúc đấy, hắn sợ là ả sẽ làm thật.
Thế nên giờ đây, hắn phải ngồi đây, ở cái hành lang lạnh lẽo này, và không biết mình đang ngóng chờ điều gì. Tình mẫu tử thiêng liêng ư? Hắn đã ngán ngấy rồi, bởi có thêm đứa con này là thêm những lời hằn học từ cha hắn, thêm những câu dè bỉu, mỉa mai, thêm những tiếng thở dài...
– Người nhà của sản phụ Liên đâu? Ai là người nhà của sản phụ Liên?
Nghe cô y tá gọi đến lần thứ hai, hắn mới uể oải đứng dậy:
– Là tôi...
– Chúc mừng anh! Mẹ tròn con vuông rồi! Công chúa xinh lắm! Anh vào đón tay cháu đi!
Hắn đang định hỏi: "không vào có được không?", nhưng nhìn ánh mắt hân hoan của cô y tá, rồi cả mấy người ngồi ngoài hành lang cũng đang dõi theo hắn chăm chú như thể muốn chia vui, hắn đành miễn cưỡng theo vào.
Vợ hắn nằm đó, phờ phạc, bã bời. Ả nhìn hắn bằng cái nhìn rất khó tả, như dò xét, như van lơn, như đang hối lỗi chờ phán xử, như một kẻ đang hi vọng vào cái điều mà chính bản thân người đó cũng tự thấy rằng nó quá xa xôi...
Cô y tá hăm hở trao đứa bé cho hắn, nhưng hắn không dang tay đón mà chỉ sột soạt vạch cái tã ra rồi nheo mày ngăm ngó: "Đúng là con gái thật!". Hắn buông một tiếng thở dài thão thượt, lạnh lẽo quay ra.
– Anh không đón tay cháu à? – Cô y tá gọi giật hắn lại.
– Đón cũng thế thôi, có khác gì hai đứa trước đâu!
Hắn cứ vậy bước ra. Không nhìn mặt vợ, không nhìn mặt con. Bởi hắn thừa biết là cái bờ vai gầy gò của vợ hắn đang rung lên từng cơn bầm bập, cái bàn tay xanh xao đang cố hết sức để bịt lại những tiếng nấc nghẹn ngào, nhưng dường như là không thể, những âm thanh hấm hức, tấm tức ấy vẫn thoát ra được, nghe hệt như tiếng kêu cụt lút của một con gà bị người ta bóp cổ.
Hắn lại gieo mình xuống cái ghế, cảm thấy sự chán chường đến cực cùng. Hắn lấy điếu thuốc ra toan châm lửa thì lập tức bị một cô y tá gần đó nhắc nhở: "Ở đây không được hút thuốc đâu anh!". Hắn nghe vậy thì cũng thôi, lại nhét chiếc bật lửa vào túi, rồi buông thõng tay chân, ngửa người ra ghế, quên cả điếu thuốc chưa kịp châm vẫn đang dắt dẻo trên môi...
Hắn díu mắt lại và chực thiếp đi. Thế nhưng, một gã thanh niên tay xách cái giỏ đồ sơ sinh cứ lượn qua lượn lại trước mặt hắn, giầy quệt xuống nền đá cồm cộp. Gã ta cứ lui tới một hồi khiến hắn bực mình phải quạu lên:
– Ghế đây sao không ngồi? Đi lại nãy giờ không thấy mỏi cẳng à?
– Dạ, tại em sốt ruột quá anh ạ! Vợ em đang nằm trong buồng đẻ, không biết tình hình thế nào!
Hắn phì cười khi nghe cái giọng run run và cái điệu bộ lóng ngóng đến tội nghiệp của gã đó. Đẻ thôi mà, có gì to tát đâu! Hắn đưa vợ đi đẻ đã ba lần, cứ nhẹ như không! Ngày xưa, các cụ ăn khoai độn, quần áo chả có mà mặc, thế mà vẫn cứ sòn sòn tám chín đứa ngon lành, việc quái gì! Cứ bảo mang nặng đẻ đau, chứ hắn thấy cái sự đẻ còn đơn giản hơn là nấu một mẻ rượu ngon. Để có được một mẻ rượu chuẩn, hắn phải tính được hàm lượng men cho phù hợp, rồi ke thời gian ủ gạo, rồi căn mực lửa khi đun, công phu lắm lắm! Chứ còn cái việc đẻ thì có gì? Khi nào thấy bụng tưng tức thì rặn phát là xong. Thế nên hắn thấy cái gã đang cuống quýt trước mặt hắn thật đáng buồn cười!
Rồi cả khi cô y tá mới vừa thò đầu ra cửa, chưa kịp gọi tên, gã đó đã nhao vào sấn sổ; rồi gã rú lên khi biết tin mẹ tròn con vuông; gã ton ton lỉnh vào đón tay đứa bé, khiến cô y tá lại phải lật đật chạy theo. Lát sau gã quay ra, hai mắt đỏ hoe, sụt sùi...
Hắn cố dằn tiếng cười trong ngực rồi quay sang hỏi gã đó bằng một giọng nửa mai mỉa, nửa quan tâm:
– Con đầu lòng hả? Sao xúc động ghê thế? Anh đây ba đứa rồi mà chưa lần nào được phấn khích như cậu đâu!
– Dạ, nói là đầu lòng cũng đúng, nhưng thực ra cũng không hẳn!
– Là sao?
– Vợ em bị sẩy thai bảy lần rồi anh ạ!
Hắn khẽ rùng mình, mặt cúi gằm, thinh lặng, còn gã thanh niên thì vẫn chầm chậm tiếp lời...
– Vợ em không được bình thường như những người đàn bà khác, cô ấy bị mỏng thành tử cung và dị tật tế bào, cứ có thai được vài tháng là sẩy. Hầu như thời gian mang bầu, vợ em phải nằm trên giường, tránh vận động. Có đợt, thai được hơn sáu tháng rồi, hai vợ chồng đã khấp khởi hy vọng, vậy mà... Nhiều khi, chúng em định bỏ cuộc vì việc chạy chữa tốn kém quá, vì đã bán tất cả những gì có thể bán, vay tất cả những chỗ có thể vay, và cũng vì mỗi lần sẩy là một lần vợ em thêm tiều tụy, héo hon, suy sụp. Thế nhưng, những đêm trằn trọc không ngủ, chỉ nghe tiếng thở dài buông não nuột, quay sang ôm vợ thì gối đã ướt đẫm tự lúc nào; những buổi chiều trống hoang, trong căn nhà im vắng, cái khao khát được nghe tiếng trẻ cười đùa lại bùng lên cháy bỏng, lại xoáy vào tận tim can đến quặn cào. Ngay cả vừa rồi, lúc vợ em đã nằm trên bàn đẻ, em vẫn lo sợ những bất trắc sẽ xảy ra. Ơn trời, cuối cùng thì...
Hắn vẫn nghe như nuốt từng lời của gã thanh niên đó. Hắn biết là gã vẫn đang sụt sùi, và mắt vẫn đỏ hoe. Gã khóc vì hạnh phúc khi đứa con đã ở lại với gã? Hay vì vừa phải nhớ lại những hãi hùng, đau đớn mà gã đã trải qua? Có lẽ là vì tất cả, bởi hạnh phúc hôm nay là kết tinh của những cay đắng hôm qua...
– Anh nhìn hộ em cái giỏ nhé, em chạy ù ra cổng mua ly sữa nóng...
– Mua làm gì thế?
– Cho vợ em uống, cô ấy vừa đẻ xong nên mất sức, uống được sữa nóng vào thì sẽ mau hồi phục.
Dứt lời, gã thanh niên tất tả chạy đi. Hắn không còn thấy gã đó buồn cười nữa, ngược lại, hắn thấy chính hắn mới là kẻ đáng cười, mới là thằng hề. Một thằng hề quay cuồng trong cái suy nghĩ mục nát và ấu trĩ. Hắn đã có ba cô công chúa xinh đẹp, thứ mà gã thanh niên vừa khóc trước mặt hắn sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được, vậy mà hắn còn dằn dọc, hằn học?! Hắn muốn gì nữa đây? Hắn đã làm được gì cho vợ con ngoài những chì chiết, đay nghiến, ngoài những hắt hủi, ghẻ lạnh? Hình như, hắn đã nợ vợ con quá nhiều...
Hắn lê từng bước liêu xiêu, mắt cay xè, cái hành lang trước mặt nhảy múa, nhạt nhòe. Hắn bước xuống sân rồi hướng ra cổng, nơi có quầy căng-tin vẫn sáng đèn. Hắn muốn mua cho vợ một ly sữa nóng, thứ mà vợ hắn, dẫu đã đẻ tới đứa thứ ba, vẫn chưa một lần được uống...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
GÃ ĐIÊN



Người ta gọi hắn là gã điên, bởi không ai biết hắn tên gì, từ đâu và tại sao lại tới cái làng này. Chỉ biết rằng, một buổi sớm, người ta thấy một gã bẩn thỉu, đen đúa, tóc dài ngang lưng, lòa xòa, hôi hám, lang thang, xới tung từng đống rác rưởi ngoài đầu chợ, lặt lạnh từng miếng bánh thừa, từng mẩu thịt vương vãi, cho lên mồm nhai nghiến ngáu.
Dù là miếng thịt đã ôi thiu hay còn tươi vết máu, dù là mẩu bánh sạch sẽ hay đã bị người đi đường giày xéo bết bê, thì hắn vẫn ăn rất ngon lành, và giọng cười thì vẫn thỏa thuê như thế.
Buổi chiều, khi vãn chợ, và khi tất cả những đống rác đã bị xới hết, hắn lại khật khừng trở về cái vườn chuối hoang cạnh bờ sông, nằm ngủ ngon lành. Chẳng biết từ bao giờ, vườn chuối um tùm ấy đã trở thành nhà của hắn, nóng thì hắn nhảy xuống sông tắm, đói thì lội ven bờ vồ cua, chộp cá. Thậm chí, có lần, người ta còn thấy hắn nhai cả một con ngóe sống rau ráu trong mồm.
Ban ngày, thường là hắn rất hiền lành, chỉ về đêm, những cơn điên mới lại hành hạ hắn. Một đêm chớm hè của vài ba năm về trước, khi xóm làng và con sông đang chìm trong giấc ngủ êm đềm, bỗng từ vườn chuối hoang ré lên những tiếng gào thét hãi hùng, xé tan cái không gian đêm im ắng, tịch liêu. Tất cả các nhà ven sông đều bừng tỉnh và đổ hết ra đường. Rồi họ thấy từ vườn chuối hoang, một bóng đen chạy vụt ra, nhảy chồm chồm dọc bờ sông, miệng gầm rú những tiếng ghê rợn, rồi cái bóng ấy bơi ùm ũm qua sông, băng băng trên những thửa ruộng đương mùa lúa trổ bông, nó không la hét nữa mà lại cười sằng sặc, tiếng cười mang mang khắp cánh đồng, hun hút tận cuối dòng sông.
Kể từ hôm đó, đám dân cư quanh vùng dần quen và rồi không còn giật mình hay sợ hãi với những tiếng la hét, gào thét, hay những tràng cười ré lên the thé vọng vào từ bãi sông trong những đêm thanh vắng nữa. Giờ, mỗi lần nghe thấy thế, họ chỉ thở dài và chép miệng: "thằng điên!". Họ chẳng hơi đâu mà quan tâm, bởi suy cho cùng, gã cũng chẳng ảnh hưởng lắm tới cuộc sống của họ.
Nhưng đó chỉ là trước đây thôi, chứ độ này, người trong làng, ai cũng lo sốt vó, nhất là mấy chị em phụ nữ. Giờ, vào buổi đêm, chị em sợ nhất là phải đi qua cái vườn chuối hoang ấy, bởi chẳng biết lúc nào gã điên ấy sẽ nhào ra, bế thốc họ xuống vườn rồi hãm hiếp. Nhiều vụ lắm rồi! Một vài người may mắn vùng vẫy ra được, nhưng cũng không ít cô đã bị gã giày vò, làm nhục. Dân quanh vùng đã báo chuyện này lên chính quyền xã, nhưng đợt này, xã đang bận thu thuế má, rồi lại chuẩn bị bầu cử, thành ra chưa thấy ai xuống điều tra, xem xét được gì. Vì thế, cái nỗi lo vô hình ấy vẫn cứ nơm nớp, lơ lửng trên đầu.
Đêm nay trăng non, đã vậy lại còn bị những đám mây dày quánh bao phủ, thành ra bầu trời giờ trông như một cái vòm trắng đùng đục, nhờ nhờ. Cái vườn chuối hoang vì thế cũng chỉ là một mảng màu xám xịt, nhợt nhạt, khó nhận rõ mặt người. Từ khi rộ lên mấy cái vụ gã điên rình mò hiếp dâm ấy, ban đêm, người ta đã ít qua lại đoạn đường này hơn. Là ít thôi, chứ việc cần đi thì vẫn phải đi, vả lại, cũng chẳng còn con đường nào khác để ra khỏi cái làng này ngoài con đường có vườn chuối hoang ven sông ấy.
Có tiếng loẹt xoẹt, hình như ai đó đang đi tới?! Quả đúng vậy! Và dẫu là dưới thứ ánh sáng nhom nhem của mảnh trăng non trong một đêm mây mù thì vẫn không khó để nhận ra đó là bóng một người đàn bà. Cái bóng đó đi rất vội, tất tả, nhất là khi qua cái chỗ vườn chuối um tùm, đôi chân ấy càng lộ vẻ cuống quýt, bước nhanh như chạy, hệt như một đứa trẻ sợ ma phải một mình băng qua khu nghĩa địa.
Thế nhưng, cái bóng đen từ trong vườn chuối còn nhanh hơn. Nó nhào vụt tới, bịt chặt miệng người phụ nữ ấy rồi kéo rốc ả xuống vệ sông, lôi xềnh xệch vào trong vườn. Ả ra sức vằng vẫy và kêu cứu, nhưng đôi cánh tay lực lưỡng của con quỷ râu xanh như hai thanh thép nguội đang quặp chặt lấy ả, rồi cả cái bàn tay thô ráp, sần rộp bóp ngạt hết miệng ả, khiến cho những quẫy đạp trở nên thừa thãi, những tiếng kêu cứu chẳng thể thoát ra thành tiếng, cứ tưng tức, ưng ức trong miệng, nghe vô vọng như tiếng một con chó vừa bị bọn trộm siết vào cổ cái thòng lọng, kéo đi lê lết.
Cái bóng đen vật ngửa ả ra vườn chuối, rồi chồm lên điên cuồng. Ả cũng chẳng vừa, vẫn giãy giụa, quằn quại, đôi bàn tay quờ đi quờ lại, chống cự dữ dội. Người đàn ông giờ giống như một con thú hoang, hắn dùng hai chân ghì chặt hai cánh tay của người đàn bà ấy lại, một tay vẫn bịt miệng, tay còn lại giựt tung mấy cái cúc sơ mi, xé toạc cái áo ngực của ả rồi vục mặt xuống hít hà. Bất thình lình, người đàn bà nghiêng đầu rồi cắn một cái thật mạnh vào ngón tay hắn. Hắn rú lên đau đớn, tưởng như ngón tay mình sắp đứt rời. Chỉ chờ có thể, ả đàn bà túm chặt lấy mớ tóc lòa xòa của hắn hất mạnh ra...
Roạt!!! Mớ tóc giả trên đầu người đàn ông rơi xuống, gã sững sờ, và ả cũng sững người theo. Dưới ánh sáng nhập nhoạng, mờ mờ, ả vẫn nhận ra, người đàn ông này quen lắm! Đúng rồi! Là lão Nghị, đúng lão Nghị rồi!
– Thì ra là ông à? Hóa ra là ông...?
Biết đã bị lộ, lão Nghị lập tức rúm người lại, chẳng còn chút dấu vết nào của cái điên cuồng, hung hăng vừa mới đây nữa...
– Suỵt! Bé mồm thôi! Làng nước nghe thấy bây giờ!
– Vậy ra, mấy vụ trước, cũng đều là ông...?
– Đã bảo là bé mồm thôi cơ mà! Tôi xin cô! Tôi cũng chưa kịp làm gì mà! Chỗ người cùng làng, cùng xã, xin cô giữ bí mật chuyện này giúp cho, tôi sẽ không để cô thiệt. Nếu lộ ra, tôi mất mặt, còn cô cũng chẳng vinh dự gì.
– Ông không để tôi thiệt? Nghĩa là sao? Tôi chưa hiểu lắm!
– Thì cái vụ thằng con cô uống rượu say, đập phá, rồi chém người ở quán tôi bữa trước, tôi sẽ lờ đi, không kiện lên xã nữa; và cả số tiền chồng cô vay hôm đám cưới con út, tôi cũng sẽ xí xóa cho. Được chưa?
– Ông nói thật chứ?
– Thật! Tôi mà nói điêu, cô cứ đem chuyện này rêu rao khắp làng xã cho tôi chết nhục! Còn nữa, sắp tới mà quán tôi có mướn thêm người rửa bát, bưng bê, nhất định tôi sẽ nhận cô vào làm, trả lương cao gấp rưỡi người khác. Ối người muốn làm ở quán tôi mà không được đấy!
Ả nghe vậy thì có vẻ xuôi rồi, liền chỉnh lại áo quần, phủi bụi đứng dậy, toan về. Nhưng rồi ả chợt khựng lại như vừa nhớ ra điều gì...
– Ông không phải là gã điên, vậy gã điên đâu rồi?
– Nó nằm chết dí trong góc vườn kia kìa, tôi chỉ quẳng cho nó nắm cơm có tẩm thuốc là nó ngủ đến sáng mai luôn!
Ả không nói gì, chỉ cười rồi lặng lẽ men theo con đường vắng vẻ trở về nhà. Giờ, bước chân của ả thong thả lắm, chả còn vẻ sợ hãi, vội vàng như lúc trước!
Lẽ thường, càng về khuya, trăng sẽ càng sáng, nhưng đêm nay, càng khuya, những đám mây xám xịt, đặc quánh lại càng đua nhau kéo về bủa vây bầu trời, khiến cho ánh trăng mỗi lúc thêm mờ mịt, đen trắng chập chờn. Và đêm nay, lại là một đêm con sông, cánh đồng và khu làng nhỏ yên bình, bởi chẳng phải nghe tiếng gã điên thét gào, chẳng phải nghe tiếng khóc, tiếng cười hòa vào nhau hỗn độn...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
MÈO HOANG


Nửa đêm, con phố nhỏ oằn mình trong cái lạnh tái tê. Những nhà ven đường cửa đóng im ỉm mặc cho những con gió hung hãn vẫn rú rít, gào xé bên ngoài. Con đường vắng hoắt hoe với những cột đèn khẳng khiu, dóng những con mắt vàng hiu, hắt thứ ánh sáng rệu rã, hoang hoải xuống mặt đường nhựa nhơm nhớp vì sương đêm.

Ở đây, vào giờ này, gần như không còn ai ra đường, và trong cái lạnh như khứa da khứa thịt này, lại càng không. Hiếm hoi lắm mới có một chiếc xe máy phóng qua, chưa thấy xe đâu nhưng đã nghe tiếng động cơ gừm gừm từ đầu phố. Rồi cả khi bóng của cái xe đã nhạt đi trong màng sương đêm dày đặc thì cái âm thanh ồn ào đó vẫn còn vương lại, quyện với mùi khói xăng khét lẹt, vất vưởng, lang mang...
Nửa đêm, rét, ấy vậy mà vẫn có một bóng đàn bà xiêu vẹo, nghiêng ngả, giày cao gót bệu bã, lê lải trên mặt đường. Có vẻ như việc phải cáng đỡ một thân hình dẫu còm cõi nhưng đang chực sụp xuống là một việc quá sức với đôi chân gầy guộc, bởi chính nó cũng đang mỏi đến rã rời, run lên bần bật vì đói, vì rét. Từ sáng đến giờ, ả chưa đón được khách nào, thành ra, cũng chưa có gì để nhét vào cái dạ dầy đang rỗng tuếch, cồn cào, quặn lên từng cơn nóng rát. Không phải vì ả kén khách, cũng không phải vì ả đòi giá cao, đơn giản là vì chẳng có ma nào ngó ngàng đến ả. Cũng phải thôi, làm cái nghề này càng trẻ, càng non, càng mỡ màng thì càng ăn khách, hoặc không thì cũng phải có chút nhan sắc. Nhưng ả chẳng có những thứ đó, nói chính xác hơn, ả không còn những thứ đó.
Thân hình ả gầy gò; mái tóc xác xơ, lòa xòa; đôi lông mày nham nhở; cặp mắt hốc hác, trắng bệch; môi thâm sầm, nhăn nheo; lớp da mặt bợt bạt, sần sùi, dẫu rằng ả đã cố đắp lên nó cả mảng son phấn rẻ tiền. Nhìn ả không khác gì một cái xác khô đội mồ sống dậy, nom qua đã phát khiếp, vậy thì tìm đâu ra một thằng đàn ông ngu ngốc chịu bỏ tiền để ôm ấp, dày vò cái thây ma ấy? Thế nhưng ả vẫn phải đi, vắt nốt chút sức lực cuối cùng này, lê lết cái thân xác bệu bã này trên đường, mong kiếm được một khách làng chơi bần cùng, ăn tạp, không quan trọng nhan sắc, không đòi hỏi phổng phao, không yêu cầu non trẻ. Nhưng hỡi ôi, đàn ông có thể không quan tâm đến những thứ đó khi tìm vợ, chứ tìm gái điếm, thử hỏi có thằng nào không? Vậy nên, ả biết là hi vọng của ả mong manh lắm! Giờ mà có khách thì bao nhiêu ả cũng đi, thậm chí không cần tiền, chỉ cần cho ả một bắp ngô, một củ khoai thôi, ả cũng bằng lòng.
Dường như càng về khuya, cái lạnh càng đáng sợ. Sương xuống mỗi lúc một đậm hơn. Ả vòng hai tay trước ngực, co ro, khật khưỡng bước đi. Từng con gió buốt lẹm như những lưỡi dao lướt qua mặt, cắt lên da thịt. Ả mắm chặt môi, giữ cho hai hàm răng khỏi va vào nhau cầm cập. Hình như trời bắt đầu mưa. Ả nhận ra điều đó khi thấy một vài giọt nước đậu trên mi mắt, tan xuống, rồi nhòe đi. Ả ngửa mặt lên trời, nhìn thẳng vào cái bóng đèn vàng loe loét trên cao. Những hạt mưa hối hả rơi xuống như ngàn mũi kim nhọn hoắt, lao tới tấp về phía ả, găm vào đầu, vào mặt, vào cổ, vào tay nhói buốt.
"Mình đến gục mất thôi!" – Ả nghĩ thầm rồi loẹo ngoẹo rẽ vào núp dưới mái hiên một nhà ven đường. Ả dựa lưng vào tường rồi cứ thế từ từ khuỵu xuống. Bao quanh ả là làn sương buốt giá, là những con gió tái tê vẫn réo lên hung tợn, là màn mưa rả rích, lạnh lẽo đến tột cùng. Chỉ có luồng hơi phều phào hiếm hoi thoát ra từ miệng ả sau mỗi nhịp thở là có vẻ ấm áp, nhưng nó cũng đang yếu dần...
Ả cần một cái gì đó để làm cho cơ thể ấm hơn. Rồi như chợt nhớ ra, ả đưa tay rờ khắp các túi áo, túi quần, lôi ra một bao thuốc lá nhàu nát, bên trong chỉ còn một điếu duy nhất, cũng nhàu nát. "Vậy là tốt lắm rồi!". Ả hí hửng lôi điếu thuốc ra rồi vo tròn cái vỏ bao, ném nó lăn đi lông lốc. Và lại chợt nhớ ra điều gì, ả rủa thầm bực bội: "Chết tiệt! Không có lửa!". Ả ráo rác, dóng cặp mắt mệt mỏi, uể oải nhìn quanh. May quá, cách chỗ ả ngồi khoảng mấy bước vẫn còn một nhà đang sáng điện. Ả lồm cồm bò dậy rồi lết tới.
– Cộc! Cộc! Cộc! Có ai trong nhà không?
Tiếng gõ cửa lúc nửa đêm, nhất lại là trong một đêm mưa gió, rét mướt thế này, dù ít hay nhiều, cũng sẽ khiến cho bất kì ai đang ở bên trong phải hoang mang, e ngại. Thế nên ả phải gõ thêm vài lần nữa, cái cánh cửa mới dè dặt hé ra. Một người đàn ông mặc bộ quần áo ngủ màu da cam, thận trọng nghía mắt nhìn ả chằm chặp rồi hỏi bằng giọng lạnh lùng:
– Cô là ai? Cô cần gì?
– Dạ, em muốn xin lửa để hút thuốc. Trời lạnh quá!
Thấy trước mặt mình là một người đàn bà gầy gò, yếu ớt, vai rung lên bần bật, môi tái đi vì lạnh, người chủ nhà đã có vẻ yên tâm hơn. Anh ta kéo cửa ra thêm một chút nữa rồi quay lại bảo vợ:
– Em ơi, mang cho anh bao diêm!
Cô vợ đang nằm giường xem ti vi, nghe chồng gọi thì uể oải chui ra khỏi chăn, với cái áo lông mềm mại, ấm áp khoác lên người. Cô lại bàn lấy bao diêm, không quên cầm theo một cái áo dạ. Vừa choàng áo lên vai chồng, cô vợ vừa buông lời trách móc:
– Trời lạnh thế này, ra khỏi giường thì phải khoác áo vào chứ!
Ả đón lấy bao diêm từ tay người vợ, chưa kịp mở miệng cảm ơn thì cánh cửa đã đóng sập lại. Chỉ là một cánh cửa mỏng manh thôi, nhưng nó là ranh giới phân chia của những đối lập đến cực cùng. Ở phía trong cánh cửa là ánh điện lung linh, là lò sưởi ấm áp, còn bên ngoài, là gió, là mưa, là cái lạnh cắt da cắt thịt. Ở trong là người phụ nữ nằm xem ti vi, trùm chăn ấm, hạnh phúc bên chồng, ở ngoài là một ả điếm hết thời, cô độc, lang thang, đói rét. Cũng là một kiếp người, là một kiếp đàn bà, sao khác nhau đến thế?
Trên cái mặt nhợt nhạt, tưởng như đã tê dại, đã đóng băng vì lạnh, đột nhiên trào ra hai dòng lệ nóng hổi. Ả lại ngồi tệt xuống, dựa vào tường, ôm gối co ro. "Xoèo!!!", que diêm trượt đi trên cái cạnh gồ ghề, tạo thành một vệt sáng dài ở nơi nó vừa lướt qua rồi bắt cháy thành một nhúm lửa bập bùng, khói xốc lên mũi ả hăng hắc. Ả châm thuốc rồi rít một hơi thật sâu khiến đầu điếu thuốc đỏ rừng rực như sắp bốc cháy. Luồng khói ấm thộc vô họng ả rồi lan tỏa ra cả vòm ngực, nó đi tới đâu, ả biết tới đó. Ả ngậm mớ khói ấy rất lâu trong người, rồi mãi sau mới từ từ để cho chúng chui qua cái khe hở nhỏ giữa đôi môi xám ngoét, chầm chậm tảng ra ngoài.
Ả dựa đầu vào tường, quay cuồng, tê dại, vì lạnh, vì đói, vì khói thuốc khiến ả nao nao, bồng bềnh. Ả thấy người nhẹ bẫng, bay lên cùng màng khói ấy. Ả còn thấy trong màng khói có cả khuôn mặt hắn, khuôn mặt mà ả đã yêu đến tận cùng, và hận cũng đến tận cùng. Ả yêu hắn bằng tất cả sự tôn thờ, bằng cả tấm thân trong trắng và trái tim non nớt. Để rồi cũng một đêm mưa gió như đêm nay, trên chiếc giường xa lạ, với những lời ngon ngọt thề nguyền, ả đã mê muội, trôi đi trong những tiếng rên xiết, những cuồng cào của da thịt. Để rồi khi cái bụng ả trồi lên cũng là lúc hắn lặn mất tăm, bỏ mặc ả với những chới với, hoảng loạn, chòng chành như mẩu củi khô giữa dòng lũ ghềnh sôi sục...
Ả rít thêm một hơi nữa, và trong mảng khói này, ả thấy mẹ ả vừa khóc vừa ôm chặt lấy ả, đỡ cho ả những cú tát như trời giáng từ bàn tay rắn như thép, thô ráp và lực lưỡng của bố ả, người đang gầm lên như con gấu hoang vừa bị bắn vào chân. Nếu hôm đó không có mẹ, chắc rằng ông đã đánh chết ả. Bởi với một người đàn ông gia trưởng, phong kiến, đặt danh dự của dòng họ lên tất cả thì việc đứa con gái của ông mới nứt mắt ra đã chửa hoang chẳng khác nào việc ả đã múc một bát phân lợn rồi hắt lên bàn thờ. Hình ảnh cuối cùng về người bố cay nghiệt ấy mãi còn ám ảnh trong đầu ả. Đó là khi ông ném cái bọc quần áo của ả ra đường, mắt trừng trừng, sòng sọc như bị bệnh dại, da mặt đỏ tái vì giận dữ, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két, miệng rít lên từng tiếng khàn đặc: "Mày mà còn bước chân về cái nhà này, tao giết!".
Ả rít thêm một hơi nữa. Lần này, trong mảng khói bồng bềnh, hiện lên một căn buồng tanh tưởi, ngột ngạt, với một lão bác sĩ khẩu trang kín mít. Rồi khi cái dụng cụ nạo thai bằng inox lạnh toát thọc sâu vào trong người ả, ả tưởng như mình đã chết đi vì đau đớn. Ả quằn quại, run rẩy khi cảm nhận được rõ ràng cái vật gớm ghiếc đó đang đưa đi đưa lại lạo xạo, sồn sột, đang cắt bỏ từng phần, từng phần của đứa bé trong bụng ả. Lúc đó, ả chỉ ước sao ả có thể chết luôn được, bởi những đau đớn ấy còn đáng sợ hơn là chết, bởi ả không ngờ rằng, trên đời này lại có thứ cảm giác khủng khiếp đến vậy.
Điếu thuốc chỉ còn lại non nửa. Mặc kệ, ả vẫn rít, bởi chỉ cần ả ngừng lại, cái lạnh, cái rét ngoài kia sẽ ập vào, sẽ quật ngã ả. Ả cần cái nôn nao, cái ảo ảnh trong khói thuốc để quên đi hiện tại, dẫu rằng những ảo ảnh mà nó mang lại cũng chỉ toàn là những ảo ảnh đắng cay. Và ả lại rít, lần này thì đám khói hiện lên khuôn mặt phụng phệ của mụ béo, người mà đã có lúc ả tưởng là bà tiên mà ông trời gửi xuống cứu giúp ả. Mụ đã cho ả ăn khi ả đang đói, cho ả chỗ ngủ khi ả lang thang, cho ả áo thơm váy đẹp khi mà mớ dẻ rách hôi hám, bẩn thỉu trên người bắt đầu khiến ả ngứa ngáy. Và cũng chính mụ đã đẩy ả vào phòng với một lão già đáng tuổi bố ả, để rồi từ ngày đó, ả chính thức trở thành một con điếm.
Để rồi khi xuân sắc qua đi, khi đã vắt kiệt những mỡ màng, tròn trịa trên thân xác ả, khi ả chỉ còn lại những gầy gò, những bệnh tật dày vò, mụ đã hất ả đi như hất những cuống rau già úa sau khi đã nhặt hết những ngọn lá xanh non. Ả vẫn rít liên hồi, nhưng điếu thuốc cũng giống như cuộc đời ả, nó đã cháy hết những gì thơm tho, chỉ còn lại cái đầu lọc cong qoeo, teo tóp. Ả run rẩy quẹt thêm một que diêm nữa rồi châm vào cái đầu lọc ấy, ra sức rít, biết đâu, vẫn còn một sợi thuốc nào đó chưa cháy hết, còn bám lại quanh đây. Nhưng vô vọng, cái đầu lọc gặp lửa thì cháy sùi sùi rồi quăn lại, nhả khói khét lẹt...
Sáng hôm sau, người ta thấy xác ả lạnh ngắt, co quắp bên đường. Dân quanh đó xúm xít vây lại chỉ trỏ. Một người phụ nữ khoác chiếc áo lông mềm mại, thấy đám đông tụ tập thì cũng tò mò chen chân vào nghiêng ngó. Rồi cô ta nhận ra đó chính là người đàn bà đêm qua đã gõ cửa nhà mình xin lửa. Cô lấy ví, rút ra vài tờ tiền lẽ rồi ném về phía cái xác của người đàn bà xấu số...
Vẫn biết rằng chỉ với chữ "nếu", người ta có thể cho cả tháp Ép-phen vào trong cái chai. Nhưng nếu ả không dại dột trao lầm tình yêu của mình cho một gã đàn ông tồi tệ, thì có lẽ cuộc đời ả và cuộc đời của người phụ nữ khoác chiếc áo choàng lông mềm mại kia đã không khác nhau đến thế...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
MẸ VÀ CHIẾN TRANH


Khi mẹ sinh con ra, là khi chiến tranh đã đi qua. Con lớn lên trong trọn vẹn hòa bình, được thong thả tới trường mà không còn phải đội mũ rơm, không phải nhảy xuống những hầm trú bom, tránh đạn, không còn phải nghe những tiếng còi, tiếng loa báo động réo rắt mỗi khi máy bay giặc điên cuồng gầm rú trên vòm trời; con cũng không còn phải gặp những xác người chất đống ngoài đường, không phải thấy cảnh ly tán, hoang tàn, chết chóc, đau thương...

Thế nhưng, trong trí óc ngây ngô, non nớt của con ngày ấy, đã có những băn khoăn mà con không thể tự trả lời: Tại sao trên đường nhiều những nấm mồ hoang? Tại sao phía sau vườn nhà lại có cái hố to và sâu đến thế? Sao ảnh của ông và cha lại đặt cạnh nhau trên ban thờ, để mỗi lần được điểm tốt muốn khoe, hoặc tủi thân muốn được an ủi, vỗ về, con lại phải bắc ghế, đứng lên mới có thể chuyện trò? Tại sao có những đêm mẹ không ngủ, chỉ ngồi một góc giường, ôm chiếc áo cũ sờn của cha sụt sùi?
Con đã mang tất cả những băn khoăn trên hỏi mẹ. Mẹ lặng người, mắt đỏ hoe, vuốt tóc con trìu mến: "Là chiến tranh, con trai ạ!"
Vậy ra, chiến tranh làm nên những nấm mồ, những hố bom sâu hoẳm? Chiến tranh mang ông đi khỏi bà, mang cha đi khỏi mẹ, rồi gửi trả về hai tấm ảnh vô hồn, đặt trên ban thờ im lặng. Vậy ra, chiến tranh là lý do vì sao con lớn lên không biết mặt cha, là lý do bao đêm mẹ vẫn khóc thầm. "Nếu vậy thì mẹ ơi, con ghét chiến tranh!"
Bây giờ, con đã lớn khôn, trong trọn vẹn hòa bình. Thời gian đã làm mờ dần những vết tích đạn bom. Làng mình, giờ chẳng còn những nấm mồ hoang, tất cả đã được chuyển về nghĩa trang rộng rãi, đàng hoàng; cái hố bom sâu thẳm sau vườn đã bị lấp từ lâu, để trồng bí trồng bầu, xum xuê hoa trái; những loa phóng thanh giờ là để tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, phát lên những khúc hát yêu đời; những đứa trẻ sinh ra đã được chăm sóc, yêu thương đủ đầy bởi cả cha và mẹ...
Nhưng đêm qua thức giấc, con vẫn thấy mẹ ngồi đó, vẫn chiếc áo sờn của cha, và vẫn những dòng lệ nhạt nhòa. Và con hiểu rằng, cuộc đời này có những mất mát, có những đau thương mà thời gian chẳng thể nào xoa dịu. Con chầm chậm lại gần, ôm mẹ từ phía sau thật chặt, để mong sao một phần nỗi đau ấy chảy sang con, để lòng mẹ nguôi đi những nghẹn ngào. Còn mẹ thì lại vội vàng lau nhanh những giọt lệ ướt lem, như cố không cho con thấy được sự yếu mềm...
– Mẹ à! Nếu đất nước có chiến tranh, con muốn xung phong ra trận, mẹ có cản con không?
– Mẹ không!
-Tại sao? Con tưởng mẹ căm ghét chiến tranh? Mẹ không sợ rằng con sẽ lại hi sinh, và ảnh của con lại đặt trên ban thờ, cùng ông, cùng cha?
– Chiến tranh thì ai cũng sợ, cũng căm ghét con à! Và những người như bà, như mẹ lại càng thấm thía sự khủng khiếp của chiến tranh. Nhưng khi tổ quốc cần, khi đất nước lâm nguy, mẹ không thể và không có quyền giữ con bên mẹ, bởi con không chỉ là con của mẹ, mà còn là một đứa con của tổ quốc này! Nếu con đi, mẹ sẽ vẫn đợi ngày con trở về, giống như mẹ đã từng đợi cha. Và nếu con không trở về, bởi máu con đã hòa vào sông, xương con đã tan vào đất, mẹ sẽ lại tự hào vì con, giống như đã tự hào vì cha con vậy!
Mẹ ơi! Bây giờ thì con đã hiểu, rằng những đêm mẹ ôm áo cha khóc thầm, rằng những giọt nước mắt mẹ rơi chẳng phải là sự yếu mềm, mà đó là tình yêu, là sự hi sinh mẹ dành cho tổ quốc này! Con tin rằng, chẳng có kẻ thù nào, dù mạnh đến đâu, có thể làm chúng ta khuất phục, bởi tổ quốc này có triệu triệu những người phụ nữ anh hùng và kiên cường như mẹ...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
BIA HÔI


Giữa trưa, nắng như hắt lửa khiến con đường nóng rang như chảo. Lớp không khí sát mặt đường gặp nóng thì bốc lên rùng rình và mờ ảo. Mỗi lần ô tô chạy qua, con phố lại quặp mình trong đám bụi đặc quánh, hung hãn, bu vào từng kẽ lá, xộc vào tận mặt người, gây ra thứ cảm giác ngột ngạt và ôi ả vô cùng.
Hắn ngồi uể oải trên chiếc xe máy cũ nát dựng gưới gốc cây, mặc cho vài tia nắng chói đã lách được qua tán lá rọi thẳng vào mặt hắn.
Đếm đi đếm lại vài đồng lẻ trong cái ví lép xẹp, hắn lắc đầu ngán ngẩm: "Sáng đến giờ mới được có một cuốc 20 nghìn, chỉ đủ bữa trưa, hi vọng chiều nay kiếm thêm được được đôi ba cuốc, có tiền mang về nộp vợ". Rồi hắn lại nhìn sang mấy gã xe ôm khác cũng đang ngáp dài ngáp ngắn dưới những gốc cây cạnh đấy, rồi lại tự an ủi: "Mình cũng còn may chán, có thằng từ sáng đến giờ chưa được cuốc nào kia kìa!"
Từ xa, một chiếc xe tải ì ạch, rì rạch chạy tới, bám sau nó là mớ bụi lồng lộn, cuồn cuộn. Hàng nghìn hộp bia nêm chật ních ở thùng xe phía sau, thảo nào nó phải lăn ngắc ngư trên từng mét đường như thế. Hắn liếm đi liếm lại bờ môi khô rát, mằn mặn vì mồ hôi, ràn rạn vì bụi, rồi ước thầm: "Giờ mà được hụm bia kia vào mồm thì sướng phải biết
Đèn xi-nhan nhấp nháy, chiếc xe lù đù đánh lái, rẽ về hướng trung tâm thành phố. Nhưng có vẻ tài xế đã bẻ cua hơi bó khiến bánh trước của xe leo lên vỉa hè, nghiêng đi, lắc lư như chực đổ. Độ dốc của vỉa hè chưa đủ để lật được cái xe, nhưng nó đủ để khiến hàng ngàn thùng bia bị dồn lại một góc. Rồi khi cái thanh chắn mỏng manh phía sau xe không đủ sức giữ chúng lại nữa thì cả đống bia khổng lồ ấy cứ thế nối đuôi nhau, ào ào văng xuống đường, tạo ra mớ âm thanh hỗn loạn, loảng xoảng, lịch bịch, tiếng những lon bia nổ bôm bốp, bọt bia xèo xèo, lếnh láng khắp mặt đường, hơi nóng bốc rừng rực, mùi bia thơm thơm, hăng hắc xộc lên nồng nặc quyện chặt vào đám bụi cát mịt mù...
– Bia rơi ra đường kìa! Hôi đi! Hôi đi!!!
Từ trong những quán ăn, trong các ngôi nhà, trong mấy ngõ ngách, người ta túa ra rầm rập, rầm rập! Tiếng gào thét, la hét, chửi bới, giành giật làm náo loạn cả một góc phố bình yên. Họ nhao tới ôm khư khư và giữ lấy những thùng bia còn nguyên vẹn như sợ có kẻ nào đó sẽ đẩy họ ra để vồ mất. Mấy lão xe ôm cạnh hắn cũng đã vùng dậy và chồm tới từ lúc nào. Đương nhiên, hắn cũng không thể đứng ngoài cuộc. Hắn đã vồ được 3 thùng lành lặn, bê khệ nệ trước ngực, mắt vẫn ráo rác, chân vẫn đá đá, bới bới, cố kiếm thêm một vài thùng ngon nghẻ nữa. Nhưng không còn, bởi hắn nhanh thì người khác cũng nhanh, ai mà chả thích cướp được những thùng còn nguyên mác, nguyên tem, khô ráo. Tết nhất đến nơi rồi, mấy thùng bia đó mà để lên bàn thờ thắp hương tổ tiên thì quá lịch sự, hoặc cũng có thể đi tết bố vợ, tết thầy, oai lắm chứ!
Đúng là không còn thùng nào lành lặn thật, và giờ, họ quay sang tìm những thùng ít bị rách nhất, những thùng vẫn còn hai phần ba, còn một nửa, còn một phần ba, rồi sau nữa, họ nhặt từng lon, từng lon gom lại... Ai cũng hăng say, hối hả, cũng muốn vơ, muốn giành được thật nhiều. Thế nhưng, có một người đàn ông, cũng chạy cuống cuồng, cũng gào thét, cũng la hét, cũng nhao vào chỗ đám đông đến kiệt sức mà chẳng thể ôm được một lon bia nào cho mình, cũng không ai nghe tiếng van xin, cầu khẩn của anh ấy, để rồi cuối cùng anh ta bất lực, quỳ sụp xuống đường, nhìn toán người hung hãn đang lồng lộn, xâu xé những thùng, những lon bia, thứ mà chỉ vài phút trước đây vẫn là của anh ta, vẫn thuộc về anh ta...
Hắn hí hửng chằng néo cẩn thận đám chiến lợi phẩm vừa giành được lên xe rồi hối hả phi thẳng về nhà. Nhìn thấy chỗ bia này, vợ hắn chắc sướng phải biết. Tết này, vừa có bia xịn uống mà lại vừa đỡ được một khoản kha khá. Chứ nhà hắn, năm nào cũng phải mất mấy trăm nghìn tiền bia, mà nào có được bia tử tế, toàn loại bia chai xanh chai đỏ, tem nhãn lòe loẹt, lem luốc, uống thì chua lòm, nhạt thếch. Hoặc giả như bí tiền quá, hắn cũng có thể bán mấy thùng bia này đi, chả được ngót nửa triệu bạc à? Bằng tiền hắn chạy xe ôm quần quật cả chục ngày trời chứ ít đâu.
Đang lâng lâng tận hưởng thứ cảm giác khoan khoái, râm ran trong người thì bất chợt, từ con ngõ nhỏ, một đám thanh niên choai choai, cởi trần, mặc quần đùi, tóc tai xanh đỏ chạy băng qua đường, cắt qua đầu xe hắn. Hắn đạp phanh cuống cuồng, và "RẦM!!!!", chiếc xe đổ kềnh ra đường, lê đi một đoạn dài, mấy thùng bia văng ra, bắn tung tóe. Đám choai choai đó thấy hắn bị ngã thì cười rú lên khoái trá. Rồi một thằng trong đám hét lên:
– Bia rơi ra kìa, hôi đi, hôi đi chúng mày ơi!
Vậy là cả lũ lao tới giằng xé, giành giật những thùng bia của hắn, vồ lấy cả những lon đang lăn lông lốc trên đường... Hắn chực nhào ra để giữ lại nhưng không được, chân hắn đang bị cái xe đè lên, mắc vào gầm. Hắn toan lấy tay đẩy chiếc xe lên thì chợt thấy đau nhói ở bả vai, hình như hắn bị trật gân, và cái xe vẫn nằm im, không nhúc nhích. Hắn bất lực nhìn đám thanh niên đang chạy xa dần, ôm theo cả số bia mà hắn phải vất vả xô đẩy, trầy trật chen lấn mới chiếm được. Hắn nằm xoài trên mặt đường bỏng rát, tay đấm thùm thụp xuống những viên đá dăm lạo xạo, mồm liên tục chửi rủa, gào thét những tiếng vô vọng...
– Ối làng nước ơi! Quân ăn cướp! Chúng nó lấy hết bia của tôi rồi! Ối làng nước ơi...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
EM LÊN PHỐ


Mười tám tuổi, nhưng lần đi thi đại học này mới là lần đầu tiên em được lên Hà Nội. Mười tám năm em sống trong tình yêu thương, che chở của mẹ, của cha; em lớn lên bằng hạt gạo vàng của đồng lúa bao la, bằng dòng nước xanh của con sông quê êm ả, hiền hòa...

Hôm đi, em bị say xe nên gục vào vai mẹ ngủ li bì, để rồi khi xe đổ bến, em thức dậy và choáng ngợp, ngỡ như mình vừa lạc vào một thế giới khác: náo nhiệt, đông đúc, chật chội, ồn ã, và đầy những điều mới lạ!
Cảm nhận của em đầu tiên về Hà Nội là bụi và rất nhiều xe cộ! Cái bụi cộng với cái nắng trưa hè oi ả khiến em như mệt lả! Còn xe thì nhung nhúc như bầy vịt bơi trên sông, chi chít như thân lúa ngoài đồng. Nếu một mình, chắc em chỉ ngồi bên vỉa hè, bất lực nhìn dòng người xe xuôi ngược, cả ngày chẳng dám qua đường. Cũng may, bàn tay mẹ đã chìa ra cho em nắm lấy, vừa đi, em vừa nép chặt vào người mẹ, mắt nhắm lại sợ hãi mỗi khi có chiếc xe phóng ẩu, lao vút tới như chực đâm sầm. Em rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh mình sẽ học ở đây và phải tự đi lại, phải tự sang đường...
Em và mẹ thuê một phòng nhỏ ở một xóm trọ cạnh trường. Trừ những lúc đi thi hoặc đi ăn, còn không, em chỉ ở trong phòng. Lý do là vì trời rất nóng, em phải mặc quần đùi, mà mặc quần đùi thì em ngại, chẳng dám ra ngoài. Bởi ở quê, bố mẹ vẫn nhắc nhở em rằng con gái thì phải ý tứ và kín đáo. Mỗi lần đi ăn, thấy em lục đục thay quần dài, mặc áo sơ mi kín mít, mấy chị sinh viên ở phòng bên lại tủm tỉm cười rồi bảo: "Ra đường em sẽ thấy, chúng nó toàn mặc những bộ ngắn bằng một nửa và hở gấp đôi cái bộ em vừa thay ra!".
Quả thực, các chị ấy nói đúng! Không những thế, em còn thấy ở Hà Nội những điều mà một đứa con gái nhà quê như em chưa bao giờ được thấy: đó là cảnh những đôi trai gái âu yếm, ôm hôn nhau say sưa trên ghế đá bên hồ, dù xung quanh rộn ràng người qua xe lại; đó là sự phân cấp giàu nghèo đến khắc nghiệt khi một người đàn ông rách rưới bới tung cái thùng rác đặt trước cửa một trung tâm thương mại xa hoa để tìm những vỏ chai, nắp hộp; là cảnh những cô gái bán hoa lang thang, mời gọi khách bên đường...
Đêm qua, Hà Nội đổ mưa! Mưa nhảy rầm rập, bồm bộp trên mái tôn, dồn dập, liên hồi. Liệu có phải vì vậy mà em thấy mưa Hà Nội cũng khác mưa ở quê mình? Em gọi điện cho bố, em khóc, em nói rằng em rất nhớ nhà, và nhớ bố! Em không biết bố có khóc không, em chỉ thấy giọng bố nghèn nghẹn, buồn buồn: "Con gái à! Ai rồi cũng phải lớn, phải lo cho cuộc sống của riêng mình! Và đó là những thứ mà con phải thích nghi, phải hòa đồng!".
Các chị sinh viên phòng bên thấy em khóc thì ai nấy đều an ủi, dỗ dành. Họ bảo rằng hồi mới lên đây, họ cũng như em vậy, cái gì cũng ngợp, cũng sợ sệt, rụt rè. Nhưng giờ, họ đã quen với tất cả, họ thích cuộc sống ở nơi này! Nhiều người được nghỉ hè còn chẳng muốn về quê, ra trường rồi họ sẽ vẫn quyết tâm trụ lại!
Em tin là họ nói thật! Và em hiểu rằng nếu lên học ở đây, em cũng sẽ phải thích nghi như thế! Có thể một lúc nào đó, em không còn thấy ngại ngùng khi mặc ra đường những bộ quần áo ngắn ngủi, hở đùi, hở cổ; không đỏ mặt bởi những cái ôm ngoài công viên hay những chiếc hôn trên ghế đá; không lạ lùng khi nhìn cảnh chèo kéo, mời chào của những gái bán hoa. Có thể, một lúc nào đó, em sẽ cắt đi mái tóc tết đuôi sam óng ả này để uốn xoăn, hấp nhuộm; sẽ cất đi đôi dép quê loẹt quẹt kia và bước lên đôi giày cao gót có ghim những viên đá nhỏ với quai đỏ dây hồng. Nhưng em à, anh mong là em sẽ không quên, rằng em đã lớn lên từ tình yêu thương của cha và mẹ, từ hạt gạo vàng của đồng lúa bao la, và từ dòng nước xanh của con sông quê êm ả, hiền hòa...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
NHỮNG NGƯỜI HOÀI CỔ


Hoài cổ tức là nhớ về những gì xưa cũ. Vậy thì rất khó để nói rằng việc hoài cổ là nên hay không nên. Bởi nếu những gì ta hoài cổ là tốt đẹp thì đương nhiên là nên, và ngược lại.

Ví dụ như ngày xưa, chuyện trai gái lên giường với nhau khi chưa cưới là điều cực hiếm, và bị gia đình, xã hội lên án, phản đối gay gắt. Vậy nên nếu lớp trẻ bây giờ yêu nhau mà hoài cổ như ngày xưa thì thật tốt quá! (ít ra là theo quan điểm của những người làm cha mẹ). Và cũng theo ngày xưa, việc đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện đương nhiên, là việc bình thường. Vậy nên nếu bây giờ, một ông chồng mà hoài cổ như ngày xưa thì đó là điều tồi tệ, là xấu xa lắm! (ít ra là theo quan điểm của những bà vợ).

Ấy thế nhưng có một kiểu hoài cổ mà gần đây đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại và ngày càng phổ biến, đó là "xếp hàng mua đồ". Quán café mới mở, người ta xếp hàng chờ mua; trung tâm thương mại mới khai trương, người ta xếp hàng chờ mua; quầy bánh trung thu, người ta xếp hàng chờ mua; và thanh lý hàng hiệu, người ta cũng xếp hàng chờ mua.

Tại sao nói xếp hàng là hoài cổ? Bởi cái hình ảnh ấy thường chỉ có ở thời bao cấp cách đây đã ba bốn chục năm, cái thời mà hàng hóa khan hiếm như kim cương còn nhu cầu của con người thì nhiều như nước đại dương. Cái thời mà người ta chỉ có thể mua được thứ mình cần ở cửa hàng đó chứ không thể mua ở chỗ nào khác; chỉ có thể mua được số lượng đó chứ không thể mua thêm thứ khác; và chỉ có thể mua trong khoảng thời gian đó chứ không thể để sang một thời điểm khác; cái thời mà mọi nhu cầu sinh hoạt trong cả tháng của người ta chỉ gói gọn trong một cân thịt, một lạng muối, một gói đường...

Theo lẽ ấy, người ta phải sợ xếp hàng mới đúng. Thế nhưng người ta vẫn hoài cổ, vẫn thích xếp hàng, mà không phải hàng ngắn đâu, hàng dài cả cây số; mà không phải chỉ một lát đâu, phải chờ cả tiếng đồng hồ. Và những thứ người ta xếp hàng để chờ mua là gì? Là café, là gà quay, là bánh trung thu, là hàng hiệu – những thứ bán rất nhiều, và nhan nhản ở tất cả mọi nơi.

Nếu vậy chắc phải có lý do! Và lý do là: thương hiệu café đó mới lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, phải xếp hàng uống thử xem thế nào; trung tâm thương mại đó đang khuyến mại giảm giá gà quay 10%, mỗi người chỉ được mua một con, phải ăn thử xem sao; bánh trung thu cửa hàng ấy mùi vị đặc trưng lắm, phải nếm thử xem thế nào; rằng mấy cái hàng hiệu đó là đồ xịn trốn thuế, thanh lý rẻ lắm, còn có ba chục triệu một cái váy thôi, phải mặc thử xem ra làm sao...

Để rồi sau khi đã xếp hàng, đã chờ đợi, đã mua, đã ăn, đã uống được thứ mình cần thì chắc sẽ có không ít kẻ lắc đầu: "Tưởng thế nào, café cũng nhạt toẹt, chả khác café ngoài vỉa hè"; "Gà quay dai quá, lại bé tẹo, chả bõ công chen lấn từ sáng đến giờ"; "Bảo hàng xịn mà sao kéo nhẹ cái đã bung chỉ nhỉ? Hay là hàng đểu?; "Bánh gia truyền gì mà ngọt và ngấy quá, ăn được một miếng đã ngán rồi"...

Thực ra, cái việc hoài cổ mà xếp hàng mua đồ này, nếu ai thích thì cứ làm thôi, bởi nó cũng chả có gì xấu, chả gây hại cho ai, không trái pháp luật, cũng chẳng đi ngược với thuần phong mỹ tục. Ngược lại, nhìn cảnh xếp hàng ấy lại thấy vui vui. Bởi việc cả một đoàn người dài ngoằng hàng cây số chen chúc nhau chỉ để uống một ly café thì chứng tỏ cái gu thưởng thức của dân ta cũng tinh tế lắm; bởi việc đứng cả tiếng đồng hồ ngoài trời nắng để chờ mua một chiếc bánh trung thu, một con gà quay, chứng tỏ cái trình độ ẩm thực của dân mình cũng cao cấp lắm; cả việc những chiếc váy hàng hiệu được thanh lý với giá vài chục triệu vẫn khiến người ta phải xếp hàng tắc phố nghẽn đường để tranh mua, chứng tỏ dân mình nhiều người giàu lắm...

Vì thế, cứ mỗi lần đi qua những trung tâm thương mại, hoặc những cửa hàng, cửa hiệu, thấy cảnh chen chúc chờ mua đồ là tôi lại có cảm giác thú vị, vui vui, rồi mỉm cười, miệng lầm rầm: "Những người hoài cổ!".

Thế nhưng đến một ngày, tôi đã không còn cái suy nghĩ ấy, đó là khi tôi thấy hàng người dài miên man, giữa trưa hè oi nóng, nhích từng bước trước cửa quán cơm từ thiện 2 nghìn đồng. Cũng là hàng người xếp hàng, nhưng tôi lại không thấy cảm giác thú vị, không thấy vui, không thể mỉm cười, bởi tôi hiểu rằng dân mình còn nhiều người nghèo khổ lắm! Tôi cũng không nghĩ rằng những người đang xếp hàng trước quán cơm kia là những người hoài cổ, bởi họ xếp hàng không phải vì sở thích, chẳng phải vì thú vui, họ xếp hàng bởi họ đói, họ nghèo mà thôi. Và tôi gọi họ bằng một từ khác: "Những người hoài khổ!".

~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
HẠ VỀ


Có vẻ như hạ đã về, dù chưa thấy tiếng ve, dù đâu đấy những đốm phượng còn ấp e, chửa dám lập lòe. Thực ra bây giờ, phố xá lúc nào cũng ồn ã, cũng inh ỏi còi xe, đến tiếng kêu cứu thảm thiết của một phụ nữ bụng bầu bị ngã xe, dập tay, gẫy xương mà người đi đường còn chẳng nghe thấy, huống chi là một vài tiếng ve đơn lẻ, đậu trên cành phượng ngọn me, nằm khép nép bên vỉa hè.

Ấy vậy mà anh vẫn cảm nhận được những rộn ràng, sục sôi của mùa hạ qua cái nắng đầu hè oi ả; qua tấm áo sờn của chị lao công, ướt ròng mồ hôi vất vả; qua những chiếc quần soóc bé cỏn con, ngắn củn cởn, những áo hai dây mỏng tang, lơi lả, được trưng diện ngày một nhiều trên những con đường nhộn nhịp người qua; và anh còn thấy mùa hạ cả ở lòng mình, đang cồn cào, nôn nao khó tả, ở mối tình đầu vụng dại, của một mùa hè, của một thời học trò đã rất xa.
Nếu chưa được hôn mà mới chỉ nắm tay nhau thôi, liệu có được gọi là "mối tình đầu"? Anh cũng không biết nữa! Nhưng hãy cứ cho anh gọi em bằng ba từ thiêng liêng đó, bởi chắc cũng chẳng ai phàn nàn, vì ba từ đó anh giữ chỉ mình anh, với riêng anh, trong một góc nhỏ thiêng liêng của trái tim mình.
Không hiểu sao, anh cứ có cảm giác rằng, cái mùa hè xưa ấy, ve râm ran hơn và phượng rực rỡ hơn bây giờ. Bởi khi ấy, tiếng ve là ngổn ngang những điều trong lòng anh muốn nói, nhưng chẳng nói nên lời; bởi khi ấy, phượng là những đóa lửa cháy trong lòng anh rừng rực, dù vẻ bề ngoài anh vẫn lúng túng, rụt rè, chỉ biết đi bên em câm lặng, ngây ngất với hương thơm phảng ra từ áng tóc óng dài, nghe tiếng ve miên man và ngắm những vòm phượng đỏ mơ màng.
Anh không biết hồi đó những người khác yêu ra sao, nhưng với anh, chỉ cần mỗi lần đi học, "vô tình" ngang qua lớp em, được em gửi cho một ánh nhìn âu yếm, chỉ thế thôi cũng đủ để đêm về anh khó ngủ, để những âm ỉ, đê mê còn theo anh tận đến những hôm sau.
Những cô bé, cậu bé học sinh bây giờ khác với chúng ta ngày xưa quá, phải không em? Họ ít thích mặc áo dài, và hiếm khi tết tóc đuôi sam; họ chuộng những quần soóc, áo hai dây, tóc light, cuộn quăn bồng bềnh; họ không còn rụt rè, ngại ngùng như chúng mình hồi đó, mà tự tin trao cho nhau những cái hôn hồn nhiên giữa công viên, rồi đường hoàng dìu nhau vào nhà nghỉ.
Có thể là hồi ấy chúng mình ngu ngơ, cũng có thể là học sinh bây giờ bạo dạn; có thể hồi ấy chúng mình quá lạc hậu, cũng có thể bây giờ lớp trẻ hiện đại hơn; có thể là mỗi thời mỗi khác! Chỉ có một điều anh vẫn băn khoăn mà mãi vẫn chưa thể tìm được câu trả lời: Nếu hồi đó, chúng mình cũng dắt nhau vào nhà nghỉ, liệu bây giờ, lòng anh có còn nôn nao nhớ về em, nhớ về mối tình đầu, để thấy cồn cào mỗi khi trời vào hạ, khi thấy ve kêu, thấy phượng đỏ, thấy nắng rực vàng trên vòm trời xanh bao la?


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?


Hôm trước, mình tình cờ đọc được một bài báo viết về đám cưới của một cô dâu bị suy thận, ngồi xe lăn, nặng chưa đầy 20 ký, thân hình gầy gò, ốm yếu, với chú rể là chàng trai lành lặn bình thường, kém cô dâu 3 tuổi. Tình yêu của họ nảy nở và sinh sôi từ bệnh tật, từ đớn đau, từ những lần miệt mài, rong ruổi đưa nhau đi bệnh viện.

Và rồi kết quả của cuộc tình ấy là một đám cưới đầy hoa, đầy niềm vui, đầy tiếng cười, và đầy cả những giọt nước mắt rơi.
Trước giờ, chỉ nghe bệnh tật và đau đớn là nguyên nhân, là cái cớ của những đổ vỡ, cách xa trong tình yêu, chứ là nguồn cội, là chất xúc tác để tình yêu thăng hoa thì cũng hiếm! Đọc xong, tự nhiên thấy lòng nghèn nghẹn, môi mằn mặn. Khóc để mừng cho đám cưới của họ, để ngưỡng mộ tình yêu của họ, và để thấy lòng mình ấm áp khi nhận ra rằng hạnh phúc và điều thần kỳ cũng không hẳn là quá xa xỉ, bởi nó vẫn hiện hữu trên đời, ngay trước mắt chúng ta, và từ những gì tưởng như bất hạnh, đau thương nhất.
Trên thế giới này có vô vàn những cô gái xinh đẹp, giỏi giang, thành đạt, nhưng mình, và rất nhiều người khác đều tin rằng, trong cái khoảnh khắc xòe ra bàn tay để chú rể lồng vào chiếc nhẫn cưới ấy, thì người đàn bà bệnh tật, gầy gò, ốm yếu đó mới chính là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời!
Vậy hạnh phúc là gì? Tại sao nó lại đến với người phụ nữ bệnh tật, xấu xí gầy gò ấy, trong khi ngoài kia, rất nhiều những người đàn bà đẹp, khỏe mạnh thì vẫn loay hoay chưa thể tìm thấy hạnh phúc của mình?
Bạn thấy một người phụ nữ giàu có, ngồi trên xe hơi cùng chồng và hai đứa con, đi ra từ một ngôi biệt thự sang trọng, và bạn bảo rằng cô ấy thật hạnh phúc? Chưa chắc! Biết đâu cả hai vợ chồng đó đều có nhân tình và hiện tại họ đang ly thân? Biết đâu hai đứa con ấy không phải con của ông chồng mà là con của em chồng? Biết đâu họ không phải đang đi chơi mà là đưa nhau ra tòa? Nếu vậy thì liệu bạn có còn nói rằng cô ấy hạnh phúc? Thế nghĩa là: hạnh phúc không phải thứ bạn có thể nhìn thấy!
Hoặc giả, một đôi tình nhân tay trong tay, vai kề vai, họ quấn lấy nhau trên chiếc ghế đá bên hồ, thì thầm vào tai nhau những lời ngọt ngào thề hẹn, lấy mặt hồ làm chứng nhân cho tình yêu. Bạn thấy họ thật hạnh phúc? Cũng chưa chắc! Vì rất có thể đó chỉ là những lời yêu giả dối, rồi sau khi chiếm đoạt được thân xác của cô gái, làm cho cô ấy có bầu, chàng trai sẽ té luôn. Rồi cô gái thất tình sẽ tìm ra chính cái hồ này để nhảy xuống tự tử. Vậy tức là: hạnh phúc không phải thứ bạn có thể nhìn thấy!
Nếu chúng ta không thể nhìn thấy hạnh phúc, vậy chúng ta có thể cảm thấy được nó không? Mình nghĩ là có! Nếu bạn đã mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, để rồi khi nghe con cất tiếng khóc chào đời, khi nắm bàn tay con nhỏ xíu, ấm áp trong lòng bàn tay bạn, mình tin, ấy là khi bạn cảm thấy được hạnh phúc! Bạn thích tiếng đàn ghita và ước ao một ngày tự mình sẽ chơi được một bản cổ điển thánh thót, ngọt ngào. Rồi bạn giam mình trong phòng để luyện hợp âm, để chạy ngón, đến nỗi quên ăn quên ngủ, đến nỗi những đầu ngón tay tím bầm, rướm máu, vậy thì mình tin, khi bạn biểu diễn bản nhạc đó cho bạn bè nghe, được mọi người vỗ tay khen ngợi, ấy là khi bạn cảm thấy được hạnh phúc!
Nếu hạnh phúc đối với bạn là được ở trong căn hộ cao cấp nhất, đi những chiếc xe đắt tiền nhất, mình tin là suốt đời bạn sẽ phải vất vả chạy theo cái hạnh phúc ấy. Bởi có thể căn hộ bạn đang ở hiện tại là cao cấp nhất, nhưng vài năm sau, chắc chắn sẽ có những căn hộ khác cao cấp hơn. Chiếc xe bạn đang đi cũng thế, rồi sẽ có những chiếc khác đắt tiền hơn. Và bạn sẽ phải theo nó đến cùng nếu bạn vẫn muốn mình là một người hạnh phúc.
Người ta nói rằng hạnh phúc nằm ở trên đường đi chứ không nằm ở đích đến, có lẽ là đúng! Bởi bạn xem một trận bóng đá không phải chỉ để biết kết quả, không chỉ vì kết quả. Có thể đội bóng của bạn không thắng nhưng bạn vẫn thấy vui, bởi bạn đã được chiêm ngưỡng những bàn thắng đẹp, thưởng thức những pha xử lý kỹ thuật, những tình huống hấp dẫn. Điều đó đôi khi còn quan trọng hơn cả kết quả (trừ khi bạn chơi cá độ).
Một người đàn bà quan hệ với người đàn ông mình yêu không hẳn chỉ để đạt được cực khoái. Đôi khi, chỉ cần được gần gũi, được nhìn thấy người đàn ông của mình hạnh phúc thì với họ đó đã là một sự thỏa mãn rồi.
Có lẽ, hạnh phúc không phức tạp như ta vẫn nghĩ, mà hạnh phúc đơn giản chỉ là có được những gì chúng ta muốn có. Cô dâu bệnh tật, ốm yếu, gầy gò ấy là người hạnh phúc vì cô ấy muốn có và đã có được tình yêu của người mình yêu. Nếu điều cô ấy muốn có không phải là chú rể kém mình 3 tuổi ấy mà lại là một chàng diễn viên Hàn Quốc kém cô ấy chục tuổi, hoặc một doanh nhân thành đạt, là chủ tịch hội đồng quản trị của một tập đoàn lớn, liệu cô ấy có đạt được hạnh phúc của mình?
Vậy nghĩa là: bạn có hạnh phúc hay không phụ thuộc rất lớn vào việc bạn muốn có cái gì! Nếu hạnh phúc với bạn chỉ là tìm được một công việc bình thường, thu nhập bình thường, lấy một cô vợ bình thường, mình tin là sẽ không khó để bạn trở thành một người hạnh phúc. Còn tất nhiên, nếu hạnh phúc với bạn là được làm chủ một công ty khổng lồ giống như Microsoft, lấy vợ đẹp như Angelina Jolie thì chắc chắn cơ hội để trở thành một người hạnh phúc của bạn sẽ gian nan, xa xôi hơn.
Mình không có may mắn được dự lễ cưới của chú rể và cô dâu bệnh tật, gầy gò ấy. Nhưng nghe nói là trong đám cưới, cô dâu đã hát tặng chú rể bài hát "Lời của gió". Không được nghe giọng hát của cô ấy nhưng mình tin rằng sẽ khó có người nào khác hát hay hơn cô ấy được. Bởi cô ấy hát bằng tình yêu, bằng lẽ sống, bằng cả trái tim mình. Đám cưới ấy không chỉ đặc biệt bởi cô dâu, chú rể, bởi hoa, bởi quà, mà còn bởi cả những giọt nước mắt của những người tham dự. Nếu hôm ấy bạn có mặt ở hôn lễ ấy, và bạn không hề xúc động, không thấy nghẹn ngào trước hạnh phúc của họ thì bạn là người thật bất hạnh. Bởi khi không biết rung cảm trước hạnh phúc của người khác, sẽ thật khó để bạn có được hạnh phúc cho bản thân mình.


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
EM LÀ CÔ GIÁO VÙNG CAO


Suốt hai ngày đầu tiên đặt chân lên cái huyện vùng cao hẻo lánh, heo hút này, em chỉ ở lì trong phòng và khóc. Em nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu, nhớ bạn bè; nhớ những buổi chiều bên ghế đá, ngắm tháp Rùa xa xa, có những con sóng lăn tăn, có lá vàng bay nhẹ nhàng, êm ả, sau lưng là còi xe, là dòng người hối hả; nhớ những buổi cả đám rong ruổi
đi ao sen chụp ảnh, rồi kéo qua ăn bánh tôm phủ Tây Hồ; nhớ những đêm gió lạnh ùa về, bên quán vỉa hè, mấy đứa quây quần, chuyền tay nhau bắp ngô nướng xém, xuýt xoa, phả khói thơm nồng; nhớ cả những ngày đầu đông, dưới rặng hoa sữa ngạt ngào, anh ôm em thật chặt, hôn em thật lâu, như thể sợ rằng cái rét mướt sẽ làm đôi môi em giá buốt, để rồi nụ hôn và hương hoa nồng nàn ấy, cùng với anh, theo em cả vào trong giấc mơ. Những điều tưởng như bình thường và giản đơn ấy, sao giờ đây, lại đang cắn lòng em đến nhức nhối, cồn cào...
Ngoài kia, không còn những dòng người xe đua chen ồn ã, chỉ có con đường mòn gầy gò, quanh co, khắc khoải; không còn những đèn cao áp sáng lung linh, sặc sỡ, chỉ có những lùm cây im lìm, quạnh hiu, hoang hoải; không còn những tòa nhà chọc trời uy nghi, lộng lẫy, chỉ có những ngọn núi chơ vơ, lạnh lẽo, cô đơn, mây phủ chập chờn; không còn hơi ấm, chỉ còn lạnh giá, không còn tiếng cười, chỉ có những giọt nước mắt nhạt nhòa, lặng lẽ rơi...
Em thèm được nghe tiếng mẹ bên tai, bởi không thể chịu nổi trong lòng những trống trải, khắc khoải, quặn cào. Với tay lấy cái điện thoại, bấm số như một thói quen, nhưng cuộc gọi không thực hiện được, lí do: không có sóng! Em lại lóp ngóp ra khỏi giường, men theo con đường đất ngoằn ngoèo, băng qua nửa quả đồi, nơi đó có ngôi nhà lụp xụp, có người láng giềng gần nhất.
– Con chào bác, con có thể gọi nhờ điện thoại của bác không? Điện thoại của con mất sóng...
– Chào cô, ở đây thì điện thoại nào cũng mất sóng thôi, muốn gọi được, cô phải leo lên ngọn núi kia kìa!
Nói rồi bác ấy chỉ tay về phía ngọn núi chót vót phía sau lưng. Nhưng không sao, em thà leo lên đỉnh núi đó còn hơn là nằm gặm nhấm nỗi cô đơn. Sau hơn hai tiếng trầy trật, cuối cùng, em cũng đã lên tới lưng chừng đỉnh núi. Đúng là trên này có sóng thật, nhưng chỉ được một vạch, thành ra chất lượng cuộc gọi rất kém, đôi khi, em chẳng biết mẹ đang nói gì, chỉ có tiếng khóc của mẹ, và cả tiếng khóc của em, là nghe rõ nhất. Nhưng không sao, được nghe tiếng mẹ, được khóc với mẹ, thế là đủ rồi! Còn những điều mẹ nói thì em cũng tự đoán được: nào là con phải cố gắng lên, chỉ hai năm thôi, rồi mẹ sẽ vay chạy để xin chuyển con về Hà Nội. Nhà ta không giàu, lại không ai làm to, phải chấp nhận thiệt thòi vậy con ạ! Cố lên, hai năm nhanh thôi mà...
"Hai năm nhanh thôi mà!", em đã cố tin lời mẹ nói, nhưng sao khó quá, bởi ở cái vùng heo hút này, thời gian dường ngừng trôi, hoặc nếu có trôi, cũng trôi rất chậm! Liệu có phải thời gian trôi chậm nên con người em cũng chậm thích nghi? Gần một tháng rồi mà bàn chân em vẫn nhức nhối bởi con đường tới lớp quá xa, gồ ghề đất đá; đầu gối em vẫn rã rời mỗi lần gọi về cho mẹ, bởi sóng vẫn mất, và bởi ngọn núi vẫn cheo leo. Em vẫn chưa quen với việc vào rừng hái rau, lên núi bẻ măng; chưa quen với giọng nói lơ lớ của những đứa học trò nhỏ bé, gầy gò; chưa quen với lớp học nghèo nàn, tồi tàn, có những khe hở huếch hoác, nguếch ngoác, khiến những con gió rừng hung hãn chốc chốc lại thốc vào lạnh buốt, u u...
Nhưng giờ thì quen rồi, quen với việc không có điện, nếu muốn sạc điện thoại, phải dùng cái sạc của Tàu chạy bằng pin tiểu; quen với việc mỗi tháng đi chợ một lần vì chợ xa, phải mua cả tảng mỡ lợn về treo trên gác bếp, đợi cho khô keo lại như khúc gỗ, lúc nào xào nấu thì lấy xuống quệt quệt vào cái chảo nóng cho mỡ chảy ra, dùng thay dầu ăn; quen với những lần lội suối, băng đèo, đến tận nhà từng học trò để vận động các em tới trường; quen với những ngày mưa gió, lớp chỉ lác đác, xơ xác vài ba người, tóc ai cũng ướt nhèm, môi ai cũng tím bầm vì mưa lạnh; quen cả với việc không nhìn lịch để đếm ngược thời gian, mong mỏi ngày về...
Hôm nay trời mưa rả rích, và em nhủ thầm: chắc lại được vài đứa lèo tèo. Nhưng không, lớp đi rất đông đủ, trật tự, ngay ngắn, quần áo chỉnh tề. Thấy em ngạc nhiên, mấy đứa liền giải thích: "Hôm nay 20-11, bọn con quyết tâm đi học đầy đủ để cô vui". Rồi chúng ríu rít lên tặng quà: một củ sắn vừa moi trên đồi, hai bắp ngô vừa trẩy ngoài nương, một hoa chuối vừa bẻ trong rừng, một con cá, một túi ốc tươi vừa bắt lên từ suối. Đó là những món quà mà kể từ khi biết ước mơ trở thành cô giáo, em chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày em được nhận. Và lúc ấy, em cũng đã hiểu tại sao, em đủ nghị lực, đủ kiên cường để vượt qua những tháng ngày hoang mang và gian nan trên nẻo đất này.
Đêm hôm đó, trong giấc ngủ chập chờn, em mơ được về Hà Nội. Đường phố đông đúc, nhộn nhịp vô cùng, băng rôn, khẩu hiệu rợp trời. Người ta hối hả đi thăm, đi chúc thầy cô. Em nhận được nhiều hoa lắm, còn cả bưu thiếp, cả quà... Thế nhưng, giật mình tỉnh dậy thì chẳng thấy gì, chỉ thấy nước mắt đã trào ra tự lúc nào, và thấy cả ngoài kia, tiếng gió rừng vẫn rít lên từng hồi, dội vào vách núi than van...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: