TỔNG HỢP PHẦN VII
ĐỘNG ĐẤT
Trong giờ làm việc, khi mà mấy anh em cùng phòng đang túm tụm lại ở bàn của tôi để xem phim thì tự nhiên cái màn hình máy tính rung lên bần bật. Tất cả đều lắc đầu, nhìn nhau thán phục:
– Tiên sư bố thằng Tây, khỏe thế! Rung cả màn máy tính!
Thế nhưng ngay sau đó, mấy cái ly thủy tinh cũng va vào nhau leng keng, rồi cái lọ hoa trên bàn lắc lư, nghiêng ngả, đổ kềnh, lăn xuống nền nhà vỡ choang. Thằng Toàn dê thấy vậy thì hét lên:
– Không phải tại thằng Tây đâu! Động đất! Động đất đấy! Chạy mau!
Tức thì, toàn bộ anh em cuống cuồng túa ra ngoài, hệt như lũ chuột đồng hốt hoảng khi nước đổ ải đang dâng mấp mé cửa hang. Không chỉ cơ quan tôi, không chỉ tòa nhà tôi mà nguyên cả dãy, nguyên cả ngõ xung quanh, tất cả đều tràn ra đường, đứng ngồi lổm nhổm trên vỉa hè, mặt mày ai nấy đều ít nhiều lo lắng.
Chưa bao giờ tôi được chứng kiến ở ngoài đường một khung cảnh hỗn loạn và thú vị như vậy. Chỗ này là mấy anh mặc vest lịch lãm như đa cấp đang đứng phân tích về nguyên lý và quy luật hoạt động của động đất. Một anh đeo cà vạt đỏ vừa múa tay vừa hùng hồn khẳng định rằng trận động đất này phải mạnh 69 độ hít-le là ít. Các anh khác thì người bảo hơn, kẻ bảo kém, khiến không khí tranh luận sôi nổi như ở một hội nghị thượng đỉnh dành cho các lãnh đạo cấp cao để bàn về nguy cơ sâu răng đối với những người có vợ hoặc chồng bị mắc bệnh tiểu đường. Chỗ nữa là mấy cụ đang say sưa kể lại quá trình thoát hiểm không tưởng vừa mới đây của mình, hệt như một cuộc họp của câu lạc bộ những người cao tuổi. Chỗ khác lại là mấy chị em mặc độc đồ lót (chắc đang thử đồ ở cửa hàng đồ lót bên đường, thấy động đất thì không kịp mặc quần áo dài, cứ vậy đạp cửa phi ra). Trên những bộ đồ lót mà các chị ấy đang mặc vẫn còn lủng lẳng tem mác với thương hiệu Chai Ùm, Mết in Chai Nơ. Chị nào chị nấy đều mặt đỏ bừng bừng, đứng nép vào nhau ngại ngùng, khiến người ta ngỡ rằng mình đang được tham dự một buổi tuyển vợ Việt Nam của mấy lão già Hàn Quốc.
Và đặc biệt, khuất sau gốc cây, là mấy đôi trai gái có vẻ như không mặc gì, chỉ đang quấn tạm chiếc chăn mỏng trên người, chắc vừa chạy từ cái nhà nghỉ trong ngõ kia ra. Có anh trên tay vẫn còn đang giữ khư khư cái bao cao su xé dở, đầu bao thò ra hơn nửa; có anh thì chỉ thấy cầm cái vỏ bao không mà không thấy bao đâu, có lẽ cái bao đang giắt ở chỗ nào đó bên trong mấy cái chăn đang quấn kia chăng? Nhìn đám người này, tôi có cảm giác như mình lạc vào một phòng tắm xông hơi dùng chung cho cả nam và nữ. Chỉ có điều, ở phòng tắm xông hơi thì mặt mũi ai nấy cũng thỏa thuê, đê mê, còn mặt mũi của mấy anh chị quấn chăn này chỉ thấy vẻ hốt hoảng, bực tức và ấm ức. Các cụ có câu: "Giời đánh tránh bữa ăn", nhưng quả thực, bị đánh lúc đang ăn vẫn còn sướng gấp vạn lần là bị đánh khi mà bao đang xé dở, và đầu bao mới thò ra ngoài hơn nửa.
Khoảng nửa tiếng sau, khi thấy tình hình có vẻ yên, nhiều người đã lục tục quay trở vào tiếp tục công việc dang dở của mình. Nhóm gan dạ nhất, tức là nhóm dám quay vào sớm nhất, chính là mấy anh chị quấn chăn, tiếp sau đó là nhóm các chị mặc Chai Ùm, rồi tới các anh đa cấp, rồi đến những cụ già. Cuối cùng, hóa ra mấy anh em phòng tôi lại là những người nhát gan nhất, bởi thằng nào cũng ngập ngừng, không muốn trở về phòng.
Lý do thật thì ai cũng biết, rằng chả mấy khi đang giờ làm việc lại được chạy ra ngoài đường hóng gió và chém gió vui vẻ thế này, giờ mà lại chui vào cái phòng ngột ngạt đó, ngồi vào mấy cái bàn ngổn ngang, bừa bộn đó thì thật là chán vô cùng. Nhưng cái lý do thật ấy không thể lấy ra dùng được mà cần phải tìm ra một lý do khác chính đáng, thuyết phục và có trách nhiệm hơn.
Và có vẻ như thằng Toàn dê đã tìm ra cái lý do thuyết phục ấy rồi thì phải, nên nó cất giọng rất tự tin và chậm rãi:
– Động đất khó lường lắm! Có thể vừa rồi chỉ là khúc khởi động, dạo đầu để chuẩn bị cho một đợt rung động cao trào và lên đỉnh thì sao? Nếu đúng vậy mà chúng ta quay về phòng bây giờ thì có phải là tất cả sẽ chết oan uổng không? Nếu chúng ta chết, nếu mất đi những nhân tài này thì cơ quan ta sẽ ra sao? Không thể để chuyện đó xảy ra được!
– Đúng thế! Làm cả đời chứ có phải làm một ngày đâu. Chúng ta không nên mạo hiểm!
Vậy là sau một hồi bàn bạc, thảo luận thẳng thắn trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của các bên, cuối cùng, chúng tôi quyết định không quay lại phòng làm việc nữa mà sẽ tìm một chỗ nào đó thật an toàn để tránh động đất. Nơi an toàn mà chúng tôi chọn chính là quán bia gần cơ quan tôi. Cũng không hiểu sao tất cả đều đồng ý rằng đó chính là nơi an toàn nhất mặc dù chưa hề có một nghiên cứu khoa học hay khảo sát chính thức nào kết luận rằng khi động đất người ta nên chạy vào ẩn náu ở quán bia. Nhưng kệ, có những lúc niềm tin và sự mách bảo của bản thân mình còn quan trọng hơn bất kì một kết luận hay một nghiên cứu khoa học nào.
Chúng tôi lánh nạn ở đó đến 5 giờ chiều, khi mà mặt thằng nào cũng đỏ bừng, bụng thằng nào cũng căng tròn vì bia, mắt đờ đi, giọng díu lại, chân tay mềm nhũn, khi mà trên bàn và dưới đất ngổn ngang, la liệt cốc chén, bát đũa, đồ ăn, vỏ chai các loại thì cả lũ mới chịu rời quán bia và chuyển sang lánh nạn tiếp ở quán karaoke. Bởi vậy, lúc tôi lê được cái xác về đến nhà thì đã là gần 11 giờ đêm. Hì hục mãi mới mở được khóa, vừa đẩy cửa bước vào nhà, tôi bất ngờ nghe tiếng loảng xoảng của mâm bát, rồi vèo vèo một cái xoong bay ngang trên đầu. Hoảng quá, tôi nép sát vào tường, ôm chặt đầu, co rúm lại rồi la lên thất thanh:
– Động đất! Lại động đất nữa rồi!
Thế nhưng cơn động đất này rất lạ, bởi ngoài tiếng bát đĩa rơi vỡ, tiếng đồ đạc loảng xoảng, tôi còn nghe rất rõ tiếng vợ tôi đang gào thét giận dữ:
– Anh đi đâu mà giờ này mới thèm vác mặt về nhà hả? Đi luôn đi! Đừng về đây nữa! Cút!
Tôi nhắm tịt mắt lại, tay che đầu, người run rẩy hứng chịu cơn địa chấn. Rồi khi mọi thứ yên lại, khi cơn cuồng nộ qua đi, tôi mở mắt ra thì đã thấy mình đang đứng ở ngoài đường, bên cạnh là mấy bộ quần áo được gói vào một cái túi bóng đen, loại túi to chuyên để đựng rác. Thôi, đêm nay phải ngủ ở ngoài rồi, đợi mai vợ nguôi giận rồi quay về quỳ xuống xin lỗi vợ sau. Tôi lấy ví ra kiểm lại tiền. Chết cha, hôm nay ăn chơi kinh quá, giờ còn có hơn 5 chục nghìn, làm sao đủ tiền thuê nhà nghỉ qua đêm?! Đành gọi điện xin qua nhà thằng Toàn dê xin ngủ nhờ vậy...
– Alo! Toàn dê hả! Anh đây!
– Ơ anh! Em đang định gọi cho anh thì lại thấy anh gọi!
– Gọi cho anh có việc gì?
– Em định xin qua nhà anh ngủ nhờ! Bên em động đất to quá anh ạ!
– Động đất cái con khỉ! Lại bị vợ đuổi ra khỏi nhà hả?
– Dạ vâng! Sao anh biết ạ?
– Cậu là cái thằng sợ vợ nhất công ty, anh còn lạ gì! Cậu qua nhà anh ngủ thì vui thôi, nhưng anh không thích vợ anh nó biết việc cậu bị vợ đuổi ra khỏi nhà lúc nửa đêm, rồi vợ anh nó sẽ khinh cậu cho mà xem!
– Vậy em biết ngủ ở đâu bây giờ?
– Thôi được, anh sẽ ra ngoài thuê phòng ngủ cùng với cậu cho vui vậy!
– Nửa đêm rồi mà anh dám bỏ nhà ra ngoài ngủ sao? Không sợ vợ anh ý kiến à?
– Đứa nào dám ý kiến? Ý kiến anh vả vỡ mồm! Mà cậu còn bao nhiêu tiền trong ví đấy?
– Dạ, còn hơn một trăm ạ!
– Tốt! Hai anh em mình góp lại là đủ tiền thuê phòng rồi! Đợi nhé! Anh tới ngay đây!
Tôi xách túi quần áo lên và đi! Bóng tôi vội vã, xiêu vẹo và đổ dài theo ánh đèn đêm vàng vọt, nhạt nhòa. Thôi, thế cũng là may mắn, có được cái chỗ tử tế mà lánh nạn qua đêm nay rồi...
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
THẰNG THẦN LỌ
Nửa đêm, vắng hắt hiu, hai bên đường gật gù những thân cây khẳng khiu, trồi lên từ những lùm cỏ dại chằng chịt, rậm um tùm. Một chiếc xe máy loạng choạng phóng tới. Có vẻ như người điều khiển chiếc xe này đang say rượu thì phải, bởi tay lái hắn khá xiêu vẹo, ngoằn ngoèo.
Và rồi cái xe đó đổ kềnh ra vệ đường, hất văng cái gã say rượu vào chỗ mấy bụi cây rậm rạp ấy. Gã lồm cồm chực bò dậy, nhưng cơn say lại kéo bệt hắn xuống, và rồi hắn nằm im, ngáy khò khò.
Sáng hôm sau, hắn mở mắt tỉnh giấc bởi những tia nắng sớm lung linh, nhảy múa trên cành, tinh nghịch xuyên qua kẽ lá, rọi vào mặt hắn chói lóa. Và còn bởi ở phía vườn cây cách đó không xa, mấy con chim chích chòe hoa tự lúc nào đã ầm ĩ nhảy múa, hát ca. Chỉ có cảnh vật thì vẫn vắng vẻ, buồn tẻ, chẳng khác gì đêm qua.
Hắn thấy toàn thân mỏi và đau ê ẩm, có lẽ tại men rượu, và tại cú ngã đêm qua. Hắn xoay người định chồm dậy thì chợt khựng lại, bởi tay hắn chạm phải vật gì đó là lạ. Hắn cầm lên xem. À! Thì ra là một cái lọ, chính xác hơn là một cái lọ cổ. "Sao ở trong bụi rậm lại có cái lọ này nhỉ? – Hắn tự hỏi rồi đưa cái lọ ra trước mặt săm soi. Cái lọ không to lắm, chỉ bằng quả dưa leo, dài dài, cong cong, đầu lọ hơi phình ra, phía dưới cuống lọ lồi lên hai cái cục hình bầu dục to bằng hai quả trứng chim cút lộn.
Hắn tò mò mở nắp lọ ra rồi xóc xóc. Được một lát, cái lọ run lên bần bật rồi từ đầu lọ phụt ra một luồng khí trắng. Luồng khí ấy tạo thành một đám khói màu nước gạo nhàn nhạt. Khi đám khói nhạt ấy tan đi, hắn thấy trước mắt mình hiện ra một sinh vật khá cổ quái và kỳ dị: mắt nó to như quả thị, hai bên hàm bạnh ra như đang bị bệnh quai bị, thân hình khắc khổ, gầy gò như thằng kiết lỵ, cái mặt nó lại đần đần, hệt như mặt đứa trẻ con lúc đang rặn ị. Dù rất hoảng loạn nhưng hắn vẫn cố lấy hết can đảm, mở giọng lắp bắp:
– Mày... mày là ai?
– Con là thần lọ, bị nhốt trong cái lọ này đã mấy trăm năm. Nay may mắn được ân nhân xóc lọ giải thoát, xin ngàn lần đội ơn ân nhân!
– Thần lọ à? Tao đọc truyện chỉ thấy nói đến thần đèn, chứ thần lọ thì tao chưa bao giờ nghe thấy.
– Dạ! Thần đèn là thần chui vào cái đèn, còn con chui vào lọ thì là thần lọ thôi!
– Ừ! Thôi, thần nào cũng được, nhưng mày có cho tao 3 điều ước giống như trong truyện không?
– Có chứ! Ân nhân muốn gì xin cứ nói, nhưng nhớ là chỉ 3 điều thôi nhé!
Hắn đưa tay lên trán ngẫm ngợi, đăm chiêu. Ngẫm ngợi là phải, chả mấy khi được ước, phải ước cái gì cho nó đáng chứ. Chợt hắn nhìn thấy con Wave ghẻ của mình nằm chỏng chơ, ngoẹo cổ bên vệ đường, cái vành cong lên, cái yếm vỡ tan, cái đèn cũng nát...
– Tao muốn Miệt Sa Đéc!
– Dạ? Ân nhân nói gì con không hiểu. Có phải ân nhân muốn về thăm miệt vườn Sa Đéc ở Đồng Tháp?
– Không phải! Tao muốn ô tô Miệt Sa Đéc!
– À, hiểu rồi! Là Mercedes! Có ngay đây! Đời mới nhất nhé!
Dứt lời, thần lọ vẩy vẩy tay, một chiếc Mercedes 4 chỗ cáu cạnh hiện ra. Rồi thần lọ lại hỏi:
– Ân nhân có bằng lái ô tô chưa?
– Tao chưa! Bằng xe máy còn chưa có nữa là bằng ô tô!
– Vậy ước có bằng lái ô tô luôn nhé?
– Ừ! Thì đành phải thế thôi, chứ không có bằng mà ra đường cho công an họ xích xe à!
Thần lọ lại vẩy vẩy tay, cái bằng lái ô tô hiện ra.
– Đây! Bằng của ân nhân đây! Bằng giỏi, ép plastic luôn rồi nhé! Còn điều ước cuối cùng, ân nhân nói luôn đi để con còn đi chơi!
– Cuối tháng này tao sẽ thi công chức vào cục thuế. Mày hãy cho tao thi đỗ nhé!
Thần lọ nghe vậy thì không vẩy vẩy tay nữa mà cúi xuống với tay nhặt cái lọ dưới đất lên, đưa cho ân nhân, giọng buồn bã:
– Đây! Ân nhân cứ việc nhét con vào lại cái lọ này, đậy nắp, rồi vứt trả về chỗ cũ. Chứ cái việc mà ân nhân vừa yêu cầu thì quả thực là quá sức con, con không làm nổi! Nói thật, nếu con mà làm được thì con đã thi vào cục thuế lâu rồi, việc quái gì phải làm cái thằng thần lọ để cho người ta sai khiến chứ!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
AI-PHÔN ĐÀ PHẬT!
Chùa Áp Pồ nằm sát bên hồ, trước cổng chùa có cây táo rất to. Vào mùa táo chín, lũ chim thường bay về đây ăn quả. Chúng không ăn cả quả, mà mỗi quả chỉ cắn, chỉ mổ một vài miếng ở gần cuống, thành ra cái chùa này còn có tên gọi là Chùa táo cắn dở.
Trụ trì của chùa Áp Pồ là hòa thượng Thích Ai Phôn, tuổi khoảng ngoài ngũ tuần. Tuy đi tu nhưng thầy vẫn hứng thú với bụi trần, ngày vẫn phải lướt và post status trên Phây ít nhất 5 lần, nếu không được vậy thì trông thầy lúc nào cũng bẩn thẩn bần thần, tẩn ngẩn tần ngần.
Sáng nay cũng thế, thầy cũng đang bần thần lang thang trong sân chùa thì có một chú tiểu từ cổng chạy vội vào...
– Bẩm thầy, có khách ạ!
– Ai vậy?
– Dạ! Là trụ trì Thích Galaxy của chùa SamSung!
– Bảo lão ấy vào đi!
Khách vào, sư thầy mời khách ngồi xuống chiếc bàn đá xinh xắn bên gốc cây chuối mắn ở góc sân, rồi rót trà vào tách thật đầy, vừa nói vừa đẩy tách trà về phía khách:
– Cơn gió nào đưa ông tới đây?
– À, tôi đi mua con Galaxy S5 nên tiện ghé vào thăm ông. Mà độ này ông bận, hay yếu người mà ít thấy ông post ảnh với status lên Phây thế?
– WiFi chậm! Post một cái ảnh lên phải chờ cả nửa tiếng, mà mỗi lần post là tôi cứ phải post cả chục cái mới đã, thành ra mất toi nửa ngày! Đúng là WiFi chùa mà! Nản!
– Không phải đâu ông! Mạng chậm là do cá mập cắn đứt cáp quang ở biển Đông đấy! Thấy bảo sắp nối lại được rồi. Ông đọc pass tôi vào thử xem nó chậm đến mức nào!
– Không có pass!
– Ông cứ đùa, tôi kết nối nó đang đòi pass đây này!
– Đã bảo là không có pass mà! "Không có pass", viết thường, viết liền, không dấu!
– Rồi, vào được đây rồi! Nhanh vù vù, có chậm tí nào đâu! Điện thoại của ông đểu rồi! Mua cái mới đi thôi!
Câu nói đầy khiêu khích ấy của gã trụ trì Thích Galaxy khiến thầy Thích Ai Phôn thấy không vui trong lòng. Đợi khách về, thầy lập tức gọi chú tiểu vào:
– Có tiền không? Cho ta vay mua Ai Phôn 6. Cuối tháng mở hòm công đức ta trả.
– Con làm gì có! Thầy vừa mở hòm công đức tuần trước xong mà giờ đã hết rồi sao?
– Ngươi không thấy mấy hôm rồi ta phải vào viện chăm người ốm suốt hay sao? Tiền thuốc men, thăm nuôi, đi lại, tốn kém lắm!
– Ai nằm viện mà thầy phải vất vả vậy ạ?
– Là người yêu cũ của ta! Bà ấy bị vỡ thành tử cung, hậu quả của việc nạo hút thai nhiều!
– Là người yêu cũ thôi mà, sao thầy phải vất vả thế làm gì?
– Ngươi nói vậy là sai rồi! Chúng ta là người tu hành, sống phải có tình, có nghĩa, có trước, có sau! Hơn nữa, căn bệnh của bà ấy hiện tại cũng bởi do ta mà nên. Thành ra, ta lại càng không thể bỏ mặc. Thế tóm lại là ngươi không có tiền thật à?
– Dạ vâng! Nhưng thầy lo gì, cuối tuần này thầy có lịch cúng cho mẹ con mụ béo đầu làng, lúc ấy, cả tiền cúng lễ, tiền công đức, thầy mua mấy Ai Phôn chả đủ!
– Nhưng tối mai là Ai Phôn 6 về Việt Nam rồi, ta muốn là người đầu tiên đập hộp Ai Phôn 6 ở Việt Nam cơ!
– Sao lại phải là người đầu tiên? Mua chậm vài ngày cũng vẫn thế mà!
– Ngươi đi chơi gái bao giờ chưa? Ngươi có bao giờ tự hỏi tại sao vẫn là con bé ấy nhưng người khách đầu tiên thì phải trả 5 triệu, còn những thằng sau đó chỉ phải trả 5 trăm thôi không? Mà thôi, nói với ngươi chỉ tổ phí lời! Gọi cho mẹ con mụ béo, bảo là sáng mai làm lễ luôn, khỏi phải đợi đến cuối tuần nữa!
– Vậy sao được ạ! Hôm trước thầy đã bảo chỉ có ngày đó mới tốt, mới cúng được, giờ thầy lại đổi ngày. Mà mai là ngày cực xấu thầy ạ!
– Nói bậy! Mai là ngày ta được đập hộp Ai Phôn, làm sao mà là ngày xấu được!
Đúng 8 giờ sáng hôm sau, mẹ con mụ béo đã lỉnh kỉnh mang đồ cúng xếp ngổn ngang ở sân chùa. Chồng mụ béo chết cách đây mấy tháng, nhưng độ này hay hiện về quậy phá khiến vợ con sống không yên, thế nên mụ béo mới nhờ thầy làm lễ giúp. Sau mấy giờ đồng hồ liên tục khấn vái, tụng kinh, gõ mõ, khói hương nghi ngút, buổi lễ cũng đã thành công tốt đẹp. Vì thời gian làm lễ khá lâu nên thầy có vẻ hơi mỏi, cúng xong là thầy ngồi ịch xuống cái kệ đá trước cửa điện, lấy vạt áo nâu lau những dòng mồ hôi đang đua nhau chảy trên mặt, trên cổ thầy nhằng nhịt, ngoằn ngoèo. Giọng của mụ béo cất lên từ phía sau lưng khiến thầy giật mình...
– Dạ! Đây là tiền công làm lễ! Còn đây là tiền công đức cho chùa, con gửi thầy ạ!
– Ừ! Thầy xin!
Thầy nhận tiền rồi sai chú tiểu phụ giúp mẹ con mụ béo dọn lễ, mang vàng mã ra góc chùa để hóa. Nhân lúc chỉ có hai thầy trò, chú tiểu mới hỏi thầy, kèm theo nụ cười bí hiểm:
– Đủ tiền rồi, vậy lát ra mua luôn chứ thầy?
– Chưa! Ta vừa gọi điện hỏi rồi, nó bảo sớm nhất là 6 giờ chiều nay mới có!
Nói rồi, thầy cũng giúp một tay cùng chú tiểu khênh cái mâm vàng mã ra chỗ mẹ con mụ béo. Lúc này thầy mới để ý là trên cái mâm vàng mã còn có mấy cái hộp giấy hình chữ nhật, dài dài, nhỏ nhỏ, nhìn y hệt điện thoại. Thầy lấy làm lạ lắm, liền hỏi mụ béo:
– Con đốt cả điện thoại cho chồng à?
– Dạ vâng! Ai Phôn đấy thầy ạ! Lão chồng con hồi sống thích Ai Phôn, giờ chết rồi hiện hồn về chẳng hỏi thăm vợ con được câu gì, chỉ túm cổ con rồi mồm gào lên "Ai Phôn! Ai Phôn!". Con mà không đốt cho lão ấy thì chắc lão ấy không chịu để con yên! Mà đốt bây giờ thì liệu khi nào chồng con ở dưới đó sẽ nhận được thầy nhỉ?
– Sớm nhất là 6 giờ chiều nay, con ạ!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
CÔ LÁI ĐÒ BẾN HẠ
Làng này có hai cái bến: bến Thượng và bến Hạ. Hai bến đều ở đoạn ngã ba, cỏ mọc rậm rạp um tùm. Dẫu đò bến Thượng to hơn, cứng hơn, dài hơn, cong hơn,
còn đò bến Hạ thì nhỏ hơn, mềm hơn, nhũn hơn, nhưng khách vẫn không thích đi đò bến Thượng, bởi lái đò ở bến Thượng là một mụ béo như con tượng, tính tình dở dở ương ương, mồm rộng ngoác như cái loa phát thanh của phường, mặt sần sùi toàn những mụn đầu trắng, tấy sưng, to bằng hạt đậu tương. Tóm lại là nhìn không dễ thương. Trong khi cô lái đò ở bến Hạ thì ngược lại: khuôn mặt trái xoan, vóc dáng nhẹ nhàng, giọng nói dịu dàng, đặc biệt là mái tóc dài óng ả, lúc nào cũng buông xõa, bay bay bềnh bồng trong gió sông chiều mênh mang.
Việc khách thích đi đò bến Hạ hơn cũng là điều dễ hiểu. Ví như bạn mơ mình lạc vào một hoang đảo, bạn thấy một cô gái rất xinh đẹp, bạn đuổi theo cô ấy mấy vòng quanh bãi cát; và ví như bạn cũng mơ mình lạc vào một hoang đảo, nhưng bạn lại thấy một con tinh tinh, nó nhe răng, giơ móng chồm tới rồi đuổi theo bạn, bạn cũng chạy mấy vòng quanh bãi cát. Vậy bạn thích giấc mơ nào hơn, dù cả hai trường hợp này về bản chất là giống nhau, bởi bạn đều phải chạy mấy vòng quanh bãi cát, đều mất sức, đều vã mồ hôi?
Việc qua đò cũng thế, bến Thượng hay bến Hạ thì cũng đều ngồi lên đò và qua sông, nhưng rõ ràng: xúc cảm và hứng thú là khác nhau. Mà người đời thì sống nặng về xúc cảm: một ánh mắt tình tứ, lả lơi của một ả đàn bà xa lạ cũng có thể khiến một gã đàn ông thao thức mất ngủ mấy đêm ròng; một nụ cười của người con gái mình đang theo đuổi cũng có thể khiến chàng trai thấy như nắng hửng trong lòng dẫu rằng anh ta đã đứng dầm mưa đợi nàng từ chập tối. Đấy không phải là xúc cảm thì là gì? Và nhất là mấy cậu thanh niên trẻ trung, đang giai đoạn cần tìm vợ, kiếm người yêu, thì cái thứ xúc cảm ấy nó lại đương đạt độ căng tràn, dào dạt nhất.
Bởi vậy, con đò bến Hạ hiếm khi được ngơi nghỉ, chưa cập bến này thì đã có khách đợi ở bến kia. Trong khi đó, cái đò bến Thượng thì cứ nằm chỏng chơ, bơ vơ, ngày cùng lắm được một hai chuyến, mà chủ yếu là chở lợn, chở gà, hoặc gạch ngói, đất cát, những thứ mà đò bến Hạ không bao giờ nhận chở.
Cô lái đò bến Hạ năm nay tròn mười tám tuổi, cái tuổi mà cứ bước ra đường là có chim theo, ong đuổi. Đã vậy cô lại còn xinh đẹp, chăm chỉ, dịu hiền, thành ra những kẻ sẵn sàng quỳ gối cả ngày trời chỉ để một lần được nhìn thấy cô mỉm cười, những kẻ muốn đêm đêm được cùng cô đầu ấp tay gối, cùng cô đi đến hết cuộc đời thì có xếp hàng chém cả ngày không hết, bởi chúng nhiều như gió trên trời, và sum suê như những ngọn thài lài mọc hoang trên bãi, nơi đàn chó trong làng này, và mấy làng lân cận thường hay ra đấy tụ tập, vui chơi.
Khách đò cũng là người đời, mà người đời thì đủ loại, có tốt, có xấu, có người đứng đắn, và cũng không ít kẻ ong ve. Nhưng kệ, họ trêu gì, tán tỉnh, lả lơi gì, thì cô cũng chỉ gượng cười, quay mặt về phía cuối sông thẹn thùng, e lệ, chẳng mở lòng, cũng chẳng nồng nhiệt với ai bao giờ. Không hiểu vì lo không có ai chăm sóc bố mẹ già, hay vì ước mơ, khát khao của cuộc đời còn xa, còn chưa thỏa, nên cô vẫn chẳng màng đến chữ "yêu", vẫn khép chặt cửa lòng, mặc cho bên ngoài bao kẻ kêu gào, bao chàng đeo đuổi, liêu xiêu.
Còn nhớ hôm ấy, một buổi chiều với ánh hoàng hôn nhuộm hồng bến sông, với những cánh chim chiều chảng vảng quay về nơi tổ ấm, một chàng lãng tử với mái tóc dài bồng bềnh bước xuống đò. Ánh mắt chàng làm cô lái đò bối rối, bởi nó có chút gì hoang dại và cháy bỏng. Chàng chẳng nói gì, cứ nhìn cô say đắm mãi. Cho đến tận khi con đò đã ra tới giữa dòng, mới nghe chàng ngập ngừng cất giọng:
– Cả chiều qua, ta đã đứng ở bến sông ngắm nàng. Hôm nay ta qua đò, cũng chỉ cốt được nói chuyện với nàng, chứ thực ra ta không có nhu cầu qua sông làm gì cả!
– Dạ! Chàng có nhu cầu hay không em không quan tâm. Chỉ cần chàng trả tiền cho em đầy đủ là được rồi!
– Tất nhiên ta sẽ trả! Mà đang nói chuyện lãng mạn, sao nàng lại nhắc đến chuyện tiền bạc tầm thường ấy ở đây?
– Tại trước cũng có mấy thằng giống chàng, đi đò xong không trả tiền, lấy lý do rằng chúng chẳng có việc gì cần qua sông cả, nếu thích cứ việc chở chúng quay trở lại chỗ cũ, coi như chúng chưa lên đò...
– Trông ta giống mấy thằng mất dạy ấy sao?
– Dạ! Tóc thì không giống, nhưng mặt thì hơi hơi! Vậy chàng là...?
– Ta là nhà thơ. Chiều qua, tình cờ đi qua đây và được thấy nàng, rồi cảm xúc dâng trào, ta đã viết thành thơ. Ta đọc nàng nghe nhé?
Nói rồi, chàng nhà thơ sột soạt moi tờ giấy trong túi áo ra, cất giọng ngâm nga:
"Lòng anh thấp thỏm bồn chồn
Khi em phì phạch rửa lồi bên sông
Anh vờ giả bộ như không
Chuồn sau đống gạch chổng mông lên dòm"
Đọc xong, chàng nhà thơ không nhìn vào mắt cô lái đò mà lại nhìn về tận cuối dòng sông, nơi phía thượng nguồn xa xăm, ngại ngùng như lẩn trốn ánh mắt ngưỡng mộ của cô lái.
– Bài thơ hay quá! Nhưng...
– Nhưng sao?
– Nhưng "rửa lồi" là gì hả chàng?
– Là rửa xoong lồi ấy!
– À, vậy phải là "nồi", chàng viết sai chính tả rồi!
– Thơ hay cốt ở cái tứ, cái tình, chứ chính tả thì quan trọng gì!
Rồi đò cập bến. Chàng nhà thơ nhìn cô lái đò với ánh mắt đầy lưu luyến. Chàng tiến lại gần cô, dúi vào tay cô tờ giấy có ghi bài thơ ấy:
– Tặng em đấy! Nếu em thích, mỗi ngày anh sẽ viết tặng em một bài!
Dứt lời, chàng bước lên bờ, bóng chàng khật khừ, khuất dần sau rặng tre xanh mượt dọc triền đê. Cô lái đò cũng tất tả khua chèo đưa đò quay lại bến, nơi có khách đã đứng gọi tự bao giờ. Đò ra đến giữa dòng, cô lái đò vo tròn tờ giấy trong tay rồi ném xuống sông. Mẩu giấy bập bềnh, dập dềnh trong con nước mênh mông...
Một lần khác, lại một chàng lãng tử khác xuống đò, với áo sơ mi phanh cúc đầy vẻ phong trần, mái tóc vàng huơ nhuộm màu nắng gió, cặp lông mày rậm làm sâu thêm đôi mắt chàng đắm đuối, đa tình. Cô lái đò đoán rằng anh chàng này là họa sĩ, bởi anh mang theo bên mình một cái túi với bút vẽ, màu vẽ thò ra lổm nhổm, nhuôm nhem, thêm cả cuộn giấy vẽ tròn tròn, dài dài, vắt qua vai, nhìn như Tôn Ngộ Không đang đeo gậy như ý.
Chàng họa sĩ chẳng nói gì, chỉ ngồi im lìm ngắm những con sóng lăn tăn trên mặt nước êm đềm. Đò ra đến giữa dòng, chàng họa sĩ mới lôi từ trong túi ra một bức tranh.
– Tặng em đấy!
– Cảm ơn anh! Bức tranh này tên là gì vậy ạ?
– "Chú chim chiền chiện nhảy nhót trên cây ớt chỉ thiên".
– Tên dài thế anh?
– Dài thì mới diễn tả hết ý nghĩa của bức tranh em ạ!
– Chim đâu anh?
– Chim đây!
– Chim bé thế? Em nhìn cứ tưởng quả ớt!
– Em đừng chủ quan! Ớt nhỏ nhưng rất cay, chim bé nhưng rất hay!
Và rồi đò cập bến, chàng họa sĩ, tuy chân đã lên bờ mà giọng thì vẫn quyến luyến, ngẩn ngơ:
– Nếu em thích, mỗi hôm anh sẽ vẽ tặng em một bức!
Cô lái đò không nói gì, lặng lẽ khua chèo quay ngược về bờ kia đón khách. Ra đến giữa dòng, cô vo tròn bức tranh rồi ném xuống sông. Bức tranh bập bềnh, dập dềnh trong con nước mênh mông...
Một lần khác, lại một chàng nghệ sĩ khác, tay xách đàn ghita, tay vuốt áng tóc bồng bềnh trước mặt lòa xòa, rồi dong dả bước xuống đò. Và lại là cái ánh mắt đa tình nhìn cô đắm đuối. Có phải những người nghệ sĩ, khi nhìn gái, mắt thằng nào cũng thế?
Người đời cứ nghĩ rằng nghệ sĩ phải là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ... Không phải thế! Chỉ cần biết yêu cái đẹp thì đã có thể gọi là nghệ sĩ rồi! Vậy nên, những thằng đàn ông mê gái đẹp không phải là xấu, không phải dê, mà họ là nghệ sĩ. Nếu xét trên tiêu chí này, thì bây giờ phi xe ra ngõ không cẩn thận là đâm vào nghệ sĩ, ngồi quán trà đá cũng vinh hạnh đươc ngồi cùng nghệ sĩ, và vào nhà nghỉ thì đương nhiên, gặp toàn nghệ sĩ. Tất nhiên, dù là nghệ sĩ thì cũng phải có chừng mực, phải biết kiềm chế, chứ đừng để phải hầu tòa, phải vào tù về tội hiếp dâm, quấy rối chị em, vậy nó hổ danh người nghệ sĩ lắm!
Quay trở lại với chàng nghệ sĩ xách ghita qua đò hôm ấy. Chàng lên đò thì cũng ngồi im, quay mặt về phía cô lái đò rồi ngắm nàng đắm đuối. Lúc ra đến giữa dòng, chàng nghệ sĩ ôm đàn, giọng dịu dàng:
– Anh hát tặng em một bài nhé?
Nói rồi, chàng múa những ngón tay điêu luyện trên cây đàn. Tay trái chàng vuốt ve, day day, ấn ấn, tay phải chàng móc, chàng gẩy liên hồi, khiến từng nốt nhạc nẩy lên, nồng nàn, da diết, rồi giọng hát chàng cất lên tha thiết...
"Nắng Sài Gòn, em đi mà chợt mát. Bởi vì em, mặc áo lòi cả ti. Anh vẫn yêu, kiểu áo ấy vô cùng. Anh rất yêu, loại áo ấy em ơi..."
Trên con sông chiều mênh mang êm mát, tiếng hát trong vắt, và tiếng đàn réo rắt của chàng nghệ sĩ dường như quyện vào nhau, theo sóng, theo gió bay cao và vang xa mãi. Nhưng rồi đò vẫn phải cập bến, và chàng nghệ sĩ lại bịn rịn, không nỡ bước lên bờ. Chàng bỏ lại cây đàn trên thuyền, giọng đầy xao xuyến:
– Tặng em cây đàn, nếu em muốn, ngày nào anh cũng qua đây hát cho em nghe!
Cô lái đò ngượng ngùng khua chèo, con đò lững lờ rời bến bỏ lại chàng trai trên bờ xao xác, ngẩn ngơ. Ra đến giữa dòng, cô lái đò quẳng cái đàn xuống sông. Chiếc đàn bập bềnh, dập dềnh trong con nước mênh mông...
Rồi một hôm, có một gã đàn ông xuống đò. Gã này chắc chắn không phải nghệ sĩ, bởi nhìn gã thô kệch, người lùn tịt, béo ục uỵch. Tay, chân, đùi, cổ gã ngân ngấn toàn thịt. Gã cũng chẳng thèm nhìn cô lái đò đắm đuối như mấy tay nghệ sĩ mà ngồi tít tận mũi đò, quay lưng lại phía cô, chẳng cười, chẳng nói, lạnh nhạt, hững hờ. Lúc đò cập bến, gã đi qua cô, rồi từ từ tháo sợi dây chuyền to như cái rễ đa ở trên cổ gã ra, dúi vào tay cô gái, giọng ai ái:
– Tặng em! Nếu em thích, mỗi ngày anh sẽ mang cho em một sợi!
Dứt lời, gã lùn đó ì ạch bước lên bờ. Cô lái đò khua chèo, con đò nghiêng ngả, tròng trành rời bến. Ra đến giữa dòng, cô lái đò vung tay quẳng sợi dây chuyền xuống sông. Nhưng cô đã kịp rụt tay lại, rồi nghĩ thầm: "Mẩu giấy, bức tranh, hay cây đàn mà quẳng xuống thì nó còn nổi bồng bềnh, chứ cái dây này mà quẳng xuống là nó chìm mất tiêu". Rồi cô cho đò về bến, nhưng không đón khách nữa mà neo đò vào cái sào tre cắm bên bờ. Hôm nay, cô lái đò nghỉ sớm.
Hôm sau, gã lùn tịt lại qua đò, hôm sau nữa lại qua, và gã giữ đúng lời hứa: mỗi hôm một sợi. Sang ngày thứ 3, lúc cập bến, không hiểu sao cô lái đò không cho đò quay về đón khách như thường lệ mà lại theo chân gã lùn tịt đó lên bờ, men theo triền đê rồi cả hai chui tọt vào chỗ mấy bụi tre rậm rạp, um tùm, bỏ mặc con đò một mình đứng đó lẻ loi, mặc cho gió sông chiều vẫn thổi vào lao xao làm rặng tre uốn éo, rì rào, và mặc cho sóng vẫn vỗ từng đợt đều đặn vào bờ ì oạp, nhóc nhách, dập dềnh...
Vậy là cũng từ hôm đó, cô lái bỏ bến theo chồng, bỏ bao chàng nghệ sĩ ngẩn ngơ, bỏ con đò hiu hắt, chỏng chơ. Sau đám cưới, cô lái cùng chồng về quê thăm cha mẹ, và phải đi qua bến Hạ. Con đò hôm nào vẫn cắm sào nằm đó bơ vơ. Gã chồng lùn tịt của cô gái thấy vậy liền bảo vợ:
– Em lại chèo đò đưa anh qua sông chứ?
– Thôi! Cái váy trắng tinh thế này, em mà chèo đò thì bẩn hết!
– Vậy mình lên bến Thượng, đi đò của mụ béo nhé?
– Đò ấy chỉ chở lợn thôi!
– Biết vậy, nhưng mình có tiền mà! Trả thêm cho mụ ấy vài đồng, chắc mụ ấy sẽ chở mình thôi!
– Ừ! Cũng phải!
Vừa nói, cô lái đò vừa men xuống bến, bẻ gục cái sào, giật tung sợi dây đang néo con đò. Rồi cô chạy lên khoác tay, gục đầu vào vai chồng, rảo bước trên triền đê thong dong. Con đò, do không còn sợi dây néo, nó tròng trành xoay vòng vòng, gió đã đưa nó ra giữa dòng, bập bềnh, dập dềnh trong con nước mênh mông...
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
CHÍ PHÈO VÀ FACEBOOK
Có lẽ hầu hết những người dùng Internet đều có ít nhất một tài khoản Facebook. Nói ít nhất là bởi nhiều người sở hữu tới vài ba cái tài khoản khác nhau. Ngay như tôi đây còn có hẳn hai cái: một dùng để đăng ảnh vợ, một dùng để đăng ảnh khỉ. Nhà tôi có nuôi một con khỉ đột, nó rất khôn và đáng yêu, tôi thường chơi đùa và chụp ảnh cho nó.
Hồi trước thì tôi chỉ có một tài khoản thôi, dùng để đăng chung cả ảnh vợ lẫn ảnh khỉ. Nhưng vì có nhiều người sau khi xem ảnh cứ hỏi "đâu là vợ mày? đâu là khỉ?", làm tôi lại mất công giải thích, rồi phải ghi chú rõ ràng dưới mỗi bức hình rằng đây là vợ tôi, đây là khỉ, thành ra rất mất thời gian và mệt người. Do vậy tôi quyết định tạo thêm một tài khoản khác cho vợ, không để vợ dùng ké tài khoản của khỉ nữa.
Tôi rất nóng tính, cứ thằng nào nói hơi khó nghe là tôi chửi, chửi xong thì tôi đánh, thành ra mấy cái tổ chức đoàn thể hay là mấy nhóm đồng niên, đồng ngũ, mấy hội sinh vật cảnh, hội bia, hội rượu đều không muốn cho tôi tham gia cùng, vì họ sợ bị chửi, bị đánh. Chẳng biết từ lúc nào tôi bị tách biệt khỏi tập thể, sống đơn độc, lủi thủi. Thế nhưng từ ngày chơi Facebook, tôi đã không còn cái cảm giác bị tập thể xa lánh nữa, bởi mỗi lần mở Facebook ra, tôi đều nhận được hàng chục thông báo kiểu như: "Thầy Tu đã mời bạn tham gia vào Hội những người phát rồ vì Ngọc Trinh"; "Đạt Một Lít đã thêm bạn vào nhóm công khai quay tay ngoài công viên"; "Trất Minh mời bạn tham gia vào Hội những người quyết giữ gìn trinh tiết cho đêm tân hôn"...
Đương nhiên là tất cả những lời mời ấy tôi đều đồng ý hết. Người ta có quý mình thì người ta mới mời, vậy mà mình lại không tham gia thì có phải là phụ lòng người ta không? Hơn nữa tham gia vào những tổ chức, đoàn thể ấy sẽ khiến cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Và cũng từ ngày có Facebook thì mỗi lần sinh nhật, tôi đều nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ bạn bè. Có những người mấy chục năm nay chả bao giờ chúc mừng thì giờ cũng chúc mừng. Thật là vui quá! Nếu không nhờ Facebook thì có lẽ tôi chết họ cũng chẳng biết chứ nói gì đến sinh nhật.
Có lần, Facebook của tôi hiện lên thông báo rằng: "Tú Bi đã thêm một ảnh có mặt vợ bạn". Tôi tò mò và thấy lạ lắm. Tú Bi là đứa nào? Vợ tôi cho nó chụp ảnh lúc nào mà nó lại đăng được cái ảnh có mặt vợ tôi? Tôi lập tức click vào để xem ảnh. Thì ra, thằng này là chủ trang trại lợn, nó đăng hình để quảng cáo lợn giống. Cái đấy cũng bình thường thôi, nhưng bực mình ở chỗ là cái ảnh ấy chụp toàn lợn, 10 con đứng thẳng hàng tăm tắp. Tôi đã nhìn kỹ mặt từng con một rồi, rõ ràng là không hề có mặt vợ tôi ở đó.
Ở đầu làng tôi có cô Ngát, là cave hết đát bị mấy tiệm mát-xa và karaoke nó cho nghỉ việc nên đành về nhà làm bánh tráng trộn bán. Hằng ngày đi bán hàng, cô Ngát vẫn trang điểm và mặc mấy bộ trang phục tươi mát mà hồi còn làm ở quán mát-xa cô ấy hay mặc. Ấy thế mà cô ấy đột nhiên nổi tiếng ầm ầm, trên Facebook xuất hiện nhan nhản các bài báo và hình ảnh của cô ấy với cái tít thật ấn tượng: "Cư dân mạng phát sốt vì hót-gơn bánh tráng trộn có khuôn mặt đần thộn". Chưa hết, vài hôm nữa lại đến lượt thằng cháu tôi nổi tiếng bởi một bài báo có cái tít: "Hót-boi 9x bán xúc xích lấy tiền tiêm chích được cư dân mạng yêu thích".
Vẫn chưa hết, hôm U19 Việt Nam đá chung kết với Nhật, mẹ vợ tôi thấy các cháu ấy đá hay quá nên quyết định gom hết tiền vàng đặt cửa Việt Nam thắng. Thế nên lúc hết trận, Việt Nam thua, bà ấy xót tiền quá khóc ngon lành ngay trên sân. Tivi quay được cảnh đó, vậy là hôm sau mẹ vợ tôi nổi tiếng luôn, họ giật tít là: "Hót-gơn béo múp khóc mắt sưng húp vì U19 Việt Nam để tuột mất cúp".
Nhưng đừng thấy vậy mà nghĩ rằng nổi tiếng là dễ nhé! Không dễ đâu! Ngay như tôi đây, hôm trước tôi xem trận khai mạc giải bóng đá nữ vô địch quốc gia giữa Phong Phú Hà Nam gặp Gang Thép Thái Nguyên. Tỉ số trận đó là bao nhiêu thì tôi không biết, chỉ biết là lúc đứng dậy đi về tôi bị vấp phải viên gạch tóe máu, tôi đau quá ngồi ôm chân khóc ngon lành. Vừa khóc tôi vừa nhìn camera và chắc mẩm quả này kiểu gì cũng được lên tivi, nhất là khi cả cái khán đài B này có mỗi mình tôi, nó không quay tôi thì còn quay ai nữa? Ấy thế mà nó không quay thật. Có lẽ tại cái số tôi chưa thể nổi tiếng.
Chắc bạn không còn lạ gì với cái cụm từ cư dân mạng. Nếu tra cụm từ này trên Google, bạn sẽ thấy hàng vạn các kết quả kiểu như: cư dân mạng phẫn nộ, cư dân mạng bất bình, cư dân mạng ném đá... Vậy suy ra, cư dân mạng là những kẻ rất nóng tính, hung hăng (nên dễ phẫn nộ, bất bình) và ưa bạo lực (nên thích ném đá). Tuy hung hăng và ưa bạo lực vậy nhưng sức khỏe của cư dân mạng không được tốt lắm, họ rất hay bị ốm, cứ vài hôm ta lại thấy "cư dân mạng phát sốt", vài hôm nữa lại "cư dân mạng phát sốt".
Nhưng không thể phủ nhận là cư dân mạng có trái tim nhân hậu và tấm lòng đồng cảm, yêu thương đồng loại vô bờ bến. Hôm trước, một thằng bạn tôi đăng cái ảnh chụp nó đang cười toe toét khi đi ngắm tuyết trên Sapa, sau lưng nó là rừng băng tuyết đẹp lung linh, trắng xóa. Vậy là lập tức nó bị cư dân mạng chửi cho té tát, nào là: "Đồ vô tâm, trong khi băng tuyết phá hoại cây cối mùa màng, trâu bò của bà con dân tộc chết hàng loạt mà mày còn chụp ảnh cười hả hê được sao?"; "Thằng vô học. Mày hãy nhìn các em nhỏ miền núi đi, co ro trong bộ quần áo rách rưới, da thịt tím bầm vì lạnh giá, vậy mà mày vẫn đứng đó tự sướng vui vẻ được à? Mày có trái tim hay không?".
Một đứa khác thì hưởng ứng phong trào dội nước đá lên đầu, nó quay clip lại rồi up lên, và cũng lập tức bị cư dân mạng chửi cho, nào là: "trong khi người dân châu Phi đang thiếu nước sạch, phải múc nước cống rãnh lên để ăn thì mày lại đem dội nước lên đầu à?"; "Mày có biết ở Tây Nguyên, những khu vườn cà phê của bà con đang nứt nẻ, đang chết khô vì hạn hán, vì nắng cháy không? Vậy mà mày nỡ cầm xô nước ấy dội lên đầu mày sao? Bố mẹ mày thật vô phúc sinh ra một đứa như mày".
Ngay như tôi đây cũng đã từng bị cư dân mạng chửi. Là vì lần ấy tôi ăn tiết canh bị tiêu chảy, ngồi cả buổi trong nhà vệ sinh nên buồn quá mới chụp ảnh rồi up lên Facebook. Và lập tức cư dân mạng nhảy vào chửi: "Thằng vô tâm! Mày có biết bao nhiêu người đang bị táo bón, rặn cả ngày không ra được một cục hay không? Vậy mà mày còn khoe mày bị tiêu chảy à? Mày cười trên nỗi đau của người ta à? Thằng mất dạy!".
Em trai tôi đang tán tỉnh một con bé khá xinh. Con bé này thì lại là fan cuồng của Facebook. Cái cuồng của nó thể hiện ở chỗ nó up status suốt ngày. Cứ khoảng 8h sáng là thấy nó up status: "Ôi, giờ mới ngủ dậy! Đêm qua mơ giấc mơ đẹp quá!". 10h nó up cái tiếp theo: "đi chợ đây". 12h: "ăn trưa đây". 1h: "ngủ trưa đây". 5h chiều: "ngủ trưa dậy rồi". 6h chiều: "đi tắm đây". 10h đêm: "đi ngủ đây". Và sáng hôm sau, đúng 8h, nó lại up lại y nguyên mấy cái status của hôm trước theo đúng trình tự ấy.
Có lẽ mọi người đã ngán mấy cái status của em đó quá rồi thì phải, nên chả thấy ai like hay còm-men gì cả. Thằng em tôi thấy thương quá, với lại đang tán tỉnh nhau nữa, nên mới tặc lưỡi còm-men một cái cho em ấy vui:
– "Em ngủ thì tốt rồi, nhưng còn chế độ ăn uống nên xem lại".
Con bé reply ngay:
– "Tại sao hả anh?"
– "Thì mấy hôm rồi chỉ thấy em ngủ, ăn, tắm, rồi ngủ, chưa thấy em đi ị gì cả. Mấy ngày mà không đi ị thì là dấu hiệu của táo bón đấy, không nên chủ quan em ạ!".
Sau hôm đó, tôi thấy mặt thằng em tôi buồn buồn. Hỏi thì nó bảo là con bé đó chặn nick nó rồi.
Bạn nào giận mình và chửi mình thì mình cũng chịu, nhưng mình phải nói thật thế này: Ngoài cái thằng nào đang tán tỉnh bạn ra thì trong list friend của bạn, liệu có bao nhiêu người quan tâm đến việc bạn dậy lúc nào, ngủ lúc nào, tắm lúc nào? Vậy mà tại sao các bạn cứ đập những cái đó vào mặt họ, bắt họ phải đọc? Bạn lại định nói rằng Facebook là trang cá nhân, bạn thích nói gì, thích up gì là quyền của bạn, ai không thích thì đừng đọc hả? Vậy nếu bạn có thằng hàng xóm, nửa đêm nó hát karaoke, mở loa to đùng rồi chĩa sang nhà bạn, bạn phàn nàn thì nó bảo rằng đó là nhà riêng của nó, nó thích hát thì hát, bạn không thích thì đừng nghe. Lúc đó bạn thấy sao?
Bạn lại định nói rằng Facebook khác, vì Facebook có chức năng chặn? Đúng, không thích thì cứ chặn! Nhưng nếu như vậy thì tuyệt tình quá! Mà cái việc tuyệt tình như thế thì không phải ai cũng muốn làm. Bởi khi ai đó đã chặn bạn tức là người ấy muốn nói với bạn rằng: "biến đi, đừng làm phiền tôi nữa!". Và dù là không muốn thì mình nghĩ là sớm muộn người ta cũng phải làm cái việc tuyệt tình đó khi mà sức chịu đựng của họ đã đi quá giới hạn. Còn bạn, nếu biết cái việc bạn đang làm khiến người khác khó chịu mà bạn vẫn làm thì thôi, không nói nữa, vì cái đó nó thuộc phạm trù khác rồi.
Mình nghĩ, Facebook giống như bia rượu. Uống ít, uống đủ thì vui, uống nhiều, uống quá thì thành nát, thành dặt dẹo. Và cái khó nó nằm ở chỗ: uống bao nhiêu thì gọi là đủ, là vui? Có lẽ vì vậy cho nên, cuộc đời này vẫn còn đầy những thằng Chí Phèo, nát rượu.
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
NHỮNG THẰNG CHỒNG VÔ TÂM
"Ăn cơm trước kẻng" là một vấn đề mà dù xã hội không khuyến khích thì nó vẫn tồn tại và có vẻ như ngày càng được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ. Nhưng vấn đề nào cũng thế, có người ủng hộ thì ắt có kẻ phản đối. Vậy với cái việc "Ăn cơm trước kẻng" này thì ai ủng hộ? Và ai phản đối?
Những người phản đối gay gắt nhất hẳn là những thế hệ lớn tuổi, đặc biệt là các bậc ông bà, cha mẹ có con gái, cháu gái đang ở tuổi yêu, tuổi lấy chồng. Họ phản đối là phải, bởi họ sợ. Như đứa cháu gái tôi đấy, toàn nói dối bố mẹ là sang nhà cái Thủy, nhưng rồi ngoằn ngoèo lại chui tọt vào nhà nghỉ; bảo là đi lao động ở trên trường, nhưng kỳ thực lại là lao động trên giường. Giờ, bụng nó to bằng cái rương, bố mẹ nó buồn khổ, suy sụp, nhìn rất thương!
Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ quyết liệt nhất cho vấn đề này chính là mấy cậu thanh niên. Họ bày tỏ quan điểm của mình một cách say sưa và lộ liễu, nhất là khi ở bên bạn gái trong một không gian kín đáo, riêng tư, chỉ có hai người, đặc biệt là khi bạn gái của anh ấy có dấu hiệu lưỡng lự, phân vân, chưa biết theo phe nào...
– Sao em cứ phải lăn tăn thế nhỉ? Giờ còn mấy ai quan trọng chuyện trinh tiết nữa đâu!
– Nhưng bố em bảo cơm không ăn thì gạo còn đó!
– Nói vớ vẩn! Cơm không ăn thì để nó sẽ thiu, sẽ hỏng, làm sao mà còn đó được. Gạo chỉ còn đó khi chưa nấu, chứ đã nấu rồi thì phải ăn, cũng giống như đã yêu thì phải...
– Nhưng mẹ em cấm!
– Vì ngày xưa mẹ bị ông ngoại cấm, nên giờ, mẹ cay cú mới trút giận lên em thôi. Tại sao em lại cam chịu làm cái thớt để mẹ chém trong khi ông ngoại em là con cá thì lại không bị chém? Em đừng dại dột đi vào vết xe đổ của mẹ!
– Vậy giờ em phải làm sao đây?
– Em không cần phải làm gì cả, chỉ cần nằm im thôi!
Ở trường hợp này, các cô gái, nếu không có lập trường vững vàng, thường sẽ là kẻ đứng giữa. Một bên là những lời khuyên răn, cấm cản của cha mẹ, còn một bên là những luận điểm, luận cứ hùng hồn, kết hợp với những hành động khiêu khích của bạn trai hòng lôi kéo cô gái về phía mình. Cuộc chiến này có vẻ như không được công bằng, không được cân sức cho lắm, bởi trong những lúc gay cấn nhất, những lúc mà căng thẳng được đẩy lên đến tột độ, lúc mà sự thắng thua chỉ được quyết định trong tích tắc thì bố mẹ lại không thể ở bên cạnh cô ấy để đưa ra lời khuyên bảo, chỉ có mỗi anh người yêu đang tấn công cô ấy tới tấp, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, không chỉ bằng mồm mà còn cả bằng tay chân, súng ống.
Và phần thắng hầu hết nghiêng về ai thì chắc các bạn cũng biết. Rồi khi cơm đã ăn xong, vẫn còn vài hạt vương trên mép, khi chăn chiếu đã nhàu nhĩ, ngổn ngang, thì những lời khuyên răn của cha mẹ, có thể, lúc ấy mới lại ùa về ngập ngụa trong đầu cô gái, nhưng cũng chỉ về một lát thôi, rồi nó lại bay đi ngay, bởi từ phía sau, anh chàng người yêu đã vòng cánh tay ấm áp qua cơ thể trần trụi, nguyên sơ, nóng hầm hập, thi thoảng vẫn còn run lên bần bật của cô gái, rồi ghé tai thì thầm, êm ái:
– Em lăn tăn làm gì, giờ còn mấy ai quan trọng chuyện trinh tiết nữa đâu!
"Có lẽ đúng vậy thật!" – Cô gái nghĩ thầm. Và cái suy nghĩ đó sẽ là mặc nhiên trong đầu cô gái, không khiến cô ấy thêm một lần nào phải nhớ đến nó, phải trăn trở, lăn tăn với nó nếu như người đàn ông cô ấy lấy làm chồng chính là cái người đã vòng tay ra ôm cô ấy sau cuộc chiến và thì thầm vào tai cô ấy những lời nghe thật nhẹ nhàng ấy. Thế nhưng nếu người đàn ông cô ấy sắp lấy làm chồng và cái gã đã vòng tay ra ôm cô sau cái lần đầu tiên ấy không phải là một thì sao? Thì tất nhiên, cái lăn tăn đó sẽ quay lại, không ít thì nhiều. Và ít hay nhiều sẽ phụ thuộc vào người đàn ông cô ấy sắp lấy.
Nếu chồng cô ấy có suy nghĩ giống như cái anh chàng người yêu năm xưa thì tốt rồi, chả còn gì phải lăn tăn. Nhưng nếu không giống thì sao?
Không phải cô gái nào cũng đủ can đảm hỏi chồng sắp cưới của mình rằng: "Em không còn trinh nữa, anh có muốn cưới em không?". Những cô gái đủ can đảm để hỏi câu đó thì tôi không nói tới ở đây, bởi hỏi thế thì hết chuyện rồi, hên xui, 50/50. Thế còn những cô gái không đủ can đảm để hỏi? Thì họ sẽ có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là kệ, cứ lẳng lặng lên giường với nhau, rồi tùy xem thái độ của anh ấy thế nào. Cái này cũng lại hên xui, 50/50. Lựa chọn thứ hai có độ an toàn cao hơn, nhưng tốn kém hơn, và day dứt lương tâm hơn, ấy là đi làm lại màng trinh để qua mặt chồng.
Làm lại màng trinh cũng có nhiều lựa chọn, bạn có thể mua màng trinh của Tàu để đặt vào. Loại màng này được mấy người hàng rong chào bán nhan nhản ngoài chợ giời với giá vài trăm ngàn, mua hai màng được khuyến mại thêm một màng. Cách này ưu điểm là tiết kiệm, còn nhược điểm là dễ bị rơi ra trong lúc hành sự. Chú ý, nếu phát hiện màng bị rơi ra, phải khéo léo xoay sở, che chắn, không để chồng phát hiện, rồi nhanh tay nhặt lên và giấu đi. Sau đó, lấy lý do buồn tè, đi vào nhà vệ sinh, lập tức nhét màng lại vị trí cũ, đồng thời quay ngay trở lại giường để tiếp tục nhiệm vụ, không nên để chồng đợi lâu sẽ sinh nghi ngờ.
Muốn cho chắc ăn, bạn nên nhét khoảng hai ba màng vào cùng một lần, đề phòng trường hợp cái này rơi ra thì vẫn còn cái khác ở trong đó đón tiếp. Nếu có thể, trong tiệc cưới, bạn hãy nhờ bạn bè chúc rượu cho chú rể thật say, như vậy, lúc động phòng, chồng bạn sẽ không đủ tỉnh táo mà phân biệt được thật giả. Cũng có một số chị em đã qua mặt được chồng bằng cách khéo léo chọn ngày cưới sao cho đêm tân hôn rơi đúng vào ngày "đèn đỏ", bởi vẫn có những ông chồng tin rằng nếu vợ mình ra máu càng nhiều trong lần đầu tiên thì chứng tỏ vợ mình càng còn trinh nhiều. Tuy nhiên, cách này chỉ nên áp dụng với các chị em có chu kỳ đều và ổn định, nếu chu kỳ của bạn rối loạn theo kiểu ngẫu hứng, tức là "thích thì đến, ở chơi rõ lâu, không thích thì đi, chả biết bao giờ trở lại", thì tôi khuyên bạn không bên đặt cược hạnh phúc của cuộc đời mình vào nó.
Tôi có đứa em gái kết nghĩa, rất hiền lành, nhu mì, mỗi tội mất trinh từ khi bắt đầu dậy thì. Vì vậy, khi chuẩn bị lấy chồng, nó cũng lo lắng lắm. Được cái nhà nó có điều kiện nên nó không muốn dùng màng trinh giả của Tàu mà quyết định sang Thái vá lại màng trinh đồng thời bảo dưỡng, đại tu và tân trang lại toàn bộ từ trong ra ngoài cho yên tâm. Phải công nhận là tay nghề của bọn Thái rất đỉnh, những vết tích của bao tháng ngày ăn chơi trụy lạc đã bị xóa đi tất cả, nhìn không khác gì lúc chưa bị mất. Đêm tân hôn, sau khi mọi việc đã xong xuôi, em gái kết nghĩa của tôi mới gục đầu vào vai chồng nũng nịu:
– Anh yêu! Thấy vợ mình còn trinh, anh có vui không?
– Bình thường! Giờ còn mấy ai quan trọng chuyện trinh tiết nữa đâu!
Em tôi nghe vậy thì ôm mặt khóc tu tu:
– Trời ạ! Sao không nói sớm? Làm em tốn bao nhiêu tiền của sang Thái.
Tôi còn một đứa em gái nữa. Đứa này thì ngược lại, ngoan cực kỳ, không chơi bời gì, và đêm tân hôn với chồng chính là lần đầu tiên của nó. Sau khi mọi việc đã xong xuôi, em gái tôi mới gục đầu vào vai chồng nũng nịu:
– Anh yêu! Thấy vợ mình còn trinh, anh có vui không?
– Bình thường! Giờ còn mấy ai quan trọng chuyện trinh tiết nữa đâu!
Em tôi nghe vậy thì ôm mặt khóc tu tu:
– Trời ạ! Biết vậy thì việc quái gì phải giữ gìn, cứ buông thả mà hưởng thụ cho sướng.
Vậy ra, ngoan ngoãn hay chơi bời, gìn giữ hay buông thả, còn trinh hay mất trinh, cuối cùng cũng đều giống nhau, cũng ôm mặt khóc tu tu trong đêm tân hôn. Giá lấy được người chồng đặt nặng và coi trọng chuyện trinh tiết thì đêm tân hôn, hai đứa e tôi đã không phải khóc ròng và tiếc nuối như thế. Nhưng thật buồn là chúng lại lấy phải những thằng chồng chẳng thèm quan tâm đến việc vợ mình còn trinh hay mất trinh nữa! Buồn thật!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
FAN CHÂN CHÍNH
10 giờ đêm, tôi vẫn còn lúi húi chuẩn bị đồ. Cái ba lô được nhét đầy: nào là khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, mì tôm, cả thêm mấy chai nước nữa.
Xong xuôi, tôi lại gần ban thờ tổ tiên, thắp 3 nén nhang, vái lạy thành kính. Rồi tôi quay ra chào biệt mẹ. Mẹ lặng người, mắt đỏ hoe:
– Con đi bình an và thành công. Mẹ đợi tin vui của con!
Tôi không nói gì, ôm mẹ vào lòng thật chặt thay cho lời chào và cũng là thể hiện sự quyết tâm. Tôi xách ba lô lên và đi. Mẹ tựa cửa ngóng theo. Bóng tôi nhạt nhòa, mờ dần trong ánh đèn đường vàng vọt, hắt hiu.
Các bạn đang thắc mắc là tôi đi đâu? Đi chiến trận? Hay đi công tác? Dạ không! Tôi đi mua vé xem bóng đá. Vô lý! Ai lại bán vé lúc 10 giờ đêm? Dạ không, bán vé lúc 8 giờ sáng hôm sau, nhưng tôi phải đi xếp hàng từ bây giờ, chứ nếu đợi sáng mai mới đi thì chỗ xếp hàng cũng chả có chứ chưa nói gì là mua được vé. Đội nào đá mà vé sốt thế? Chung kết World Cup hả? Dạ không, chung kết World Cup làm sao mà sốt vậy được. Là U69 Việt Nam đấy! Cái lứa U69 này được đào tạo bài bản, tập luyện cùng nhau gần 60 năm rồi, nên đá rất hay và ăn ý. Với người hâm mộ nước nhà thì đây chính là niềm tự hào, là tương lai của bóng đá Việt Nam. Tôi là một fan bóng đá chân chính, thế nên cái quyết tâm có được tấm vé xem U69 đá càng lên cao ngùn ngụt trong tôi.
Cứ sợ là mình đến sớm quá, nhưng không, đã có rất nhiều người xếp hàng từ trước tôi rất lâu, và đủ mọi thành phần: đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, người khỏe, người yếu, người mang chiếu, người ôm chăn, kẻ đang ăn, kẻ thì ngủ gà ngủ gật. Tôi cũng nhanh chóng đứng vào hàng, bắt đầu cho hành trình đợi chờ, chen lấn đầy gian nan, vất vả. Nhưng không sao, là một fan bóng đá chân chính, nhất lại là fan bóng đá chân chính ở Việt Nam, thì việc xếp hàng từ nửa đêm đến sáng là việc bắt buộc bạn phải quen, và phải chịu đựng được.
Chả mấy chốc, sau lưng tôi đã có thêm hàng nghìn người nối đuôi, không phải hàng một mà là hàng đôi, hàng ba, hàng bốn, và cũng chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ những cái hàng đó sẽ không dài thêm nữa. Người đông, xô đẩy, hơi nóng hập ra, ngột ngạt, khó chịu, kẻ dưới thúc lên, người trên ép xuống, khiến ai cũng bị kẹp chặt, bẹp dí. Nhiều lúc, tôi cảm tưởng như mình không thể thở nổi. Thế rồi mệt quá, tôi gục vào vai người đằng trước, ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Nhưng chỉ được một lát, tôi bị đánh thức bởi tiếng la hét, chửi bới om sòm bên tai:
– Lớn tướng rồi còn ỉa đùn! Cứt dính hết vào quần, vào dép người ta rồi! Thối quá! Đi rửa đít rồi thay quần đi! – Một gã đàn ông vừa quát vừa ra sức đẩy một cô gái ra khỏi hàng.
– Em không cố ý mà! Tại đang buồn, mà các anh cứ ép chặt quá nên nó mới phọt ra chứ!
Thấy cảnh đó, tự nhiên tôi cũng buồn, nhưng may sao chỉ là buồn tè. Thế nhưng dù có buồn đến mấy thì tôi cũng không dại gì mà bỏ ra ngoài giải quyết, bởi chỉ cần rời khỏi hàng là tôi sẽ mất chỗ ngay, là bao nhiêu công sức của tôi từ nửa đêm đến giờ sẽ thành công cốc hết. Nhưng không đi giải quyết thì biết làm sao bây giờ? Tôi cũng sắp són ra quần giống như cô gái kia rồi. May quá! Tôi chợt nhớ đến chai trà xanh không độ đang uống dở để trong ba lô. Tôi lấy ra, tu một hơi hết sạch rồi từ từ mở nắp, đưa xuống phía dưới, nhẹ nhàng kéo khóa quần. Cái thằng ngồi đằng trước, thấy tôi vừa uống nước thì quay lại:
– Có trà xanh không độ à? Cho xin ngụm! Khát quá!
– Ừ! Đợi tí đã!
Tôi nhắm mắt, tập trung thở dốc, xả kịch liệt vào cái vỏ chai. Xong, tôi vặn nắp lại cẩn thận rồi đưa cho thằng đó:
– Này, uống đi!
Có lẽ vì cái màu của hai thứ nước khá giống nhau nên thằng đó không nghi ngờ gì, nó đưa luôn lên mồm tu ùng ục. Khi đã thỏa cơn khát, và khi trong chai chỉ còn một ít sóng sánh thì nó mới chìa cái chai lại cho tôi:
– Này! Uống không?
– Ờ thôi, nãy tao uống đủ rồi, mày uống hết đi!
Nghe tôi nói vậy, nó lại đưa lên mồm ực nốt. Xong, thấy mặt nó hơi nhăn:
– Hình như mày mua phải hàng nhái của Tàu hay sao ấy. Thấy mùi nó nồng nồng, không thơm như cái loại tao vẫn uống.
Tôi không nói gì, gục đầu vào lưng nó tranh thủ thiếp đi cho lại sức. Nhưng thỉnh thoảng lại có cái gì cục cục vào lưng khiến tôi không thể chợp mắt được. Quay lại, thì ra là một ông cụ, tay đang cầm một chiếc dép, ông ấy cũng đang gà gật, và mỗi lần ông ấy gật thì cái dép lại đập vào lưng tôi.
– Cụ ơi! Sao cụ không để dép xuống, cứ cầm thế làm gì cho khổ?
– Để xuống là bị mất ngay! Vừa rồi, lúc chen lấn nhộn nhạo, đứa mất dạy nào nó đã lấy mất một chiếc của cụ rồi. Giờ còn một chiếc này, cụ quyết giữ, không thể để mất nốt được!
Cũng may là sau khi tôi nhắc thì cụ đã ý tứ hơn, không còn chọc dép vào lưng tôi nữa, và vì vậy tôi thiếp đi được một giấc khá dài. Nhưng đến gần sáng thì tôi lại bị đánh thức bởi tiếng chửi bới ầm ĩ của một gã đàn ông cao to, cởi trần, xăm trổ loang lổ. Người bị gã đó quát là một thanh niên khá trẻ, và hình như là đang FA. Tôi đoán là thanh niên ấy FA ngay khi tôi biết lý do của vụ cãi cọ:
– Thằng chó! Mày dám bóp zú bạn gái tao à?
– Anh ơi! Hiểu lầm mà! Tại đông người chèn ép quá, nên tay em vô tình chạm vào thôi!
Cô bạn gái của gã xăm trổ nghe vậy thì lập tức gào lên:
– Nó nói điêu đấy! Nó bóp zú em suốt từ đêm qua đến giờ chứ vô tình hồi nào?
– Nó làm bậy từ đêm qua đến giờ, sao em không bảo anh ngay mà đến giờ mới chịu nói?
– Thì em đợi xem nó có định làm thêm gì không. Nhưng suốt từ đêm qua đến tận sáng nay, nó cũng chỉ dám mon men bóp zú thôi. Em bực mình quá nên cuối cùng mới quyết định nói cho anh biết!
– Thằng chó! Tao yêu nó gần năm nay rồi còn chưa dám bóp! Thế mà mày...
Vậy là gã xăm trổ lao tới, rồi nghe tiếng "bôm bốp", "hự hự", tiếng chửi rủa, khóc lóc, van xin... Là tôi nghe thấy thôi, chứ tôi không nhìn, bởi tôi đã úp mặt vào lưng thằng ngồi trước, dần dần thiếp đi...
Cuối cùng, sau rất nhiều những chen lấn, chèn ép, giành giật mệt mỏi, sáng hôm sau, tôi đã may mắn là một trong số ít ỏi những người mua được vé. Cầm tấm vé trên tay, tôi thở phào, tự hào, trong lòng dâng lên một cảm giác sung sướng, nôn nao. Và rồi lập tức, một chị gái đội nón lụp xụp, khẩu trang kín mít chạy lại chỗ tôi.
– Bán lại vé không em? Chị trả 5 lít!
Tôi nghe vậy thì cười khẩy:
– Xin lỗi chị! Em chịu vất vả, khổ sở, chầu chực từ 10 giờ đêm qua đến giờ không phải vì tiền. Em là fan bóng đá chân chính. Chị trả 5 lít chứ có trả tiền triệu em cũng không bán!
– Triệu mốt nhé?
Lời đề nghị tiếp theo của chị ấy quả thực khiến tôi băn khoăn. Triệu mốt cơ mà! Một số tiền không hề nhỏ! Tôi mua giá gốc có 1 trăm, giờ nếu đồng ý bán sẽ lãi 1 triệu. Kể cũng bõ cho những nhọc nhằn tôi đã chịu đựng từ đêm qua tới giờ. Thực ra, tôi nghĩ lại rồi, là fan bóng đá chân chính đâu có nghĩa là phải vào sân xem. Xem qua tivi cũng vẫn là fan chân chính mà. Nếu bán cái vé này đi, tôi có thể ra quán bia vừa uống vừa xem, gọi đồ nhắm tẹt ga, chắc chỉ hết vài trăm là cùng, vẫn còn thừa tiền đút túi, lại được thảnh thơi ngồi gác chân lên bàn mà xem, chả sướng hơn là vào sân chen chúc, nóng bức, ồn ào, rồi những pha bóng hay cũng không quan sát được kỹ, không được xem quay chậm lại, cũng không được nghe anh Biên Cương bình luận. Nghĩ vậy, tôi mở giọng ngập ngừng:
– Triệu hai nhé?
– Không được đâu em ơi! Vé của em vị trí đẹp nên chị mới trả giá đó, còn mấy người khác chị mua chỉ có bảy, tám trăm thôi à! Không tin em cứ hỏi mấy người kia thì biết, họ cũng xếp hàng như em, cũng vừa bán cho chị xong.
"Thôi thì bán vậy!". Tôi tặc lưỡi! Đúng ra là tôi chưa muốn bán lắm! Bởi tôi biết, nếu để đến hôm sau mà mang ra bán trực tiếp tại cổng sân vận động thì bét nhất cũng phải được triệu rưỡi. Nhưng thôi, cò kè vài đồng bạc làm gì, coi như là ủng hộ vì sự phát triển của bóng đá nước nhà. Tôi là fan bóng đá chân chính cơ mà!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
BÍ QUYẾT GIỮ CHỒNG
Hình như dạo này chồng không còn yêu tôi như hồi mới cưới nữa. Anh ấy hay về muộn, ít mua hoa, ít mua quà, đêm ngủ cũng ít khi quay sang ôm và hôn lên má vợ dịu dàng. Tại anh chán tôi? Hay tại những lo lắng của cuộc sống thường ngày khiến anh trở nên như vậy?
Tôi cũng không biết nữa, và tôi đem những băn khoăn của mình tâm sự với chị hàng xóm, chị ấy nghe xong thì tủm tỉm cười, giọng đầy từng trải:
– Chồng chị cũng vậy đấy! Nhưng là trước đây thôi, chứ giờ thì lại ngon rồi! Mình là đàn bà, phải biết giữ chồng, phải biết cách làm cho chồng yêu mình chứ! Nếu mình không làm được việc đó thì sẽ có đứa khác nó làm đấy!
– Nói vậy tức là chị có bí quyết hả? Chỉ cho em với!
Chị hàng xóm không nói gì, chỉ lật đật mở cánh tủ, lấy ra một tờ báo, loạt soạt lật trang...
– Bí quyết đây! Em hãy làm theo hướng dẫn trong bài viết này. Đây là 4 cách giúp hâm nóng tình cảm vợ chồng. Chị đã thử và thành công.
Tôi cảm ơn rối rít rồi vồ lấy tờ báo đọc nghiến ngấu. Đúng là thứ tôi đang cần tìm thật rồi, phải áp dụng ngay thôi. Xem nào, cách thứ nhất: "Thay vì nấu cơm cho chồng như mọi ngày, hãy tạo sự bất ngờ bằng cách rủ chồng đi ăn nhà hàng. Điều đó sẽ khiến chồng bạn có cảm giác như được trở về cái thời hai người mới hẹn hò, tán tỉnh. Và chắc chắn anh ấy sẽ thích mê bởi cái cảm giác tuyệt vời ấy".
Vậy là tôi dẹp hết mấy việc chợ búa, bếp núc sang một bên, hì hục lục tủ quần áo, chọn một chiếc váy trắng tinh khôi, rồi ngồi vào bàn trang điểm kẻ mắt, tô môi, hồi hộp mong chờ.
Nghe tiếng lạch cạch mở khóa, biết là chồng về, tôi chạy vụt ra cửa đợi sẵn. Chồng vừa đẩy cửa, thò mặt vào thì đã thấy tôi, trong chiếc váy tinh khôi, đứng dang rộng hai cánh tay, lộng lẫy, yêu kiều. Nhìn tôi lúc ấy giống hệt như nàng Rose khi đứng trên mũi tàu Titanic. Còn mặt chồng tôi thì hốt hoảng, sợ hãi, như mặt của cậu Vàng trong truyện Lão Hạc lúc bị bọn mua chó siết cái thòng lọng vào cổ và lôi đi.
– Cái quái gì thế này? Hết cả hồn! Rảnh sao không dọn cơm ra sẵn đi, còn bày trò dọa ma?!
– Hôm nay em không nấu cơm, mình đi ăn tiệm nhé?
– Tiền đâu? Tiền đâu mà đi ăn tiệm? Tiền nhà tháng này còn chưa đóng. Cuối tuần về quê bốc mộ rồi xây mộ mới cho ông nội cũng phải góp vài trăm, chưa biết xoay đâu ra đây này. Chưa nấu cơm mà còn đứng đấy à? Ra đầu ngõ mua mấy gói mì tôm về ăn tạm đi, định để chồng chết đói sao? Mà khoan, thay cái váy ra đã, mặc cái đó, người ta tưởng con điên, không ai bán cho đâu!
Vậy là cách 1 đã thất bại rồi. Nhưng không sao, vẫn còn 3 cách nữa cơ mà. Để xem, cách 2 là gì nào: "Theo thời gian, chuyện chăn gối sẽ trở nên nhạt dần, thay vì tắt đèn và hì hụi làm trong bóng đêm, sao bạn không thử cùng chồng làm chuyện đó dưới ánh nến lung linh nhỉ? Sẽ rất tuyệt đấy! Chắc chắn vợ chồng bạn sẽ có những phút giây thăng hoa tột đỉnh".
Cách này đúng là tiện hơn. Nến thì hôm rằm tháng bảy cúng cô hồn vẫn còn thừa cả chục cây, khỏi phải mua, khỏi tốn tiền, và vì thế, chồng tôi hẳn sẽ chẳng có lí do mà cằn nhằn.
Vì còn giận chuyện lúc tối, nên khi đi ngủ, chồng không thèm ôm tôi mà nằm úp mặt vào tường, quay lưng lại phía tôi. Nhưng có lẽ tại ăn mì tôm nóng ruột, nên anh ấy cứ trằn trọc, trở mình liên tục. Tôi thì đang rất sốt ruột muốn tiến hành cách thứ 2, nên từ từ xích gần lại, nhẹ nhàng vòng tay ôm qua ngực chồng, đầu rúc vào nách chồng nũng nịu làm lành:
– Sao lúc tối anh mắng em ghê thế? Em chỉ muốn thay đổi tí cho nó có không khí thôi mà!
– Anh biết là em muốn thay đổi không khí, nhưng đợt này nhà mình đang bí! Thôi, đợi khi nào có tiền, anh đưa em đi ăn tiệm, nhé? – Chồng vuốt tóc tôi, giọng dịu dàng.
– Ừ! Ăn tiệm thì để sau cũng được, nhưng bây giờ, anh phải đền cho em!
– Đền gì?
– Không nói! Hì hì!
Tôi cười rồi luồn tay vào áo chồng mơn mê, khua khoắng. Chồng tôi có thể ngu ngơ trong làm ăn, ngờ nghệch trong giao tiếp, thế nhưng cái khoản này thì chồng tôi nhanh lắm. Lập tức anh vòng tay ôm ghì lấy tôi, quăng ngửa tôi xuống, rồi hăm hở leo lên. Tôi, dẫu mắt đã nhắm nghiền, người đã rạo rực, râm ran, nhưng vẫn gắng hết sức đẩy mạnh chồng ra, lồm cồm bò khỏi giường...
– Sao thế em? – Giọng chồng tôi ngỡ ngàng.
– Đợi tí! Em thắp nến!
Tôi mở ngăn kéo, lấy ra cái túi nến. Thế nhưng cái bật lửa thì tìm mãi không thấy đâu.
– Hồi nãy anh lấy bật lửa ở đây hút thuốc hả? Sao không để lại chỗ cũ?
– Hết ga, anh vứt vào thùng rác rồi!
– Bực thật! Đợi tí, em sang nhà hàng xóm mượn.
Sau một hồi kì kịch, cuối cùng tôi cũng đã thắp nến xong. Nhìn những ngọn nến xếp thành hình trái tim đang phập phồng tỏa thứ ánh sáng dìu dịu, lung linh, tôi thấy hân hoan vô cùng. Rồi tôi nhảy tót lên giường, lả lơi hôn đánh chụt vào má chồng. Thế nhưng, chồng tôi chả ý kiến gì, vẫn nằm quay lưng ra, úp mặt vào tường...
– Này! Ngủ đấy à? Dậy đi! Em thắp nến xong rồi!
Mặc cho tôi lay gọi, chồng vẫn ngáy o o, ngủ khò khò như một con bò. Vậy là cách hai lại không thành công.
Sáng hôm sau, trong lúc chồng đang đánh răng rửa mặt, tôi lại lôi tờ báo đó ra và nghiên cứu cách thứ 3. Cách thứ 3 dạy rằng: "Đôi khi, những bất ngờ nho nhỏ lại khiến chồng bạn phải lâng lâng, mỉm cười, đê mê, âm ỉ. Hãy vòng tay bất ngờ ôm chồng từ sau lưng lúc chồng đang đánh răng, hoặc hôn một cái vu vơ lên má chồng khi chồng đang sửa ống nước, chỉ cần thế thôi, anh ấy sẽ ngây ngất cả ngày".
Hay! Cách này đơn giản mà hiệu quả lại cao. Cũng vừa đúng lúc chồng đang đánh răng, phải tiến hành ngay mới được. Vậy là tôi đẩy cửa nhà tắm, nhè nhẹ bước vào. Chồng tôi đã đánh răng xong rồi, đang ngồi ị trên bồn cầu. Không sao, vẫn tiến hành được, vì cái quan trọng là yếu tố bất ngờ thôi, chứ còn đánh răng hay ngồi ị cũng có khác gì nhau đâu. Tôi giả bộ đi vòng ra phía sau bồn cầu, cầm cái cây bàn chải cọ đi cọ lại, vờ như đang vệ sinh cái bệ xí, rồi bất ngờ tôi ôm choàng lấy vai chồng, thơm lên má chồng một cái thật tình tứ. Tưởng là thơm xong, chồng sẽ mỉm cười, ôm tôi vào lòng, ngập tràn hạnh phúc, nhưng không, mặt chồng tôi nhăn mặt lại với vẻ rất khó chịu và đau đớn. Bực mình và thất vọng quá, tôi gào lên giận dỗi:
– Anh vừa phải thôi chứ! Được vợ hôn mà cái mặt anh nhăn lại như bị chó dại cắn thế à?
– Không phải thế! Anh đang bị táo bón. Có mỗi cái cục thập thò mà rặn suốt nãy đến giờ nó không chịu ra. Rát quá!
Cách thứ 3 cũng lại thất bại. Tôi bắt đầu thấy không tin vào mấy cái bí quyết này rồi. Nhưng thôi, còn cách cuối cùng, áp dụng nốt xem sao. Biết đâu cách 4 này lại thành công rực rỡ? Và tôi lại với lấy tờ báo, đăm chiêu nghiên cứu. Cách 4 viết rằng: "Bạn đừng nghĩ đã là vợ chồng rồi thì không cần phải nói với nhau những lời ngọt ngào, tình cảm. Càng là vợ chồng thì lại càng cần những lời âu yếm đó. Hãy nhắn cho chồng một tin nhắn thật lãng mạn, chan chứa yêu thương, chắc chắn tim anh ấy sẽ run lên vì hạnh phúc".
Tưởng gì, cách này còn dễ hơn cả mấy cách trước. Tôi vồ lấy điện thoại, ngón tay lướt trên phím nhoay nhoáy: "Anh yêu à! Cho dù một ngày nào đó biển có cạn khô, núi có mòn, non có lở, những áng mây trên trời ngừng bay, những con suối trong rừng ngừng chảy, thì em vẫn mãi yêu anh, yêu anh hơn tất thảy, thì mỗi lần được bên anh, được anh vỗ về, ôm siết trong vòng tay là mỗi lần trời đất cuồng quay, là mỗi lần tim em run rẩy và toàn thân em tan chảy. Em có một ước ao, em có một khát khao, là suốt đời này mình mãi mãi bên nhau".
Xong! Tôi đọc lại tin nhắn mình vừa soạn, gật gù với vẻ hài lòng, rồi gửi cho chồng. Tuy không được ở bên để tận mắt chứng kiến xem cái tin nhắn này sẽ khiến chồng tôi ngất ngây và hạnh phúc đến chừng nào, nhưng tôi tin chắc rằng cả ngày hôm nay, chồng tôi sẽ lâng lâng như ở trên mây, rồi ngóng chờ từng phút, từng giây để được về nhà, được ở bên tôi, được yêu tôi. Quả đúng vậy thật, chỉ khoảng 30 phút sau, đã thấy chồng tôi về nhà, mặt hằm hằm:
– Tin nhắn này là thế nào? Cô nhắn cho thằng nào hả? Bình thường nhắn cho chồng thì cộc lốc, cụt ngủn, vậy mà nhắn cho giai thì ngọt ngào, lả lơi thế! Nếu cô không gửi nhầm sang số của tôi thì không biết đến bao giờ tôi mới nhận ra bộ mặt thật của cô? Đồ lẳng lơ!
– Ơ! Không! Em nhắn cho anh mà! Anh đừng...
– Này thì đừng này! Bốp! Bốp!
Không để cho tôi nói hết câu, chồng tôi lao đến tát vào mặt tôi tới tấp. Anh ấy tát nhiều và nhanh đến nỗi chẳng để cho tôi khoảng trống nào mà mở mồm ra giải thích. Tất nhiên, cuối cùng, sau khi tôi đưa cái tờ báo với 4 bí quyết quý báu ấy ra thì chồng tôi cũng phải tin. Nhưng lúc anh tin cũng là lúc mồm tôi đã sưng vều, tím bầm, rươm rướm máu, hai cái răng lung lay khiến tôi không ăn được cơm mà phải húp cháo. Thấy tôi như thế, chị hàng xóm sốt sắng hỏi thăm:
– Mồm miệng sao vậy? Lại còn ăn cháo nữa?
– Dạ! Em bị ngã thôi, không sao đâu ạ!
– Ừ, mà này, chị mang cho em mượn tờ báo này, nó có bài hướng dẫn 10 cách giúp hâm nóng tình cảm vợ chồng, hay và hiệu quả hơn 4 cách trước nhiều đấy. Em thử áp dụng xem.
– Dạ thôi! 4 cách là đủ rồi ạ! Em húp cháo thế này là được rồi, chứ 10 cách chắc phải vào viện truyền nước, tốn kém lắm!
Đây là video của truyện được chuyển thành phim trên vtv3:
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
MÙI
Không biết từ khi nào và vì đâu, cái máu văn chương đã ngấm vào tôi. Liệu có phải từ khi tôi còn nằm nôi đã được nghe những câu ca dao, những lời ru ngọt ngào của mẹ?
Hay từ những buổi chiều hè mây trắng dật dờ trên vòm trời xanh vời vợi, với gió dìu dịu nhẹ và sáo diều chơi vơi? Hay từ những đêm trăng mênh mang, rải những sóng sánh, lóng lánh, mát rười rượi xuống dòng sông long lanh? Chả biết nữa! Chỉ biết rằng cái máu văn chương đã ngấm vào tôi. Và tôi quyết định sẽ theo nghiệp văn chương.
Tôi gửi truyện, gửi thơ của mình đến rất nhiều các nhà xuất bản, các tạp chí, nhưng chưa chỗ nào chịu đăng. Có lẽ vì văn của tôi ở một tầm cao khác so với mặt bằng chung bây giờ, nên mấy nhà xuất bản đó mới ngại không dám hợp tác? Hay vì trình độ của mấy tay biên tập ở những chỗ ấy quá nông cạn, không đủ để hiểu được giá trị nhân văn, nhân tính trong tác phẩm của tôi, nên họ đành ngậm ngùi gạt bỏ? Hoặc cũng có thể do tôi chưa gặp vận. Bởi người tài thì thường hay lận đận.
Những cái gian nan bước đầu ấy thì tôi không nản, bởi tôi biết chả sớm thì muộn, tài năng của tôi cũng sẽ được phơi bày ra dưới ánh sáng mặt trời. Cái khiến tôi e ngại nhất, ấy là nhà văn thì vẫn phải lo cái ăn, vẫn phải lấy vợ, vẫn phải chăm con. Giá như nhà văn chỉ việc viết văn, khỏi cần ăn, khỏi cần vợ con, khỏi cần trăn trở với những lo toan, thì tôi tin rằng những kiệt tác văn chương của nhân loại sẽ nhiều nhung nhúc như bầy dòi trong cái vại mắm tôm để lâu ngày quên đậy nắp, chứ đã không hiếm hoi và èo uột như bây giờ.
Và tôi đang quyết tâm tạo nên một kiệt tác để đời như thế. Đó sẽ là một cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn vượt qua mọi giới hạn địa lý, chinh phục mọi quan niệm khắt khe, cảm hóa mọi tư tưởng hà khắc và đập tan tất cả các khuôn mẫu chuẩn mực. Chuyện tình của đôi trai gái trong kiệt tác của tôi sẽ khiến cho tình yêu của Romeo và Juliet trở thành lãng xẹt; khiến sự hi sinh cao cả của Jack dành cho Rose trong phim Titanic trở nên lố bịch.
Và lúc này đây, tôi đang bắt đầu những dòng đầu tiên của kiệt tác để đời ấy. Đoạn mở đầu, tôi sẽ viết về cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng định mệnh của chàng công tử nhà giàu với cô lọ lem quê mùa lam lũ. Tôi đang băn khoăn! Không biết nên cho hai người họ gặp nhau trong một phiên chợ hoa ngày tết lất phất mưa xuân, hay là một buổi chiều thu với nắng vàng, gió hìu hiu, và lá bay xào xạc nhỉ? Xuân thì đầy sức sống, còn thu thì êm đềm. Thật là khó quá...
– Anh ơi! Anh ơi! – Tiếng vợ gọi sồn sồn làm tôi giật nảy mình.
– Gì thế? Anh đang viết văn mà!
– Tối qua anh có cho con ăn linh tinh gì không?
– Không! Mà chuyện gì?
– Sáng đến giờ con đi ỉa 3 lần rồi! Phân rất lỏng, lại có màu xanh nhạt! Rõ là bất thường. Em lo quá!
– Thì cứ theo dõi tiếp xem sao, chưa gì đã rối lên! Nhỡ đâu chiều con nó lại chuyển sang táo bón thì sao? Thôi, đưa con ra giếng rửa đít đi! Để yên cho anh sáng tác!
Tôi vẩy tay xua vợ đi ra, rồi chúi mặt vào cái máy tính, tay ngập ngừng trên bàn phím. Nên cho hai nhân vật chính gặp nhau trong hoàn cảnh nào đây nhỉ? Xuân thì đầy sức sống, còn thu thì êm đềm...
– Anh ơi! Anh ơi!
– Gì nữa thế?
– Con nó giẫy kinh quá! Mình em không rửa được. Anh ra giúp em một tay.
Tôi thở dài, đứng dậy rồi vùng vằng ra giếng. Vợ tôi úp xấp thằng bé, cặp chặt đầu nó vào nách, cho nó chổng mông lên, banh hai chân nó ra, rồi hất hàm bảo tôi:
– Anh lấy giấy ướt lau đít cho con trước đã, rồi rửa sau!
Tôi hầm hừ, nhưng cũng ngoan ngoãn làm theo. Vậy mà lại nghe vợ hét lên:
– Trời ạ! Anh phải chùi hất từ dưới lên chứ, anh chùi ngược từ trên xuống, cứt nó dính hết vào chim con rồi kìa!
Ừ thì từ trên xuống! Hì hụi, kì cụi, cuối cùng thì cũng rửa xong đít cho ông con. Tôi lại vào phòng, trở về với cuộc gặp gỡ định mệnh của công tử nhà giàu và nàng lọ lem quê mùa lam lũ. Tôi vẫn đang băn khoăn quá, cho họ gặp nhau trong hoàn cảnh nào đây? Phiên chợ hoa ngày tết lất phất mưa xuân, hay là một buổi chiều thu với nắng vàng, gió hìu hiu, và lá bay xào xạc nhỉ? Xuân thì đầy sức sống, còn thu thì êm đềm. Thôi, quyết định là gặp vào mùa xuân đi, vì mùa xuân là mùa cỏ cây nảy lộc đâm chồi, mùa vạn vật sinh sôi, tình yêu được ươm mầm vào cái tiết ấy, cái không gian ấy thì hợp lý quá còn gì. Vậy là những ngón tay tôi tiếp tục lạch chạch, lướt đi trên bàn phím...
"Chàng công tử thư sinh và bảnh bao tiến lại gần mấy chậu hoa của cô thôn nữ quê mùa với đôi má ửng hồng, e ấp, rụt rè. Chàng chọn cành hồng đẹp nhất, đưa lên mũi hít hà. Một mùi thơm man mát, ngất ngây tràn ngập và xâm chiếm tâm hồn chàng. Chàng tự hỏi mùi thơm này là ở đâu ra? Từ hoa hay từ da thịt ngọc ngà của người con gái đang đứng trước mặt ta?"
Mà đúng là có mùi thật, tôi cũng cảm thấy vậy. Một mùi rất lạ! Chẳng lẽ tôi đã nhập tâm với nhân vật đến mức cảm nhận được cả mùi hương bay ra từ cành hoa mà nhân vật đang cầm? Tôi đã đạt đến mức ấy rồi sao? Nhưng không phải! Cái mùi tôi đang ngửi thấy rõ ràng không phải mùi hoa. Tôi đưa tay lên mũi hít hà. Thôi đúng rồi! Vừa nãy chùi đít cho ông con, chưa rửa tay, vẫn còn một vệt cứt dài màu vàng nhạt loang lổ, chạy dọc theo ngón trỏ.
Tôi ra giếng, rửa tay bằng xà phòng phải đến ba bốn lần, đưa lên mũi ngửi đi, ngửi lại. Chỉ khi chắc chắn rằng cái thứ mùi ấy không còn bám lại trên tay nữa, tôi mới yên tâm trở vào phòng, tiếp tục cho cuộc gặp định mệnh của chàng công từ nhà giàu và cô thôn nữ quê mùa lam lũ. Tôi cẩn thận thế là phải, bởi văn chương nó là cảm xúc, không có cảm xúc thì viết làm sao được. Mà cứt thì đương nhiên là thứ giết chết cảm xúc một cách hiệu quả nhất!
"...Chàng chọn cành hồng đẹp nhất, đưa lên mũi hít hà. Một mùi thơm man mát, ngất ngây tràn ngập và xâm chiếm tâm hồn chàng. Chàng tự hỏi mùi thơm này là ở đâu ra? Từ hoa hay từ da thịt ngọc ngà của người con gái đang đứng trước mặt ta?"
– Anh ơi! Anh ơi!
– Cái gì nữa đây? Không biết là anh đang viết văn à?
– Em biết! Nhưng hết ga rồi, mà hết ga thì nấu nướng kiểu gì được bây giờ?
– Hết ga thì gọi ga! Đàn bà mà có mỗi cái việc đơn giản thế cũng hỏi chồng.
– Nhưng hết tiền rồi, ai người ta bán ga chịu cho mình!
– Thôi, nhóm tạm bếp than tổ ong vậy! Chiều anh sẽ đi xoay tiền.
Tôi lại vùi đầu vào cái máy tính, tay ngập ngừng, lạch chạch trên bàn phím...
"...Chàng chọn cành hồng đẹp nhất, đưa lên mũi hít hà. Một mùi thơm man mát, ngất ngây tràn ngập và xâm chiếm tâm hồn chàng. Chàng tự hỏi mùi thơm này là ở đâu ra? Từ hoa hay từ da thịt ngọc ngà của người con gái đang đứng trước mặt ta?"
Đúng là có mùi thật! Mùi khói than tổ ong khét lẹt, ngột ngạt đang xộc vào...
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
XÓM NGHÈO
Cái dãy nhà trọ này mới xây, và vợ chồng tôi là những người đầu tiên đến ở. Ít người thích thuê ở đây, bởi chỗ này hoang vắng, khuất sau vườn cây, và cạnh ngay bãi rác.
Vợ tôi có tật sợ ma, nên nhìn xóm trọ với cái khung cảnh hiu quạnh, ảm đạm như thế, bà ấy có vẻ hơi nản. Nhưng được cái giá thuê ở đây cực rẻ, hơn nữa, tôi thì làm xe ôm, vợ tôi bán nước, đều ở ngoài đường cả ngày, cái phòng cũng chỉ là chỗ để đêm mò về ngủ, quan trọng gì đâu.
Để rồi một hôm, vào khoảng quá nửa đêm, tôi đang ngủ ngon thì thấy vợ lay lay, giọng thì thào:
– Ông ơi! Phòng bên cạnh có gì lạ lắm!
– Bà chỉ vớ vẩn! Phòng đó bỏ không, đã có ai ở đâu!
– Thì thế mới lạ! Tôi vừa nghe thấy tiếng nỉ non, rỉ rê, hệt như ai đang khóc lóc, than oán ấy! Chẳng lẽ...
– Bà định nói là ma quỷ hả? Từng này tuổi đầu mà bà vẫn tin mấy thứ hoang đường đó sao? Ngủ đi!
Tưởng nói vậy thì vợ sẽ ngủ yên, ai ngờ, lại thấy bà ấy lay lay.
– Đấy, ông nghe chưa? Có đúng là tiếng người đang nỉ non không?
Tôi lồm cồm bò khỏi giường, tiến sát lại gần bức tường, áp tai nghe ngóng. Đúng thật! Có tiếng đàn bà rên rỉ, nỉ non đầy ấm ức, tấm tức, rồi cả tiếng "phành phạch, phành phạch", tiếng giường kêu "ken két ken két" vang lên rõ mồn một, rờn rợn trong đêm thanh vắng; rồi tôi lại nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, róc rách như tiếng suối, khi tỏ khi mờ, như vang tới từ một thế giới nào đó rất xa xôi. Vốn bản tính lì lợm, và chưa bao giờ tin vào chuyện ma quỷ, tôi nhẹ nhàng mở khóa, đẩy nhẹ cánh cửa và lách ra ngoài.
Gió khuya mang theo sương đêm thốc vào mặt tôi lạnh buốt. Mặc kệ! Tôi vẫn men theo bức tường, êm như một con mèo, tiến sát lại gần chỗ cửa sổ, nghía mắt vào. Dưới thứ ánh sáng mờ mờ phát ra từ cái bóng đèn ngủ bé tẹo, đỏ quạch, tôi nhìn thấy hai con ma: một ma nữ, đang mặc quần áo, một ma nam, đang đếm đếm tiền trong ví:
– Vẫn 3 lít hả?
– 3 lít là tàu nhanh, là tại vườn thôi anh. Còn đây là về phòng rồi, anh cho em xin 4 lít!
– Đây mà gọi là phòng à? Đây là cái chuồng lợn thì có!
– Vâng! Đây là chuồng lợn, em là con lợn, còn anh vừa làm tình với lợn đấy!
Gã đàn ông không nói gì, rút thêm một tờ nữa quăng xuống giường rồi hằm hằm đẩy cửa bước ra. Tôi lập tức ngồi thụp xuống, nép sát vào chân tường. Có lẽ vì trời tối, và vì đang bực bội, nên gã ấy không nhìn thấy tôi. Vậy là, cái phòng này đã có người thuê, và đó là một cô cave.
Thế rồi vài ngày sau, cô cave ấy rủ thêm mấy cô cave nữa về xóm ở cùng, rồi lại thêm mấy cô nữa. Giờ thì cả dãy không còn phòng nào trống, và cũng chẳng biết từ khi nào, nó đã trở thành xóm cave.
Thực lòng thì tôi chẳng quan tâm, bởi "nước giếng không phạm nước sông, nước sông không tấn công nước giếng", người ta làm gì cũng chả liên quan đến mình, có chăng là thỉnh thoảng nửa đêm khó ngủ chút thôi. Tôi vẫn chạy xe ôm, và vợ tôi vẫn bán nước. Tối về, có chạm mặt thì chào hỏi nhau một hai câu xã giao, chẳng suồng sã, không thân mật, và cũng chả khinh thường.
Nhưng buổi tối hôm ấy, một cô cave chạy từ ngoài ngõ vào xóm, hớt hải, hoảng hốt:
– Trốn mau, trốn mau! Dân phòng đang quây bắt ngoài vườn ươm rồi, có thể sẽ lùng vào tận đây đấy!
Vậy là luỵch uỵch, rầm rập, mấy cái phòng cave đó nhốn nháo như đàn gà quây trong vườn bị một chú chó béc-giê nhảy vào vờn đuổi. Có cô nhanh tay vơ được bộ quần áo nhét vào túi; có cô chẳng kịp mang gì, cứ vậy chạy đi; có cô đang đi vệ sinh, chưa kịp lau chùi, nghe vậy cũng lao vụt ra, vừa chạy vừa kéo quần. Và rồi sau những rầm rập, uỳnh uỵch, nhốn nháo ấy, xóm trọ, rất nhanh, lại chìm trong yên ắng.
Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị đi làm thì thấy một cô cave đứng cửa thập thò.
– Có việc gì vậy cô?
– Bác ơi! Bác giúp con được không? Tối qua, 5 đứa bạn con bị bắt giam trên phường rồi. Giờ phải có người nhà lên nộp phạt bảo lãnh thì mới được về.
– Vậy, ý cô là?
– Vâng, bác cầm tiền này lên phường, nói rằng bác là bố của các bạn ấy rồi nộp phạt giúp cháu. Còn đây là tiền công của bác. 5 người, mỗi người 200k, là một triệu.
Tôi nhận lời giúp, bởi dù gì cũng là hàng xóm, mình bỏ mặc họ thì lại có cảm giác rằng mình nhẫn tâm, tệ bạc. Hơn nữa, 1 triệu bằng cả chục ngày chạy xe ôm của tôi chứ ít gì.
Tôi tưởng các anh trên phường sẽ khó khăn và khắt khe cơ, nhưng không, các anh ấy rất dễ chịu, cởi mở. Bởi vẫn chưa có chế tài cụ thể để xử lý với những cô cave kiểu này, thành ra, bắt thì bắt, nhưng chỉ cần người ta nộp phạt theo quy định là các anh ấy lại phải thả ra thôi. Vừa ghi biên lai phạt, anh cán bộ vừa hỏi tôi bằng giọng tò mò:
– Bác là bố của 5 cô ấy à?
– Dạ vâng!
– Có vẻ như bác rất động viên và hướng các con theo nghề này?
– Dạ! Đã là nghề thì phải có năng khiếu và đam mê mới thành công được cán bộ ạ! Các con tôi có khiếu làm cave, nếu để chúng làm việc khác thì phí quá!
Sau đợt ấy, cứ một hai tháng phường lại mở một đợt truy quét, và kiểu gì cũng vài cô bị hốt và bị giam trên đó. Và đương nhiên, ông bố trách nhiệm là tôi đây lại phải lên bảo lãnh và nộp phạt cho các con về. Tiền công vẫn thế: 200k một con.
Ấy thế nhưng không hiểu đợt này phường bận gì mà phải đến ba bốn tháng nay không thấy có đợt truy quét nào. Đã vậy gần đây vợ tôi lại ốm đau liên miên, không đi bán nước được đã đành, lại còn phải lo thêm thuốc men, thành ra vợ chồng tôi đang bí lắm. Chiều tối qua, tôi đi làm về, thấy vợ nằm giường, xoa lưng nhăn nhó:
– Tôi đau quá ông ơi, không ngồi dậy nổi! Ông xem thế nào rồi đưa tôi đi khám đi!
– Từ từ! Để tôi tính!
– Lần nào ông cũng bảo từ từ, để ông tính. Ông tính đến bao giờ? Đợi tôi chết rồi ông mới đưa đi hả?
– Yên tâm! Tháng tới là tháng trọng điểm về phòng chống tệ nạn xã hội, chắc chắn sẽ có nhiều đợt truy quét. Lúc đó, tha hồ mà đi khám!
~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro