TỔNG HỢP PHẦN VIII
CAI SỮA
Từ ngày vợ sinh con, hắn được làm cha, được hưởng niềm hạnh phúc vô bờ. Nhưng đời mà, có hạnh phúc nào lại không phải trả giá, không phải đánh đổi bằng một thứ gì đó? Những cái như thức đêm thức hôm hoặc là những lo toan nhiều hơn về kinh tế thì hắn không nói, bởi đó là điều đương nhiên, và đó là chuyện nhỏ.
Nhưng có một thứ đánh đổi mà hắn thấy ấm ức: vợ hắn không còn là của hắn trọn vẹn nữa! Ờ, thì sinh con rồi, vợ hắn phải dành thời gian cho con, chăm con, ấy là hẳn nhiên, sao rảnh rang như trước đây mà toàn tâm toàn ý với hắn. Cái này hắn cũng hiểu, nhưng hắn ấm ức ái khác cơ.
Đó là cái lần vợ chồng gần gũi sau mấy tháng trời phải kiêng khem vì sinh con, nên hắn hăng lắm, và vợ hắn cũng thế. Vậy mà lúc hắn rờ tay lên ngực vợ, rồi chực hục mặt vào, thì lập tức bị vợ chặn lại:
– Không được! Chỗ này giờ là của con!
– Sao vô lý thế? Ngay từ hồi mới yêu nhau, em đã nói là dành cho anh trọn vẹn cả thể xác lẫn tâm hồn. Giờ em lại...
– Nhưng em đang cho con bú...
– Cho ai bú không quan trọng, mà quan trọng là nó vẫn là của anh!
– Ừ! Thì là của anh! Nhưng anh cho con mượn một thời gian, khi nào con cai sữa, em sẽ bảo con trả lại anh. Được chưa?
– Cho mượn thì được, nhưng hai bố con dùng chung chứ, sao em lại cấm anh?
– Tại miệng anh toàn mùi bia rượu, rồi thuốc lá, rồi hành tỏi, dùng chung, em sợ sẽ truyền bệnh sang con! Anh cố gắng nhường chỗ này cho con đi, còn những chỗ khác, anh cứ thoải mái!
Hắn nghe vợ nói vậy, với cả cũng nghĩ đến con, thì ngậm ngùi chấp thuận, dù điệu bộ vẫn ít nhiều khó chịu, và cái mặt thì vẫn còn phụng phịu.
Vậy mà thấm thoắt con hắn đã tròn 1 năm tuổi. Hắn cũng không thể ngờ là mình đã chịu đựng sự ấm ức ấy được quãng thời gian dài như thế. Bởi mỗi lần gần gũi vợ rồi bị vợ giữ khư khư cái phần mà hắn đã hứa sẽ nhường cho con ấy, hắn cứ thấy thiếu thiếu, cứ thấy như có gì đó không trọn vẹn. Giống như một đêm trung thu rất vui với bao nhiêu là lồng đèn, là hoa, là quả, nhưng lại không có trăng bởi bầu trời đã bị những đám mây mù che phủ; giống như đi một chiếc xe phân khối lớn, với vận tốc có thể đạt tới 300km/h, nhưng lại gặp đúng lúc tắc đường, thành ra cái xe ấy cứ gừm gừm, nhích từng tí một, bám theo đít chiếc xe đạp điện. Vẫn biết là trước sau gì thì cũng đến đích thôi, nhưng nó không đã. Và vì vậy, sau hôm sinh nhật con, hắn thì thào với vợ:
– Mình cai sữa cho con đi em! Cai sữa sớm thì con sẽ ăn ngoài nhiều, sẽ cứng cáp, thông minh!
– Và sẽ không còn phải mượn đồ của bố nữa chứ?
– Cái đó là chuyện nhỏ! Anh là anh nghĩ cho con thôi!
– Thôi được rồi, để em tính!
Tối hôm đó, hắn đi nhậu đến quá nửa đêm mới mò về nhà, nồng nặc mùi rượu. Hắn dò dẫm rồi cũng bò được lên giường. Vợ và con hắn đã ngủ khò khò. Sáng hôm sau, hắn giật mình khi bị đánh thức bởi tiếng hét hoảng loạn của vợ:
– Trời ơi! Anh làm sao thế? Sao máu me be bét quanh mồm thế?
Hắn ngơ ngác đưa tay sờ sờ lên mồm rồi thở phào: "Không phải máu, mà là son. Sao lại có son nhỉ? Hôm qua hắn chỉ nhậu thôi mà, có gái gú gì đâu, sao lại dính son lên mồm?". Vợ hắn thì có vẻ như đã hiểu ra vấn đề, bởi hắn thấy vợ cười rũ, rồi thấy vợ vén áo lên, chỉ vào hai bên vú của vợ cũng đang dính son choe choét:
– Đây! Là son từ đây ra! Hôm qua, trước khi đi ngủ, em bôi vào để dọa cho con sợ! Và cũng nhờ thế mới biết là từ trước đến giờ, anh toàn đợi lúc vợ và con ngủ để bú trộm của con!
– Không! Không phải thế! Chỉ mỗi hôm qua say rượu nên mới vậy thôi! – Hắn xua tay phân bua.
– Không phải giải thích! Ra giếng rửa mặt đi!
Hắn cúi gằm, rồi đi bộ lững thững ra giếng.Tới sân giếng, hắn gặp ngay tay hàng xóm chạc tuổi hắn cũng vừa bước đến. Hắn định vờ như không thấy rồi hờ hững quay đi, nhưng không kịp, vì tay hàng xóm ấy đã nhìn thấy cái mặt hắn, và đã tủm tỉm cười...
– Sao mà mồm toàn son nhoe nhoét thế?
– Ờ... Là vì...
– Vợ ông đang cai sữa cho con hả?
– Sao ông biết?
– Thì vợ tôi cũng đang cai sữa cho thằng cu nhà tôi mà. Nhưng vợ tôi không dùng son, mà dùng mực tàu. Ông nhìn mồm tôi này, đen sì cả mảng, dính cả lên mũi, dây cả xuống cổ. Thôi, ông rửa trước đi, nhanh cho tôi còn rửa!
Chiều hôm sau đi làm về, hắn thấy vợ tíu tít khoe:
– Anh ơi! Cai được sữa cho con rồi đấy! Từ hôm qua đến giờ, con nó không đòi bú nữa!
Hắn nghe vậy thì sướng tê dại cả người. Tối hôm ấy, hắn giục vợ ru cho con ngủ sớm. Rồi hắn ôm vợ vào lòng, thì thầm:
– Nhân ngày anh chính thức đòi lại được đồ, mình liên hoan một trận thật linh đình nhé?
– Thôi đi! Em đang tính cai xong cho con thì sẽ cai luôn cho anh đấy!
– Anh thì khỏi phải cai, cứ để đến năm 90 tuổi là sẽ tự bỏ mà! Nào, có liên hoan không?
– Có chứ! Đợi em ra tắt đèn và bật nhạc đã!
– Lại còn bật nhạc nữa?
– Ừ, cho nó lãng mạn!
Nói rồi, vợ hắn lồm cồm bò ra khỏi giường, bật nhạc rồi tắt đèn cái "phụp". Căn phòng tối om, chả nhìn thấy gì, chỉ nghe tiếng nhạc êm đềm, và tiếng hát du dương, rên rỉ:
Đôi làn môi anh
Nghiêng về vú vợ
Như con chó nhỏ
Đang gặm cục xương
Như con heo con
Đang hụp chậu cám.
Đôi làn môi anh
Nhồm nhoàm vú vợ
Như đang đói bụng
Được cái bánh dày.
Sữa vợ trắng trong
Anh ơi hãy bú
Sữa vợ rất thơm
Anh ơi hãy uống
Rồi khi chơi gái
Anh ơi hãy nghĩ
Hãy nghĩ đến vợ, đến con...
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
VẦNG TRĂNG MẾU
Trung thu có khác, trăng tròn và sáng quá, lấp lóa trên rặng bạch đàn um tùm nơi cuối bãi. Thế nhưng ở cái quãng hẻo lánh này thì Trung thu hay Trung đông cũng không khác nhau là mấy, bởi nó luôn vắng vẻ, ít người qua lại.
Chỉ có vật vờ vài bóng cave đón khách, và cũng chỉ có dật dờ vài lãng nhân phong lưu dừng lại ngấp nghé bên vườn bạch đàn, rồi hỏi han ngã giá, rồi dắt díu nhau vào sâu trong vườn, rồi cặm cụi, hì hụi, rồi lát lại trở ra, nổ máy phóng đi vội vã.
Tôi không có gấu, nên Trung thu hay những dịp lễ khác tôi thường tìm ra cái chỗ vườn bạch đàn um tùm này cho đỡ tủi thân. Bởi xét cho cùng, mấy thằng có gấu, đưa gấu đi chơi thì cũng chỉ làm được những trò giống như tôi làm với mấy em cave là cùng, chứ còn trò nào hơn nữa đâu?
Tôi chạy xe chầm chậm, táp lại gần vườn bạch đàn. Lập tức một em cave lao ra. Trời! Cave gì mà trắng trẻo và xinh quá! Không hiểu do em ấy đẹp thật, hay đẹp vì trang điểm, hay vì ánh trăng Trung thu mịn màng giống như một tay thợ Photoshop lành nghề, khiến em cave trở nên cực kỳ dịu dàng, và nụ cười thì ngây ngất, đê mê.
– Đi không anh?
– Giá cả thế nào?
– 5 lít anh ạ!
– Trung thu không giảm giá sao?
– Chỉ thiếu nhi mới được giảm thôi anh ạ! Mà hôm nay Trung thu, anh zai không đi phá cỗ hay sao mà lại mò ra cái vườn này?
– Thì mò ra phá cỗ với em đây thôi!
Em cave không nói gì, quay lưng đi sâu vào trong khu vườn bạch đàn mênh mang, thăm thẳm. Tôi cũng cặm cụi dắt con Wave ghẻ hì hụi theo sau. Tiếng bước chân của tôi, của em, và của chiếc lốp cao su lăn trên lớp lá khô rào rạo, như tiếng lòng tôi đang hứng khởi, nôn nao. Trăng dẫu sáng nhưng cũng không thể xuyên thủng được tầng lá bạch đàn dày đặc, đan xen nhau rậm rạp trên đầu, khiến khu vườn bên trong trở thành một mảng tối nhờ nhờ, không rõ mặt người. Chỉ ở những chỗ tán lá mòng mỏng, thưa thưa thì mới có một vài đốm sáng lọt được xuống lập lòe, trông hệt như bầy đom đóm đang bay là là, lổm chổm, xập xòe trên lớp lá khô.
Cái quy trình phá cỗ của tôi và em cave thì tôi không muốn nói kỹ, bởi phá cỗ thế nào thì ai cũng biết rồi, dù chưa được phá trực tiếp thì chắc cũng được xem trên phim ảnh. Cỗ cũng thế thôi, cũng chỉ có bưởi, sò lông, chuối và trứng chim cút. Xong xuôi, em cave nhanh chóng chỉnh lại trang phục, giọng như thúc giục:
– Anh cho em xin tiền!
– Ừ! Đợi anh, anh để ví ở cốp xe!
Tôi quay lại, và rồi kêu lên hốt hoảng:
– Trời ơi! Cái xe của anh đâu rồi? Anh để ngay đây mà? Đứa nào? Đứa nào lấy mất xe anh rồi!
Tôi chạy sục sạo, ngó nghiêng khắp vườn một hồi, rồi cuối cùng đành ngồi thụp xuống vò đầu tuyệt vọng. Cái xe của tôi mới đó đã không cánh mà bay...
– Khổ thân anh! Chắc tên trộm đã rình từ trước, đợi lúc cao trào là nó ra tay – Em cave ngồi xuống cạnh tôi, đặt tay lên vai tôi, giọng đầy cảm thông.
– Giờ biết lấy đâu ra tiền mà trả em đây?
– Thôi! Coi như em đen vậy! Ai còn nỡ lấy tiền của anh làm gì!
Nói rồi, em cave đứng dậy, lầm lũi bước ra phía rìa đường đón khách. Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn, chỉ mong sao em bắt được thằng khách sộp nào đó để bù đắp lại cái đen đủi mà tôi vừa gây ra cho em.
Rồi tôi cũng phải gượng đứng dậy, dù sự chán nản đã là cùng cực. Tôi thất thểu và mệt mỏi lết về phía cuối đường, rẽ vào một con ngõ nhỏ, nơi có thằng bạn thân của tôi đang ngồi chờ, trên chiếc xe Wave...
– Sao lâu thế? Đợi mãi!
– Tại con này nó đứng ngay mé đường, nếu ra ngay, sợ nó nghi.
Thằng bạn tôi không nói gì, nổ máy rì rì. Tôi lập tức leo lên xe. Con Wave quay vòng trở lại chỗ vườn bạch đàn um tùm, bao la và lấp lóa ánh trăng ấy. Đến quãng có chỗ lùm cây tối tối, chiếc xe chạy chầm chậm lại, rồi tôi nhảy phắt xuống, mất hút vào trong vườn bạch đàn thăm thẳm. Thằng bạn tôi thì vẫn chạy rì rì rồi cũng nhanh chóng táp vào bên đường, nơi có mấy em cave đang thập thò đứng đó. Nó nhanh chóng chọn được một em, rồi ngã giá, rồi cũng lật đật kéo nhau vào trong vườn hối hả.
Tôi lặng lẽ bám theo. Vẫn như kế hoạch đã vạch sẵn, nó sẽ dựa cái xe ở phía sau lưng, khuất tầm nhìn của em cave. Tôi đợi đúng lúc cao trào thì lẻn vào và nhẹ nhàng dắt xe đi. Nhưng vừa mới bước được vài mét thì "Hự!" – một thằng to như con trâu mộng từ đâu lao đến đạp thẳng vào ngực tôi khiến tôi nằm ngửa ra đất, ngực tôi tức và đau quặn, không kêu lên được tiếng nào, tưởng như mình sắp ngất...
– ĐKM chúng mày! Để xem hôm nay chúng mày thoát kiểu gì!
Thằng đó vừa nói vừa lao đến túm lấy thằng bạn tôi đấm đá túi bụi. Rồi nó bắt hai chúng tôi quỳ rạp dưới đất. Các em cave quanh khu đó cũng đã xúm hết lại, xì xào, chỉ trỏ...
– Chính là thằng đó, nó vừa quỵt tiền của em đấy! – một em cave vừa chỉ vào mặt tôi vừa nói bằng giọng bức bối. Đương nhiên tôi nhận ra đó là em cave vừa mới cùng tôi phá cỗ.
– Cả em nữa, nó cũng quỵt của em! – Mấy đứa khác nhao nhao theo.
Lúc này, cái thằng to như con trâu mộng ấy mới lên tiếng:
– Nói thật, anh cũng chả muốn đánh đập hay hành hạ hai đứa chúng mày làm gì cho mệt người. Bởi anh rất hiểu cái nỗi khổ của mấy thằng vừa FA vừa nghèo như hai đứa. Tóm lại thế này, từ trước đến giờ, hai đứa chúng mày đã chơi quỵt bao nhiêu cuốc của các em đây thì tự động mà trả lại, rồi anh sẽ tha cho hai đứa về.
– Dạ! Nhiều quá, bọn em không nhớ được ạ!
– Cái đó khỏi lo, anh có ghi lại đây rồi! Valentine hai cuốc, mùng 8-3 bốn cuốc, 1-6 hai cuốc, 27-7 một cuốc, 20-11 bốn cuốc, Trung thu 2 cuốc, tổng cộng là 15 cuốc, nhân với 500k, thành tiền là 7 triệu rưỡi. Cái xe Wave này bán chắc cũng được khoảng tầm đó. Thôi, hai đứa để xe lại đây, rồi đi bộ về nhé!
Vậy là hai thằng tôi xiêu vẹo, dặt dẹo bước về, người đau nhức tứ bề và lòng thì chua xót ê chề. Trăng Trung thu có khác, sáng quá! Nhưng hình như trăng không còn tròn như lúc trước nữa, tôi thấy trăng nhòe đi, mếu máo.
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
CHIẾC MÁY TÍNH BẢNG
Tôi vừa mua máy tính bảng cho con trai tôi, nó đang học lớp 3. Nghe vậy, chắc các bạn sẽ nghĩ là nhà tôi giàu có lắm! Không phải đâu. Nhà tôi rất nghèo, và cả khu này cũng rất nghèo, nhưng đó là quy định của trường, của ban giám hiệu,
rằng để nâng cao chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác dạy và học thì tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 đều phải có máy tính bảng mới được đến lớp. Vậy là mấy nhà quanh đây, người thì bán thóc, kẻ đi vay nặng lãi, còn tôi thì bán cái xe máy đi để mua máy tính bảng cho con. Giờ đi làm hoặc đi công việc gì, tôi toàn phải đi bộ, những nhà khác thì toát mồ hôi vì thiếu thóc ăn, những nhà khác nữa thì è cổ trả lãi hằng tháng...
Chỉ có lũ trẻ là vui mừng khôn xiết. Vui là phải, bởi nhà tôi, và nhiều nhà quanh đây, đến phương tiện giải trí tối thiểu là cái tivi cũng còn chả có để cho con xem, vậy mà giờ chúng lại được cầm trên tay một chiếc máy tính bảng hiện đại, mới coóng, với bao nhiêu game, bao nhiêu ứng dụng, phần mềm, bao nhiêu thứ giải trí, thử hỏi đứa nào mà không sướng? Nếu không nhờ chính sách, chủ trương đúng đắn của nhà trường, của ban giám hiệu thì biết đến khi nào những đứa trẻ rách rưới, tóc đỏ hoe, da đen nhẻm, quần áo lôi thôi lếch thếch như con tôi mới được sở hữu một chiếc máy tính bảng của riêng mình?
Giờ, con tôi không phải đeo ba lô với những quyển vở, quyển sách giáo khoa dầy cộp đến lớp nữa mà chỉ việc ung dung cắp máy tính bảng vào nách mà tới trường, nhìn rất oách! Mang sách làm gì khi mà trong máy tính đã cài sẵn các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, có cài thêm cả các giáo trình đại học như Triết học Mác Lê Nin, Logic, Ngôn Ngữ học; có cả giáo trình ôn thi thạc sĩ, tiến sĩ. Con tôi cũng không cần phải chăm chú nghe cô giảng trên lớp nữa, chỉ cần bật phần mềm ghi âm, ghi lại hết những gì cô nói, tối về mở ra nghe lại. Rất thuận tiện và hiện đại!
Trước đây, quần áo con tôi đi học là mỗi ngày phải giặt một lần, bởi cứ giờ ra chơi là nó cùng lũ bạn lại lao ra sân trường, chạy nhảy, hò hét ầm ĩ, áo quần mồ hôi nhễ nhại, lấm bẩn, hôi hám vô cùng. Nhưng từ ngày có máy tính bảng thì nhàn rồi, cả tuần mới phải giặt một lần, vì bây giờ, vào giờ ra chơi, mỗi đứa ngồi một góc ôm cái máy tính nghe nhạc, xem phim, lấy đâu ra mồ hôi, tìm đâu ra vết bẩn?
Ấy thế nhưng một hôm đi học về, tôi thấy mặt nó ỉu xìu...
– Sao thế con? Có máy tính bảng rồi thì đi học phải vui chứ?
– Dạ, vui thì vui, nhưng không được bố chở đi học bằng xe máy mà lại phải đi bộ, đau chân lắm! Và đi bộ thì hay đến lớp muộn, bị cô giáo mắng!
Rồi hôm sau nó đi học về, lại thấy cái mặt ỉu xìu...
– Sao vậy con? Chân vẫn đau à?
– Dạ không, con bị cô phạt vì không làm bài tập về nhà?
– Tại sao con lười biếng vậy? Trước giờ, có khi nào con như thế đâu?
– Tại tối qua, lúc con đòi lại máy tính bảng để học bài thì bố quát con, bảo là con đi học đã được dùng cả ngày rồi, tối phải nhường cho bố, phải đến lượt bố chứ!
Một hôm khác, lại thấy cái mặt nó ỉu xìu...
– Sao vậy con?
– Con bị điểm kém!
– Sao lại thế? Rõ ràng là tối qua, lúc con đòi máy, bố đã trả con ngay mà!
– Nhưng bố chơi hết pin của con. Sáng nay, đang làm bài kiểm tra thì máy bị sập nguồn, màn hình tối om, con phải mượn sạc của bạn, rồi ngồi ra góc lớp sạc. Lúc sạc được pin và bật được máy lên thì đã hết giờ làm bài rồi!
Rồi một hôm nữa, vẫn là cái mặt ỉu xìu ấy...
– Chuyện gì nữa đây?
– Lúc kiểm tra bài tập trên máy của con, cô giáo phát hiện ra mấy bộ phim lưu trong máy.
Cô xem xong thì mắng con vì tội còn bé mà đã xem phim bậy bạ!
– Phim nào?
– Thì mấy cái phim bố cóp về, rồi bảo với con là phim tâm lý hành động, cấm con không được xem ấy! Nào là "Trận chiến của Ozawa và đồng bọn", "Cuộc truy hoan đẫm máu", "Đêm trong căn nhà nghỉ"...
– Thì con cứ nói thật với cô rằng đấy là phim của bố!
– Con nói rồi! Cô cũng cóp hết mấy cái phim đó sang máy cô rồi! Cô còn bảo con nhắn với bố rằng hôm nào rảnh qua nhà cô, cô có chuyện muốn nói!
Những tưởng mua máy tính bảng thì việc học hành của con sẽ hiệu quả, thuận tiện, nhàn nhã hơn, nhưng không ngờ lại nảy sinh nhiều rắc rối như vậy. Rồi độ gần đây, cứ vài ngày lại thấy con hỏi xin tiền đi thăm bạn nằm viện. Bạn nằm viện thì nhiều nhưng lý do thì chỉ có một, đó là bị bọn nghiện nó chém và cướp máy tính bảng. Nhiều lúc tôi xót tiền quá, bực mình quát um lên thì con tôi lại nhẹ nhàng giảng giải:
– Bố không việc gì phải cáu! Giờ mình bỏ tiền đến thăm chúng nó thì tới lúc mình bị chém chúng nó lại đến thăm mình thôi! Đi đâu mà thiệt?!
Tôi ngẫm thấy con nói cũng đúng. Bởi giờ, nạn chém người rồi cướp đồ đang thịnh hành lắm, bởi bọn cướp bây giờ nhiều lắm, nhan nhản, cả cướp có dao lẫn cướp không dao. Những bậc phụ huynh, những cha, những mẹ đã trưởng thành, đã quăng quật, đã nếm trải với cuộc đời này mấy chục năm rồi mà vẫn còn bị chém, bị cướp, thì mấy đứa học sinh tiểu học ấy, ngại gì mà bọn nó không dám chém?
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
VỢ CHỒNG HÀNG XÓM
Tôi đang rất là chán vợ tôi: ăn mặc thì lôi thôi, suốt ngày cắm đầu vào con cái, bếp núc, chẳng nghĩ gì đến cảm xúc của chồng. Nhiều khi bất ngờ muốn ôm vợ một cái cho tình cảm nhưng cái mùi mắm muối, hành tỏi từ áo, từ cổ vợ nó thốc vào mũi thì lại phải vội vã buông ra, bao nhiêu ý lãng mạn, tình tứ cũng bay đi hết cả.
Tại sao vợ tôi không hiểu rằng: một người đàn bà, ngoài con cái, bếp núc ra, thì việc quan trọng không kém ấy là phải biết lãng mạn, biết chăm chút hình thức, biết làm đẹp vì chồng, để khi đi ra ngoài đường, hoặc khi có khách đến nhà, chồng được mát mày, nở mặt?
Và tôi lại càng chán vợ hơn kể từ ngày có cặp vợ chồng hàng xóm mới chuyển về ở cái phòng đối diện với phòng của vợ chồng tôi.
Buổi sáng hôm ấy, tôi đang lúi húi xỏ giầy, chỉnh lại trang phục, chuẩn bị đi làm thì thấy cửa phòng của vợ chồng hàng xóm ấy lạch cạch mở. Rồi anh chồng vội vã xách cặp bước ra, chắc cũng đang vội tới cơ quan giống tôi. Thế nhưng bước được hai bước thì đã nghe giọng cô vợ từ trong nhà gọi giật lại:
– Từ từ đã anh! Để em chỉnh lại cà-vạt cho đã! Ai lại đeo cà-vạt xộc xệch thế kia mà đi làm chứ hả?
Nói rồi cô vợ chạy tới, nhẹ nhàng thít lại cà-vạt cho chồng, rồi kiễng chân hôn chụt vào môi chồng dịu dàng:
– Tạm biệt anh yêu! Tối về sớm với em nhé!
Ôi trời ơi! Sao tôi ngưỡng mộ và ghen tỵ với anh ấy quá! Thế mới là vợ chứ: dịu dàng, ngọt ngào! Chả bù cho...
Tôi quay lại đằng sau thì thấy vợ tôi đang thò cổ ra từ nhà vệ sinh. Có vẻ như vợ tôi cũng đã chứng kiến được hết cái cảnh tượng lãng mạn và tình cảm như trên phim vừa rồi ấy. Thế cũng tốt, để cho vợ tôi biết là cô ấy còn thua kém, còn phải học hỏi người ta nhiều. Nhưng mặt vợ tôi lúc ấy lại không hề giống một kẻ đang biết lỗi, hoặc là đang xấu hổ khi tự thấy mình kém cỏi, ngược lại, mặt vợ tôi vênh vênh, cái môi hơi bĩu lên như vừa thấy một thứ gì kệch cỡm lắm. Tôi bực mình nói luôn:
– Còn bĩu môi gì? Nhìn đấy! Vợ người ta như thế chứ!
– Chuyện nhà họ. Chả liên quan!
– Ờ, chả liên quan! Nhưng em có làm được như cô ấy không?
– Sao mà em làm như cô ấy được? Em và chồng cô ấy mới chạm mặt nhau một hai lần, chào hỏi vài ba câu xã giao, giờ tự nhiên em lao ra chỉnh cà-vạt rồi hôn lên môi người ta, kì cục bỏ xừ!
– Không! Ý anh là, em có thể hôn tạm biệt chồng em trước khi đi làm giống như cô ấy không?
– Được!
Nói rồi vợ tôi nhào tới, ôm chầm lên cổ tôi, chu mỏ lên. Nhưng khi nụ hôn còn chưa kịp trao thì tôi đã lập tức đẩy vợ bật ngược trở ra...
– Trời ạ! Cái mùi gì nồng nồng, hăng hắc như mùi thuốc tẩy vậy?
– Không phải thuốc tẩy, là Vim đấy! Em đang cọ bồn cầu mà!
Vợ tôi vừa nói vừa xòe hai bàn tay đang đeo đôi găng cao su màu hồng hồng, huơ huơ ra trước mặt như thể sợ rằng tôi không tin lời cô ấy nói. Tôi thở dài ngán ngẩm, bước vội đi cho đỡ bực mình. Nhưng mới được hai bước thì đã nghe giọng vợ từ trong nhà gọi giật lại:
– Chiều về tiện đường ghé mua bịch giấy vệ sinh nhé! Mới mua một bịch tuần trước mà đã hết rồi! Ăn gì mà đi lắm thế không biết?!
Kể từ hôm đó, không hiểu sao tôi rất hay để ý vợ chồng nhà bên ấy. Và càng ngày tôi càng thấy vợ của anh hàng xóm thật tuyệt vời. Bất kể là ở nhà hay ra đường, cô ấy luôn ăn mặc những bộ đồ rất đẹp và hợp mốt. Mái tóc bồng bềnh, xoăn xoăn, nhuộm màu nâu nhạt được là, được uốn cẩn thận, lúc nào cũng buông xõa hững hờ trên bờ vai mảnh mai, trông vô cùng duyên dáng. Đặc biệt là cái mùi nước hoa cô ấy dùng, sao mà nó man mác và rạo rực đến thế! Mỗi lần cô ấy lướt qua, hoặc có con gió nhẹ lùa sang từ hướng bên ấy, là tôi phải đứng sững lại bởi sự ngất ngây, tê dại.
Chả bù cho vợ tôi, đợt ấy có bà chị ở cơ quan đi Pháp về, xách tay được mấy lọ nước hoa xịn, tôi cắn răng mua một lọ về tặng vợ. Để cho vợ bất ngờ, tôi bí mật lấy lọ nước hoa ấy xịt mấy phát lên cái áo vợ hay mặc. Sáng hôm sau, vợ tôi lôi cái áo đó ra, đưa lên mũi chun chun ngửi rồi nhăn mặt:
– Tủ nhà mình có chuột rồi anh ạ! Nó đái ra áo em, khắm quá!
Ngay chiều hôm ấy, tôi lại bí mật mang lọ nước hoa Pháp ấy trả lại cho bà chị ở cơ quan, và chịu mất nửa tiền vì đã bóc tem và mở nắp.
Chiều hôm nay đi làm về, tôi thấy nhà hàng xóm ấy cắm rất nhiều hoa, toàn là hoa đẹp, hoa đắt tiền. Người đã xinh rồi, lại còn cắm hoa đẹp nữa, ở đâu ra mẫu phụ nữ tuyệt vời vậy hả trời? Tôi thấy vậy thì gọi vợ tôi lại rồi chỉ chỉ sang bên đó...
– Em thấy cô ấy cắm hoa đẹp không?
– Chuyện nhà họ. Chả liên quan!
Vợ tôi trả lời cụt lủn rồi lại cắm đầu vào cái chảo, xào xào, nấu nấu. Ờ, tôi quên mất là vợ tôi không thích hoa và không biết cắm hoa. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi mua hoa tặng vợ ấy là vào hôm mùng 8-3. Nhận bó hoa từ tay tôi, câu đầu tiên vợ tôi nói không phải là câu cảm ơn tôi, cũng chả phải là câu khen hoa đẹp, mà là:
– Anh mua bó hoa này bao nhiêu?
– Rẻ thôi mà! Có hơn ba trăm!
– Giời ạ! Hơn ba trăm mà rẻ sao? Anh có biết hơn ba trăm ấy mua được một bình ga, đun được hơn ba tháng hay không? Anh mua bó hoa này thì để được mấy ngày? Rồi chỉ tổ gọi muỗi về, chỉ tổ rác nhà!
Một mùi thơm man mác kéo tôi về với thực tại, thoát khỏi cái ký ức hãi hùng ấy. Mùi thơm quen quá! Phải rồi, là mùi nước hoa của vợ anh hàng xóm. Cô ấy đang đứng ngay trước cửa nhà tôi, giọng ngập ngừng:
– Anh chị có bật lửa không ạ? Cho em mượn chút!
– Ờ, có đây em! Em dùng bật lửa làm gì vậy? – Tôi vừa hỏi vừa nhanh nhảu chạy ra bàn lấy bật lửa cho cô ấy.
– Dạ! Em thắp nến ạ!
– Có mất điện đâu, sao phải thắp nến?
– Dạ! Hôm nay là kỷ niệm 3 năm ngày vợ chồng em chính thức trao nụ hôn đầu. Em đã dành cả buổi chiều nay để cắm hoa, xếp nến, chuẩn bị rượu, đợi lát chồng em về thì hai vợ chồng em sẽ ngồi uống rượu, nghe nhạc, ngắm hoa dưới ánh nến lung linh và ôn lại những kỷ niệm xưa.
– Ôi! Thật là tuyệt vời! Chồng em quả là người đàn ông hạnh phúc và may mắn nhất trên đời!
Vợ tôi đứng gần đấy, chắc là nghe được cả, nhưng chẳng nói gì, chỉ thấy cái môi vợ tôi hơi bĩu lên, tay thì vẫn liên tục xào xào, nấu nấu. Tôi, tuy là ngồi trước ti vi, nhưng mắt thì liên tục đảo qua bên nhà hàng xóm để hóng xem diễn biến thế nào. Đợi mãi chưa thấy chồng về, cô vợ anh hàng xóm có vẻ đã rất sốt ruột, cứ ra ra vào vào, đi đi lại lại. Hơn 7 giờ rồi, vợ chồng tôi đã lịch kịch dọn mâm ăn tối, vậy mà cô vợ anh hàng xóm thì vẫn đứng đứng ngồi ngồi, mặt mũi hằm hằm, tức tối...
Phải gần 7 rưỡi mới thấy anh chồng lững thững về nhà. Anh ấy chưa kịp tháo giầy thì vợ đã xông tới:
– 5 rưỡi là tan sở, sao giờ anh mới vác mặt về nhà? Anh có nhớ hôm nay là ngày gì không? Anh có biết tôi phải mất cả buổi chiều để cắm hoa, xếp nến và chuẩn bị rượu hay không?
– Tôi chả biết ngày gì, nhưng đi làm giờ này mới được về, bụng tôi rất đói, nên thứ tôi cần là cơm chứ không phải rượu, không phải hoa, không phải nến. Thử hỏi, từ hồi lấy nhau, cô đã nấu cho tôi được bữa cơm nào ra hồn chưa?
– Á à! Cái loại chồng la cà gái gú về muộn mà lại còn dám lên giọng với vợ sao? Này thì rượu, này thì nến, này thì hoa này...
Vừa la hét, gào thét, cô vợ anh hàng xóm vừa gạt phăng mấy cái ly cùng chai rượu rơi loảng xoảng xuống nền nhà vỡ tan, lênh láng. Tiện tay, cô ấy giựt tung tóe mấy cây nến, rồi vồ lấy mấy bó hoa đập tới tấp lên đầu chồng, khiến cho những cánh hoa, mới đó còn tươi tắn, điệu đà, thế mà giờ nát bươm, tanh bành như vừa bị một bầy ngựa hoang tàn nhẫn xéo qua..
Ngồi ở bên nhà, vợ tôi đã nghe và nhìn thấy hết cả. Nhưng lần này, vợ tôi không bĩu môi mà chỉ cấu nhẹ vào tay tôi:
– Kìa anh! Xem vợ người ta kìa!
Tôi gắp thức ăn vào bát cho vợ, giọng thờ ơ:
– Chuyện nhà họ. Chả liên quan!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
MA-NƠ-CANH
Dạo này tôi đang bị sì-trét rất nặng! Tất cả cũng chỉ bởi áp lực công việc quá lớn. Trước đây, dù quy định của cơ quan là 8 giờ sáng bắt đầu vào làm việc, nhưng thường là 8 rưỡi tôi mới bắt đầu ở nhà đi.
Ấy là thường thôi nhé, chứ nếu gặp hôm nhậu nhẹt bét nhè tới 1 hay 2 giờ sáng, hoặc dậy xem trận bóng đá lúc 3 giờ khuya, thì hôm sau, sớm cũng phải 9 giờ tôi mới bò được ra khỏi giường. Đã vậy, nhiều hôm vợ còn giao nhiệm vụ tạt vào chợ mua thức ăn mang về nhà bỏ vào tủ lạnh xong xuôi thì mới được đi làm. Số là vợ tôi rất thích ăn tép đồng, mà phải là loại tép còn tươi, nhảy tanh tách ấy. Mà thứ tép ấy thì phải mua từ sáng, chứ nếu để sang chợ trưa, chợ chiều mới mua thì trắng bệch, ươn hết. Và lần nào, sau khi giao nhiệm vụ xong, vợ cũng không quên đệm thêm một câu mà tôi thấy cũng đúng: "Đến cơ quan muộn một tí đã chết ai? Nhưng mà ra chợ muộn, mua phải cái tép ươn, tép hôi, thì dù có tra bao nhiêu hành tỏi, mắm mỡ cũng khó mà thơm ngon lên được!".
Mà không chỉ có tôi đi làm muộn đâu, cả phòng tôi ai cũng thế cả! Vì vậy, nếu hôm nào tôi, hoặc bất kỳ ai đó trong phòng, mà đến cơ quan trước 9 giờ, thì y như rằng lại được thấy bác bảo vệ tròn mắt ngỡ ngàng: "Khiếp! Hôm nay đi làm sớm thế?".
Việc phòng tôi đi làm muộn thì hình như là sếp cũng biết, nhưng không có bằng chứng, và không bắt được tận tay, nên vẫn chưa thấy sếp nhắc nhở gì. Nói không có bằng chứng và không bắt được tận tay là bởi hôm nào cũng vậy, phải sau 10 giờ sếp tôi mới tới cơ quan. Mà cái giờ đó thì anh em tôi đã ngồi ngay ngắn, nghiêm túc ở bàn làm việc cả rồi. Sếp cũng ít khi vào tận phòng kiểm tra mà chỉ đi ngang qua hành lang, đánh mắt qua cửa kính, thấy nhân viên ngồi đông đủ thì lại gật gù, phưỡn phệ bước về phòng sếp.
Đấy! Trước đây là như thế, là thiên đường như thế, nhưng độ này thì khác rồi, là địa ngục rồi! Bởi sếp tôi vừa được mấy sếp trên tổng trang bị cho một hệ thống camera giám sát nhân viên từ xa. Giờ, kể cả đang đi công tác hay là đang nằm nhà, chỉ cần bật điện thoại lên là sếp tôi có thể quan sát được hết cả phòng làm việc của bọn tôi: ai đến, ai chưa đến, ai đang chạy lăng xăng buôn dưa lê, ai đang cà kê chè thuốc, sếp tôi biết hết! Thế mới chết chứ!
Từ khi có cái camera đáng ghét ấy trong phòng thì chả ai bảo ai: cứ đúng 8 giờ sáng là tất cả có mặt! Được khoảng một tuần, cả phòng ai nấy gầy rạc, mặt mũi phờ phạc vì thiếu ngủ, vì áp lực! Cũng phải thôi, trước thì 9 giờ, 9 rưỡi mới đến, chiều thì 3 rưỡi, 4 giờ là đã về. Nhưng giờ, đố ai dám đến sau 8 giờ sáng, và cũng chẳng ai đủ can đảm về trước 5 giờ chiều! Trước đây, ngày nào sếp đi công tác hoặc họp hành là ngày ấy cả phòng cứ thoải mái, thả phanh: các chị tha hồ rủ nhau lượn lờ, mua sắm; các anh vô tư tụ tập bia bọt, rượu chè; ai bận việc ở nhà cứ về, ai có hẹn cứ đi, không phải lăn tăn, suy nghĩ, chẳng phải trăn trở, lo sợ điều gì.
Nhưng giờ thì khác rồi! Sếp có đi công tác nước ngoài cả tháng, hoặc đang ngồi phòng bên cạnh kè kè thì cũng vẫn thế: vẫn 8 giờ sáng đến và 5 giờ chiều về, chẳng khác gì! Bởi dù có ở đâu thì trong túi sếp vẫn có cái điện thoại, mà có cái điện thoại thì chỉ cần mở điện thoại ra là sếp biết rõ ai đến, ai chưa đến, ai đang chạy lăng xăng buôn dưa lê, ai đang cà kê chè thuốc! Thế mới chết chứ!
Sáng nay là đúng tròn một tháng kể từ ngày có cái camera ấy trong phòng. Và cũng sáng nay, đến phòng là đã nghe mấy người kháo nhau: "Hôm nay sếp đi họp cả ngày đấy!". Không nghe thấy tin ấy thì thôi, nghe thấy rồi thì cả phòng lại thở dài thườn thượt tiếc rẻ: "Haizzz! Giá mà không có cái camera thì có phải hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời không?!".
Cũng may là cái camera ấy không có chức năng ghi tiếng, nên dù ai đã ngồi nghiêm ngắn vào chỗ của người ấy thì vẫn nghe thấy liên tục những cái chép miệng, những tiếng thở than...
– Vậy là đã tròn một tháng chúng ta không tụ tập ăn chơi rồi đấy!
– Ừ! Đi làm mà như đi tù! Thèm cái cảm giác cả phòng ta cùng ngồi bia bọt rồi hát hò quá! Hôm nay sếp lại đi họp cả ngày nữa, có cách nào để trốn đi được bây giờ nhỉ?
– Trốn làm sao nổi! Sếp chỉ cần mở điện thoại ra là quan sát được cả phòng. Một người vắng sếp còn biết, huống chi là tất cả!
– A! Có cách rồi!
Chị phó phòng la lên sung sướng! Và rồi tức thì tất cả chụm lại bàn tính. Kế hoạch được thông qua rất chóng vánh! Đúng giờ nghỉ trưa, cả hội lấy xe máy phi đến xưởng may của anh trai chị phó phòng ấy. Mỗi người chọn lấy một con ma-nơ-canh theo giới tính của mình: tức là đàn ông thì chọn ma-nơ-canh đàn ông, đàn bà chọn ma-nơ-canh đàn bà, rồi chở về công ty. Các con ma-nơ-canh ấy được đặt ngay ngắn vào chỗ ngồi của từng người. Xong xuôi, cả phòng mỉm cười vì kế hoạch hoàn hảo của mình rồi tất cả kéo nhau ra quán bia, còn công việc của họ tại văn phòng sẽ do lũ ma-nơ-canh đảm nhiệm.
Quả thực, sẽ chẳng còn kế hoạch nào hoàn hảo hơn thế! Bởi cái camera ấy có tầm quan sát rất rộng, bao quát cả phòng, nhưng cũng bởi vì rộng nên nó không thể ghi lại được chi tiết đường nét của từng người. Tức là nếu nhìn qua màn hình điện thoại thì chẳng thể phát hiện được đâu là người, đâu là ma-nơ-canh, chỉ thấy một cái bóng lù lù, đen đen, chăm chú ngồi ở bàn làm việc.
Ở trong cảnh tù túng lâu ngày, nay được xổng ra, nên cả phòng ai cũng chơi tẹt ga. Ngay cả mấy chị em, bình thường đi ăn chỉ uống cô-ca, nay cũng mỗi người tu hết vài lon Halida, mặt mũi tưng bừng, hớn hở như hoa. Xong, tất cả lại kéo nhau vào quán karaoke nhảy múa hát ca, rồi gọi thêm mấy két bia 333, mấy thùng Vodka...
Chỉ đến khi cái giọng nơi cuống họng đã khàn, và cái hứng thú trong lòng đã cạn thì chúng tôi mới nhìn đồng hồ và hốt hoảng: 7 giờ tối rồi! Vậy là tất cả cuống cuồng trở lại cơ quan. Những phòng khác đã đóng cửa im lìm, tắt điện tối om, riêng phòng tôi vẫn bật đèn sáng trưng, bên trong, mấy con ma-nơ-canh vẫn chăm chỉ làm việc. Chúng tôi lập tức tắt máy tính, tắt điện, khóa cửa rồi nhanh chóng chở mấy con ma-nơ-canh trả lại xưởng may.
Sáng hôm sau, tất cả lại đi làm như bình thường. Và cũng khoảng 10 giờ, sếp đến cơ quan như bình thường. Nhưng có một điều không bình thường, ấy là thay vì đi ngang qua hành lang, đánh mắt qua cửa kính như mọi ngày, thì hôm nay, sếp lại mở cửa phòng rồi bước vào, giọng lạnh lùng:
– Các anh chị qua phòng tôi luôn đi, tôi có chuyện muốn nói!
Tất cả chúng tôi nhìn nhau mặt tái mét, cắt không còn giọt máu. "Làm sao bây giờ? Hình như, sếp đã biết được cái trò tồi tệ ấy của bọn tôi rồi! Nhưng thôi, chết thì cùng chết!". Nghĩ vậy nên cả phòng đồng lòng, nắm tay nhau bước sang phòng sếp. Chúng tôi đứng thành hàng trước bàn sếp, hai tay buông thõng, mặt cúi gằm, giống như những phạm nhân đang cúi đầu nhận tội trước vành móng ngựa. Vì không nhìn mặt sếp nên tôi cũng chẳng biết thái độ sếp ra sao, chỉ biết là cái giọng sếp vẫn lạnh lùng và đáng sợ như thế:
– Tối qua, lúc gần 7h, tôi họp xong và có ghé về cơ quan...
– Dạ thưa sếp! Chúng em...
– Đừng cắt lời tôi! Để tôi nói hết đã! Tôi ghé về cơ quan và thấy phòng ta vẫn bật đèn sáng trưng, mọi người vẫn say mê làm việc, tôi thấy rất tự hào! Trước giờ, mấy phòng khác cứ xì xào là nhân viên phòng mình làm ăn vớ vẩn, chỉ đợi sếp đi vắng là trốn việc, là đàn đúm, tụ tập! Nhưng hôm qua, thực tế đã chứng minh điều ngược lại: tôi đi họp cả ngày, vậy mà mọi người vẫn làm việc hăng say, miệt mài, quên gia đình, quên ăn uống, quên cả thời gian! Tốt lắm!
– Dạ! Không có gì đâu sếp ạ! Tại ai cũng ham việc, công việc chưa xong nên không dứt ra mà về được thôi ạ! – Chị phó phòng bẽn lẽn giải thích.
Sếp không nói gì nữa, chỉ mỉm cười hài lòng rồi đưa cho chị phó phòng một chiếc phong bì, bảo là quà động viên cho mọi người đã làm việc vất vả. Đương nhiên là số tiền ấy chúng tôi lại để dành, đợi hôm nào sếp đi họp hay đi công tác thì cả phòng lại ra quán bia, ra quán karaoke liên hoan, hát hò. Và đương nhiên là chúng tôi vẫn dùng cái cách ấy. Bởi đó là một kế sách thật sự hoàn hảo. Này nhé, nếu xét về công việc thì dù là chúng tôi làm hay là bọn ma-nơ-canh làm thì cũng thế thôi, hiệu quả là như nhau. Trong khi đó, bọn ma-nơ-canh thì không cần dùng quạt, không cần bật điều hòa, tiết kiệm điện cho cơ quan; bọn ma-nơ-canh không chơi game online, không download phim nên đỡ tốn tiền dung lượng internet; bọn ma-nơ-canh lại sẵn sàng làm thêm giờ, khiến sếp hài lòng... Nói chung là rất nhiều lợi ích!
Nếu biết một việc gì đó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho phòng mình, cho cơ quan mình mà bạn lại không làm thì chứng tỏ bạn không phải là một nhân viên tốt! Và vì vậy, chúng tôi thường xuyên sử dụng cái cách đó, bởi đơn giản, tất cả chúng tôi đều muốn trở thành những người nhân viên tốt!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
NHIỆM VỤ BẮT PHẢI ĐI
Căn nhà cao và nổi bật nhất phố. Nổi bật không chỉ bởi nét kiến trúc độc đáo, đông tây được giao phối hòa hợp, mà còn bởi ở trước cái cánh cổng bằng đồng với hai con rồng ngoằn ngoèo, uốn cong cong của ngôi nhà ấy luôn có ít nhất hai thằng đầu gấu đứng canh gác, đi lại vòng vòng, thằng nào thằng nấy đều dây lưng đeo súng,
gậy trên tay lăm lăm, mặt hằm hằm. Bởi vậy nên người dân quanh đây, nếu bắt buộc phải đi qua cái nhà này, thì đều vòng sát ra mép đường bên kia, tránh xa cái cổng sơn son thiếp vàng, tránh xa mấy thằng dữ dằn, hung hăng ấy.
Họ tránh là phải, dại gì mà lại gần, nhỡ súng nó cướp cò, hoặc nhỡ cái thằng đầu gấu ấy, sẵn đang cầm gậy, nó tiện tay vụt cho phát vào gáy thì lại chết oan. Thế mà sáng nay, một gã đàn ông còm nhom, hom hem, mặc chiếc áo phông màu đen lem nhem vẫn dám hiên ngang tiến lại gần sát cổng ngôi nhà...
– Thằng kia! Biến! Đây không phải chỗ chơi!
Một trong hai thằng đầu gấu chỉ gậy vào gã áo đen rồi quát lớn. Tưởng là gã áo đen sẽ sợ xanh mặt và co rúm lại, nhưng không, gã đó chỉ khoanh tay, cười khẩy, giọng lạnh tanh:
– Tao không đến chơi! Tao đến gặp anh Hùng Xoăn!
– Mày tưởng đại ca tao là ai mà thích gặp thì gặp? Đại ca tao phải lo bao nhiêu việc lớn, thời gian đâu để tiếp mấy thằng dở hơi như mày?
Gã áo đen nghe vậy thì lại nhếch mép cười, rồi từ từ đưa tay lên túi áo, lấy ra một mảnh giấy...
– Tao cũng không có thời gian nói chuyện với mày! Hãy chuyển ngay thư này cho anh Hùng Xoăn, để xem đại ca mày có tiếp tao không!
Thằng đầu gấu thấy giọng điệu khá cứng của gã áo đen thì đã bớt hung hăng đi ít nhiều. Hắn cầm lá thư, xoay qua xoay lại nghiêng ngó, rồi lập tức đi vào trong. Lát sau, đã thấy hắn tất tả chạy ra, giọng nhẹ nhàng và ngọt ngào như mấy em ở quán mát-xa:
– Dạ! Anh Hùng Xoăn mời anh vào ạ! Xin lỗi anh vì vừa rồi em không biết, tưởng anh là thằng nghiện ở đâu đến đây luyện quyện ăn cắp vặt! Mong anh bỏ quá cho!
Vừa nói, thằng đó vừa khom khom người mở cổng, điệu bộ khúm núm, rất tội nghiệp. Người đàn ông áo đen không nói gì, chỉ ném cho hắn cái nhìn khinh khỉnh rồi thoăn thoắt bước vào trong sân.
Cái nhà thì hẳn là tráng lệ, nguy nga rồi, đó là điều mà chỉ cần nhìn từ ngoài đường thì ai cũng có thể thấy. Nhưng còn cái sân, phải bước vào tận nơi, phải thực mục sở thị mới cảm nhận hết được sự bề thế, choáng ngợp của nó. Khắp cả mặt sân rộng bao la được lát bằng loại gạch nung đỏ cao cấp, nhẵn bóng mà không hề trơn trượt. Ở bốn góc và rải rác trên khắp mặt sân là những chậu bonsai hữu tình với các dạng địa hình núi non, cỏ cây, sông suối, có cả những chiếc cầu cong cong, có tượng ông lão vừa ngồi câu vừa thong dong thổi sáo, có cô thôn nữ dịu dàng giặt áo, có con thuyền nan êm ả cắm sào. Trên bờ tường rào cao cao được dựng tỉ mỉ bằng những gióng trúc đào có treo khá nhiều những giỏ lan to nhỏ khác nhau với những cánh hoa lung linh hồng cam trắng tím, mỗi loại một màu, tỏa hương thơm mát, ngạt ngào, đung đưa trong gió lao xao...
Thế nhưng gã đàn ông áo đen dường như chả còn tâm trí đâu mà ngắm mấy thứ vẽ vời trang trí ấy. Gã đang rất vội. Và vì thế, gã xồng xộc cắm đầu đi thẳng vào nhà.
Hùng Xoăn ngồi bệ vệ trên chiếc ghế trưởng kỷ cổ được điêu khắc, chạm trổ khá tinh xảo, tạo hình thành hai con hổ đang nghển cổ, nhe răng dữ tợn. Phải công nhận: cái ghế rất hợp với hắn. Bởi hắn có một thân hình khá vạm vỡ, đồ sộ, cái đầu trọc lốc, cái mặt bặm trợn, hầm hố với những vết sẹo, vết thâm nhằng nhịt, đặc biệt là răng hắn khá dài và nhọn nên không chỉ lúc cáu giận, quát mắng, mà cả những khi hắn cười thì mấy cái răng tua tủa ấy vẫn nhoi ra như răng hổ, khiến cho người đối diện, dù gan dạ và can trường đến mấy, cũng khó tránh khỏi thứ cảm giác sợ sệt, run rẩy.
Hùng Xoăn rót nước lửng chén, đẩy về phía gã áo đen, rồi cất giọng kẻ cả:
– Thường thì anh ít khi tiếp khách vào giờ này, và theo cái kiểu này. Nhưng khi anh Công Lặc đã đích thân viết thư giới thiệu thì đương nhiên là Hùng Xoăn này không thể chối từ! Mà em và anh Công Lặc có quan hệ thế nào? – Hùng Xoăn hỏi rồi hất hàm về phía gã thanh niên áo đen.
– Dạ! Chỉ là chơi bời xã giao thôi anh. Nhưng từ cái lần anh ấy cặp kè với vợ em, rồi hiếp dâm em gái em, thì tình cảm anh em mới trở nên gần gũi và thắm thiết hơn ạ!
– Ừm! Vậy hôm nay, em đến đây, hẳn là có chuyện?
– Dạ! Chuyện là vợ chồng em vừa bị mất cái xe đạp. Nếu là xe đạp thường thì cũng chả tiếc, đằng này lại là xe đạp điện, mới mua được vài hôm nên rất xót. Anh Công Lặc thấy vậy thì bảo em đến tìm anh để xin lại xe, vì theo lời anh Công Lặc nói thì hầu như những vụ mất xe ở địa bàn này đều do anh ăn cắp hết!
– Là trước đây thôi, chứ bây giờ bọn anh chỉ ăn cắp xe máy, cùng lắm là xe ba gác và xích lô chứ không lấy xe đạp nữa, kể cả là xe đạp điện!
– Vậy cái xe của em...?
– Có lẽ là do bọn thằng Phú Cong làm. Vì đây là băng nhóm trộm xe đạp nổi tiếng và có quy mô lớn nhất miền Bắc này. Anh nghe nói, gần đây bọn chúng còn mở rộng địa bàn hoạt động, không chỉ ở miền Bắc mà còn lấn át vào cả miền Nam, không chỉ ở Việt Nam mà còn tràn lan ra cả châu Âu, châu Á, tạo thành một mạng lưới ăn trộm xe đạp xuyên quốc gia. Bọn chúng mà đã chủ định lấy cái xe nào thì sẽ lên kế hoạch và vạch ra chiến lược tỉ mỉ từ trước đó cả tháng trời nên hiếm khi có sơ suất và ít để lại dấu tích. Thành ra công an cũng khó mà điều tra được.
– Tức là, em phải chịu mất cái xe hả anh?
– Thường thì là thế, nhưng vì anh Công Lặc đã có lời nhờ vả nên anh sẽ bằng mọi cách lấy lại cái xe ấy cho em.
– Bằng cách nào ạ?
– Người đời có câu: Muốn bắt được cua thì phải móc vào hang cua. Chúng ta sẽ đến tận sào huyệt của thằng Phú Cong. Rồi anh sẽ khiến nó phải quỳ gối xuống mà dâng trả lại cái xe cho em! Ta đi ngay thôi, kẻo bọn nó lại đưa xe của em sang biên giới rồi xuất sang châu Mỹ, châu Phi thì khó mà đòi lại lắm!
– Giờ mình đến chỗ thằng Phú Cong hả anh?
– Không! Đến gặp sư phụ anh trước đã!
– Sao phải gặp sư phụ anh làm gì ạ?
– Em chưa biết đấy thôi, Phú Cong là một tay giang hồ khét tiếng, võ công lẫy lừng. Ở Việt Nam này, ngoài sư phụ anh ra thì chắc là không còn ai khuất phục nổi hắn. Anh thì chưa đấu với hắn lần nào nên chưa biết hơn thua ra sao! Vậy nên, cứ mời sư phụ anh đi cùng cho chắc ăn.
– Vậy giờ mình đi bằng gì hả anh?
– Đi xe của em!
– Em có mỗi cái xe đạp điện, mất rồi còn đâu?!
– Thế nãy em đến đây bằng gì?
– Xe buýt ạ!
– Đệt! Thế bây giờ đi đánh nhau em cũng định đi bằng xe buýt sao? Em xem phim hành động chưa? Giang hồ đánh nhau, rượt đuổi nhau đều bằng ô tô, hoặc ít ra cũng phải là xe máy, chứ chẳng lẽ lát nữa chúng nó đuổi theo chém mình, mình lại chạy ra bến xe buýt chờ xe à? Nhỡ lúc ấy xe buýt đông quá, thằng tài xế nó không cho lên nữa thì có phải chết oan không?
– Dạ! Vậy giờ phải làm sao anh?
– Thôi được! Đi xe của anh vậy!
Dứt lời, Hùng Xoăn chạy vào gara, đánh ra con Toyota Corolla đời 2013. Hắn giục gã áo đen lên xe rồi phóng vút đi. Chiếc Toyota gầm rú, luồn lách qua dòng người xe đông đúc rồi rẽ xuống một con ngõ nhỏ dưới chân đê thoai thoải. Mới chỉ ngồi trên xe thôi, gã áo đen đã nhìn thấy một nhóm khoảng vài chục võ sinh mặc võ phục đang say sưa tập luyện. Sau mỗi cú vung tay, mỗi tư thế vung chân là lại nghe những tiếng "hây a! hây a!" đồng thanh vang lên đầy dũng mãnh và tràn trề khí thế.
Chiếc xe chạy chậm và dừng hẳn lại dưới tán cây hoa đại với cái gốc cổ thụ to như cái vại, ngay sát cạnh võ đường. Cả hai ra khỏi xe rồi đi bộ vào trong. Vừa đi, Hùng Xoăn vừa giới thiệu với giọng hãnh diện:
– Đây là võ đường của sư phụ anh! Là cao thủ số một Việt Nam nên đương nhiên là võ đường của sư phụ lúc nào cũng đông nhung nhúc đệ tử theo học. Anh thành đạt được như ngày hôm nay cũng đều nhờ ơn sư phụ chỉ bảo!
Khác với tưởng tượng của gã áo đen rằng hắn sắp được gặp một vị võ sư có đôi mắt sáng quắc, thân hình rắn chắc, tuổi có thể cao nhưng động tác hẳn vẫn rất linh hoạt và nhanh như cắt. Thế nhưng không, lão sư phụ này thân hình gầy cỗi, lờ đờ, ẻo lả như con chuột vừa ăn phải bả; tóc tai lão lòa xòa, răng vàng khè, lúc nói chuyện, nhìn rõ cả cọng rau, cả thớ thịt gà vẫn còn dắt vào kẽ răng từ tối hôm qua. Đã vậy, một bên mắt của lão lại sưng vù, tím bầm, cái môi cũng vều lên một cục, rươm rướm máu...
– Sư phụ bị sao vậy ạ? – Hùng Xoăn hỏi bằng giọng lo lắng.
– Sáng nay, lúc đi đổ rác, ta đang lúi húi thì có thằng trẻ trâu đứng từ xa ném "bịch" cái túi rác vào đầu ta. Ta quay lại mắng nó thì nó lao tới đấm vào mắt ta, rồi đá vào mồm ta! Ui cha! Đau quá!
– Sao sư phụ không giở võ công ra?
– Tại nó đánh nhanh quá, ta chưa kịp giở! Nhưng sao con biết ta bị đánh mà tới thăm?
– Con biết đâu! Định đến nhờ sư phụ đi xử lý thằng Phú Cong giúp con!
– Thôi, mồm miệng thế này, đi nhậu thì ta còn cố được, chứ đi đánh nhau thì ta chịu!
Sau một hồi thuyết phục sư phụ không thành, Hùng Xoăn và gã áo đen đành chào biệt rồi hậm hực ra xe. Chiếc Toyoa leo chồm lên dốc rồi lao đi vun vút trên bờ đê, bỏ lại sau lưng từng đám bụi dày đặc, mịt mùng, bị thổi tung và bay tít lên không trung. Đám bụi ấy tuy về sau có nhạt dần, hạ thấp dần, nhưng lại lan ra rộng hơn, xa hơn, sà cả xuống mặt đê dập dờn, trùm cả vào đám cỏ dại xanh um và tràn cả xuống bềnh bồng trên mặt sông sông mênh mông. Còn chiếc xe, nó đã bẻ lái và tiến thẳng về hướng ngoại ô, nơi có khu biệt thự mà Phú Cong và đồng bọn đang trú ẩn...
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
NHỮNG ĐỨA CON BẤT HIẾU
Người đời có câu: "Trời sinh voi, trời sinh cỏ", và người đời cũng có câu: "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Chắc cái ông trời ở trên cao ấy cũng rảnh rỗi quá, chẳng có việc làm, nhàn cư vi bất thiện, nên ông ấy mới sinh lắm thứ thế?
Ừ thì ông ấy sinh ra voi nên ông ấy phải sinh ra cỏ cho voi nó ăn là đúng rồi! Nhưng con tôi là do vợ chồng tôi tự sinh ra, là kết quả của bao lần phối hợp hì hục, rồi đi siêu âm chen chúc, rồi ốm nghén buồn bực, rồi trở dạ với những cơn đau quằn quại hành hạ, với những tiếng kêu gào tưởng như cạn kiệt cả sinh lực, chứ ông trời chẳng hỗ trợ hay giúp đỡ vợ chồng tôi được gì cả! Vậy mà ông ấy lại giành lấy cái quyền sinh tính cho con tôi? Tại sao tôi đẻ con ra mà tôi lại không được sinh tính cho nó? Và cũng bởi cái kiểu sinh tính tùy tiện của ông ấy nên tính nết mấy đứa con tôi cứ loạn cả lên: đứa thì lầm lì, chậm chạm, đứa thì nhắng nhít, hùng hổ; đứa thì háu ăn, tăng cân vù vù, đứa thì còi cọc, mãi chẳng thấy lớn.
Vợ chồng tôi đều già yếu cả rồi, lại phải nuôi thêm ba đứa con ăn bám, nên mọi chi tiêu sinh hoạt đều ngóng vào thằng cả và thằng hai đang đi làm ăn xa trên thành phố. Những năm trước đây, thằng cả đều đặn về thăm nhà mỗi tháng một lần, béo tốt, phong độ lắm! Thằng hai thì ít về hơn, vài ba tháng, có khi nửa năm, nhưng về lần nào là rủng rỉnh, tươi tỉnh lần ấy, rồi chúng rủ cả nhà đi mua quần áo, đi ăn uống, rất vui vẻ và sung sướng!
Tôi sốt ruột đưa ngón tay lên bấm bấm và nhẩm tính: dễ phải đến 3 tháng nay chưa thấy thằng cả về! Thằng hai còn tệ hơn, mấy năm rồi nó đã không còn lưu luyến gì cái chốn này. Con với chả cái! Chẳng lẽ chúng nó đã quên rằng ở quê còn có bố mẹ già và ba đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn mong ngóng chúng từng ngày?
Tôi buông thõng tay, và buông thượt tiếng thở dài, chực quay bước vào trong. Nhưng tôi khựng lại, bởi nghe ngoài ngõ có tiếng lẹp kẹp! "Hình như thằng cả về! Đúng rồi, đúng là thằng cả rồi! Nhưng sao mà nó gầy gò, ốm yếu và quắt queo vậy hả trời?". Tôi lao tới ôm chầm lấy con, mừng mừng tủi tủi:
– Lương ơi là Lương! Mấy tháng nay con không về làm cả nhà ngóng con dài cổ! Sao càng ngày con càng gầy, càng teo đi vậy hả con?
– Dạo này công ty con ít việc, thất nghiệp, đói kém lắm mẹ ơi!
– Thế lâu nay, con có nghe thông tin gì về thằng Thưởng không?
– Dạ không ạ! Mấy năm rồi, con có thấy mặt em nó đâu!
– Hai anh em con trước đây vẫn thường liên hệ, gắn bó với nhau mật thiết lắm mà?
– Thì trước là vậy, nhưng giờ, đến bản thân mình con còn lo chưa xong, còn chưa biết xoay sở thế nào thì sao con lo cho em ấy được?! Mà tình hình các em ở nhà thế nào hả mẹ?
– Haizz! Nhắc đến chúng nó, mẹ lại nẫu hết ruột! Thằng Xăng vẫn không bỏ được cái tật tham ăn, nó ăn suốt, nên tăng cân vù vù. Cứ vài tháng lại lên cân, mà mỗi lần lên là lên rất nhiều!
– Mẹ phải kêu ca, phải góp ý chứ, để em ấy tăng cân liên tục vậy sao được?!
– Có kêu, kêu nhiều! Nhưng chả ăn thua! Đợt nào kêu quá thì cũng thấy bớt ăn, thấy giảm, nhưng chỉ giảm được vài lạng, rồi tháng sau lại tăng, tăng vài cân luôn!
– Còn em Ga?
– Thằng Ga đợt này cũng chán lắm! Hay phải đi bệnh viện truyền nước. Trước, mỗi lần đi truyền là nó khỏe khoắn, yên tâm được khoảng 4 tháng. Nhưng giờ, chỉ hơn hai tháng là lại phải lên viện tiếp nước một lần. Giá mỗi chai nước truyền thì tăng không đáng kể, nhưng mẹ có cảm giác nước ở trong chai hình như ít đi thì phải. Mẹ quê mùa, làm sao phát hiện được sự thiếu hụt ấy? Mà kể cả cái lọ nước truyền ấy có đầy thì ai dám chắc là người ta không pha thêm mấy cái thứ nước vớ vẩn khác vào để trục lợi, để kiếm lời?
– Thế em Điện thì sao ạ?
– Thằng Điện dạo này hư lắm! Trời thì nóng mà thỉnh thoảng nó lại tự ý bỏ nhà đi, có khi đi cả ngày cả đêm luôn, mà không thèm thông báo với bố mẹ một tiếng. Rồi lúc bố mẹ nhờ nó đi mua đồ, nó toàn ghi khống giá lên, hóa đơn, giấy tờ nhập nhằng, không rõ ràng. Con với thằng Thưởng thì cứ đi biệt tăm, trong khi mấy đứa em ở nhà thì quậy phá quá! Bố mẹ đến kiệt quệ mất thôi!
– Mẹ đừng nói thế! Mẹ phải cố lên, phải giữ gìn sức khỏe để chiến đấu, vì tình trạng này sẽ còn kéo dài! Thôi, con về thăm bố mẹ một lát, giờ con phải đi luôn đây!
– Ô hay! Mấy tháng mới về một lần, vậy mà chưa kịp vào trong nhà, đã đi luôn sao con? Thế khi nào con lại về nữa?
– Con chưa biết mẹ à! Nhanh thì vài tháng, còn lâu thì phải nửa năm!
– Trời ạ! Thế còn thằng Thưởng, liệu mùng 2-9 này nó có về không con?
– Chắc là không đâu mẹ, tết nó còn chả về nữa là mùng 2-9. Thôi, con đi đây!
Tôi ngậm ngùi nhìn theo cái bóng con gầy gò, teo tóp khuất dần sau khóm chuối già đầu ngõ héo hon, lòng tự hỏi biết đến khi nào mới gặp lại con?
Tiếng ho khùng khục của chồng tôi từ trong buồng vọng ra làm cho không gian vốn đã ảm đạm lại càng thêm xót xa. Rồi tôi nghe tiếng lão ấy thều thào:
– Thằng Lương về hả bà? Bảo nó vào đây với tôi!
– Nó về, nhưng đến ngõ là nó lại đi rồi!
– Khốn nạn thật! Con với chả cái, chẳng được đứa nào tử tế! Thằng Xăng, thằng Ga, thằng Điện thì suốt ngày nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hạch sách cha mẹ; thằng Lương, thằng Thưởng thì đi biệt tích, về đến đầu ngõ, không thèm vào nhà, lại vội vã ra đi! Tao là tao từ mặt hết chúng mày, chẳng cần đứa nào nữa!
Chửi xong, lão lại úp mặt vào tường ho lên từng tràng sòng sọc. Lão nói thì có vẻ vô tình và bất cần lắm, nhưng tôi hiểu, lão chả bao giờ từ được con đâu: đứa đi xa lão vẫn mong, và đứa ở nhà, lão vẫn phải gồng mình lên mà chăm cho chúng!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
THÚ CHƠI CHIM
Ở cái làng này, từ lớn đến bé, từ trẻ đến già, ai cũng phải công nhận một điều rằng chim của anh trai tôi to, khỏe và hót khéo nhất! Bởi vậy, trong các cuộc thi chim cấp xã, cấp huyện, anh tôi luôn được bà con và chị em tín nhiệm cử đi tham dự.
Và thực sự, chưa lần nào anh tôi làm cho bà con và chị em thất vọng. Hầu hết những lần tham gia, anh tôi đều giành giải nhất. Chỉ có một lần anh chịu về nhì, đó là cái lần mà chim của anh mới ốm dậy, còn mệt và yếu. Nói vậy để thấy rằng, chim anh tôi chính là bộ mặt, là niềm tự hào của cả cái làng này.
Ngay từ khi còn học cấp hai, trong khi chúng bạn chăm chỉ học tập, chơi những trò chơi lành mạnh, trong sáng, thì anh trai tôi đã lao vào thú vui chim cò. Đến lớp, trong lúc cô say sưa giảng bài, các bạn miệt mài ghi chép thì anh tôi lôi chim ra nghịch, đã thế lại còn giơ giơ chim ra trước mặt mấy bạn nữ ngồi cạnh để trêu chọc.
Học thì dốt, nhưng anh tôi lại tán gái rất giỏi. Nói là tán gái giỏi thì hình như chưa đúng lắm, mà thực ra là gái nó bám theo anh tôi thì chính xác hơn. Bởi đứa nào cũng vậy, dù là xinh hay kiêu cỡ nào, chỉ cần nhìn thấy chim của anh tôi là mê luôn. Chuyện con gái chủ động tìm đến nhà tôi để chơi với anh ấy là điều quá ư bình thường. Có lần vài ba cô cùng đến một lúc. Việc các cô ấy quý anh tôi và đến chơi thì bố mẹ tôi không cấm cản hay khó khăn gì, điều khiến bố mẹ tôi không hài lòng là ở chỗ, các cô ấy đến chơi nhưng chả mấy khi chào hỏi bố mẹ tôi lấy một câu mà chỉ vội vội vàng vàng lao ngay tới chỗ để chim của anh tôi mà sờ soạng, vuốt ve. Cô thì nghịch lông, cô xoa đầu, cô bóp cổ, khiến chim anh tôi nổi khùng, mặt nó căng lên, đỏ gay, nhìn rất khổ.
Và cũng vì thế nên anh tôi nghỉ học sớm, rồi lấy vợ sớm, sinh con sớm. Độ gần đây, không hiểu vì bị vợ bỏ bê, hoặc là phương pháp chăm sóc đã lạc hậu, hoặc không phù hợp, hoặc vì lý do gì đó, mà chim anh tôi gầy rạc đi, ủ rũ, thiếu sinh khí, và không lớn lên được. Anh tôi lo, vợ anh tôi lo, và cả làng cũng lo. Không muốn tình trạng này kéo dài thêm, nên anh rủ tôi lên phố cùng anh, tới nhà một vị tiền bối mà theo như anh nói thì là cao thủ chơi chim số một của xứ Bắc này.
Khác với những gì tôi tưởng tượng về một vị tiền bối phong lưu, hào hoa, lịch lãm thì khi gặp, tôi hơi thất vọng bởi trông lão này hơi hãm, cũng chẳng phong lưu, hào hoa mà nhìn như thằng phong giật, bả gà. Tóm lại, nhìn lão hom hem và thiếu sức sống đến kỳ lạ.
Dường như hiểu được sự ngạc nhiên của tôi nên anh trai ghé tai tôi thì thầm:
– Mấy thằng ham mê chim cò này thì chỉ cường tráng, lực lưỡng lúc trẻ thôi, về già thì thằng nào cũng dặt dẹo, lụ khụ thế này cả em ạ!
Lão tiền bối đó mời anh em tôi vào nhà, từ tốn rót nước, rồi cất giọng khè khè như con mèo hen:
– Lâu lắm mới thấy con ghé thăm! Dạo này chim chóc thế nào?
– Dạ! Chán lắm tiền bối ạ! Nó cứ èo uột, ủ rũ, vợ con chăm sóc, vỗ về kiểu gì cũng không lớn được! Chính vì vậy, hôm nay con mới phải tới đây mong tiền bối giúp đỡ ạ!
– Haizz! Đó là căn bệnh chung rồi! Hầu hết những người có chim ở Việt Nam này đều mắc cái bệnh đó, chỉ là mức độ nặng hay nhẹ mà thôi! Con thử nghĩ xem, mấy chục năm trời mà vẫn cứ đôi tay ấy, vẫn phương thức ấy, vẫn lối mòn ấy thì làm sao mà chim lớn được!
– Vậy phải làm sao hả tiền bối?
– Ta tặng con ba chữ vàng: "Lạ là lớn". Đó là phương thuốc hữu hiệu nhất!
– "Lạ là lớn", nghĩa là sao hả thầy?
– Haizz! Hình như những thằng chơi chim nhiều thì đầu óc ngày càng ngu đi thì phải!
Thôi, ta cứ nói toạc ra nhé! Tức là con hãy mang chim của con sang gửi một chị hàng xóm nào đó, nhờ chị ấy chăm sóc giúp. Đừng để chim nó nhìn thấy mặt vợ con nữa! Nó nhìn bao nhiêu năm nay, nó quen mặt, nó ngán ngấy, nó sợ rồi, làm sao lớn nổi?!
Giờ thì tôi mới hiểu vì sao anh tôi lại gọi lão ấy là tiền bối, là cao thủ số một của xứ Bắc. Bởi đúng như lời lão ấy nói, vừa mới nhìn thấy chị hàng xóm, chim anh tôi đã tươi tỉnh hẳn. Rồi khi được chị chăm sóc, nó lớn lên trông thấy, cường tráng, oai hùng, chẳng còn nữa vẻ u sầu, rệu rã thường ngày. Nó hót líu lo, nhảy tung tăng suốt buổi. Đã vậy, chiều hôm ấy, đứa con gái của chị hàng xóm ấy, đang là sinh viên năm thứ nhất trên Hà Nội, lại về quê nghỉ lễ, thấy chim anh tôi thì thích quá nên đã nhiệt tình phối hợp cùng với mẹ, chung sức chăm sóc chim anh tôi.
Nhưng cũng chỉ được một hai ngày, sang đến ngày thứ 3, chim anh tôi lại có dấu hiệu mệt mỏi, kiệt sức. Nghiêm trọng hơn, ở mỏ và đầu chim bắt đầu xuất hiện những mụn nhỏ li ti. Những đám mụn đó lan rộng dần, mưng mủ và sưng tấy. Anh tôi thấy vậy thì hoảng quá, lại tức tốc lặn lội lên phố, tìm đến nhà vị tiền bối để cầu cứu. Vừa thấy anh tôi, lão cao thủ số một xứ Bắc đã hỏi ngay:
– Sao mà hốt hoảng vậy con? Có chuyện gì?
– Tiền bối ơi cứu con với! Chim con bị mọc mụn, sưng tấy...
– Mọc mụn, sưng tấy, rồi sau đó các đám mụn ấy lan rộng, mưng mủ, đúng không?
– Vâng, đúng vậy ạ! Sao tiền bối biết?
– Thì chim ta cũng đang bị như vậy mà! Đây, con cầm gói thuốc này về cho chim uống ngay, uống càng sớm càng tốt, đừng để quá muộn như chim của ta.
– Chim của tiền bối sao ạ?
– Chim ta hỏng hẳn rồi, giờ chỉ nuôi để làm cảnh, không mang đi thi đấu được nữa con ơi!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
TÁN GÁI DỄ ỢT!
Dạo này lên mạng, lên phây, toàn thấy các thanh niên FA suốt ngày kêu là tán gái khó lắm, kiếm gấu khó lắm! Tôi thấy việc này là rất không nên. Anh không tán được gái, không kiếm được gấu chứng tỏ đẳng cấp của anh thấp, năng lực của anh hạn hẹp, trình độ của anh ít ỏi, và tài năng của anh kém cỏi.
Mà các cụ có câu: "Đẹp tốt moi ra, xấu xa nhét vào". Cái việc FA với không tán được gái nó xấu hổ bỏ xừ chứ hay ho gì đâu mà các anh cứ thích kêu gào? Hơn nữa, việc kêu gào, than vãn ấy sẽ khiến cho thế hệ đàn em chúng ta, các thanh niên mới lớn, những kẻ sắp chập chững bước vào yêu, những kẻ đang mơ mộng có được một tình yêu đích thực, tìm được một người yêu lý tưởng sẽ cảm thấy lo lắng, hoang mang, bi quan và mất niềm tin ghê gớm!
Mà các anh ấy thấy khó, chứ tôi thì thấy rằng tán gái bây giờ dễ ợt: chỉ cần có SH và kính Rayban là được. Các anh ấy tán gái mà cứ đi cái xe số cà tàng, kính thì cũng Rayban, nhưng mua của mấy chị bán hàng rong lang thang, 20k một chiếc, 30k một đôi, như thế thì nói thật là đến cave nhiều khi nó còn ngại chả muốn ngồi lên xe của các anh chứ nói gì là mấy em nữ sinh sành điệu, ngon lành?
Có SH và cái kính Rayban, tôi tán gái rất nhàn! Chỉ cần đeo kính ấy, cưỡi xe ấy lượn lờ ở mấy cổng trường cấp ba thì một ngày ít nhất cũng phải tán được vài ba em. Rồi tôi phải bố trí thời gian đan xen để có thể cùng lúc yêu chiều được hết các em ấy. Sau một vài tuần, khi tình yêu đã nhạt dần, khi tin nhắn chia tay được gửi đi đồng loạt, tôi lại đeo kính, vác xe ra cổng trường, tiếp tục tuyển sinh đợt mới.
Hôm ấy, đang ngồi quán café, thấy em gái bàn đối diện xinh quá, tôi liền lân la làm quen, xin số điện thoại. Thế nhưng em này khá kiêu, ăn nói theo kiểu trịch thượng, khinh khỉnh, và số điện thoại thì dứt khoát không cho. Tôi quê quá, lủi thủi về bàn, gặm nhấm thứ cảm giác thất bại bẽ bàng nhưng cũng khá lạ lẫm này. Lúc em ấy đứng dậy đi về, tôi cũng đứng dậy theo và nhanh chóng chạy ra chỗ con SH của mình, đeo kính Rayban lên rồi nổ máy, rú ga ầm ĩ. Và qua thứ ánh sáng xanh đen huyền diệu của chiếc kính Rayban sành điệu, tôi thấy em gái xinh đẹp ấy, tự lúc nào, đã đừng bên tôi dịu dàng, đưa cho tôi một mẩu giấy, giọng nhẹ nhàng:
– Số điện thoại của em đây! Em đợi tin nhắn của anh đấy!
Vậy mới biết, SH và Rayban có sức mạnh khủng khiếp tới mức nào!
Nhưng có lẽ vì thế mà tôi thấy tình yêu với mấy cô ấy cứ hao hao giống nhau, và đều nhàn nhạt như nước ao. Cô nào thì cũng chỉ lên bar, lên sàn nhảy, lên siêu thị, lên shop, lên trung tâm mua sắm, và tất nhiên, là lên giường, chấm hết! Ở đời, cái gì đến từ trái tim, đến từ tấm lòng chân thành thì mới kéo dài, mới bền lâu mãi mãi, còn thứ mà mua được bằng tiền thì thường là đều có hạn sử dụng cả. Và cái tình yêu của tôi với mấy em ấy cũng thế, cũng mua bằng tiền, nên cũng có hạn sử dụng. Và hạn sử dụng thường rất ngắn, chỉ được khoảng một tuần, cùng lắm là nửa tháng. Và khi đã hết hạn thì phải chia tay, phải vứt cái tình yêu ấy vào thùng rác thôi.
Chán ngấy với kiểu tình yêu vật chất ấy, tôi quyết tâm đi tìm tình yêu đích thực cho mình. Mà muốn tìm được cô gái yêu tôi thật sự thì tôi phải tháo cái kính Rayban ra, để con SH ở nhà, mượn con Wave ghẻ của chú ba rồi đeo cái kính lão của bà già. Hi vọng là những thứ này sẽ giúp tôi tìm được một người con gái yêu tôi không vì tiền bạc.
Thế nhưng cái hi vọng đó đã bị dội một bô nước lạnh, bởi khi nhìn thấy bộ dạng quê kệch của tôi, thấy cái xe cũ kỹ, cái kính lỗi thời, gương mặt em gái xinh tươi mà tôi mới quen, mới lần đầu hò hẹn, đã hiện lên những lo lắng, hoang mang, thêm cả chút ngỡ ngàng:
– Sao anh lại đi xe số và đeo kính cận? SH và Rayban của anh đâu?
– Anh làm gì có SH với Rayban!
– Em thấy trên phây của anh đăng toàn ảnh anh ngồi SH, mắt đeo Rayban mà?
– À, là của thằng bạn! Anh mượn nó để chụp rồi up lên cho oách thôi mà!
– Nhưng em thấy anh ngồi SH và đeo Rayban đẹp hơn là đi Wave ghẻ và đeo loại kính rẻ tiền này đấy! Anh đổi xe, đổi kính đi!
– Anh làm gì có tiền? Hôm nay đi chơi với em còn phải mượn tiền để đổ xăng đấy! Giờ mình ra Bờ Hồ đi dạo cho mát em nhé!
Nói rồi, tôi leo lên con Wave ghẻ, nổ máy sẵn sàng. Nhưng em thì vẫn cứ lừng khừng, vẻ ngập ngừng...
– Lên xe nhanh đi em! – Tôi giục.
– Dạ thôi! Em đang bị cái mụn ở đít, không ngồi xe được!
– Sao em không nói sớm? Nếu em nói sớm thì anh sẽ để xe máy ở nhà, đi bộ qua đón em. Đỡ phải vay tiền mua xăng.
– Tại em tưởng anh đi SH. Nếu anh đi SH thì không sao, vì yên xe SH mềm, ngồi không đau!
Vậy là chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải xuống xe lụi cụi dắt bộ, em lủi thủi đi sau. Rồi em lấy điện thoại ra gọi cho ai đó, lấy cớ đi chậm dần, chậm dần, khiến khoảng cách giữa tôi với em ngày càng xa. Nhìn thế này, sẽ chẳng ai nghĩ là em đang đi cùng với tôi cả, bởi em giống như một tiểu thư điệu đà, quý phái, lụa là, còn tôi là thằng xe ôm, thằng đồng nát, thằng bả gà. Vì thế mà em cứ xa dần, xa dần, và rồi biến mất, tôi gọi thì điện thoại em tắt...
Dù thất bại đau đớn ở lần đầu tiên, nhưng tôi vẫn tin vào tình yêu đích thực, rằng trên đời này sẽ có một người con gái yêu tôi không vì chiếc xe, không vì cái kính. Giờ, để chắc ăn và đỡ mất thời gian, thì trước khi hẹn gặp một cô mới, tôi thường nói luôn là tôi đi xe số và đeo kính cận. Mười cô, sau khi nghe tôi nói câu đó, thì có tới bảy cô lấy lý do là bận, hai cô bảo rằng phải đi xin dấu trên quận, một cô chả nói gì, cứ thế im ỉm rồi lặn...
Trong lúc sự thất vọng và chán chường gần như đã tới mức cùng cực thì thật may mắn, người con gái tôi chờ đợi đã xuất hiện. Sau khi nghe tôi nói rằng tôi đi xe số và đeo kính cận thì cô gái ấy tỏ ra khá bực bội và tức giận:
– Anh nói vậy là xúc phạm em đấy! Em muốn làm bạn với anh là vì thấy anh tốt bụng, hiền lành, chứ đâu phải vì cái xe SH hay vì cặp kính mắt hàng hiệu đâu!
Tôi mừng muốn rơi nước mắt khi đọc được những lời em viết. Quả thật, em là một cô gái rất đặc biệt, không giống như bất kì một cô gái nào mà tôi đã từng quen biết. Em giản dị, dễ gần, vô tư, hồn nhiên, thân thiện. Nhìn thấy quả kính cận của tôi, em khen kính dày và nặng; ngồi trên con Wave ghẻ của tôi, em khen máy nổ to và nhiều khói. Tôi vui lắm, vui vì em không coi thường cái xe, không dè bỉu cái kính, vui vì em cho tôi hiểu rằng, em thích tôi vì chính bản thân tôi chứ không vì những gì phù phiếm, xa xôi.
Nhưng tôi vẫn muốn thử lòng em thêm một chút, vậy là đang đi, tôi cho xe chạy chậm lại, rồi giả vờ là xe chết máy, phải dắt bộ. Tôi thực sự muốn xem thái độ của em ra sao, liệu em có giống như cô gái trước, giả vờ nghe điện thoại, rồi đi tụt lại đằng sau, rồi lặn mất tăm không kịp chào nhau?
Và đúng là em đã không làm tôi thất vọng: em luôn đi sát bên tôi, trò chuyện líu lo giúp tôi quên đi mệt nhọc; em còn nhiệt tình đẩy xe cho tôi mỗi khi tới đoạn lên dốc hoặc qua những chỗ gồ ghề đá hộc. Tôi thấy trên trán, trên má, và trên sống mũi thanh thanh của em lăn tăn những giọt mồ hôi long lanh. Thứ mà tôi cũng đã từng thấy ở những cô gái trước đó, nhưng chỉ là khi ở trên giường, chứ còn ở trên đường, thì chỉ với em tôi mới thấy.
Biết em đi bộ và đẩy xe giúp tôi rất mệt nên tôi mời em vào quán café uống nước, nghỉ chân. Nhưng em lắc đầu nguầy nguậy, rồi nhỏ nhẹ phân trần:
– Vào mấy quán sang trọng ấy làm gì cho tốn tiền hả anh? Mình ra chỗ vỉa hè kia uống nước mía là được rồi!
Ôi trời ơi! Sao em lại đáng yêu và tuyệt vời đến thế?! Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp em, và chắc chắn một điều rằng, tôi sẽ làm tất cả để giữ em lại bên mình, để không vuột mất em, để em không tuột khỏi tay mình.
Đang rít nước mía ngon lành, chợt tôi giật nảy mình hốt hoảng khi thấy đầu ngón chân cái của em đang bị thương, rướm máu. Máu chảy thành vệt, loang cả xuống bàn chân em thon nhỏ, xinh xinh.
– Trời ơi! Chân em làm sao thế hả?
– Không sao đâu anh! Chắc vừa rồi đẩy xe, em không để ý nên vấp phải mảnh kính thôi!
– Ngồi yên đó! Đợi anh!
Dứt lời, tôi đứng vụt dậy rồi chạy bộ băng qua đường, lao về phía hiệu thuốc ở chỗ ngã tư cuối phố để mua bông băng và dung dịch sát trùng. Chưa một cô gái nào bị thương mà khiến tôi xót xa đến thế, xót xa giống như máu đang chảy ra từ chính bàn chân tôi, từ chính con tim tôi vậy.
Cầm túi bông băng và thuốc trên tay, tôi lại hùng hục chạy về chỗ quán nước mía. Nhưng rồi tôi khựng lại và ngơ ngác. Cái bàn mà tôi và em vừa ngồi đây, hai cốc nước mía uống dở vẫn còn đây, nhưng không thấy em đâu, và cũng không thấy cái xe Wave ghẻ của tôi đâu, chỉ thấy một mẩu giấy viết vội để lại trên bàn:
"Anh à! Xin lỗi anh vì đã lấy chiếc xe của anh! Em cũng đã định không lấy, vì cái xe ấy nát quá, bán đi chắc cũng chỉ được hai ba triệu bạc, mang tiếng ra! Nhưng tại em đang bí tiền quá nên đành lấy tạm! Em sẽ bán xe và mang tiền đi phang lô. Nếu trúng, em sẽ gửi trả lại tiền gốc cho anh, còn nếu không thấy em trả lại thì tức là em đã tạch lô. Anh chịu khó đi bộ về nhé! Nếu có vấp mảnh kiếng mà chảy máu chân thì cứ lấy chỗ thuốc và bông băng đó mà dùng anh ạ!
P/s: Em trả tiền nước mía rồi! Anh đừng trả nữa nhé! Cái thằng chủ quán đó mất dạy lắm, dù em trả rồi nhưng nếu anh trả nữa thì nó vẫn lấy đấy! Nhiều lần rồi, nên em biết mà!"
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
BẠC PHẬN
Từ lúc chào đời, nó đã cảm nhận được sự thua thiệt và thiếu may mắn của mình. Mẹ sinh nó cùng lúc với 5 anh chị em, ai cũng trắng, cũng xinh xắn, đáng yêu, chỉ có mình nó là đen thui, còi cạch, lại còn bị mấy cái mụn ghẻ mọc chi chít thành từng khoang loang lổ. Và cũng vì còi cạch và yếu ớt nên khi bú, những cái vú to, căng, nhiều sữa đều bị các anh chị to khỏe của nó tranh mất
, nhường lại cho nó mấy cái vú bé tẹo, tong teo, bú rát cả lưỡi mới nhỏ ra được vài giọt sữa loãng toẹt, nhạt thệch. Chỉ đến khi các anh chị đã no nê, phưỡn phệ thì nó mới được ngậm vào những cái vú to ấy. Là ngậm cho biết cảm giác thôi, chứ khi mà anh chị nó đã nhả ra rồi thì những cái vú ấy chẳng khác gì những quả bóng bay bị xịt hơi: nhão nhoẹt và lép kẹp!
Rồi cũng đến ngày khách mua tới ngắm nghía, vuốt ve, săm soi, chọn một con mà khách ưng ý nhất trong đàn để mang đi. Hầu như khách chọn đều dựa trên các tiêu chuẩn như khỏe mạnh, bụ bẫm, lông trắng mượt, lưỡi đốm, chân huyền đề. Và vì vậy, trong khi các anh chị nó ra sức nhảy nhót, tạo dáng, ưỡn ẹo thể hiện để mong lọt vào mắt xanh của những khách mua giàu sang thì nó chỉ nằm im một chỗ. Vì nó biết, có cố làm theo như các anh chị ấy cũng vô ích, bởi nó chẳng đáp ứng được bất kỳ tiêu chuẩn nào mà khách yêu cầu cả. Ngược lại, nó mà đứng lên, mà múa may, ngúng nguẩy, là y như rằng mấy sợi lông ở chỗ mấy cái khoang ghẻ lở loang lổ ấy lại rụng ra tơi tả.
Và vì vậy, cả đàn người ta đã mua gần hết, giờ chỉ còn sót lại nó và một chị nữa. Chắc là chị ấy cũng sắp được về với chủ mới rồi, bởi nó nghe phong thanh rằng sáng mai lại có người đến xem chó.
Quả đúng vậy. Vị khách lần này là một người đàn ông trung niên, ăn mặc tuềnh toàng, mái tóc bù xù, bộ ria mép lâu ngày không được tót tỉa khiến khuôn mặt lão nhìn khá dữ tợn. Kệ! Nó cũng chẳng quan tâm, bởi ông ta giàu hay nghèo, lành hay dữ thì cũng là cái phúc, cái họa của chị nó chứ có liên quan gì đến nó đâu mà nó phải thừa hơi để ý.
Thế nhưng không, gã đó lại nhìn chằm chặp vào nó, nhẹ nhàng đưa tay vuốt vuốt mấy sợi lông lòa xòa trên lưng nó...
– Sao anh không chọn con trắng kia? Nó nhanh, bụ bẫm và khôn hơn nhiều đấy!
– Tôi đi xem, thầy bảo tôi phải nuôi chó đen thì mới hợp, mới ăn lên làm ra! Mà sao con này lại ghẻ gúm, lông rụng tùm lum vậy?
– Lông rụng sẽ mọc lại, ghẻ thì tắm vài bận là hết! Nếu anh ưng con ấy, tôi bớt cho anh nửa giá!
Cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng. Giờ nó đã thuộc về người đàn ông có khuôn mặt dữ dằn, thô kệch ấy. Thôi thì làm kiếp chó, nó đâu có quyền chọn chủ. Nếu số may, số đỏ, gặp được người tử tế thì người ta cho ăn, cho uống, cho tắm rửa đàng hoàng. Còn nếu bạc phận mà rơi vào tay cái ngữ ất ơ, nghèo mạt, nó bỏ đói, bỏ rét, rồi ngứa mắt là nó đá, nó vụt, thì cũng phải chịu. Cái này chả ai biết trước được, nó giống như đánh bạc, giống như đàn bà lấy chồng, đàn ông lấy vợ vậy!
Mấy ngày đầu, sợ nó lạ nhà bỏ đi, nên ông chủ xích nó vào gốc cây cau, gần ngay cổng ra vào. Phải mất non một tuần, khi thấy nó đã quen nhà, quen người, ông chủ mới tháo xích thả nó ra. Đến bữa, hoặc là ông ấy, hoặc là con gái ông ấy mang cơm đổ vào cái tô ở góc sân cho nó. Cô con gái của ông chủ có vẻ khó gần, bởi từ lúc nó về, chửa lần nào cô ấy chạm vào người nó chứ chưa nói gì đến vuốt ve, cưng nựng. Không hiểu là tính cách của cô ấy như thế, hay vì cô ấy sợ mấy cái mụn ghẻ lở, bong tróc trên người nó?
Nhưng rồi cũng đến ngày nó chiếm được cảm tình của cô chủ. Ấy là cái lần mà không hiểu buồn chuyện gì, ông chủ nó bày mâm, trải chiếu giữa nhà, ngồi tu rượu ừng ực một mình. Trên mâm đặt một đĩa thịt vịt đầy ú ụ. Nó nhìn đĩa thịt vịt mà mồm há ra hông hốc, nước dãi chảy tong tong. Có đôi lúc cơn thèm trỗi dậy, nó định nhảy bừa vào mâm ngoạm lấy vài miếng rồi chạy ra góc sân ăn cho đã. Nhưng nhìn bộ mặt dữ tợn của ông chủ, nó lại thấy chùn, đành ngoan ngoãn chầu bên cạnh chiếu, ngóng vào đĩa thịt, rồi lại ngóng vào cái mồm bóng nhẫy, nhồm nhoàm với hi vọng lão chủ tham ăn ấy sẽ nhằn ra một mẩu xương, một miếng da, quăng ra cho nó.
Nhưng không, lão ấy nhai rau ráu cả xương, chẳng chìa ra tí nào. Cứ mỗi lần cho miếng thịt vào mồm là lại một lần lão cầm cái cốc rượu, ngửa cổ lên và nốc cạn. Cái can rượu đã vơi đi hơn nửa, đĩa thịt cũng vậy, ngày càng ít dần, chỉ có sự sốt ruột và thèm thuồng của nó là vẫn liên tục đầy lên.
Bỗng nó nghe cái "Xoảng!", ông chủ của nó mềm nhũn rồi đổ vật xuống chiếu, mắt nhắm nghiền, mồm lè nhè, làu bàu mấy câu gì đó rồi im bặt. "Cơ hội đến rồi!" – Nó nghĩ vậy và lập tức nhào tới chỗ đĩa thịt vịt. Đáng ra, nó phải ăn tơm tớp cho đã cơm thèm, cho bõ công chầu chực nãy giờ, nhưng nó chợt khựng lại. Nó đang sợ! Không phải nó sợ ông chủ, bởi ông ấy bất tỉnh rồi, làm sao đánh nó được?! Nó cũng không sợ cô chủ, bởi cô ấy không có nhà nên chẳng thể biết việc nó ăn vụng. Thứ nó sợ ở đây chính là đĩa thịt vịt. Ai dám chắc rằng ông chủ nó gục xuống bất tỉnh là vì rượu? Nhỡ đâu, lý do ông ấy gục xuống lại là từ đĩa thịt vịt, rằng trong thịt vịt có độc? Nếu đúng vậy mà giờ nó xơi hết chỗ thịt vịt này thì có phải nó sẽ chết chung với lão chủ tham ăn hay sao?
Vậy là nó cứ ngồi ngây ra đó ngẫm ngợi, băn khoăn, nửa sợ chết, nửa thèm ăn. Đúng lúc ấy thì cô chủ về. Thấy bố nằm lăn trên đất bất tỉnh, cô chủ cuống cuồng vực bố lên giường, lấy khăn ướt lau mặt, pha nước chanh cho bố...
Chiều hôm ấy, trong tô cơm mà cô chủ đơm cho nó có mấy miếng cổ cánh vịt thơm phức, cả miếng phao câu, mấy miếng nhiều da, nhầy nhầy mỡ là cô cũng quẳng vào tô cho nó. Vừa nhìn nó ăn, cô vừa vuốt ve bộ lông của nó lờm xờm rồi khoe với ông chủ:
– Con chó nhà mình ngoan lắm đấy bố! Trưa nay bố say rượu gục xuống chiếu mà nó không hề ăn vụng, lại còn đứng canh gác đĩa thịt, không để cho bọn mèo, bọn gà vào làm bậy!
Nó chẳng hiểu cô chủ nói gì, nhưng nó thấy vui vì được ăn ngon, và vì cô chủ đã yêu quý nó nhiều hơn.
Đêm hôm đó, bởi được ăn ngon và no, nên nó ngủ say lắm! Bỗng nó giật mình bừng tỉnh khi nghe tiếng ông chủ từ trong nhà kêu thất thanh: "Trộm! Trộm...!". Liền sau đó là tiếng đạp cửa nghe đánh "Phành!", một bóng đen lao vụt ra, và gần như tức thì, một bóng đen khác cũng lao theo. Nó lúc đó đang nằm ở gần cổng, thấy vậy thì biết là có chuyện rồi. Dù chưa rõ chuyện gì nhưng sao nó thấy sợ và run rẩy vô cùng. Trong cái lúc hỗn loạn, cái lúc mà còn chưa rõ là phúc hay họa thế này thì cứ trốn đi là lành nhất. Nghĩ thế, nó chạy vù ngang qua ngõ, men theo mép thềm để leo lên góc hiên nhà, bởi khi không thể vào được trong nhà thì góc hiên hẳn là nơi an toàn nhất dành cho nó.
Thế nhưng lúc nó leo lên thềm cũng đúng là khi cái bóng đen chồm tới. "Uỵch!!!", cái bóng đen vấp vào nó rồi đá nó văng đi, lăn mấy vòng ra tận góc sân. Nó thấy đau nhói và tức ngực vô cùng, rú lên từng hồi ăng ẳng, giọng sủa lạc đi, thảm thiết. Cái bóng đen ấy cũng chẳng khá hơn, loạng choạng, liểng xiểng rồi cũng bổ nhoài ra đất. Trong tích tắc, cái bóng đen thứ hai nhào đến, rồi vật lộn, rồi hô hào, rồi mấy người hàng xóm xung quanh ập đến...
Hôm sau, chẳng hiểu sao, nó lại được ăn một bát cơm đầy ú với toàn là thịt, rau, tôm, cá, thứ nào cũng béo ngậy, ngon lành. Lần này thì đến lượt ông chủ vuốt ve nó, giọng trìu mến:
– Giỏi lắm! Thưởng cho mày đấy! Ăn đi! Không có mày trợ giúp thì chắc đêm qua tao đã để thằng trộm nó xổng mất rồi!
Nó chẳng hiểu ông chủ nói gì, nhưng nó thấy vui vì được ăn ngon, và vì ông chủ đã yêu quý nó nhiều hơn.
Dù ăn ngon, nhưng độ này, nó ngủ không ngon. Bởi có một con rắn hổ mang sống trong hốc cây dừa nơi đầu nhà, cứ nửa đêm lại bò ra sột soạt, rồi phùng mang lên, thổi phì phì. Nó sợ lắm, không dám ngủ, bởi nhỡ đâu, trong lúc nó ngủ say, con rắn gớm ghiếc ấy sẽ trườn tới, bổ một nhát vào cổ nó, thế thì chết chắc! Và cũng vì sợ nên nó cứ ngỏng mõm ra chỗ cây dừa ấy sủa ầm ĩ, liên hồi, đến nỗi ông chủ nó phải tỉnh giấc mấy lần, quát nó cũng mấy lần, nhưng nó vẫn không im. Liên tục mấy đêm như thế, nó thấy rất mệt mỏi và căng thẳng. Ông chủ nó cũng vậy, vẻ mặt ông thất thần và sự lo lắng thì lộ rõ.
Rồi nó thấy ông chủ đưa về một lão thầy pháp, sắp một mâm đầy rượu thịt, hoa quả, tiền vàng ở ngay gần gốc dừa, rồi nghi ngút khói hương, sì sụp khấn vái. Xong xuôi, lão thầy pháp đưa cho ông chủ nó mấy lá bùa, dặn là dán ở bốn góc nhà. Ông chủ nó nghe vậy thì "vâng dạ" răm rắp, nhưng giọng vẫn chưa hết hoang mang:
– Vậy còn cái vong ở gốc dừa đó thì sao hả thầy?
– Tôi đã đuổi nó đi rồi! Là vong nữ trẻ, ám ở đó đã khá lâu! May mà con chó nhà anh nó phát hiện ra nên anh mới biết mà đuổi sớm, chứ nếu cứ để vong quanh quẩn ở đấy thì sẽ nhiều phiền phức lắm!
Nó chẳng hiểu ông chủ và lão thầy đó nói gì, nhưng nó thấy vui vì hôm ấy nó lại được ăn ngon, và vì ông chủ ngày càng yêu quý nó nhiều hơn.
Cũng từ cái hôm cúng bái ấy, con rắn hổ mang đã không trú trong hốc dừa nữa mà lại trườn vào vườn khoai lang um tùm để ẩn náu. Vậy nhưng thỉnh thoảng, nó vẫn nghe thấy tiếng con rắn ấy phì phì, và lần nào cái thứ âm thanh ấy cũng khiến nó sợ chết khiếp.
Sáng nay, ông chủ ra vườn làm cỏ. Nó cũng lăng xăng chạy theo, rồi đùa nghịch, luồn lách, chui qua chui lại giữa mấy luống khoai lang xanh rờn, rậm rạp. Bỗng nhiên, nó giật mình chững lại, bởi hình như nó vừa nghe thấy tiếng con rắn ấy phì phì. Đúng thật, từ phía góc vườn, con rắn bóng nhẫy đang chầm chậm trườn dọc theo luống khoai, cổ nó bạnh ra, cái lưỡi thè lè, ẩn hiện liến thoắng giữa hai cái răng dài, nhọn hoắt và trắng ởn...
Nó lùi lại và sủa lên cuống quýt. Thấy vậy, ông chủ quay ra nhìn nó với ánh mắt khá bình thản xen lẫn chút khó hiểu. Hình như, ông ấy không hề biết rằng mối nguy hiểm đang đến rất gần. Con rắn thì đang dần tăng tốc, rồi lao tới thoăn thoắt. Dường như, mục tiêu của con rắn không phải là nó mà lại là ông chủ.
"Không thể để con rắn tấn công ông chủ được! Ông chủ rất yêu thương, chiều chuộng mình, cho mình ăn ngon, ăn đủ. Giờ ông ấy đang gặp nguy hiểm, mình sao có thể đứng nhìn?". Nghĩ vậy, nó tru lên thành tràng, hai bên mép hếch lên, gừm gừm, hai hàm răng nhe ra dữ tợn. Con rắn lúc này chỉ còn cách ông chủ một bước chân nữa thôi. Cái cổ bành ra của con vật gớm ghiếc ấy đã ngả về phía sau lấy đà, sẵn sàng bập hai cái răng sắc như đinh vào chân ông chủ nó. Không chần chừ được nữa, nó chồm vút tới, nhằm thẳng đầu con rắn mà ngoạm một miếng thật lực.
Phập! Trúng rồi! Nó dùng hết sức nghiến hai hàm răng vào nhau thật chặt, như thể muốn nhằn nát đầu con rắn. Nhưng hình như có gì không ổn, bởi nó thấy con rắn đã nhanh như cắt lách mình qua luống khoai rồi trườn về phía hốc dừa. Vậy cái mà nó đang ngoạm trong mồm là cái gì nếu không phải là đầu con rắn? Còn đang loay hoay tìm câu trả lời thì nó đã nghe tiếng ông chủ rú lên đau đớn. Hóa ra, nó đã tớp hụt con rắn, và thứ mà nó day nghiến nãy giờ là cái gót chân của ông chủ nó...
Có vẻ ông chủ đã hiểu được tấm lòng của nó thì phải, bởi ngay trưa hôm ấy, ông lại cho nó ăn rất ngon với một tô cơm đầy ú cùng rất nhiều cá thịt. Nhưng lần này, không chỉ có mình ông mà còn có thêm một người lạ mặt nữa...
– Khiếp! Ông anh cho ăn no thế, lát cân lên thì...
– Bảo chú mua vo đi thì không chịu, cứ thích tính theo cân. Theo cân thì anh phải cho ăn no chứ!
– Mà sao đột nhiên lại bán vậy anh? Em thấy anh cưng nó lắm cơ mà?
– Nó có dấu hiệu thần kinh rồi chú ạ! Sáng nay, tự nhiên nó sủa nhặng lên rồi đớp anh một miếng vào chân sâu hoắm! Không bán đi, nó cắn chết mình lúc nào chẳng hay!
Thế rồi, cái kẻ lạ mặt ấy vung cái thòng lọng lên, quàng vào cổ nó và siết chặt. Nó chẳng hiểu ông chủ và kẻ lạ mặt đó nói gì, nhưng nó thấy khó thở, nghẹn ứ, đau thắt ở cổ, và thấy mình bị lôi đi xềnh xệch...
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro